Phiếm
luận:
TIẾNG RAO HÀNG RONG XƯA
*
(Bài nầy chỉ nói trong phạm vi Thành Phố Mỹ Tho xưa,
nhưng có lẽ những nơi khác cũng không khác mấy).
Cái tựa có
vẻ hơi dư chữ “hàng rong”, vì nếu hàng không bán rong thì không ai rao cả. Lại
dư chữ “xưa”, bởi nếu bán hàng rong là phải rao, không xưa, nay gì hết! Hi hi!
Nó “dư” cũng như tiếng rao của người bán hàng rong: Nó “có kinh có kệ”, có bổng
có trầm vậy thôi: Thay vì nói: “Chè đây! Chè đây!”, thì người bán rao trong
veo, lanh lảnh có bài bản như vầy: “Ai… ăn chè… đậu đen, bột khoai, nước dừa ,
đường cát ho…o…ng?”
Hàng rong là
mặt hàng có thể là thức ăn, có thể là vật dùng trong nhà mà người bán phải mang
nó đi khắp phố cùng ngõ cụt với mọi phương tiện sẵn có của người bán: gồng
gánh, xe đẩy, xe đạp, đi bộ… và gần như liên tục rao lên cho người ta biết.
Tất nhiên,
mỗi mặt hàng thì có lời rao riêng cho mặt hàng mình, và giọng rao của mỗi chủ
nhân đều có sức thuyết phục riêng như lời rao bán chè ở trên, hay: “Ai… ăn
sương sa hột lựu, nước dừa đường cát ho…o..ng?”. Tiếng “ăn” thường bị lướt qua
đã làm lời rao càng có âm điệu hơn! Người miền Nam thật thà như đếm: Trong nồi
chè đâu đen, hay trong ly sương sa có gì, họ kể ra không sót một món!
Nói vậy chớ
có nhiều chị cũng đơn giản hóa: “Cháo cá ho…o…ng?”. Nếu chị bán cháo cá mà rao
bài bản như hai chị chè đậu đen và sương sa thì chắc phải như vầy: “Ai… ăn cháo
cá, gạo thơm, bún, hành, ngò, bột ngọt, tiêu, ớt, nước mắm ho…o…ng?”. Hihi…
Có những
giọng rao “oanh vàng” như thế, thì cũng có những giọng rao cộc lốc như dùi đục
chấm nước mắm: “Mía hấp! Mía hấp!”; “Khô bò!Khô bò!”; và chủ nhân của nó luôn
là mấy chú, mấy anh!
Có lẽ rao
hoài liên tục từ sáng tới chiều cũng mệt nên người ta sáng chế ra một âm thanh
riêng để thay thế cho lời rao của mình: Nghe tiếng chuông leng keng thì con nít
chạy ra gọi “Cà rem! Cà rem!”; Nghe tiếng xấp kéo là biết khô bò! Tiếng “cốc
cốc cốc! ...” là biết hủ tiếu gõ.
Nói vậy
không phải thứ hàng rong nào cũng nhờ âm thanh đại diện cho lời rao của mình
được; chẳng hạng tiếng rao: “Tầu phộng dang, hột pí lây” của thím xẩm đêm nào
cũng túc trực khu Vườn Hoa Lạc Hồng mấy mươi năm; hay tiếng rao “Mía hấp! Mía
hấp!” đã truyền ba đời cũng không hề thay đổi!
“Chí mà phủ…ủ”. Đó là lời rao duy nhất bằng
ngôn ngữ Tàu của thím xẩm bán chè mè đen ở khu vựa chợ Mỹ Tho.
Vào những
năm 60, chỗ ngã ba Trung Lương, xe đò từ miền Tây thường nghỉ chân nơi đây năm
mười phút, thì hàng mấy chục thức ăn thức uống rao mời liên tục, inh ỏi suốt cả
thời gian xe dừng lại: “Mận Trung Lương đây!”; “Mía ghim đây!” “Mãng cầu
đây!”….
Lại có những
hàng rong không hề rao bằng miệng, mà nhờ âm thanh rao giùm: Đó là hai miếng
tre gõ lên nhau “cốc ốc, cốc! Cốc cốc, cốc!” mỗi đêm len vào hẻm, làm người ta
liên tưởng đén những tô hủ tiếu bốc khói thơm lừng!
Nếu hiểu dễ
dãi một chút thì “hàng rong” không chỉ bao gồm những thức ăn, thức uống; mà còn
hàng bán, và “hàng” làm mướn nữa!
Một âm thanh
là lùng khó diễn tả bằng chữ viết đó là hàng chục miếng sắt (thường là bản lề) được xỏ xâu vào
nhau bằng một sợi dây chì. Chủ nhân nắm phần trên, xốc liên tục: “Rổn rổn! Rổn
rổn, rổn!...”, xen kẽ với tiếng rao: “Đấm bóp! Đấm bóp!”
“Tung tung
tung tung tung! Tung tung tung tung!...” đó là âm thanh của cái trống hai mặt;
nó thay cho lời rao của người nhuộn quần áo mướn khi ông mệt mỏi, không còn đủ
sức để: “Nhuộm hơ…ơ! Nhuộm hơ..ơ!” Nghề nhuộm quần áo dạo ngày nay đã tuyệt
chủng bởi đời sống người dân khá cao nên quần áo phai màu không còn ai nhuộm
lại.
Thêm một
nghè làm công dạo nữa là hót tóc: “Hớt tóc hô..ôn? Hớt tóc hô..ôn?”
Tầng lớp sau
nầy chắc ít ai nghe được “tiếng sáo Trương Lương”: “Tú ti tú ti tú ti….” của
những chú thiến heo! Nói là sáo, nhưng thực tế là tiêu; bởi nó được thổi từ đầu
ống trúc. Chân đạp chầm chậm, một tay cầm ghi đông xe, tay kia cầm sáo, miệng
thổi, các ngón bấm lỗ âm ba, mặt hơi hếch lên, “tù ti tú ti tú ti…”. Phong cách
nghệ sĩ chán!
Tiếng tiêu
nầy đã một thời làm trẻ em khiếp vía, bởi người lớn hù: “Ỏng bắt con nít đem
thiến!”
“Mài kéo,
mài dao! Mài kéo, mài dao!”. Đó là giọng rao đặc biệt vì lơ lớ giọng của chú
Tiều. Vai vác “con ngựa” mà trên đó đồ nghề là cục đá mài dao, một cái nùi lau
và tòn teng cái sô nhỏ đựng nước. Chú vô nghề từ khi còn trai tráng cho đến lúc
già nua.
Không phải
người bán mới rao mà người mua cũng rao; có điều giọng rao mua nó dứt khoát,
không ẻo lả, ngọt ngào như giọng rao bán: “Ve chai lông vịt, bán hôn?”. Hồi xưa
lông vịt, miểng chai cũng được thu mua (lông gà không mua, ve chai phải màu
trắng, màu khác không mua).
“Chổi lông
gà! Chổi lông gà!”; “Chiếu hô…ôn! Chiếu hô…ôn!” là những tiếng rao bán quen
thuộc.
Có giọng
rao… cà giựt nghe phát ghét: “Đồng hồ cũ, quạt máy cũ, mô tưa cũ, âm li cũ. Bán
mua!”. “Bán mua!” có nghĩa là “ai bán, tui mua”. Mất cảm tình thiệt chớ!
Hàng rong đa
dạng nên tiếng rao cũng đa dạng. Có những tiếng rao “để đời”: Đã qua sáu mươi
năm, mà lúc trà dư tửu hậu các chú bác, giờ đã qua tuổi tám mươi, vẫn còn nhắc
nhở, như giọng rao bán chè và sương sa
hột lựu mà phần đầu bài đã nói. Mấy chú bác cũng không quên nhắc giọng rao “tức
cười muốn chết” của cô bán bánh hỏi: “Ai ăn bánh hẻ ..ẻ…o…ho..o…ng?”. Vì “nó
giống “bánh hẻm” thấy mồ!”
Đã có người
hỏi: “Tại sao cà rem lai nhờ cái chuông “reng reng” rao giùm? Tai sao hủ tiếu
gõ lại chọn hai miếng tre gõ vào “cốc! cốc!”? Tại sao người nhuộm mướn lại dùng
trống hai mặt “tung, tung tung tung”?…. mà không dùng âm thanh khác? Quý vị nào biết trả lời giùm!
Ngày nay có
nhiều hàng rong không rao bằng miệng mà rao bằng máy ghi âm, loa phát ra liên
tục, vừa lớn tiếng, vừa không… mỏi miệng! Nhưng những người hoài cổ lại không
thích bằng giọng rao “truyền thống” xa xưa!
Ôi!
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên)
*
KHA TIỆM LY (Thành viên Wikipedia)
Địa chỉ:
99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2,
thành phố Mỹ
Tho, tỉnh Tiền Giang.
Email: khatiemly@gmail.com
Điện thoại: 0987.701.952
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày: 26.10.2021.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét