MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

GIẢI ‘NOBEL MINI’ GIÀNH CHO HẢI VƯƠNG THÁCH THỨC GIỚI VĂN SĨ TEM PHIẾU XỨ TA - Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

 

GIẢI ‘NOBEL MINI’ GIÀNH CHO HẢI VƯƠNG THÁCH THỨC GIỚI VĂN SĨ TEM PHIẾU XỨ TA

*

(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức)

Một sự kiện, đúng ra là một giải thưởng, đúng hơn nữa là một quỹ đầu tư cho thiên tài long trời lở đất vừa diễn ra trên bầu trời văn chương Mỹ tỏa bóng xuống sình lầy lép nhép cỏ lác lèo tèo câu vần văn chương Việt (26/09/2019). Một sự kiện quốc tế chưa từng có! Ở Việt Nam nếu Truyện Kiều và Nguyễn Du có được tôn vinh thành thi hào thì cũng chỉ là cách lần về quá khứ theo các ngăn kéo mốc meo hay hóng tai theo miệng lưỡi ngâm nga của dân gian… Đằng này khác hẳn, một cái tên nửa Anh – nửa Việt Ocean Vương, tên thuần Việt là Hải Vương đã được Mỹ Quốc, một quốc gia văn mình tiến bộ nhất thế giới, về truyền thông “thôi rồi lượm ơi!” là một đế quốc áp đảo chỉ còn thiếu vạch vòi khoe mẽ cấp tốc từng sợi lông của nhân quần… Quốc gia đó với ban giám khảo trí tuệ và hùng hậu bậc nhất – với Quỹ MacArthur vừa công bố danh sách 26 nhà khoa học và nghệ sĩ, trong đó có Hải Vương một nhà văn - nhà thơ trẻ nhất ở tuổi 30 được trao giải MacArthur Fellowship, mỗi giải thưởng trị giá 625.000 USD (tương đương 14,56 tỉ đồng).

Đây quả là một sự kiện không ngờ. Nó diễn ra như mọt phép lạ rất trái khoáy, đơn giản chỉ vì nó không diễn ra theo cách nghĩ, cách làm của người Việt chúng ta. Trước tiên, nó là cú tôn vinh cho phẩm chất văn chương và trí tuệ của người Việt chúng ta! Nhưng với tôi điều đó không nhanh và mạnh bằng, nó là một cú choáng váng, một cú sốc cho tấm vải mốc xì dày đụm của lòng hẹp hòi đố kỵ quê cáy của chúng ta.

Vâng, ít nhất là đối với tôi, tôi phải thừa nhận nó như một sám hối, để từ đó mới có lòng trong sạch bước vào bữa tiệc lời – thánh của văn chương. Mình viết văn già dơ đến đổi mầu tóc trên đầu không bằng một chàng “nhãi ranh” vừa tung tăng qua tuổi dậy thì đã ẵm ngay giải lớn của nước Mỹ với số tiền hơn 600 ngàn USD, chỉ thua giải Nobel một tẹo. Cũng vì lòng đố kỵ luôn bao bọc tôi như đập ngăn mà tôi đón nhận thông tin này một cách hờ hững cứ như thể đó là thông tin trôi chảy bình thường chứ không phải một giá trị về phẩm chất. Nhà văn Trương Văn Dân có hỏi tôi qua Facebook về việc này. Và tôi vội vàng sắp xếp tư duy để viết bài này, như thể đó là trách nhiệm của mình khi không thể làm ngơ trước sự kiện lớn của văn học dân tộc. Và cách cầm bút viết bài này là cầm ngọn giáo chọc thủng đê quai đố kỵ. Và việc đầu tiên tôi muốn viết trong bài này là lòng đố kỵ.

Cách mà giải thưởng cho Hải Vương xuất hiện thật đúng là không ngờ! Thật đúng là ván bài ngửa của định mệnh! Một cú “chơi khăm của tạo hóa”! Một cú trêu chọc và bóp mũi những thứ sáng tạo à ơi cây nhà lá vườn đang nằm vô bổ ngửa mặt đếm sao trời , và khi vì sao nhấp nháy lại láy lên một giấc mơ hái giải Nobel… Và cú xuất hiện này quái ác ở chỗ , nó làm tan tành mọi giáo án, mọi kế hoạch, mọi đầu tư, mọi ảo tưởng, mọi âm mưu kiếm tìm ưu tiên để làm sao giật giải, giải Nobel càng tốt, không thì giải xã, huyện, tỉnh… nếu không thì giải hội hè mà chúng ta cùng đóng dấu trao cho nhau khi xếp hàng đến lượt mình… cái này chúng ta sẽ trở lại sau. Giờ chúng ta hãy bàn vào sự đố kỵ của mình.

Triết gia Aristote nói: “Bất công lớn nhất là bất công về vinh quang!” Bất công về chia cá, chia thịt thì cũng chỉ là dăm lạng vài cân, nhưng về vinh quang cái giá là “mua danh ba vạn” vụt một cái người ta ăn trắng của người tài hơn mình, thậm chí cả ngàn lần, một nhát leo lên như Lý Thông cướp công Thạch Sanh, từ nông dân chân đất mắt toét trở thành phò mã lấy công chúa… Nhà thơ, nhà văn hóa Pháp Jean Cocteau có nói: “Tài năng lớn nhất là biết chấp nhận người khác!” Vì nghĩ đến câu này, mà tôi muốn ngồi vào bàn viết ngay để viết về sự kiện của Hải Vương, nếu không muốn trở thành những kẻ kết bè kết hội, đóng chặt cửa trao giải con dấu cho nhau?!

Giờ xin điểm qua về tác phẩm và giải thưởng của Hải Vương. Chỉ điểm qua thôi, vì một giá trị lớn như thế, chưa đọc kỹ thì ta không nên phán bừa mà dễ rơi vào định kiến. Trước hết Hải Vương có hai tác phẩm chính, một tiểu thuyết mang đày chất thơ và một tập thơ:

1- Tiểu thuyết: “On Earth We're Briefly Gorgeous”.Tạm dịch: Chúng ta mạnh mẽ nơi đất sống của mình.

2- Tập thơ: “Night Sky with Exit Wounds”. Tạm dịch: Bầu trời đêm muốn xóa vết thương.

Bút pháp của Hải Vương là thơ và tập tiểu thuyết mang chất thơ. Đồng thời diện mạo Hải Vương xuất hiện có đeo hoa tai vàng lòng thòng và và một khuyên tai ngọc xanh, tóm lại là nghệ sĩ âm tính nặng, thậm chí còn có cả nữ tính trong đó, và chữ nghĩa của Hải Vương chủ yếu là viết về mẹ, thợ nail không chữ, nuôi Hải Vương lớn lên, ăn học… Vì thế văn phẩm của Hải Vương theo dự báo của tôi mới chỉ thiên về cảm xúc, giầu trữ tình. Mà chưa thể mang lý trí của hiền triết?! (cái này chỉ là võ đoán bước đầu, nếu sai xin lỗi tác giả và độc giả).

Về mặt văn chương của Hải Vương chúng ta sẽ bàn sau khi sự kiện chín muồi hơn. Nhưng trước mắt chúng ta thấy được hiện thực và bài học nào bày ra trân trân ?

- Trước hết giải Hải Vương đã làm tan vỡ những ảo mộng và những ham hố tham lam vơ vét tầm thường của những kẻ cầm bút vặt vãnh. Mỗi giải thưởng ở ta, giải nhất thường là 20 triệu đồng - xấp xỉ 1000 USD, đó là hầu như các giải không có giải nhất (chỗ nhất đó phải chia cho ban giám khảo và tổ chức). Mở ra cuộc thi gạo hay gái địa phương, kết thúc giải lại bảo không có giải nhất, thì ban giám khảo lấy tiêu chí của nước nào hay vũ trụ nào. Hay đó là ăn quịt, ăn boóng, ăn theo, ăn gian? Đây là giải vừa ngu vừa gian vì ban giám khảo đã không học một điều sơ giản là: “Không có tiêu chí thì không tìm ra người thắng cuộc!” Vậy thì giải không tiêu chí chỉ là vu vơ, à uôm, mõi tiền thôi!

- Cũng kể từ đây, làm gì còn chém gió khoe mẽ gì về giải rút nữa, vì giải của người ta gấp 625 lần mình, thì còn hy vọng leo ghế hái giải làm gì?

- Nước Mỹ, biết công bố các tác phẩm và trao giải cho các tài năng. Còn ta đóng cửa hãm tài vây bọc tung hô lẫn nhau bao giờ thì bạn đọc được nhìn thấy giải?

- Đi Tàu, đi Mỹ, đi Tây thì còn giá trị gì, rồi đem giải thưởng trong nước ra khoe Âu Mỹ cũng có giá trị gì khi mà một người Việt ở Mỹ đã nhận giải thưởng gấp ngàn lần mình?!

- Hải Vương đem nỗi đau di tản của mẹ và con ra viết. Tức là đem cái CHÂN ra viết, còn mấy tác giả Việt cứ bưng tai bịt mắt viết vài cảm xúc sinh hoạt màn the trong nhà thì thành cái gì?! Một nhà văn vừa viết: “Sống thì không dám nói, nhưng lại cứ thích viết văn thơ, thì viết cái gì, cho nên chỉ có các loại câu lạc bộ thơ hưu trí ra đời” (tôi viết vội, chưa kịp tra lại theo trí nhớ, xin tác giả hay bạn nào biết ý tưởng này của ai, tôi xin sửa sau).

Còn nhiều điều lắm, nhưng tôi xin tóm lại: Chúc mừng và cám ơn tác giả trẻ Hải Vương đã tô lại khuôn mặt thiếu sắc nhợt nhạt của văn chương Việt, hơn thế là đội lên mái đầu văn chương dân tộc một vương miện quí giá nhất từ trước đến nay!

Trái lại cũng xin chia sẻ sự vỡ trận toàn thể của những giấc mộng lèo tèo câu cú trong nước, muốn leo ghế, muốn ăn giải, muốn mang giải thưởng quê cáy của mình đi du lịch đòi kiếm giải mặt trận hay ngoại giao. Triết gia Hegel nói “kiến thức du lịch (mà người Việt gọi ‘cưỡi ngựa xem hoa’) là ngu xuẩn nhất… Tất cả đã vấp phải cú sốc vỡ quẻ, không thể dùng sự ưu tiên của tem phiếu để hồi phục. Các vị có thể vào cơ quan để làm cán bộ. Nhưng đừng bao giờ nghĩ vào cơ quan để có thể được ưu tiên gắn đôi cánh thăng hoa của thi ca?! Nhìn mặt thì toàn cán bộ sao thấy thơ hay được?!

*.

Hà Nội, ngày 3 tháng 11-2021

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển

(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com

 

                                     

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 04.11.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét