NHỮNG DÒNG
CUỐI CHO
‘NGƯỜI MUÔN
NĂM CŨ’
*
- Trích từ cuốn TÂM TƯ TỔNG THỐNG
THIỆU
của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
-
Mùa
Đông năm 1976, chúng tôi bay sang London, Anh, để thăm ông bà cựu Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu. Trước khi đi, chúng tôi viết thư cho ông biết ngày giờ tới
phi trường Heathrow và số chuyến bay. Ông trả lời là sẽ có người ra đón. Tới
nơi thì vừa ra cửa đã thấy ông đứng ngay ở đó vẫy tay chào. Thật là cảm động
gặp lại ông sau hơn một năm trời và sau bao nhiêu biến cố.
Sau
khi bắt tay nhau thật chặt và trao đổi mấy lời thăm hỏi, ông tự lái xe đưa
chúng tôi về nhà. Đây là một căn nhà nho nhỏ, xinh xinh nằm ở vùng Surrey,
ngoại ô London. Một cái bảng treo trên cửa với mấy chữ khá lớn “The White
House.” Chúng tôi hỏi ông là bảng này vẫn có từ trước hay ông treo vào? Ông nói
villa bên này hay mang tên cho dễ nhận, và cái bảng này là của chủ cũ để lại.
Ông tự tay xách giúp cái valise và đưa chúng tôi lên một phòng trên lầu hai,
vặn hộp sưởi điện cho ấm, rồi dặn là nếu thấy vẫn còn lạnh thì cứ vặn thêm cái
hộp sưởi thứ hai.
Buổi
chiều hôm ấy ông nói nên đi ngủ sớm cho đỡ mệt sau chuyến bay dài từ
Washington, DC và nói là sáng hôm sau thì cứ thủng thẳng lúc nào dậy cũng được.
Sáng
hôm sau, từ trên tầng thứ hai xuống nhà, chúng tôi thấy ông đang đọc báo. Còn
bà thì loay hoay trong bếp. Chỉ mấy phút sau đã thấy hai tô hủ tiếu đúng hương
vị miền Nam và cà phê thơm phức bày trên bàn. Bà Thiệu là người Mỹ Tho mà hủ
tiếu Mỹ Tho thì ngon có tiếng.
Bà
mời chúng tôi tới ăn cho nóng. Khi hỏi sao bà không cùng ăn thì bà nói: “Tôi ăn
rồi, để cho hai ông dễ nói chuyện.” Câu nói giản dị nhưng phản ảnh thật rõ cái
lối sống của bà trong suốt thời gian 10 năm ông là người lãnh đạo của Việt Nam
Cộng Hòa. Chúng tôi không biết nhiều nhưng có cảm tưởng là bà luôn luôn xa
cách, không xen vào chính trị, vào những công việc của ông, chỉ đứng sau để lo
cho gia đình và tham gia vào công việc xã hội. Trong thời gian chúng tôi làm
việc ở Dinh Độc Lập thì ít khi thấy bà xuất hiện, kể cả khi Tổng Thống Thiệu
tiếp khách xã giao ngoại quốc.
Ngồi
xuống bàn ăn buổi sáng hôm ấy, thấy ông hết còn căng thẳng như những buổi ăn
sáng hồi Tháng Ba, Tháng Tư năm trước. Chỉ hơn một năm không gặp mà thấy ông
cũng có phần già đi, tuy phong độ vẫn còn chững chạc như ngày còn tại chức. Còn
bà thì hầu như không thay đổi. Vẫn trẻ trung, vẫn dịu dàng, nồng ấm.
Lưu
lại nhà ông bà cả tuần lễ, chúng tôi bắt đầu bằng những câu chuyện vui vui về
các món ăn bên Anh, bên Mỹ, nhiều khi không hợp khẩu vị. “Tổng thống còn nhớ
cái món ‘pín voi hầm thuốc bắc’ không,” tôi hỏi. Ông hỏi lại là tôi ăn món ấy
bao giờ? Khi tôi nhắc là ăn trong bữa tiệc mừng sinh nhật của ông cuối năm 1974
gần ven sông Sài Gòn, ông nhớ ngay và phá ra cười: “Ừ thì họ nói là pín voi chứ
tôi cũng chẳng biết là pín gì.”
Trong
bữa cơm chiều, bà Thiệu cho ăn canh chua, cá kho tộ. Năm 1976 thì ở London cũng
chưa có chợ búa Việt Nam nên bà phải cố gắng thì mới có được gia vị để nấu ăn.
Hình như là phải nhờ người từ bên Pháp gửi sang. Bà nói ông thích ăn canh chua
nấu với lá me non như mẹ ông thường nấu ở Phan Rang, nhưng “làm sao tôi tìm được
lá me non ở bên Anh.” Để làm cho ông vui, tôi gợi ý nói đến một đề tài mà ông
rất ưa thích: hải sản, làng chài và ngư nghiệp ở Việt Nam. Ông kể lại những kỷ
niệm đi câu cá ở sông Sài Gòn và đôi khi câu được cả cá thu ở ngoài Côn Sơn.
BỆNH
VIỆN VÌ DÂN
Còn
bà thì hay nói đến bệnh viện Vì Dân. Đối với bà thì đây là một niềm vui lớn và
nó còn ghi dấu ấn trong tâm trí. Đây cũng là một di sản quý hóa mà bà để lại
cho người dân, nhất là những người nghèo. Chúng tôi đã có dịp tới thăm nhà
thương này và thấy nó được xây cất theo tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị rất
hiện đại, với 400 giường bệnh. Người khám bệnh và chữa bệnh luôn được miễn phí.
Các bác sĩ, y sĩ, y tá được chọn lọc cẩn thận. Ngoài ra, lại còn những sinh
viên y, dược, xung phong làm việc từ thiện.
Bà
kể là sở dĩ nảy ra ý muốn xây một bệnh viện là vì bà hay vào nhà thương Chợ Rẫy
thăm bệnh nhân. Nhiều khi thấy hai người phải chen chúc nhau nằm trên một cái
giường nhỏ, làm bà hết sức mủi lòng. Vì vậy, ba bỏ ra nhiều công sức đi vận
động để xây nhà thương như là một bước đầu để cải thiện nền y tế Việt Nam.
Tài
trợ cho bệnh viện này hoàn toàn không dính dáng gì đến ngân sách quốc gia mà do
sự đóng góp của những cơ quan từ thiện, những người có lòng hảo tâm trong nước
cũng như ngoại giao đoàn. Bà nói tới sự đóng góp đặc biệt của bốn tòa tòa đại
sứ Đài Loan, Nam Hàn, Nhật, và Hòa Lan. Bà đi vận động xây nhà thương là do sự
đam mê công tác xã hội, hoàn toàn không có mục đích chính trị như một số người
đồn thổi.
NÉM
BOM DINH ĐỘC LẬP
Nói
tới chính trị, có một biến cố làm bà rúng động và còn nhớ mãi. Đó là vụ ném bom
Dinh Độc Lập ngày 8 Tháng Tư, 1975 do một phi công Việt Nam Cộng Hòa nổi loạn
thực hiện. Một trong hai quả bom thật to chọc thủng bãi trực thăng trên nóc
dinh, lọt xuống rồi nổ tung. Ông Thiệu vừa ngồi xuống ăn sáng ở một bàn nhỏ ở
ngoài hành lang, lấy đôi đũa gắp sợi bánh đầu tiên trong bát phở nóng thì cận
vệ vội tới đưa ông vào ngay thang máy để xuống lầu hầm. Bà Thiệu kể lại là ngay
chỗ gần thang máy, một quả bom “dài thòng” rơi sát bên nhưng không nổ. Đầu
Tháng Tư là thời gian có nhiều chống đối từ mọi phía đòi ông Thiệu phải từ
chức. Ông vẫn bình tĩnh, chỉ hơi cáu kỉnh khi nghe báo cáo về một số quý vị
thuộc đảng Dân Chủ “thân chính” tại Quốc Hội quay lại chống ông.
Về
biến cố ngày hôm ấy, bà kể là trái bom rơi trúng ngay chỗ mỏng nhất của bãi
trực thăng. Mùi khét tỏa ra khắp nơi khi những tấm thảm dầy bốc cháy dữ dội.
Lúc ấy bà bị kẹt cứng trong cái phòng của gia đình “vì cháu bé người làm đang
lo sắp xếp quần áo đã sợ quýnh lên, tay run lẩy bẩy, không tìm và mở được cái
khóa vào cầu thang.” Một lúc sau mới có sĩ quan đến giúp bà xuống hầm trú ẩn.
Khói bay lên nghi ngút làm bà như ngạt thở.
“ÔNG
GIÀ ĐỊNH Ở LẠI”
Chưa
tới hai tuần sau vụ ném bom, ngày 20 Tháng Tư, 1975, Đại Sứ Graham Martin của Mỹ,
theo chỉ thị của Ngoại Trưởng Henry Kissinger, tới Dinh Độc Lập thuyết phục ông
Thiệu từ chức (với kế hoạch là để Đại Tướng Dương Văn Minh lên thay) và nói:
“Nếu ông không chịu từ chức thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông
làm điều này.”
Ông
Thiệu hỏi ông Martin: “Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ có đến hay không?”
Ông
Martin trả lời: “Tôi không dám hứa nhưng cũng có thể.”
Ông
Thiệu kể lại rằng ngày hôm sau, ông mời các tướng lãnh đến Dinh Độc Lập. Trong
buổi họp, ông cho họ biết về những chuyện Đại Sứ Martin đề cập tới. Ông Thiệu
nói nếu các tướng lãnh coi ông như một chướng ngại vật cho hoà bình của đất
nước thì ông sẽ từ chức. Không ai phát biểu gì hết. “Thế là đã rõ họ không muốn
tôi ngồi lại ghế tổng thống nữa, cho nên tôi tuyên bố từ chức để Phó Tổng Thống
Trần Văn Hương lên thay, theo đúng Hiến Pháp.”
Chiều
ngày 22 Tháng Tư, 1975, ông Thiệu lên TV tuyên bố từ chức. Với tâm tư thật cay
đắng, ông tố cáo Hoa Kỳ đã thất ước, đã phản bội Việt Nam Cộng Hòa, và nói các
ông đã cắt hết quân viện, “để chiến sĩ của chúng tôi chết đuối dưới làn mưa đạn
của địch. Đó là một hành động vô nhân đạo.”
Trong
bài diễn văn từ chức, ông nói sẽ cùng với nhân dân và quân đội chiến đấu, và
“tôi từ chức nhưng tôi không đào ngũ.” Vậy tại sao ông lại ra đi?
Nhiều
anh em chiến sĩ và đồng hương vẫn còn đặt vấn đề “ông Thiệu đào ngũ” cho nên
chúng tôi đã viết chi tiết về bối cảnh lịch sử của việc Tổng Thống Thiệu ra đi
(sách Tâm Tư Tổng Thống Thiệu, Chương 18). Ông ra đi ngày 25 Tháng Tư là vì
chính tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã làm áp lực, yêu cầu ông phải ra đi. Ông
Thomas Polgar (giám đốc CIA ở Sài Gòn) cũng thuật lại là Tổng Thống Hương gọi
cho ông Thiệu khuyên ông sớm rời khỏi Việt Nam, vì “nếu không, Cộng Sản sẽ nói
tôi đang điều khiển một chính phủ Thiệu không Thiệu.” Về phía Đại Tướng Dương
Văn Minh thì lúc ấy chưa lên tổng thống, cũng muốn ông Thiệu phải ra đi. Trong
cuốn “Decent Interval,” tác giả Frank Snepp (nhân viên cao cấp của CIA ở Sài
Gòn) viết lại (trang 435): “Ông Minh yêu cầu tướng Charles Timmes là người của
CIA phải làm cách nào để ông Thiệu đi lưu đầy (He asked the CIA’s Timmes to see
to it that Thiêu was sent into exile).”
Nhân
tiện có một cơ hội: Tổng thống Đài Loan là ông Tưởng Giới Thạch vừa qua đời.
Tổng Thống Hương liền viết sắc lệnh: “Nay đề cử cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đại diện tổng thống VNCH đến Đài Bắc để phân
ưu cùng chánh phủ và nhân dân Trung Hoa Dân Quốc nhân dịp Tổng Thống Tưởng Giới
Thạch tạ thế…” Bản văn do Đại Tá Cầm viết tay. May mắn là Thiếu Tá Nguyễn Tấn
Phận (một người trong đoàn tùy tùng đi theo cựu Tổng Thống Thiệu) còn giữ được
một bản sao của sắc lệnh này.
*
Chỉ
ba tuần trước đây, ngày 26 Tháng Chín, khi viết một đôi lời về cố Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 20 của ông, chúng tôi có nói: “Rất
tiếc rằng vì lý do sức khỏe, ngày hôm nay phu nhân Tổng Thống Thiệu không thể
tới đây để dự buổi lễ tưởng niệm này. Trong cảnh về hưu cô đơn ở gần San
Clemente, California, thỉnh thoảng chúng tôi có tới thăm bà.
Bà
sống rất thanh đạm và một mình với một con chó, trong căn nhà nhỏ bé. Trong bếp
chúng tôi thấy mì ăn liền Mama chất đầy từng đống. Bà nói cũng không buồn vì
quen rồi. Quen từ lúc “ông già’ còn làm tổng thống.
Bà
hay dùng hai chữ “ông già” để nói về người chồng. Có lần chúng tôi hỏi bà về
ngày bà ra đi khỏi Sài Gòn, bà kể: “Ông già định ở lại.” Hỏi thêm thì bà nói:
“Sau khi từ chức, ông già mặc cái quần xà lỏn và nói: ‘Mẹ con mày đi đi, tôi ở
lại.’”
Chúng
tôi chưa hề biết chuyên này nên hỏi thêm thì bà mới kể: “Ông già ngậm một cái
cục gì ở trong hàm răng.” Chúng tôi giật mình, vì ý bà muốn nói là ông ngậm một
loại thuốc độc mà điệp viên thường dùng để phòng hờ trường hợp phải đối đầu với
tình huống bi cực nhất.
DỌN
SANG MỸ SAU KHI ÔNG RONALD REAGAN LÊN NGÔI
Ông
bà Thiệu chọn nước Anh để lưu vong trong giai đoạn đầu. Chính phủ Anh cũng rất
kính trọng đời sống riêng tư của ông và gia đình. Bà Thiệu kể lại là ngay từ
khi tới London, chính phủ đối xử với gia đình ông bà rất chu đáo, lại còn cử
một đại úy coi về an ninh để tiếp cận và yểm trợ, hướng dẫn ông cùng gia đình
về đời sống xã hội trong thời gian tới trên một năm.
Gia
đình chỉ dọn sang Mỹ dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan. Bối cảnh là như thế
này: Sau Hiệp Định Paris, Tổng Thống Richard Nixon mời ông Thiệu sang thăm Hoa
Kỳ. Nhưng ông Nixon lại mời ông về tư dinh là Casa Pacifica ở San Clemente chứ
không đón tiếp ông với tư cách là một vị quốc trưởng ở Washington, DC. Tiệc
khoản đãi ông Thiệu ở Casa Pacifica chỉ vỏn vẹn có 12 người, kể cả chủ lẫn
khách. Lý do đưa ra là “không đủ chỗ ngồi.” Điều yên ủi đối với ông Thiệu là
thái độ và tình cảm của Thống Đốc Ronald Reagan lúc đó. Trước đó, ông Thiệu đã
đón tiếp ông Reagan nồng hậu khi ông thăm viếng Sài Gòn. Nhân dịp này, ông có
tặng ông Reagan một cặp ngà voi và nói đùa với ông: “Một ngày nào đó, ngài sẽ
lên voi.”
Năm
1976, ông Reagan ra vận động làm ứng cử viên của đảng Cộng Hòa để tranh chức
tổng thống, nhưng ông không được đảng chọn, và thua ông Gerald Ford dù rất ít
phiếu. Vì uy tín của đảng Cộng Hòa xuống quá thấp trong thời Nixon và thời
Ford, cho nên ông Jimmy Carter trúng cử. Dưới triều đại Carter, uy tín của Hoa
Kỳ lại tiếp tục suy giảm hơn nữa, phần lớn vì thù địch đã coi thường nước Mỹ
sau khi tháo chạy khỏi Việt Nam.
Sau
cùng thì ông Reagan thắng trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một, 1980. Ngày 20 Tháng
Giêng, 1981, ông Reagan lên ngồi chắc trên lưng voi và lời tiên đoán của ông
Thiệu đã đúng.
RA
ĐI SAU BIẾN CỐ 9/11
Ở
Boston khi chớm Thu thì cũng đã bắt đầu lạnh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ông bà
Thiệu thành hôn, cháu Nguyễn Quang Lộc mời bố mẹ sang du lịch bên Hawaii. Vừa
tới nơi vài hôm là biến cố 9/11 xảy ra. Bà Thiệu kể lại là ông rất “lo ra” khi
thấy chiếc máy bay cất cánh ngay từ phi trường ở Boston (là nơi ông đang cư
ngụ) rồi đâm vào Trung Tâm Thương Mại Quốc tế tại New York và một chiếc khác
lại nhào vào Ngũ Giác Đài. Xúc động này ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của ông.
Trong
mấy năm ông bị bệnh tim, bà Thiệu phải lái xe chở ông vào nhà thương. “Tiếc
rằng không còn bệnh viện Vì Dân để chị săn sóc cho ông già,” bà tâm sự. Bây giờ
tuổi đã cao, bà phải lái xe ban đêm một mình trên xứ người, đi vòng vèo khá lâu
mới tới bệnh viện. Bà kể có hôm mãi tới 1 giờ sáng mới về tới nhà. Lúc về lại
phải đi tìm xe ở dưới cái hầm nhà thương tối lù mù nên bà còn sợ ma, có lúc
phải đi giật lùi. “Thôi thì cũng còn tôi để lái xe cho ông tổng thống,” bà nói
cho ông vui hôm sau trở lại nhà thương thăm ông. “Cám ơn bà,” ông Thiệu nhoẻn
nụ cười đáp lại.
Sau
vụ 9/11, ông rất muốn rời Hawaii để trở về Boston ngay, nhưng tất cả các máy
bay đều án binh bất động, cả tuần sau mới về được. Về tới nhà thì bệnh ông thêm
nặng. Thứ Năm, ngày 27 Tháng Chín, 2001, ông bị té xỉu, rồi hôn mê. Tại Trung
Tâm Y Tế Beth Israel Deaconess, ông đi vào giấc ngủ ngàn thu chiều Thứ Bảy, 29
Tháng Chín, 2001.
Tổng
Thống Thiệu ra đi chưa tới ba tuần sau biến cố 9/11. Trong một bài bình luận
thật dài đăng trên mạng với tựa đề “Nguyễn Văn Thiệu và Cuộc Khủng Bố 11 Tháng
Chín,” tác giả David Bennett bình luận: “Cái chết của ông Thiệu trong Tháng
Chín vừa qua nêu lên một câu hỏi: Liệu Hoa Kỳ có quyết tâm để chiến thắng cuộc
chiến chống khủng bố này (tại Afghanistan) hay không…và liệu Hoa Kỳ có nhất
định giúp xây dựng lâu dài một quốc gia Afghanistan hay không?” Lúc ấy thì ở
thế giới bên kia, ông Martinô Nguyễn Văn Thiệu đã có câu trả lời.
Sau
khi ông mất, trong cảnh cô đơn giá lạnh ở Boston vào mùa Đông, chúng tôi cùng
người bạn là Tiến Sĩ Tạ Văn Tài ở đại học Harvard University đến thăm bà. Bà
sống đạm bạc, vẫn giữ nguyên bộ xa lông cũ kỹ nay đã sờn. Trên một cái bục cao
bà để hình ông và một chai rượu xâm banh. Hỏi về chai rượu thì bà kể là cứ mỗi
năm khi đến ngày kỷ niệm thành hôn của hai vợ chồng, ông mua một chai sâm banh,
tự tay mở ra và mời bà uống với ông một ly, dù bà không biết uống rượu. Như vậy
là bà muốn cùng ông giữ lại suốt đời cái kỷ niệm không bao giờ nhạt nhòa. Bà
nói là người ta dèm pha là ông già với bà này cô kia, nhưng bà cũng chẳng để ý
vì “tía đi rồi tía lại về.” Nghe vậy, anh bạn Tài phá ra cười, còn tôi thì lúc
ấy cũng không hiểu tía là gì nên không cười. Thì ra con người bình dị, hiền hậu
vùng đồng bằng Cửu Long còn khoan dung cả với người chồng.
*
Có
lần ông Thiệu hỏi người Mỹ nghĩ thế nào về ông, chúng tôi nói về một hai khía
cạnh: Khen có, chê có, rồi thêm: “Tôi nghe một tướng Mỹ nói là tổng thống nhu
nhược.” Ông Thiệu hỏi tại sao? Tôi trả lời là ông ấy nói “Tổng thống không
cương quyết đủ để ra lệnh tử hình khi cần thiết để làm gương.” Ông nhìn tôi
giây lát rồi chậm rãi nói: “Suốt đời, tôi đã tránh không có cái nợ máu.”
Xét
ra thì trong suốt thời gian 10 năm ông lãnh đạo, thực sự đã không có tội nhân
nào phải ra pháp trường. Trên bàn thờ nhà bà Thiệu ở Newton, Massachusetts, vẫn
còn treo một cái bảng với phương châm do chính ông viết rồi cho người thêu chữ
thật to “Đức Lưu Quang” (Ánh sáng của đạo đức tồn tại mãi). Bà luôn chỉ vào đó
mà dạy con cái phải ăn ở cho có đức.
Nếu
chúng ta tin rằng mọi việc trên cõi đời này đều do Trời an bài xếp đặt, thì
Trời cũng phù hộ ông Thiệu trải qua nhiều nguy hiểm trong gần 10 năm chèo lái
con thuyền miền Nam Việt Nam qua bao nhiêu sóng gió. Theo như những chuyện ông
kể lại thì đếm ra cũng có tới sáu lần ông bị đe dọa làm ông cảnh giác về đảo
chính. Như vậy thì Trời cũng đã giúp cho bà Thiệu không phải trở thành quả phụ
của một tổng thống khi còn đương nhiệm.
Ngày
15 Tháng Mười, 2021, bà đã theo ông về thế giới bên kia. Ở đó thì “Cô Bảy Mỹ
Tho” Nguyễn Thị Mai Anh sẽ mãi mãi được gần “Cậu Tám Phan Rang” Nguyễn Văn
Thiệu. [đ.d.]
*
NGUYỄN
TIẾN HƯNG
Địa chỉ: Trường Đại học Howard
thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
..............................................................................................................
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 27.10.2021.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét