MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

DỐT ĐỪNG KHOE SỬ - Tác giả: Kiều Mai Sơn (Hà Nội)

 

DỐT ĐỪNG KHOE SỬ

*

(Nhà báo Kiều Mai Sơn)

1. Người xưa răn "dốt đừng khoe chữ". Với nhà văn Thiên Sơn qua tiểu thuyết lịch sử Gió bụi đầy trời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Công ty sách Nhã Nam, 2021), tôi muốn nhắn gửi: "Dốt đừng khoe sử".

Trên website của mình, Công ty sách Nhã Nam giới thiệu về cuốn sách như sau:

"Gió bụi đầy trời là tiểu thuyết đầy tham vọng của nhà văn Thiên Sơn nhằm tái hiện lại một cách đầy đủ, khách quan nhất có thể về một trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam. Bước ra từ quá khứ là những sự kiện thật, những con người thật đã được tiểu thuyết hóa để cố gắng lấp đầy những khoảng trống mà lịch sử để lại. Đối với Thiên Sơn tiểu thuyết không chỉ là trò chơi vì văn chương cũng chính là tư tưởng. Gió bụi đầy trời không chỉ là thành quả của hai năm lao động chữ nghĩa nghiêm túc mà quyển sách đã định hình từ hơn hai mươi năm trước, khi tác giả là một sinh viên mới ra trường và bắt đầu băn khoăn về những ngày tháng Tám".

(http://nhanam.com.vn/sach/27469/gio-bui-day-troi)

Qua 10 status tôi viết trong tuần qua, chỉ rõ những chỗ dốt sử của nhà văn Thiên Sơn, đồng thời cũng là chỗ dốt sử của cả hệ thống liên quan: biên tập viên Công ty sách Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà văn; các nhà phê bình bốc thơm cuốn sách; cùng Hội đồng chấm giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải C cho Gió bụi đầy trời.

Đọc lời giới thiệu trên web của Nhã Nam, tôi càng thấy những dòng chữ "thành quả của hai năm lao động chữ nghĩa nghiêm túc mà quyển sách đã định hình từ hơn hai mươi năm trước" là ba hoa, bốc phét.

Một vài người khi ngồi cafe cùng tôi có nói rằng: Thiên Sơn là cháu gần gũi của nhà văn Sơn Tùng nên được ông trao truyền lại nhiều tư liệu quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam.

Tôi chỉ cười trừ cho qua. Nếu thực sự nhà văn Thiên Sơn có nói điều ấy thì đó là hư cấu của nhà văn khi cao hứng.

Ở đây, cần phải nói cho sòng phẳng, những tư liệu nhà văn Thiên Sơn dùng để viết Gió bụi đầy trời chỉ loanh quanh mấy cuốn hồi ký có sẵn trên mạng internet như: Một cơn gió bụi (Trần Trọng Kim), Con rồng An Nam (Bảo Đại), Hồi ký Trần Văn Giàu....

Viết về Tân Trào trong Cách mạng tháng Tám 1945 nhưng Thiên Sơn không biết đến hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ức Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều nhân chứng lịch sử khác. Ngay như một nhân chứng của Quốc dân Đại hội Tân Trào hiện còn sống giữa Thủ đô Hà Nội, đã xuất bản hồi ký hơn 10 năm nay là cụ Vũ Oanh mà nhà văn Thiên Sơn còn không biết đến. Hoặc viết về khởi nghĩa Hà Nội mà không nhắc gì đến cụ Nguyễn Quyết (hiện khoẻ mạnh, minh mẫn ở tuổi 100) thì tác giả "lấp đầy khoảng trống lịch sử" bằng đầu lưỡi.

Viết về khởi nghĩa Huế mà chưa đọc hồi ký các cụ: Tố Hữu, Hoàng Anh, Tôn Quang Phiệt... là các yếu nhân chỉ đạo giành chính quyền ở Kinh đô, thì hư cấu hú hoạ. Chẳng may trúng thì là ngáp được; tiếc rằng hư cấu của nhà văn trật lất cả.

Đến khởi nghĩa ở Sài Gòn, nhà văn Thiên Sơn cũng chưa từng đọc hồi ký Hoàng Quốc Việt, hồi ký Huỳnh Văn Tiểng, cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác của cả Giải phóng lẫn Tiền phong.

Đấy là tôi mới nói đến hồi ký, chưa bàn đến các tư liệu lịch sử nguyên cấp, sơ cấp khác như nhật ký, báo chí, điện tín, công văn... mà Thiên Sơn chẳng hề biết tới.

Nhà văn muốn dựng lại lịch sử bằng ngôn ngữ cần am hiểu lịch sử, rồi từ bối cảnh mà dựng không gian, dựng nhân vật, cho nhân vật có tâm hồn, có tư tưởng, có suy nghĩ, có ngôn ngữ riêng. Đọc nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của Thiên Sơn, dù phần lớn là những yếu nhân của lịch sử ở các bên khác nhau (Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh...), hệt như hình nhân trên phố Hàng Mã. Trông xanh đỏ loè loẹt đấy mà vẫn chỉ là hình nhân thế mạng, không có hồn người.

Để viết 1 cuốn tiểu thuyết lịch sử 500 trang, người lao động văn chương nghiêm túc phải dành ra khoảng 20 năm đọc sách, đi tìm tư liệu, khảo chứng tư liệu, chứ không phải ăn xổi, bạ cái gì cũng bốc. Lấy ví dụ, hồi ký Con rồng An Nam mà nhà văn Thiên Sơn sử dụng, chắc chắn anh chưa từng đọc những bài phê phán tập hồi ký này của cụ Phạm Khắc Hoè và cụ Hà Phú Phương. Nhà văn chắc chắn cũng chưa từng biết đến tư liệu của những nhân vật lịch sử có liên quan trong chuyến sang Trùng Khánh năm 1947 của ông Cố vấn Vĩnh Thụy như Kỹ sư Hồ Đắc Liên, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch... Cá nhân tôi từng mách nhà văn Thiên Sơn tìm đọc hồi ký của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nghiêm Kế Tổ để biết thêm một góc khuất khác trong lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1946 - cũng là mốc anh chọn cho Gió bụi đầy trời.

Còn nếu muốn "lấp khoảng trống lịch sử" thì lẽ ra nhà văn trong khoảng hơn 20 năm trước phải cắp sổ đi ghi chép chuyện kể của các nhân vật làm nên lịch sử như Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hoè, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn), Hoàng Anh, Tố Hữu, Hoàng Ngọc Diêu, Hà Văn Lâu, Lê Trọng Nghĩa, Đào Văn Trường, Trần Diệp (Lê Đức Khuê)... Song song với đó là vào thư viện đọc báo chí đương thời, vào lưu trữ đọc tài liệu...

Tiếc rằng, nhà văn Thiên Sơn đều chưa làm được những thao tác cần thiết đó. Tác giả chủ yếu ngồi tưởng tượng. Dù giàu trí tưởng tượng đến đâu mà dốt lịch sử thì cũng như có người bông đùa: Cho Quan Vũ vào đại phá dinh Độc Lập rồi chém bay đầu Liễu Thăng ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Chuyện này cũng như tác giả Gió bụi đầy trời cho các nhân vật bấm điện thoại nhoay nhoáy. Tiếc rằng đa phần "thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được" dù chẳng có con cá mập nào cắn cáp.

 

2. Nhà văn Thiên Sơn viết truyện dài Hoa ưu đàm lại nở (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2016) như lời nói đầu của tác giả là dựa vào thần tích của Nguyễn Bính và các nguồn sử liệu khác của các tiên hiền để lại.

Không rõ nhà văn dựa vào sử liệu của những bậc tiên hiền nào và tác giả xử lý sử liệu để văn học hoá ra sao nhưng ngay Lời nói đầu và bìa 4 đã cho bạn đọc thông tin sai bét về Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính.

Chẳng có ông Hàn lâm viện Đông các học sĩ Nguyễn Bính nào sống ở thế kỷ 18. Chỉ có Nguyễn Bính trên văn bản các thần tích sao chép lại thường vẫn ghi thì sống ở thế kỷ 16.

Ai thường đọc văn bản thần tích về các vị thần đều sẽ thấy có dòng đề Hồng Phúc nguyên niên hoặc Hồng Phúc năm thứ 2... Đông các học sĩ Nguyễn Bính vâng sắc soạn.

Hồng Phúc là niên hiệu của vua Lê Anh Tông dùng vào 2 năm 1572-1573.

Theo đó mà quy chiếu ra thì Nguyễn Bính sống ở thế kỷ 16. Dù có thọ hơn 100 tuổi đi chăng nữa, ông cũng không thể sang thế kỷ 18 được.

Ở đây, vì dốt sử, vì cẩu thả nên nhà văn Thiên Sơn vơ nhầm từ Nguyễn Bính sang Nguyễn Hiền.

Cuối các văn bản thần tích, sau dòng Đông các học sĩ Nguyễn Bính soạn thì tiếp nối là Nguyễn Hiền ở Bộ Lễ sao chép vào khoảng các năm trước và sau 1740. Những năm này mới là thế kỷ 18.

Nhà văn Thiên Sơn dốt sử nên hư cấu cho Đào Văn Lôi đỗ đầu trong khoa thi do vua Lý Thái Tổ mở. Sử liệu bậc tiên hiền là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên cùng nhiều sử thần khác đều chép rõ: Triều Lý mở khoa thi đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) đời vua Lý Nhân Tông. Khi đó, Lý Thái Tổ đã qua đời gần nửa thế kỷ và nhà Lý đã trải qua các đời vua Thái Tông - Thánh Tông - đến Nhân Tông.

Trước khi triều đình mở khoa thi tuyển chọn nhân tài thì các bậc đế vương khai quốc giành thiên hạ trên lưng ngựa bằng thanh gươm. Tiếp đó, việc dùng người thông qua tiến cử chứ chưa cần thi cử. Nguyên tắc này người đọc sách hẳn biết rõ.

Viết văn dù muốn hư cấu thế nào cũng phải biết bám vào lịch sử đại cương rồi hãy viết. Muốn đổ bê tông cho móng nhà được chắc, cần có lõi thép, chớ lấy gốc tre hoặc lõi ngô làm cốt, như thế không bền.

 

3. 1 - Nhà văn Thiên Sơn về làng (Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) làm việc với địa phương, tiếp đó anh viết bài trên báo Nghệ An (2013) khẳng định chắc nịch:

"Tôi (Thiên Sơn) và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao đã khảo sát trong các tài liệu cổ, xác minh vị thần được phong Đại vương đô Thái úy Thành Quốc công thờ tại đền Trang - trung tâm của xã Diễn Kim ngày nay, chính là Đào Văn Lôi".

(Xem tại đây: https://m.baonghean.vn/dao-van-loi-nhan-vat-lich-su-cua...)

2 - Tiếp đó, nhà văn Thiên Sơn cùng Ban liên lạc đồng hương xã Diễn Kim tìm về làng Vân Tra, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi có đền thờ Đào Văn Lôi. Nhà văn Thiên Sơn viết:

"Khi đoàn đại diện Ban liên lạc đồng hương Diễn Kim do ông Nguyễn Trọng Thể dẫn đầu, cùng anh Lê Trí Trịnh, Chu Quang Thiện, Bùi Thái Trọng, Chu Xuân Giao và tôi xuống đền Vân Tra dự lễ Khánh hạ ngày 10/8 âm lịch năm 2010, nhân dân Làng Vân Tra đã kéo ra hàng trăm người ôm chầm lấy chúng tôi. Người dân nói, đây là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa đoàn đại diện quê nội của đức thánh ĐÀO VĂN LÔI với quê ngoại của Ngài".

Tiếp đó: "Năm 2012, nhân kỷ niệm 1025 năm ngày sinh của ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI, nhân dân Diễn Kim đã chính thức khôi phục lại lễ hội làng Hoa Lũy và làm một Am thờ ngài trên nền cũ ngôi đền khi xưa. Toàn dân nô nức đi dự hội. Lòng vui khôn xiết sau nửa thế kỷ lại được thắp nén hương dâng lên vị thần làng, một vị công thần lập quốc ngàn năm trước, và là một ông tổ hiển vinh của người xứ Nghệ".

Vẫn theo bài viết của nhà văn Thiên Sơn thì: "Chúng tôi cũng đã lập một đoàn vận động xây dựng lại Đền TRANG tại xã Diễn Kim do Ban Liên lạc đồng hương Diễn Kim tại Hà Nội làm nòng cốt, kết hợp với Ủy ban nhân dân xã Diễn Kim.

Chúng tôi đã lên trình bày với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Chúng tôi cũng đã làm việc với đồng chí Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và vào làm việc với đồng chí Phan Đình Trạc, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ở tất cả những nơi đó, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ của các vị lãnh đạo.

Đồng chí Phan Đình Trạc đã về tận xã Diễn Kim thăm lại di tích, nơi đã từng thờ ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG. Trong buổi làm việc của đoàn, đồng chí Phan Đình Trạc đã nói với chúng tôi, rằng nên mở một hội thảo về ĐẠI VƯƠNG ĐÔ THÁI ÚY THÀNH QUỐC CÔNG ĐÀO VĂN LÔI. Đó là việc cần làm sớm. Và trong tương lai, trên đất xứ Nghệ nên có một con đường mang tên ĐÀO VĂN LÔI".

(Xem tại đây: http://hodaovietnam.com/.../dao-van-loi-nhan-vat-lich-su...)

Từ sự khích lệ của các vị lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An, mùa thu năm 2012, Thiên Sơn viết sách Hoa Ưu Đàm lại nở. Sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản năm 2016.

Tác giả Thiên Sơn chia sẻ: "đó là một cuốn truyện lịch sử về cuộc đời và thời đại của Thái úy Thành quốc công Đào Văn Lôi, thể hiện dưới dạng một truyền thuyết hiện đại xen giữa hư cấu và lịch sử, giữa hiện thực và huyền thoại.

Từ cảm thức, chúng tôi cho rằng, sở dĩ phải lập lại đền thờ Đại Vương Đô Thái úy thành quốc công Đào Văn Lôi là vì: Trên quê hương xứ Nghệ, một mảnh đất anh hùng và văn hiến, nên có ít nhất một nơi thờ tự một vị anh hùng, một bậc đại trí thức, một bậc đại công thần thời hậu Lý mà từ lâu nhân dân đã phong Thánh".

3 - Đọc những nội dung trên thì bạn đọc hẳn thấy rằng nhà văn Thiên Sơn và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng rồi. Am được lập, thần được mời về, hô thần nhập tượng, rồi dựng đền thờ. Nhưng vì sao đến giờ Nghệ An chưa tổ chức Hội thảo khoa học về "danh nhân xứ Nghệ" Đào Văn Lôi hay đặt tên đường phố Đào Văn Lôi ở tỉnh Nghệ An?

Thậm chí, ngôi đền được dựng lên, trước đây nhà văn Thiên Sơn và nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao dựng cả biển thần tích thờ thần Đào Văn Lôi, bây giờ tỉnh Nghệ An lại cấp bằng di tích thờ thần Phạm Tử Nghi. Như thế chẳng phải 2 anh Thiên Sơn (Nguyễn Xuân Hoàng) và Chu Xuân Giao lừa đảo nhân dân xã Diễn Kim ư?

Còn nếu không phải lừa đảo dân làng thì là các anh dốt sử. Vì dốt cho nên các anh mới đem nhầm thần về để thờ chứ. Sao hôm trước anh dõng dạc nói và viết trước công chúng đền này thờ thần Đào Văn Lôi. Đến khi người khác bảo đền thờ thần Phạm Tử Nghi là tướng nhà Mạc thì 2 ông lại làm thinh? Đền thờ thần gì mà dễ thế, thích đưa ai vào thờ cũng được ư?

Ở đây tôi cũng muốn nói thêm rằng, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch tỉnh Nghệ An đã quá vội vàng khi lập hồ sơ di tích và cấp bằng di tích cho đền Trang (hồ sơ ghi tên là đền Cồn Thờ) ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu là thờ Phạm Tử Nghi. Cứ xem trong bảng kê di tích lập năm 1964 thì đền này thờ TRẦN Tử Nghi chứ không phải Phạm Tử Nghi.

Hồ sơ năm 1964 các cụ viết chữ Quốc ngữ, ai biết chữ đều đọc được chữ Trần Tử Nghi là tướng nhà Mạc kèm theo dấu chấm hỏi (?). Điều này chứng tỏ người ghi hồ sơ rất am hiểu lịch sử. Chẳng có tướng nhà Mạc nào lọt được vào đất Diễn Châu dưới thời nhà Lê. Ngụy triều cướp ngôi, đời nào nhà Lê cho thờ?

Bởi vậy, việc Sở Văn hoá tỉnh Nghệ An lập hồ sơ di tích cho rằng vị thần thờ ở đền Trang xã Diễn Kim là Phạm Tử Nghi là hết sức hồ đồ./.

*

KIỀU MAI SƠN (tên thật Kiều Văn Khải)

Địa chỉ: Tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam

14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 11.12.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


1 nhận xét:

  1. Văn của Kiều Mai Sơn đanh đá chua ngoa như cái chất chanh chua ngoa ngoắt của mấy bà sồn sồn quá lứa, đọc cũng thấy thích tuy có hơi buồn cười...

    Trả lờiXóa