TIÊN
HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN
ĐẠO
LÝ HAY TIÊU CỰC?
Mấy
hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt
khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về
việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả
các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên
học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh
trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý
đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên
qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà
nghiêm cẩn chuyên chở giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải
là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn
luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học
sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang
nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ Lễ
trong bài này xin được viết hoa khi nhấn mạnh đó là tiêu đề của toàn bài và
viết thường khi hiểu theo nghĩa quy ước.)
Bối
cảnh làm nền cho cuộc… đảo chánh khẩu hiệu nầy được giới truyền thông đưa tin
như sau:
Tại
hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi
mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức
ngày 21/11, Giáo sư Trần Ngọc Thêm trình bày quan điểm trên trong tham luận:
“Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Giáo
sư Trần Ngọc Thêm kiến nghị: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ,
hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
“Chừng
nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của
người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể
có xã hội phát triển”, ông nhấn mạnh thêm.
Trước
đó, năm 2016, tại hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trường học” do Bộ
Giáo dục Đào tạo tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, hệ thống khẩu hiệu trường
học đã đáp ứng đúng tôn chỉ mục đích. Tuy nhiên, việc treo khẩu hiệu còn bất
cập, mỗi nơi làm một phách và chưa phù hợp nên kiến nghị xem lại khẩu
hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trường tiểu học. (Tin Mới)
Là
một thầy giáo xuất thân được đào tạo dạy môn Việt Văn cấp 3 từ trường Văn Khoa
và Sư Phạm Huế (1966-1970) nhưng vì hoàn cảnh và thời thế tôi phải dạy học tại
nhiều trường, phụ trách các môn học khác nhau và phục vụ nhiều nơi với hoàn
cảnh khác nhau như: Việt Nam trước và sau 1975, Phi Luật Tân, Mỹ. Mãi cho đến
khi đứng trên bục giảng của nhà trường Mỹ, nhìn sinh viên vừa vào lớp miệng vừa
bỏm bẻm nhai kẹo cao su hay ngồi gác chân lên ghế trong lớp, tôi mới nhận ra
cái đạo lý lớp học phải như thế nào mới phải “đạo” bởi tôi vốn đã coi cái trật
tự truyền thừa “tiên học lễ, hâu học văn” là nề nếp mặc nhiên trong
văn hóa học đường Việt Nam.
Truyền
thống văn hóa và giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm và lâu đời về khái
niệm chữ Lễ của văn hóa Trung Quốc. Trong Ngũ Kinh có Lễ Kinh và vai trò của Lễ
được đức Khổng Tử xác định: “Không học Lễ thì không biết cách đi đứng ứng
xử ở đời.” Và năm đức tính căn bản làm người là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín
thì Lễ đứng giữa để làm trung gian, bởi vì nhân không trí là tốt mã, thương
hại; nghĩa không tín là tuỳ hứng, giang hồ. Cho nên khái niệm cổ điển về Lễ là
sự phân định vai trò và cương lĩnh rõ ràng: Hai nước giữ lễ là không xâm hại
nhau, hai nhà giữ lễ là không gây phiền oán cho nhau, hai người giữ lễ là tôn
trọng lẫn nhau và thầy trò giữ lễ là làm tốt vị trí của mình. Lễ tự nguyên
nghĩa là luân thường đạo lý, là trật tự xã hội, là tôn trọng lẫn nhau. Ý nghĩa
của chữ Lễ trong quá trình truyền thừa và ứng dụng vào văn hóa giáo dục Việt
Nam là tôn sư trọng đạo, học trò xem thầy như cha và thầy xem trò như đứa con
tinh thần kế thừa và phát huy tâm nguyện cùng lý tưởng giúp đời và giữ đạo làm
người nghiêm cẩn của mình để sống, ứng xử hay có khi chỉ trong mơ ước. Với một
khái niệm về Lễ như thế thì bất cứ một nền giáo dục hay một xã hội nào đều ứng
hợp với vai trò giáo dục là nhằm đào tạo thế hệ tương lai tài năng và đạo hạnh.
Tuy
nhiên, xã hội Việt Nam từ xưa đến nay đã vô tình hay cố ý diễn dịch ý nghĩa của
nội hàm chữ Lễ một cách cực đoan và phiến diện trong nhiều trường hợp giáo dục
bị biến thành phương tiện đầy khắt khe, áp bức để phục vụ cho tinh thần bảo
thủ, quyền lực tôn giáo, giai cấp thống trị đè đầu cỡi cổ dân lành, hay thủ
đoạn chính trị... Do đó, đã có nhiều trường hợp cái “Lễ” đã bị lạm
dụng khi các thầy đồ, thầy giáo, cô giáo, cơ sở giáo dục… sử dụng hình
thức “lễ trị” bằng roi vọt, bạo lực, uy quyền… để đánh đập, mạ lỵ, trừng
phạt, vùi dập học sinh một cách thô bạo và… vô lễ! Và hệ quả đương nhiên, với
phản ứng tâm lý và thể lý phản hồi có điều kiện, học sinh bị tha hóa vì sợ hãi,
căm tức hay chán ngán môi trường học tập với thầy giáo đã hành hạ mình dẫn đến
tình trạng cũng đành, thụ động và “thủ tiêu phản biện” như ý kiến của
Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm. Tuy nhiên, đây không phải là trường
hợp phổ biến mà chỉ là khía cạnh cực đoan trong truyền thống giáo dục Việt Nam.
Riêng về mặt tâm lý tương tác với xã hội, một học sinh hay sinh viên thiếu khả
năng phản biện không phải vì “giữ lễ” hay bị ép lễ mà thường là do
thiếu thông tin, thiếu kiến thức và thiếu không khí hay môi trường thích
hợp.
Thật
ra, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” tuy là một câu văn Hán Việt nhưng
thường được xem như đã trở thành thuần Việt vì văn phong nhẹ nhàng, ngữ điệu
cân đối và nội dung rất dễ hiểu về tinh thần đạo lý và trật tự xã hội rất dễ
ứng dụng cho mọi người thuộc mọi trình độ, kể cả hai thế hệ thầy và trò. Đã
nhiều lần tôi vừa nhớ, vừa trân trọng cái câu khẩu hiệu đơn giản và nhỏ nhắn
nhưng đầy ý nghĩa nầy khi bước vào dạy lớp học Mỹ chẳng thấy ai đứng dậy hay
biểu hiện cử chỉ chào kính nào hoặc nhìn thái độ có vẻ thiếu cung kính khi hỏi
hay phát biểu với thầy giáo. “Tiên không học lễ rồi chăng?” Tôi tự hỏi.
Nhưng càng đi sâu vào khái niệm của “cái Lễ” tôi càng nhận thấy rõ
ràng rằng, nội dung của Lễ nếu được hiểu theo một nghĩa tích cực hơn thì học
trò, sinh viên Mỹ còn trọng Lễ hơn cả Việt Nam vì trong quá trình học tập rất
ít nói dối, hiếm khi gian lận hay ích kỷ và thủ lợi như sinh viên của nhiều
nước châu Á xem Lễ như một chiêu thức đóng kịch giả vờ làm vui lòng thầy giáo,
miễn sao có lợi cho cá nhân mình.
“Cần
chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản
biện, giải phóng sức sáng tạo”! Đọc câu nầy của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, tôi
thật tình chưa hiểu hết tôn ý của Giáo sư. Cái gọi là “tư duy phản
biện” sao lại bị cột trói vào một trật tự tinh thần và phẩm chất đạo lý
của một con đường khiêm cung, quang minh chính đạo như Lễ (lễ độ, lễ phép, lễ
nghi, lễ giáo, lễ bái…). Muốn khai mở tư duy phản biện thì chỉ cần ba yếu tố
chính là kiến thức vững vàng, phương pháp luận chặt chẽ và khung cảnh thích
hợp. Cả một nền triết lý Đông phương, kiến thức khoa học kỹ thuật và phương
tiện truyền thông hiện đại là cốt lõi của tư duy phản biện. Lễ không đóng vai
trò chướng ngại hay tiêu cực nào cho mọi hình thức phản biện. Không có một thầy
giáo nghiêm túc nào lại cấm đoán học sinh mình nêu ý kiến phản biện; nếu không
muốn nói là còn hài lòng, ngầm sung sướng vì sự thông minh, lập luận rạch ròi
của học sinh mình trong phản biện cả. Thêm nữa, khi nói đến cụm từ “giải phóng
sức sáng tạo” thì phải tìm tới những trở ngại kìm hãm sức sáng tạo. Đó là do sự
thiếu khả năng, thiếu nhân tài, thiếu điều kiện, thiếu hoàn cảnh… chứ hoàn toàn
không do một hình thức “Lễ” nào tác động để làm mất đi khả năng sáng
tạo cả. Muốn “giải phóng sức sáng tạo” thì phải cần quy tụ nhân tài, tôn trọng
tự do, đánh giá công minh và đãi ngộ xứng đáng là bốn “tiêu chuẩn
vàng” của tinh thần phát huy sáng tạo Đông cũng như
Tây. “Lễ” chẳng đóng một vai trò nào mang tính quyết định chung cuộc
trong sáng tạo nghệ thuật, khoa học và nhân văn cả. Do vậy, kiến nghị của Giáo
sư về việc cần chấm dứt việc sử dụng một câu TÂM NGÔN hay ho như thế thì rất
mong Giáo sư định tâm suy nghĩ và cân nhắc cẩn trọng hơn; cũng như cần uốn lưỡi
nhiều lần trước khi phát biểu.
Nhà
trường Mỹ cũng có các câu khẩu hiệu được sử dụng luân lưu trong hệ thống trường
học cả nước nhưng hẩu hiệu trong nhà trường Mỹ thường không nhắc nhở về phương
thức và thái độ học tập mà nói về ý nghĩa và mục đích của quá trình học
tập. Sau đây là một dẫn chứng về 200 câu khẩu hiệu trong nhà trường
Mỹ đủ các cấp học (https://sloganshub.org/school-slogans/). Có thể nói là gần
như không có một câu nói lên một nhân vật thần thánh nào khác hơn là chính bản
thân người học trò phải chủ động và chịu trách nhiệm cho hướng đi và mục đích
mình vươn tới. Nếu có chăng một vài câu nói về “lễ” thì cũng đề ra
phong cách ứng xử do chính bản thân người học trò chủ động như “Hãy kính trọng
người khác để được người khác kính trọng” (Respect others and they’ll respect
you). Trong lúc đó thì cách thủ lễ của Việt Nam ta là cần phải làm theo lời
khuyên và đương nhiên chấp nhận giá trị của các bậc cao nhân tiền bối.
Thử
khách quan để đưa ra một vài nét so sánh về khái niệm, nội dung và tác dụng của
cái “đức” và “lễ” theo hai khuynh hướng:
-
Việt Nam: Thầy giáo và xã hội chủ động dạy dỗ học trò và con em phải làm những
điều hay lẽ phải đã được quy định.
-
Mỹ: Thầy giáo và xã hội chỉ đóng vai trò trình bày, giới thiệu hệ thống giá trị
đạo lý để cho học trò và con em tự quyết định có nên áp dụng những nguyên tắc
và giá trị đó cho mình hay không.
Như
thế, dẫu là trong bối cảnh văn hóa của Mỹ, Việt Nam hay bất cứ quốc gia, xã hội
nào thì đức hạnh vẫn được bảo vệ và tôn trọng. Tiêu chí của hệ thống giá trị và
đức hạnh tuy không giống nhau nhưng vẫn có điểm chung, đó là trật tự xã hội và
cung cách đối tác hay ứng xử với nhau. Đó chính là cái Lễ đã trở thành cái
biết, cái học đầu tiên cần phải có. Hình thức và phương tiện ứng dụng cái Lễ
trong môi trường giáo dục cần phải có sự mềm dẽo, thích ứng tùy theo thời đại,
văn hóa xã hội và đáp ứng được nhu cầu cụ thể.
Kẻ
đang viết những dòng nầy rất chia sẻ thiện ý và công tâm của Giáo sư Trần Ngọc
Thêm cũng như lời phản biện rất thuyết phục của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Xuân
Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo khi ông cho rằng: “… với mỗi
một con người, ‘đức’ là cái gốc cơ bản . Ở đây có thể hiểu “lễ” tức là đức
hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình , cơ quan, nhà trường… đức rất quan
trọng.”
Nay
giữa hai khuynh hướng trái chiều là nên bỏ hay nên giữ câu châm ngôn “Tiên
học lễ, hậu học văn” trong môi trường giáo dục, tuy mới nghe qua thì đây chỉ
mới là một hoặc vài ba ý kiến chống hay thuận theo quan điểm cá nhân; nhưng
đứng trên bình diện giáo dục và luân lý đạo đức của một xã hội, một quốc gia
thì đây cũng có thể coi như một bước đột phá của những nhà giáo, trí thức dân
tộc trước những thách thức của thời đại mới. Sự xét lại để điều chỉnh cập nhật
những giá trị tinh thần và đạo đức “xưa bày nay làm” trong nhiều lĩnh vực mà
đặc biệt trong môi trường và nhu cầu cải cách giáo dục là những đóng góp cần
thiết trước muôn vàn chướng ngại đang diễn ra trước mắt. Tuy nhiên, việc kiến
nghị hủy bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thì hoàn toàn không nên
thực hiện vì nó vừa thiếu cơ sở về đạo đức cũng như lý luận; vừa không thuyết
phục trên căn bản nguyên lý giáo dục và đạo lý dân tộc.
Trong
mọi công cuộc cải cách và đổi mới cần xác định một cách khách quan và khoa học
rằng, không hề có một nguyên nhân đơn lẻ nào có đủ tầm vóc quyết định huống hồ
đây chỉ là một câu nói mang tính tục ngữ, châm ngôn lâu đời chứ không phải là
khẩu hiệu nhất thời. Học lễ trước để chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng cho bước
học văn tiếp theo là một trình tự diễn tiến rất “lôgich” không bao giờ lỗi thời
hay phai cũ.
*.
TRẦN KIÊM
ĐOÀN
Địa chỉ: Saramento, California, Hoa Kỳ.
Email: trankiemdoan@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật
từ email phudoan56@gmail.com gửi ngày 30.11.2021.
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét