VỀ VĂN BẢN ‘KIM VÂN KIỀU TRUYỆN’
Ở VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
*
1. Văn bản “Kim Vân Kiều
truyện” ở Việt Nam(Tác giả Lê Thanh Long)
Trước
tiên nói về văn bản “Kim Vân Kiều truyện” ở Việt Nam. Đó là bản chép tay ở Viễn
Đông Bác Cổ Học viện, ký hiệu A953, nhan đề “Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử
biên thử”, lập ngày 23.3.1954, hiện lưu giữ ở Thư viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Từ
năm 1954 tới năm đóng cửa 1957 Maurice Durand (1914 - 1966) là Giám đốc
Trung tâm Viễn-đông Bác cổ Pháp tại Hà-nội. Bản A953 được lưu giữ ở đây
không biết từ bao giờ. Maurice Durand là con trai của Gustave Durand, chánh
phòng dịch thuật tại Tòa-án, giáo sư tiếng Tầu tại Đại học và bà
Nguyễn Thị Bình, người gốc Kiến An. Trở về Pháp, ông tiếp tục nghiên
cứu Văn-học Việt-nam và giao tất cả các tác phẩm của ông cho Trường
Viễn đông Bác cổ Pháp in.
A.953
ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và bản Ngũ Vân lâu từng được các học giả Phan Sĩ
Bàng, Lê Thước, và Dương Quảng Hàm nhắc đến trong thập niên 1920 và 1940.
Charles
Benoit trong bản luận văn tiến sĩ làm ở Mỹ có đưa ra một nhận định: Ngoài bộ
sách “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du chắc chắn đã tiếp
xúc với nguồn tài liệu khác. Hai câu thơ “2451 và 2452. Có quan tổng đốc trọng
thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”, trong “Kim Vân Kiều truyện” Hồ không
được nêu tên và tước vị cũng không được nói tới. Để có thông tin này Nguyễn Du
hẳn phải tiếp xúc với nguồn tài liệu khác. Có thể là liệt truyện của Hồ được
chép trong “Minh sử”. Hoặc giả ông đã đọc “Từ Hải bản mạt” của Mao khôn. Khả
năng cao nhất là “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài.
2. Văn bản “Kim Vân Kiều
truyện” ở Trung Quốc
Tôn
Khải Đệ, Đàm Chính Bích, Uông Khánh Lân cho rằng “Kim Vân Kiều truyện” đã hoàn
toàn mất dấu ở Trung Hoa, và văn bản tác phẩm nay chỉ còn tồn tại ở nước ngoài.
Cho đến cuối thập niên 1950, nhận định như thế vẫn là phổ biến trong giới học
thuật Trung Quốc, và điều này có thể thấy được trong đoán định của Hoàng Dật
Cầu viết năm 1958.
Những
văn bản “Kim Vân Kiều truyện” ở Trung Quốc đều do ông Đổng Văn Thành đưa ra.
Những
điều tra văn bản học của ông Đổng Văn Thành cho rằng văn bản “Kim Vân Kiều
truyện” vẫn hiện diện và tồn tại khá phức tạp ở Trung Quốc đại lục và các nước
khác.
Trong
tiểu luận chuyên khảo về hiện trạng văn bản “Kim Vân Kiều truyện” viết năm
1985, Đổng Văn Thành đã điểm qua 13 truyền bản, phân thành hai nhóm đối lập
phồn bản - giản bản.
Hai
năm sau, Đổng Văn Thành lại bổ sung thêm hai văn bản “Kim Vân Kiều truyện”,
“Sơn thủy lân” và “Khiếu hoa hiên”. Đến năm 1999, trong chương “Kiều truyện
truyền bản chi đa”, dựa trên cơ sở kết hợp với các điều tra văn bản của Âu
Dương Kiện và Ōtsuka Hidetaka (Nhật Bản), ông Đổng đã có một thống kê mới với
tổng cộng 22 truyền bản: 12 bộ bảo tồn tại Trung Quốc, 9 bộ tại Nhật Bản, và 1
bộ tại Mỹ. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số sau cùng.
Trong
chuyên luận “Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu”, học giả Đài Loan Trần Ích Nguyên
bàn về “Văn bản “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân hiện có ở Việt
Nam. Sau khi điểm qua 3 văn bản còn tồn trữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Trần
Ích Nguyên xác định: bản mang ký hiệu VHv.1396 thực ra là sách in của Nhà xuất
bản Nhân dân Văn học Bắc Kinh dựa theo bản Khiếu Hoa hiên mà ấn hành năm 1957,
còn bản VHv.281 chỉ là sao chép của tập sách này do Nguyễn Đức Ngột thực hiện
vào cùng một năm. Riêng bản có ký hiệu A.953 - bản duy nhất cho đến nay ghi tác
giả là “Thanh Tâm Tài Tử 青心才子”, là mang đặc điểm của loại giản bản đời thứ nhất
và có thể được bổ sung vào danh sách các truyền bản hiện có. Đặc biệt là trong
năm 2006, một số báo chí, truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc phát hiện bản
khắc in Quán Hoa đường “Kim Vân Kiều truyện” ở Phúc Châu, và ngay lập tức đây
được xem là bản in sớm nhất đứng đầu danh sách các truyền bản hiện còn.
Theo
Roland Altenburger Quán Hoa Đường là tên một tòa nhà (thư viện) trong khu gia
cư của Kim Thánh Thán (1608 - 1661).
Ông
Đổng Văn Thành viết: Một điều đáng chú ý là việc điều tra văn bản của Trần Ích
Nguyên chỉ mới giới hạn ở kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong khi bộ
sưu tập sách Hán - Nôm của Thư viện Quốc gia còn có bản chép tay được xếp vào
biên mục dưới tựa đề “Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện”. Bộ sách
này có kích thước 27 x 14 cm, phân thành hai tập. Tập 1 (R.966) gồm hai quyển 1
(hồi 1-6) và 2 (hồi 7-12), tổng cộng 102 trang; tập 2 (R.967) gồm hai quyển 3
(hồi 13-17) và 4 (hồi 18-20), tổng cộng 81 trang. Lối chia quyển, phân hồi của
bộ sách này trùng khớp với cách thức của bản A.953 ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm
và bản Ngũ Vân lâu từng được các học giả Phan Sĩ Bàng, Lê Thước, và Dương Quảng
Hàm nhắc đến trong thập niên 1920 và 1940.
Quan
trọng không kém là trang đầu của bộ sách này ghi “Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ -
Kim Vân Kiều- Quán Hoa đường tử hành. Hai chữ tử hành trên trang đầu hoặc có
nghĩa là khắc bản ấn hành, hoặc chỉ chung về xuất bản. Như vậy, bản chép tay
hiện có đã sao lại từ một bản in, và đặc biệt hơn nữa là từ bản in Quán Hoa
đường - bản được xem là sớm nhất hiện nay. Học giả Nhật Bản Ōtsuka Hidetaka đã
từng nhắc đến loại văn bản này: “Quán Hoa đường tử hành bản” ghi trong sách
Hakusai shomoku tức là ‘Bản nha tàng bản, có thể là nguyên bản.” Đổng Văn Thành
cũng viết rằng: “Tình trạng của loại ‘Quán Hoa đường tử hành bản’ này không rõ,
không biết có còn truyền bản ở đời hay không”. Việc tồn tại bản chép tay Kim
Vân Kiều truyện ở Thư viện Quốc gia Hà Nội cho thấy là bản in Quán Hoa đường đã
từng được lưu hành ở Việt Nam, bên cạnh bản của nhà Ngũ Vân lâu (Trung Quốc).
Do đó, nếu tính thêm bản chép tay Quán Hoa đường, con số các truyền bản Kim Vân
Kiều truyện còn tồn tại đã lên đến 25 bản, và sẽ còn tăng thêm nữa nếu như có
dịp tìm lại được bản Ngũ Vân lâu.
Căn
cứ vào tình hình văn bản đa dạng, cũng như Đổng Văn Thành, Lý Chí Phong và Bàng
Hy Vân muốn thấy được Kim Vân Kiều truyện ở một vị trí xứng đáng hơn trong đời
sống văn học thế giới. Sau khi Truyện Kiều nổi tiếng thế giới, các học giả
Trung Quốc chú tâm đến việc nghiên cứu “Kim Vân Kiều truyện” nhiều hơn.
Các
thông tin về những văn bản “Kim Vân Kiều truyện” này không đưa ra thời gian
xuất hiện của các văn bản.
Trên
đây là những thông tin về văn bản “Kim Vân Kiều truyện” đưa ra để bạn đọc tham
khảo, không có bình luận gì về tính xác thực của những văn bản này.
*.
Hà Nội ngày
16.10.2020
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
.
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
14.05.2021
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét