MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

MỘT BỮA NO NÊ NGÀY GIÁP TẾT - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

 

MỘT BỮA NO NÊ NGÀY GIÁP TẾT

*

(Tác giả Nguyễn Bàng)

Học xong lớp Sư phạm cấp tốc 4 tuần, anh Quyết nói với tôi:

- Tôi đã viết đơn xin ra đảo dạy rồi, anh ạ!

Tôi hỏi anh:

- Anh có nhà ở nội thành lại còn bà cô nuôi anh từ bé đang về già, sao lại xin ra ngoài hải đảo?

- Nhà tôi tiếng là nội thành nhưng vẫn là xóm thôn cũ, chỉ có con đường chính được tráng một lớp xi măng mỏng và đặt tên phố. Bố tôi chết vì bệnh hâu bối khi tôi mới được 9 tháng. Dòng họ nhà tôi rất hiếm đinh, ông nội tôi chỉ có một mình bố tôi. Bà cô tôi vừa thương cháu vừa lo sợ dòng họ tuyệt tự nên khi bố tôi chết, cô tôi không lấy chồng ở vậy để cùng mẹ tôi nuôi tôi. Mẹ tôi nuôi tôi được 5 năm thì tái giá với một người đàn ông tận trên Bắc Giang. Cô tôi không cho mẹ tôi đem theo con về nhà dượng mà giữ cháu lại để nuôi. Cô đan len gia công xuất khẩu sang Liên Xô, ngoài giờ tập trung tại tổ với chị em cô còn nhận thêm len về nhà đan nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho hai cô cháu cơm rau mắm. Vì vậy, mới học xong lớp 9, tôi quyết định tắt giấc mơ học xong lớp 10 rồi vào đại học, đi công trường xây dựng đài phát tín. Tôi biết mình có bổn phận phải báo hiếu cô. Nhưng, mấy người học giỏi như anh được giữ lại dạy trong nội thành còn bọn học nhì nhằng như tôi phải ra ngoại thành tất. Mà ngoại thành, huyện gần nhất thì cũng xa nhà hơn chục cây số, huyện xa thì tới năm bảy chục cây, đâu có ở bên cô tôi được. Vì vậy tôi tính lùi một bước để tiến nhiều bước sau. Chỉ có cách xung phong ra dạy ngoài hải đảo mới có thể nhanh chóng được kết nạp đảng, có tiếng rồi mới nhanh có miếng anh ạ!  

Ra đảo được hai tuần, anh Quyết gửi thư về cho tôi, trong thư anh viết, anh được phân công về một trường cấp hai mới dựng ở một xã phía nam của đảo, ba bề giáp biển. gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Rừng núi hẻo lánh, hoang dã và cảnh quan nguyên sơ khiến dân địa phương ở đây vẫn giữ được cuộc sống riêng, mang những đặc điểm có phần "nguyên thủy". Gọi là trường cấp hai nhưng thực sự trường mới chỉ có một lớp Năm với số học sinh thiếu 3 em mới đầy ba chục. Vì thế, giáo viên cũng chỉ có mỗi mình anh. Do đó, anh học ban xã hội nhưng phải dạy tất tật các môn học từ Văn, Sử, Địa đến Toán, Sinh vật, Kỹ thuật nông nghiệp và Vệ sinh. May là lớp Năm chưa có hai môn Lý, Hoá; chứ nếu có thì anh không biết sẽ dạy dỗ ra sao vì hồi học phổ thông anh học kém hai môn này.

Anh nói trong thư, người dân ở đây sống bắng săn bắt chim, thú, số còn lại  làm nghề đánh cá nên không mấy nhà thấy cần phải cho con đi học. Vì thế, ngoài giờ đứng lớp, anh thường xuyên phải đến từng nhà vận động họ cho trẻ tới lớp. Anh cũng nói thêm, đừng tưởng ra hải đảo sẽ được thưởng thức thoải mái những món hải sản ngon như cua biển, cá ngon, tôm, ghẹ,…Chỉ khi trời yên bể lặng, dân chài đưa thuyền cá về mới có chút cá tươi ăn còn thì thường xuyên đều trông vào gói cá khô, lọ mắm tôm. Rau xanh thì quá hiếm hoi, một tuần mới có một chuyến tàu ra đảo, phải vào thị trấn mới mua được rau từ đất liền ra nên giá rau đắt lắm, thèm rau hơn thèm thịt  

Sang năm học sau, thư anh Quyết viết, lớp anh dạy đã thành lớp Sáu, trường có thêm một lớp Năm 19 học trò nên huyện uỷ điều thêm một cô giáo người thị trấn, học ban tự nhiên trường Sư phạm trung cấp chính quy trong thành phố nên anh Quyết không phải dạy các môn Toán, Sinh, Vệ sinh nữa. Và anh được đề bạt làm quyền hiệu trưởng cái trường có hai lớp hai giáo viên đó. Cũng cuối năm học này anh được kết nạp vào đảng.

Đến năm thứ ba thì trường anh có 3 lớp, đủ từ lớp 5 đầu cấp đến lớp 7 cuối cấp. Huyện cho hẳn hai giáo viên nữa và anh Quyết được đề bạt chính thức làm hiệu trưởng. Tôi bảo anh, hiệu trưởng cái trường 3 lớp 3 giáo viên nhưng thi thoảng được vào thành phố họp hội nghị giáo dục, ngồi ngang hàng với các hiệu trưởng trường hai ba chục lớp, bốn năm chục giáo viên. Thế là anh có tiếng rồi, giờ chỉ cần có miếng nữa thôi!

Có lần viết thư cho anh Quyết, tôi hỏi bà cô anh giờ ra sao. Anh trả lời, bà vẫn cặm cụi đan len lần hồi kiếm sống. Năm nào, trước ngày giỗ ông bà nội và bố mẹ anh, bà cũng viết thư gửi ra đảo cho anh trước cả tuần, nhăc anh cố xin phép về ăn giỗ. Có năm được về, có năm không, anh đành thăp hương ngoài đảo khấn vọng về. Gọi là về ăn giỗ với cô nhưng có mâm bát gì đâu. Ba nén hương cắm trong cái vỏ ống bơ sữa bò Liên Xô, một bình hoa nhỏ cắm mấy bông hoa thường là hồng đỏ, cúc vàng hay huệ ta. Một bát cơm úp ngược, một quả trứng luộc đã được bóc vỏ, một đôi đũa, một thìa muối, mấy lát gừng và một miếng thịt lợn luộc bầy cùng một nải chuối tây đang chín dở. Cúng xong, hai cô cháu xin lộc, buồn buồn ngồi ăn với nhau.

Anh còn nói thêm, có lần đi họp ở thành phố, anh tạt qua nhà thăm cô anh. Trong bữa cơm, anh thấy có đĩa đậu phụ rán vàng và bát riêu cua thơm mùi dấm bỗng và vàng sao lên màu mỡ của hành phi với chút gạch cua. Nhưng khi ăn xong, anh mở cái chạn bé con kê ở góc nhà thì thấy bên trong có một niêu tép đã ăn dở. Anh ứa nước mắt và hiểu ra rằng bữa cơm ăn với cô hôm nay là một bữa cơm thịnh soạn.

Và bao giờ cũng thế, trước khi chia tay cô về đảo, cô anh vừa chùi nước mắt vừa dúi vào tay anh một gói tiền nhỏ bọc giấy báo và bảo:

- Cháu cầm lấy mà ăn uống thêm, đừng tiết kiệm quá mà sinh ốm đau bệnh tật.

Rồi bà tươi cười hỏi:

- Mà cháu đã tìm hiểu được cô nào chưa? Nếu có rồi thì nhớ mua quà cáp cho người ta nhé!  Nhanh nhanh lấy vợ đi để cô được làm bà bế cháu.

Nhưng anh Quyết đâu đã tìm hiểu được cô nào ở ngoài hải đảo. Mãi đến kỳ nghỉ hè năm thứ năm, khi anh đã 27 tuổi, mẹ anh nhắn anh lên

Bắc Giang chơi rồi chỉ cho anh xem mặt cô con gái út bên bà hàng xóm và bảo cô này mới 21, quả mai ba bẩy đương tơ, chân quê, xinh xắn nết na lại chăm làm lắm, nếu con ưng thì mẹ hỏi cho con? Và ngay mùa hè năm đó, anh Quyết cưới vợ. Tôi được anh mời lên một làng quê bên con sông Thương nước chảy đôi dòng bên đục bên trong dự đám cưới vào buổi trưa và đón dâu về bằng chuyến xe lửa buổi chiều.

Quả thật, vợ anh Quyết là một cô gái đảm. Về thành phố, biết mình không có hộ khẩu, không có sổ gạo, không có một ô tem phiếu gì. Nhưng quyết không  ăn bám vào tiêu chuẩn của bà cô chồng và mấy đồng lương của chồng, chị quan sát thung thổ rồi năng nổ sắm ngay quang gánh và đôi mẹt chạy chợ rau. Lần hồi, quen đường quen phố, chị lên tận ga xe lửa thành phố đón những chuyến tàu từ các ga xép xuống, mua lại của người nhà quê mớ tôm mớ cá, con gà con vịt đem về trên phố bán kiếm lời.

Cưới vợ được 3 năm thì trường anh Quyết đã có được 5 lớp và cũng tròn 8 năm anh ở  đảo. Anh được cho đi học khoa chính trị trường Đại học Sư phạm Hà Nội để về dạy cấp 3. Anh không vui lắm vì nguyện vọng của anh là được học khoa Văn nhưng ơn mưa móc của cấp trên chỉ có thế. Hai năm sau, tốt nghiệp đại học, anh được điều về thành phố. Không có trường cấp 3 nào thiếu chân giáo viên chính trị, người ta đưa anh về trường cấp hai. Và thật ngẫu nhiên, anh được cử về trường tôi đang dạy. Không còn cái ghế hiệu trưởng hiệu phó cho anh, người ta xếp anh vào cái chân thư ký công đoàn, tiếng là vẫn trong bộ tứ lãnh đạo của nhà trường.

Bây giờ thì anh Quyết đã có 4 đứa con. Vợ chồng anh gọi chúng bằng tên các loài rau quen thuộc: Cái Muống, thằng Cần, thằng Cải, thằng Dền.Tôi trêu anh:

- Đẻ như gà ấy! 5 năm 4 đứa!

Anh cười bẽn lẽn:

- Bà cô mình đêm ngày cầu mong con độc cháu đàn. Năm vợ mình đẻ con Muống đầu lòng, bà cũng vui nhưng rồi chép miệng than vãn ngay, trời chưa để mắt đến nhà họ Bùi. Năm sau, vợ mình sinh thằng cu Cần thì bà reo toáng lên giữa phòng hộ sinh, thế là có người nối dõi rồi. Đến khi vợ mình đẻ thêm cu Cải, cu Dền thì bà hồ hởi động viên, đẻ nữa đi, đẻ mười đứa, bà cũng chăm ẵm tất.

Nhưng vợ chồng anh chỉ đẻ thêm một đứa nữa, thằng Ngót rồi bàn nhau cai đẻ. Bà cô biết chuyện gắt om lên:

-  Cai đẻ, cai đẻ! Sao lại phải cai? Của là một, con là hai, có ai từ!

Anh Quyết phải nhiều lần nhẹ lời nói để bà cô thấu hiểu, nhà đã có 8 khẩu, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi rồi!  Đẻ nữa thì chỉ thêm nheo nhóc, các cháu sẽ không được ăn học tử tế và anh không muốn bà phải còm lưng bế hết cháu này đến cháu khác.

Khi đã nguôi ngoai, bà cô anh nhìn 4 thằng cháu trai, mỉm cười đắc ý:

- Thôi cũng được! Tứ tử trình làng rồi!

Anh Quyết nói trêu bà cô :

- Bốn con dế trũi thì có! Suốt ngày nô đùa nghịch ngợm, vừa ăn xong đã kêu đói.

Để thể hiện sự chăm lo đời sống các thầy cô giáo, Thành phố bỗng có chính sách bán bánh mì ăn sáng cho giáo viên theo giá mậu dịch, tiêu chuẩn mỗi người một cái. Sáng sáng nhà trường phải cử người đem sổ mua hàng ra cửa hàng xuất trình cho cô bán hàng ký nhận rồi giao bánh. Trong trường chẳng ai dỗi hơi nhận công việc này nên thư ký công đoàn phải nhận. Mỗi sáng, anh Quyết đạp chiếc xe đạp thống nhất cũ kỹ đem theo một chiếc bao tải nhỏ lấy bánh mì về trường cho mọi người. Trường thời đó học theo hai khối khối sáng và khối chiều. Những thầy cô dậy khối sáng, có bánh mì ăn điểm tâm thật là tiện lợi, tiện nhất là những người dạy tiết 1, những ai dạy tiết sau, ăn muộn một chút cũng được, đỡ phải ăn cơm nguội cơm rang ở nhà tốn gạo. Nhưng những người dạy khối chiều, không nhẽ chỉ vì một cái bánh mì lại cất công đến trường mà ăn hay đem về nên chỉ nhữn ai nhà ở gần trường, mới ra lấy tiêu chuẩn còn những người ở xa trường đành phải bỏ. Vì thế sáng nào cũng dư ra khoảng chục cái. Anh Quyết gặp chủ nhân những chiếc bánh ấy, nói lời xin tiêu chuẩn của họ rồi xem trong số đồng nghiệp, có ai ăn khoẻ, anh chia sẻ cho họ thêm một cái. Còn thừa khoảng 4, 5 cái anh đem về cho các con ăn. Vợ anh mừng lắm, bảo thế là đỡ được bơ gạo nấu thêm bữa tối để sáng hôm sau cho chúng có cơm nguội ăn.

Sang đầu những năm 1980, phong trào nuôi lợn rầm rộ nổi lên từ nông thôn ra thành thị. Người ta kể cho nhau nghe, sinh thời, mỗi khi về thăm một địa phương, một đơn vị, một cơ sở sản xuất..., Bác Hồ thường thường đi một cách kín đáo, bất ngờ. Và thường khi đến những nơi này, Bác rất hay “đột kích” vào khu bếp ăn tập thể, khu chuồng trại chăn nuôi. Bác muốn tận mắt kiểm tra xem chất lượng đời sống thực của người dân ra sao, hiệu quả tăng gia của họ thế nào. Kể rồi, người ta bảo chỉ có tăng gia mới ích quốc lợi nhà mới là thi đua làm theo ý bác. Mà tăng gia thì không gì bằng nuôi con lợn.   Đang thời kỳ cả nước thiếu ăn, miếng thịt quý hơn vàng, nếu không tự nuôi lợn thì cơ hội có miếng thịt ăn là cực kỳ khó.

Thế là, người người nuôi lợn, nhà nhà nuôi lợn. Công nhân, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư, nhà văn, nhà báo, thiếu tá, trung tá, đại tá…tất cả đều cuồng lên vì lợn. Ai không nuôi bị đánh giá là... không chăm chỉ, không yêu lao động, không có ý thức thi đua.

Nhà anh Quyết cũng nuôi lợn. Anh  bảo, người ta phải xếp hàng mua rau cho lợn mà rau mậu dịch thường là rau già, bị sâu nhiều. Vợ anh bán rau, nhiều hôm thừa ế, bỏ đi phí quá, nay nuôi lợn thật là một công đôi việc. Rồi anh động viên tôi nên nuôi lợn ngay. Tôi nói, tôi ở căn phòng trong nhà trường, chuồng đâu mà nuôi thì anh bảo:

- Anh không thấy tiếng lợn kêu, mùi lợn hôi hám tỏa ra trong các căn hộ chung cư lắp ghép, từ tầng 1 đến tầng 5 à? Nhiều nhà, với căn hộ tập thể khép diện tích 18m2 những 6 người sinh sống  mà họ vẫn nuôi đựơc đấy. Họ nuôi trong nhà tắm, hàng ngày hót phân đổ đi rồi vệ sinh cho sạch, còn tý mùi hôi nào đành chấp nhận thôi.  Anh về tính toán xem. Phần rau cho lợn ăn tôi sẽ hỗ trợ.

Tuy thấy anh thảo lòng với bạn nhưng tôi không thể nghe theo anh:

- Tôi biết, người ta nói lợn nuôi người chứ không phải là người nuôi lợn nhưng tôi không thể ngăn cái phòng có 8 mét vuông 4 đã có 2 vợ chồng 2 đứa con ra một ô để nuôi thêm 1 con lợn ngay trong trường học.  

Ba tháng sau, anh Quyết hớn hở khoe với tôi đã bán được đôi lợn nuôi đầu tiên, tuy giá nhà nước rất thấp so với chợ đen nhưng anh cũng có chút lãi đủ mua cho 4 đứa con lớn giấy bút học tập và đặc biệt cho thằng út một bộ quần áo mới. Anh bảo anh sẽ đi chợ mua đôi lợn giống về nuôi để kịp bán vào dịp Tết tới.

Đúng ngày tiễn ông Táo ông Công về trời, anh Quyết lên nhà tôi chơi. Sau khi uống chén nước trà Hồng Đào loại 3 tôi mời, anh bảo:

- Tôi vừa bán một con lợn cho cửa hàng mậu dịch.

Tôi hỏi:

- Sao lại chỉ bán một con?

- Bán con to nhất, con nhỏ hơn bớt lại

- Để sau Tết, hiếm lợn bán giá cao hơn à?

- Không!

Anh Quyết đáp cụt lủn rồi vùa vân vê chén trà vùa nhìn ra cửa sổ nhà tôi, anh khẽ nói như nói với không khí chứ không phải nói với tôi:

- Nuôi con lợn xem vậy cũng cơ cực lắm anh ạ! Nào lo rau cám, than củi, dọn chuồng trại, gọi người tiêm phòng khi chúng ốm đau. Mỗi lứa chí ít cũng phải 4 tháng mới được bán. Nhà mình thèm thịt mà không được giết mổ. Bán cho lò mổ nhà nước thì được ít tiền, bán cho người giết chui thì bị kết tội là tiếp tay cho bọn làm ăn phi pháp. Nhà tôi có 8 miệng ăn, vợ tôi thì không có tem phiếu gì còn tôi cũng như anh được phát phiếu D mỗi tháng được mua 5 lạng thịt, bà cô tôi phiếu nhân dân 1 lạng, lũ con tôi phiếu trẻ em mỗi đứa 3 lạng, cộng tiêu chuẩn cả nhà là 2 cân môt một tháng.

Mỗi lần quầy hàng thông báo có thịt bán, bà cô tôi phải đi xếp lốt từ mờ sớm rồi chờ  đến sáng ra xếp hàng. Mà muốn mua một lần cho xong đâu có được. Cô mậu dịch viên trả lời, chỉ bán một nửa thôi còn phải phần cho người khác chứ. Lại còn phải nói khó để được mua miếng nào nhiều mỡ, về lọc ra rán để có mỡ rán bánh đậu, xào mớ rau, chưng tý măm tôm. Mỗi khi cô tôi rán mỡ, anh ạ, năm đứa cháu xúm quanh chân bà, hít hà mùi thơm của mỡ. Bỗng một đứa nói: “bà ơi, rán xong bà cho chúng cháu ăn vã tóp nhé”, mấy đứa kia cũng lần lượt nói xin bà như thế. Bà ừ một tiếng rồi chắt mỡ vào lọ, xong đổ tóp ra cái bát đứa cho cái Muống và bảo: Đợi nguội hãy cho các em ăn kẻo bỏng mồm đấy. Thế là năm chị em chúng kéo nhau ra ngoài hiên bếp. Bốn đứa em chìa lòng bàn tay ra cho con chị chia tóp. Rồi đứa nào đứa ấy ăn vội ăn vàng như không biết nhai mấy miếng tóp đầu tiên cho đến khi còn lại cái cuối cùng, chúng mới ăn dè, đưa miếng tóp lên mồm khẽ cắn từng tý một.   Vợ tôi chạy chợ rau củ là chính nhưng đôi khi cũng buôn đi bán lại vài ba con gà. Có lần, gà ở sân ga trông rất tươi tắn khoẻ mạnh nhưng về đến nhà thì nó bỗng ỉa cứt cò, chảy nước mắt, mồm đầy rớt rãi và ho kéc kéc. Gà bị chớm rù từ dưới quê lên mà mình không biết. Giờ cũng không dám đem bán, đành phải thịt vội ra mà ăn, mất cả vốn lẫn lãi cũng đành chịu chứ để nó chết vứt đi thì mất sạch. Ấy vậy mà bữa cơm có thịt gà rù kho gừng, lũ con tôi cũng cảm thấy như được ăn cỗ. Chúng thèm thịt quá, thèm quanh năm, thật tội nghiệp! Làm bố chúng nó, tôi đau lòng lắm. Vì vậy, tôi quyết định không bán con lợn nhỏ, để lại làm thịt cho cả nhà có một cái tết tươm tất .

Tôi hỏi:

- Anh có biết mổ lợn không?

- Biết! Hồi ở đảo tôi thường tham gia giết lợn mỗi khi phòng giáo dục có hội nghị, mời khách trên huyện uỷ về dự. Nhưng hồi đó lợn là do xã cấp, khi chọc tiết, nghe nó kêu eng éc vui tai lắm. Giờ là lợn minh nuôi nhưng tự giết là giết lậu. Nó mà kêu một tiếng là bảo về dân phố xộc đến ngay. Vì thế tôi đến để hỏi anh có biết cách nào giết lợn mà không có tiếng kêu?

- Biết! – Tôi thành thật khoe - Tôi hay lê la quán nước bà cụ Sen đầu phố. Mà anh biết đấy, khách quán nước vỉa hè thì thượng vàng hạ cám, đủ mọi chuyện trong nhà ngoài ngõ. Có một lần, ba ông khách, một xích lô, một bơm xe đạp và một bốc vác cảng ngồi tán chuyện. Họ tỏ ra rất thán phục cách giết lợn không có một tiếng kêu của cánh mổ lợn chui. Ông xích lô kể rất rành rọt:

- Người ta lấy một cái bao tải, đổ tro bếp vào, đặt bao ngang mặt chuồng lợn. Kẻ giữ bao, kẻ lừa đẩy mông con để lợn chui đầu vào miệng bao rồi xốc đứng bao lên. Đầu lợn và nửa thân trước cắm vào trong bao, mông đuôi chổng lên trời. Lợn bị sặc vì hít phải tro không kêu được tiếng nào. Người ta nhúng bao vào chậu nước cho lợn sặc ngất đi rồi chọc tiết thật êm. Nhà bên cũng không hề biết có một cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra sát vách.

Mắt anh Quyết sáng lên, anh nói:

- Hay quá. Vậy hôm giết lợn, anh giúp tôi một tay nhé! Tôi quen con lợn, tôi sẽ lừa đẩy mông nó vào bao, anh giữ bao tro, cứ thế ta làm.

Thấy nguyện vọng của anh là tốt, tôi nhận lời và đúng sáng hôm 27 tháng Chạp, các trường học đã được nghỉ Tết, tôi đến nhà anh. Con lợn gần 40 cân được hai chúng tôi giết êm ả đúng như kịch bản và khoảng 3 tiếng sau thì thịt nó được pha món nào ra món ấy. Anh Quyết bảo cái Muống ở nhà phụ giúp còn 4 đứa em cho lên nhà hát lớn chơi. Bà cô anh trông cho cái lò than nắm bùn lúc nào cũng hồng rực vì vậy việc nấu nướng rất nhanh gọn thuận lợi.  

Tầm hơn 11 giờ trưa, anh Quyết trải cái chiếu hoa ra giữa nền nhà rồi bầy mâm bát. Vừa hay, vợ anh đã xong buổi chợ về kéo theo cùng lúc tứ tử chắc đã chán trình làng và đã đói bụng. Mắt chúng sáng lên khi nhìn thấy nồi cháo lòng đặt cạnh chiếu và mấy đĩa lòng dồi đầy tú hụ trong mâm. Vợ anh Quyết bảo các con đi rửa tay chân rồi mới cho chúng ngồi vào bên mâm. Chị nhanh nhẹn múc cháo lòng ra từng bát rồi lễ phép đưa một bát lên mời bà cô chồng sau đó rót hai chén rượu trắng trong một cá chai đậy nút lá chuối mời tôi và mời chồng rồi ra hiệu cho các con ăn.   

Tôi đã uống đến ba hớp rượu và nhấm nháp hết ba miếng lòng dồi mà vẫn thấy anh Quyết chưa ăn uống gì. Anh vẫn ngồi xếp bằng, hết nhìn bà cô rồi lại nhìn vợ con. Bà cô anh chậm rãi húp từng thìa cháo sánh mịn và từ tốn nhai những món lòng dồi như để thưởng thức những hương vị khác nhau của từng miếng gan, cổ hũ, lòng tràng, ruột non. Thi thoảng bà lại ngước nhìn lên bàn thờ có treo ảnh ông nội và bố anh Quyết. Phải chăng bà đang nhớ lại những ngày xưa xa xôi, có lần nào đó đã được bố cho hai chị em ăn cháo lòng? Vợ anh thì vừa ăn vừa gắp thêm cho các con những miếng lòng dồi ngon. Năm đứa trẻ xì xụp xuýt xoa húp những miếng cháo còn nóng. Ôi! Những húp cháo và những miếng tim gan lợn hôm nay được ăn đẫy miệng chả bù cho những lúc cắn dè miếng tóp mỡ bé xíu. Rồi chúng bắt đầu kể công. Đầu tiên cái Muống nói:

- Con lợn này chóng lớn là nhờ bà và chị rau cám cho nó.

Bốn đứa em cũng không kém cạnh. Thằng Cải thằng Dền thì kể công cực nhọc quét rửa chuồng, thằng Cần, thằng Ngót thì kể công tắm rửa vệ sinh cho lợn. Anh Quyết vui lây, cất tiếng cười mãn nguyện:

- Còn bố có công đi chợ chọn lợn giống, mẹ có công đem rau thừa ế về. Cả nhà ta ai cũng có công hết!

- Kìa anh ăn đi chứ! – Tôi khẽ nhắc anh Quyết và anh như tỉnh lại:

- Vâng, mời anh cứ tự nhiên. Tôi sung sướng quá!

Sau đợt cháo, chị vợ anh Quyết bưng nồi cơm ra mời cả nhà ăn thêm cho no bụng. Bà cô anh nói:

- Hôm nay, tôi chỉ làm mỗi một món để ăn cơm. Đó là món thịt tẩm ướp gia vị rán, những miếng thịt nạc ở lưng con lợn mà ngày xưa ông chú tôi làm bếp cho Tây bảo đó là phần thịt ngon nhất, Tây nó gọi là cô lết hay cô liếc gì đó.

Bữa ăn vừa xong, vợ anh Quyết mời bà cô, tôi và chồng ra bàn uống nước. Chị đang  dọn mâm bát thì từ ngoài ngõ vang lên tiếng gọi như quát:

- Mở cổng! Mở cổng! Đồng chí Quyết mở cổng! Đội tuần tra tổ dân phố đây!

Anh Quyết bảo thằng Cải ra mở và trong nháy mắt đã thấy xồng bước vào nhà ba người đàn ông. Người đi đầu chừng ngoài sáu chục cao gầy lỏng khỏng. Theo sau là hai gã trai trẻ vạm vỡ, tất cả đều đội mũ công nhân màu xanh sĩ lâm. Người cao gầy nhìn vợ anh Quyết đang thu dọn bát đĩa, làm ra vẻ tiếc rẻ:

- Đen quá, chúng tôi chậm chân một tý mà trượt mất bữa cháo lòng.

Nói rồi lão rút trong túi quần ra một cuốn sổ nhàu nát và móc trên túi áo một chiếc bút máy Hồng Hà, lên giọng trịnh trọng:

- Chúng tôi bắt quả tang gia đình vừa ăn cháo lòng và thịt lợn rán. Đồng chí Quyết tài thật đấy, giết lợn mà không hề có tiếng kêu. Nhưng dấu được tiếng lợn kêu chứ sao dấu được mùi cháo lòng và mùi thịt rán nức mũi. Tai mắt nhân dân thì bịt được nhưng mũi nhân dân thì không bịt nổi đâu, đồng chí Quyết ạ! Có người báo cho chúng tôi biết hình như nhà đồng chí giết lợn lậu. Mới đầu chúng tôi không tin vì đồng chí là giáo viên lại là đảng viên. Nhưng hai đồng chí bảo vệ thử lướt qua nhà thì thấy bà con đoán đúng. Cho hỏi, con lợn đang nuôi của nhà đâu rồi?

Biết rằng có phân trần với lão tổ trưởng dân phố máy này cũng vô ích, anh Quyết nói thẳng băng:

- Các ông đã biết tôi thịt nó rồi, hỏi làm gì nữa.

- Vậy thì chúng tôi lập biên bản.

Nói xong, lão tự kéo một chiếc ghế đẩu ra ngồi, kê một tờ giấy vàng như rạ lên đùi hý hoáy viết rồi đưa cho anh Quyết xem và bảo anh ký vào xong hất hàm ra lệnh cho hai gã bảo vệ dân phố:

- Hai đồng chí xuống bếp xem có cái gì tiện thì đem về nộp cho uỷ ban để làm chứng cứ

Nhanh như chớp, hai gã bảo vệ lao ngay xuống bếp, rồi trở ra, một gã xách theo cái thủ lợn. Lão tổ trưởng gật đầu:

- Được đấy! Thôi chào cả nhà, chúng ta lên uỷ ban nộp biên bản và tang vật này để uỷ ban xử lý.

Chợt nhìn thấy tôi, lão dõng dạc nói:

- Còn ông này nữa. Ông giúp đồng chí Quyết thịt lợn chui. Vậy là tội a tòng, tôi phải lập biên bản tiếp.

Anh Quyết đứng phắt dậy, nói như ra lệnh:

- Không được làm bậy! Ông ấy là khách mời của gia đình tôi!

*              *

*

Sáng ngày mồng Một, tôi xuống nhà anh Quyết chúc Tết, Tôi hỏi anh vụ con lợn rồi ra sao? Anh đáp:

- Họ bảo chiếu cố gia đình đảng viên đông con, tịch thu nửa con lợn, nửa con thu mua theo giá nhà nước và phạt tiền như lệ. Không thấy họ trả cái thủ lợn, tôi đến nhà lão tổ trưởng hỏi thì lão bảo:

- Nộp trên uỷ ban, đồng chí lên mà lấy về. Biết là bị chúng cướp chẹn họng, nhưng Tết nhất đến rồi, tôi bỏ qua cho nhẹ nợ.

Qua Tết 2 tuần, anh Quyết bị phòng giáo dục gọi lên viết bản tường trình rồi đưa về trường cho chi bộ kiểm điểm trước và đem ra công đoàn kiểm điểm sau. Một tuần sau thì có quyết định cách chức thư ký công đoàn trường và chuyển anh sang dạy bên kia cầu, xa nhà anh thêm 3 cây số nữa. Lại ghi chú rõ: Không để dạy môn Văn,  chỉ cho dạy môn Địa lý!

Hôm chia tay anh về trường mới, tôi ngậm ngùi bảo anh:

- Vì tôi bày cho anh cái mẹo giết lợn chui nên ra nông nỗi này.

Anh khảng khái đáp:

- Anh đừng nghĩ thế. Chỉ cần được thấy bà cô tôi và vợ con tôi được ăn một bữa cơm có thịt no nê ngon lành là tôi hạnh phúc lắm rồi. Còn nuôi lợn, nếu có dịp tôi sẽ làm một bữa no nê nữa cho những người ruột thịt của tôi.

Lần này bị khai trừ đảng tôi cũng cam lòng!


Mời thư giãn với nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN

của Đức Trí, qua tiếng hát nhóm V.Music:

*

NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: 79A ngõ 311 đường Đằng Hải,

Quận Hải An, thành phố Hải phòng.

Email: bnguyen37@gmail.com

.

 

 


 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.04.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét