MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

VỀ THÀNH NGỮ ‘MÙNG MỘT TẾT CHA, MÙNG HAI TẾT MẸ’ - Tác giả: Trương Thanh Hùng (Hà Tiên)

 

VỀ THÀNH NGỮ

MÙNG MỘT TẾT CHA, MÙNG HAI TẾT MẸ

*

(Tác giả Trương Thanh Hùng)

Lâu nay, chúng ta thường nghe thành ngữ “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, nghe ra khá hợp với đạo lý của người Việt từ ngàn xưa tới nay. Nhưng hình như có gì đó chưa ổn lắm. Ngày Mùng Ba tết Mậu Tuất, xin lạm bàn về vấn đề này.

Theo tôi được biết, từ rất xa xưa, người ta hay nói: “Mùng Một tết mẹ tết cha, mùng Hai tết bạn, mùng Ba tết thầy”, hoặc là “Mùng Một là tết ông bà, mùng Hai tết bạn, mùng Ba tết thầy”. Còn câu “Mùng Một tết cha, mùng hai tết me. . .” chỉ mới thấy xuất hiện từ vài chục năm nay, nhưng lại được số đông người chấp nhận, kể cả một số người được gọi là “trí thức” hay “nhà nghiên cứu” hay dẫn và lý giải theo suy nghĩ chủ quan của mình khi nhắc đến truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, và chú ý nhiều đến ý nghĩa của ngày Mùng Ba chứ ít khi nhắc đến tại sao lại là mùng Một tết cha rồi phải đến ngày mùng Hai mới tết mẹ và bỏ qua luôn “Mùng Hai tết bạn”.

Về ý nghĩa mùng Ba tết thầy thì rất nhiều người nói đến nên xin tạm gác lại, chỉ xin bàn về câu thành ngữ trên để thấy rằng người xưa đã rất chuẩn khi nói “Mùng Một tết mẹ tết cha, mùng Hai tết bạn, mùng Ba tết thầy”. Cũng có câu nói gọn hơn “Mùng Một tết cha, mùng Ba tết thầy”.

Tôi vẫn thắc mắc, không hiểu sao ngày mùng một tết chỉ được tết cha, đến mùng hai mới được tết mẹ? Không lẽ cha và mẹ không cùng ở chung một nhà?. Dĩ nhiên, theo truyền thống phụ hệ, Nho giáo mà dân ta tôn trọng thì người con phải kính cha trước khi kính mẹ. Trong ngày mùng một (có cả 24 giờ đồng hồ) mà chỉ có chúc tết cha, mời cha ra chúc tết riêng, đến mùng hai chúc tết mẹ riêng thì tôi chưa từng thấy có một gia đình nào của người Việt làm như thế cả. Do đó dân tộc ta có câu: “Cha sanh-mẹ dưỡng”, trong ca dao thì có: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Hồi nhỏ tôi có học bài học thuộc lòng “Khuyến hiếu đễ” (hình như trong sách Quốc văn giáo khoa thư thì phải?) có đoạn “Cha sanh mẹ dưỡng / Đức cù lao lấy lượng nào đong / Thờ cha mẹ ở hết lòng / Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường…”; rồi “Công cha nghĩa mẹ”... Những câu đó đã cho thấy đối với người Việt chúng ta, giữa cha và mẹ, không thể xem trọng ai hơn, và khi chúc tết thì thường là mời cả cha và mẹ ra chúc một lượt, cùng một câu chúc, chỉ khi lì xì mừng tuổi thì mới dâng cho cha trước, mẹ sau. Vậy thì đâu có đạo lý nào mà mùng một tết cha, mùng hai mới tết mẹ.

Ở đây lại có chuyện khá lý thú là theo đạo đức phong kiến, Nho giáo thì tam cương phải là “Quân-sư-phụ”, rồi “Trung quân vương, hiếu phụ mẫu” nhưng người Việt chúng ta lại dùng ngày trọng đại nhất trong năm để thể hiện đạo hiếu, lòng hiếu trước cả vua (có thể hiểu là người đứng đầu trong tổ chức), hiếu kính đối với tổ tiên, cha mẹ trước rồi mới đến cơ quan (bạn). Thế chẳng là hay sao?.

Có người cho rằng cây này có ý là mùng một đi chúc tết bên nội, mùng hai chúc bên ngoại. Điều này cũng không hợp lý lắm. Cả ngày mùng một mà chỉ đi chúc tết ở từ đường (nếu có) hoặc vài người trên trước bên nội, đến mùng hai mới thực hiện nghi thức này bên ngoại thì tôi cũng chưa thấy bao giờ. Mà thông thường, nghi thức chúc tết ông bà, người trên trước trong gia tộc trong cùng một địa bàn thì không bao giờ phân biệt nội-ngoại, mà thường là theo lộ trình cho thuận tiện, hoặc phải đến người có vai vế cao nhất, lớn tuổi nhất trước, sau đó mới theo thứ tự không kể nội-ngoại. Nghi thức này được thực hiện hết trong ngày mùng một tết, ít khi kéo dài qua ngày mùng hai.

Thêm nữa, cha và mẹ cũng có bên nội, bên ngoại riêng, vậy thì mùng một đi tết ông nội, ông cố nội, ngày mùng hai mới tết bà nội, bà cố nội… Tương tợ, bên ngoại cũng như thế. Vậy thì quá rắc rối, phận làm con cháu làm sao thực hiện được? Chính vì thế câu “Mùng Một tết mẹ, tết cha” hay “Mùng Một là tết ông bà” (Đối với những người mà cha mẹ đã qui tiên) là đúng nhất và hay nhất chứ không phải là “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ” như ta thường nghe. Xin ai đó đừng vì thuận miệng hay một sự suy diễn nào đó mà làm biến dạng thành ngữ xưa.

Về chuyện “Mùng Hai tết bạn”. Câu này cũng đã có từ xa xưa. Bạn ở đây có thể là bạn học (được dùng thường nhất), bạn chiến đấu, bạn nghề nghiệp, bạn trong kinh doanh, giao tế… Tại sao “Mùng Hai tết bạn” cũng là điều nên bàn, bởi đó là một tập tục hay và đẹp của dân tộc ta.

Theo phong tục của người Việt chúng ta, dù dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp, đến mùng bảy mới hạ nêu, nhưng thật sự “ăn tết” chỉ trong ba ngày đầu năm, ngày mùng một dành cho gia đình, dòng tộc, thực hiện những nghi lễ cổ truyền, sang ngày mùng hai thì hầu như là ngày riêng tư của từng cá nhân, cho những mối quan hệ xã hội, mà những mối quan hệ xã hội đầu tiên của một con người là hàng xóm láng giềng, là bạn bè trong trường lớp. Mở rộng hơn là sự giao tế, kinh doanh, công tác. . . Việc ngày đầu năm tiếp xúc với bạn bè là điều tất nhiên để tạo thêm sự gần gũi trong quan hệ xã hội, cũng có thể là tạo sự quan hệ trong công việc trong năm mới. Chính vì thế, việc thăm viếng nhau với những người được gọi là “bạn” có vị trí rất quan trọng. Đối với tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc “họp bạn” gần như chỉ là để thõa mãn tình cảm bạn học, đồng thời cũng là dịp gặp nhau ngoài môi trường học đường mà vui đùa, giỡn hớt, không bị ràng buộc bởi nội qui của nhà trường. Bên cạnh đó cũng là để chuẩn bị cho “mùng ba tết thầy”. Ngày nay, các bạn sinh viên phải về quê ăn tết nên khó gặp nhau như thời còn trung học. Sau khi ra trường, tình cảm của thời sinh viên là rất đậm đà nên khá nhiều người tổ chức “họp bạn” trong những ngày tết, mà ngày mùng hai hình như là hợp lý nhất vì ai cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với gia đình.

Đối với bạn bè không phải là “bạn học” thì người ta cũng thăm viếng, chúc tụng nhau vào ngày mùng hai, bởi ngày mùng một dành cho truyền thống gia đình, ít khi nào bạn bè lại gặp nhau ngày mùng một, chỉ trừ một số phải ăn tết xa nhà (nhất là trong tuổi thanh niên) mới đến “ăn tết” cùng gia đình của bè bạn, mà đó cũng là hãn hữu và bạn phải là cật ruột được xem như người trong gia đình mới có trường hợp đó.

Còn ngày “mùng ba tết thầy” thì chắc không cần phải bàn vì đã có nhiều người nói đến, đó là truyền thống tôn sư mà những người có học, kể cả học chữ, học nghề đều hết sức trân trọng.

Nói thêm: Giả sử cha mẹ không còn ở chung với nhau, mà con ở với mẹ thì "mùng 1 tết cha" như thế nào?

-------------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

Mời thư giãn với nhạc phẩm NGÀY TẾT QUÊ EM

của Từ Huy, qua tiếng hát Hồ Ngọc Hà:

*

TRƯƠNG THANH HÙNG

Địa chỉ(đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

.

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 29.11.2019.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


1 nhận xét:

  1. Hay quá! Luận cứ thật chắc chắn! Cám ơn tác giả Trương Thanh Hùng!

    Trả lờiXóa