MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

NGUYỄN DU - THI NHÂN CỦA NỘI TÂM THẦM KÍN - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

 

NGUYỄN DU - THI NHÂN CỦA

NỘI TÂM THẦM KÍN

*

(Tác giả Lê Thanh Long)

Bài thơ “Mạn hứng ở trong tù” Nguyễn Du nói về nỗi lòng cô trung của mình với nhà Lê như Chung Tử “gảy khúc miền Nam”, như Trang Tích “ngâm tiếng nước Việt”:

"Chung Tử ôm đàn gảy khúc miền Nam,

Trang Tích trong khi ốm cũng ngâm tiếng nước Việt"

Nguyễn Du “khóc tình nhà nợ nước”, vì chiến tranh tương tàn “bốn biển gió bụi”:

"Bốn biển gió bụi, tuôn lệ khóc tình nhà nợ nước,

Mười tuần trong lao ngục, lòng nghĩ đến việc chết sống".

(Nguyễn Du bị Tây Sơn bắt giam ba tháng, khi đang trên đường vào theo nhà Nguyễn).

Cái lòng cô trung của Nguyễn Du muốn hy sinh vì nhà Lê như Trương Thế Kiệt ở Bình Chương, đã hy sinh vì nhà Tống nhưng không được, chỉ có cách là theo gương Bá Di, Thúc Tề người Cô Trúc, là không thần phục Tây Sơn:

"Mối hận để lại đời sau ở Bình Chương biết bao giờ mới hết?

Phong cách cao thượng của người Cô Trúc không thể tìm ra".

(Mạn hứng trong tù, Thanh hiên Thi tập)

Tâm sự của Nguyễn Du không thể “nói cùng ai được”, “sông Quế” thì “sâu thăm thẳm”:

"Ta có tấc lòng không thể nói cùng ai được

Dưới núi Hồng Sơn sông Quế sâu thăm thẳm".

Trong bài “Tạp thi II” Nguyễn Du nói đến việc phải trốn tránh “giấu mình”, nhưng “tấm lòng như gương sáng vẫn y nguyên”, tức là tấm lòng cô trung với nhà Lê vẫn y nguyên:

"Sống giấu mình tự ràng buộc lấy tấm thân già bệnh,

Hoa rụng hoa nở là việc trước mặt,

Bốn mùa tấm lòng như gương sáng vẫn y nguyên".

(Tạp thi II, Thanh hiên Thi tập)

Nguyễn Du một con người trung thành đến cùng với quyết định giữ trọn lòng son của mình.

Trong bài “Mạn hứng” Nguyễn Du tự bình luận về cái chí đèn sách của mình vừa chua xót vừa hài hước:

"Đầy giá đàn và sách chỉ tổ để làm ngu mình.

Cuộc sống làm người trăm năm buồn vì chỉ như là chớp mắt,

Cuộc hành lạc khi luống tuổi tiếc rằng chỉ được trong chốc lát".

(Mạn hứng, Thanh hiên Thi tập)

Cái “ngu” Nguyễn Du nói đến ở đây là ý nói mình không chạy theo con đường danh lợi giầu sang phú quý, mà từ bỏ lý tưởng.

Trong bài “Nằm bệnh” có bốn câu thơ cuối, rất đáng chú ý:

"Bệnh cũ mười năm không ai thăm hỏi,

Thuốc đơn chín lần luyện mới thành biết tìm đâu ra?

Sao được thấy trăng sáng ở huyền quan,

Để rọi ánh sáng xóa tan mọi khí âm u".

(Nằm bệnh, Thanh hiên Thi tập)

Nguyễn Du lấy cái “bệnh” cụ thể để nói về cái bệnh u uất trong nội tâm của mình. “Bệnh” gì mà “mười năm không ai thăm hỏi”. “Thuốc đơn chín lần luyện” là thuốc của ai? Mà lại “tìm đâu ra?”. Cái thuốc này không thể tìm được, mà phải tự nó đến, cái thuốc của cửu trùng ban xuống, Nguyễn Du chờ chiếu vua ban xuống, gọi ra làm quan. Cái bệnh “mười năm không chữa được” là cái bệnh cô trung với nhà Lê. Nguyễn Du ước “Sao được thấy trăng sáng ở huyền quan/ Để rọi ánh sáng xóa tan mọi khí âm u”. Trăng sáng ở huyền quan là trăng sáng ở đường đi. Nguyễn Du ước được thấy trăng sáng ở đường đi, để rọi ánh sáng xóa tan mọi u uất, buồn rầu.

Bài “Đi đêm” Nguyễn Du nói “trên lối xưa” là cái lối mà các bậc tiền bối trung với vua đã đi, “chỉ có một người” đang đi “cùng với gió lạnh” cô đơn, mà “Đêm đen tối sao có vẻ như quên mất sáng”, làm cho người đó “Đầu bạc” rồi mà vẫn phải “giấu mình”:

"Trên lối xưa chỉ có một người cùng với gió lạnh.

Đêm đen tối sao có vẻ như quên mất sáng,

Đầu bạc không làm nên việc gì, phải vụng về giấu mình".

(Đi đêm, Thanh hiên Thi tập)

Bài “Ngồi một mình trên thủy các ở sông La Phù” là bài thơ được làm khi Nguyễn Du đã làm tri huyện Phù Dung:

"Dưới thủy các nước sông sâu,

Trên thủy các có người trầm ngâm.

Bóng mây lờ lững biến đổi buổi mai buổi tối,

Hoa sóng cuồn cuộn trôi cổ kim.

Thân thể trăm năm chỉ là giấc chiêm bao mở mắt".

(Ngồi một mình trên thủy các ở sông La Phù,

(Thanh hiên Thi tập)

Lúc này Nguyễn Du đã tĩnh trí, những câu thơ trên là triết lý về cuộc đời của ông. Đời người như “bóng mây” biến đổi, như “hoa sóng trôi cổ kim”, cuộc sống trăm năm chỉ như giấc mộng.

Bài “Đêm xuân ở quán khách”, Nguyễn Du viết năm 1805, khi đang ở nhà công quán ở Lạng Sơn, ông lên Lạng Sơn từ mùa đông, lúc này đã là mùa xuân.

Lòng ông lúc này chắc không được vui, có tâm sự, nên “U ám lòng riêng”:

"Phơ phơ tóc rối đã già với phong trần,

U ám lòng riêng sợ cảnh vật và thời tiết đổi mới.

Chưa ngăn được giấc mộng nơi nghìn dặm thấy cỏ bờ ao".

Ông tự phê phán cả bản thân mình là chưa ngăn được “giấc mộng” văn chương. “Cỏ bờ ao” là câu thơ của Tạ Linh Vận chỉ được nghĩ ra khi nằm mộng “Bờ ao sinh cỏ xuân”. Qua bao phong trần, ông ngộ ra “Tâm sự kẻ anh hùng” như ông cũng chỉ “luống rong ruổi hão”, trong chốn “danh lợi” nhiều phen khóc cười:

"Tâm sự kẻ anh hùng muốn rong ruổi hão,

Trong trường đua danh lợi nhiều phen cười và nhăn mày".

(Đêm xuân ở quán khách, Thanh hiên Thi tập)

Trong bài “Chim công múa” là bài tâm sự kín đáo của Nguyễn Du, phê phán cái trường đời đen trắng khó lường. Ông lấy con chim công có vẻ ngoài rực rỡ ví với người khoe mẽ, phô vẻ đẹp và kiến thức để chiều đời, còn trong lòng thì hiểm độc. Ông tự ví mình như “hạc biển”, cũng biết múa (có kiến thức), nhưng không khoe ra, giữ kín không cho người khác biết:

"Mật công mang chất độc,

Uống lầm phải thì không thể chữa.

Bề ngoài lộ ra những đường nét rực rỡ

Bề trong giấu kín chất độc giết người.

Người ta thì khoe dáng điệu của nó tốt đẹp,

Ta lại tiếc bộ lông của nó lạ.

Hạc biển cũng biết múa,

Nhưng không để cho người đời biết".

(Chim công múa, Thanh hiên Thi tập)

Ba bài “Ngẫu nhiên viết ở vách nhà công I, II, III” là những tâm tư tự đáy lòng Nguyễn Du bộc lộ ra. Làm một chức quan nhỏ, nhà công vắng vẻ, ít người qua lại, “Người đẹp” (nhà vua) “thì mãi mãi cách tường cao”, không bao giờ đến:

"Ngoài cửa sổ cây kinh cây kỷ lan man dài,

Người đẹp mãi mãi cách tường cao.

Nguyễn Du thất vọng, muốn về quê:

Hồn ơi về đi! Thương quê nhà".

(Ngẫu nhiên viết ở vách nhà công I, Nam trung Tạp ngâm)

Bài II nỗi lòng Nguyễn Du còn thất vọng hơn:

"Người tựa bên trời bị một chức quan giữ lại.

Hoa đào chớ trông cậy vào ý của Đông quân nữa,

Bên cạnh có dì gió tính rất chua cay".

(Ngẫu nhiên viết ở vách nhà công II, Nam trung Tạp ngâm)

Đông quân là chúa xuân, khi gió Đông thổi đến là hoa đào nở. Ở đây Nguyễn Du chơi chữ, Đông quân là chúa xuân, Đông quân còn có ý chỉ vua, hoa đào chỉ Nguyễn Du. Đừng có trông cậy vào Đông quân (chỉ nhà vua) nữa, bên cạnh có bọn quan lại trong triều hay ghen ghét, dèm pha.

Sang bài III, Nguyễn Du thất vọng tràn trề, nên nói “mối vinh hoa phù phiếm đã hết rồi”. Nếu vua có ý đợi ta, thì dù “khó nhọc” “ta cũng không từ”, “Bình sinh đã dứt hẳn giấc mộng mây xanh”, nhưng Nguyễn Du còn sợ một điều “Chỉ sợ thấy người bên cạnh hỏi lông cánh của mình thôi”, nên còn nấn ná, mà chưa quyết định từ quan:

"Gió thổi trên mồ xưa, mối vinh hoa phù phiếm đã hết rồi,

Trăng núi gió sông nếu như có ý đợi ta,

Thì dầu ở trong núi uống trong hang ta cũng không từ khó nhọc.

Bình sinh đã dứt hẳn giấc mộng mây xanh,

Chỉ sợ thấy người bên cạnh hỏi lông cánh của mình thôi".

(Ngẫu nhiên viết ở vách nhà công III, Nam trung Tạp ngâm).

*.

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 17.03.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét