VĨNH
BIỆT CHIM ÉN
Ông
tỉnh giấc. Ngoài cửa sổ trời vẫn tối. Chắc mới qua nửa đêm. Ông hé mắt nhìn
sang bên. Dưới ánh đèn mờ, bà vợ vẫn há miệng ngủ ngon lành trong cái dáng quen
thuộc đến cũ kỹ. Ông nhẹ nhàng nằm xích ra ngoài mép giường tăng thêm chút ít
khoảng cách dẫu chẳng được bao nhiêu.
Ông
căng đầu nhớ lại giấc mơ ban nãy. Một cảm giác êm dịu khi yêu thời còn trẻ.
Chiếc tàu điện sơn đỏ cổ xưa chạy từ Thanh Xuân về Hà Nội. Cô gái đứng trên
tàu, gió bay lọn tóc dài, giơ tay vẫy vẫy: ”Nhanh lên...nhanh lên anh...”.
Chàng trai cố dấn thêm mấy bước và nhảy phóc lên tàu. Cô cười sung sướng
nhe ra hàm răng nhỏ đều và trắng bóng. Con tàu vẫn chạy xịch xịch giữa đường
phố dầy đặc xe đạp. “Mình lên thẳng Bờ Hồ đi anh”. Cô mua một gói lạc luộc
và đặt nó vào giữa hai người trên chiếc ghế đá ven hồ. Cô khoe: “Hôm nay em làm
được bài thơ mới, sướng quá cúp luôn giờ văn học hiện đại của thày
Đức.”. Anh mơ màng nhìn tháp Rùa cô độc dưới nền trời xám, tai lắng
nghe cô đọc thơ: ”Từng giọt...từng giọt một...mưa rơi thầm trong cây...”.
Một
vật nặng làm ông tỉnh giấc tàn nhẫn cắt ngang giấc mơ. Đó là đôi chân xương xẩu
của bà vợ chẳng hiểu sao đã nằm xoay ngang và vắt nó nằm đè lên bụng ông.
Ông giận dữ “vứt” nó sang bên, cố nhắm mắt nối lại giấc mơ vừa nãy mà không
được, đành nằm lắng nghe tiếng dế ngoài vườn “cric...cric” hoà với vô vàn tiếng
côn trùng làm thành bản nhạc quen thuộc trong những đêm trằn trọc.
Thế
rồi nằm mãi chẳng ngủ được, ông mở cửa ra vườn lần mò tới chiếc ghế đá ,
khoan khoái ngả lưng ngước nhìn ông trăng mờ lấp ló sau những tàng cây tối. Gió
từ xa mang tới cái lành lạnh của núi rừng. Tiếng chim “chót thì bóp” càng về
sáng càng khắc khoải. Chao ôi, ước gì cứ được nằm thế này, nằm thế này mãi rồi
tan loãng vào thinh không bỏ lại sau lưng tất cả mọi phiền tạp nơi trần thế.
Hơn
một năm trước còn tại chức, ngồi một cái ghế khá cao, ông đã quá mệt mỏi với
những cuộc họp nói năng khuôn phép và dối trá, những mưu toan đê tiện, những
tính toán bẩn thỉu và và những dè chừng hèn nhát làm thần kinh căng thẳng lâu
lâu phải thư giãn trong các cuộc vui lén lút do đám thủ hạ dẫn dắt. Từ
ngày đó ông đã ngấm ngầm chuẩn bị “hạ cánh”. Ông buông bỏ dần những tranh chấp,
khước từ những chia chác do quyền lực đem lại, nhượng bộ những đòi hỏi của đối
thủ, rút lui từng bước khỏi các cuộc đấu đá nội bộ. Ông ngấm ngầm mua khu vườn
này cách thành phố khá xa làm chỗ rút về tĩnh dưỡng tuổi già. Và rồi ông đã
toại nguyện. Ông đã an toàn rút khỏi cái thế giới tràn ngập những giả dối,
những bon chen, những luồn cúi để trở về cái thoáng đãng, hoang vắng, dân dã
nơi rừng núi với ước vọng tiêu dao nốt những năm tháng cuối đời.
Vậy
nhưng cuộc sống chẳng chịu diễn ra như ta sắp đặt.
Tránh
vỏ dưa, gặp vỏ dừa, thoát được những thắt buộc ở cơ quan ngờ đâu ông rơi vào
một kìm kẹp khác kinh hoàng không kém. Bà vợ sau nhiều năm chịu đựng để ông
chồng rong ruổi quan trường, nay trở về trong vòng tay của bà, bà phải
truy thu cái quyền làm vợ và nhất quyết thiết lập nó một cách trọn vẹn và hà
khắc nhất. Càng ngày ông càng như con ruồi giãy giụa trong màng lưới của bà.
Có
tiếng động khẽ sau lưng. Bà vợ đứng ngay cạnh từ lúc nào. Ông điếng người như
đang trên chín tầng mây rơi tõm xuống vực. Cái cũi khổng lồ hàng ngày vừa
chốc lát thoát được nó bỗng dưng lại lù lù xuất hiện. Gương mặt bà lạnh lẽo như
mặt cai ngục. Vẻ quyền uy lộ rõ trong cái cười nhếch miệng. Bà nhìn ông lom lom
rồi bất chợt sẵng giọng:
“Nửa
đêm sương lạnh ra ngồi đây làm gì?”. Ông thở dài não nuột:
”Tôi
...tôi ra đây ngồi cho thoáng...”
Bà
vợ trợn tròn đôi tròng mắt:
“Đang
đêm ông mò dậy làm tôi mất giấc ngủ. Vào đi, không lát nữa ông làm tôi
thức nữa.”
“Không
không...tôi không ngủ nữa. Tôi ngồi đây cho tới sáng ...”
“
Không được...ông phải vào ngủ tiếp...đêm hôm tôi không cho ông ra ngồi đây...”
Ông
lại thở dài, đành lặng lẽ theo bà không cãi nửa lời, bởi lẽ càng cãi bà càng xổ
ra cơn bão ngôn từ than vãn, trách móc, oán giận trút xuống đầu ông. Chao ôi là
lời lẽ người đàn bà hận thù. Thực ra hồi mới cưới, bà cũng còn đôi chút dịu
dàng, nhân ái chứ đâu có nghiệt ngã, độc địa như ngày nay. Hai mươi năm đủ để
một con cừu biến thành một con sói – ông thường buồn rầu nghĩ vậy mỗi khi bà
lên cơn quát tháo, rủa xả, đay nghiến:
“Ông
lừa tôi, khi hỏi cưới tôi ông hứa hẹn đủ điều, nào sẽ lo toan cho tôi, nào sẽ
mang lại hạnh phúc cho tôi. Vậy rồi sống với ông 20 năm tôi được cái gì? Con
cái chẳng có, hạnh phúc cũng không. Quanh năm ông cứ biền biệt trong công tác,
có đoái hoài gì đến con đàn bà này, có yêu thương gì tôi, coi tôi
khác nào kẻ ăn người làm.Tôi không chịu đựng nổi ông nữa. Ông buông tha cho
tôi...”
Đó
là bài ca muôn thủa sáng trưa chiều tối bà ra rả bên tai ông dẫu có quát tháo,
van vỉ bà cũng chẳng chịu im miệng cho. Khi còn tại chức, mỗi lần ngự trên
chiếc xe đời mới về nhà, nhìn vẻ mặt lạnh băng của vợ, ông chỉ muốn ly hôn phứt
theo yêu cầu của bà cho nhẹ. Nhưng ở cương vị phải che chắn, hở ra chút
có thằng chọc vào, nếu “đồng chí ly dị vợ“, thiên hạ sẽ xúm vào bàn tán,
đơm đặt đủ điều và rồi cái xảy nảy cái ung, liệu còn ngồi yên trên cái ghế phải
chầy chật đến bạc cả đầu mới giành được không?
Tuy
nhiên ông thừa biết bà cứ nhằng nhẵng đòi giải thoát chỉ để hành hạ ông thôi,
cho kẹo chẳng dám ký giấy đưa ông ra Toà. Họ hàng chẳng có, con cái cũng không,
trơ ra mỗi cái thân già , dời ông ra bà bám víu vào đâu ? Bởi thế về hưu rồi,
ông chẳng cần giữ “uy tín” nữa, ông khuyến khích bà làm đơn ly hôn mà bà cứ ậm
ừ, ngãng ra.
Cho
đến bây giờ, dường như đã trở thành cơn nghiện, suốt ngày bà kè kè bên ông luôn
miệng rỉa rói, móc máy, oán trách chẳng để ông yên, sáng sớm, chiều tối, lúc
ngồi vào mâm cơm, lúc lên giường ngủ...bà cứ nhèo nhẽo bài ca muôn thủa khiến
lắm lúc không chịu nổi, ông gào lên:
“Vậy
bà muốn gì ở tôi? Muốn gì tôi cũng chiều bà hết...”
Không,
bà không muốn gì, bà chỉ muốn mỗi một điều là gây sự, chọc cho ông nổi giận cho
dù điều đó có thể dẫn ông tới tai biến não bà cũng mặc, miễn sao bà hả hê, thoả
mãn cơn nghiện hàng ngày. Nhiều khi vợ chồng có chút vui vẻ hiếm hoi trong
ngày, ông đánh bạo hỏi bà:
“Vì
sao bà căm thù tôi dữ vậy?”
Bà
trả lời tỉnh bơ:
“Ông
đã chôn vùi tuổi xuân của tôi trong bốn bức tường để ông mưu cầu sự nghiệp. Bây
giờ đã quá trễ để ông sửa sai nên tôi phải bắt ông trả giá...”
Nói
xong bà lại mở cái bài ca quen thuộc “ông lừa tôi,
ông không yêu tôi, ông coi tôi như con ở...” khiến ông muốn phát điên,
vùng vẫy như Tôn Ngộ Không bị Đường Tạm Tạng đọc thần chú khiến đầu óc nhức
buốt mà bà vẫn không tha.
Đêm
nay cũng vậy, lôi được ông vào giường rồi, bà bắt đầu lặp lại những lời trách
móc, oán hận cũ rích làm ông phải bịt cả hai tai lại, cố lặn sâu vào giấc ngủ.
Gần sáng mới thiếp đi được và lạ thay, ông lại nằm
mơ thấy cô sinh viên đại học tổng hợp văn, mối tình đầu của ông ngày xưa.
“Anh
ơi, mình sang bên kia sông đi...”. Cô rủ rê anh mỗi khi hai người ngồi bên
bờ sông Hồng vào mùa nước cạn. Gió thoang thoảng đưa lên mùi phù sa từ
dưới mặt sông, thành phố sau lưng dường như đã chết hết, chỉ còn lại có
hai người. Cô tựa đầu vào vai anh, chỉ cho anh
coi những con chim én chao liệng trong bầu không khí trong vắt của buổi chiều.
Anh thì thầm bên tai cô: ”Yến ơi, từ nay anh gọi em là “én” nhé. Một con én
không làm nên mùa xuân nhưng chỉ một mình em cũng đã thành thiên đường cho anh
rồi...”
“Dậy...dậy...ông
gọi tên con đĩ nào thế? Lại nằm mơ hả?”
Bà
đập liên hồi vào người ông miệng la hét:
“Yến
với “én” là con nào? Trời ơi, ông lừa tôi, ông phản bội tôi, nằm với tôi mà ông
vẫn nghĩ tới con nào?”
Cơn
bão ngôn từ lại ào ào kéo tới vùi dập ông với những lời lẽ chỉ có ở mấy mụ bán
cá ngoài chợ. Ông cảm thấy như có bùn nhơ tới tấp ném vào mặt, rắn rết cuốn lấy
tay chân. Rồi như sức chịu đựng của ông đã bị vượt qua, ông thét lên:
“Câm
ngay...mày câm ngay không tao giết mày...”
Cơn
giận bùng lên như lửa đổ thêm dầu, ông bật dậy, nhảy xuống giường và vùng chạy
ra ngoài vườn. Cái thoáng đãng của rừng núi buổi sớm mai không làm dịu được nỗi
uất hận đang cháy đùng đùng trong lòng ông. Trời ơi, nó làm nhục mình, nó khạc
nhổ vào tất cả những gì thiêng liêng, đẹp đẽ sót lại trong con người mình.
Có
tiếng cười lạnh lẽo phía sau lưng. Bà vợ ông đã lù lù đứng đó với vẻ mặt đắc
thắng và tràn đầy thoả mãn vì cái cách phản ứng điên dại của ông chồng.
Khộng
được, tao không cho phép mày hành hạ tao mãi như vậy được. Ông hét lên và bỏ
chạy khỏi nhà. Ông cứ chạy mãi, chạy mãi không biết chạy đi đâu chỉ biết làm
sao thoát được cái cười hả hê của bà vợ phía sau lưng.
Vài
ngày sau ông đã xuống sân bay Nội Bài và có mặt ở Hà Nội.
Ông
gọi điện cho cô:
“Yến
ơi...anh cần gặp em...anh cần gặp em ngay lập tức, dù chỉ một lần...”
Phía
bên kia đầu dây có tiếng phụ nữ hốt hoảng :
“Trời
đất, anh ở đâu thế? Anh có làm sao không? Em đang bận họp , chiều mình gặp
nhé?”
Ông
van vỉ:
“Không không, anh muốn được gặp em ngay bây
giờ, ngay lúc này, hẹn em ở ghế đá bờ hồ ngày xưa nơi em đọc cho anh bài thơ em làm “Từng giọt, từng giọt một, mưa rơi thầm trong cây nhé.”
“Trời
đấy ơi lâu vậy rồi mà anh vẫn còn nhớ hả? Thôi được trưa nay mình gặp nhau vậy.
Nhưng bờ hồ bây giờ lộn xộn lắm, ngồi đó chẳng trò
chuyện được gì đâu. Em hẹn anh trong quán cà phê
nhé...”
Ông
thở dài đành chấp nhận hy sinh cái thú ngồi bên cô ăn lạc luộc, nghe cô trò
chuyện và ngắm tháp Rùa trong sương sớm.
Trưa
hôm đó ông tới quán cà phê bên bờ Hồ như cô đã
hẹn với nỗi hồi hộp và bồi hồi của người đi xa về thăm quê. Một chiếc xe đời
mới lộng lẫy ghé cửa quán, từ trên bước xuống một người đàn bà xinh đẹp và sang
trọng. Nàng đó, Yến đó, con chim én của ông đó. Tất nhiên thời gian đã xoá đi
những nét thơ trẻ ngày xưa nhưng ông vẫn nhận ra cô gái ngày xưa ngồi trên ghế
nhà trường tổng hợp văn và thường cúp cua lẻn đi chơi với ông.
“Anh
khoẻ không? Ra bao giờ mà không báo trước cho em? Nghe đồn anh hạ cánh an toàn
rồi phải không?“
Ông
nhìn người phụ nữ xinh đẹp ngồi trước mặt và chợt thấy
ngỡ ngàng.
“Nghe
đồn anh có trang trại 200 héc ta cao su phải
không? Giá cao su đang “down” dữ lắm, anh tính sao?”
Những
lời lẽ, những câu chuyện ông thường nói hồi ông còn tại chức lại cuồn cuộn trở
về qua miệng người phụ nữ xinh đẹp này. Bà vẫy cô hầu bàn:
“Anh
uống gì? Thôi đừng uống càphê nữa. Mình uống rượu
đi... Em mang cho chị một chai Hennessy nhé...”
Bà
rót rượu ra ly nâng lên mời ông rồi bất chợt sa
sầm mặt:
“Dở
ẹc...rượu gì nhạt hoét toàn mùi cồn...”
Bà cáu kỉnh cho gọi bà chủ quán tới và một cuộc cãi nhau tay đôi về rượu thật rượu giả diễn ra ngay trước mặt ông. Ông lại buông một tiếng thở dài não nề y như lúc ở nhà bà vợ riếc móc ông. Một xui khiến nào đó làm ông lặng lẽ rời khỏi bàn và bước ra ngoài trong lúc hai người đàn bà vẫn còn giành giật nhau phần thắng. Ông lại lê gót quanh bờ Hồ qua chỗ ông và cô ngồi năm xưa nhưng chiếc ghế đá hồi đó không còn nữa. Ông lảm nhảm: “Vĩnh biệt...vĩnh biệt chim én...”.
*
NHẬT
TUẤN (Bùi Nhật Tuấn)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 23.12.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét