CẢM
NHẬN VĂN CHƯƠNG VỀ
SÔNG
CHƯA LẤY CHỒNG
*
SÔNG CHƯA LẤY CHỒNG
Sông chưa lấy
chồng
Sông thổn thức
năm canh
Kéo con đò qua
đêm trăng bạc tóc
giăng tơ nối bên
lở bên bồi
Dòng sông…
Dòng sông gầy
ngàn năm
Đêm qua hóa thân
ngực tròn trăng thiếu nữ
E lệ hạt sớm mưa
bay
Thẹn thùng chiều
hoàng hôn mắt đỏ
Câu thề đêm nao
bậu hương vàm cỏ
Khắc khoải dấu
chân lữ khách trở về
Dòng sông…
Dòng sông đêm
nay
Ngọn sóng nhung
duềnh loang thảm nước
Liếm mặt doi
cát...vàng hơn ánh trăng
Ngậm dấu chân
người
Uống lụm ký ức
Nuốt câu thề vào
lòng sông…
*
MẠC PHONG TUYỀN
Không
biết tự bao giờ hình tượng dòng sông trong thi ca thường gắn liền với cuộc đời
người phụ nữ có duyên phận bẽ bàng. Dòng sông trong “Cô lái đò”
của nhà thơ Nguyễn Bính:
“Cô
hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã hẹn thề/ Nhưng rồi người khách
tình quân ấy/ Đi biệt không về với bến sông”.
Dòng
sông trong “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến - “ngày chia tay
bên sông thấy chị buồn mà thương”…
Dòng
sông ấy cứ chảy tràn mãi trong thơ ca và đã chảy vào trang thơ của Mạc Phong
Tuyền qua bài “Sông chưa lấy chồng”.
Mạch
cảm xúc của bài thơ được chảy theo trình tự kết cấu của tác phẩm. Hiện tại (khổ
thơ 1) - quá khứ (khổ thơ 2) - hiện tại ( khổ thơ 3).
Hiện
tại:
Sông chưa lấy chồng
Sông thổn thức năm canh
Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc
giăng tơ bên lở bên bồi
Dòng
sông được nói đến trong bài thơ là hình ảnh ẩn dụ chỉ cho người phụ nữ chưa lấy
chồng. Mặc dù “chưa lấy chồng” nhưng người “con gái” này đã luống
tuổi “kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc”.
Đây là
một thi ảnh lạ có sức gợi về tuổi đời của nhân vật trong bài thơ “bạc tóc”,
về sự mỏi mòn trông đợi tình duyên “kéo con đò qua đêm trăng”. Có người
con gái nào đến tuổi trăng tròn mà không mơ đến chuyện lứa đôi. Còn nhớ ca từ “Có
người con gái buông tóc thề. Thu về e ấp chuyện vu quy” lúc “Trăng gầy
nghiêng bóng cài song thưa” (Nỗi buồn gác trọ).
Hình
ảnh “trăng” trong ca từ thật đẹp, thật lãng mạn và trong veo giấc mơ vu
quy của cô gái. Còn “trăng” trong bài thơ này bàng bạc một màu buồn vì
nó mang màu “bạc tóc" và nặng nề vì phải “kéo con đò” chở
ước mơ vu quy của chị qua bao mùa trăng. Vì thế mà “sông thổn thức năm canh”.
Chỉ một từ “thổn thức” thôi mà nhà thơ đã lột tả hết nỗi lòng của người
phụ nữ “chưa lấy chồng”. Đọc câu thơ mà tưởng chừng như nghe được tiếng
nấc bật lên từ nơi sâu thẳm cõi lòng chị oán than cho duyên số bẽ bàng. Thật
thương!
Trong
hiện tại buồn đau, con người thường an ủi mình bằng những hoài niệm đẹp của quá
khứ. Trong tâm trạng “thổn thức năm canh”, chị đã hồi tưởng lại một thời
vàng son của mình:
"Dòng sông gầy ngàn năm
Đêm qua hóa thân ngực tròn trăng
thiếu nữ
E lệ hạt sớm mưa bay
Thẹn thùng chiều hoàng hôn mắt
đỏ"
Đẹp
quá! Dưới ngòi bút miêu tả giàu hình ảnh của thi sĩ, hình ảnh thiếu nữ hiện lên
tràn trề sức sống “ngực tròn trăng” và thật dịu dàng nữ tính “E lệ
hạt sớm mưa bay/ Thẹn thùng chiều hoàng hôn mắt đỏ”. Một cô gái đẹp,duyên
dáng đầy quyến rũ như thế thì chuyện tình duyên của cô như thế nào?
"Câu thề đêm nao bậu thơm
hương vàm cỏ
Khắc khoải dấu chân lữ khách trở
về"
Hai
câu thơ trên đã tái hiện cả một câu chuyện tình dài. Cô gái đã gặp người trong
mộng. Hai người yêu nhau say đắm và thề ước chuyện trăm năm. “Hương”
tình yêu của họ “thơm” lan tỏa cả dòng sông nơi vòm Cỏ. Dòng sông và
vàm cỏ cũng chính là chứng nhân tình yêu của họ. Nhưng rồi người tình của cô
phải chia tay cô vì một lý do nào đó. “Lữ khách” “khắc khoải”
mang “câu thề” cùng lời hẹn ước “trở về” cùng cô xây đắp mối tơ
duyên. Một câu chuyện tình dài mà chỉ gói gọn trong hai câu thơ, đó cũng là cái
“khéo” của thi sĩ tránh gây ấn tượng “tự sự” dài dòng nhàm chán.
Hết
hoài niệm,chị lại trở về thực tại:
"Dòng sông đêm nay
Ngọn sóng nhung dềnh loang thảm
nước
Liếm mặt doi cát…vàng hơn ánh
trăng
Ngậm dấu chân
Uống lụm ký ức
Nuốt câu thề vào lòng sông…"
“Đêm
nay” cũng như bao đêm khác,chị lại tiếp tục “giăng tơ nối bên lở bên bồi”.
“Ngọn sóng” lòng chị về tình yêu đôi lứa cũng “dềnh loang” lai
láng. “Ký ức” về tình yêu say đắm của chị như sống lại phút giây này.
Sóng lòng chị dào dạt quá! Mãnh liệt quá! Hết “Liếm mặt doi cát” lại “Ngậm
dấu chân” rồi “ Uống lụm ký ức” và “Nuốt câu thề”. Đặt hàng
loạt những động từ mạnh: Liếm, Ngậm, Uống, Nuốt ở đầu mỗi dòng thơ có
phải tác giả muốn thể hiện những khát khao yêu đương rất “phồn thực” dâng trào
trong lòng người phụ nữ?
Cũng
phải thôi, có ai khi yêu mà không nghĩ đến phồn thực. Nhất là lúc con người ôm
nỗi nhớ niềm thương,“khắc khoải” đợi trông người yêu “trở về”
tính chuyện trăm năm thì khao khát đó càng mãnh liệt. Khác với “Chị tôi”, nhạc
sĩ Trần Tiến chỉ thể hiện cái buồn và sự cam chịu của người phụ nữ, còn Mạc
Phong Tuyền không chỉ cảm nhận nỗi buồn mà còn “thấy” được những khát khao thầm
kín nhưng rất thật đó của họ nữa. Và nếu trong “Chị tôi”, ca từ “Chị
tôi chưa lấy chồng” láy đi láy lại như điệp khúc buồn buông vào dòng đời
thầm lặng,cam chịu của “chị tôi’ thì Mạc Phong Tuyền, mặc dù lấy tiêu đề
bài thơ “Sông chưa lấy chồng” nhưng không lặp lại cụm từ ấy. Có
phải nhà thơ không muốn nói đến “chưa” trong vô vọng mà chỉ muốn dự cảm về cái
“có” trong tương lai?
Dấu
chấm lửng (…) đặt cuối dòng thơ kết của bài thơ đã gợi cho người đọc liên tưởng
đến điều này. “Thổn thức năm canh” ôm nỗi nhớ niềm thương chờ đợi người
yêu trở lại là “rất phải”. Nhưng “Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi” (Nguyễn
Bính), đến lúc chị cũng phải “nuốt câu thề” để đi lấy chồng chứ. Dấu
chấm lửng (…) ở cuối bài thơ đã mở ra một kết thúc có hậu cho bài thơ. Cảm
thương cho số phận bất hạnh của người phụ nữ, đồng cảm với những khát khao và
tin tưởng ở ngày mai lạc quan của họ quả là rất… rất nhân văn!
Đề tài
cũ, tứ thơ không mới nhưng Mạc Phong Tuyền vẫn có cái “mới”, cái “rất riêng”
của mình qua “Sông chưa lấy chồng”. Giọng điệu thơ không buồn
thương dằng dặc như “Cô lái đò”,”Chị tôi” mà ở đây
luôn có sự đổi thay.Lúc buồn thương (khổ1) khi phấn chấn, say mê (khổ 2) và dồn
dập mạnh mẽ (khổ 3). Buồn thương cho số phận bất hạnh của người phụ nữ là điều
không mới. Cái mới ở đây là nhà thơ đã hướng cái nhìn lạc quan về họ và bộc lộ
những khát khao thầm kín của họ. Chính vì thế nên giọng điệu ở khổ thơ cuối mới
chính là âm hưởng chủ đạo của toàn bài thơ. Nó như bứt phá, vượt thoát chứ
không lặng thầm cam chịu sự an bài của số phận. Bài thơ cũng có nhiều thi ảnh
lạ “Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc”, “ngực tròn trăng thiếu nữ”,
“ngọn sóng nhung”…Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần tạo nên
sự thành công bài thơ.
Viết
về đề tài không mới nhưng bài thơ “Sông chưa lấy chồng” vẫn có
sức thu hút đông đảo bạn đọc bởi có sự tìm tòi đổi mới trong cách thể hiện của
nhà thơ trẻ Mạc Phong Tuyền. Và trên hết vẫn là ở tấm lòng của nhà thơ đối với
những mảnh đời phụ nữ bất hạnh. Phải có sự đồng cảm sâu sắc và có trái tim yêu
thương chân thành, nhà thơ mới nhập thân vào nhân vật để nói hộ tiếng lòng của
họ như thế này.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Xuân Diệu0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đỗ Hoàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đăng Khoa0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hưng Hải0
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện CHUYỆN CU TỐ
LÀNG TÔI truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:
*
TUỆ MỸ (Nguyễn Tuệ Mỹ)
Địa chỉ: Thị trấn Tuy Phước
huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Email: tuemynguyen@gmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Mạc Phong Tuyền ngày 22.4.2022.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét