“SƠN HẬU DIỄN TRUYỆN” CỦA
ĐÀO DUY TỪ
KIỆT TÁC VĂN CHƯƠNG
VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM
Sơn Hậu
diễn truyện là một văn bản tuồng Hát Bội, chia làm ba hồi, có 28
vai, ngày xưa được trình diễn ba ngày, mỗi ngày từ 12 giờ trưa cho
đến khuya. Sơn Hậu là một kiệt tác văn chương và kịch nghệ, được xem
là vở tuồng hay nhất, một đỉnh cao của văn chương Việt Nam, từng được
phổ biến sâu rộng ngày xưa, trong thời kỳ Hát Bội gần như chiếm lĩnh
không gian văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Sơn Hậu là
sau núi còn có nghĩa là sau Hoành Sơn, mượn danh đời Thiên Đế, nước
Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc với những nhân vật được đặt tên : Tạ
Thiên Lăng, Phàn Định Công, Lê Tử Trình, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá,
Nguyệt Kiểu.. và sáng tác toàn câu chuyện bằng thơ, phú và từ. Câu
chuyện này hoàn toàn không có một văn bản sách vở nào của Trung
Quốc, khác với thể truyện thơ Hoa Tiên là một bản dịch của Phan Huy
Tự diễn ca. Truyện Kiều dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài
Nhân, Nguyễn Du sáng tác thơ lục bát, cắt bỏ những phần rườm rà như
đoạn Kiều báo ân báo oán, cho Từ Hải chết đứng thay vì nhảy xuống
sông tự tử và thêm phần Kiều sum họp thay vì chết trên sông Tiền
Đường.
Vở tuồng
Sơn Hậu nói đến chuyện Nguyễn Uông bị Chúa Trịnh Kiểm giết, Nguyễn
Hoàng nhờ chị, là vợ Trịnh Kiểm xin cho vào Nam trấn đóng bên kia
Hoành Sơn. Sơn Hậu là Tuồng Thầy, có nhiều vở tuồng khác của các
tác giả danh tiếng khác như Kim Thạch Kỳ Duyên của Bùi Hữu Nghĩa lại
không phải là Tuồng Thầy ? Nhiều người lầm tưởng tuồng Thầy là tác
giả vô danh, thật ra Thầy chính là Đào Duy Từ, như Lũy Thầy là lũy
do Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng tại Quảng Bình. Dân chúng kính trọng
kiêng tên bậc quân sư của Chúa Nguyễn, chúng ta có thể xác định tuồng
Thầy ban đầu là những vỡ tuồng do Đào Duy Từ sáng tác nhằm đề cao
tính trung thần của Chúa Nguyễn, trong việc đấu tranh chống gian thần
tiếm ngôi nhà Lê là Chúa Trịnh. Tuồng Sơn Hậu còn được hậu duệ của
Đào Duy Từ là Đào Tấn chấp bút sửa chữa một số đoạn.
Các Chúa
Nguyễn ở Đàng Trong đã thống nhất lòng người bằng Phật Giáo và Hát
Bội. Từ một vùng đất chỉ có không đến trăm ngàn dân Việt, về sau
đánh thắng Chúa Trịnh bắt thêm ba ngàn tù binh chia đều cho mỗi làng
xã 5 người. Phương Nam nước Chiêm Thành dân số ngang ngữa với Đại
Việt, đất Nam Bộ, vùng Thủy Chân Lạp của người đế quốc Khmer, người
Minh Hương nhập cư. Các Chúa Nguyễn (1620-1775) trong một trăm năm mươi
lăm năm đã tạo nên một lãnh thổ trù phú, mở mang hơn gấp đôi đất
nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên xưng mình là Sãi Vương, vua các vị sư.
Các Chúa Nguyễn xây dựng nhiều ngôi chùa, độ tăng, tổ chức thường
xuyên các giới đàn, mời cả những vị sư Trung Quốc như Thích Đại Sán
sang giảng pháp.
Chiêm Thành
vốn là một vương quốc Phật Giáo, vua Lý Thánh Tông từng đánh Chiêm
Thành chiếm Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh (Quảng Bình và Quảng Trị) năm
1069, mang về nhà sư Thảo Đường thành lập tông phái thiền Thảo Đường
Việt Nam, hàng trăm ngàn người Chiêm Thành được mang về định cư chung
quanh Hà Nội, thành lập hàng trăm ngôi làng, họ góp công xây dựng những ngôi chùa như
Phật Tích, mang phong cách Chiêm Thành, không thấy dấu vết gì Hồi
Giáo và Bà La Môn trong số những người này. Điều lạ lùng, tại sao
vua Lý Thánh Tông đem về cả trăm ngàn tù binh mà không đưa họ lên chốn
rừng thiêng nước độc để cải tạo họ, mà cho họ lập thành ba trăm
làng chung quanh Thăng Long. Vua Lý Thánh Tông không sợ họ nổi loạn vây
kinh đô sao ? Lý do giản dị của vị vua và Hoàng Hậu Ỷ Lan thương
dân như ruột thịt, đó là những người Chiêm theo Phật Giáo, họ lánh
nạn sự bách bức của các vị vua theo Hồi Giáo nên đi theo vua Lý
Thánh Tông. Những di tích Đồng Dương, Mỹ Sơn, chùa Thập Tháp Di Đà
Bình Định.. cho ta thấy tầm quan trọng của Phật Giáo Chiêm
Thành; điều đáng lưu ý là tại miền Trung từ Đồng Hới cho đến Bình
Thuận khi đào đất nông dân thường phát hiện ra những tượng Phật bị
chôn dấu trong lòng đất, chứng tỏ có thời kỳ Đạo Phật tại Chiêm
Thành bị cấm đoán.
Theo giả
thuyết của tôi, thời kỳ vua chúa Chiêm Thành theo trào lưu thánh chiến
Hồi Giáo, du nhập từ Mã Lai hay các thương nhân Á Rập xa xôi là một
yếu tố quan trọng làm suy yếu Chiêm Thành, họ tách rời triều đình
Chiêm Thành ra khỏi quần chúng Phật Giáo. Trong lịch sử phát triễn
từ khi thành lập, Hồi Giáo phát triển bằng chiến tranh cải đạo,
chiến tranh đánh diệt, ai không theo thì chặt đầu, tàn phá các di
tích văn hóa trước thời Hồi Giáo. Hồi Giáo lan rộng qua Ấn Độ tiêu
diệt các trung tâm Phật Giáo, các nhà sư phải di tản sang Tích Lan,
Miến Điện.. Tại Nam Dương (Indonésia) trung tâm Borobudur ở Java, ngôi chùa lớn nhất thế giới
không còn nhà sư lẫn tín đồ. Cùng thời kỳ 1361-1389, Chế Bồng Nga ba
lần đem quân đánh Đại Việt. Phải chăng Đại Việt đã thoát số phận
trở thành dân một nước bị cưỡng bách theo Hồi Giáo ?. nhờ sự
may mắn trong chiến thắng Trần Khắc Chân,
một lính hầu Chế Bồng Nga bị ngược đãi đã quy hàng chỉ rõ
chiến thuyền Chế Bồng Nga. Trần Khắc Chân đã tập trung lực lượng cung
tên bắn chết được vị vua này, đánh tan quân Chiêm Thành.
Dân chúng
Chiêm Thành đã trải qua một thời kỳ Phật Giáo bị bách hại, cho
nên Chúa Nguyễn đến cai trị bằng
lòng nhân từ Phật Giáo, dân chúng giải phóng khỏi sự áp bức độc
đoán gươm giáo thánh chiến Hồi Giáo, đã hoàn toàn ủng hộ các Chúa
Nguyễn. Do đó không tìm thấy có dấu vết, sử liệu người Việt Nam, nam
tiến tràn sang tiêu diệt năm, mười triệu dân Chiêm Thành để mở mang
đất nước. Từ năm 1620 Đèo Ngang, sông Gianh, Lũy Thầy ngăn cách Đàng
Trong và Đàng Ngoài trong hơn 150 năm, năm 1627 trận chiến Trịnh Nguyễn
phân tranh thứ nhất và năm 1672 trận chiến thứ bảy và là trận chiến
cuối cùng. Sau đó cũng không có những cuộc di cư rầm rộ từ Đàng
Ngoài vào Đàng Trong, không thể chỉ trong trăm năm mươi năm mà thành ra
mười triệu người ngang ngữa với Đàng Ngoài. Sự thống nhất xây dựng mở mang Đàng
Trong, không phải bằng chiến tranh tiêu diệt chủng tộc, mà do hòa bình
là Phật Giáo và Hát Bội. Những
người Chiêm Thành theo Hồi Giáo hay đạo Bà Ni, người các sắc dân miền
thượng vẫn còn đó nguyên vẹn. Còn
đa số dân chúng họ từ chối là nạn nhân của hai bộ tộc Cây Cau,
Cây Dừa xung đột lẫn nhau, đi theo chủ thuyết Hồi Giáo cực đoan, tàn
sát người theo Phật Giáo khác tư tưởng mình, từ chối trở thành đoàn
quân cướp biển, đánh phá các nước lân bang, họ chỉ muốn an cư lạc nghiệp trong sự
cai trị nhân đức của các Chúa Nguyễn.
Chúa
Nguyễn Phúc Nguyên được xưng tụng là Chúa Sãi, ‘Vua các vị sư’ và
Đào Duy Từ quân sư Chúa Nguyễn là Thầy, sáng tác ra các vở tuồng
Hát Bội làm ‘công cụ thông tin tuyên truyền’ để xây dựng lòng tin
chính nghĩa của trung thần, chống lại phản thần là Chúa Trịnh. Việc
hùng cứ một phương của Chúa Nguyễn không phải là cát cứ, chia đôi
một đất nước đã có sẵn, mà là khai phá một vùng đất còn hoang vu.
Triều đình Chiêm Thành không mở mang về nông nghiệp mà chỉ chú trọng
đến đội quân chiến tranh, họ giỏi dùng chiến thuyền ‘ghe bầu’
đánh Chân Lạp và Đại Việt và cướp biển. Họ tàn phá sức lực mình
trong ba lần đánh phá Thăng Long của
Chế Bồng Nga, trong trận chiến với Đại Việt, vua Trần Duệ Tông bị
giết và hai trăm ngàn quân tan tác, sức mạnh Chiêm Thành hao tổn, Đại
Việt cũng bị bại liệt, nhà Trần mất ngôi vì nhà Hồ, nhưng Hồ Quý
Ly cũng không đương đầu nổi sự xâm lăng nhà Minh, Minh Thành Tổ, Vĩnh
Lạc đại đế vị vua tàn bạo nhất lịch sử Trung Quốc, giết cháu cướp
ngôi, giết trung thần Phương Hiếu Nhụ giết luôn ‘mười họ’, gồm luôn
học trò tổng cộng cả vạn người. Đại Việt bị chiếm đóng hai mươi
năm, văn hóa Lý Trần bị hủy diệt bị tịch thu đưa về Kim Lăng, người
bị giết mổ thây chất chồng, hàng chục vạn người cùng Nguyễn Án bị
bắt đi xây dựng kinh đô Bắc Kinh, đúc súng thần công cùng Hồ Hán
Thương, sự tàn bạo thời Minh không kể xiết, được Nguyễn Trãi tả trong
Bình Ngô Đại Cáo, nhưng Đại Việt nhưng vùng dậy được với cuộc khởi
nghĩa Lê Lợi.
Cuộc chiến
tranh của Chiêm Thành với Chân Lạp đã làm hao tổn lực lượng nước Chân
Lạp. Chân Lạp một vương quốc hùng mạnh từ thế kỷ thứ IX đến XIV, vua
Sûryavarman II năm 1113-1145 xây dựng
kinh đô Angkor huy hoàng gần một triệu dân, với hệ thống dẫn nước tinh
xảo, từ năm 1181-1203 vua Jayavarman VII xây dựng Angkor Thom và Bayon, sau
chiến tranh với Xiêm-La và Chiêm Thành và một trận dịch lớn, nạn hạn
hán xãy ra trong nhiều năm nên kinh đô bị hoang phế trong nhiều thế kỷ
cho đến khi Henri Mouhot tìm ra năm 1860, và phái đoàn người Pháp do
Ernest Doudart de Lagrée thám hiểm sông Cửu Long 1866-1868. Kết quả hai
vương quốc đều bại liệt, các Chúa Nguyễn với chính sách nhân hậu đã
mở mang cho dân an cư lạc nghiệp, được nhân dân không phân biệt chủng
tộc ủng hộ. Ngày nay từ Lũy Thầy đến Hà Tiên, ta không thấy dấu vết
nào như núi Đầu Lâu, như nước Triệu bị diệt thời Xuân Thu Chiến Quốc,
như chế độ diệt chủng thời Pôn
Pốt.. sử cũng không chép lại một cuộc diệt chủng nào đẩm máu man
rợ giết bốn trăm ngàn người trong một đêm, hay tàn sát cả thành trì
sau chiến trận, như trong lịch sử Trung Quốc.
Cuộc nam tiến các Chúa Nguyễn hầu như nhẹ nhàng không
có trận chiến nào đáng kể. Năm 1611 Nguyễn Hoàng thành lập Phú Yên,
năm 1653 chúa Nguyễn thành lập Khánh Hoà, năm 1687 lập kinh đô Phú
Xuân, năm 1693 thành lập phủ Bình Thuận, năm 1698 thành lập Biên Hoà,
Gia Định. Năm 1708 Mạc Cửu tại Hà
Tiên quy thuận đặt Hà Tiên dưới quyền Chúa Nguyễn. Nước Chiêm
Thành từ năm 1471 chia làm ba vương
quốc, bị diệt do theo đuổi những cuộc chiến tranh quá sức mình, nhân
dân bỏ rơi triều đình, và quy phục trước các Chúa Nguyễn đức tài,
nhân hậu. Nước Chân Lạp do việc xây dựng kinh đô Angkor to lớn quá sức đã kiệt lực, không còn
đủ nhân lực tài lực để chống chọi Xiêm La, Chiêm Thành, các công
trình thủy lợi bị bỏ phế hoang vu, dân chúng xa lánh những vị vua xây
dựng những công trình to lớn hao tổn
quá sức dân.
Bài Lý
Đồng Nai, điệu hát hài trong Hát Bội cho ta thấy rõ sức mạnh thành
công kinh tế của Đàng Trong: «Gạo Đàng Ngoài bảy tiền một bát.
Gạo Đàng Trong bảy bát một tiền. Anh không tin anh vào Đồng Nai mà anh
xem..». Dưới sự cai trị các Chúa Nguyễn, dân chúng được an cư
lạc nghiệp, đất lành chim đậu, mọi người đều tìm về, lòng ái quốc Chiêm Thành, Chân Lạp hay
Đại Việt hay phản Thanh phục Minh chỉ còn là thứ yếu. Chính sự thời
Chúa Trịnh với những vị quan như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Hồ Sĩ
Đống .. không phải là một chế độ chính trị hà khắc, dân cư vùng
đồng bằng Bắc Bộ lưu luyến với làng mạc, chẳng ai muốn bỏ làng mà
đi, cho nên suốt một trăm năm mươi năm không có một trào lưu di tản rầm
rộ nào từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao
cộng đồng được gọi là người Chăm, ngày nay chỉ còn không đến một
trăm ngàn người, Đế quốc Angkor mất đi vùng Thủy Chân Lạp, Đồng Nai,
Bến Nghé, Long Hồ, Hà Tiên ..thành hình, thành vùng đất Nam Bộ.
Ruộng lúa được mùa, cây trái xum xuê, buôn bán phát triển, nhân dân no
ấm. Đến cuối thời Chúa Nguyễn, sự giàu sang tích lũy chưa từng thấy
trong lịch sử, Trương Phúc Loan chuyên quyền, sau trận lụt vàng phơi
đầy sân như thóc. Năm 1775, quân nhà Trịnh của Nguyễn Nghiễm cha Nguyễn Du và Hoàng Ngũ Phúc chỉ
cần ra một bố cáo bắt Trương Phúc Loan, thì triều thần Chúa Nguyễn
bắt ngay đem nộp, thừa cơ nhà Trịnh chiếm Phú Xuân. Nhưng nhà Trịnh
cũng không thoát sự sụp đổ trước tài thao lược của Quang Trung, tiếc
thay anh em nhà Tây Sơn bất hòa, Nguyễn Lữ bất tài bỏ rơi miền Nam
chỉ vì một kế phản gián của Nguyễn Ánh. Nguyễn Nhạc chỉ muốn làm
vua xưng mình là vua Chiêm Thành ở thành Quy Nhơn, Nguyễn Huệ mất sớm.
Nhà Tây Sơn chỉ tồn tại trong 14 năm, Nguyễn Ánh dựa vào uy tín cha
ông tám đời các Chúa Nguyễn và sự ủng hộ nhân dân Đàng Trong đã
thống nhất đất nước.
Lê Quý Đôn
vị quan cao cấp nhà Trịnh, được cử đến cai trị Phú Xuân, năm 1776
trong Phủ Biên tạp lục cũng phải công nhận rằng : « Đoan
Quận Công (Nguyễn Hoàng) cai trị hai xứ ấy (Thuận Quảng) hơn mười năm,
chính sách khoan hòa ân huệ, phép tắc công bằng, nghiêm giữ quân sĩ
có kỷ luật, cấm chấp kẻ hung bạo, quân và dân hai xứ đều mến yêu
kính phục, thay đổi phong tục xấu, ai cũng cảm mến ân đức. Ở chợ có
giá nhất định, trong dân gian không có trộm cướp, đêm không phải đóng
cổng. »
Sách Tang
Thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ chép lời người bạn khuyên Đào Duy
Từ như sau : « Chúa Nguyễn hùng cứ Thuận Quảng, làm nhiều
điều ân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền.. Vả lại nước
giàu dân thịnh, mưa gió điều hoà.. »
Sách Cương
mục và Thực lục cuả nhà Nguyễn chép rằng nhân dân Thuân Quảng đã
gọi Nguyễn Hoàng là Chúa Tiên để ghi nhớ công ơn và chúa Nguyễn Phúc
Khoát là Chúa Sãi..
Tuồng Sơn
Hậu viết:
«Lấy
đức vỗ bốn phương,
Ra
nhơn thuần trăm họ,
Dân
tha thuế tam niên chuẩn lệ.
Hạ
sắc truyền cửu quận cư an..»
Sự mở mang
của Đàng Trong, văn hóa Phật Giáo
và Hát Bội đã thu phục lòng dân, và bằng chính sách đồn điền, khẩn
hoang của Nguyễn Cư Trinh làm cho Đàng Trong trở nên giàu có. Những
điều này bác bỏ luận điệu các sử gia cho rằng các triều đại Chúa
Nguyễn là thủ phạm của việc chia cắt đất nước, phong kiến cát cứ..
Kịch bản
Hát Bội, chiếm một vị trí quan trọng trong văn học Đàng Trong. Một
loạt kịch bản Tuồng Thầy mẫu mực, đề tài thống nhất tập trung vào
chủ đề ‘phò vua diệt gian thần’,
kịch bản cấu trúc chặt chẻ, biên kịch vững chắc gồm có :
Sơn hậu, Dương chấn tử, Giác oan, An trào kiếm, Tam nữ đồ vương, Hồ
Thạch phủ..
Chuyện
kịch mở đầu bằng cảnh triều đình còn nằm trong thái bình, vua tuy
già yếu, và mầm mống phản loạn đã có, phe phản thần do một Thái sư
dẫn đầu. Sau đó vua băng, hoàng tử còn nhỏ bé, hay chưa sinh. Tên gian
thần kia bèn tiếm ngôi vua, cũng có trường hợp vua còn sống hay yếu
thế. Xung đột bắt đầu và phát triển, tình thế ngày càng gay go ác
liệt. Bọn gian thần tiếm ngôi vua xong, xúc tiến mọi biện pháp hiểm
độc, thô bạo, trừ diệt dòng vua cũ và trấn áp các phe phái đối
lập. Các trung thần trải qua rất nhiều hiểm nguy gian khổ, tìm mọi
cách để cứu hoàng tử khỏi nanh vuốt kẻ thù, rồi đưa ra một nơi biên
trấn, hiểm địa, chiêu binh mãi mã, sau đó dùng ngọn cờ danh nghĩa
của hoàng tử về đánh hạ bọn tiếm ngôi, để phục nghiệp cho dòng vua
cũ. Trước khi đi đến thắng lợi cuối cùng, phe trung thần đã trải qua
rất nhiều hy sinh, thương vong biểu hiện một khí tiết trung trinh kiên
cường vô hạn. Trong bản thân các gia đình cũng phân chia phe trung,
người nịnh như cha con Tạ Ngọc Lân và cha con Triệu Văn Hoán trong Tam nữ
đồ vương, giữa vợ chồng Bạt Hổ trong Dương chấn tử, chị em Nguyệt
Kiểu trong Sơn Hậu, giữa anh em ruột như anh em Kim Hùng trong Tam nữ đồ
vương, giữa anh em bạn rễ Đình Long, Bạt Hổ trong Dương chấn tử.
Các mâu
thuẩn này, hầu như chỉ hoàn toàn là mâu thuẩn nội bộ. Nó tương ứng
với xã hội nước ta từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Dòng vua được
nêu lên chính thống tương ứng với dòng vua Lê, phe phản thần tương ứng
với họ Mạc sau đó là họ Trịnh. Phe trung thần là Nguyễn Kim trong
thời Nam Bắc Triều và Nguyễn Hoàng trong thời Đàng Trong, Đàng Ngoài.
Họ Nguyễn được xem là những cựu thần trung liệt giúp vua cũ phục
nghiệp, Thuận Hoá sau dãy Hoành Sơn là căn cứ phò vua Lê diệt Trịnh.
Tiểu giang sơn trong Sơn Hậu là triều đình
nhà Mạc, triều Chúa Trịnh. Các câu giáo tuồng đều dùng từ
Nguyễn Vương, chứ không dùng từ hoàng đế hay hoàng thượng như tuồng về
sau.
Hình tượng
bi hùng đầy kịch tính trong tuồng Sơn Hậu thật mạnh mẽ như Khương Linh
Tá một mình chống cự với quân địch, thiên binh vạn mã, bị giặc
chém, thân vẫn ngồi dậy hốt máu vãi vào mặt quân thù, rồi xách đầu
mình chạy theo Kim Lân, người bạn chiến đấu trên bước đường tỵ nạn,
sau đó tay xách đầu mình, tay cầm đuốc soi đường, cho người bạn vượt
qua khỏi hiểm nguy, qua khỏi vòng vây giặc để về lại căn cứ mới gục
chết.
Viêm Hoà
Ngạn, trên 70 tuổi, tự cắt đầu mình để đổi lấy cái chết của hoàng
tử. Đầu rơi xuống, nhưng mình vẫn ngồi sừng sững trên ghế cao.
Phe chính
diện với những hành động đầy kịch tính bi hùng cuối cùng đã dành
được thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi toàn diện sau những hy sinh,
chiến đấu ác liệt nhiều tổn thất. Vở kịch kết thúc gọi là có
hậu.
Sơn Hậu diễn truyện tóm lược như sau:
Hồi thứ nhất: Thời Thiên Đế, nước Tề, Chánh cung Ngọc Dung
và Tam cung Nguyệt Kiểu đều là
người một nhà họ Tạ, nên em hai người ấy là Tạ Thiên Lăng làm quan
đến chức Thái sư, và bốn em Ôn Đình, Lôi Phương, Lôi Nhược, Lôi Vân đều
giữ chức vị quan trọng.
Phàn Định
Công trung can nghĩa khí nhưng tuổi tác đã cao, sinh được hai con, gái
là Phàn Phụng Cơ, em trai là Phàn Diệm văn võ song toàn. Hoạn quan Lê
Tử Trình là bạn thiết thân của Phàn Định Công. Tề Vương không con nối
nghiệp, chiêm bao thấy điềm lành, đòi quan Tư Thiên vào đoán mộng,
được biết sẽ có người đưa con gái tiến cung.
Trong khi
ấy, Phàn Định Công thấy Chánh Cung và Tam Cung bặt sanh chồi quế, mà
vua tuổi đã cao, nên ngỏ ý với con gái tuổi vừa mười sáu xuân xanh,
Phàn Phụng Cơ ưng thuận. Phàn Định Công mời bạn là Thái Giám Lê Tử Trình bàn chuyện tiến
cung, và nhờ cậy lời tâu trước.
Nhà vua
bằng lòng, truyền cho Phụng Cơ vào chầu và sắc phong Thứ Hậu. Bà
Chánh Cung ghen tuông sai thể nữ đòi Tam Cung Nguyệt Kiểu tới lo việc
mưu hại Phụng Cơ ; nhưng Nguyệt Kiểu lại là người nhân đức khuyên
chị : « Thưa chị, gương trước soi vằng vặc, minh sử để đời
đời hể ngậm máu phun người, ắt nhơ chung lỗ miệng. » Chánh Cung
Ngọc Dung không nghe quyết hại Phàn Phụng Cơ.
Bấy giờ
thành Sơn Hậu khuyết quan trấn thủ, vua phong Phàn Định Công ra đó gìn
giữ biên cương và con là Phàn Diệm phò tá, Phượng Cơ có thai, nhưng vua lâm bệnh
nặng. Chánh Cung Ngọc Dung đưa thư cho các em bảo thâu đoạt gian sơn nhà
Tề.
Tạ Thiên
Lăng lập Tiểu giang san, có lầu gác như triều đình, rồi mời bá quan
đến dự yến, trước dò lòng các quan, sau toan việc lớn. Đổng Kim Lân
được mời nhưng nghĩ rằng người trung quân ái quốc phải bảo toàn thanh
danh, sau mới phò vua giúp nước nên cáo bệnh. Khương Linh Tá cũng hiểu
ý tà gian nhưng lại muốn tới dò xem việc thật hư. Triệu Khắc Thường
sợ thất lễ với quan trên nên đến dự yến, thấy họ Tạ lộ mưu gian,
nổi giận cởi bào y đánh Thiên Lăng, bị Ôn Đình hạ sát.
Khương Linh
Tá cô độc tìm đến bạn Kim Lân lo kế phá Tiểu giang san. Kim Lân giả
đau không chịu giúp Linh Tá, nhưng khi Linh Tá ra về rồi, xúc động nhớ
lời, nhảy lên ngựa rầm rộ kéo đi phá Tiểu giang san. Khương Linh
Tá nghe tin thất kinh, sợ hỏng việc
kéo binh tiếp, nhưng trước binh họ Tạ quá mạnh nên quyền biến, cả hai
phải giả đầu hàng họ Tạ, sau đó vua băng hà. Lê Tử Trình giữ ấn,
gặp bà Nguyệt Kiểu tỏ thật lòng mình, bà Nguyệt Kiểu dạy Lê Tử
Trình tùy ứng xử sao cho vuông tròn cơ nghiệp nhà Tề, Tử Trình đem
dâng ấn cho Tạ Thiên Lăng tức vị.
Hồi Thứ nhì: Thiên Lăng lên ngôi, hội quần thần toan tính
việc an định thiên hạ. Tạ Ôn Đình tâu rằng Phàn Định Công trấn thành
Sơn Hậu là trang quốc lão, nên sai sứ ra chiêu dụ đầu hàng họ Tạ, Tạ
Vương sai sứ đến Sơn Hậu. Sứ đi rồi
Lê Tử Trình viết thư riêng cho Phàn Định Công, cho hay, họ Tạ giam Phàn
Thứ Hậu vảo lãnh cung, Tề triều còn mất ở tay Phàn Định Công, nên
sớm liệu đường.
Phàn Định
Công không hay biết nghe sứ đến, vọng hương án tiếp nghênh, lão tướng
quỳ nghe đọc chiếu chỉ, chừng nghe đến hai chữ Tạ Vương, giật mình
hỏi sứ Tạ Vương nào? Sứ nói rõ đầu đuôi, Phàn Định Công nổi giận
truyền bắt sứ chém đầu, bảo ba quân thọ tang vua Tề, lấy huyết sứ
đề cờ, cử binh về triều phạt Tạ. Vừa ra binh thì tiếp thư Lê Tử
Trình, cho hay tin Phàn Phụng Cơ bị giam chốn lãnh cung, nên đau đớn vô
cùng. Nóng lòng vì chúa, xót tình con, Phàn Công tuổi tác đã già
uất hận, ba phen lên ngựa, ba phen té yên, ba phen máu trào, trên thinh
không có tiếng gọi Phàn Định Công về chầu trời. Phàn Diệm mai táng
cha, nối chí xưng vương thành Sơn Hậu đợi diệt Tạ hưng Tề.
Quân lính
đi theo Tạ sứ về thông báo, Tạ Thiên Lăng nổi giận xuống lệnh hạ sát
Phàn Phụng Cơ nhưng bà Nguyệt Kiểu khuyên em, khoan giết vì Thứ Hậu
đang có thai. Thiên Lăng thương chị nên nghe lời tha chết Phàn Phụng Cơ, dạy Mao Ất giam nơi lãnh
cung. Không bao lâu Thứ Hậu sanh hoàng nam, bà Nguyệt Kiểu hay tin đòi
Lê Tử Trình mưu kế cứu Thứ Hậu. Xét trong triều chỉ còn Khương Linh
Tá và Đổng Kim Lân là hai người trung, bà dạy Tử Trình đến lo cùng
hai người ấy. Trong khi ấy hai người cũng mưu tìm người đồng tâm cứu
Thứ Hậu. Hai bên thử lòng nhau biết rõ đá vàng, Tử Trình vào cung
thưa cùng bà Nguyệt Kiểu, bà dạy Tử Trình sửa soạn xe giá, Thứ Hậu
cải trang làm thể nữ giao con, bà dấu trong xe, bà dối đi hành hương
ở Sơn Tự. Kim Lân và Linh Tá phò Thứ Hậu và Hoàng Tử ra thành Sơn
Hậu. Kim Lân đưa ra khỏi thành rồi
đưa Thứ Hậu về nhà mẹ là Đỗng Mẫu.
Mao Ất giữ
lãnh cung hay tin Thứ Hậu đi thì đã muộn, Tạ Vương truyền giao lệnh
tiễn cho Kim Lân đi tìm Thứ Hậu, Mao Ất vừa bước vào nhà Đỗng Mẫu
thì thấy Thứ Hậu liền tri hô lên thì bị Kim Lân chém đầu, Linh Tá
thấy việc đổ bể, vội giục Kim Lân đưa Thứ Hậu ra thành Sơn Hậu. Kim
Lân còn bịn rịn thì Đỗng Mẫu hối con đi cho tròn nghĩa vua tôi, còn
phần bà trở về Cầm Lý thôn an dưỡng tuổi già.
Kim Lân đai
hoàng tử trước bụng, Thứ Hậu giắt bảo kiếm sau lưng, họ phi ngựa về
thành Sơn Hậu. Tới ải bị tướng Sầm Tô đón lại không cho qua, Kim Lân
cầm thương bạc đâm chết Sầm Tô, Tạ Thiên Lăng hay tin Thứ Hậu đào thoát
sai em là Tạ Ôn Đình cùng Lôi Phuông, Lôi Nhược đem binh truy cản. Khương
Linh Tá cố ngăn binh họ Tạ cho Đổng
Kim Lân chạy thoát, một thân một ngựa bị Ôn Đình chém đầu, hồn còn
trung tình bạn nên ôm đầu vụt chạy giữa đường tên khiến họ Ta rụng rời sởn óc ; chạy cho
đến khi gặp Thứ Hậu và Kim Lân mới ngã gục xuống. Thứ Hậu cùng Kim
Lân đào huyệt mai táng. Mộ vừa lấp xong binh Tạ đến rần rần, hai người
rẽ ra hai ngã Thứ Hậu lạc con, rủi ro cho Kim Lân lại té ngựa, nhưng
tướng tinh hoàng tử xuất hiện thành rồng vàng bao bọc vua tôi, Ôn
Đình giật mình không dám đâm tới, biết vận nhà Tề chưa dứt phần
trời đã hoàng hôn, nên truyền lệnh lui binh về triều.
Binh Tạ lui
rồi, Kim Lân lên ngựa rủi rong, lần lựa đi đến thành Sơn Hậu, trên
đường hoàng tử khát sữa, Kim Lân bối rối không biết làm sao, bèn cắn
tay cho máu chảy vào miệng hoàng tử cho thấm giọng. Bốn bề tối mịt,
khó đi Kim Lân nhìn hoàng tử nhỏ lệ, hồn Khương Linh Tá hiện ra đưa
Kim Lân đi trong đêm tối cho đến khi vầng dương hiện lên. Kim Lân đến
thành Sơn Hậu họp cùng Phàn Diệm kết nghĩa anh em, đồng lòng nuôi
hoàng tử khôn lớn chờ ngày hưng binh phục Tề, diệt Tạ.
Hồi Thứ Ba: Tạ Ôn Đình vâng lệnh anh, tuy không bắt được
hoàng tử và Kim Lân nhưng giết được Khương Linh Tá trở về triều. Thứ
Hậu chạy lạc không tìm ra thành Sơn Hậu, phải vào một ngôi chùa bị bọn ác tăng ve vãn không được chúng
giận cho ăn cám và uống dầu hoá câm.
Bà Nguyệt
Kiểu thương Khương Linh Tá chết, than thở không cùng nhưng nghe tin hoàng
tử được bình an bà rất vui mừng, nhớ lời nguyện trước, bà thế phát
xuất gia. Tạ Thiên Lăng và các em khuyên chị không được ra mật chỉ cho
các chùa không nhận bà Nguyệt Kiểu lai vãng. Bà Nguyệt Kiểu ra tới
đường rừng thì có Sơn thần sai cọp linh cõng bà đến bỏ nơi Tây Sơn
Tự. Bà Nguyệt Kiểu vào thì gặp Thứ Hậu
lâm họa đang thiêm thiếp, nhờ có Phật từ bi che chỡ nên hai bà
vững mạng. Trong khi ấy ở thành Sơn Hậu, Phàn Diệm và Đổng Kim Lân
được thần nhân mách bảo lên Tây Sơn Tự cứu nguy cho Thứ Hậu và bà
Nguyệt Kiểu. Rạng ngày hai anh em đến đó, quả nhiên thấy bọn ác tăng
đang đưa hai bà lên giàn hỏa. Kim Lân cứu hai bà đem xuống, thấy Thứ
Hậu còn mê mang đổ thuốc cho uống, Thứ Hậu tỉnh lại ngó chung quanh
như giấc chiêm bao. Chào em và Kim Lân rồi nhìn thấy bà Nguyệt Kiểu,
vội bảo Phàn Diệm và Kim Lân lạy
tạ đền ơn cứu tử. Phàn Diệm truyền đưa bọn ác tăng lên giàn hỏa,
người vô tội cho hoàn tục về quê. Phàn Diệm rước chị và bà Nguyệt
Kiểu về Sơn Hậu. bà Nguyệt Kiểu từ chối nói mình đã xuất gia phải
ở lại am vân. Phàn Diệm cho sửa sang am tự cho bà Nguyệt Kiểu rồi
cùng chị về Sơn Hậu cho mẹ con, tôi chúa trùng phùng.
Quân binh
đã mạnh, lương thảo đã dư, Phàn Diệm và Kim Lân cử binh phạt họ Tạ.
Lôi Nhược xuất trận đánh không lại Đổng Kim Lân, Tạ Ôn Đinh tiếp sức,
Phàn Diệm đón đường đánh Ôn Đình trọng thương, hoảng sợ quay về án
binh bất động. Ôn Đình nhờ Lôi Nhược thuốc thang lành mạnh tính kế
trả thù, sai tướng hầu Hổ Bôn đến Cẩm Lý thôn bắt Đỗng Mẫu đem về
để buộc Kim Lân đầu hàng. Đỗng Mẫu không sợ uy quyền chửi mắng họ
Tạ thậm tệ.
Ôn Đình
xuất trận, treo Đỗng Mẫu lên thành. Kim Lân xuất trận xót dạ, đau lòng,
hẹn ba ngày sẽ đầu hàng để tính kế cứu mẹ. Hoàng tử bàn mưu cùng
Phàn Diệm lên Tây Sơn Tự lấy lòng từ bi xin bà Nguyệt Kiểu thỏa
thuận để đổi lấy Đổng Mẫu, bà Nguyệt Kiểu bằng lòng theo kế hoạch.
Ôn Đình, Lôi Nhược thương chị giao Đổng Mẫu lại cho Kim Lân.
Cuộc chiến
trở lại, Đổng Kim Lân chém Lôi Nhược. Phàn Diệm đuổi Tạ Ôn Đình chạy
vào Lâm Hát chổ Khương Linh Tá tử trận ngày trước ; hồn Linh Tá
hiện ra đòi đầu, Tạ Ôn Đình toan chạy đã bị âm binh cắt đầu treo
nhánh cây. Kim Lân, Phàn Diệm chạy tới biết Khương Linh Tá hiển linh, lấy đầu Tạ Ôn Đình treo cổ ngựa tiến binh công
phá thành đô.
Tạ Thiên
Lăng hay tin hai em tử trận, sai Lôi Phuông và Lôi Vân ra trận. Lôi Phuông
bị Kim Lân đâm chết. Thiên Lăng và Lôi Vân bỏ thành đô chạy trốn đến
Tây Sơn Tự gặp chị là Nguyệt Kiểu; binh
Đổng Kim Lân, Phàn Diệm cũng vừa tới nơi. Bà Nguyệt Kiểu xin
tội cho hai em, Hoàng tử nhớ ơn cứu tử tha tội tha tội và về triều
xưng vương tức vị, Nhà Tề được trung hưng.
Sơn Hậu
diễn truyện được chia làm ba hồi, 32 màn:
Hồi Thứ Nhất: gồm 11 màn cảnh.
1. Phàn Định Công khuyên con
nối chí và bàn đưa ái nữ Phàn Phụng Cơ tiến cung, vì vua không con.
2. Tề Chúa đi cầu tự, Phàn
Định Công tâu bày xin dâng ái nữ.
3. Phàn Định Công tiến cung
con gái, được phong làm Thứ Phi, nhờ cậy thái giám Lê Tử Trình.
4. Phàn Phụng Cơ, Thứ Hậu
ra mắt Chánh Cung chị Tạ Thiên Lăng đã bị sự ghen ghét.
5. Phàn Định Công đi trấn
thành Sơn Hậu, Thứ Hậu báo tin cha đã có thai.
6. Chánh Cung ghen ghét Thứ
Hậu, Tam Cung Nguyệt Kiểu, em Tạ Thiên Lăng khuyên theo lẽ phải.
7. Thái Sư Tạ Thiên Lăng lập
Tiểu giang san, triều đình riêng, Triệu Khắc Thường bị giết.
8. Đổng Kim Lân và Khương
Linh Tá thề giúp Tề triều, tạm về đầu hàng họ Tạ.
9. Đổng Kim Lân đùa thử phá
Tiểu giang san.
10. Đổng, Khương hai tướng
than phiền không muốn đầu hàng họ Tạ.
11. Vua Tề băng hà, Tạ Thiên
Lăng tiếm vị, Thứ Hậu Phàn Phụng Cơ bị giam.
Hồi Thứ Hai: gồm 11 màn cảnh.
1. Tạ Thiên Lăng cho sứ ra
Sơn Hậu, Lê Tử Trình mật gửi tâm thư.
2. Phàn Định Công chém sứ,
đem binh về triều hỏi tội Tạ tặc.
3. Phàn Định Công uất lên
mà chết, Phàn Diệm quay binh về giữ thành Sơn Hậu.
4. Nguyệt Kiểu cứu Thứ Hậu
sau lúc sinh hoàng tử, mưu cùng Thái Giám Lê Tử Trình.
5. Đổng Kim Lân, Khương Linh
Tá thử lòng trung nhắc đến Lê Tử Trình.
6. Đổng, Khương lén vào dò
xét Lê Tử Trình nhận ra được người nghĩa khí.
7. Nguyệt Kiểu giả hành
hương, mưu cứu thoát Thứ Hậu và Hoàng Tử.
8. Đổng Kim Lân giết Mao Ất,
từ biệt mẹ để đưa ấu chúa, Thứ Hậu lánh nạn.
9. Đổng Kim Lân chém đầu
Sầm Tô, binh Tạ Thiên Lăng đuổi theo, Nguyệt Kiểu muốn ngăn nhưng không
nổi.
10. Khương Linh Tá chết vẫn
ôm đầu chạy, hồn thiêng phò tá Tề triều.
11. Thứ Hậu bị lạc, rồng vàng
hiện ra, tôi chúa nhà Tề chạy về
Sơn Hậu.
Hồi Thứ Ba: gồm 10 màn cảnh.
1. Tam Cung hỏi biết tin Sơn
Hậu, Thứ Hậu lạc vào chùa gặp lũ ác tăng.
2. Nguyệt Kiểu quyết đi tu,
Tạ Vương ngăn không được.
3. Tam Cung được Sơn Thần đưa
về chùa, gặp Thứ Hậu cùng bị nạn.
4. Phàn Diệm. Đổng Kim Lân
bắt lũ ác tăng, cứu Tam Cung và Thứ Hậu.
5. Binh Tạ tới đánh thành Sơn Hậu, gặp Đổng Kim
Lân, Phàn Diệm binh họ Tạ bị thất bại.
6. Tạ Ôn Đình bắt Đỗng Mẫu
treo lên thành dọa đốt, buộc Kim Lân đầu hàng, Đỗng Kim Lân trung hiếu
lưỡng nan.
7. Phàn Diệm cùng hoàng tử
giả mưu bắt Tam Cung để đem đổi Đỗng Mẫu.
8. Sau khi đổi Tam Cung, Đổng
Mẫu, tiếp chiến Tạ Lôi Nhược bị tử trận.
9. Hồn Khương Linh Tá giết
Tạ Ôn Đình, Tạ Vương và Tạ Lôi Vân bỏ thành chạy vào chùa bà Nguyệt
Kiểu lẫn trốn, nhờ bà Nguyệt Kiểu xin hoàng tử và Phàn Diệm tha
tội.
10. Quân Sơn Hậu đại thắng
hoàng tử lên ngôi, gầy dựng sự nghiệp trung hưng nhà Tề.
Nguyễn Nho
Túy trong 55 năm trên sân khấu tuồng. Nxb Văn Hoá. 1974. Là bậc thầy
xuất sắc trong vai Đổng Kim Lân kể lại kinh nghiệm mình:
Đổng Kim
Lân là một nhân vật anh hùng trong vở tuồng Sơn Hậu. Đổng Kim Lân xuất
thân từ một gia đình quý tộc, gặp lúc vua băng hà, chưa có người kế
nghiệp, Tạ Thiên Lăng cướp ngôi báu, hắn có vây cánh, binh quyền, chị
hắn là Chánh Hậu và Tam Cung. Binh tướng thì có Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược,
Tạ Lôi Phuông và Tạ Lôi Vân là bốn em ruột. Các quan văn võ thì bất
lực, phần lớn thì mạnh đâu theo đó. Phàn Định Công là người đương
đầu được với chúng thì đương trấn ngoài biên ải thành Sơn Hậu. Những
bậc nghĩa sĩ trung thần chưa có tổ chức, chưa hiểu lòng nhau. Thứ Phi
Phàn Phụng Cơ bị chúng bắt giam, Đổng Kim Lân tiếng rằng quý tộc
nhưng chẳng có điền sản gì. Bà mẹ Đổng Mẫu chỉ có con trai độc
nhất để nương tựa. Vai Đổng Kim Lân
bên trung bên hiếu, tận trung với vua, chí hiếu với mẹ, chí
tình với bạn, chí nghĩa với mẹ con Thứ Phi, mang một tinh thần căm
ghét không đội trời chung với nghịch tặc.
“Khi sắm vai Kim Lân, tôi phải chú ý xem,
Kim Lân ăn mặc như thế nào? áo mũ ra sao? mặt vẽ mấy đường mấy nét ?
nào roi, giáo, hia phải sử dụng thế nào trong trường hợp nào ? Tôi
phải minh định rạch ròi : Kim Lân là kép đỏ. Mà kép đỏ là người văn
võ toàn tài, con người chính diện thời xưa.. Như vậy thì ở hồi thứ
nhất Kim Lân còn trẻ, vẻ mặt trung hậu, khiêm tốn dễ mến, dễ yêu.
Quần chúng gửi gắm tâm tình của mình vào con người Kim Lân.. Mặt
phải có nước son phấn như thế nào mà quần chúng thoạt nhìn đã có
cảm tình ngay. Mày chênh chênh nghiêm chỉnh, vẻ mặt hiền hòa mà cương
nghị, oai phong. Kim Lân đội mũ Vân đằng cân. Đó là thứ mũ nửa văn
nửa võ, vành trán có bốn con giao trên nền đen có hoa.
Về áo
quần thì hồi một, lúc đầu Kim Lân mặc áo bào, lúc bấy giờ ở nhà
hoặc đi chầu. Sau đó thì toàn mặc long chấn, nghĩa là áo có thêu
rồng nổi. Vì lúc nào cũng phải xông pha trong tư thế sẵn sàng chinh
chiến...
Về vũ
khí, Kim Lân sử dụng cây giáo là chính, tuy cũng có lớp dùng kiếm
như khi thử Lê Tử Trình, khi chém Mao Ất, khi đến chùa trừ bọn ác
tăng.
Đến hồi
thứ ba sau mười mấy năm chiến đấu gian khổ, Kim Lân đã có tuổi nên có
thêm khẩu râu. Nhưng râu Kim Lân cũng là loại râu của người hiền hậu,
loại râu dài ba chòm.
Sau khi minh
định rạch ròi đạo cụ và phục trang như vậy, thì tiếp đó phải học
thuộc vai, mà học cho chín từng lời hường lời kẻ từng câu hát phải
tìm cho ra là hát với ai, hát lúc nào và sao lại hát câu ấy.
«Kim Lân
phải làm gì, nghệ thuật tuồng đòi hỏi diễn viên phải làm gì? Cái
bàn gỗ hoặc cái hòm đựng trang phục trên sân khấu tuồng có thể trở
thành núi non trùng điệp, có thể là chiếc ngai vàng trong cung điện
nguy nga, có thể là suối khe ghềnh thác ầm ầm sóng cuộn.. Bản thân
những vật đó không mang tính chất nhất định một vật thể nào. Nó
mang tên này hay tên khác hoàn toàn tùy thuộc ở diễn viên, khán giả
cứ nhìn đường nét của tay chân, thân hình của diễn viên mà tưởng
tượng ra cảnh trí. Cả trời đất bao la, rừng núi âm u, biển cả sóng
dồi, đêm tối mịt mùng hay vừng mai sáng chói.. đều do diễn viên dựa vào
nội dung câu hát mà sáng tạo ra tất cả.»
Về màn
cảnh Đổng Mẫu thượng thành trong tuồng Sơn Hậu ông viết : «
Đây là lúc Kim Lân, Phàn Diệm đã đủ vây cánh, nghĩa quân đã thành
một lực lượng hùng mạnh. Đổng Kim Lân kéo đại binh về diệt bọn gian
thần Tạ Thiên Lăng. Thế của Kim Lân như triều dâng thác cuộn ; bọn
Tạ Ôn Đình không thể nào chống đỡ nổi ; chúng bèn lập mưu bắt
Đỗng Mẫu, mẹ Kim Lân bảo bà viết thư cho con đầu họ Tạ, nếu không thì
‘tình mẫu tử ắt bị hại’. Đỗng Mẫu người mẹ rất khẳng khái, nói
thẳng cho Tạ Ôn Đình biết là bà thà chịu chết chớ không chịu ‘đầu
loài sủng nịnh’. Khi Kim Lân kéo quân đến cửa thành họ Tạ khiêu
chiến. Tạ Ôn Đình treo Đổng Mẫu trên thành và bảo Kim Lân đầu hàng,
bằng không chúng sẽ chất rơm đốt thiêu Đổng Mẫu. Một tấn bi kịch mới
lại xâu xé trong lòng Kim Lân; sự xung đột giữa trung và hiếu gay gắt
hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đó, Kim Lân hẹn với giặc ba ngày nữa
sẽ về quy thuận ; đó là cách hoãn binh để tìm phương kế cứu
mẹ, giết giặc, mong thực hiện cho được trung hiếu vẹn toàn.»
Kịch bản
viết: «Mặt nhìn tường tận. Thân lạc mã an. Cả tiếng kêu, kìa hỡi từ
thân! Hà do bị tặc thần hãm tróc?» (Nhìn thấy mặt mẹ rõ ràng, thân
mình té xuống yên ngựa. Mẹ thân yêu ơi, kìa tioếng kêu ! Vì sao
lại bị bọn gian thần hãm hại như vậy)
Nhiều
người đóng vai Kim Lân khi tới trước cửa thành, thấy mẹ bị treo lên,
thì hoảng hốt té trên mình ngựa xuống đất, nhưng tướng ra trận mà
quăng cả roi ngựa, khi bước ra sân khấu ngã xuống đất thì mất cả tư
cách viên tướng. Té ngựa trên trận tiền là điều kỵ trong nghề làm
tướng súy cầm quân, ngày xưa tướng ra trận mà té ngựa là chết với
quân địch tức khắc. (Trên sân khấu tuồng nhỏ bé, té ngựa thì nằm
ngay trước đường gươm mũi giáo của địch thủ.)
Cụ Nguyễn
Nho Túy đã tìm cách diễn như sau : «Khi bước ra sân khấu, tôi khai
giáo, rồi quất ngựa đi ba vòng trước mặt quân sĩ dàn thành đội ngũ
uy nghi chỉnh tề, phô trương tất cả vẻ oai phong lẫm liệt trong thế
tiến công . Lần thứ hai trước khi dừng chân giữa thành Tạ Ôn Đình
khai chiến, tôi không quất ngựa rồi lại quay giáo như người ta thường
diễn. Tôi thấy vừa quất ngựa, vừa quay giáo thì đường nét của hai
động tác vừa rậm lại vừa điệp – mà điệp lại là luật cấm kỵ trong
nghệ thuật múa tuồng. Tôi liền kết hợp hai động tác làm một... làm
xong động tác này, tôi còn đi một vòng thứ ba nữa để nói lên quảng
đường dài mênh mông đi từ Sơn Hậu đến thành họ Tạ..
Khi giơ ba
ngón tay, tôi không dùng ba ngón giữa, vì làm như vậy bàn tay còn hẹp
quá không che nỗi cái mặt. Tôi dùng hai ngón cái và ngón trỏ vo lại
thành một vòng tròn, ba ngón còn lại, tôi giơ xòe ra, cho bàn tay thêm
rộng. Tôi chỉa thẳng vào mặt Tạ Ôn Đình, thân người nghiêng nghiêng như
để che cho Ôn Đình không thấy nét mặt
của mình ; và trong khi đó tôi đưa mắt nhìn Đổng Mẫu luân
tròng một cái như có ý ra ám hiệu cho mẹ hiểu lòng mình.»
Chỉ một
chi tiết nhỏ ấy, đủ cho thấy các diễn viên bậc thầy ngày xưa thật
tinh tế trong việc diễn tả theo văn bản tuồng Hát Bội. Chỉ một vai
Đổng Kim Lân, cụ Nguyễn Nho Túy đã kể cả quyển sách về vai trò của
mình.
Tuồng Sơn
Hậu hằng năm vào dịp Tết vẫn được trình diễn tại Lăng Ông Lê Văn
Duyệt Sài Gòn-Gia Định liên tiếp trong ba ngày, theo truyền thuyết Lê
Văn Duyệt có góp phần cùng Đào Tấn, trong việc sửa chữa tuồng Sơn
Hậu, và gửi gắm tâm sự mình trong vai Lê Tử Trình. Diễn tuồng Sơn
Hậu là một truyền thống có từ thời Lê Văn Duyệt còn tại thế, thời
vua Gia Long (1802-1820), các diễn viên hát bội từng chịu thảm cảnh bị
thảm sát trong vụ loạn Lê Văn Khôi, chỉ có một số ít chạy thoát. Sau
thời Minh Mạng, lăng Lê Văn Duyệt được phục hồi và truyền thống hát
bội lại nối tiếp liên tục cho đến ngày nay.
Theo Huỳnh
Khắc Dụng trong sách Hát Bội tr
260. nói đến tình hình Hát Bội tại Sài Gòn : Cho đến đầu
thế kỷ này (1900) các gánh hát chỉ diễn trong các đình, miễu ở thôn quê, trong nhà lồng
chợ, hoặc che rạp lộ thiên, phần đông là ghe hát dạo. Lần lần người
giàu có mộ điệu cất rạp ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Lúc bấy giờ Sài Gòn
có rạp ông Hội Đồng Lương Khắc Ninh, nơi đóng đô của gánh Chân Luân
Ban, đình Cầu Muối, (nay đường Cô Giang ) có gánh Tân Thành Ban của
Bầu Cung, rạp Thuận Thành đường Paul Bert (nay đường Trần Quang Khải)
chùa Dọn Bàn, (chùa do những người bồi Tây hùn nhau xây cất) có gánh
bầu Ngót ; đình Thái Hưng ở Cầu Quan có gánh Vĩnh Xuân Ban của
Bầu Thắng ; đình Xóm Củi (đường Yersin) có gánh Bầu Xá ; Ở
Chợ Lớn có rạp Ba Ngoạn. cô Ba Ngoạn là một nghệ sĩ thanh sắc lưỡng
toàn một thời vang bóng. Đường Thủy Binh nay đại lộ Đồng Khánh có
rạp cô Tám, sau đổi tên là Palikao
nơi gánh Phước Thắng diễn thường trực.
Ngày nay
Hát Bội được xem là Di sản Văn Hoá Quốc Gia, đang hoàn thành dự án
để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa quốc tế. Nhiều đoàn tuồng
Hát Bội đang được phục hưng tại
các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Sài Gòn với sự hổ trợ của các
Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.
Với một
Truyện Kiều của Nguyễn Du, 3254 câu thơ lục bát, «Mua vui cũng được
một vài trống canh» mà hàng ngàn bài viết nghiên cứu, hàng trăm
quyển sách các tác giả vẫn chưa nói hết ý. Một truyện Sơn Hậu bằng
thi ca: thơ, phú và từ.. diễn ba ngày ba đêm, sánh ngang tầm với
Odyssée của thi hào Homère, các du tử ngâm thơ trong ba ngày ba đêm hơn
12 ngàn câu thơ, Iliade ngâm trong bốn
ngày bốn đêm. Bài viết này là bước khởi đầu giới thiệu Sơn Hậu,
một tác phẩm tuyệt tác trong kho tàng văn hóa Việt Nam, trong hàng
trăm văn bản tuồng Hát Bội Việt Nam, một kho tàng văn hóa đồ sộ của
Việt Nam, một số văn bản được ông Mai Thọ Truyền khi làm Quốc Vụ
Khanh đặc trách văn hoá Việt Nam Cộng Hòa và cựu Thủ Tướng Trần Văn
Hương in lại, may mắn thay Học Lâm bộ sưu tập Tuồng đầu tiên
của vua Tự Đức, bị mất trong biến cố năm 1884 lại được Thư Viện Anh
Quốc mua được, nhiều văn bản Tuồng khác được Trường Viễn Đông Bác Cổ
Pháp mướn người sao chép nay lưu giữ tại các thư viện Pháp. Một số
văn bản còn lưu giữ tại Ban nghiên cứu Tuồng do các nghệ sĩ Hát Bội
từ Liên Khu V, Bình Định mang ra Hà Nội, và còn bao nhiêu văn bảng đã
bị thất lạc hay còn trong dân gian, trong chiến tranh nay chỉ còn biết
tên. Có nhiều văn bản chữ Hán Nôm, một số văn bản đã được dịch chữ
quốc ngữ, hay được sáng tác bằng chữ quốc ngữ đầu Thế kỷ XX, có
vài văn bản đã được dịch tiếng Pháp. Các công trình nghiên cứu về
Hát Bội vẫn còn sơ sài, một kho tàng đồ sộ còn bị quên lãng chưa
được lưu tâm đúng tầm mức.
Mời xem VÀI HÌNH ẢNH VỀ NHÀ SÁCH BẢO THẮNG
video tư liệu của Công ty Văn Hóa Bảo Thắng:
*
Paris,
ngày 21 tháng 3-2022
PHẠM TRỌNG
CHÁNH
Tiến sĩ Khoa
Học Giáo Dục
Địa chỉ: Viện Đại Học Paris V Sorbonne.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.03.2022.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét