MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

30 THÁNG 4 VÀ CHUYỆN HÒA GIẢI DÂN TỘC - Nhiều Tác Giả

 

30 THÁNG 4 VÀ

CHUYỆN HÒA GIẢI DÂN TỘC

*

Nguyễn Thị Lan Anh giới thiệu

(Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết và bình luận là quan điểm riêng của các tác giả)

 

Tác giả: Tạ Duy Anh

VĂN HỌC VÀ SỨ MỆNH HÒA GIẢI DÂN TỘC

Mỗi dịp 30 tháng Tư, tôi lại trở nên trầm tư bởi vô vàn ý nghĩ cứ cuốn lại với nhau. Tình trạng này chỉ xảy ra với tôi cách đây khoảng hai mươi năm, khi tự cảm thấy mình đã đủ chín chắn để suy tư về lịch sử. Với tôi và những chàng trai sắp thành niên như tôi hồi 1975, thì ngày 30 tháng Tư là một cơ may sống sót vĩ đại. Quá sợ hãi và chán ngán cảnh cứ phải lẩn trốn bom đạn trút xuống từ trên trời bất cứ lúc nào, chúng tôi bỗng trở thành những kẻ yêu hòa bình nhiệt thành nhất thế giới. Vì thế vào hôm đó chúng tôi chạy nhảy và hát váng từ làng trên xuống làng dưới, từ trường học ra cánh đồng. Nhiều bậc cha mẹ, trong đó có cha mẹ tôi, đã khóc vì sung sướng. Nỗi sung sướng lớn nhất là những đứa con của họ từ nay sẽ không phải cầm súng vào chiến trường như cha anh chúng để rồi rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày 30 tháng Tư là dấu mốc để từ đó người Việt không còn phải đổ máu vì chiến tranh ngay trên đất nước của mình. Với tôi, đó là ngày Hòa bình, ngày nước Việt Thống nhất.

Thời gian chờ đợi cái ngày đó không phải chỉ 21 năm tính từ năm 1954. Mặc dù nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước tổng cộng gần một trăm năm, trước khi người Pháp lại tiến hành cuộc chia cắt đầy đau đớn, nhưng sự chia rẽ dân tộc có lẽ phải tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo ngang?

Tôi luôn tự răn mình rằng, một cá nhân nhỏ bé, lại thuộc về hậu thế, đừng bao giờ cho mình quyền đưa ra bất cứ một phán xét nào về những vấn đề mình ít hiểu biết. Vì thế, tôi tự nguyện đứng sang một bên trong mọi cuộc tranh luận mỗi dịp kỉ niệm 30 tháng Tư. Nhưng khát vọng hòa hợp dân tộc thì chưa khi nào nguôi cháy trong tâm trí tôi. Nó giống như khát vọng phục quốc đã thành bản năng, thành máu trong huyết quản của người Do Thái. Hơn bất cứ đất nước nào, hơn bất cứ thời điểm nào, người Việt cần phải trở về bên nhau trong một đại gia đình. Người Việt phải ân xá cho nhau vô điều kiện, trước hết để có thể nương tựa nhau tồn tại trong một thế giới đầy bất trắc, nhất là khi mà chúng ta không có quyền lựa chọn láng giềng như mình muốn. Tôi đã nghĩ về điều này nhiều đến nỗi bất cứ ai có ý kiến gợi đến sự chia rẽ, là tôi cảm thấy chính mình bị khủng bố, ngay lập tức bị tôi coi là thù địch.

Nhưng hòa giải, hòa hợp bằng cách nào? Hơn bốn thập kỉ qua, có khi nào chúng ta không nói đến câu chuyện này? Đã có rất nhiều nỗ lực cá nhân và cộng đồng để thực hiện điều đó. Nhưng thực tế cho thấy, còn cần nhiều gấp bội những nỗ lực như vậy và mạnh mẽ hơn như vậy, cho một sự hòa giải, hòa hợp thực sự. Đó là công việc của tất cả con dân Việt, không chừa một ai. Chúng ta, mỗi người phải tận dụng mọi cơ hội, mọi công cụ, mọi thế mạnh có trong tay cho công việc quan trọng và thiết cốt đó.

Với cá nhân tôi, thứ công cụ đó là văn học.

Tôi được chia sẻ ý tưởng này bởi khá nhiều đồng nghiệp, trong đó có nhà phê bình Thụy Khuê, một người phải lang thang trên đất khách quê người vì thời cuộc. Hóa ra, Thụy Khuê cũng luôn đau đáu vấn đề hòa hợp dân tộc. Vì thế, khi một lần tôi đưa bà về viếng mộ nhà văn Nam Cao và nhà thơ Tú Xương, trên suốt đường đi, chủ đề hòa giải của người Việt cứ tự nhiên nhảy vào giữa các câu chuyện và chiếm phần lớn thời lượng. Trong những tâm sự gan ruột của Thụy Khuê, tôi nhớ nhất câu: “Cứ để văn học đứng ra làm nhiệm vụ hòa giải, mọi việc sẽ ổn hết”.

Tôi được sự cổ vũ mạnh mẽ bởi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông cũng không nguôi suy ngẫm về điều mà tôi và nhiều nhà văn khác nung nấu trong tâm khảm. Nhân Hội nghị văn học hướng tới hòa giải hòa hợp dân tộc, giữa cơn bão dư luận cho rằng nó đã thất bại, chúng tôi cùng có chung một nhận định: Bằng Hội nghị ấy, ít nhất thì cũng đã có người dám chạm vào cánh cửa vốn vẫn được cài then rất chặt và mặc nhiên bị coi là vùng cấm. Bước đầu hẵng cứ thế đã. Phải có người chạm vào, rồi mở he hé, rồi mới mong nó được mở tung. Bởi vì hòa giải dân tộc là một tiến trình mang tính lịch sử và có sự can dự của lịch sử”.

Giờ đây, cũng như Thụy Khuê, chúng tôi cùng cho rằng văn học cần phải nhận lấy sứ mệnh hòa giải dân tộc. Đó sẽ còn là câu chuyện rất dài và là thứ công việc vô cùng khó khăn trên thực tế. Nhưng giống như hành động chạm vào cánh cửa, chạm vào sự cấm kị, phải có những bước khởi đầu. Và tôi nghĩ, bước khởi đầu mở ra nhiều hy vọng nhất chính là tổ chức xuất bản và giới thiệu rộng rãi sách của các nhà văn ở hải ngoại. (Thực sự thì tôi không muốn dùng thuật ngữ quen thuộc này một chút nào, mà muốn thay bằng cụm từ Nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài. Nếu tôi vẫn phải dùng là bởi vì nó ngắn gọn). Hàng trăm hàng ngàn tác phẩm văn học ấy, cần phải được coi là thành tựu của chung người Việt, là sản phẩm của văn hóa Việt.

Bởi vì trên thực tế nó đã là như vậy.

Từng tiếp xúc với nhiều nhà văn hải ngoại, cả ở ngay trên chính quốc gia mà họ sinh sống, cả khi họ về nước, tôi nhận ra một điều: Không có bất cứ khoảng cách nào giữa những người cầm bút chân chính trong khát vọng về vẻ đẹp, khát vọng nhân tính, yêu thương tiếng Việt và nòi giống Việt, lo lắng cho tương lai của dân tộc…Đó là thứ có chung ở người cầm bút, có chung ở chúng tôi, như một mẫu số gốc, như một hằng số vĩnh cửu. Vâng, trước hết, hãy để văn học được thực hiện sứ mệnh nhỏ bé của nó trong vấn đề rất lớn là hòa giải dân tộc. Nhiệm vụ này thuộc về và nên trao trước tiên cho các nhà văn, cả trong nước và hải ngoại. Hơn ai hết, nhà văn là người có khả năng truyền thông điệp, truyền cảm hứng và thu hút sự chú ý của cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Hơn ai hết, nhà văn là những người biết lắng nghe và lắng nghe một cách chính xác ngay cả những tiếng nói rất dễ bị lãng quên. Qua họ, sự cộng hưởng của của những giá trị thiêng liêng sẽ được nhân lên và lan tỏa, đến mọi ngóc ngách của cuộc đời. Tác phẩm của nhà văn thực chất là sứ giả của tình thân ái. Và nó cần được tất cả chúng ta mở lòng đón nhận.

Việc in ấn, giới thiệu, phổ biến tác phẩm của các nhà văn hải ngoại đã không còn là chuyện gì mới mẻ khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Nhà xuất bản Hội nhà văn là nơi đi tiên phong trong chuyện này, không chỉ bằng sự can đảm mà trước hết bằng sự tôn trọng và tôn vinh mọi sáng tạo thuộc về nước Việt yêu quý. Giờ đây chúng tôi muốn được làm nhiều hơn. Chúng tôi muốn việc in ấn, giới thiệu ấy, khi hướng tới sự hòa giải, mang tinh thần hóa giải thù hận, thì cần phải là một công việc bình thường, được đối xử công bằng, như bất cứ công việc hữu ích nào đang làm. Tôi là người thường bi quan trong hành động, nhưng tôi lại rất lạc quan về kế hoạch mà chúng tôi đề xuất. Thứ chúng tôi cần DUY NHẤT là sự hiểu biết, thái độ thiện cảm và niềm tin của cộng đồng.

Cuộc chia rẽ dân tộc là một thực tế lịch sử, không ai mong muốn và không thể né tránh. Nhưng đã đến lúc người Việt hãy biết thương người Việt thay vì trách móc, kết tội, mạt sát nhau. Bởi vì, tất thảy chúng ta, xét về mặt nào đó, đều góp công góp sức để tạo ra cái lịch sử đau thương ấy.

Giờ đây, ngay cả khi không can dự, thì các nhà văn vẫn nên chịu trách nhiệm chính về sự chia rẽ dân tộc, chứ không phải ai khác. Và hãy tạo cơ hội để văn học trở thành thứ thần dược, hàn gắn, làm liền sẹo tốt nhất, nhanh nhất cho mọi vết thương tinh thần.

(Rút từ Viết & Đọc, số Mùa hạ 2019)

 

 

Tác giả: Khuyết Danh

HÃY XEM CÁCH NGƯỜI MỸ KẾT THÚC NỘI CHIẾN

Cách đây đúng 150 năm, Tướng Robert E Lee của quân đội miền Nam đầu hàng Tướng Ulysses Grant của quân đội miền Bắc, đánh dấu kết thúc cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã làm hơn 7 trăm ngàn người thiệt mạng. Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam Bắc là vì cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: phe miền Bắc (còn gọi là phe liên bang) đứng đầu là Tổng thống Lincoln chủ trương xóa bỏ buôn bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chống lại chủ trương này.

Cuộc chiến Nam Bắc của Mỹ thường được nhắc tới qua những trận đánh đẫm máu giữa quân đội của hai phe: quân miền Bắc do tướng Ulysses Simpson Grant chỉ huy và quân miền Nam do tướng Robert Edward Lee cầm đầu. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant nhưng quân miền Bắc được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách liên bang và chiêu mộ được thêm nhiều quân số từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng nên cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee phải chấp nhận thua trận.

Đã có những lời khuyên tướng Lee nên chia nhỏ quân của mình ra và tiến hành đánh du kích nhưng tướng Lee đã nói: nếu cứ tiếp tục chiến tranh gây bao chết chóc thì tội của tôi đáng chết gấp ngàn lần. Ông đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng. Tướng Grant nhắn lại, đề nghị tướng Lee chọn địa điểm bàn thảo việc qui hàng. Và căn nhà của một người buôn bán tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã được chọn. Ngày nay ngôi nhà này trở thành di tích lịch sử quốc gia, và được gọi là Appomattox Court House.

Đến ngày hẹn, tướng Lee bận một bộ lễ phục mới tinh và đeo kiếm, còn tướng Grant xuất hiện muộn hơn trong bộ đồ tác chiến thường ngày còn dính bùn đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mexico. Câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột, chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung nói về binh lính miền Nam:

1. Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù.

2. Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ.

3. Được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân.

Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.” Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam.

Khi tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

Ngày 12 tháng 4 năm 1865, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để giao nộp vũ khí. Tướng Joshua L.Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ qui hàng. Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh, ông nhìn những binh sĩ miền Nam bại trận đi vào làng với cảm xúc dâng trào. Sau này ông viết lại: “Giây phút đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi quyết định đánh dấu sự kiện này bằng một hành động, không gì khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này. Tôi đã không xin phép và cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động này. Đối diện với chúng tôi là những chiến binh, bại trận nhưng can trường, là biểu tượng cho tinh thần trượng phu, không rã rời, không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất phục được họ. Giờ đây, họ là những người ốm yếu và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào chúng tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết. Không có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững vàng của chúng ta.”

Sau đó tất cả hàng ngũ quân miền Bắc thắng trận từ đơn vị này đến đơn vị khác đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh. Vị tướng dẫn đầu đoàn quân miền Nam đầu cúi xuống trong buồn bã, chợt nhận ra và ngồi thẳng lại trên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Ông ra lệnh cho các đơn vị theo sau tuân theo nghi lễ quân sự khi đi ngang qua đoàn quân miền Bắc. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm… Một sự im lặng đến nghẹt thở.

 

 

Tác giả: Đỗ Trọng Khơi

TÍN HIỆU VUI

Dịp kỷ niệm ngày Thống nhất đất nước năm nay, 2022, có nhiều tín hiệu vui. Phải nói là rất lạc quan. Trước hết phải nói việc khởi đầu từ việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ hi sinh chống quân Trung Quốc xâm lược ở đảo Gạc Ma - Trường Sa. Kế đến VTV1, VTV6 chiếu phim tài liệu về cuộc chiến 21 năm, có đưa hình ảnh và phát biểu của người mẹ ở Củ Chi, có 2 con hi sinh, một là lính Việt Nam cộng sản, một là lính Việt Nam cộng hòa. Bà nói, bà không biết ngày hi sinh của cả hai người con (theo bà mẹ kể là 3, vì còn có 1 con trai chết đuối năm 13 tuổi), vì vậy bà đã cúng giỗ cho cả 3 con vào một ngày mồng 2 tháng 9, ngày Tết Độc lập. Phim đưa tin có ảnh hình và lời nói lý lẽ giản đơn mà xúc động, thâm thía của một người mẹ Việt Nam đau thương đó, để được công khai nói lời ân tình chừng đó thôi, vốn là một thứ việc đại húy kỵ, nặng tày đặt núi non lên môi vậy. Vậy mà nay người mẹ Củ Chi đó đã dám nói, được nói! Thật mừng biết bao!

Chiều nay, vừa lúc thôi, tôi đọc được bài viết về vấn đề HÒA GIẢI DÂN TỘC...của nguyên thứ trưởng thường trực BNG Nguyễn Đình Bin, viết trên FB nhà ông, và bài viết sau mấy tiếng đã được gần 700 lượt người chia sẻ. Nội dung bài viết, vị nguyên thứ trưởng thường trực BNG đã hết sức chân thành và rất mực thẳng thắn nêu 3 điểm cần làm với Đảng, Nhà nước để sớm thực hiện được quốc sách xương máu là phải HÒA GIẢI DÂN TỘC càng sớm càng tốt. Giặc thù thì không lúc nào không nhăm nhe gây chia rẽ, và tính việc xâm chiếm lãnh thổ, trong khi "thù trong" ta giải quyết chưa xong, lại cộng thêm nạn tham nhũng đang tàn phá nặng nề, đặc biệt nạn tham nhũng trong Quân đội, những người đang có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thêm nữa, đường hướng phát triển đất nước ta vẫn chưa dứt khoát chia tay với cách quản lý lỗi thời, tạo muôn sơ hở cho tham nhũng, thậm chí cho bọn phản động Việt gian bán nước còn đó đất sống để lớn mạnh. Câu cũng cần phải nói rõ ràng hơn, "bọn phản động" lớn nhất, chúng sẵn sàng phản bội Tổ quốc, sẵn sàng nhượng địa cho giặc, không ai khác là bọn đang từng ngày "Ăn cơm dân, mặc áo Đảng nhưng lại vác cây tù và tham nhũng và vác những chiếc bút khủng ký kết các hợp đồng ăn chia phần trăm với giặc".

Thật nhiều tin vui những sớm chiều tháng ngày này. Chắc hẳn gần 100 triệu con dân Hồng Lạc khắp 3 miền Bắc Trung Nam lòng ai cũng nhiều hoan hỉ và tin tưởng, từ bên trong nội tình đất nước ta, lòng người đang hòa hợp, và con đường đất nước ta sẽ đi lên thuận chiều với văn minh nhân loại.

 


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện CHUYỆN

CỦA GÃ KHỜ, truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét