MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

BÁT PHỐ GIANG HỒ THƠ - Tác giả: Nguyễn Bảo Sinh (Hà Nội)

 

BÁT PHỐ GIANG HỒ THƠ

*

(Tác giả Nguyễn Bảo Sinh)

 “Giả gọi là chân, chân cũng giả

Không làm ra có, có thành không”

Khoảng năm 2005, tôi và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi vô Nam. Nguyễn Huy Thiệp đi để giải stress, còn Bát Phố đi chỉ để đi:

“Mình không chỗ đứng trên đời

Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu

Thì đi về chỗ bắt đầu

Cứ đi không đến về đâu thì về”

Lúc đó, Thiệp gây ra vụ scandal về bài viết “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” đăng trên tạp chí Ngày Nay. Thiệp viết bài này rất ngoan nhưng thỉnh thoảng lại có câu nói ngược. Cách nói ngược của người cực nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp lại làm mọi người hiểu nhầm lung tung. Đặc biệt, Thiệp coi hội viên Hội Nhà văn là bọn giặc già thơ phú lăng nhăng, chứng minh bằng câu thơ mà Bùi Hoàng Tám theo ý của ca dao Thái Bình:

“Vợ tôi nửa dại nửa khôn

Có lúc nó bảo dí “ồn” vào thơ

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Có lúc nó bảo dí thơ vào “ồn”

Thế là Hữu Thỉnh hoảng loạn tưởng nhầm là lăng nhục Hội Nhà văn, dí các nhà thơ vào “ồn” nên đã thỉnh thị cấp trên rầm rộ ra quân như đánh Điện Biên Phủ. Sáu trăm tờ báo nã pháo liên tục, tàn bạo vào Thiệp, Thiệp chống đỡ một cách yếu ớt trong hoảng loạn. Đặc biệt là Trần Đăng Khoa ở Việt Nam đêm đêm đàm thoại với Nguyễn Văn Thọ ở Đức kết tội Thiệp trên đài Tiếng nói Việt Nam và báo chí, coi như đậy ván thiên cho Thiệp. Thiệp cáu đã viết bài “Mổ nhà văn” để tự vệ. Ngay như nhà thơ Đồng Đức Bốn mà Thiệp dày công dạy dỗ, nâng đỡ cũng chửi bới kịch liệt Thiệp đến cả kiếp sau bằng câu kết đăng trên báo Văn Nghệ: “Kêu gọi Thiệp sống cho có đức không thì quả báo, con cái sẽ lĩnh đủ”. Mọi người bảo: “Ai chửi Thiệp cũng được, nhưng Đồng Đức Bốn chửi Thiệp là loại người vô ơn bạc nghĩa, không thể chấp nhận được”. Một lời nói một đọi máu chứ chẳng chơi. Nhiều người phỏng vấn Bốn sao vẫn nhờ Thiệp viết lời giới thiệu? Bốn bảo: “Khốn nỗi Thiệp nổi tiếng lắm, một lời nói của Thiệp có giá trị ngàn cân. Với lại, tôi thuê Thiệp viết giới thiệu đã trả tiền đầy đủ”. Bóc bánh trả tiền.

Nguyễn Văn Lưu, giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn thành kẻ thù truyền kiếp của Thiệp. Đến tận 30 năm sau Lưu vẫn dẫn chứng những lời nói của Thiệp ở Thuỵ Điển là: “Nôn oẹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Trong cuộc hội thảo ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2015, Thiệp đã thanh minh điều này một cách minh triết.

Thật ra, đúng như lời Nguyễn Huy Thiệp nói, xã hội là sự tổ chức nhầm lẫn. Thế giới đánh nhau vì sự hiểu nhầm. Bản thể Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Văn Lưu đều là người kính yêu Bác Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng. Nhưng chỉ vì Thiệp hay nói ngược, nói ngang để mọi người chú ý đến mình. Thế thôi. Chứ mỗi khi nhắc đến tên Bác Hồ, Thiệp đều rưng rưng cảm động:

“Người là cha, là bác, là anh”

“Hồn biển lớn chứa muôn lời thủ thỉ”

“Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước”

“Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”

Thiệp cũng để râu như Bác Hồ. Ngay khi Nguyễn Huy Thiệp được ông Huy – Nhà Văn hoá Doanh nhân ở Kim Bảng, Hà Nam mời về chơi và dự bữa tiệc thân mật với gia đình, đủ cả sơn hào hải vị. Bảo Hưng - bạn Thiệp - lả lơi hò hát, đầy tính văn nghệ quần chúng. Vợ Huy - người phụ nữ xinh xắn và sắc sảo đã nắm tay Thiệp rưng rưng cảm động: “Bác ơi! Bác Thiệp Cù Huy Hà Vũ của chúng em ơi! Bác đòi lại công lý cho chúng em. Xưa bị áp bức chúng em chỉ biết kêu trời. Nay chúng em chỉ còn biết trông vào bác”. Thiệp giãy nảy như đỉa phải vôi, bảo: “Tôi không phải là Cù Huy Hà Vũ, chỉ là nhà văn chuyên nghiệp kiếm tiền nuôi gia đình, chị đừng hiểu nhầm mà chết tôi”.

“Bên ngoài đi đứng khuỳnh khoàng

Bên trong đích thị bé ngoan Bác Hồ”

Giáo sư - tiến sĩ La Khắc Hoà có phong cách rất hàn lâm, mời Bát Phố và Nguyễn Huy Thiệp đến dự buổi hội thảo về “Văn học trung tâm và ngoại vi - Dân gian và cung đình” - tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một vị giáo sư khả kính nói văn Thiệp có tính dân gian, Thiệp nổi khùng, đứng phắt dậy thanh minh ngay:

- Tôi là nhà văn trong lề, nhà văn phục vụ chính quyền. Nếu bảo tôi là dân gian, ngoài lề thì chỉ cần một đồng chí thiếu uý hộ tịch cũng đủ sờ gáy tôi.

Thiệp rất tự hào ngày lễ tết hàng năm, Thiệp được thiếu tướng giám đốc Sở Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung có lẵng hoa và quà tặng Nguyễn Huy Thiệp.

Thiệp cũng rất tự hào, ở Việt Nam có bốn cuộc tranh luận văn chương lớn nhất:

- Thơ Mới - Thơ cũ.

- Nhân văn giai phẩm.

- "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp

- “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” cũng của Nguyễn Huy Thiệp.

Trong bốn cuộc tranh luận văn chương long trời lở đất này thì hai cuộc là của Thiệp.

Cuộc tranh luận “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” đúng như lời Nguyễn Huy Thiệp bảo: Xã hội là sự tổ chức nhầm lẫn, cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Là sự tự diễn biến, ta lại đánh ta.

“Tắt đèn đánh nhau ban đêm

Đấm đá loạn xạ bạn xem như thù”

Thực chất Nguyễn Huy Thiệp và Hữu Thỉnh là cùng một bản thể, chỉ cách diễn giải khác nhau. Họ chửi bới nhau thật ngây thơ, thật đáng yêu.

Nguyễn Văn Lưu dùng những quả đấm thép để mong hạ đo ván Thiệp cũng chỉ là đánh vào hư không:

“Vinh quang của võ sĩ mù

Toàn chiến thắng bạn và thua kẻ thù”

Hai bên dàn quân tìm cách thanh trừng nhau, họ kêu cả lực lượng chính trị trong nước và thế giới yểm trợ.

“Tiến lên ta cứ tiến lên

Như xe tăng mù cứ thế tiến lên”

Trên cơ sở là người bạn thân của Thiệp, tôi đã kín đáo thanh minh cho Thiệp bằng cách viết thêm bốn đoạn thơ tiếp để mọi người không hiểu nhầm về bốn câu thơ Thiệp trích của Bùi Hoàng Tám, từ chỗ thơ bị dí vào “ồn” đến chỗ thăng hoa, thơ là niết bàn, là cực lạc, là khởi nguồn của tạo hoá:

“Vợ tôi nửa dại nửa khôn

Có lúc nó bảo dí “ồn” vào thơ

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Có lúc nó bảo dí thơ vào “ồn”

Thế là tôi cứ bồn chồn

Giữa tôi giữa vợ giữa “ồn” và thơ

Thế là tôi cứ ngẩn ngơ

Giữa tôi giữa vợ giữa thơ và “ồn”

Thế là như kẻ mất hồn

Không phân biệt được giữa “ồn” và thơ

Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ

Trông đâu cũng thấy nửa thơ nửa “ồn”

Thế rồi dại quá hoá khôn

Ngộ ra mới thấy trong “ồn” có thơ

Thế rồi tỉnh một giấc mơ

Ngộ ra mới thấy trong thơ có “ồn”

Thế rồi vượt cả dại khôn

Ngộ thấy tất cả từ “ồn” mà ra”

Cây bút chủ đạo chống Nguyễn Huy Thiệp là Trần Mạnh Hảo - một quái thủ. Phe Hảo bảo Thiệp là bồi văn cho Tây. Cứ mỗi lần Thiệp bị đánh trong nước là thế giới lại ra sức bảo vệ: Cho tiền và mời đi nước ngoài. Phe bảo vệ Thiệp thì bảo: Hảo là bồi Ta, là nô văn, là ca-pốt thủng của Hội Nhà văn. Bây giờ nghĩ lại thấy toàn chuyện hão huyền, vớ vẩn cả.

Thế giới biết thừa Thiệp là ai, chính trị ta cũng biết thừa Thiệp là ai. Thế giới quá biết Thiệp là người yêu gia đình, yêu chế độ, làm văn chỉ để câu cơm, thi thoảng nói vài câu ba lăng nhăng do cá tính. Trần Đăng Khoa bảo thủ pháp nghệ thuật của Thiệp là nói ngược để mọi người chú ý. Thế thôi. Nhưng họ cố dựng lên Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn chống chế độ ta, từ đấy họ tuyên truyền là nhà văn Việt Nam rất ghét Cộng sản. Còn chế độ ta lại giả vờ mặc nhiên thừa nhận, vẫn ưu tiên ưu đãi Thiệp để chứng tỏ chế độ ta rất có nhân quyền, cộng sinh cả với những gì đối lập.

“Tâm người ở chỗ lãng quên

Còn óc thì bởi chính quyền nặn nên

Tâm người ở chỗ lãng quên

Chính quyền cũng bởi nhân duyên tạo thành”

Trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp là người đắc thời, người trúng số độc đắc. Thế giới và Việt Nam như trai cò cắp nhau, ngư ông Nguyễn Huy Thiệp đắc lợi, giăng lưới bắt được chữ “thời”:

“Có thời có tự mảy may

Không thời cả thế gian này cũng không”

Cao thủ thua tranh thủ. Nếu Nguyễn Huy Thiệp hiểu điều này là đắc đạo. Nếu Thiệp không hiểu điều này sẽ sung sướng trong tan nát.

Bây giờ, những người chửi nhau năm ấy lại tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau trong các kì đại hội văn chương mà không hề xấu hổ gì. Màn kịch coi như xí xoá.

“Ghế thì ít, đít thì nhiều

Cho nên đấu đá là điều tất nhiên

Ba lạng thịt chốn động tiên

Thừa chỗ đủ để chứa trên vạn người”

Trong buổi ra mắt sách “Giăng lưới bắt chim” của Thiệp tại La Ca, 24 Lý Quốc Sư, Trần Đăng Khoa ca tụng Thiệp hết lời.

“Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”

Văn nghệ ở nước ta đã bị vô hiệu hoá.

“Ễnh ương phễnh bụng kêu to

Cũng không ngăn được đàn bò đi qua

Văn nghệ trí thức nước ta

Phùng mang trợn mắt chỉ là ễnh ương”

Thế rồi, thế rồi, thế rồi… mọi người lại đang chuẩn bị một cuộc chơi nhầm lẫn mới.

“Người thường bàn chuyện ngu xưa

Mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn”

Trong cuộc chơi thực giả lẫn lộn của loài người, lúc Thiệp bị đánh tơi bời, Thiệp lo sợ nếu mình sáng tác sẽ không được xuất bản. Thiệp là nhà văn chuyên nghiệp, viết văn để sống cũng như cave cần phải tiếp khách. Thiệp viết tiểu thuyết Gạ tình lấy điểm, Thiệp gọi là tiểu thuyết ba xu và nhờ Bát Phố đứng tên để xuất bản. Bát Phố đồng ý ngay và bảo: Người ta xuất bản chủ yếu ở cái tên. Người mua sách cũng chủ yếu mua cái tên. Nếu đề tên Bát Phố vô danh tiểu tốt thì chẳng ai xuất bản, chẳng ai đọc cả. Bát Phố có thể cá chấp mười ăn một: Các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết báo, xuất bản mà không đề tên thì chín mươi phần trăm là không báo nào đăng, không nhà xuất bản nào nhận. Nếu muốn được đăng, được xuất bản phải hối lộ hàng triệu để mua tờ báo có thơ văn của mình hoặc đưa ban biên tập đi massage. Nhân bảo như thần bảo. Quả nhiên, tiểu thuyết Gạ tình lấy điểm lấy tên Bát Phố bị trả ngay bản thảo. Thiệp đành đề chính tên tác giả thì được xuất bản ngay. Thiệp cũng được một món tiền khá mặc dầu Thiệp bảo là tiểu thuyết ba xu.

“Vì đời có được cái tên

Cho nên mới có Phật, tiên và người

Vì đời có chữ có lời

Cái danh mới nhốt được người vào trong”

Kết thúc màn kịch bút chiến ồn ào, dữ dội phải nhờ đến thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc Sở Công an Hà Nội mới dẹp được, việc này Bát Phố không bàn đến vì chính trị hoặc ân oán cá nhân giang hồ chỉ là những đề tài tạm thời, còn bản thể con người mới là vĩnh cửu. Bàn về xấu tốt của một con người chỉ là kẻ buôn dưa lê, bàn về xấu tốt của cả nhân loại sẽ là nhà triết lí, đạo học:

“Ba bà đi buôn dưa lê

Chuyện ba ông lão dắt dê về nhà

Ba bà đi bán mề gà

Gặp ba ông lão dở cà ra xem”

Trong ngày giỗ đầu Vũ Toàn - người tri kỷ, cố vấn của Phạm Chuyên - Tôi và Nguyễn Huy Thiệp được mời đến dự. Mâm cơm giỗ của Vũ Toàn đặt trên tầng bốn sát với ban thờ. Anh em văn nghệ sĩ ngại không muốn ngồi ăn ở tầng bốn vì có quan chức cao cấp Phạm Chuyên, sợ mất tự do. Mọi người phân công Bát Phố lên ngồi ăn cùng Phạm Chuyên. Bát Phố vô sở cầu vì dù ngồi với ông xe ôm hay thủ tướng cũng không hề phân biệt, vẫn tự nhiên như nhiên. Mâm cơm giỗ đặt trước ảnh ban thờ Vũ Toàn gồm Phạm Chuyên, Bát Phố, bà Băng - vợ cố nhạc sĩ Quốc ca Văn Cao, tiến sĩ Hán nôm Đào Thái Tôn và Nguyễn Huy Thiệp.

Mở đầu, bà Băng tuy già nhưng vẫn có nét diễn viên - thường gọi là chị cho thân mật - phát biểu:

- Dạo này các báo Công an Nhân dân, An ninh Thế giới, Thể thao Văn hoá… phỏng vấn chị liên tục. Bây giờ chị có giá lắm, ai phỏng vấn phải trả tiền triệu chứ không chơi được.

Phạm Chuyên bảo:

- Thôi chị Băng ơi, sống chị đã không để anh Văn Cao yên, nay chị nên để anh Cao yên giấc ngủ nghìn thu.

Chị Băng im bặt. Quay sang vợ Phùng Quán, Phạm Chuyên hỏi:

- Thế nào, chị về nhà mới rồi chứ?

Vợ Phùng Quán:

- Cảm ơn, về rồi, nhà đẹp lắm. Nhà cũ không bằng cái toa-lét nhà mới. Chắc linh hồn anh Phùng Quán có khôn thiêng cũng linh cảm được sự giúp đỡ của Phạm Chuyên nên mới có được căn nhà này. Thương anh Phùng Quán xưa sống khổ quá.

Bỗng Nguyễn Huy Thiệp nhìn Phạm Chuyên cầu cứu:

- Anh Chuyên ơi, cứu em với. Em sợ vụ “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” có thể em bị quân anh bắt mất.

Phạm Chuyên:

- Bắt Nguyễn Huy Thiệp thì dễ, nhưng dùng Nguyễn Huy Thiệp vào việc gì mới khó. Anh đã cứu em rồi. Anh đã viết trên báo Công An bài “Những viên thuốc”, kí tên là Minh Quang, nội dung bài báo viết: “Nếu một người bị bệnh ta cho uống đủ liều sẽ khỏi, nếu quá liều sẽ chết”. Thiệp đã uống đủ liều rồi, cuộc tranh luận “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” cần phải dừng lại.

Thiệp vẫn lo:

- Nhỡ họ cứ kết án thì sao?

Phạm Chuyên:

- Anh đã thống nhất với trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm rồi, sáu trăm tờ báo ngày mai sẽ im như thóc, không ai đụng đến chân lông của em đâu, đêm nay cứ kê cao đầu mà ngủ.

Đúng như vậy, hôm sau tất cả các báo đều tịt hết, không một bài báo nào xì xào về Thiệp nữa. Nhưng Phạm Chuyên cũng xoa đầu dạy bảo Nguyễn Huy Thiệp:

- Anh phê bình em nói hơi quá đấy, hơi vô văn hoá đấy.

Bỗng tiến sĩ Hán nôm Đào Thái Tôn đứng phắt dậy:

- Với cái tụi vô văn hoá ấy thì Thiệp chửi như thế vẫn chưa đã đâu.

Mọi người dừng ăn, im bặt. Vị tiến sĩ lại nổ tiếp:

- Tất cả chúng ta đều hèn, nhưng Phạm Chuyên là hèn nhất.

Nguyễn Huy Thiệp ưỡn ngực đứng phắt dậy như Lê Lai liều mình cứu chúa:

- Trong mười năm qua, anh Phạm Chuyên đã giữ gìn trật tự trị an cho ba triệu người dân Hà Nội sống trong yên bình, hạnh phúc. Chúng ta không thể quên việc này được. Anh Chuyên là công dân anh hùng của Hà Nội.

Tiến sĩ Hán nôm Đào Thái Tôn đưa tôi xem tấm ảnh vừa chụp, bảo sẽ tung lên mạng xã hội với tiêu đề: “Công an Việt Nam đàn áp văn nghệ sĩ”. Bát Phố thấy cần phải tránh xa chuyện chính trị này, sợ cháy thành vạ lây. Ngồi lâu tất sinh biến, Bát Phố bảo Thiệp:

- Thôi anh em mình đi sang Nguyễn Văn Cừ hát karaoke đi, có mấy em tiếp viên mới tinh, ngon lắm.

Nói xong, Bát Phố biến luôn. Phạm Chuyên cũng bỏ dở bữa ăn bảo về đi họp.

Khi về hưu, Phạm Chuyên thường hay nhắc lại chuyện này và khoe đã chuyển sang làm thơ và vẽ tranh. Trình độ hội hoạ Đinh Quân phải học vẽ hai mươi năm mà thầy Đinh Quân truyền thụ lại có một ngày Phạm Chuyên lĩnh hội được hết. Để chứng minh tài năng siêu việt của mình, Phạm Chuyên đã tốc hoạ chân dung bát Phố theo trường phái siêu thực - nghĩa là người bình thường không ai hiểu là vẽ gì, chỉ có siêu nhân mới hiểu được.

“Để không chê được một lời

Hoạ sĩ triển lãm mời người mù xem

Để khoe trí tuệ uyên nguyên

Thì xin đi đến trại điên so tài”

Đưa bức tranh chân dung cho Bát Phố xong, Phạm Chuyên nhắc, mặt nghiêm như cảnh sát:

- Bát Phố phải bảo quản bức vẽ này như một bảo vật. Nếu hôm nào Phạm Chuyên đến kiểm tra mà bị mất là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do thiếu ý thức, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tôi về, cất bức tranh vào một chỗ hoàn toàn yên tâm, vài ngày lại kiểm tra một lần. Nhưng mấy tháng sau bức tranh tự nhiên biến mất. Tôi lo đến toát mồ hôi. May mắn sao, mấy lần đến nhà chơi, Phạm Chuyên không hề nhắc đến bức chân dung Bát Phố ấy. Có lẽ ngài đã quên. Còn Bát Phố là hoạ sĩ vẽ chân dung hơn hai mươi năm, chán đến nỗi cứ ai nhắc đến vẽ chân dung là sợ, sợ nhất là bị các hoạ sĩ đè ra bắt ngồi vẽ. Một lần cùng Nguyễn Huy Thiệp và Đinh Quân đến thăm nhà Phạm Chuyên khi đã về hưu ở Xiputra, Chuyên ngồi bên cạnh tượng bán thân của Phạm Chuyên nói về tình đời thế thái đa đoan có vẻ hận. Bát Phố đọc câu thơ:

“Hận đời nát ruột bầm tim

Trả thù đành phải sờ chim giải sầu”

Bà Trinh – vợ Phạm Chuyên bảo, cứ vô tư như bác Sinh là vô sự, nghĩ làm gì cho mệt, có khi còn hoạ vào thân. Khi vợ vào nhà, Phạm Chuyên bảo vợ quá yêu mình, việc gì cũng chen ngang. Bát Phố giải toả bằng cách đọc thơ về vợ:

“Vợ là thánh chỉ vua ban

Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai

Quỷ thần chứng cả hai vai

Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn”

“Dạy con từ lúc còn thơ

Dạy vợ từ lúc nó chưa dạy mình”

“Sợ vợ tới chỗ tận cùng

Ta sẽ cảm thấy như không sợ gì”

“Sống tới tuổi cổ lai hy

Đoạn sau khuyến mại còn gì nữa đâu

Đồ em cấu mãi không đau

Đồ anh mềm oặt cãi nhau làm gì”

“Đổi vợ như đổi trại giam

Tù chung thân lại chuyển sang suốt đời”

Bà Trinh từ trong nhà cũng chạy ra nghe đọc thơ một cách thích thú. Bà Trinh đẹp một cách kiêu sa, bệ vệ như một mệnh phụ triều đình. Phạm Chuyên giống hình ảnh anh bộ đội biên phòng, đầu đội mũ cối trong tranh áp phích Bờ Hồ.

Tóm lại, cuộc tranh luận lùm xùm về “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” đã chứng minh đầy đủ triết lí sâu sắc của Thiệp: Xã hội là một sự tổ chức nhầm lẫn. Đúng như bài viết về Café Hàng Hành, Thiệp đề từ bằng bốn câu thơ của Bát Phố:

“Ngủ đi hãy ngủ đi em

Đời là như thế dậy xem làm gì

Dậy đi em hãy dậy đi

Đời là huyễn mộng có gì mà mơ”

Xã hội là một sự lẫn lộn như trong chuyến đò ngang:

“Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang”

Cuộc tranh luận “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” là một cuộc diễn hề nhưng không ai cười. Diễn viên hề mặt nghiêm nghị như người trĩ đang ngồi vệ sinh.

“Hề giả thì mong người cười

Hề thật lại sợ mọi người cười chê

Hề giả thì đi diễn hề

Hề thật thì lại trở về làm quan”

Thực tướng của cuộc tranh luận này chỉ là chuyện khỉ vặt lông khỉ.

“Diệt hết địch thì ta thành địch

Bắt hết ma ta sẽ thành ma”

Bàn dông dài nhiều quá sợ lạc đề, xin viết tiếp chuyến đi Sài Gòn - Buôn Ma Thuật của Thiệp và Bát Phố.

Ở Sài Gòn, Thiệp có một fan hâm mộ là Công - Giám đốc Công ty Cấp thoát nước. Công thuê người đọc truyện của Thiệp rồi thu vào đài để bên cạnh mình, đi đâu cũng bật đài lên nghe. Công mời Thiệp và Bát Phố lên Buôn Ma Thuật thăm và nói chuyện với công nhân viên.

Công mua vé máy bay, bảo tôi và Thiệp lên sau còn Công lái ô tô lên trước để chuẩn bị đón chúng tôi. Công bảo có ô tô riêng mới đủ điều kiện đưa nhà văn, nhà thơ đi tham quan thắng cảnh Tây Nguyên. Công rất vinh dự được tự tay lái xe và ngồi bên cạnh Thiệp, nghe đài đọc văn Thiệp bằng giọng nữ thánh thót, du dương.

Tối hôm đầu, Bát Phố và Thiệp ở khách sạn Đam San, phòng vip. Tối sau, Công mời Thiệp và Bát Phố giao lưu với toàn thể anh em trong công ty. Một người hỏi Bát Phố:

- Thế Bát Phố có phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không?

Bát Phố bảo:

- Không.

Anh ta nản hẳn, mặt xỉu đi, tỏ vẻ khinh. Cũng nhiều người nhìn tôi như một vị anh hùng. Mọi người lại quay sang hỏi Thiệp. Thiệp thành kính, trân trọng rút tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn đặt trong túi áo ngực bên trái tim ra chứng minh như một lá bùa hộ mệnh và bảo:

- Tôi là hội viên Hội Nhà văn chính thức, không tin hãy xem thẻ, có dán ảnh đầy đủ.

Một số người tỏ ra rất kính trọng. Một số người thì ngược lại, bảo:

- Chán quá! Người anh hùng như anh thì phải không vào Hội Nhà văn mới đúng.

Một số người nhìn Thiệp lắc đầu bỏ về.

Sau buổi giao lưu với công ty của Công, Bát Phố và Thiệp về khách sạn nghỉ vì quá mệt do phải phát biểu và đọc thơ đến khản cổ.

Đang thiu thiu ngủ, điện thoại Thiệp có tiếng chuông báo. Thiệp ngồi nghe với thái độ hết sức thành kính, vâng dạ lễ phép, rồi Thiệp quay sang Bát Phố bảo:

- Phạm Chuyên, giám đốc Sở Công an Hà Nội gọi điện để quản lý mình.

Mười hai giờ đêm, Bát Phố đang ngủ say, bỗng có tiếng gõ cửa gay gắt. Bát Phố và Thiệp bừng tỉnh, ra mở cửa thấy đôi vợ chồng trẻ bế đứa bé ba tuổi hồng hào, kháu khỉnh, xinh đẹp như một thiên thần. Tôi mời ngồi, hai vợ chồng chỉ đứng, bảo tại sao tôi lại đọc thơ nói xấu con cái:

“Con ta không phải của ta

Tai hoạ của nó mới là của ta

Của chìm của nổi trong nhà

Của ta rồi sẽ lại là của con”

Tôi ngắm nhìn đứa trẻ đẹp như Đức Chúa Hài đồng, rất hối hận mình đã làm thương tổn cặp vợ chồng trẻ người non dạ. Mặc dầu, sau này họ sẽ ngộ ra điều tôi nói là chân lý. Tôi phải thành khẩn xin lỗi mãi cậu ta mới nguôi ngoai, nếu giải quyết không khéo có lẽ ăn đòn cũng nên. Trước khi về, mặt vẫn còn nét giận bảo tôi:

- Chúc bác cố gắng giữ sức khoẻ, phấn đấu tích cực hết mình để được vào Hội Nhà văn Việt Nam thì làm thơ mới hay được.

“Tôi xin vào hội gió mây

Phất phơ như ngọn cỏ may giữa trời

Tôi xin để mặc tóc dài

Quy y tạo hoá như loài rong rêu”

Phòng ăn khách sạn Đam San có cái view tuyệt vời: Phía xa là những dãy núi mờ mờ sương khói, trước mặt là vườn hoa muôn màu sắc, bướm bay chập chờn, chim hót líu lo, gió thổi vi vu. Một cô lễ tân tuổi xuân rực rỡ, má đỏ hây hây, mặc quần áo dân tộc Tây Nguyên màu đen đỏ huyền bí, chống tay lên má nhìn về phía chân mây xa mờ. Bát Phố làm quen và hỏi cô quan niệm thế nào về tình yêu. Cô gái dân tộc nói tiếng Kinh rất sõi:

- Em chia tình yêu thành ba loại: Loại một - người em yêu. Loại hai - người ta yêu em mà em cũng rất cần người đó làm chỗ chống lưng cho mình, người này cần phải có tâm, có tầm và có tiền. Loại ba - người em lấy làm chồng.

Tôi sửng sốt thấy cô gái dân tộc tuổi đôi mươi, miệng còn hơi sữa, má lún đồng tiền lại có quan điểm tình yêu quá hiện đại như vậy. Hậu sinh khả uý.

Kết thúc chuyến đi, tôi và Thiệp rất vui vẻ lên máy bay về Sài Gòn. Chiếc máy bay thổ tả này bé tí, cũ rích, ngồi trên máy bay mà sóc như ô tô trên đường ổ gà, ổ trâu. Tôi buồn tay vô tình xé mấy chỗ dán băng dính gần cửa sổ máy bay. Cô tiếp viên hàng không đẹp như Tây hốt hoảng chạy đến bảo:

- Nếu xé chỗ băng dính, máy bay bị gió lùa vào sẽ rơi tan xác. Nếu tất cả hành khách chết hết thì tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Về đến Sài Gòn, tôi cùng Thiệp tới nhà Lê Ngọc Trà - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh. Chị Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin thành phố bảo với Đinh Như Hoa - con Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm, là mình rất vất vả mới được thành uỷ cho thông qua phim “Gái nhảy” do Đinh Như Hoa làm giám đốc công ty điện ảnh Thiên Ngân. Không hiểu sao tôi lại đọc một câu thơ không đúng chỗ:

“Sống mà phải xã giao nhiều

Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh”

Thuý Nga - phóng viên báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh nhìn tôi tỏ vẻ bất bình. Không khí bữa ăn lặng xuống.

Hôm sau, Đinh Như Hoa lại mời tôi và Thiệp dự bữa cơm thân mật với một tình báo người Mỹ, một tình báo người Anh, một tình báo Cộng sản. Bát Phố không hiểu họ nghĩ gì về nhau. Có lẽ thế giới đại đồng đến rồi. Cậu tình báo người Mỹ tên Việt gọi là Minh. Minh tâm sự: rất ân hận vì khi bố Minh chết, mẹ Minh đi cặp bồ. Lúc đó Minh mới 12 tuổi. Minh thấy mẹ và bố dượng tương lai ngồi với nhau đã xông vào đánh cho ông bố dượng tương lai một trận. Từ đó, mẹ Minh không quen thêm người đàn ông nào nữa và suốt đời ở vậy nuôi Minh.

------------

(Trích từ: BÁT PHỐ)

 

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

*.

NGUYỄN BẢO SINH

Địa chỉ: Nhà số 30, ngõ 167, Trương Định

Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

 

 

 

 

 

..........................................................................................................

- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 21.04.2022

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét