NGUYỄN KHẢI
-
VÀI KỶ NIỆM
*
1
Yaroslavsky Vokzal là một ga lớn ở Moskva. Nó nối liền miền đông nước Nga
mênh mông với Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam cùng hệ thống, thêm Vương quốc
Lào có phớt qua tí nước sơn xã hội chủ nghĩa.(Tác giả Vũ Thư Hiên)
Đứng ê càng trên ke mới thấy con tàu Bắc Kinh-Moskva lừng lững hiện ra, đèn
pha sáng quắc, còi hú điếc tai, chậm một giờ.
Tôi nhận ra ngay dáng lộc ngộc của Nguyễn Khải trong đoàn người lỉnh kỉnh
hành lý từ trên tàu bước xuống. Tôi chạy lại, ôm lấy anh. Tháng trước, ở Hà
Nội, chúng tôi đã ngoắc tay hẹn gặp nhau ở Moskva. Ngoắc thì ngoắc chứ tôi
không mấy tin lời thì thào của Khải, rằng chuyến này chắc chắn anh sẽ được đi.
Tôi không tin là phải. Không tin là thường. Tin là hiếm, rất hiếm.
Vào những năm xa xưa chuyện đi ra nước ngoài cực khó. Ấy là nói về cán bộ
thôi, chứ dân thường chả ai phát rồ để đầu đơn xin xuất ngoại. Đi đã chẳng được
mà hậu quả thì không biết sẽ thế nào - xấu là cái chắc, khác nhau ở chỗ xấu
nhiều hay xấu ít mà thôi. Được trên cho đi rồi cuối cùng đi trót lọt là nhờ ở
cái số. Ai không ngu cũng hiểu: đất nước mình là cái cũi, dân lúc nhúc bên
trong, “trên” thả đứa nào ra biết đứa ấy.
Vì thế, người biết tin mình được mời đi dự một hội nghị quốc tế chẳng hạn thường
chỉ để bụng thôi, không dám hé răng. Nói ra miệng rồi mà phải ở lại thì bẽ cái
mặt. Không hiếm trường hợp đã xách va li ra cửa rồi, chân đã bước lên xe rồi,
thế mà đùng một cái, đúng lúc ấy, lại có lệnh: Hoãn!
Hoãn là hoãn, có thể tạm, mà cũng có thể là không bao giờ. Chưa kể sẽ có
những lời bình luận mỉa mai, thậm chí ác độc về lý do của sự hoãn ấy.
Một lần, mấy độc giả người Việt ở Paris mê tác giả của Chùa Đàn, Vang Bóng
Một Thời đã mua vé mời Nguyễn Tuân qua chơi. Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn
vui lắm lắm. Là đảng viên, ông không đầu đơn, nhưng phải báo cáo lên “trên”,
xin cho ông đi. Ở tầm cỡ Nguyễn Tuân mà xin thì “trên” đây trên cùng, không còn
cái “trên” nào cao hơn.
Ông hào hứng thì thào với tôi:
- Các anh ở “trên” bảo ừ, được đấy, hay đấy, ông cũng nên đi Paris một
chuyến cho vui.
Thế mà đúng hai ngày trước khi lên đường, chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Đình
Thi đến tận nhà, ghé vào tai ông:
- Các Anh Ấy bảo thôi, ông ạ, đi bây giờ không có lợi.
Các Anh Ấy ấy là ai, không có lợi là thế nào, Nguyễn Tuân không cần Nguyễn
Đình Thi phải giải thích. Cái chức mà Nguyễn Đình Thi có được nghe thì to,
nhưng chả có kí lô nào trong chuyện này. “Các Anh Ấy” đã phán như thế rồi, là
xong, là chấm hết.
Nguyễn Tuân đành vuốt bụng thoái thác: “Tôi hồi này không được khoẻ. Thôi,
để khi khác vậy”. Cái khi khác ấy rồi chẳng bao giờ có. Rốt cuộc, văn gia họ
Nguyễn đành mang xuống tuyền đài ước muốn được thấy Paris một lần.
Bức điện xin kiếu được đánh đi tắp lự, miễn phí.
Tôi lo Khải không được đi vì lý lịch – anh là con quan.
Người nào ở miền Bắc Việt Nam thời ấy đều biết lý lịch là cái gì, nó quan
trọng đến thế nào. Khải không giấu anh là con quan, lại là quan tuần phủ thì
phải, tuy anh chẳng phải con chính thất. Khốn nỗi, anh được ông quan nuôi trong
nhà, cho ăn cho học, không phải con quan là con gì.
Nhưng Khải đã đi được. Nhưng là chỉ đi tới nước anh cả trong “phe ta” mà
thôi.
Không hiểu sao khi nhớ tới những kỷ niệm với Nguyễn Khải thì cuộc gặp gỡ
này lại hiện ra đầu tiên. Cái đó hẳn có cái lý của nó. Thôi thì đã viết về
Nguyễn Khải thì cứ viết, nhớ gì viết nấy, chẳng so đo chuyện này chuyện kia làm
gì.
Kỷ niệm là kỷ niệm, có thiếu có đủ, có sai có đúng. Nhớ gì ghi nấy, vậy
thôi.
Khải không nằm trong danh sách đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Festival thanh
niên và sinh viên thế giới lần thứ sáu tổ chức tại Moskva. Khải không phải đoàn
viên thanh niên, không phải sinh viên, danh chính ngôn thuận anh không có chân
trong đoàn. Nguyễn Khải đi được là do tờ Văn nghệ Quân đội cử đi. Nhiệm vụ của
anh là viết phóng sự.
Về khách sạn, Khải bảo tôi ngủ lại đấy, sáng mai dẫn Khải đi chơi thành
phố.
- Hỏi chúng nó một tiếng đã – tôi ngần ngại - Mình ở lại không tiện.
- Kệ mẹ chúng nó, mình có phải đoàn viên đâu – Khải nói – Cứ ở lại.
Dẫn đoàn là hai tay tai to mặt lớn của tổ chức thanh niên. Trưởng đoàn là
Vũ Quang, phó là Ngô Vĩnh Viễn. Viễn là một trí thức quan dạng, tiếng Tây làu
làu. Anh được đảng tín nhiệm, một ngoại lệ hiếm hoi.
Thấy tôi ở lại đêm, mặt Viễn sa sầm, nhưng nín lặng. Chẳng gì chúng tôi
cũng quen nhau từ Đại hội Thanh niên Cứu quốc năm 1950 trong rừng Việt Bắc, nơi
Đoàn Thanh niên cộng sản được chuẩn bị để ra đời.
Đêm ấy tôi ngủ không ngon – hai thằng thanh niên nằm trên cái giường cho
một người vừa chật vừa khó chịu – Khải ôm tôi suốt đêm, tay lại hay mó máy.
Người Nga thấy sẽ tưởng là hai thằng đồng tính.
Sáng sớm hôm sau tôi dẫn Khải ra quảng trường Đỏ, được thiên hạ quen gọi là
Hồng Trường. Khải tiếc hùi hụi - không có cái máy ảnh nào để chụp vài pô kỷ
niệm.
Bù vào đấy, khi được tôi giải thích rằng trong tiếng Nga, cổ cũng như kim,
chữ “hồng” (đỏ) chỉ trần xì nghĩa là đẹp, là mỹ miều, chứ chẳng dính dáng tới
cách mạng cách miếc gì hết thì Khải khoái lắm: “Thế mà màu đỏ được coi là màu
của riêng cách mạng đấy, ông ạ – Khải nói - Không màu nào được tranh chỗ của
nó. Một thứ priorité (ưu tiên) độc quyền. Thối kinh! ”
Buổi sáng mát rượi. Chúng tôi lang thang trong dòng người tấp nập trên phố
phường thủ đô nước anh cả phe xã hội chủ nghĩa. No nê con mắt rồi, Khải chợt
nhớ ra, hối tôi dẫn tới Kuznetsky Most (phố Cầu Thợ Rèn). Đây là nơi duy nhất
có nhiều cửa hàng bán sách cũ bằng tiếng nước ngoài.
Nguyên Ngọc đã tới Moskva vài lần, có kinh nghiệm, khuyên Khải đến đấy ngay
lập tức khi tới Moskva kẻo sau không có thời giờ.
Hôm ấy, Khải tiêu sạch số tiền được phát cho đoàn viên, còn lấy thêm ít rúp
của tôi nữa mới đủ mua số sách tìm được. Về đến khách sạn Khải lập tức tót lên
giường, giở hết cuốn này đến cuốn khác, đọc nhảy cóc. Cái cách đọc này rất chi
là Khải. Chỉ sau khi bị cuốn hút vào một cuốn nào đấy anh mới đọc nó thật kỹ.
2
Trước ngày khai mạc Festival, Khải kéo tôi ra chỗ vắng, im lặng một lúc,
tần ngần một lúc lâu, rồi bảo:
- Mình tính thế này, cậu ạ: mỗi đại biểu được phát một huy hiệu, một thẻ.
Cậu đeo huy hiệu, mình cầm thẻ, cậu tìm cách nhập vào các đoàn mà xem Festival,
mình nằm nhà đọc sách. Có thẻ, mình không đói, nhà ăn thì ở ngay khách sạn.
Tôi ngớ ra:
- Sao lại thế? Cậu được phân công viết về Festival cơ mà. Cậu không xem thì
sao viết?
- Mình không viết thì cậu viết – Khải tỉnh bơ - Miễn có bài.
Tôi không hiểu tại sao Khải xử sự như thế, cả lúc ấy, cả bây giờ.
Hẳn đã xảy ra chuyện Ngô Vĩnh Viễn cự nự chuyện tôi ngủ lại, chuyện Khải đi
chơi với tôi không báo cáo. Tức khí, Khải không thèm đi nữa, quyết định nằm
nhà. Cái tính lì, sau mới biết, là một tính cách đặc biệt ở Khải. Không bằng
lòng cái gì, Khải câng câng cái mặt, không nói không rằng.
Sáng kiến của Khải thế mà hay – với huy hiệu trên ngực, tôi chặn xe bus chở
đoàn Nhật trên đường vào sân vận động Lenin. Lái xe Nga tưởng tôi là người
Nhật, các bạn Nhật tưởng tôi là người một đoàn châu Á nào đi lạc, lôi tuột tôi
vào xe, hô rầm rĩ “Druzba! Mir!” (“Hữu nghị! Hoà bình!”).
Một bất ngờ khác - các bạn ở Xưởng phim Tài liệu trung ương Moskva mừng rỡ
túm được tôi – một cameraman bất thần bị đau ruột thừa phải cấp tốc chở đi bệnh
viện. Với máy quay Konvas trên vai, tôi đi lung tung trong sân vận động. Người
trong đoàn Việt Nam trợn mắt – sao tôi lại có mặt? Số là khi chọn đại biểu sinh
viên Việt Nam ở Moskva đi dự đại hội thì tôi đang ở trong nước quay phim “Ánh
Sáng Tháng Mười”. Nếu không ắt tôi cũng được chọn là người trong đoàn.
Festival to, có tới 131 quốc gia với 34.000 đại biểu tham dự. Khách nhan
nhản, khoác quần áo dân tộc đủ kiểu đủ màu sặc sỡ, đi đâu cũng gặp. Thành phố
đêm cũng như ngày, đèn đuốc sáng trưng, loa to loa nhỏ oang oang, ồn ào kèn
trống ồn ào, góc phố nào cũng có tiết mục nghệ thuật của các đoàn giới thiệu
văn hoá nước mình, cái nào cũng đáng xem, cái nào cũng độc đáo.
Moskva trong những ngày ấy biến thành Babylon không có mâu thuẫn ngôn ngữ.
Tôi chạy như đèn cù, thế mà cũng chỉ xem được một phần những gì tôi muốn
xem. Mấy lần về khách sạn tôi thấy Nguyễn Khải vẫn nằm yên, sách ngổn ngang
dưới chân giường.
Hay là thế, vui là thế, mà Khải bỏ, không xem. Anh chàng này thật kỳ cục.
Chèo kéo mãi Khải mới chịu rời những cuốn sách để đi coi một buổi diễn của nhà
hát múa rối Obraztsov. Nhà hát này không chỉ nổi tiếng ở Moskva. Nó nổi tiếng
khắp thế giới.
- Hay! Nhưng bớt hay đi một tí thì tuyệt – Khải nhận xét – Những con rối
quá khéo, quá tài tình, đến nỗi khán giả quên bẵng vở diễn, muốn vỗ đùi cái đét
mà khen: “Thằng nào con nào điều khiển những con rối ở hậu trường sao mà giỏi
thế, sao mà tài thế! Lần sau đến đây mình phải xem vài buổi nữa mới đã. Rối
đấy, giả đấy, nhưng còn hơn nhiều diễn viên người thật biết đọc thuộc lòng đài
từ không cần người nhắc vở. Bớt khéo đi một tí thì hay hơn.
Hóa ra Khải là một khán giả khó tính. Nghệ thuật là cái vừa phải. Thiếu
không được. Quá thì hỏng.
Festival rồi cũng bế mạc. Trước ngày đoàn về, tôi phải thức đêm để hoàn
thành cấp tốc bài ký về festival thay cho Khải. Khải thản nhiên đút nó vào túi
dết, bước lên tàu, vẫy tay chào tôi.
3
Trưa hè.
Tôi đang nằm khàn ở nhà đọc Erich Maria Remarque thì nghe tiếng bước chân
chạy nhanh trên thang gác. Nguyễn Khải đẩy cửa, xộc vào, mặt đỏ gay:
- Ê, dậy, dậy, thằng lừa đảo!
Tôi trợn mắt nhìn Nguyễn Khải.
Ngồi phịch xuống bên tôi, Khải cười toác:
- Ngạc nhiên hả? Cậu là thằng lừa đảo có hạng.
- Lừa ai? Lừa cái gì?
- Mình đọc Đêm Mất Ngủ của cậu. Cậu viết: “Những viên cuội tròn lẩn tránh
chân anh và khi anh đi qua chúng lại chen chúc nhau nằm vào chỗ cũ”. Là cậu tả
cái thằng mất ngủ của cậu lang thang ở trước viện bảo tàng lịch sử ấy… Đúng
không nào?
- Ừ, thì sao?
- Còn thì sao nữa. Cậu bịp.
- Nói tiếp đi.
- Mình nhớ: trước viện bảo tàng không có sỏi. Mới nghĩ: hay là mình nhầm?
Phóng ngay ra xem lại thì đúng phóc, ở đấy sỏi đâu mà sỏi, phẳng lì. Rõ to đầu
còn mắc lỡm.
Hiểu ra, tôi bật cười:
- Đáng kiếp!
- Lão Hoàng Xuân Nhị phang cậu: “Vũ Thư Hiên phất cao ngọn cờ ấn tượng
chống lại đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa” là đúng lắm.
Tôi không tưởng tượng Khải chịu khó đọc kỹ đến thế.
- Mình không có ý định. Câu văn tự nó nhảy vào – tôi nói – Ấn tượng chủ
nghĩa là một cái mũ chụp lên đầu kẻ viết phi chính thống. Chẳng có cái thòng
lọng của bất cứ chủ nghĩa nào tròng được vào cổ mình đâu.
- Thế mới phải! – Khải tán đồng.
Chúng tôi kéo nhau đi “Lâm Toét”.
Đó là quán cà phê nổi tiếng thời ấy. Chủ quán tên Lâm, mắt có hơi kèm nhèm
thật, nhưng không toét. Toét là biệt hiệu phóng đại do khách hàng đặt. Lâm Toét
đặc biệt quý khách thuộc giới hoạ. Họ có thể đến quán ông uống cà phê, ăn sáng
ghi sổ, bao giờ có tiền trả cũng được. Không có tiền thì mang tranh đến gán,
Lâm Toét vui vẻ nhận tuốt, không so kè bẻ măng tranh đẹp tranh xấu, tranh to
tranh bé. Nhờ thế, ông có một bộ sưu tập tranh phong phú không kém gì Đức Minh,
nhà sưu tập nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.
Tôi cũng khách quen của Lâm Toét. Tôi đến đấy ăn sáng, uống cà phê thường
xuyên, nhưng thường là đi “che tàn” (chữ của Nguyễn Tuân), người trả tiền là
các hoạ sĩ. Túi tiền của tôi không rủng rỉnh, tôi lại không có thứ gì để gán
cho Lâm Toét.
Với Lâm Toét tranh có giá, văn thì không. Người bao tôi nhiều nhất là
Nguyễn Sáng. Anh thường đến tận nhà kéo tôi theo, réo ầm ầm dưới đường: “Đi Lâm
đi!”. Từ tầng hai, tôi hét xuống “Đợi tí!”. Con người độc thân lôi thôi lếch
thếch, sơ mi ngoài quần, ống thấp ống cao, ghếch xe bên hè, kiên nhẫn đợi.
“Đi Lâm đi!” là cách gọi tựa ngày xưa thiên hạ hè nhau “Đi Trô đi”, tức là
đi hút thuốc phiện ở tiệm ông Trô. Nguyễn Tuân đã ghi lại cách bè bạn gọi nhau
ấy, không nhớ ở tuỳ bút nào.
Uống cà phê xong, tôi và Khải bất ngờ được Lâm Toét mời lên gác.
Vinh dự này chỉ có khi Lâm Toét đặc biệt cao hứng. Mà Lâm Toét chỉ đặc biệt
cao hứng khi mới có những bức tranh ông ông thấy là tuyệt đẹp, nhất thiết phải
khoe.
Phòng trên của Lâm Toét hẹp, trần thấp, thiếu ánh sáng, nhưng đầy tranh –
chúng được treo la liệt trên tường, thiếu chỗ thì cho tựa lưng vào tường. Lâm
Toét có con mắt tinh đời trong thẩm tranh. Ông phân biệt rõ ràng tranh sáng tạo
với tranh đường mòn. Lâm Toét không khi nào đánh giá tranh theo diện tích như
XUNHASABA (tên tắt của công ty Xuất Nhập Khẩu Sách Báo) – tranh càng to thì giá
càng cao.
Chúng tôi được uống cà phê, được hút Gold Flake, thứ thuốc lá ngoại hiếm
hoi không rõ xuất xứ từ đâu, phải biết luồng mới mua được. Đồn rằng nó được
tuồn ra từ lãnh sự quán Indonesia.
Lâm Toét lẳng lặng dõi theo cái nhìn của khách. Thấy khách dừng lại lâu ở
một bức tranh nào đó, gật gù, nghiêng ngó, là Lâm Toét sướng.
Ra về, đang đạp chậm bên tôi, Khải đột ngột lái vào vỉa hè, buộc tôi phải
dừng theo.
- Làm tí chè chén đã.
Ngồi ở quán nước vỉa hè đầu đường Tràng Tiền rẽ sang Phan Chu Trinh, Khải
vừa thổi chén trà nóng hổi, vừa lơ đãng nhìn người qua lại, trầm ngâm:
- Này, cậu nghĩ thế nào? Người ta sai, hay người ta ngu, khi bắt chúng ta
nhất nhất phải tuân thủ nguyên tắc sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa?
Tôi im lặng. Như mọi người, tôi ngại, tôi tránh chuyện chính trị và mọi thứ
dính dáng tới cái của khỉ ấy. Hiện thực xã hội chủ nghĩa, với tư cách đường lối
hoặc phương pháp sáng tác là món hàng thời thượng được trương lên như ngọn cờ
dẫn đường cho văn nghệ sĩ. Gắn hai chữ chủ nghĩa vào đấy, nó không phải chính
trị thì còn là cái gì.
Tôi còn ngại Khải nữa. Dù sao thì Khải cũng như Nguyên Ngọc, là đảng viên,
của hiếm trong giới văn nghệ. Nghe nói người của đảng có trách nhiệm dẫn dắt
quần chúng ngoài đảng, có nghĩa là phải theo dõi, nghiên cứu để biết rõ về họ.
Tôi đã không ở trong đảng thì chớ, lại còn là kẻ bị đảng nghi ngờ. Chả thế mà
khi tôi xin ghi danh ra đảo Cồn Cỏ thời chiến tranh, Khải được đi, tôi bị gạt.
Hẳn người ta sợ nếu bất thình lình Mỹ tấn công chiếm đảo thì tôi sẽ chạy theo
Mỹ.
Khải tiếp tục triết lý:
- Hiện thực là hiện thực, phải không nào? Không có hiện thực xã hội chủ
nghĩa thì Balzac vẫn sáng tác, vẫn sống nhăn cho tới bây giờ. Không thể hiểu
được người ta dính cái chủ nghĩa vớ vẩn vào đấy làm gì. Mà ông Gorky viết được
Trái Tim Danko với Bà Lão Izerghin hay không thể tả cũng tán thành nó mới kỳ
chứ.
Tôi thận trọng:
- Mình may mắn, chẳng được chủ nghĩa nào ngó đến – tôi nói – Viết, theo
mình, chẳng qua là vẽ vào giấy điều mình muốn nói, sao cho nó có hình hài, để
mình thấy được nó và người khác cũng thấy được nó, chung quy chỉ là sự chia sẻ
tâm tư không nói ra không được, có vậy thôi. Không biết cậu thế nào, chứ với
mình nó đơn giản là thế, không hơn. Mình cóc cần bất cứ chủ nghĩa nào. Không có
chủ nghĩa người ta vẫn sống khoẻ.
Lại chủ nghĩa rồi, dù là chủ nghĩa văn chương, tôi né. Người sở hữu chủ
nghĩa này nhìn người theo chủ nghĩa kia như kẻ thù. Họ lăn xả vào nhau, choảng
nhau chí chết, chỉ để chứng tỏ lẽ phải thuộc về mình. Có mà điên mới dính vào
những của nợ ấy.
Không phải tôi không tin Khải. Nhưng tôi phải giữ mình. Như mọi người, ai
cũng thế, vào cái thời đầy hiểm hoạ.
- Xem tranh Bùi Xuân Phái mình hiểu ra: cái quan trọng số một của nghệ
thuật là nghệ sĩ phải nhìn sự vật bằng con mắt của mình, thể hiện nó theo cách
của mình. Hoạ sĩ không thể nhìn bằng con mắt vay mượn của người khác - Khải
không dừng được cơn bùng nổ triết lý – Nói thật: trong lĩnh vực hội hoạ hiểu
biết của mình là zero. Mình không biết và cũng chẳng hiểu cái đẹp của các thứ
trường phái lập thể, nguyên sơ, đa đa (dada), dã thú, vị lai là cái cóc khô gì.
Cái mà mình biết, mà mình tin chắc là đúng không phải cái gì khác ngoài sự phải
gây được ấn tượng, phải để lại ấn tượng trong người đọc, người xem. Bùi Xuân
Phái đem cái ấn tượng cá nhân lên khung vải, bằng màu sắc, bằng đường nét, gây
ra một ấn tượng mạnh mẽ có sức lan tỏa không cưỡng nổi. Mái nhà Hà Nội đâu có
xiêu vẹo, nhấp nhô đến thế, đâu có màu nâu đậm đến thế, phố xá đâu có đìu hiu
đến thế. Nghệ sĩ trước hết phải có tình yêu với cái mình miêu tả. Tình yêu phố
xá, bến sông, cánh đồng, bầu trời… cũng là tình yêu chứ, sao không? Gọi Bùi
Xuân Phái thuộc trường phái nào cho đúng? Ấn tượng đi, được chứ? Mà thôi, cũng
giống cậu, mình chả chơi cái thói ghép nghệ sĩ vào chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ.
Nghệ thuật là nghệ thuật. Làm chó gì có thứ nghệ thuật phản ánh sự vật “trong
chiều hướng phát triển của nó” như cái hiện thực xã hội chủ nghĩa ấm ớ kia đòi
hỏi. Văn cũng thế. Theo cái chủ nghĩa được quảng cáo là tuyệt vời ấy mà viết ắt
nhà văn phải kiêm nghề thầy bói để đoán sự vật sẽ như thế nào trong tương lai.
Mà phải là tương lai trong cái chiều hướng phát triển tích cực kia, khốn nạn là
thế. Dễ bói nhầm lắm.
Nguyễn Khải cố ý nói bậy với hai chữ bói nhầm.
Về sau, cũng là phải về sau kia, nhớ lại những mẩu tâm sự vụn giữa hai
chúng tôi, Nguyễn Khải cho tôi thấy một Nguyễn Khải khác với Nguyễn Khải trên
văn đàn, nơi Nguyễn Khải được nhìn nhận như một nhà văn “lãng mạn cách mạng”
với niềm tin sắt đá vào một tương lai sán lạn của chủ nghĩa xã hội. Và những
câu nói ngược với niềm tin Khải nói ra, xét cho cùng, chỉ là sự bộc bạch những
suy tư không thể không nảy ra trong một cái đầu thông minh.
4
Một lần khác, sau khi đọc truyện ngắn Ghi Chép Bên Phà của tôi, Khải bảo:
- Cậu có cái tài - ấy là trong bất cứ hiện tượng nào, sự vật nào, cậu cũng
nhìn thấy, cũng tìm ra mặt tốt trong đó. Tớ thì ngược lại – tớ nhìn thấy cái
xấu trước đã. Rồi tớ có viết về cái xấu ấy hay không là chuyện khác.
Khi nào có bầu tâm sự, hoặc buồn phiền, thì Khải đột nhiên tìm tôi, cố ý
tìm, chứ không phải ngẫu nhiên đến. Và không cậu tớ nữa, mà ông ông tôi tôi, cứ
như thể muốn gây sự.
Ghi Chép Bên Phà chưa từng xuất hiện trong nguyên bản tiếng Việt. Nó được
in thẳng bằng tiếng Pháp trong một tập truyện ngắn của nhà xuất bản ngoại văn.
Nó rồi cũng mất tăm mất tích như nhiều truyện ngắn khác của tôi. Việc Khải đọc
nó đối với tôi là chuyện bất ngờ. Trong số bạn bè cùng thế hệ, tôi biết hai
người rất chịu khó đọc và đọc nhiều nhất bất cứ cái gì để trở thành uyên bác là
Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải. Bên cạnh hai trái núi ấy, tôi là con chuột.
Ghi Chép Bên Phà là chuyện kể về một anh trưởng bến trong thời gian chiến
tranh ác liệt đã vượt mọi quy tắc, dám cho một chuyến xe không thuộc bất cứ
dạng ưu tiên nào được đi trước cả một đoàn xe ưu tiên đang xếp hàng dài chờ
sang sông. Mà nó lại là xe chở búp bê và sách vở cho học sinh vào vùng đang có
chiến sự.
Gần Nguyễn Khải, tôi hiểu ra nét đặc thù trong cách nhìn của anh.
Con mắt mỗi người do trời sinh. Hoặc do hoàn cảnh xã hội tác động vào quá
trình trưởng thành. Chuyện này rất khó lý giải. Tôi từng gặp những người có xu
hướng thấy phần xấu ở người khác trước khi biết đến phần tốt. Theo tôi, họ là
những người không may. Với cái nhìn ấy, họ để mất rất nhiều cái đáng lẽ họ có
được, tình bạn chẳng hạn. Tôi không khẳng định Khải là một người như thế, nhưng
hao hao thế thì đúng.
Khải ít có bạn thân. Tình bạn giữa hai chúng tôi là thế nào tôi không dám
nói chắc – thân không thân mà sơ cũng không sơ, hoặc lúc thân lúc sơ, khó xác
định. Giữa đám đông anh có bộ mặt khác - đàng sau nụ cười vô nghĩa với bất cứ
ai và với mọi người, là một cái gì đó không thể biết, dưới cử chỉ vồ vập kia
rất có thể là tâm trạng lạnh lùng.
Khải hay tìm tôi để tâm sự là có thật. Trong những lần gặp ấy, tôi biết một
Khải không màu mè, không vờ vĩnh. Những cuộc gặp như thế không bao giờ có thể
biết trước, Khải đến như một cơn gió, ào tới rồi ào đi. Anh đến với tôi có lẽ
vì tôi là người chịu chuyện, với tôi anh có thể trút bầu tâm sự. Anh nghĩ tôi
hiểu anh hơn người khác chăng, tôi không dám chắc. Nhưng điều Khải biết chắc chắn
tôi không có thói đưa chuyện. Nói với tôi, anh không cần thận trọng. Vào thời
ấy mọi người đều sợ kẻ đưa chuyện, kể cả kẻ đưa chuyện vô tâm. Mọi lời nói qua
nói lại vô tình bay đến những cái tai chăm chú dễ mang đến tai vạ.
Cái đặc điểm nhìn thấy cái xấu trước cái tốt, người nào tinh ý đọc anh thì
thấy đặc điểm ấy. Trong những tác phẩm của mình, thỉnh thoảng anh lại phết vào
chân dung nhân vật chính diện vài nét không ra gì. Khải viết chiều thời, là
điều ai cũng biết. Nhưng anh không đừng được để thỉnh thoảng lại lộ ra cái mà
anh thấy. Chính anh về sau cũng thú nhận: “Cái buồn cười và cũng rất đáng buồn
là sự trái nghịch trong cùng một người, kẻ vô luân thản nhiên nói chuyện đạo
đức, tên tham nhũng dạy dỗ phải bảo vệ của công, kẻ hống hách lại là tên nịnh
bợ bậc nhất”.
Viết về vùng Thiên Chúa Giáo, Chu Văn có “Bão biển”, Nguyễn Khải có “Xung
đột”, “Mùa lạc”. Bão Biển của Chu Văn bị người ta bỏ quên, Nguyễn Khải được
giới phê bình khen lấy khen để. Biết tôi trong thời thơ ấu sống trong một làng
công giáo toàn tòng, anh muốn nghe tôi nhận xét.
- Ông tả hay – tôi nói - Nhưng đúng thì không. Chẳng có người đi đạo nào cứ
mở miệng là kêu Chúa như ông viết. Ông không thể không biết trong Mười Điều Răn
thì điều thứ hai là: “Chớ kêu tên Đức Chúa Lời vô cớ”.
- Ông tưởng tôi không biết à? Tôi phải tả thế mới được - Khải nheo mắt
trong nụ cười tinh quái - Để sau này người ta phán cho một câu: “Chẳng biết
đếch gì về đạo Chúa cũng viết”. Để cho người ta nhìn ra cái sự viết theo thời
của tôi nó là thế nào.
Hiểu được cái láu cá của anh chàng này thực không dễ.
Một lần khác, tôi thấy cái nhìn xấu trước, tốt sau của Khải.
- Ông có thấy Thanh Tịnh trả tiền lần nào khi đi với chúng mình chưa? – dắt
xe ra khỏi nhà hàng Phú Gia ở Bờ Hồ sau một chầu bia có mặt Thanh Tịnh, Khải nhận
xét – Chưa, phải không nào?
Tôi ngỡ ngàng:
- Ờ…, quả có thế thật. Mình không để ý.
Khải cười hì hì:
- Ông là thằng lơ lửng trên mây. Ông chẳng để ý đến cái đếch gì hết. Ông
khoái viết cái ông nghĩ ra, ông bịa ra, ông không chịu chú mục quan sát cái chỉ
riêng ông thấy. Mà ông thấy ít lắm, nói ông đừng giận.
- Ông tinh, tôi công nhận.
- Tay này chúa ăn chạc, uống chạc.
- Ai cơ.
- Tôi đang nói về Thanh Tịnh mà.
Nhận xét của Khải sao mà lặt vặt, sao mà ác.
- Làm gì đến nỗi thế - tôi nói – Ông ấy cũng vô tâm thôi.
Chúng tôi thường có những bữa tụ hội tình cờ, tan cuộc thì một người nào đó
sẽ trả tiền cho cả bọn. Người nào đó ấy là người vừa lĩnh nhuận bút một cuốn
sách, hoặc một bài báo. Túi chúng tôi thường rỗng, mọi người đều rách như nhau
trong một xã hội cào bằng, nhưng chúng tôi sống hào sảng, không keo kiệt.
- Tại anh em mình tranh trả trước đấy chứ - tôi nói – Đàn em trả cho đàn
anh, có sao.
Nguyễn Khải nhìn vào mặt tôi mà cười tiếp.
Nụ cười chê bai, nụ cười khinh khi, ra cái điều tôi ngây thơ, tôi ngớ ngẩn.
Nụ cười ấy là cái tôi không thích ở Khải.
5
Tôi có một ông bạn văn già, tiên phong đạo cốt, khinh và ghét Nguyễn Khải
lắm:
- Anh em mình chẳng thằng nào bén gót nó. Này nhé: khi còn sống nó được
đảng tin cậy, chiều như chiều vong, viết cuốn nào in cuốn ấy. Chẳng bù lũ chúng
mình. Nó còn hèn nữa. Anh em bị đánh, nó không hó hé nửa lời.
Vơ tôi vào với ông trong hai chữ “chúng mình” là ông chiếu cố. Ông có sách
in, tuy không nhiều. Về tiếng tăm. ông thua rất xa Nguyễn Khải. Các nhà phê
bình gạt sách của ông sang một bên. Tôi nói ông chiếu cố chơi với tôi là ý này:
tôi hoạ hoằn lắm mới được đăng một truyện ngắn trên báo, còn ông là người có
sách, sách có gáy. Văn của ông không công không phạt, như vị cam thảo trong
thuốc bắc, ông viết chuyện người tốt việc tốt, bút pháp trơn tru, câu chữ mượt
mà, phải tội hơi dây cà ra dây muống. Để in ông, các biên tập viên không mất
công săm soi. Đã là nhà xuất bản thì phải có sách ra, sách của ông tiện lợi,
sách của ông không có vấn đề, không đụng đến ai, không đụng đến cái không được
phép đụng. Người như ông nhiều. Người khác ông ít. Người khác ông hoặc bị đánh
cho bầm giập, bị dìm xuống bùn, hoặc tìm cách giấu mình trong quên lãng, giả
câm giả điếc. Trong việc xuất bản người ta sợ nhất thứ văn nhiều ẩn dụ, mọi câu
chữ đều có thể suy ra sự nói cạnh nói khóe, được các nhà điểm sách bảo hoàng
hơn vua sẵn sàng khoác cho cái tội “biểu tượng hai mặt” có kèm lời giải thích
tiếng tây “symbole équivoque” đặt trong ngoặc kép. Săm soi kỹ là thế, từng câu,
từng chữ như thế mà thỉnh thoảng nhà xuất bản này nhà xuất bản nọ vẫn bị kiểm
điểm, sách bị thu hồi vì mất lập trường. Lập trường là thứ dễ đánh mất, luôn bị
đánh mất ở mọi nơi. Với nhà xuất bản thì cái sự đánh mất nó là đại họa.
Tôi cũng nghĩ như ông - đảng không tin Nguyễn Khải, không yêu Nguyễn Khải
thi còn tin ai, còn yêu ai?
Hoá ra sự đời không đơn giản. Nó rắc rối.
Tôi vào tù. Trong tù người ta hỏi tôi đủ thứ: ai, ở đâu, làm sao, thế nào?
Trong một buổi hỏi cung, câu chuyện lan man tới lĩnh vực văn chương, viên chấp
pháp già có dáng một thày ký còm thời thuộc Pháp đột nhiên đặt câu hỏi:
- Anh chơi với Nguyễn Khải, anh thấy anh ta là người thế nào?
Tôi ngạc nhiên. Tôi không chờ câu hỏi này. Tôi nhún vai:
- Còn thế nào nữa? Anh ta là người của đảng, hoàn toàn. Người như Nguyễn
Khải mà đảng còn nghi ngờ sao?
Viên chấp pháp ngả người, cười khẩy:
- Cho đến nay thì chưa. Nhưng cảnh giác thì vẫn có, bao giờ cũng có – văn
nghệ sĩ các anh, nói thật, là lũ sáng đầu tối đánh, không thể tin được. Anh
thấy Nguyễn Khải có gì đáng để anh báo cáo với cơ quan an ninh chúng tôi không?
Quan điểm khác với đảng lộ ra trong những lời tâm sự chẳng hạn…
Tôi lắc.
- Cứ nói, nếu thấy có. Đừng ngại. Đừng vì nể nang mà tránh. Thành khẩn là
điều chúng tôi muốn nghe ở các anh. Nó cũng là điều quyết định anh ở đây lâu
hay mau.
Tôi nhún vai:
- Về Nguyễn Khải tôi chẳng có gì để nói.
Người nhà nước nhìn chòng chọc vào mặt tôi, lại cười khẩy:
- Anh không nói cũng chẳng sao. Anh không nói người khác sẽ nói. Chúng tôi
có trăm tai nghìn mắt, chúng tôi biết hết. Chẳng có gì lọt qua mắt cơ quan an
ninh chúng tôi. Nói chứ?
Tôi không hiểu y còn muốn gì nữa ở tôi:
- Tôi không có gì để nói về Nguyễn Khải. Nếu có cái cần phải nói thì đó là:
cơ quan an ninh các người chỉ tin ở chính mình, ngoại giả kẻ nào khác các ông
đều cũng đáng ngờ.
Dường như thấy mình đi quá xa, y chữa:
- Tin Nguyễn Khải thì chúng tôi vẫn tin. Tin, nhưng có giới hạn. Nói để anh
biết, loại như Nguyễn Khải không thể ở trong cơ quan chúng tôi lấy một ngày.
Tin là tin thế đấy. Anh ta sẽ bị loại ra đầu nước.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, y nói thêm:
- Ngay cả Nguyễn Đình Thi cũng vậy.
Nguyễn Đình Thi đang là chủ tịch Hội nhà văn. Trước khi bị bắt tôi còn tản
bộ với anh ở đường Bà Triệu. Chúng tôi nói chuyện nhiều, chuyện văn, chuyện
đời, không chính trị. Chẳng lẽ do tôi bị theo dõi mà cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên ấy
đã làm anh mất điểm với đảng của anh, anh cũng bị nghi ngờ?
Thì ra công an chỉ tin chính họ mà thôi.
Mà cũng có thể còn hơn thế nữa, theo tôi nghĩ - họ cũng chẳng tin nhau.
Trở về xà lim, tôi buồn rượi.
Khi bọn chấp pháp ép tôi phải nói ra những gì chúng muốn khai thác ở tôi về
những người mà tôi có quan hệ quen biết, từ phó chủ tịch nước cho tới các quan
chức lớn, các văn nghệ sĩ, thì đó là dấu hiệu rất xấu – tôi khó lòng ra khỏi
nơi này. Quả nhiên vậy. Đời tù của tôi kéo dài chín năm.
6
Năm 1981 hay 1982 không nhớ, tôi đến thăm Nguyễn Khải ở đường Nguyễn Tất
Thành. Nhà không to, không bé, nhưng là nhà riêng, không chung chạ với ai. Vào
thời gian ấy nhiều cán bộ được phân nhà. Nhà được phân thường là của người vượt
biên để lại. Cơ quan nào phân cho anh tôi không biết, không hỏi. Có thể là quân
đội, mà cũng có thể là cơ quan đảng, là ủy ban, là sở nhà đất, hoặc do người
được phân nhượng lại. Cái sự có nhà riêng linh tinh lắm, rối rắm lắm - đôi khi
chỉ là nhờ những mối quan hệ ruột thịt hay bạn bè, hoặc bằng cách nào khác,
chẳng thể nào biết, chẳng thể nào tưởng tượng ra. Căn phòng anh tiếp tôi tuềnh
toàng, sàn gạch hoa nhớp nhúa, đồ đạc cũ mèm.
Chúng tôi đang vui chuyện thì nghe tiếng trẻ con léo nhéo ngoài cửa. Khải
đứng lên:
- Ông ngồi chơi. Mình bán mấy viên đá cho tụi trẻ - anh nói, với một chút
bẽn lẽn – Nhanh thôi.
Tôi đợi. Khải chạy đi lấy cái rá và xô nước, mở cái tủ lạnh to đùng, lấy ra
những cái cốc nhôm, nhúng vào xô nước, thảy những cục đá vào rá, rồi mở cửa
chạy ra ngoài.
Lát sau, anh trở lại,một tay thọc tiền lẻ vừa thu được vào túi quần:
- Vẫn phải làm lặt vặt một chút để cải thiện, ông ạ - anh cười bẽn lẽn -
Chúng mình đang nói chuyện gì ấy nhỉ?
Tôi ái ngại nhìn Khải. Tôi không ngờ được chứng kiến cảnh vừa rồi. Nó là
chuyện bình thường với mọi gia đình cán bộ bình thường. Hồi ấy đá cục là một
mặt hàng bán chạy, được nhiều nhà làm.
Về sau này Khải đã có cuộc sống khá hơn trước nhiều, khi những bài báo,
những truyện ngắn ở anh được trả những khoản nhuận bút cao ngất ngưởng, không
nhà văn nào sánh được.
Hôm ấy tôi rất muốn kể cho Khải nghe điều tôi được nghe từ miệng viên chấp
pháp. Nó là lời nói thật, tôi tin. Nó cũng là lời khẳng định cái nhìn của đảng
đối với văn nghệ sĩ. Là cái nhìn bình thường của chủ nhà với đầy tớ.
Nhưng tôi đã giữ cho nó không buột ra. Tôi e làm Khải đau.
Tôi lầm. Sau khi đọc “Đi tìm cái tôi đã mất” tôi mới hiểu Khải không phải
không biết. Nhưng anh đã giữ kín những gì mình thấy, che khuất chúng dưới màu
hồng của những dòng tụng ca.
Chính Nguyễn Khải đã từng viết thế này:
“ …Bỗng nhiên có một nhà chính trị, cũng là dân làm văn làm báo của Đảng từ
trước cách mạng, nhưng đã mất ngôi mất quyền, liền đứng ra tổ chức tờ báo cho
những nghệ sỹ ham chuộng tự do được tự do bày tỏ nỗi niềm. Mình thì nói tự do
về nghệ thuật, họ thì nói tự do về chính trị, họ muốn giành quyền, muốn đòi
quyền. Nhưng họ không thể làm được những chuyện đó. Thân phận họ tầm thường,
tài nghệ thì vớ vẩn, tập hợp thế nào được dư luận và công chúng, nhất là công
chúng của chúng ta, mượn cả tiếng kêu thống thiết và cảm động đòi tự do để sáng
tạo của chúng ta nữa. Nhà chính trị ấy là ông Nguyễn Hữu Đang, ông đó mới thật
là linh hồn, kẻ xúi giục và tổ chức ra mọi sự của cái thời ấy. Mưu mô bị vỡ lở,
kẻ chủ mưu phải ngồi tù, anh em mình không đi tù nhưng bị treo bút những mấy
chục năm còn đau khổ cực hơn cả đi tù. Mấy ông chính trị thất thế, lắm tham
vọng, lắm mưu mô có đi tù tôi cũng không thương. Đã theo cái nghề ấy ắt phải
chịu cái nghiệp ấy. Chỉ thương anh em mình lòng trong dạ thẳng, nông nổi thơ
ngây, cứ nghĩ bụng dạ họ cũng như mình, nào ngờ họ lại nghĩ ngợi sâu xa như
thế.”
Cũng trong bức thư đó Nguyễn Khải tiếp lời trần tình của mình:
“Lại thêm một kinh nghiệm nữa của riêng tôi thôi. Năm 74 một nhà chính trị
đương quyền có nhờ tôi viết một loạt bài chống cách sống tiêu cực, góp phần xây
dựng một cách sống thật cộng sản. Tôi nhận lời ngay, và đã viết một loạt bài
trong tâm trạng hào hứng và xúc động. Vì nó cần thiết, vì nó thỏa lòng. Bỗng
dưng bài gửi tiếp không được đăng nữa. Những bài được đăng được các cơ quan có
trách nhiệm duyệt xét lại, và tôi trở thành tên cầm đầu của một nhóm “Nhân văn
giai phẩm” gì đó, nhưng nguy hiểm hơn là đã lấy chính báo Đảng làm diễn đàn để
truyền bá tư tưởng chống đối của mình. Người phê phán tôi gay gắt nhất là người
đã yêu cầu tôi viết bài. Tôi không nói lại một lời nào, cũng không oán hận một
ai cả… Nhưng tôi tự thề với mình là từ nay chỉ viết bằng suy nghĩ độc lập của
chính tôi, không nghe lời dẫn dụ của bất cứ ai, dầu là người mình rất quý mến.
Mình là người tử tế chẳng lẽ suy nghĩ riêng lại không tử tế hay sao? Tôi
không thích lại một lần nữa Hội nhà văn và lĩnh vực văn nghệ lại trở thành trận
địa quyết chiến của mấy ông lắm mưu tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu,
cái sự chửi bới bôi nhọ vu khống tất cả ai dám nói ngược, đe dọa ra mặt hoặc
bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi cái sự tàn sát tận diệt,
gây một không khí căng thẳng hung bạo ấy là sặc mùi chính trị …Một lần nữa ,
với mấy anh muốn mượn nhà văn để xây mộng công hầu , tôi xin có lời kêu gọi
khẩn thiết: “Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em tôi đánh nhau lần
nữa , đừng quấy rầy chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi.”
Nguyễn Khải là người có tài. Tài là cái không chịu bị chìm lấp. Nó đòi được
biết đến, đòi được phơi mình dưới ánh sáng mặt trời. Với người này là toán học,
người kia là hội hoạ, không trừ cả nghề bói toán. Khải có con mắt quan sát sắc
sảo, có tài viết ra những gì mắt anh thấy. Anh đã chiều theo cái tài của mình
để cho nó được thiên hạ biết đến. Anh viết, bắt đầu bằng những bài báo tường,
rồi báo giấy, rồi những cuốn sách.
Anh sinh ra trong một thời đặc biệt khe khắt với mọi sản phẩm chữ nghĩa.
Mọi thứ viết đều phải nhất nhất tuân theo ý kẻ cai trị. Viết khác ý nó thì nó
đập cho kỳ chết. Anh muốn phô cái tài của mình thì anh phải làm ra những cái mà
nó muốn. Thế là người đọc có một nhà văn Nguyễn Khải như ta biết. Một thằng
nịnh, một thằng hèn, một văn nô, như nhiều người nghĩ.
Khải thèm được viết để chiều cái tài thiên phú. Dần dà cái sự thèm ấy trở
thành một bản năng được cấy ghép vào người. Nói cách khác, nó là một thứ ma
tuý, không có nó không sống được. Đã bập vào nó khó dứt ra lắm. Khải đã bập
vào, đã vật vã, đã không dứt ra được. Mãi cho tới cuối đời.
Nguyễn Khải đã từng lầm đường. Như rất nhiều người, trước khi tỉnh ngộ.
“Đi tìm cái tôi đã mất” đến với tôi khi Khải không còn.
Tôi đã ở rất xa, cả quá khứ lẫn địa lý. Với bài viết này Khải bộc bạch
những suy nghĩ được giấu kín trong lòng. Không thể tưởng tượng nổi nhà văn được
coi là con yêu của đảng lại có thể nói toạc về đảng của mình đến thế này: “Nói
dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ…”
Người ta thường nói về “cái quan định luận”. Khi chiếc đinh cuối cùng được
đóng xuống tấm ván thiên cho một kiếp người, chúng ta mới có thể, mới có quyền
nói lời nhận xét chung cuộc về người đã khuất.
Nguyễn Khải đã nằm yên dưới ba tấc đất. Mọi điều thiên hạ bình phẩm về mình
anh chẳng còn biết, chẳng còn quan tâm. Chúng ta sẽ phải nói về anh, như sản
phẩm của một thời thế nào đây, cho đúng? Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi
này. Nói thế nào mới phải, mới công bằng đây? Cho anh, và cho cả một thế hệ cầm
bút.
Chẳng lẽ Nguyễn Khải không để lại được chút gì cho lớp người sau? Chẳng lẽ
chúng ta không rút ra được bài học nào từ Nguyễn Khải? Chí ít thì cũng ở văn
chương, bút pháp.
Nói về một con người sao mà khó thế!
“Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp
thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế”. Và “Những gì mà chủ
nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ
giết chết cả loài người”.
Khái quát được đến thế, không một nhà văn Việt Nam nào làm được.
Không sự ly khai nào có thể rốt ráo hơn.
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ
GÁ TÌNH, thơ của Đặng Xuân Xuyến:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét