MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

DI CHỨNG CỦA CHIẾN TRANH - Chùm thơ Nhiều Tác Giả

 

DI CHỨNG CỦA CHIẾN TRANH

*

Anh tên gì?

Tác giả: Quý Phương

 

Anh ở đâu khi đất nước hòa bình?
Hai chiến tuyến đã không còn chia cắt
Mẹ mỏi mòn tìm anh rơi nước mắt
Vết chân chim như vết cắt trong tim

 

Bao năm qua Mẹ mãi miết kiếm tìm
Sương điểm trắng trên mái đầu của Mẹ
Gạt nước mắt khóc thương nơi trần thế
Đã bao năm chẳng thể gặp được anh

 

Đồng đội xưa tóc cũng chẳng còn xanh
Người lưu lạc kẻ tha hương đất khách
Nấm mồ anh nằm đâu miền hoang lạnh?
Xin dâng nén hương thầm lặng trong lòng

 

Anh nơi nào cứ để Mẹ ngóng trông
Nhìn di ảnh rồi quặn lòng Mẹ khóc
Nhớ thương anh Mẹ bao mùa cực nhọc
Lội thân gầy từng ngóc ngách tìm con

 

Xin hiển linh đừng để Mẹ héo hon
Hãy báo mộng anh đang nằm đâu đó
Vĩ tuyến ấy thắm bao giòng máu đỏ
Có cả anh và đồng đội của mình

 

Đã hiến dâng đời trai trẻ nhiệt tình
Cho Tổ Quốc rồi nằm nơi rừng núi
Quê hương ghi ơn muôn đời nhớ mãi
Vẫn mong một ngày tìm được tên anh.

 

Anh

Tác giả: Dương Đoàn Trọng

(Tặng đồng đội tôi thương bình mất một chân)

 

Bè bạn vẫn nói đùa

Anh không chân thật

Câu đó có sai đâu

Ngày ôm hoa đến tặng cô dâu

Anh đã đi bằng một chân gỗ giả

 

Em hồi hộp chín nhừ đôi má

Mắt rưng rưng biết anh chẳng dối lòng

Mọi người nhìn anh

Thật vui mà đưa tay lau mắt

Hạnh phúc tràn đầy trong em trào dâng

 

Em không ngỡ ngàng

Em chẳng bâng khuâng

Vì em đã đợi anh chín bao mùa lúa

Nhận được thư anh em đọc trong công sự

Khẩu súng phòng không cũng lặng lẽ nghe cùng

 

Ngày anh về xanh mướt lá trầu không

Miếng cau tươi quyện vôi nồng thắm đỏ

Đi bên nhau em có gì bỡ ngỡ

Với Tổ quốc quê hương anh san sẻ thân mình

Và với em anh son sắt trọn tình

 

Anh, anh của em chân thật vô cùng.

 

Tô Thị ngày nay

Tác giả: Lê Tiến Vượng

 

Đâu cần xứ Lạng xa xôi

Bao nàng Tô Thị làng tôi chờ chồng

Từ ngày đôi má còn hồng

Giờ hai thứ tóc chồng không thấy về

 

Một mình xoay sở trăm bề

Còng như cây lúa, làng quê… ơ hờ

Cha già, mẹ héo, con thơ

Bao đêm khóc cả trong mơ... thầm thì

 

Một đời lăn lóc như bi

Mùa về thóc lép, lắm khi khoai hà

Rạ, rơm, tay lợn, tay gà

Công to, việc lớn, đàn bà cũng quen

 

Chồng người về đã lên quan

Chồng mình vẫn phía non ngàn biệt tăm

Nhận phần trắng khuyết không rằm

Đợi chờ hết tháng, lại năm mỏi mòn

 

Tô Thị bóng đổ trên non

Miền quê bao cảnh, méo - tròn liêu xiêu

Ngày nay Tô Thị sao nhiều

Nào ai có thấu những chiều… Vọng Phu.

 

Người bước ra từ cuộc chiến

Tác giả: Nguyễn Hưng

 

Mấy mươi năm chiến tranh đã ngủ yên
Nhưng vết thương chưa liền còn đau mãi
Bao tàn tích từ ngày xưa để lại
Cha trở mình quằn quại những cơn đau

Ngày thanh bình giọt nước mắt tuôn trào
Cha trở lại bên vườn rau đồng lúa
Với gia tài là mảnh bom gãy nữa
Còn đâm sâu kẹt giữa khớp xương đầu

Trời trở mùa cha co giật cấu cào
Bác sĩ bảo vết thương lâu khó mổ
Ôm cơn đau cha từng đêm khắc khổ
Khi trở mùa lúc bão tố đông sang

Cha kể về những trận thắng hiên ngang
Đêm công đồn ngày chống càn với giặc
Những chiến công mà sử thi còn nhắc
Phải đổi bằng dị tật với máu xương

Ngồi một mình lau những chiếc huân chương
khóe mắt cha đọng giọt sương trắng đục
Con lớn lên giữa thanh bình hạnh phúc
Là hy sinh ngã gục của bao người

Quê hương mình đau xót lắm con ơi
Bom cày xới tơi bời sâu trong đất
Máu cha ông nhuộm đỏ sông quánh đặc
Vẫn kiên trung bất khuất giữ ngọn cờ

Cha đi rồi còn chăng những giấc mơ
Nhưng tên tuổi đến giờ luôn được nhắc
Tổ quốc vinh danh anh hùng đánh giặc
mãi muôn đời bia ghi khắc công ơn.

 

Xuyên vào làn hương

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Lan

 

Xuyên qua ngôi làng ngoại ô
Nhấn ga ngay cả chỗ ngoặt
Tôi chạy nhọn như góc sau phân giác
Trí não bừng ngọn đèn

 

Xuyên qua mùi ruộng váng phèn
Mùi cơm gạo chiêm bầu đỏ quạch
Mùi yếm sồi của người đàn bà đông con vừa khóc vừa hát
Vo viên thành hương sen

 

Xuyên điệu đà mùi giàu có hoàng lan
Mỏng mảnh áo the lưng ong con gái
Chút tóc mai mồ hôi nhiệt đới
Đầy một miếng trầu trên bàn thờ nội ngoại

 

Tăng thêm tiếng gió ù bên tai
Tôi nát lòng sông suối
Róc rách thịt da hoa ngâu hoa bưởi
Chết cả núi đồi con gái con trai nghìn đời nguồn cội

 

Vùi vào lệ rỏ hoa lài
Sao tim bỗng đập như sắp tắt
Tôi đã đến hương hoa cau tít tắp
Ban trưa vọng niệm chiếc hôn trầu

 

Tôi đã xuyên tôi vào chật chội yêu đầu
Nỗi khắc khoải đất nước nghìn năm ông bà xưa cũ
Họ chết lâu rồi chỉ còn tôi ở
Nên tôi xuyên vào làn hương yêu anh nhớ anh.

 

Đò chiều

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

 

Ngày đi tóc vẫn còn xanh
“Đò chiều” gác mái mà anh chưa về
Chị ngồi giặt áo sông quê
Vớt câu lục bát vừa khê vừa nồng

 

À ơi cái bến không chồng
Ru con chẳng được ru lòng chị thôi
Chị ngồi khoả nước sông trôi
Những mong thả được sầu vơi nỗi mình

 

Tương tư ôm bóng vô hình
Cô đơn như nỗi tuyệt tình trong đêm
Tấm thân tựa dải lạt mềm
Tình đong đọng lấp dưới thềm tuổi xanh

 

Chỉ sầu khâu nỗi mong manh
Chị ngồi tuốt sợi vá vành trăng khuya.

 

Ngời ngời bóng Mẹ

Tác giả: Nguyễn Đình Minh

 

Chiều nối chiều mẹ thắp nhang thơm
lòng theo khói mỏng manh tìm về miền vô định
dẫu chiến trường đã vùi sâu tiếng súng
lũ trẻ ở nơi đâu sao chúng chưa về?
 
Ngoài song rụng dần ngàn mảnh trăng khuya
mẹ gói nhớ thương gửi lời ru đêm vắng
đắp giấc nồng say cho các con
giờ đã thành cát lạnh
những chấm lân tinh, thao thức giữa sương rừng
 
Mũi kim cô đơn xuyên thấu qua lòng
vẫn xói buốt những mùa ngâu nước mắt
chỉ có trời xanh sẻ chia điều trái tim mẹ đập
đã thương yêu rồi
bỗng thành núi, thành sông
 
Đất nước rộng dài, đất nước mênh mông
không có mẹ bỗng hình như hẹp lại
ngày đổ nắng, đêm dội mưa
giữa không gian đa chiều rung tiếng nổ
mẹ như cây lúa trời bền bỉ sinh bông
 
Rồi vãn mùa, đồng vắng rỗng không
thân rạ trở về ấp iu mái rạ
xác rơm khô đốt đượm nồng bếp lửa
Tổ quốc còn những buổi chiều
nghe gió gọi cơm thơm
 
Đã có đá Vọng Phu nào cắt ruột hiến dâng con
chân đất, lưng còng gánh ngàn cơn bão thổi?
năm tháng chuyển vần,
                                năm tháng nhiều thay đổi
vẫn ngời ngời bóng mẹ
như hồn cốt bồ đề trong dáng lúa ngàn năm.

 

Mộ sóng

Tác giả: Nguyễn Đình Minh

 

Những đoàn tàu không số thoắt đến thoắt đi
Thầm lặng, quyết thắng
Phăm phăm hướng về khúc ruột miền Nam
 
Những đôi chân không ngủ khoác vị mặn thời gian
Hình Tổ quốc trong tim thúc giục
Trái tim cười trong ngực
Như mẹ hiền ươm mầm xanh                    
 
Ngày đi như hương tỏa
Con đường huyền thoại mở trên sóng biển
Gió mưa đói khát cái chết rập rình oằn trên môi bỏng
Các anh người giữ hồn đất nước tháng năm
 
Khi hải âu kéo căng mặt trời lên
Những đài hoa trùm trên mộ sóng
Rưng rưng, rưng rưng sóng trắng
 
Những khuôn mặt trẻ thơ bụm tròn xoe lại
Đôi dòng nước mắt chảy vào trong.

 


Mời thư giãn với nhạc phẩm MÀU HOA ĐỎ của Thuận Yến,

thơ của Nguyễn Đức Mậu, qua tiếng hát Tùng Dương:








- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét