MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

ĐIỂM DANH MỘT SỐ VỤ 'ĐẠO VĂN' Ở VIỆT NAM - Nhiều Tác Giả

 

ĐIỂM DANH MỘT SỐ VỤ

"ĐẠO VĂN" Ở VIỆT NAM

*

Tác giả: Lam Anh

NHỮNG VỤ ĐẠO VĂN GÂY XÔN XAO DƯ LUẬN TẠI VIỆT NAM

Đạo văn từ lâu đã không còn là câu chuyện mới trong đời sống văn chương và cũng từng có không ít người phải trả giá đắt cho hành vi này. Thế nhưng, dường như đây vẫn luôn là một vấn nạn khó lòng kiểm soát. Bởi vậy mà hàng loạt những vụ đạo văn vẫn liên tiếp xảy ra.

1.

Truyện ngắn “Biến mất” của Kai Hoàng giống hệt với truyện ngắn “Những biển” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cả nội dung lẫn ý tưởng.

Mới đây, truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng đang tham dự cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động lại tiếp tục gây xôn xao khi bị phát hiện giống hệt với truyện ngắn Những biển, in trong tập "Cố định một đám mâyđược xuất bản vào năm 2018 của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cả nội dung lẫn ý tưởng.

Điều đáng nói hơn nữa là, một trong những vị giám khảo của cuộc thi này không ai khác chính là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sự việc xảy ra khiến bi kịch "đạo văn" càng trở nên bi hài, khi thí sinh tham gia một cuộc thi viết lại "đạo văn" của giám khảo chấm thi.

Kai Hoàng, tên thật là Hoàng Tuấn Thanh, sinh ngày 14/8/1988. Anh từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và là hội viên hội Văn học Nghệ thuật Bà Rịa Vũng Tàu.

Anh là một cây viết quen thuộc trong giới văn chương Sài Gòn, là tác giả trẻ thế hệ cuối 8X, viết đều cả thơ, tản văn và truyện ngắn. Anh được bạn đọc biết đến qua hai tác phẩm Tuổi trẻ nào rồi cũng sẽ qua (2015), Gặp tôi ngày mê sảng (2016).

Kai Hoàng có nhiều điểm thuận lợi hơn so với những cây bút khác khi có độc giả của riêng mình, đồng thời cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, giới thiệu của nhiều vị tiền bối trong giới. Anh cũng từng đạt không ít giải thưởng danh giá về truyện ngắn như: Giải nhất cuộc thi viết Những chuyến đi của Mực Tím, Giải nhất cuộc thi viết Mối tình đầu của tôi của báo Lao Động, top 3 tác phẩm chung khảo cuộc thi Đoàn Thị Điểm mùa 2…

Ở tuổi 31, có thể nói, Kai Hoàng chính là một trong những gương mặt tiêu biểu và danh giá của làng văn chương Việt Nam. Những dấu ấn đặc biệt mà anh để lại trong nền văn học nước nhà là một điều ít người có thể phủ nhận. Nhưng cũng chính điều đó lại càng khiến cho giới văn nghệ và bạn đọc thêm ngỡ ngàng khi anh vướng phải "bê bối" này.

Đạo văn từ lâu đã không còn là câu chuyện mới trong đời sống văn chương và cũng từng có không ít người phải trả giá đắt cho hành vi này. Thế nhưng, dường như đây vẫn luôn là một vấn nạn khó lòng kiểm soát. Ngoài Kai Hoàng còn có rất nhiều những vụ "đạo văn" gây xôn xao dư luận khác. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu:

2.

Bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư giống với tác phẩm "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan về cả tứ thơ, câu từ, cấu trúc

Theo thông tin được đăng tải trên báo VnExpress, vào năm 2015, bài thơ "Bạch lộ" của nhà thơ Phan Huyền Thư (in trong tập "Sẹo độc lập", phát hành năm 2014 và đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội) bất ngờ bị phát hiện giống cả về tứ thơ, câu từ hay ngay cả cấu trúc tác phẩm của bài thơ "Buổi sáng" do Phan Ngọc Thường Đoan sáng tác. Bài thơ được in trong tập "Đếm cát" phát hành vào năm 2003.

Sự việc này đã từng khiến giới yêu thơ xôn xao nhiều ngày dài bởi phần nội dung "bị" trùng lặp giữa hai bài thơ khá nhiều. Thế nhưng, hành động nhất quyết khẳng định sáng tác của mình ra đời vào năm 1996 nhà thơ Phan Huyền Thư càng khiến dư luận thêm phẫn nộ. Mọi chuyện chỉ chính thức khép lại khi nữ tác giả công khai gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và thừa nhận rằng bài thơ "Bạch lộ" ra đời sau bài "Buổi sáng" vào ngày 22/10/2015.

Sau vụ "đạo văn" đáng buồn xảy ra đối với Phan Huyền Thư, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng từng chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên các tác phẩm của chị bị "sao chép" mà trước đó, bài thơ "Nghĩ về hoàng hôn mẹ" cũng từng được đăng trên một nhật báo lớn bởi một tác giả khác.

3.

Tác giả Hữu Thịnh "sao chép" truyện ngắn "Buổi sáng biến mất" của Ngô Phan Lưu

Trước đó, vào năm 2012, tác giả Ngô Phan Lưu cũng từng bị kéo vào vấn nạn "đạo văn" khi tác phẩm mang tên "Buổi sáng biến mất" từng đoạt giải nhất cuộc thi do báo Văn Nghệ và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2007 bị tác giả Hữu Thịnh ở Hòa Bình đăng lại trên báo Văn Nghệ.

Vị tác giả mới xuất hiện ở tỉnh Hòa Bình này thực sự gây phẫn nộ đối với người đọc khi chỉ đổi tên người và địa điểm trong tác phẩm, thản nhiên biến công sức và chất xám của người khác thành của mình một cách thiếu tự trọng.

4.

Tác giả Phạm Minh Phong sử dụng gần như trọn vẹn truyện ngắn "Máu của lá", in trong tập "Người sót lại của rừng cười" của nhà văn Võ Thị Hảo

Vào năm 2005, cộng đồng yêu văn thơ Việt Nam cũng từng một lần xôn xao khi truyện ngắn "Máu của lá" - tác phẩm được viết từ năm 1992 bởi nhà văn Võ Thị Hảo, in trong tập "Người sót lại của rừng cười" (Nhà xuất bản Phụ Nữ 2005) bị tác giả Phạm Minh Phong sử dụng để đăng tải trên báo Văn Nghệ. Điều đáng nói ở đây là Phạm Minh Phong đã sử dụng gần như trọn vẹn tác phẩm và chỉ thay đổi tên nhân vật.

Sự việc này "chấn động" dư luận trong một thời gian khá dài, gây bức xúc không chỉ đối với nhà văn Võ Thị Hảo, khiến nhà văn từng phải lên tiếng gay gắt: "Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm... Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên", VnExpress đưa tin.

Nhiều năm qua, tình trạng "đạo văn" có dấu hiệu lặp đi lặp lại trong làng viết Việt Nam. Thế nhưng, vấn nạn này thực sự trở nên đáng báo động khi người có hành vi này không còn chỉ là những tác giả vô danh nữa mà thay vào đó là hàng loạt những nhà văn, nhà thơ từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá.

Dẫu rằng ở nước ta chưa có một chế tài nào cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với hành vi này, nhưng cái danh hào nhoáng trong phút chốc chắc chắn sẽ bị trả giá bằng chính danh dự, nhân phẩm của người vi phạm vào điều tối kị trong nền văn học này.

 

Tác giả: Quỳnh Yên

NGANG NHIÊN ĐẠO VĂN

Mới đây, làng văn trong nước lại xôn xao khi phát hiện thêm một vụ đạo văn mà người đạo không phải ai xa lạ, là một người đã có chục đầu sách được xuất bản, từng nhận nhiều giải thưởng lớn nhỏ. 

Nhân vật được đề cập đến là tác giả Kai Hoàng, theo giới thiệu từ trang Văn chương phương Nam (Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đang sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tác phẩm được nhắc đến là truyện ngắn Thư viện đăng trên website của Tạp chí Tiếp thị và Gia đình vào ngày 7-7-2019. Dù đã đăng từ năm ngoái, nhưng vụ việc vẫn bị độc giả phát hiện.

Cụ thể, truyện ngắn Thư viện đã đạo từ tình huống đến nhân vật, chi tiết… từ truyện ngắn Biến mất ở Thư Viện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từng được in trong tập truyện ngắn Đảo do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2014.

Điều đáng nói là trước thời điểm truyện ngắn Thư viện đăng trên Tạp chí Tiếp thị và Gia đình không lâu, tác giả Kai Hoàng cũng đã ngang nhiên đạo truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “chế tác” thành Biến mất gửi tham gia cuộc thi mà chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm giám khảo.  

Chưa dừng ở đó, truyện dài Ngày hôm qua mắt biếc (Nhà xuất bản Phụ nữ) của Kai Hoàng ra mắt vào đầu năm 2018 cũng bị độc giả phát hiện ra “đạo” từ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Không cần đến một nhà phê bình chuyên nghiệp, với một độc giả bình thường, chỉ cần đọc 2 câu đầu tiên của Ngày hôm qua mắt biếc ít nhiều cũng có cảm giác na ná. 

Năm ngoái, khi sự việc bị phát lộ, phóng viên đã liên hệ với tác giả Kai Hoàng thì được anh này lý giải rằng, do đọc nhiều truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nên nhìn vào đề tài đã không lường trước được hậu quả khi tình tiết do anh viết ra nó tự tuôn một cách không ý thức. Kai Hoàng cũng cho rằng đây là bài học lớn và sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân.

Sau những vụ đạo văn liên tiếp, lời giải thích “tự tuôn một cách không ý thức” khó mà chấp nhận được. Có lẽ Kai Hoàng cần phải đọc lại câu chuyện Cậu bé chăn cừu, sẽ tốt hơn là những lời thề thốt. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân không giấu được ngán ngẩm: “Văn thơ muốn viết có chi khó? Viết dở cũng có sao đâu! Ai lại đi chôm chỉa, tệ hơn bọn móc túi vì chén cơm manh áo”. Vậy nên, nếu còn có lòng tự trọng, có lẽ Kai Hoàng không nên cầm bút nữa! 

 

Tác giả: Từ Nữ Triệu Vương thực hiện

VÕ THỊ HẢO: “TRUYỆN NGẮN CỦA TÔI BỊ ĂN CẮP TRẮNG TRỢN”!

Trên báo Văn Nghệ số 26, ra ngày 25/6, có đăng truyện ngắn "Máu của lá" của tác giả Phạm Minh Phong. Nhận thấy nội dung tác phẩm này giống "như khuôn đúc" với truyện ngắn "Máu của lá" trong tập "Người sót lại của rừng cười" (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2005) của mình, nhà văn Võ Thị Hảo đã bày tỏ nỗi bức xúc.

Phóng viên: Đã bao giờ chị lấy bút danh Phạm Minh Phong để gửi truyện ngắn “Máu của lá” lên báo?

Võ Thị Hảo: Tôi là Võ Thị Hảo chứ không phải Phạm Minh Phong. Tôi không bao giờ cần thiết phải lấy bút danh này.

Phóng viên: Truyện “Máu của lá” được chị viết từ bao giờ?

Võ Thị Hảo: Tôi viết xong vào tháng 6/1992.

Phóng viên: Truyện được dựa trên ý tưởng nào?

Võ Thị Hảo: Khơi gợi ý tưởng cho truyện Máu của lá là số phận một người em gái bạn thân của tôi, hiện sống ở Mai Dịch. Nhưng đó chỉ là sự khơi gợi, cuộc sống hiện nay của cô khác với cuộc sống của nhân vật Tâm trong truyện. Ở tác phẩm Máu của lá, tôi để nhân vật Tâm sống bằng ảo tưởng, bằng những hình ảnh đẹp của một tình yêu không có thật. Có ba người đàn ông đã thay phiên nhau viết những lá chất chứa đầy yêu thương, an ủi động viên Tâm, giúp Tâm có thêm nghị lực để sống.

Phóng viên: Truyện “Máu của lá” đã in mấy lần?

Võ Thị Hảo: Trên hai lần, một lần ở báo và một lần ở sách, tôi có thể chứng minh ngay lập tức. Truyện ngắn này đã in trong tập truyện đầu tay của tôi là Biển cứu rỗi, tác phẩm được trao giải trong cuộc thi Truyện ngắn và Tiểu thuyết của NXB Hà Nội. Cùng năm đó, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và Y Ban cũng đoạt giải.

Phóng viên: Chị nghĩ gì khi truyện “Máu của lá” đăng báo nhưng tên tác giả lại là Phạm Minh Phong?

Võ Thị Hảo: Tôi đọc dứt cái truyện này và thấy người có tên Phạm Minh Phong đạo truyện của tôi đến hơn 99%. Anh ta "vui tính" đến mức copy y chang từ tiêu đề truyện ngắn, đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Chỉ khác có điều, tên các nhân vật được anh ta thay toàn bộ. Tôi thấy đó là sự ăn cắp trắng trợn, nếu như tôi không nhìn tận mắt, tôi sẽ không tin vào điều này. 

Tôi thấy Phạm Minh Phong đang "giỡn chơi", chứ một người bình thường không ai làm trò hề như thế. Đây là sự vi phạm bản quyền trắng trợn, nhất là khi chúng ta đang tham gia công ước Berne và luật sở hữu trí tuệ.

Phóng viên: Chị nghĩ gì về tình trạng đạo văn ngày nay?

Võ Thị Hảo: Tôi quan niệm rằng: Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm. Người xưa đã nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên.

Về việc này, dù tôi có là người thờ ơ hay rộng lượng đến đâu cũng không thể im lặng được. Tôi sẽ kiện đến tận cùng để tìm ra chân lý của sự thật.

 

Tác giả: Lê Xuân - Ngọc Duyên

NHỮNG VỤ ĐẠO THƠ VĂN NỔI TIẾNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 Vùng đất đồng bằng sông Cửu Long vốn được tiếng mộc mạc, thật thà, hào phóng nhưng gần đây cũng rộ lên nạn đạo văn, đạo thơ làm lem luốc hình ảnh thơ văn rất nhiều. Xin lược lại vài vụ “nổi tiếng”.

THẦY ĐẠO THƠ

Ông Cao Phú Cường, giáo viên dạy văn ở một trường Trung học Cơ sở tỉnh An Giang và có làm thơ. Tuy nhiên, ông “nổi tiếng” ở việc liên tục lấy thơ người khác gửi đăng báo, tạp chí và dự thi.

Cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần 5 năm 2012, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức, ông Cường đạo thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài để dự thi và đã lọt vô vòng chung khảo mới bị phát hiện. Bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã in trong tập Ngan ngát hương xưa, bị ông Cường lấy khoảng 80% chế biến thành bài Về đồng mùa nước nổi để dự thi.

Khi mới bị phát hiện, ông Cường cho là ông và Trịnh Bửu Hoài “cảm xúc đồng điệu”, nên viết lá thư dài 4 trang gửi ban tổ chức để biện minh ông không đạo thơ. Nhưng sự thật không thể lấp liếm! Sau đó, ông Cường gọi điện xin lỗi Trịnh Bửu Hoài là “đọc lâu ngày nên quên và đã mượn một số câu chữ, hình ảnh”, còn bài thơ đạo bị loại khỏi cuộc thi.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ tỏ ra thông cảm cho ông Liêm người mất chức vì đạo văn và nói với phóng viên Tiền Phong về một sự thật nhức nhối: “Liêm đạo bài văn mà xin từ chức là còn tự trọng hơn nhiều người ăn cắp cả cuốn sách, cả công trình nhưng vẫn bình thân, thậm chí thành sao”.

Qua vụ đạo thơ đem đi thi, dư luận nhớ lại, trước đó, ông Cường từng ba lần đạo thơ. Năm 2008, ông lấy bài Áo bà ba của nhà thơ Bùi Văn Bồng gửi đăng lucbat.com vẫn với tựa Áo bà ba, giống nhau đến 90%, có nhiều câu để nguyên. Điều hài hước, Bùi Văn Bồng cũng gửi bài thơ của mình đăng trên trang lucbat.com, là đại diện lucbat.com ở Cần Thơ; còn ông Cường với bài thơ đạo là đại diện lucbat.com ở An Giang. Sau đó, bài của ông Cường bị rút xuống.

Năm 2011, ông Cường cũng đạo bài thơ Ngắn dần viên phấn của nhà thơ Vương Thảo để đăng trên blog Văn An Giang, vẫn để tựa Ngắn dần viên phấn.  Bài thơ của Vương Thảo viết và đã in những năm 1990 của thế kỷ 20 nên ông Cường không thể chối cãi.

Cũng năm đó, ông Cường gửi in bài thơ Khát nhà trên “Tuyển tập thơ Trẻ An Giang năm 2011”, bị phát hiện xào xáo từ hai bài thơ Tiếc lắm thay của nhà thơ Vũ Thị Huyền và bài Lời ru con của người yêu cũ của nhà thơ Phạm Ngà. Nhiều câu xào xáo rất rõ. Như Vũ Thị Huyền viết: Ta về gặp nắng trong mưa/Gặp buồn trong nhớ, gặp trưa trong chiều, thì ông Cường viết: Bất ngờ gặp nắng trong mưa/Gặp thực trong mộng, gặp trưa trong chiều.

Dư luận còn phát hiện một vụ nữa là tròn 5 vụ ông Cường đạo thơ. Vụ này “nổi tiếng” nhất vì đạo bài thơ nổi tiếng Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến. Ông Cường chỉ thêm một chữ vào tựa, thành Tổ quốc tôi nhìn từ biển gửi đăng Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân Quý Tỵ - 2013. Có rất nhiều câu đạo rõ ràng.  Nguyễn Việt Chiến viết Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ thì ông Cường: Bạch Long Vĩ gối đầu trên sóng dữ. Nguyễn Việt Chiến viết: Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi thì ông Cường: Chí dân tộc nghìn đời không thể mất/Vạn bóng tàu xanh biếc tỏa ra khơi.

QUAN ĐẠO VĂN

Ông  Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp kiêm Thư ký tòa soạn tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Hội này, đứng tên bài Điều gì xảy ra ở Hồng Ngự trước ngày 30/4/1975 đăng tạp chí số 36- tháng 4/2012. Bài của ông Thành copy phần lớn bài Trận cuối cùng đánh địch tại Mương Lớn-An Bình (Hồng Ngự) của ông Trần Minh Tạo viết tháng 6/2010.

Ông Trần Minh Tạo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), viết tự do nhiều thể loại thơ, truyện, ký, lý luận phê bình, khảo cứu và là cộng tác viên của báo Tiền Phong. Bài của ông Tạo là ký sự dài 94 trang A4, viết về 14 trận đánh của đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ, chỉ có một bản duy nhất gửi cho Ban liên lạc Đại đội địa phương quân Hồng Ngự thời chống Mỹ. Ông Thành ở Hội Khoa học lịch sử tỉnh, có được bản của ông Tạo, lấy luôn trận đánh thứ 14 đem vô bài viết của mình.

Khi phát hiện ông Thành đạo văn của ông Tạo đăng trên tạp chí Nghiên cứu Khoa học thì còn thấy ra vấn đề lớn hơn. Đó là một số vị cựu quan chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp (ông Thành là cựu Trưởng phòng Lịch sử Ban Tuyên giáo) hợp đồng viết lịch sử cho huyện Hồng Ngự, nhan đề “Biên niên sự kiện lịch sử Đại đội địa phương quân Hồng Ngự”, tổng số tiền ngân sách chi ra 210 triệu đồng (hợp đồng ký ngày 11/7/2011). 

Trong đó, theo cựu Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Đức Hiển, tiền biên soạn là 50 triệu đồng, còn lại cho hội thảo, in ấn. Cuốn “Biên niên…” khi đang ở bản thảo, dài 103 trang A4, kết cấu y như tác phẩm của ông Tạo, và phần cốt lõi là các trận đánh, đã sử dụng tác phẩm của ông Tạo, nhiều đoạn nguyên văn. Nhưng ông Tạo không được chi một xu, khi phát hiện bị đạo văn, ông Tạo chỉ yêu cầu bản in chính thức phải đề tên ông vào nhóm tác giả, cùng với các cựu quan chức tuyên giáo.

Ở Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Trương Thanh Liêm cũng đạo văn mà bị “cho thôi chức” vào đầu năm 2012. Ông Liêm là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền (Cần Thơ) được điều về Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ làm Chánh văn phòng vào tháng 9/2011, đến tháng 11 cùng năm, được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn.

Ông Liêm lấy một bài trên báo Cần Thơ, gửi đăng tập san Áo Trắng dịp tết, sau đó bị phát hiện. Ban đầu, ông Liêm viện nhiều lý do mà theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ là “quanh co, không thành khẩn”. Cuối cùng, ông Liêm nhận ra khuyết điểm, làm đơn từ chức và cấp có thẩm quyền chấp thuận.

 

Tác giả: Lam Thu - Thoại Hà

PHAN HUYỀN THƯ VỪA ĐOẠT GIẢI

ĐÃ BỊ NGHI “ĐẠO THƠ”

Bị cho là đạo thơ Dư Tử Lê trong tác phẩm "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn", nữ tác giả không đưa ra lời giải thích nào vì chị cho rằng, người đọc sẽ tự nhận biết được.

Tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư vừa đoạt giải thưởng hạng mục Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Không lâu sau đó, Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn - một bài trong tuyển tập - bị cho là tác phẩm phái sinh từ ý thơ của Du Tử Lê trong bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. Những ý kiến nghi ngờ dựa trên sự tương đồng giữa ý thơ của hai tác giả.

Phan Huyền Thư viết: "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển/ vì tôi là hạt muối buồn/ kết tủa từ cô đơn/ tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/ Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/ cào đến xước mặt hoàng hôn/ nàng tiên cá hát ru con/ mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ… (Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn). Còn bài thơ của Du Tử Lê có những câu: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ vùi đất lạ thịt xương e khó rã / hồn không đi sao trở lại quê nhà/ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...” (Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển).

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, cả bài thơ của Phan Huyền Thư đều diễn giải một cách bất lực dưới câu: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển…”. Thậm chí, ngay câu “nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng…” của chị cũng không thoát được ý Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển.

"Ở trường hợp này, nếu độc giả khắt khe thì xem là đạo thơ, còn tôi thì cho rằng sáng tác của Phan Huyền Thư nên được gọi là tác phẩm phái sinh. Phan Huyền Thư đã chịu ảnh hưởng và được khơi cảm hứng từ câu thơ Du Tử Lê, để sáng tạo tác phẩm của mình" - Lê Thiếu Nhơn nói. 

Bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn có lời đề tặng "Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến". Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định: "Tôi không nghĩ Phan Huyền Thư đạo thơ. Dù câu thơ gần giống nhau, nhưng nội dung tác phẩm khác nhau, nhịp điệu, thể thơ khác nhau". Theo Nguyễn Việt Chiến, có thể Phan Huyền Thư ám ảnh với câu thơ của Du Tử Lê, từ tiềm thức, có thể dẫn tới việc tác giả sáng tác vô thức. 

Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lên tiếng: "Không có cơ sở để khẳng định Phan Huyền Thư đạo thơ. Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - đơn vị vừa trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập - tôi và hội đồng xét giải khi đọc bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn đều không thấy tinh thần của Du Tử Lê trong đó. Chúng tôi khẳng định Sẹo độc lập là một tập thơ giá trị".

Dưới con mắt một nhà phê bình văn học, ông Phạm Xuân Nguyên phân tích trong tập Sẹo độc lập có khá nhiều bài thơ là những trao đổi, đối thoại giữa Phan Huyền Thư với các bạn thơ. Ví dụ chị làm bài Bạch Lộ và ghi là "Độc ẩm với Lã Bất Vi", bài Happy Ending là "thư gửi nhà thơ Thanh Tùng", Câu hờ hững là "trò truyện với Nguyễn Bình Phương"... bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn là "Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến". "Như vậy, khi tiếp nhận tác phẩm, ta phải đọc liên văn bản. Bài thơ được đặt trong mạch trò chuyện với bạn thơ của Phan Huyền Thư" - nhà phê bình nói.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng lý giải thêm, việc một ý thơ nào đó giống nhau là chuyện thường thấy trong văn học nghệ thuật. Ví dụ, Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm có câu giống hệt câu "Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê" trong Truyện Kiều. Hay Phó Đức Phương cũng có ca khúc trùng tên với một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp - Chảy đi sông ơi.

Trước những ý kiến về thơ của mình, Phan Huyền Thư tỏ ra bình tĩnh. Chị nói: "Nếu tôi đạo thơ của Du Tử Lê, thì người đầu tiên các bạn nên hỏi là chú ấy, chứ sao lại là tôi". Phan Huyền Thư giải thích, giả sử Du Tử Lê nói rằng "không đồng ý cho Phan Huyền Thư làm thế này thế kia", rằng "Phan Huyền Thư làm thế là cầm nhầm"... thì lúc đó chị mới lên tiếng. "Chỉ một câu nói vu vơ mà bắt tôi điều trần, tôi không muốn làm việc ấy". 

Phan Huyền Thư chia sẻ chị không muốn chuyện bé xé ra to, không muốn mất thời gian. "Tôi không muốn lên tiếng, hãy để cho độc giả đưa ra nhận xét".

 

Tác giả: Lam Thu

THI SĨ BÀNG ÁI THƠ LÊN TIẾNG VỀ

TRANH CÃI TÁC QUYỀN “TỔ QUỐC GỌI TÊN”

Con gái họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên khẳng định đã đọc "Tôi nghe tổ quốc gọi tên mình" của một người lính từ tháng 4/2011, trước khi Quế Mai sáng tác bài thơ.

Trong khi sự việc tranh chấp tác quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên đang bùng lên trong dư luận, nhà thơ, họa sĩ Bàng Ái Thơ đưa ra ý kiến, cho rằng bà có đọc một tác phẩm tương tự vào trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác.

Bàng Ái Thơ kể năm 2010 bà có chuyến đi Cô Tô và sáng tác bài thơ Cô Tô từ phía khơi xa. Trở về, bà cho rằng mình cần sáng tác về chủ đề biển đảo nhiều hơn. Nhà thơ Anh Vũ (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống ở Bắc Giang) lúc đó trao đổi với Ái Thơ về bản thảo một tập sách. Ông nhờ anh Nguyễn Trung Kiên mang đến cho thi sĩ một bài thơ lấy trên mạng của một quân nhân viết về biển đảo để bà phổ nhạc. "Tôi nhận tập bản thảo cùng bài thơ vào tháng 4/2011. Nhưng tôi không phổ nhạc, vì lúc đó tôi chưa tự tin. Thêm nữa tôi không có nhiều xúc cảm với bài thơ ấy", Bàng Ái Thơ nói.

Về bài thơ đã đọc vào tháng 4/2011, Bàng Ái Thơ nhận xét: "Lúc đó, bài thơ có tên là Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình chứ không phải là Tổ quốc gọi tên". Thi sĩ nói bà không nhớ hết câu chữ bài thơ, nhưng phải giống bài thơ phổ biến hiện nay tới 75%. "Bài thơ đó trúc trắc, chứ không nuột nà như tác phẩm hiện tại". 

Sau đó Bàng Ái Thơ không lưu tâm tới bài thơ ấy nữa. Cho tới năm 2014, khi được biết tới ca khúc Tổ quốc gọi tên mình, bà cho rằng Đinh Trung Cẩn đã phổ nhạc bài thơ năm nào, nhưng thấy tên tác giả bài thơ là phụ nữ. Bà thắc mắc "sao trước đây tác giả là nam, mà giờ thành ra nữ" thì bạn văn cho rằng một người có nhiều bút danh nên Ái Thơ không lên tiếng. 

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Ái Thơ khẳng định đã đọc tác phẩm "Tôi nghe tổ quốc gọi tên mình" của một người lính tháng 4/2011.

Bàng Ái Thơ bảo tới nay bà quyết định lên tiếng vì thấy sự việc chưa ngã ngũ mà nhiều người đã có những lời ác ý dành cho Ngô Xuân Phúc. "Tôi biết tới đâu thì nói tới đó, và hy vọng sự việc được giải quyết nhẹ nhàng, theo tinh thần nhân văn" - nhà thơ nói.

Nhà thơ Anh Vũ, người lấy bài thơ trên mạng đưa cho Bàng Ái Thơ đã qua đời năm 2014. Anh Nguyễn Trung Kiên - người chuyển tập tài liệu của Anh Vũ tới Ái Thơ - xác nhận: "Tôi nhớ chính xác tháng 4/ 2011 có chuyển tập bản thảo, tài liệu từ nhà thơ Anh Vũ ở Bắc Giang tới Bàng Ái Thơ". Trên trang cá nhân, anh viết: "Trước anh linh của nhà thơ Anh Vũ, với tư cách của người trong cuộc tôi xin lấy toàn bộ danh dự và uy tín của mình ra để bảo đảm rằng tất cả chia sẻ của nhà thơ Bàng Ái Thơ đều là sự thật".

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trả lời ngắn gọn: "Tôi giữ nguyên ý kiến trước đây, khẳng định rằng bài thơ Tổ quốc gọi tên do tôi viết. Tôi chưa từng được xem bài thơ nào tương tự như vậy".

Bài thơ Tổ quốc gọi tên lâu nay được biết với tên tác giả là Nguyễn Phan Quế Mai, được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành bài hát Tổ quốc gọi tên mình. Sau đó, tác phẩm được đưa vào tập thơ phát hành hồi tháng 7 của Nguyễn Phan Quế Mai.

Ngày 29/8 vừa qua, ông Ngô Xuân Phúc (Vinh, Nghệ An) lên tiếng cho rằng mình mới là tác giả bài thơ, và tác phẩm được ông viết năm 2008, khi còn là một quân nhân. Bài thơ đăng trên trang mạng xã hội My Space, nhưng ông Phúc đã xóa trang này, vì thế không còn bằng chứng gì.

Phản ứng lại thông tin đó, Nguyễn Phan Quế Mai nói chị viết bài thơ vào tháng 6/2011, trên một chuyến bay sang Đức. Bài thơ ngay sau khi sáng tác đã được gửi tới báo Hà Nội Mới vào ngày 20/6/2011. Quế Mai nói việc làm của ông Phúc là "vu khống" và đến ngày 10/10 nếu ông Phúc không xin lỗi công khai, chị sẽ đưa vụ việc ra tòa.

-----------

Bàng Ái Thơ sinh năm 1958 tại Hà Nội, là con gái nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên và là cháu nhà thơ Bàng Bá Lân - tác giả hai câu thơ "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là ca dao.

Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống thơ ca và hội họa, Bàng Ái Thơ bắt đầu làm thơ khi mới lên 8 tuổi, có thơ đăng cùng thời với Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ... Cũng ngay từ tuổi thiếu niên, Bàng Ái Thơ tập vẽ với toan, cọ. Hiện bà sống tại Hà Nội.

Một số tác phẩm thơ của Bàng Ái Thơ như Sớm mai xuân, Ánh sáng từ viên sỏi, Trở lại mình, Cát loãng, Mắt lặng...

 

Tác giả: Nông Hồng Diệu

NHẠC SĨ TRẦN TIẾN LÊN TIẾNG

VỤ “ĐẠO THƠ: CÓ GÌ MÀ ỒN ÀO!

Làng văn mùa giãn cách xã hội bỗng sôi nổi khi nhà thơ Trần Mạnh Hảo bất ngờ lên tiếng: Bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá “đạo” ca từ bài “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến. Có người đứng ra “bênh” Văn Giá, thậm chí còn nhân tiện “soi” Trần Mạnh Hảo cũng “đạo” thơ của những tác giả lẫy lừng. Trần Mạnh Hảo phản bác lại… Cuộc tranh luận đã đi quá xa. Giữa lúc này nhạc sỹ Trần Tiến lên tiếng: “Bài ca của tôi là bông hoa dâng tặng cuộc đời. Ai thích cứ lấy!”

CHỈ LÀ ẢNH HƯỞNG

Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến mở đầu bằng những câu: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi/ Hà Nội cái gì cũng buồn/ Buồn thương đến thế mùa thu ơi/ Hà Nội cái gì cũng vui/ Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè”.

Và đây là những câu đầu trong “Mùa thi đổ lửa” của nhà thơ Văn Giá: “Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu/ Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi/ Ở Quảng Trị cái gì cũng héo/ Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi/ Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm/ Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi/ Cô giáo coi thi xe máy về phố thị/ Xe tải tông ngang/ Nấm mộ chân đồi”.

Bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá đăng trên báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, ngày 3 tháng 7 năm 2021. Trên số báo này Văn Giá được chọn một chùm thơ gồm 3 bài, trong đó có “Mùa thi đổ lửa”. Người vinh dự được chọn thơ cho báo Văn nghệ, bộ mới, số 01, chính là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Việt Chiến. Ông chia sẻ: “Tôi không biết bài hát của Trần Tiến”. Lý do Nguyễn Việt Chiến chọn “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá để đăng, chỉ đơn giản là: “Bài thơ rất hay”. Ngay đến bây giờ, khi cuộc tranh luận Văn Giá “đạo” hay không “đạo” ca từ Trần Tiến nổ ra, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn bảo lưu ý kiến đánh giá về “Mùa thi đổ lửa”. Ông xin đính chính: “Bài thơ của anh Văn Giá có tên “Mùa thi đổ lửa”, chứ không phải “Mùa thi đỏ lửa” như một số người đang nhầm”. Nhà thơ Văn Giá cũng khẳng định: “Bài thơ của tôi có tên Mùa thi đổ lửa”. Vì một số người nhầm bài thơ của Văn Giá là “Mùa thi đỏ lửa” nên lại khoác thêm cho anh “tội” mới: Văn Giá mô phỏng ý “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam.

Quay lại cuộc tranh luận “Mùa thi đổ lửa” “đạo” hay không ca từ Trần Tiến. Người tuyển chọn thơ Nguyễn Việt Chiến, sau đó, đã tìm “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến để tham khảo ca từ. Ông đưa ra nhận xét: Có sự giống nhau giữa mô-tip, mô thức thơ giữa hai tác phẩm. Nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Trần Tiến nói về Hà Nội. Văn Giá nói về Quảng Trị. Để làm rõ thêm cuộc tranh luận, Nguyễn Việt Chiến kể: “Trang thơ tôi chọn gồm có nhiều tác giả: Ly Hoàng Ly, 6 bài; Văn Giá, 3 bài; Hoàng Thụy Anh, 3 bài; Lâm Huy Nhuận, 3 bài. Lúc đầu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng, trang thơ ấy chỉ có mấy bài hay thôi. Trong đó Trần Mạnh Hảo đánh giá cao bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá và 3 bài của Lâm Huy Nhuận. Còn tác giả khác bị chê lung tung. Nhưng ngày hôm sau, Trần Mạnh Hảo lại lật ngược vấn đề, “đập” luôn Văn Giá”.

Hỏi nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông giải thích: “Mới đầu tôi khen 3 bài của Lâm Huy Nhuận và bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá. Về sau tôi đọc kỹ lại, tôi nhớ ra Trần Tiến có bài “Ngẫu hứng phố”. Trần Mạnh Hảo nói thêm: “Nếu không đạo bài của Trần Tiến thì Văn Giá đã kiện Trần Mạnh Hảo ra tòa”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Anh có ý kiến gì khi Trần Mạnh Hảo nói anh “đạo” Trần Tiến?”, nhà thơ Văn Giá đáp: “Không có ý kiến gì”. Một người ngoài cuộc quan sát cuộc tranh luận này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cho rằng: Nên gọi là ảnh hưởng thì đúng hơn là “đạo”. Văn Giá mô phỏng cấu trúc bài hát “Ngẫu hứng phố”. Nhà thơ Trần Tuấn trên Văn Học Sài Gòn cũng nêu ý kiến của mình: Theo anh, Trần Mạnh Hảo hơi quá lời. Trần Tuấn công nhận “Mùa thi đổ lửa” có một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt ở phần đầu của ca khúc “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến .

CÓ GÌ MÀ ỒN ÀO

Cũng có một số cây bút đứng về phía Trần Mạnh Hảo, lên án Văn Giá khá gay gắt. Nhà thơ Trần Nhương dự đoán cuộc tranh luận “sẽ rất hot” giữa mùa dịch. Nhưng có lẽ, “Trần Ham Vui” (nickname của Trần Nhương) đã nhầm. Người có ý nghĩa nhất trong cuộc tranh luận này đã lên tiếng. Nhạc sỹ Trần Tiến không hề biết chuyện làng văn đang tranh luận bài “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá “đạo” ca từ “Ngẫu hứng phố” của ông. Ông không muốn “đổ thêm dầu vào lửa”: “Tôi không đánh giá bài thơ đó “đạo” hay không. Bởi vì bài hát của tôi để tặng cho mọi người. Tôi giữ làm của riêng làm gì đâu? Ai muốn dùng làm gì thì dùng. Muốn nghĩ thêm cái gì thì nghĩ. Bởi cuộc đời ngắn lắm. Giữ bản quyền làm gì cho khổ”.

Tác giả “Ngẫu hứng phố” chia sẻ thêm: “Người ta lấy ca từ của tôi nhiều lắm, nào sắc màu tình yêu, sắc màu quần áo hay thành phố trẻ chẳng hạn… Người ta cũng lấy giai điệu nọ, giai điệu kia của tôi. Nhưng tôi không phản ứng. Tôi viết để cho mọi người, tặng mọi người”. Quan điểm của Trần Tiến: “Viết không phải là sản phẩm của cá nhân. Nếu viết là sản phẩm của cá nhân thì không phải viết mà là sản xuất. Sản xuất thì tạo ra thành phẩm, thành phẩm mang bán, được tiền. Nhạc phẩm của tôi không phải thành phẩm. Nhạc phẩm của tôi là những bông hoa mang tặng mọi người. Mọi người thích vứt đi thì vứt. Mọi người thích mang về bày thì bày. Nếu thấy thơm hãy hôn nó. Thế thôi. Có gì đâu?”.

Trong mắt Văn Giá, nhạc sỹ Trần Tiến là “một tài năng lớn, một nhân cách lớn”. Anh nói: “Tôi chơi guitar, thỉnh thoảng ôm đàn hát bài của Trần Tiến mà”.

Sự ra đời của “Ngẫu hứng phố” từng được nhạc sỹ Trần Tiến chia sẻ trong Liveshow “Chuyện tình”, tôn vinh âm nhạc Trần Tiến và Thanh Tùng. Ông kể: Một lần ra Hà Nội chơi, ông cùng với người bạn thân là nhạc sỹ Nguyễn Cường đi ăn. Trong túi Nguyễn Cường chỉ có 7 ngàn đồng nhưng cả hai đã cùng nhau đi ăn bánh cuốn, xôi, bún ốc… Ăn xong tự nhiên ông ngân nga: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất là mày thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có quí nhất là tình người thôi”. Sau đó, “Ngẫu hứng phố” ra đời, câu chữ được sửa sang ít nhiều: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi”…

 

Tác giả: Phạm Tuấn

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI TÁC GIẢ TRẺ

BỊ TỐ CÁO “ĐẠO VĂN”

Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam là cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" vừa bị tố cáo đạo văn.

Đạo văn trong sách dự án Nhà nước đặt hàng

Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên, đã được công bố khá long trọng vào tháng 1/2022. Tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ có nhà tài trợ, nên tiền thưởng gấp rưỡi tác phẩm chính thức hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Đáng tiếc, một trong 5 tác phẩm đoạt giải Tác Giả Trẻ lại đang vướng vào nghi án đạo văn.

Cuốn “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang được trao giải thưởng Tác Giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với tiểu thuyết “Nắng thổ tang” của Đinh Phương, tập thơ “Yao” của Lý Hữu Lương, tập thơ “Con người” của Phương Đặng, và tập dịch “Truyện Kiều” từ tiếng Việt sang tiếng Anh của Nguyễn Bình.

Cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật" của Vũ Thị Trang dày 416 trang, chia làm 4 phần: “Ba khuynh hướng phê bình phân tâm học” gồm hai chương, “Ba chiều kích không gian ám ảnh nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng” gồm bốn chương, “Ám ảnh tự do – Xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại” gồm hai chương và “Cấu trúc tam tầng – Ba ám ảnh nghệ thuật tiêu biểu trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại” gồm ba chương.  

Tác giả Vũ Thị Trang sinh năm 1986, có học vị Tiến sĩ, hiện đang là Phó khoa Văn học ở Học viện Khoa học xã hội. Cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” cũng được trao tặng thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Thế nhưng, cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” bị nghi ngơ đạo văn từ Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh sinh năm 1978, là cán bộ Phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện Văn học.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh chia sẻ: "Khi đọc phần 3 cuốn sách "Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” từ trang 199 đến trang 272 thì thì tôi “tá hỏa”. Vì trong phần này Vũ Thị Trang đã lấy rất nhiều kết quả nghiên cứu của tôi trong đề tài cấp Bộ có tên gọi “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” nghiệm thu năm 2019 mà không hề chú thích hay xin phép tôi”.

Đề tài cấp Bộ có tên gọi “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” do Tiến sĩ Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm, các thành viên tham gia là Đỗ Lai Thúy, Đỗ Hải Ninh, Nguyễn Mạnh Tiến, Nông Thị Nhung, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, tổ chức chủ trì đề tài là Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Vì sao kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh lại vô cớ “nhảy bổ” vào cuốn sách của Tiến sĩ Vũ Thị Trang và được vinh danh? Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh cho rằng: “Sau khi nghiệm thu đề tài, Vũ Thị Trang đã đưa công trình tập thể này in tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội, với tên sách là “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” nhưng chỉ đề tên một mình Vũ Thị Trang là tác giả trên bìa sách. Chương 2 tôi viết trong đề tài thì Vũ Thị Trang đã đổi tên khác, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một số đoạn mà không hề xin phép và gửi lại văn bản để tôi xem. Nội dung cơ bản vẫn là những phần tôi đã viết”.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh nhấn mạnh: “Tuy tên các tiểu mục đã được thay đổi, có viết thêm một số phần, đảo vị trí các đoạn và một số chỗ diễn đạt lại nhưng Vũ Thị Trang đã sao chép các đoạn tôi viết đưa vào sách với khoảng hơn 40 đoạn, tương đương hơn 11.700 chữ, chiếm khoảng hơn 60% của phần 3 trong sách đoạt giải thưởng Tác Giả Trẻ và được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương”.

Tiến sĩ lấy công trình của Tiến sĩ để in thành tác phẩm và ứng thí giải thưởng là một hành vi không thể chấp nhận. Thiết nghĩ, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương cần nhanh chóng phối hợp với Học viện Khoa học xã hội để làm rõ những khuất tất xung quanh cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật” nhằm lấy lại uy tín cho giải thưởng và trả lại đạo đức học thuật cho cộng đồng.

 

Tác giả: Xuân Dương

VỤ KIỆN “ĐẠO VĂN” VÀ ĐẠO ĐỨC NGƯỜI THẦY

Dù bị xử lý bằng hình thức gì thì những người “đạo” ấy cũng đã tự đánh mất mình, chẳng ai nghĩ thêm chuyện kiện cáo để quảng bá thương hiệu.

Vụ ông Hoàng Xuân Quế, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định tước bằng tiến sĩ của ông do nghi án “đạo văn” trong luận án tiến sĩ những tưởng sẽ  kết thúc bằng biện pháp hòa giải, như trường hợp trường Cao đẳng Asean kiện Thanh tra Bộ. 

Tuy nhiên, cả hai bên đều không có ý định hòa giải nên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định mở phiên tòa vào ngày 28/7/2014, phiên tòa phải dời sang ngày 4/8/2014 do vắng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 4/8 phiên tòa lại phải hoãn tiếp vì bên nguyên, ông Quế bị ốm không thể tham dự.

Trên thế giới, chuyện “đạo văn” không hiếm, chỉ trong vòng 2 năm, hai vị bộ trưởng của liên minh cầm quyền Cộng hòa liên bang Đức đã phải từ chức vì đạo văn trong luận án tiến sĩ. Ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố từ chức sau khi từ bỏ vĩnh viễn học vị tiến sĩ. 

Tờ Suddeutsche Zeitung khẳng định: “Ông Guttenberg đã sao chép từng chữ một đoạn văn từ một bài báo và một đoạn khác từ một bài giảng mà không ghi nguồn trong khi nhiều đoạn khác không được ghi nguồn chính xác”. 

Bà Schavan (Bộ trưởng Giáo dục Đức) đã bị trường đại học cũ tước bằng tiến sĩ vì đã có hành động đạo văn trong luận án "Con người và Lương tâm" hơn 30 năm trước. [1]

Kho tàng kiến thức của nhân loại được hình thành bằng sự kế thừa, phát triển thành tựu của các thế hệ trước. Việc trích dẫn, sử dụng các tài liệu đã có là chuyện hết sức bình thường với bất kỳ bài báo, luận án hoặc công trình khoa học nào. Vấn đề ở đây là đạo đức người làm khoa học, trích dẫn cái gì, trích dẫn của ai phải công bố cho mọi người biết, thậm chí chỉ cần trích dẫn ba, bốn từ liền nhau từ một tài liệu khác cũng phải để trong dấu ngoặc kép. 

Nếu không công bố tài liệu tham khảo thì người đọc buộc phải hiểu rằng tất cả công trình đó là sáng tạo riêng của tác giả, bản quyền thuộc về tác giả. Khi phát hiện một người sao chép của người khác mà không ghi chú, người Việt dùng một từ hoa mỹ là “đạo văn” còn nói theo kiểu dân gian là “ăn cắp”.

Chuyện một công dân kiện lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, cấp bộ không nên xem là điều gì ghê gớm, đó là cách xử lý vụ việc của công dân trong một nhà nước pháp quyền. 

Vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định tước bằng tiến sĩ của ông cũng là chuyện bình thường, vấn đề là ông Quế và một số người hướng dẫn, phản biện đang cố chứng minh rằng ông Quế không hề đạo văn, còn các cơ quan chức năng, thì lại có kết luận khác.

Đánh giá đúng sai về chuyện của ông Hoàng Xuân Quế là thuộc quyền của cơ quan điều tra và tòa án. Những phát ngôn có tính định hướng dư luận xã hội nên được đưa ra một cách thận trọng. Người viết thấy tiếc vì một vài người (trong đó có cả nhà giáo ưu tú) và một vài trang báo đã đưa ra những ý kiến chủ quan kiểu như: “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đối mặt với một vụ kiện và có thể là bên thua cuộc”. [2]

Thua hay thắng là việc của tòa án, vì vụ việc đang được tòa thụ lý, nếu sau phiên tòa mà các bên chưa thỏa mãn thì vẫn có thể theo đuổi đến cùng. Chỉ có điều tung ra một kết luận bâng quơ: Bộ trưởng “có thể là bên thua cuộc” chưa chắc đã là cách nói bâng quơ không thiên vị bên này, bên kia.

Trước tòa, chỉ có bên nguyên - ông Hoàng Xuân Quế và bên bị - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên vụ việc còn liên quan đến nhiều người khác.

Thứ nhất: Người tố cáo

Luật Tố cáo quy định không được công bố danh tính người tố cáo, tuy nhiên nhiều bài báo cho biết danh tính và tập trung chỉ trích đối tượng này. 

Không thể không đặt câu hỏi: Người tố cáo đã biết việc ông Hoàng Xuân Quế “sao chép” một phần luận án của người khác từ năm 2003, tại sao mãi đến năm 2013 mới tố cáo? Phải chăng người tố cáo muốn dùng “sự kiện” này như một vũ khí, một “con bài” để khống chế đối tượng, chỉ đến khi không thể khống chế được mới tung đòn tố cáo? Cần nhớ rằng hành vi biết kẻ vi phạm pháp luật và các quy định thành văn khác mà không tố cáo là một tội đã quy định trong luật. 

Hai con người, hai số phận trớ trêu lại song hành cùng một thời điểm. Tại Bắc Giang, vì không có người tố cáo tội phạm (cha và mẹ kế của kẻ phạm tội đều biết con mình là thủ phạm) mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm, vừa được minh oan và đang đòi bồi thường 10 tỷ đồng. 

Còn tại Thủ đô, nếu tòa tuyên Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng thì có nghĩa là hành vi “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế là sự thật. Nếu  như thế thì nhờ việc không bị tố cáo trong 10 năm, ông Quế đã từ một cử nhân trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, để có học hàm này chắc chắn một số người đã kịp được ông biến thành thạc sĩ, tiến sĩ… Gia đình ông hẳn sẽ thấy tự hào khi tên ông được xướng lên ở Văn Miếu khi nhà nước tổ chức vinh danh các tân Giáo sư, Phó Giáo sư.

Ở Bắc Giang, bố nghi phạm, người biết mà không tố cáo rốt cuộc sau 10 năm đã bị bắt giữ, điều tra, còn tại Hà Nội, người “ém” chuyện đạo văn suốt 10 năm trời liệu có được vô can nhờ vào “tình tiết giảm nhẹ” là đã tố cáo sau 10 năm đấu tranh, suy nghĩ?

Nếu ông Hoàng Xuân Quế được tòa tuyên là không sai phạm thì người tố cáo đã phạm tội vu cáo, xúc phạm nhân phẩm người khác. 

Bất kể trường hợp nào xảy ra với ông Quế thì người tố cáo cũng không vô can, cũng không thể nói là trong sạch.

Thứ hai: Người bị tố cáo

Tại thời điểm bảo vệ năm 2003, luận án được Hội đồng đánh giá là xuất sắc, điều này hiển nhiên dẫn tới một suy luận logic rằng ông Quế là người đủ minh mẫn, đủ năng lực làm chủ bản thân. 

Vậy tại sao các luận án nộp cho Thư viện Quốc Gia, thư viện trường Kinh tế Quốc dân và bản nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án (bản này lưu tại Thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) lại bị nhầm? (một số báo còn nói rằng đó là bản nháp). Nếu quả thật nộp nhầm thì khi biết bản chính còn lưu trữ ở nhà sao ông Quế không nghĩ đến chuyện đổi lại? Có phải ông cho rằng bản nộp cho thư viện không có gì quan trọng, nộp cho xong chuyện?

Nếu một tiến sĩ không biết luận án tiến sĩ của chính mình nộp cho các cơ quan chức năng (theo quy định pháp luật) là bị nhầm thì chỉ có thể kết luận hoặc cố tình nộp nhầm hoặc có vấn để về việc làm chủ bản thân. Nói như vậy bởi vì 10 năm qua tác giả không hề có hành vi đính chính việc nộp nhầm, chỉ đến khi bị tố cáo mới xin nộp “bản chính”. 

Với hành vi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra tòa, chắc chắn ông Quế còn đủ minh mẫn, còn làm chủ được bản thân, vậy thì chỉ có thể kết luận ông đã cố tình nộp một luận án với nhiều nghi vấn cho thư viện. 

Ngày 10/7/2013, nghĩa là sau 10 năm, ông Hoàng Xuân Quế mới tìm thấy và nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo luận án chính thức, không những thế ông còn có cả hóa đơn mà cửa hàng photocopy xác nhận đã photo luận án cho ông? 

Vấn đề là trong luận án “mới” mà ông Hoàng Xuân Quế nộp cho Bộ, vẫn có nhiều đoạn giống của ba tác giả khác chứ không phải chỉ của ông Mai Thanh Quế và liệu ông có ghi chú là tham khảo luận án của ba người này  hay không? 

Thứ ba: Những người ủng hộ ông Hoàng Xuân Quế

Báo Anninhthudo.vn ngày 28/10/2012 trong bài “Tiến sĩ ơi là tiến sĩ ơi” có đoạn: “Các nghiên cứu sinh hiện tại thường né tránh các đề tài nghiên cứu nghiêm túc. Thay vào đó, họ chọn các công trình nghiên cứu nhẹ nhàng nhưng nấp bóng các nhà khoa học đang giữ công tác lãnh đạo hoặc các giáo sư đầu ngành để dễ thông qua. Đó là chưa nói đến việc mua chuộc bằng tiền vì ở Việt Nam hiện tại không có cái gì mà người ta không mua được”. 

Trong số những người bảo vệ ông Hoàng Xuân Quế, có người mà một trang báo gọi là “phản biện kín” luận án của ông Quế, bài báo viết: “Bà nhận được đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phản biện kín luận án tiến sỹ với đề tài "Hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam", sau này bà mới biết đó là luận án của anh Hoàng Xuân Quế” [3]. 

Không biết tác giả bài báo có nhìn thấy bản luận án mà ông Quế nộp cho phản biện không? Nếu đó là một bản luận án chính thức chuẩn bị bảo vệ thì chẳng lẽ ông Quế (hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xóa tên ông  trên trang bìa? Hay là ông Quế cũng nộp “bản nháp” cho phản biện nên không ghi tên? Chỉ khi trên luận án không ghi tên thì “sau này bà (phản biện) mới biết đó là luận án của anh Hoàng Xuân Quế”. 

Sáng tác này không biết có bao nhiêu người tin chứ người viết thì cho rằng tác giả bài báo và bà phản biện đã quá coi thường nhận thức của người đọc.

Liệu những người hiện nay đang đứng ra bảo vệ cho ông Quế có dám khẳng định rằng, 100% các trang luận án mà ông Quế nộp cho cơ quan chức năng vào tháng 7/2013 đúng là luận án được in vào năm 2003 hay không? 

Có nhiều cách để tìm ra sự thật, ví dụ năm 2003 chắc chắn ông Quế đã dùng phiên bản Office 2003 hoặc các phiên bản ra đời trước năm 2003 để soạn thảo luận án. Không quá khó để các chuyên gia Tin học phân biệt những trang, đặc biệt là các biểu đồ, hình ảnh sử dụng phần mềm Office 2003, Office 2007 hay Office XP… bởi các công cụ trợ giúp đã được nâng cấp khá nhiều trong từng phiên bản. Những người làm công tác văn phòng chắc chắn biết năm 2003 trở về trước Font chữ (kiểu chữ) thông dụng ở miền bắc là font gì và 10 năm sau (2013) là font gì. 

Nếu bộ font trong các trang in của luận án có sự khác nhau, chẳng hạn có fonrt Times New Roman thì có thể kết luận chúng được in ra khi nào. Nếu xác định được một trang của bản “luận án chính thức” mới nộp được hoàn thành sau năm 2003 là đủ kết luận nó đã bị giả mạo.

Thứ tư: Người bị “đạo văn”

“Bị hại” trong vụ việc là ông Mai Thanh Quế, luận án của ông được coi là bị ông Hoàng Xuân Quế “sao chép một phần”. 

Báo Nguoicaotuoi.org.vn ngày 24/10/2013 viết: “Trong trường hợp này, nếu ông Hoàng Xuân Quế có lấy 30% nội dung luận án của ông Mai Thanh Quế thì cũng là bình thường, khi được phép của tác giả”. Ông Mai Thanh Quế cũng có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận: “Ông Hoàng Xuân Quế có hỏi tôi về chuyên môn… Anh có mượn luận án của tôi và xin phép tôi sử dụng một số kết quả nghiên cứu của tôi đã công bố trong luận án và tôi đồng ý”. Nếu thông tin của báo là đúng thì ông Hoàng Xuân Quế đã có trao đổi với ông Mai Thanh Quế về việc sử dụng một số kết quả trong luận án của ông Mai Thanh Quế.

Cũng bài báo này trích dẫn ý kiến của người hướng dẫn luận án ông Mai Thanh Quế: “Thông tin cho rằng luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế trùng lặp nguyên văn với một số phần luận án tiến sỹ của Mai Thanh Quế là không có cơ sở".

Hai nhân vật (một người là nghiên cứu sinh - một người là giáo viên hướng dẫn), người bảo đã đồng ý cho ông Hoàng Xuân Quế “sử dụng” một số kết quả của mình (và thực tế so sánh đã cho thấy đúng như vậy), người bảo “kết luận trùng lặp là không có cơ sở”. Vậy dư luận nên tin ai, chẳng lẽ các tác giả bài báo trích dẫn nhầm?

Nhân tiện xin giới thiệu ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học New South Wales, Úc: “Tôi mới xem qua phần kết quả của luận án “Giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” có một phần kết quả mà tác giả copy toàn bộ output từ một phần mềm thống kê bao gồm cả những thuật ngữ tiếng Anh phức tạp như R-squared, Sum squared resid, S.D. dependent var,… Đây quả là luận án cấp tiến sĩ mà tôi chắc chắn các đại học như Harvard hay MIT không thể có được” [4]. 

Ý kiến mà Giáo sư Tuấn nêu trên là nói về luận án của ông Mai Thanh Quế. Đáng chú ý ở đây không phải là về phần mềm thống kê mà là đánh giá của Giáo sư Tuấn về chất lượng luận án tiến sĩ đào tạo trong nước. Không phải chỉ Giáo sư Tuấn mà dư luận trong nước hầu như đều thống nhất nhận định, rằng trình độ của đa số tiến sĩ đào tạo trong nước còn lâu mới so được với trình độ tiến sĩ trên thế giới.

Hai vị bộ trưởng của Đức không bị xử lý hình sự vì đạo văn, họ tự nguyện từ chức vì cảm thấy không còn uy tín trước cộng đồng. Cả hai người này cũng chỉ sao chép một số đoạn trong công trình của người khác mà không ghi chú.  

Một số nước tất cả các loại “đạo” từ ý tưởng, đến mẫu mã, câu văn, bản nhạc được xử lý theo luật bản quyền chứ không phải luật hình sự. Dù bị xử lý bằng hình thức gì thì những người “đạo” ấy cũng đã tự đánh mất mình, chẳng ai nghĩ thêm chuyện kiện cáo để quảng bá thương hiệu. 

Người viết cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại một cách nghiêm túc chất lượng luận án tiến sĩ đào tạo trong nước, đặc biệt là luận án thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. 

Có mười tiến sĩ giỏi hơn là có một nghìn tiến sĩ “rởm”. Đào tạo quá nhiều tiến sĩ chất lượng thấp thực sự là một sự lãng phí ghê gớm của cải xã hội, với các tiến sĩ “rởm” chúng ta sẽ có những thầy giáo, phó giáo sư, giáo sư “rởm”, đến lúc này thì không còn là sự lãng phí mà là tội lỗi với đất nước, với hậu thế.

Nếu tòa ra phán quyết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm đúng thì một câu hỏi sẽ xuất hiện, đó là tất cả những người liên quan, như đã phân tích trên, có liên đới chịu trách nhiệm? Dù họ không bị ra tòa dân sự thì cũng đối mặt với tòa án lương tâm, đạo đức và họ liệu có nên tiếp tục đứng trên bục giảng, tiếp tục hướng dẫn các nghiên cứu sinh khác?

---------

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/Bo-truong-Giao-duc-Duc-tu-chuc-vi-dao-van/56901.vtv #sthash.m3lHrIJq.dpuf

[2] http://laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Chung-ta-la-cong-dan-khong-con-la-than-dan/146862.bld

[3] http://www.nguoiduatin.vn/toi-danh-gia-tot-ve-chat-luong-ban-luan-an-cua-anh-que-a107699.html

[4] http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/10/dao-van-van-de-cua-dao-duc-khoa-hoc.html

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyên Lạc0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Phan Quế Mai0

- Các bài viết của (về) tác giả Phan Huyền Thư0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

- ĐỖ ANH TUYẾN tổng hợp & giới thiệu -

(Cập nhật từ email dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 12.08.2022.

Ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét