TRÍ THỨC VIỆT BỊ MỸ ĐÈ...
Tiêu đề bài này
mượn của nhà giáo Thái Hạo: "Giáo
dục Việt Nam bị tủ đè". Tôi khen bài này, vì tác giả bắt đúng bệnh
giáo dục Việt Nam. Cái tủ, tức là "bài mẫu" đè lên từ người ra đề thi
đến thầy và trò, cho nên mới có chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả cơ quan chức
năng nhảy dựng đứng lên, điều tra, đe dọa, trừng phạt mấy nhóc sinh viên đoán
trúng đề.
Nhưng thường kẻ bắt
đúng bệnh người khác thì không biết bệnh của mình. Cho nên trong y học mới có
châm ngôn: Chữa bệnh người không chữa được bệnh mình.
Đọc bài văn Thái
Hạo khen quyển sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam của Andrea Hoa
Pham, thấy bệnh anh (và không chỉ anh, rất nhiều trí thức), nặng đến mức, không
bị tủ Việt đè thì cũng bị tủ Mỹ đè cho đến còng lưng, rạp người xuống như mấy quan
thái giám thời phong kiến.
Kể từ khi có trào
lưu ghét, bài trừ chế độ cộng sản, nhiều trí thức tỏ ra thức thời, cái gì của
Việt cũng chê, cái gì của Mỹ cũng khen, như thể cứt Mỹ thì thơm hơn cơm cộng
sản vậy! Mà nhiều khi lại là Mỹ dỏm (mà Mỹ gốc Việt thì khả năng dỏm nhiều
hơn), nên mới có chuyện bọn Mỹ nó lừa bán cả bằng tiến sỹ.
Bài văn của Thái
Hạo, đúng nghĩa phê bình, nhưng phê bình theo nhị nguyên luận ở trên: khen công
trình Mỹ và chê công trình Việt. Khen lấy được, và chê cũng lấy được. Không có
lý lẽ và dẫn chứng nào để tỏ ra hiểu biết về học thuật. Toàn tán ba hoa chích
chòe, nhưng lại được nhiều người tán dương là "văn đẹp". Không khác
báo chí khen mấy câu văn sến súa, sáo rỗng của đám học trò thi tốt nghiệp phổ
thông vừa rồi. Không chừng văn Thái Hạo lại thành văn mẫu, mẫu mới cho tư tưởng
cải cách của những nhà dân chủ, gọi là Văn Việt hay Văn đoàn độc lập! Khổ thân
trí thức Việt, thoát ra khỏi cái tròng này thì tự chui vào cái tròng khác.
1.
Thái Hạo khen, công
trình của giáo sư người Mỹ gốc Việt là "thú vị" và "gây bất
ngờ". Lý lẽ đơn giản là "khác
với những đoán định từ trước đến nay vẫn cho rằng giọng Quảng Nam là do người
Chăm nói tiếng Kinh mà thành! Nay, với những bằng chứng ngôn ngữ học, tác giả
Andrea Hoa Pham công bố một kết luận khác: nó là giọng được mang từ Thanh Hóa,
Nghệ Tĩnh vào". Hóa ra cái sự bất ngờ đơn giản là điều ai cũng biết,
người dân vô học ở xứ Quảng cũng biết, trong gia phả nhà họ còn ghi họ di dân
từ Thanh, Nghệ kia mà? Có lẽ ý của Thái Hạo là bất ngờ với trẻ con khi cha mẹ
chưa nói cho chúng biết nguồn gốc của dòng họ nhà chúng?
Tôi đọc Andrea Hoa
Pham thấy ghi "Khi vào đất Quảng
Nam, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ”. Cái chân lý
đơn giản này mà mất 25 năm nghiên cứu ư? Đứa bé ngốc nghếch nhất khi nghe giọng
ai đó cũng biết người đó từ đâu đến. Thời bé ở quê tôi, những trẻ trâu vừa nghe
ai đó trọ trẹ là đã thốt lên "dân Bắc kỳ". Có cần đọc một công trình
của một nhà ngữ âm học Mỹ mới biết không?
Quê tôi cũng có mấy
con dâu xứ Quảng, không đứa trẻ nào không phân biệt giọng Quảng với giọng Bắc.
Thế mới gọi là tiếng địa phương. Hay là theo Thái Hạo, phát minh giọng Quảng có
gốc Bắc cũng tương đương phát minh của Darwin, rằng tổ tiên của loài người là
con vượn, và như vậy, không cần phân biệt người và vượn?
2.
"Bằng chứng ngôn ngữ học" nào vậy?
Đây là bằng chứng sao? "Nó bất ngờ
và sẽ còn bất ngờ rất lâu nữa với những độc giả không chuyên, thậm chí còn gây
ra những cãi cọ rất buồn cười ở nhiều người do bập bõm về tri thức ngôn ngữ
học. Đây là một công trình khoa học, không phải là tản văn chuyên chở những ý
tưởng lãng mạn bay bổng. Có rất nhiều trang trong cuốn sách này là không thể
đọc được đối với người không có chuyên môn sâu về âm vị học và ngôn ngữ học nói
chung". Sao giống Sơn Đông mãi võ hay quảng cáo cao đơn hoàn tán vậy?
Cứ tự ngợi ca mình rồi chê người khác hèn kém, bọn Sơn Đông mãi võ từng bị các
cao thủ đấm vào mặt đấy. Bây giờ mà quảng cáo sản phẩm của mình chê sản phẩm
của người khác lộ liễu cũng bị cấm hay bị kiện đấy!
Tạo mệnh đề “không A mà B” rồi phán B đúng, A sai,
sao giống câu văn được cho là “nổi da gà”,
“đốn tim” giám khảo mà học sinh thi
tốt nghiệp vừa rồi viết: “Văn chương chân
chính không phải là kiếp ve sầu ngắn ngủi sau một mùa hạ, cũng chẳng giống
những đóa hoa chóng tàn mỗi độ thu sang, mà đó là những nấc thang nâng tầm giá
trị nhân sinh, nghệ thuật trong tâm hồn con người qua dòng chảy của lịch sử…”.
Thái Hạo định làm văn mẫu mới để bán sách đấy à?
Tôi hiểu, sách của
Andrea Hoa Pham muốn phản biện nhà văn Hồ Trung Tú ở quyển sách “Có 500 năm như thế” chứ không phải
đối thoại với ma. Nhưng tại sao không dẫn cụ thể Hồ Trung Tú rồi đưa vào Tài
liệu tham khảo như một nhà khoa học tử tế, có đạo đức mà tự tạo ra mệnh đề có
tính tưởng tượng vu vơ không cần dẫn nguồn? Hay là nhà khoa học, có chuyên môn
sâu, thì có quyền xem nhà văn là cỏ rác? Thái Hạo còn mở rộng ra, không chỉ nói
Hồ Trung Tú lãng mạn viễn vông mà còn trịch thượng đến mức, xem thiên hạ đều
ngu hoặc bập bõm, không thể đọc được sách của Andrea Hoa Phạm rồi “cãi cọ rất buồn cười”.
3.
Có là chuyên môn
sâu thì thưa giáo sư, tiến sỹ Andrea Hoa Phạm, thưa nhà giáo Thái Hạo, mọi vấn
đề đều rất cần diễn giải cho mọi người hiểu chứ không thể trịch thượng theo tư
cách của các bậc tiên chỉ thời phong kiến: “Trẻ
con, đi chỗ khác chơi!” Cái giọng ấy không còn tồn tại trong giới khoa học
hiện đại, trừ đám giáo sư tự xưng là “sỹ
phu Bắc Hà” vẫn lên giọng khi tranh luận một vấn đề nào đó. Ngay từ cách
đây mấy thế kỷ, ngài Darwin muốn chứng minh tổ tiên con người là con vượn cũng
phải diễn giải cả ngàn trang cho người ta hiểu chứ không nói “chuyên môn sâu” thì không thể hiểu. Diễn
giải thuyết tương đối mấy trăm trang, Einstein cũng nói, ông đã nỗ lực hết
mình, còn nếu có điều gì khó hiểu là lỗi tại ông. Tôi không là thiên tài, mọi
vấn đề chuyên môn tôi đều cố gắng diễn giải dễ hiểu nhất, bạn đọc không hiểu,
tôi tự trách mình trước. Bởi chỉ có thể là nhà sư phạm yếu kém mới gây khó hiểu
cho mọi người.
Gì mà nói không có
chuyên môn sâu thì không thể hiểu được cái thứ khoa học vĩ đại là âm vị học?
Trong khi ông Hồ Ngọc Đại lẫn ông Nguyễn Minh Thuyết còn đưa cả âm vị học vào
sách tiểu học cho trẻ em khu biệt âm, lẽ nào Thái Hạo chưa học qua tiểu học mà
làm nghề giáo nên mới suy bụng ta ra bụng người, rằng khoa học này “không phải ai cũng hiểu được”? Cái thói
trịch thượng ấy có khác Bùi Hiền, Đoàn Hương khi đề xuất cải cách chữ viết đã
chê thiên hạ ngu, không hiểu mới ném đá vào thiên tài không? Đối với ngôn ngữ
học, sao không học nhà ngữ học F. Saussure, rằng muốn hiểu ngôn ngữ hãy học hỏi
từ người bản ngữ. Có thứ khoa học ngôn ngữ tách khỏi và đứng trên đầu người bản
ngữ? Khoa học của các ông bà không cần gắn với đời sống nên không cần ai hiểu?
Vậy sao các ông bà tự cho là “có chuyên
môn sâu” không tự đóng cửa, tự đọc tự khen nhau mà phải ra mắt sách rùm
beng?
4.
Cái gọi là khoa học
chuyên sâu ấy được Thái Hạo bốc thơm lên tận trời xanh, đến trời cũng bịt mũi.
“Âm vị học, ngôn ngữ học lịch sử là những
ngành học gần giống như toán học (cao cấp), nó đòi hỏi tính chính xác và giá
trị chân lý phổ quát; vì thế, những tri thức ấy chỉ dành cho một thiểu số các
nhà khoa học chuyên sâu. Rất may mắn, ngoài những nội dung có tính chuyên ngành
đó, cuốn sách còn mang đến những tri thức về lịch sử, di dân, văn hóa, về dân
tộc học…, với những chuyến đi điền dã gây cảm hứng phiêu lưu, đủ để hấp dẫn
chúng ta”. Thở ra câu này, tôi đoán chắc Thái Hạo là con ếch phình bụng lên
làm loa phường tuyên truyền cho âm vị học, ngôn ngữ học lịch sử và cả toán học
(cao cấp) mà không biết gì về các môn học đó.
Âm vị học chính
thức ra đời từ trường phái Ngôn ngữ học chức năng Prague, gồm những tên tuổi
Nikolay Trubetskoy, Roman Jakobson và các học giả khác trong thập kỷ trước Thế
chiến thứ hai, dùng để khu biệt đặc điểm, chức năng của các đơn vị cấu trúc nên
âm thanh của ngôn ngữ. Những người này từng có tham vọng dùng một hệ thống hạn
hữu các kí âm nhưng có thể ghi lại tất cả mọi âm thanh của mọi ngôn ngữ. Nhưng
rồi chính Jakobson thú nhận, điều đó là bất khả, vì hệ thống kí hiệu ấy không
thể trùng với mọi cách phát âm phức tạp của các dân tộc, các địa phương khác
nhau. Có nghĩa là âm vị học chưa bao giờ tự nhận là khoa học chính xác. Chính
Cao Xuân Hạo, người mà Lương Tử Tuấn tự cải tên cha sinh mẹ đẻ ra mình để lấy
tên thầy, ăn theo tên tuổi của thầy, cũng xác nhận, rằng âm vị học phương Tây
không thể kí âm cho tiếng Việt. Cao Xuân Hạo nhấn mạnh, mỗi âm tiết tiếng Việt
là một cấu trúc hòa điệu chặt chẽ, không thể phân tích âm đầu, nguyên âm, âm
cuối như âm tiết tiếng Tây. Ngay cả môn học mà Thái Hạo khoe như toán cao cấp
càng thú nhận không thể chính xác. Giới hạn giữa hai con số nguyên đã là vô hạn
(số thập phân) thì làm gì có chuyện toán học là khoa học chính xác và mang giá
trị chân lý phổ quát. Nghe Thái Hạo phán cứ như phán cho em bé lần đầu học toán
với số nguyên, và thầy Thái Hạo cứ như là Pythargore thời cổ đại vậy!
Khảo sát ngữ âm từ
giọng của một con người mà đem máy ra đo, rồi bảo chính xác thì đúng là tự hạ
thấp sự thẩm âm của cái tai mình. Tai người còn có thần kinh xử lý, cái tai của
máy thì không não, lẽ nào có loại khoa học không não? Lẽ nào Andrea Hoa Phạm
chỉ nhìn trên máy đo, thấy tiếng Quảng có tần số giống tiếng Thanh, Nghệ nên
kết luận hai giọng của hai địa phương là giống nhau như cha mẹ sinh con?
“Tri thức về lịch sử, di dân, văn hóa, về dân
tộc học…” ư? Xem từ buổi đầu khai phá xứ Đàng Trong, người Việt đã đuổi, đã
giết sạch người Chăm, xóa luôn cả tiếng nói, phong tục tập quán, di sản văn hóa
của người Châm là một thứ tri thức cắt xén, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ lịch
sử. Thưa, chuyện tàn sát người Chăm, đuổi người Chăm, phá hoại di sản của họ là
có, nhưng về sau, và chỉ ở bọn phong kiến độc tài, khát máu. Không thể gán cho
dân Việt di dân!
5.
Thái Hạo tỏ ra
khiêm tốn, rằng đọc văn Andrea Hoa Pham với “tư cách học trò”, nhưng viết lời quảng
cáo cứ như thầy chấm văn trò: “Cuốn sách
được viết bởi một giáo sư đại học Mỹ gốc Việt, dù xa quê hương đã lâu nhưng văn
phong tiếng Việt thì rất trong sáng, và đẹp. Có nhiều trang trong sách mang đến
cho người đọc những xúc cảm đặc biệt về quê hương và tiếng nói quê hương như
một tài sản vô giá, làm khơi dậy tình yêu tiếng Việt và yêu lịch sử các tộc
người anh em trên đất nước Việt Nam”. Có nghĩa là, tiếng Việt, dù của đứa
học trò xa quê hương, nhưng đã được giáo sư hóa, Mỹ hóa thì rất trong sáng và đẹp.
Cho nên mới có cái luận đề, “nhiều trang
trong sách mang đến cho người đọc những xúc cảm đặc biệt về quê hương và tiếng
nói quê hương như một tài sản vô giá, làm khơi dậy tình yêu tiếng Việt và yêu
lịch sử các tộc người anh em trên đất nước Việt Nam” mà phản đề sẽ là:
không có sách của Andrea Hoa Pham, người Việt trở nên vô cảm hoặc ngủ quên,
không biết yêu quê hương, yêu tiếng Việt là gì?
Thảo nào, nhìn các
hình ảnh tự chụp, tự sướng, tự khoe của các trí thức, tôi thấy cả đàn bâu quanh
cô Andrea Hoa Phạm, có người tự nhận là họ hàng, bạn thân, chắc là mùi cô ấy
thơm lắm? Trí thức mà sao giống dân quê thời vừa đổi mới, hễ cứ thấy Việt kiều
là bâu quanh, hít hà,... đáng thương thật!
Mà này Thái Hạo
thân mến. Thái Hạo giả vờ khiêm tốn viết: “đã
đọc cuốn sách này với tâm thế của một học trò” thì không thể có tư cách
khách quan đánh giá một công trình khoa học. Chỉ có mỗi tư cách bốc thơm thầy,
như thường thấy ở giáo dục Việt Nam. Là phận "học trò" thì cũng không có tư cách chê ai bập bõm chuyên môn
nhé!
6.
Lời cảm ơn này Thái
Hạo nên dành riêng và kín đáo cho bậc thầy Anderea Hoa Phạm mà Thái Hạo tôn
thờ, không nên công khai ra thành xúc phạm nhiều người: “Cảm ơn tác giả Andrea Hoa Pham vì một công trình tham khảo có giá trị
nhiều mặt, đặc biệt là sự chặt chẽ và nghiêm cẩn trong nghiên cứu nhưng không
độc đoán và “học phiệt” như càng ngày
càng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nhất là giữa bối cảnh mà mạng xã
hội đã gây nên “ảo tưởng thông thái” ở khắp nơi”. Tôi dám chắc, không có
cái gọi là độc đoán hay học phiệt giữa không gian mạng. Ở không gian mạng không
ai đủ quyền lực cưỡng bức hay áp đặt cho ai, trừ những kẻ hoang tưởng đòi làm
điều ấy. “Ảo tưởng thông thái” là có.
Nhưng nằm ở thiểu số, như Thái Hạo chẳng hạn. Thái Hạo khoe khoang, bàn đủ các
loại triết học, thần học, giáo dục học, ngôn ngữ học, công bằng mà nói, cũng có
vấn đề đúng, nhưng nhiều vấn đề chuyên sâu thì sai lè, bàn một hồi Phật không
ra Phật, ma không ra ma. Điếc không sợ súng, hợm hĩnh đến mức mồm sưng không
còn sợ bị vả mới gọi là “ảo tưởng thông thái”, chứ biết gì bàn nấy, không biết
thì học, không ai trách!
Tóm lại, anh có
quyền khen chê, nhưng phải có căn cứ khách quan của nhà khoa học, bởi toàn bài
anh nhân danh khoa học chứ không phải tay ngang ở chợ xổm. Bốc thơm cái này,
chê thúi cái kia, cũng là quyền, nhưng không thể vơ tất cả trong cái rọ chung
gọi là "lãng mạn bay bổng",
"không có chuyên môn", 'bập bõm" rồi công khai trên mạng
để dương dương tự đắc mình có thực tiễn, có hiểu biết, chuyên môn sâu. Quyền tự
do của anh không được xâm phạm tự do của người khác.
Tôi đồ rằng, khi
lên đường ra sân bay đi nhận giải thưởng Văn Việt hay Văn đoàn độc lập, Thái
Hạo không mang giấy tờ xe, bị công an xét hỏi, đã vênh váo mình là vĩ nhân, cho
nên mới có chuyện bị người ta đánh sưng mồm. Tôi không cổ súy bạo lực, nhưng sự
vênh váo ấy là đáng ghét. Mà xét đến cùng, lỗi bởi Văn Việt hay Văn đoàn độc
lập. Cũng giống như các giải thưởng nhà nước, giải Văn Việt đã làm cho nhiều
người rơi vào vĩ cuồng, dẫn đến hậu quả cái miệng làm hại cái thân chứ không
hẳn do cấm tự do ngôn luận!
------
Thái Hạo hay ai đó muốn phản biện bài này,
hãy bám vào từng luận điểm trong sự so sánh với bài của Thái Hạo. Chửi tôi ngu
như bò cũng được nhưng phải có chứng lý, tôi phục. Trịch thượng chê, chửi tôi
ngu, tôi sai như thánh phán thì tôi vứt vào sọt.
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CÔ SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
*
CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)
Địa
chỉ: Khoa GD Tiểu học
Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
.............................................................................................................
- Cập nhật từ messenger facebook Đinh Dũng ngày 02.08.2022.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét