MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

VẠCH TRẦN DÃ TÂM XUYÊN TẠC PHẬT GIÁO CỦA THÁI HẠO QUA BÀI VIẾT ‘CÚNG DƯỜNG’ - Tác giả: Lý Diệu Bích ; Vũ Quế Lâm giới thiệu

 

VẠCH TRẦN DÃ TÂM XUYÊN TẠC PHẬT GIÁO

CỦA THÁI HẠO QUA BÀI VIẾT

‘CÚNG DƯỜNG’

*

Vũ Quế Lâm giới thiệu

Tác giả: Lý Diện Bích - Nguồn: phatgiaodoisong

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

 

Gần đây, đã xuất hiện loạt bài viết xuyên tạc Phật giáo của Thái Hạo nhằm khiến cho cộng đồng mạng thiếu hiểu biết lên án Phật giáo, để tạo tiền đề tẩy chay việc hộ trì Tam Bảo. Riêng bài viết “Cúng Dường…” của y đã bộc lộ rõ dã tâm và sự kém hiểu biết về Phật pháp trầm trọng.

Tuy văn phong chẳng trực tiếp bốc mùi xú uế miệt thị Phật giáo như những bài viết khác của bọn vong bản suốt những năm qua, nhưng cũng đủ khiến cho bậc thức giả chê cười vì tự phơi bày quỷ kế dùng “gậy ông đập lưng ông” của Thái Hạo đối với Phật giáo bất thành, khi đem giới luật Phật giáo ra phân tích. Trái lại, hoàn cảnh của y chẳng khác như kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Ngửa mặt lên trời phun nước bọt, tuy nước bọt chẳng văng lên cao mà rớt xuống trúng mặt mình”.

Thật ngớ ngẩn, khi Thái Hạo cho rằng, người xuất gia ngày nay giữ tiền là phạm giới. Nhằm kêu gọi tín đồ Phật giáo không nên cúng dường cho chư Tăng. Vì như thế là khiến cho chư Tăng phạm giới, nên không sanh phước báo. Ngoài ra chỉ nên cúng dường vật thực, am thất đơn giản để người xuất gia duy trì hạnh thiểu dục tri túc. Đó là sự thâm độc của y, nhằm phá nát kinh tế Phật giáo, suy kiệt đời sống Tăng đoàn. Vì bất kỳ một tổ chức nào mà thiếu cơ sở vật chất hay nguồn lực kinh tế thì không thể duy trì tồn tại và phát triển được.

Tuy Đức Phật có chế giới cấm người xuất gia không được giữ tiền. Nhưng không hoàn toàn máy móc như Thái Hạo cố tình gán ghép một cách trơ trẽn như sau:

Riêng việc phạm vào giới cất giữ tiền bạc thì phải mang ra xả bỏ trước tăng chúng và sám hối. Tóm lại, giới rất nghiêm và hệ trọng.

Tóm lại, ở đâu có sự thực hiện giới luật nghiêm túc thì có Phật pháp, có người xuất gia; còn ngược lại, dù có là người cạo đầu, mặc áo casa, ở chùa tụng kinh gõ mõ… nhưng không giữ giới thì đó là hạng ma tăng, là vi trùng trong thân thể Phật pháp”.

Trong khi, giới không giữ tiền trong nhà Phật chỉ là giới khinh của giới Thanh Văn. Hoàn toàn không phải là trọng tội Ba La Di như sát, đạo, dâm, vọng. Ngay cả phạm trọng, theo tinh thần kinh Đại Thừa và Mật Thừa vẫn cho sám hối. Nên người xuất gia giữ tiền không hoàn toàn mất tư cách Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, do không phạm vào Tánh giới. Huống chi, tinh thần giới luật của nhà Phật còn thuận theo “Khai, giá, trì, phạm”, nên Thái Hạo hiểu Giới Luật Phật giáo tới đâu mà dám quơ đũa tất cả chư Tăng hiện nay giữ tiền là Ma Tăng thời mạt pháp?

Luật Sa Di dạy: “Kim nhân bất năng câu hành khất thực, hoặc nhập tòng lâm, hoặc trú am viện, hoặc xuất viễn phương, diệc vị miễn hữu kim ngân chi phí.”

Nghĩa là: “người xuất gia ngày nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc.“

Chính vì vậy, mà 100 năm sau Đức Phật nhập Niết Bàn, Phật giáo đã bắt đầu phân chia bộ phái vì thập phi pháp sự, trong đó có liên quan đến giới cấm không giữ tiền. Đó là nguyên nhân Đại chúng bộ hình thành và manh nha cho tư tưởng Phật giáo Đại Thừa tuỳ thuận ứng cơ với mọi quốc độ, thời đại trong tinh thần tuỳ duyên nhi bất biến nhằm xương minh giáo pháp.

Đức Phật từng huyền ký: “Trong tương lai giáo pháp ta sẽ phân chia làm 20 bộ phái. Dù vậy, tất cả giáo pháp này đều đưa đến giải thoát cứu cánh Niết bàn”. Hơn nữa theo tinh thần Thiền Tông, nếu là bậc sáng mắt trong tông thì ngày tiêu muôn ức lượng vàng ròng cũng chẳng phải việc ngoài. Nên tri túc tức là nội tâm không hề tham đắm, thấu rõ sự tạm bợ của vật chất mà hằng vô cầu, vô nhiễm, chứ không phải là sống một đời khổ hạnh, mới cho là thiểu dục. Bằng còn tham chấp thì dù thị hiện khổ hạnh đến đâu còn dính một mảy tơ hào cũng là chưa biết đủ.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Cúng dường cho người vô tâm là phước báo lớn nhất”. Đã vô tâm tức dụng tâm bình đẳng, không còn phân biệt giữa phàm và thánh. Nên sự cúng dường mới thành tựu Tam Luân Không Tịch. Huống chi, thiện báo trổ quả rộng hẹp ra sao tuỳ vào mức độ phát tâm sâu cạn người thí. Dù cúng dường, bố thí cho ai bằng tâm bình đẳng thì hoàn toàn có công đức. Thì đâu thể nói cúng dường tịnh tài cho chư Tăng là vô nghĩa. Chính Đức Phật dạy, trách nhiệm của người cư sĩ là phải siêng năng cúng dường , để chư Tăng được an tâm tu học.

Với điều kiện sinh hoạt Tăng đoàn hiện nay, chư Tăng Ni phải tự túc hoàn toàn, nên rất cần sự yểm trợ của người cư sĩ nhằm trang trải đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như các hoạt động hoằng pháp lợi sanh khác như xây chùa, tạo tượng, đúc chuông và làm từ thiện. Do đó, việc giữ tiền là tất yếu. Thậm chí chư Tăng Phật giáo Nhật Bản còn nhập thế bằng các hình thức kinh doanh để duy trì đời sống thay vì giữ nếp “nông thiền”, khi xã hội ngày càng thay đổi.

Cho nên, chỉ vin vào những kiến thức lượm lặt, học lõm vài câu nói về giới luật Phật giáo nhằm xuyên tạc thì đó là kẻ lưu manh ngụy tri thức. Nhìn vào, tưởng như là kẻ am tường Phật học, tôn kính Chánh pháp, đang ra sức đánh hồi chuông cảnh tỉnh giới Phật tử tại gia và xuất gia phải nghiêm trì di huấn của Đức Phật để bảo tồn mạng mạch Phật pháp. Nhưng Thái Hạo chỉ là kẻ ngụy quân tử rắp tâm muốn học Phật để diệt Phật. Đã lộ nguyên hình là bọn tri thức vong bản, muốn xoá bỏ Phật giáo để phục vụ cho mưu đồ thôn tính dân tộc, độc tôn bành trướng của ngoại đạo.

Nhưng tối không thể thắng sáng. Do đó, những bài viết về Phật giáo của Thái Hạo trái lại càng vạch rõ chân tướng của y, trước chân lý bất diệt của Phật giáo. Đó là một ngòi bút đầy phiến diện và chứa đầy những hạt sạn tri thức nơi y.


Cúng dường

Cúng dường hiểu giản dị là cung cấp, nuôi dưỡng những người đáng tôn kính như ông bà, cha mẹ, người tu hành... Riêng trong Phật giáo thì sự cúng dường ấy phải phù hợp với giới luật nữa.

Một trong các giới của người xuất gia là không được giữ tiền bạc. Giới này được đề ra là để ngăn trừ tâm tham của những người tu hành, vì vậy người đời nếu có tâm tốt thì chỉ cung cấp những nhu yếu cần thiết nhất cho họ như thức ăn, áo mặc, chỗ ở (mà những cái này thì rất hạn chế, giản dị, đơn sơ, không được xa hoa). Bởi thế, việc đến chùa và vung vãi tiền bạc là đang khiến cho những người xuất gia không giữ được giới hạnh, vừa khiến bản thân phải mang lỗi. Đó không phải là việc tốt, việc đúng.

Giới luật là căn bản của Phật pháp. Giới còn thì Phật pháp còn, giới mất thì Phật pháp bị diệt. Giới của người xuất gia rất nhiều, có tới mấy trăm điều cấm, và người tu sĩ phải nghiêm trì, không được phép vi phạm. Nếu phạm vào thì tùy mức độ năng nhẹ sẽ bị xử lý. Ví dụ, nếu phạm vào các điều sau thì sẽ bị đuổi khỏi tăng đoàn, buộc hoàn tục: dâm dục (có hành động giao hợp với người khác giới, đồng giới hay với súc vật), ăn cắp, giết người, nói dối (rằng đã giác ngộ hay có thần thông).

Riêng việc phạm vào giới cất giữ tiền bạc thì phải mang ra xả bỏ trước tăng chúng và sám hối. Như vậy để thấy giới rất nghiêm và hệ trọng.

Tóm lại, ở đâu có sự thực hiện giới luật nghiêm túc thì có Phật pháp, có người xuất gia; còn ngược lại, dù có là người cạo đầu, mặc áo casa, ở chùa tụng kinh gõ mõ… nhưng không giữ giới thì đó là hạng ma tăng, là vi trùng trong thân thể Phật pháp.

Trước khi Phật qua đời, học trò hỏi rằng, nếu thầy đi rồi thì chúng tôi biết dựa vào đâu để tu hành; Phật bảo: “Lấy giới làm thầy”. Chỉ cần giữ được giới thì còn đạo và sẽ thành tựu con đường giải thoát, bỏ mất giới thì có tu vạn kiếp cũng chỉ là nấu cát mà mong thành cơm.

Sở dĩ người đời tôn kính người tu hành là bởi họ làm được những việc mà mình không làm được, đó là giữ giới. Bất kể kẻ nào dù có mang hình tướng gì, ở vị trí nào, dù nói hay tới đâu nhưng không giữ được giới luật thì chính là những kẻ đang phá hoại đạo Phật. Người dân và Phật tử tuyệt đối không nên mê muội mà tôn thờ hay cúng dường cho những kẻ ấy, vì như thế là đang tiếp tay cho ma đạo, phá hoại tăng đoàn, làm rối loạn xã hội.

Cuối cùng, cúng dường không phải chỉ có cung cấp vật thực, mà đáng quý nhất là sự tu dưỡng của bản thân. Người nào nương theo lời dạy Phật mà sống một đời có phẩm hạnh thì người đó đang cúng dường một cách sâu xa và giá trị nhất, không gì sánh bằng.

 

Thái Hạo

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét