MÙA
THU NÓI CHUYỆN THƠ:
SARUMARU
VÀ LƯU TRỌNG LƯ
*
Sarumaru no Taifu, hay Sarumaru no Dayū
(猿丸大夫, phiên âm Hán-Việt: Viên Hoàn Đại Phu) là một thi sỹ huyền thoại Nhật Bản
thời đầu Heian (t.k. VIII). Chẳng ai biết gì về tiểu sử của ông. Thậm chí một
số người cho rằng đây chỉ là nghệ danh của Hoàng tử Yamashiro (t.k. VII).
Tanka (短歌, phiên âm Hán-Việt: đoản ca) là thể
thơ ngắn Nhật Bản, mỗi bài chỉ gồm 31 âm tiết, được chia thành 5 dòng theo trật
tự 5, 7, 5, 7 và 7 âm tiết.
Bài tanka về mùa thu dưới đây, được cho là
của Sarumaru, là một bài thơ rất nổi tiếng của Nhật, được đưa vào tuyển tập 100
bài tanka hay nhất của 100 thi sỹ Nhật, nhan đề Hyakunin isshu (百人一首, phiên âm
Hán-Việt: Bách nhân nhất thủ). Các bài thơ này còn được in lên 100 cái thẻ, như
quân bài, làm thành một trò chơi nhớ và đoán thơ, có cùng tên Hyakunin isshu,
rất phổ biến ở Nhật.
Nguyên văn đoản ca của Sarumaru về mùa thu
trong tiếng Nhật hiện đại như sau:
奥山に
紅葉踏みわけ
鳴く鹿の
声きく時ぞ
秋はかなしき
Phát âm tiếng Nhật là:
Ô-kư ya-ma ni
Mô-mi-ji fư-mi wa-kê
Na-kư shi-ka nô
Kô-e ki-kư tô-ki zô
A-ki wa ka-na-shi-ki
Dòng đầu tiên, 奥山に(ô-kư ya-ma ni), có nghĩa
là “sâu thẳm trong núi”.
Dòng thứ hai, 紅葉踏みわけ (mô-mi-ji fư-mi wa-kê),
có nghĩa là “đạp trên lá mùa thu (lá đỏ)”.
Dòng thứ ba và thứ tư, 鳴く鹿の 声きく時ぞ (na-kư
shi-ka nô kô-e ki-kư tô-ki zô), có nghĩa là “khi nghe thấy tiếng kêu của con hươu”.
Trợ từ ぞ (zô) bổ nghĩa cho dòng cuối cùng để
cả dòng 秋はかなしき(a-ki wa ka-na-shi-ki) trở thành 秋はかなしきぞ(a-ki wa ka-na-shi-ki
zô), có nghĩa là “mùa thu thật buồn (đáng
yêu/đẹp) làm sao”.
Nguyên tác tiếng Nhật của đoản ca này, vì
vậy, có nghĩa là:
"Mùa
thu thật buồn (đáng yêu/ đẹp) khi nghe thấy tiếng kêu của con hươu, đang đạp
trên lá thu, vọng về từ sâu thẳm trong núi."
Tôi tạm dịch thành thơ tiếng Việt như sau:
Sâu thẳm từ trong núi
Đạp trên lá vàng rơi
Nghe tiếng hươu rừng gọi
Thu sao buồn thu ơi.
(Bản
dịch của Nguyễn Đình Đăng)
Mùa thu là mùa hươu phối giống. Người ta nói
cuối thu hươu đực thường kêu tìm hươu cái trong cảnh rừng thu lá đỏ.
Tuy vậy ở đoạn này, thậm chí ngay cả các học
giả Nhật, cũng có hai cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu cũ cho rằng nhà thơ là người đi
trong rừng, đạp trên lá thu, và nghe thấy tiếng hươu kêu. Đây là cách hiểu
trong bản dịch của Peter McMilan [1]:
Autumn at its saddest—
Rustling through the leaves
And moving on alone
Deep into the mountains,
I hear a lonely stag belling for his doe.
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Thu ở kỳ buồn nhất
Một mình đi xuyên qua lá cây xào xạc
Vào sâu trong núi,
Tôi nghe thấy tiếng hươu đực rống gọi hươu cái.
Cách hiểu phổ biến ngày nay cho rằng con hươu
mới là chủ thể đạp lên lá thu. Còn nhà thơ chỉ nghe tiếng con hươu giẫm trên
lá, đang kêu buồn bã, mà thấy mùa thu buồn làm sao. Đây là cách hiểu của các
bản dịch tiếng Pháp.
1 - Bản dịch năm 1910 của luật gia và Nhật
học gia người Pháp Michel Revon (1867 - 1947) [2]:
Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des
érables
Dans les profondeurs de la montagne."
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Mùa thu buồn biết bao nhiêu
Khi tôi nghe tiếng
Con hươu đực kêu rền rĩ,
Đạp và gạt lá phong
Ở những chốn sâu trong núi.
2 - Bản dịch năm 1935 của Georges Bonneau
[3]:
Aux profondeurs de la montagne,
Foulant l’érable qu’il écarte,
Le cerf gémit :
Et à l’écouter, jamais
L’automne ne m’a pesé plus triste!
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Ở những chốn sâu trong núi
Đạp lá phong tản ra,
Con hươu đực rên rỉ
Nghe tiếng hươu kêu,
Mùa thu với tôi trĩu buồn hơn bao giờ hết!"
3 - Bản dịch trong tuyển tập thơ Nhật Bản do
Karl Petit chủ biên năm 1959 [4]:
Aux profondeurs de la montagne
Écartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Ở những chốn sâu trong núi
Gạt và đạp trên lá phong
Con hươu đực kêu rền rĩ
Và nghe thấy như thế,
Ôi, mùa thu với tôi thật trĩu nặng buồn!
4 - Bản dịch năm 1971 của Gaston Renondeau
[5]:
Au fond de la montagne,
Traversant les feuillages rouges,
Le cerf brame,
Quand on entend sa voix
Comme l’automne paraît triste!"
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Ở sâu trong núi
Xuyên qua lá phong đỏ
Con hươu đực kêu rền rĩ
Khi nghe thấy tiếng nó,
Thấy mùa thu sao mà buồn thế!
5- Bản dịch năm 1993 của René Sieffert [6]:
Au fond des montagnes
Foulant le rouge feuillage
Va bramant le daim
Et lorsque j’entends sa voix
Ah que l’automne est poignant."
Dịch nghĩa tiếng Việt là:
Ở sâu trong núi
Đạp lên lá đỏ
Con hươu sao vừa đi vừa kêu rền rĩ
Ôi mùa thu sao mà xót xa.
Theo ông bạn Nhật của tôi, GS Ikeda Akitsu,
đặc điểm vắng chủ ngữ trong tiếng Nhật cho phép người đọc tự do suy diễn theo
cách của mình. Tùy cảm nhận mà người đọc có thể hiểu đó là con hươu hay nhà thơ
đang đạp trên lá thu đi xuyên rừng. Ngoài ra, vì đây là một trong những đoản ca
được viết từ trước khi chữ hiragana ra đời, người Nhật đã phải dùng chữ Hán để
ghi lại phát âm tiếng Nhật. Nguyên gốc chữ Hán của bài thơ này là
奥山耳
毛美知踏分
鳴久鹿乃
己恵幾久時楚
秋盤可那之幾
Vì thế, theo GS Ikeda, từ “ka-na-shi-ki” (かはしき),
trong nguyên gốc phiên âm qua chữ Hán 可那之幾, có thể không phải là 悲しき (buồn), mà
là 愛しき, có nghĩa là “đáng yêu”. Câu
cuối cùng 秋ぞかなしきぞ do vậy có thể là “Mùa
thu thật đáng yêu/đẹp.”
Cái hay của bài thơ này là nó rất ngắn, nhưng
đủ để người đọc tự hình dung ra một bức tranh. Người đọc có thể sắm vai người
thợ săn, đang đạp trên lá vàng lần theo con mồi, chợt nghe tiếng hươu kêu rền
rĩ giữa cảnh núi rừng mênh mông mà thấy mùa thu buồn/đẹp làm sao. Người đọc
cũng có thể hình dung mình là thi sỹ cô độc sống dưới chân núi, nhìn mùa thu đổi
màu lá trên núi, chợt nghe tiếng con hươu giẫm trên lá thu rơi vừa cất tiếng
kêu rền rĩ mà bùi ngùi nhớ tới vợ hoặc người tình đã xa của mình.
Cái chốt trong bài thơ này là hình ảnh “đạp trên lá vàng” và việc nghe thấy
tiếng kêu của con hươu.
Đến đây chắc bạn đọc có thế thấy thi sỹ Lưu
Trọng Lư (1911 - 1991) rõ ràng đã mượn các ý thơ này của Sarumaru qua các bản
dịch tiếng Pháp, có thể là bản dịch năm 1910 và/hoặc 1935 đã nói, để viết thành
bài thơ “Tiếng thu” bất hủ (1939), làm nên tên tuổi của mình:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu.
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Bài thơ 45 âm tiết của Lưu Trọng Lư quả là
một tuyệt tác của Thơ Mới Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi bài đoản ca 31 âm tiết
của Sarumaru chỉ dùng mấy ý thơ "sâu
trong núi", "đạp trên lá
thu", "nghe" và
tiếng rống của con hươu để tạo cho người đọc một không gian tự do tưởng tượng
và hình dung tùy theo cảm nhận của mình, thì đằng sau những vần thơ tả thực của
Lưu Trọng Lư không còn gì khác.
Thậm chí, năm dòng đầu (25 âm tiết) trong bài
"Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư dường như là sự diễn giải cảm
giác thiếu nửa kia mà trong bài đoản ca của mình Sarumaru đã phác họa bằng hai
dòng (12 âm tiết) qua việc nghe thấy tiếng kêu của con hươu và câu cảm thán
cuối cùng (7 âm tiết).
Có thể nói, Sarumaru đã vẽ nên một bức tranh
mà người xem phải băn khoăn, tự tra vấn, trong khi Lưu Trọng Lư khiến người đọc
mãn nguyện mà chẳng cần suy nghĩ sâu xa. Đó là lý do vì sao cả hai thi sỹ đều
được đánh giá cao ở xứ sở của mình, hai xứ sở với hai nền văn hóa cũng như cảm
nhận về sự hoàn hảo hoàn toàn khác biệt.
Lời cảm ơn:
_________
Người viết cảm ơn thi sỹ Lưu Trọng Cao
Nguyên, cháu gọi thi sỹ Lưu Trọng Lư bằng ông trẻ, đã cho biết về cuộc đối
thoại giữa thi sỹ Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) và Lưu Trọng Lư, đăng tại FB của Hợp
Lưu ngày 11/8/2022 [7].
Trong cuộc đối thoại này, Nguyễn Vỹ đã
"cáo buộc" Lưu Trọng Lư vay mượn thơ của Sarumaru, còn Xuân Diệu
(1916 - 1985) đã đổi câu của Roland Dorgelès: "Partir, c’est mourir un
peu" (Đi, đó là chết một tí) thành "Yêu là chết ở trong lòng một
tí".
Cũng theo Nguyễn Vỹ, tất cả các truyện ngắn
trong tập "Những bức thư tình" của thi sỹ và dịch giả Đoàn Phú Tứ
(1910 - 1989) đều là truyện được dịch từ các truyện của các văn sỹ Pháp Renard,
Courteline, Benoit, Guitry, chứ không phải phóng tác, hay “phỏng dịch”. Tuy
nhiên, dịch giả Đoàn Phú Tứ đã "lờ luôn xuất xứ”, tự đề tên mình như tác
giả. "Phong cách" của ông khiến tôi liên tưởng tới một tuyên xưng gần
đây của một dịch giả gạo cội trong nước rằng dịch giả của một bản dịch tốt phải
được coi là đồng tác giả của tác phẩm gốc.
Người viết cũng cảm ơn GS Ikeda Akitsu vì
những đàm luận khai sáng của ông về ngôn ngữ và văn học thi ca Nhật Bản.
_________
[1] Peter McMillan, One Hundred Poets, One
Poem Each: A Translation of the Ogura Hyakunin Isshu (Translations from the
Asian Classics) (Columbia University Press, New York, 2008).
[2] Michel Revon, Anthologie de la littérature
japonaise des origines au XXe siècle, Cinquième édition (Delagrave, Paris,
1923) pp. 106 - 107.
[3] Georges Bonneau, Anthologie de la poésie
japonaise(P. Geuthner, Paris, 1935).
[4] La poésie japonaise. Anthologie des
origines à nos jours, Ed. Karl Petit (Seghers, Paris, 1959).
[5] Gaston Renondeau, Anthologie de la poésie
japonaise classique (Gallimard, Paris, 1971).
[6] René Sieffert, De cent poètes un
poème(Publications Orientalistes de France, Aurillac, 1993).
[7] Xem www.facebook.com/www.hopluu.net/posts/5315729865181568.
Minh họa:
_________
Bài đoản ca về mùa thu của Sarumaru no Dayū
(猿丸大夫) là bài số 5 trong tuyển tập Ogura Hyakunin Isshu (小倉百人一首) do Fujiwara no
Teika ((藤原定家, 1162 - 1241) biên soạn, được coi là bộ Hyakunin Isshu chuẩn mực
nhất.
Trong hình là bản chụp bài thơ này từ ấn bản
của tuyển tập nói trên vào năm Enpo (延宝, phiên âm Hán-Việt: Diên Bảo) thứ 8,
tức năm 1680, hiện thuộc Thư viện Nghị viện Quốc gia Nhật Bản (国立国会図書館所蔵).
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
-
Về bài “Tiếng
Thu” của Lư hay Rasumarul
-
Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG
TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Đỗ Anh Tuyến giới thiệu
Tác giả: Nguyễn Đình Đăng - Nguồn: Nguyễn Đình Đăng
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét