ÔI ĐẤT NƯỚC, ANH ĐÃ YÊU
ĐẾN BĂNG HOẠI CẢ ĐỜI...
*
(Tác giả Đặng Văn Sinh) |
Sau 60 năm cầm bút, Trần Mạnh Hảo làm tuyển tập, một tuyển tập
khá đồ sộ với đủ các thể loại, trong đó nhiều nhất vẫn là thơ tự do và lục bát.
Tôi phải mất nửa tháng mới đọc hết 673 bài, và thực sự cảm phục bởi gia tài
đáng nể của ông. Có thể nói, trong số các nhà thơ Việt Nam đã từng cầm súng
trong cuộc chiến ý thức hệ hai miền Nam Bắc (1954-1975) ít người có được nội
lực thâm hậu như ông. Chưa nói đến thơ, bao gồm cả 3 tập trường ca, chỉ riêng
tiểu thuyết “Ly thân” và tập phê bình “Thơ phản thơ” với những quan điểm khác
người, Trần Mạnh Hảo đã một thời làm sôi động văn đàn Việt, trong đó có cả
nhưng ý kiến bất đồng gay gắt.
Tuy nhiên, theo tôi, thơ ca mới làm nên sự nghiệp Trần Mạnh Hảo,
mà mảng đề tài khiến ông có vị trí xứng đáng trên thi đàn là thơ công dân, được
hiểu như lòng yêu nước biểu đạt dưới những dạng thức khác nhau. Nói cách khác,
thơ Trần Mạnh Hảo yêu nước “đến băng hoại cả đời” như lời đề từ tuyển tập được
rút ra từ bài “Nhân xem phim ‘Sám hối’ nghĩ về Boris Pasternak”.
Không chịu hòa nhập vào đám đông, Trần Mạnh Hảo, ngay từ lúc mới
nhập môn đã chọn cho mình lối đi riêng, dần dần đã trở thành phong cách. Đó là
kiểu tư duy trực cảm kết hợp với những suy ngẫm mang tinh thần triết lý nhưng
lại được phu diễn trong không gian tình yêu giầu sắc thái. Được như vậy là bởi,
ngoài tài năng thiên bẩm, người cầm bút còn phải thăng hoa cảm xúc, có khi vọt
lên như ngọn sóng dâng trào. Trong khoảnh khắc ấy, tứ thơ bất chợt hình thành,
những con chữ hiển thị như có bàn tay huyền bí nào dẫn dắt. Ở lĩnh vực này,
không một tác giả đương đại nào có thể sánh với ông, nhất là mỗi bài thơ, thậm
chí mỗi đoạn thơ đều văng vẳng đâu đây hồn thiêng sông núi. Với Trần Mạnh Hảo,
Tổ Quốc luôn là mẫu số chung cho mọi cảm xúc sáng tạo. Mỗi vần thơ công dân với
ông đều là máu thịt được viết nên từ tình yêu cháy bỏng. Nó da diết, chân thành
khác hẳn thứ ngôn ngữ thớ lợ đầu môi chót lưỡi của những kẻ đạo đức giả dùng
thơ làm phương tiện tiến thân.
Xem Tổ Quốc là mẫu số chung nên mỗi bài thơ Trần Mạnh Hảo đều có
xu hướng quy chiếu vào lịch sử. Lịch sử là điểm tựa vững chắc cho tứ thơ, và
mỗi điểm tham chiếu tác giả đều chọn được những lát cắt có ý nghĩa khái quát để
từ đó hình thành chiến lược diễn ngôn. Lịch sử, đất nước và con người là đề tài
vô tận nếu người cầm bút biết khai thác. Nó giống như vỉa trầm tích có bề dày
đáng kể, trong đó ẩn tàng kim loại quý nên rất cần những nghệ nhân có bàn tay
vàng biết cách tìm ngọc trong đá.
Thơ công dân tưởng dễ mà khó. Dễ với type nhà thơ theo trường
phái cổ động, nhằm phục vụ cho một giai đoạn “cách mạng” hay một phong trào
"thi đua yêu nước" nào đó đã được các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ
định hướng. Nói cách khác, đấy là những bài thơ tự sướng, véo von ca ngợi thứ
không hề tồn tại, làm rối loạn nhận thức thẩm mỹ công chúng. Chỉ cần tham khảo
hai đoạn thơ sau, chúng ta sẽ hiểu ngay tính khuynh tả thái quá đã làm mất đi
sự khách quan của ngòi bút:
“Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!”
(Bài ca mùa xuân 61)
Và đây nữa:
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)
Cho dù là nhịp điệu lên bổng xuống trầm, câu thơ được kiến tạo
bằng nhiều hình ảnh hoành tráng, người đọc vẫn nhận ra sự sáo rỗng, thiếu cảm
xúc chân thành bởi chúng được viết bằng kỹ xảo.
Trần Mạnh Hảo thì khác. Thơ công dân của ông không giới hạn bởi
tiêu chí yêu nước mà luôn có xu hướng vươn tới cái đa bội, nghĩa là cùng một
lúc bao quát nhiều tham số để tạo nên một văn bản đa thanh. Vì thế, tác giả
viết về lịch sử, đất nước, nhân dân mà không khô khan như bài học luân lý. Điều
này không ai làm tốt hơn ông, bởi vì, ông có nền tảng triết mỹ vững chắc mà một
trong số đó là ngôn ngữ nghệ thuật. Những bài “Sông Hồng”, “Tổ Quốc, con
âm thầm yêu mẹ”, “Tổ Quốc của tình yêu”, “Gửi Lai Châu”, “Những dòng sông miền
Trung”, “Tổ Quốc - Đêm cuối cùng Huyền Trân”, “Sông Lam”, “Đất Quảng”, “Gió
Ngàn Hống”, “Thanh Hóa”, “Nỗi buồn Huế”, “Lời Trưng Nữ vương”, “Đêm phương Bắc
nhớ về Tổ Quốc”… đề mang nội hàm trên.
Trước hết, cách nói về Tổ Quốc, đất nước, trong thơ mình, Trần
Mạnh Hảo thường sử dụng danh xưng “tôi”, “anh” hay “con” làm chủ thể trữ tình,
khác hẳn cái “ta” quan phương trong thơ Chế Lan Viên hay Tố Hữu. Nếu cái “ta” ở
vị thế thay mặt đám đông từ trên cao nhìn xuống một cách ngạo nghễ, thì cái
“tôi” lại hòa mình vào đám đông, của đám đông và mang thân phận đám đông. Với
tâm thế ấy, cái tôi (mà phái sinh của nó là “anh”, “con”) có lúc còn phải lặn
ngụp trong kiếp nhân sinh để biết thế nào là cảnh cơ hàn. Đó chính là điều kiện
tiên quyết để thơ Trần Mạnh Hảo mang tiếng nói của nhân dân, đôi khi lại ở phần
u uất nhất. Chẳng hạn, khi Chế Lan viết những lời đao to búa lớn bằng kỹ thuật
siêu hạng: “Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” thì Trần
Mạnh Hảo không ngại chỉ ra hiện tượng yêu nước đáng nghi ngờ của những kẻ xanh
vỏ đỏ lòng: “Có ai đó hay bàn về Tổ Quốc/ Nằm trong vỏ ốc nói hy sinh/ Ai mặc
ấm mà ngồi thương mẹ rét/ Trước khi yêu Tổ Quốc họ yêu mình”. Rất dị ứng với
thứ ngôn từ lấp lánh trang kim sặc mùi hàng mã, Tổ Quốc của Trần Mạnh Hảo không
bao giờ là khái niệm trừu tượng mà hầu hết là những sinh thể trong mối tương
quan với lịch sử, đất nước và con người. Vì thế, trong mỗi cá thể đều mang bóng
dáng của dân tộc, mỗi con sông, ngọn núi đều mang hình hài Tổ Quốc:
“Con mới hiểu biển vì sao khát nước
Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông
Vì sao Lạc Long Quân lấy sông Hồng làm đuốc
Soi nước Văn Lang từng bước Tiên Rồng”.
(Sông Hồng)
Cũng là kiểu tư duy trực cảm, nhưng với “Gửi Lai Châu” thì khái
niệm Tổ Quốc lại được nhìn nhận từ hình ảnh đám mây bay trong thau nước gội đầu
của cô gái Thái:
“Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu”
Bài thơ giống như bức tranh toàn cảnh miền sơn cước qua cái nhìn
đầy chiêm nghiệm của chủ thể trữ tình. Mạch cảm xúc hứng khởi tạo ra sự biến
hóa linh hoạt khiến cho mỗi khổ thơ mang một nhịp điệu riêng, lúc tràn đầy niềm
kiêu hãnh, tự hào, khi lại là những dòng cảm thán về thân phận con người bé mọn:
“Ơi dấu tích còn ghi thời thống khổ
Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà
Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ
Anh đi tìm ngước mắt gặp lời ca”
Tổ Quốc đối với Trần Mạnh Hảo trước hết là những dòng sông. Yêu
những dòng sông nghĩa là yêu nước, nên khi viết bao giờ ông cũng tỏ thái độ
trân trọng, biết ơn chẳng khác gì người mẹ từng mang nặng đẻ đau ra mình. Lại
nữa, những dòng sông của Trần Mạnh Hảo bao giờ cũng vạm vỡ như một cơ thể cường
tráng nhưng không phải vật vô tri mà có một tâm hồn vô cùng nhạy cảm. Đấy là
những dòng sông huyền thoại làm nên bản sắc dân tộc. Sông Hồng, sông Mã, sông
Chu, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn…, là những trường hợp điển hình. Với “Sông
Hồng”, tác giả có một hình ảnh khi đọc rồi ta chẳng thể quên: “Sông Hồng lụt cả
ca dao/ Con cò bị bão giạt vào lời ru”. Còn “Những dòng sông miền Trung” thì
mỗi dòng một số phận, nhưng tất cả đều mang vẻ đẹp văn hóa vùng miền chảy không
ngừng nghỉ cả ngàn năm ra biển:
“Sông Mã
Chảy như chạy trốn núi rừng
Sông mải miết một đời Thanh Hóa
Để Nguyễn Hoàng đi mở đất phương Nam
Sông Chu ơi những Ngàn Sâu, Ngàn Phố
Nghe sông đi ngỡ đất rập rình
Sông La hét lúc giao tình sông Cả
Hỡi sông Lam ta đã yêu mình”
(…)
“Sông có là nước mắt
Mà nghe Nhật Lệ sao đành
Quảng Trị từ xưa đất đã chiến trường
Thạch Hãn u u tiếng tù và quân gió rúc”
Và cuối cùng, dòng Thu Bồn, qua cái nhìn lãng mạn hóa, tác giả
đem đến cho người đọc sự bất ngờ ngoài sức tưởng tượng: “Ai đã lấy nước sông
làm mực/ Viết đời mình xuống cát Quảng Nam”.
Không có cảm xúc về Tổ Quốc theo cả nghĩa trực tiếp và nghĩa
hình tượng, Chắc chắn Trần Mạnh Hảo chẳng bao giờ viết được “Sông Lam”. Sông
Lam trở thành hình ảnh hoán dụ tính cách người Nghệ với giai thoại “con cá gỗ”
không mấy dễ chịu nhưng lại là niềm tự hảo của cái nôi xuất sinh những tài năng
quán thế. Điểm nhìn của Trần Mạnh Hảo là nhìn từ bên trong, làm hiển thị bản
chất của một vùng văn hóa, khác hẳn cái nhìn trịch thượng của các thi sĩ quan
phương ngồi Volga đen “cưỡi ngựa xem hoa” vẫy tay phủ dụ chúng sinh. Theo tôi,
“Sông Lam” là áng thơ thuộc vào loại hay nhất trong tuyển tập Trần Mạnh Hảo. Nó
hay bởi những hình ảnh về con sông được chuyển hóa qua bộ lọc thẩm mỹ vừa cá
biệt lại vừa có giá trị phổ quát: “Con cò mặc áo tơi đi học/ Cá sông Lam còi
cọc toát mồ hôi” và “Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên
tài”, như một chiều kích đưa Xứ Nghệ đi vào lịch sử: “Để rú Quyết lặng thầm đi
cứu nước/ Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng”. Như bạn đọc đã biết, ở mảng đề
tài này, Trần Mạnh Hảo ít khi chấp nhận với thứ ngôn ngữ dễ dãi mà ông luôn tìm
cách nói bằng hình ảnh thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đã được tái cấu trúc khiến
câu thơ mang diện mạo khác hẳn, trong đó bao hàm cả trò chơi chữ: “Sông vắt
kiệt lòng mình nuôi đất cát/ Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi”.
Ở Trần Mạnh Hảo, yếu tố duy lý và duy cảm thường không phân
biệt, nhiều khi chúng kết hợp với nhau như là ngẫu nhiên nhưng lại tạo ra nguồn
năng lượng đột biến:
Gió Lào thổi mây dòn bánh đa nướng
Sông Lam nuôi nứt nẻ mấy hạt vàng
Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng
Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang”
Có thể nói những từ ngữ “mây dòn bánh đa nướng”, “gió lập ngôn”,
“luồng lĩnh xướng”, “khoai lang gàn”… đều là những hình ảnh ở cấp độ thẩm mỹ
không phải nhà thơ nào cũng có được trong đời cầm bút. Viết “Sông Lam” hẳn là,
lúc ấy dòng cảm xúc vượt ra ngoài giới hạn của cái hữu thức, và trong khoảnh
khắc thăng hoa, Trần Mạnh Hảo hạ lời kết bằng khổ thơ khiến người đọc luôn bị
ám ảnh:
“Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát
Trăng chảy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn
Người giàu có nên đất nghèo xơ xác
Kìa gió Lào thổi cong sông Lam…”
Không thể phủ nhận“Gió Lào thổi cong sông Lam” là một câu thơ
hay, nhưng ngoài hình ảnh được thi vị hóa qua thủ pháp ẩn dụ, tác giả dường như
còn gài vào đó một triết lý sống của con người ở vùng đất khắc nghiệt mà làm
nên nhiều kỳ tích.
Cũng với tâm thức như vậy, Trần Mạnh Hảo còn có những câu thơ
viết về sông Hương đẹp đến nao lòng. Phải yêu Huế lắm ông mới chạm đến được nỗi
buồn vùng đất Cố Đô mà không hẳn chỉ vì một người phụ nữ:
“Sông Hương đẹp trong nỗi niềm sơn cước
Mắt em tình u uẩn hút hồn sông
Huế chỉ đẹp trong nỗi buồn sông nước
Cả hoàng thành ngơ ngẩn bước cha ông”
Không chỉ sông, Trần Mạnh Hảo còn viết những bài thơ để đời về
núi mà một trong số đó là “Gió Ngàn Hống”, mỗi khi đọc lên, ta như nhìn thấy
cảnh “dâu bể tang thương” của một vùng địa linh nhân kiệt:
“Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh
Chín mươi chín cột kê làm núi đỡ trời
Sông Lam vẫn ú tim cùng Hồng Lĩnh
Bến Giang Đình cát bụi mù khơi”
(…)
Nhớ Miền Trung tìm Nguyễn Du tôi khát
Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên
Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát
Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền”
Có thể nói, đây là bài thơ “cổ điển” cả về hình thức lẫn nội
dung, nhưng cho dù đọc diễn cảm trước đám đông cử tọa, hay dõi theo từng dòng
bằng mắt, chúng ta đều bị mê hoặc, trước hết chưa phải ở nhịp điệu, mà là lớp
từ ngữ giàu hình ảnh được tổ hợp theo luật bằng trắc tối ưu tương tác lẫn nhau
như phản ứng dây chuyền, từ đó phát sinh hiệu ứng.
Khác với “Gió Ngàn Hống”, bài “Thanh Hóa” có một bộ xương khá
gân guốc, với hai giả thiết đặt ra cho lịch sử. Có điều lịch sử là những con số
và sự kiện đã đóng băng, hoàn toàn không thể “nếu”. Vì thế, “nếu” ở đây chỉ là
câu hỏi tu từ làm tiền đề cho hàng loạt diễn giải như một cách khẳng định tầm
quan trọng của xứ Thanh Hoa xưa đối với vận mệnh dân tộc Việt:
“Phải Thanh Hóa lịch sử còn mai phục
Bốn lần cứu quê hương thoát ách giặc Tàu
Sông linh hiển đất ngựa lồng, trâu húc
Tổ Quốc còn Thanh Hóa sợ gì đâu”
Cho dù tư duy thơ Trần Mạnh Hảo vẫn là lối tư duy nhị nguyên
nhưng khả năng sáng tạo ngôn từ của ông vô cùng phong phú, vì thế, những bài
thơ yêu nước luôn có khả năng chinh phục bạn đọc bằng cảm xúc chân thành của
nhân vật trữ tình thông qua thế giới hình tượng và điểm nhìn nghệ thuật hợp lý.
Nhân vật trữ tình trong thơ cũng biến hóa đa dạng, lúc là “tôi”, lúc lại xưng
“anh”, và đối tượng có khi là “mẹ” nhưng xuất hiện nhiều hơn cả vẫn là “em”.
Tuy nhiên tất cả những danh xưng ấy đều mang tính phiểm chỉ để nhân vật trữ
tình bộc lộ quan điểm thẩm mỹ. Chẳng hạn ở bài “Hến ơi”:
“Hến còn ngoài bãi bơ vơ
Để mồng tơi nhớ sững sờ bát canh
Mẹ mò hến tận trời xanh
Tuổi thơ yêu hến đến thành tương tư”
Vẫn là “em” nhưng em trong “Gửi Lai Châu” lại mang nỗi khắc
khoải, u hoài biên ải. Những câu thơ chẳng khác gì cảnh giới miền cổ tích:
“Ơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo”
Sẽ là khiếm khuyết nếu viết về tình yêu quê hương, đất nước
trong thơ Trần Mạnh Hảo mà thiếu đi những bài về cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Tuy số lượng được tuyển không nhiều nhưng chỉ cần “Tết cửa rừng xưa” là đủ. Bài
thơ được viết vào tháng hai năm 2015 khi sự kiện đã trở thành hồi ức, trong đó
có một khổ đọc lên tôi chợt lạnh người:
“Anh trú ẩn trong hầm hào mộng mị
Lòng như căn cứ cũ cỏ oan hồn
Bom đổ xuống đêm giao thừa như bánh tét
Khoác mai vàng đi chết để rừng chôn”
Trần Mạnh Hảo là vậy. Thơ cổ điển, thậm chí rất cổ điển. Không cách tân, không sướt mướt não tình, hay thương vay khóc mướn với những “hoang hoải”, “chênh chao”, “nắng gầy”, “mưa gầy”, “hoàng hôn tím”, “thao thiết”…, mà ông chọn cho mình mô hình thẩm mỹ riêng. Đó là phong cách thơ công dân lấy tình yêu Tổ Quốc làm điểm tựa để bộc lộ quan điểm thẩm mỹ.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
-
Các bài viết của
(về) tác giả Đặng Văn Sinh0
-
Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
-
Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
*
ĐẶNG VĂN SINH
Địa chỉ: Khu Dân cư 3, phường
Bến Tằm,
thành phố Chí Linh, Hải Dương.
Điện thoại: 098 765 35 60
........................................................................................
- Cập nhật từ email huongmai8081@yahoo.com,vn
gửi ngày 07.09.2022.
- Ảnh dùng minh họa cho
bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét