THẾ
LỮ
*
Thưa Quý Bạn, cứ kể những chuyện vợ chồng chán ghét nhau, ly dị nhau hoặc
ghen tuông, đánh đập nhau riết cũng chán và hiện nay là vấn đề đại dịch Vũ Hán,
chắc chắn báo chí các nước bên ấy đăng ầm ầm, quý bạn đã biết cả rồi. Vậy nay
tôi xin “đổi món ăn chơi”, kể hầu quý bạn một câu chuyện hơi lạ về người vợ của
nhà thơ Thế Lữ. Bà này “lạ” ở chỗ chồng bồ bịch, có vợ nhỏ ngay trước mắt mà bà
vẫn cố gắng chịu đựng, không ghen tuông một tí nào cả chỉ với một niềm tin duy
nhất rằng chồng là người Công giáo, theo giáo lý Công giáo đàn ông chỉ có một
vợ, đàn bà chỉ có một chồng, do đó cuối cùng rồi chồng sẽ trở lại với mình.
Vì vậy bà vẫn yên tâm buôn bán kiếm ăn, chăm sóc bà mẹ chồng khó tính coi
như mẹ ruột của mình, và nuôi dạy con cái, 2 người con trai ăn học tới Tiến sĩ
ở bên Mỹ, còn người con gái thì trở thành một nhà doanh nghiệp. Đặc biệt, từ
cuối năm 1977, “chàng lãng tử” Thế Lữ nay đã 70 tuổi, vào trong Nam sống với vợ
con suốt 12 năm tại tiệm vải ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ,
quận 3, gần toà đại sứ Miên hiện nay là văn phòng UBND Quận 3) cho tới khi ông
qua đời cũng tại Sài Gòn mà hình như đa số chúng ta không biết. Đây là câu
chuyện về người đàn bà đó nhưng xin mời quý bạn xem xét về nhà thơ Thế Lữ,
chồng của bà trước đã.
I. Tiểu sử Thế Lữ
Nhà thơ Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907 tại ấp
Thái Hà, Hà Nội, mất năm 1989 tại Sài Gòn, hưởng thọ 82 tuổi. Sau 1975, ông từ
Hà Nội vào Sài Gòn (cuối năm 1977) sống với vợ con gần 12 năm ở đường Phan Đình
Phùng (cũ), quận 3, Sài Gòn, cho đến khi mất . Quê quán của cha ông ở làng Phù
Đổng, huyện Tiên Du (nay là làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam
Định, nhưng sinh ra ông tại ấp Thái Hà, HàNội. Ấp Thái Hà nằm trên phần đất của 4 làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (làng Láng), nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Gọi là "Ấp" vì đây là phần thưởng của Pháp dành cho Hoàng Cao Khải (Kinh lược sử Bắc Kỳ, kẻ đã đàn áp phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi) như một "thực ấp" của các "đại thần" có công lao lớn thời trước. Mặc dầu Hoàng Cao Khải đã có dinh cơ tại phố Tràng Thi, Hà Nội hưng vẫn muốn lập cơ ngơi tại đây để sống khi về già. Ấp được Hoàng Cao Khải lập năm 1893, mang tên "Thái Hà" gồm tên làng Đông Thái và tên tỉnh Hà Tĩnh là quê quán của Hoàng Cao Khải. Những người sống ở ấp Thái Hà hàng năm đóng thuế thổ trạch cho Hoàng Cao Khải chứ không phải đóng cho Sở Điền Địa của Pháp.
Thế Lữ hồi còn nhỏ có một người anh lớn hơn cậu 1 tuổi (và một em gái),
vì vậy cậu được cha đặt tên là Nguyễn Thứ Lễ với ngụ ý đó là con thứ. Đến năm
Thế Lữ 10 tuổi, chẳng may cậu anh trai (11 tuổi) bị bệnh mất, cha bèn làm giấy
khai sinh khác, đặt tên mới cho Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ vì họ Nguyễn Đình
là một họ lớn ở làng Phù Đổng, không nên để người con trai duy nhất còn lại
trong gia đình là “con thứ”. Do đó, Thế Lữ có 2 giấy khai sinh: Nguyễn Thứ Lễ
và Nguyễn Đình Lễ. (Thời Pháp thuộc, khai sinh tại làng rất dễ, chỉ cần nói với
“ông ký” giữ sổ sách làng vài tiếng là được, hơn nữa cha của Thế Lữ lại là sếp
ga xe lửa tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội, gia đình khá giả, thỉnh thoảng ghé
về quê chơi, ai cũng vị nể. Như vậy, tài liệu nào nói Thế Lữ tên thật là Nguyễn
Thứ Lễ hay Nguyễn Đình Lễ đều đúng. Sau này, tất cả các con của Thế Lữ đều mang
họ Nguyễn Đình, như nhà đạo diễn sân khấu danh tiếng Nguyễn Đình Nghi tại Hà
Nội chẳng hạn.
Tuy nhiên, xem ra Thế Lữ thích cái tên Nguyễn Thứ Lễ hơn tên Nguyễn Đình
Lễ. Bởi vậy khi viết văn, làm thơ, hoạt động kịch nghệ, ông đều lấy bút hiệu là
“Thế Lữ”, tức nói lái từ
hai tiếng “Thứ Lễ”. Ngoài ra, khi viết văn vui
trên báo Phong Hoá và sau đó là báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, do nhà văn
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương mà ông là một trong 6 thành viên cốt cán,
Thế Lữ còn ký tên là “Lê Ta” với
ý nghĩa: Chữ “ta”trong tiếng Việt, theo Hán tự là “ngã”; mà “ngã” theo tiếng
Việt lại còn có nghĩa là dấu ngã. Bút danh “Lê Ta” tức chữ “Lê” có dấu ngã”, đó
là chữ “Lễ”, tên thật của ông. Trên báo Ngày Nay số Xuân năm 1937, Thế Lữ đùa
nghịch đưa ra câu nói vui: “Thế Lữ
mừng xuân hai thứ lễ: một quả lê tây, một lê ta”, độc
giả ai cũng tức cười và phục tài biến báo của ông.
Như trên đã nói, cha của Thế Lữ là sếp ga xe lửa, trong thời Pháp thuộc
rất có vai vế và có “ngoại tài” (tiền bạc ngoài lương bổng) nên gia đình rất
khá giả. Tuy nhiên, mẹ của Thế Lữ buôn bán nhỏ, không giàu có gì nên gia đình
bên nội không bằng lòng, song bà nội phải chiều ý con trai, tổ chức cho hai
người một đám cưới nho nhỏ tại Hải Phòng, nơi cô dâu buôn bán ở đây. Tuy nhiên,
ít lâu sau, bà nội lại cưới cho cha của Thế Lữ một cô gái con nhà giàu ở Lạng
Sơn và cho cô này làm vợ cả, còn mẹ của Thế Lữ thì làm vợ lẽ. Kệ, muốn sao cũng
được, chuyện này rất thường xảy ra đối với các gia đình giàu có ở ngoài Bắc
thời xưa khi người được cưới trước không phải làcon nhà khá giả. Hơn nữa mẹ của
Thế Lữ buôn bán ở Hải Phòng nuôi hai con trai (lúc này bà chưa sinh cô con gái
út) , ít còn thì giờ về Lạng Sơn thăm gia đình nhà chồng nên không quá để ý đến
chuyện mình là người được cưới hỏi trước mà phải làm vợ lẽ.
Khi Thế Lữ được 3 tháng tuổi, bà nội lại ra một lệnh khá đặc biệt: “Đứa
cháu lớn (anh của thế Lữ) hay ốm đau thì cho ở Hải Phòng với mẹ cũng được; còn
đứa nhỏ (tứcThế Lữ) mạnh khoẻ, bụ bẫm thì phải đem nó về Lạng Sơn sống với bà
nội, cha và “mợ cả” (vợ mới của cha)”.
Phải rời xa mẹ ruột từ lúc còn bế ẵm, lớn lên, mỗi năm chỉ được gặp mẹ
một đôi lần, Thế Lữ cho biết cậu rất nhớ mẹ. Mãi đến năm cậu bé 10 tuổi, bà nội
mất, rồi cậu anh ruột (11 tuổi) cũng mất, Thế Lữ mới được đưa về Hải Phòng sông
với mẹ ruột tại cửa hàng vải. Tuy nhiên, Thế Lữ cũng nói rằng chính do sống ở
xứ Lạng từ nhỏ cho tới năm 10 tuổi, cảnh vật thiên nhiên cũng như các câu
chuyện “đường rừng”, ma quái, kinh dị, có thể là những chuyện tưởng tượng của
đồng bào thiểu số mà cậu được nghe kể lại đã ăn sâu vào tâm trí cậu, khiến cậu
có nguồn tư liệu dồi dào khi viết những cuốn truyện”đường rừng” rất được độc
giả ửng hộ. Năm ấy Thế Lữ 23 tuổi và đã là một nhà văn, nhà thơ cốt cán trong
Tự Lực Văn Đoàn.
Cuộc đời
Thế Lữ học chữ Nho do bà nội bắt phải học khi lên 8 tuổi ở Lạng Sơn; học
chữ quốc ngữ lúc hơn 10 tuổi sau khi được trở về Hải Phòng ở với mẹ ruột. Tại
Hải Phòng, cậu học tư với cha của Vũ Đình Quý – đứa bạn thân đầu tiên của cậu
tại đất Cảng. Ít lâu sau, mẹ xin cho cậu vào lớp Đồng ấu của trường Pháp Việt
(École communale Française et Vietnammiene ) mới mở ở Ngõ Nghè. Năm 1923, 16
tuổi, cậu thi đậu bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’études en Langue
Française, thường gọi là bằng “Xéc”, tương đương với bằng Tiểu học sau này)
dành cho các học sinh từ 12 tới 16 tuổi. Đậu xong bằng “Xéc”, cậu ốm một trận
rất nặng tưởng chết, phải nghỉ học mất một năm. Năm sau, khỏi bệnh,17 tuổi, cậu
được mẹ hỏi cưới cô Nguyễn Thị Khương, gốc ở Nam Định, cũng buôn bán hàng vải
tại Hải Phòng, lớn hơn cậu 2 tuổi. Mẹ thấy cô Khương xinh xắn, nhanh nhẹn, cũng
buôn bán vải, nhất là cũng theo Thiên chúa giáo như gia đình mình nên hỏi cưới
cho con trai vậy thôi chứ sự thực giữa Thế Lữ với cô Khương không quen biết gì
cả. Điều này không quan trọng trong thời đại của Thế Lữ. Nhiều cô dâu chú rể
mãi đên lúc cưới mới biết mặt nhau, nhưng sau khi thành vợ thành chồng, họ rất
yêu thương nhau, chung thuỷ với nhau trọn đời.
Năm 1925, Thế Lữ 18 tuổi, học Cao đẳng Tiểu học (tức Trung học ngày nay),
gọi là bậc Thành Chung, 4 năm, sau đó sẽ thi lấy bằng Thành Chung thường gọi là
bằng Diplôme. Nếu đậu, đã có thể xin đi làm, nhưng chỉ học được 3 năm thì Thế
Lữ bỏ. Năm sau, cậu lên Hà Nội, với chứng chỉ đã học hết năm thứ ba ban Thành
chung, cậu thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng cũng chỉ học
được một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư Pháp và ban giám đốc nhà
trường. Trong thời gian ở trường Cao đẳng Mỹ thuật, Thế Lữ chơi thân với các
bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc; ngoài ra ông cũng chơi thân với các nhà
văn, nhà thơ như Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn…, và cùng nhau lập
một Hội quán Văn học (Salon littéraire), chuyên thảo luận về văn chương.
Làm nghề viết văn
Thời gian này, Thế Lữ bắt đầu viết văn với những truyện ghi lại từ những
gì mình đã được nghe kể khi ở Lạng Sơn. Được nhà thơ Vũ Đình Liên (tác giả bài
thơ Ông Đồ) khuyến khích, Thế Lữ gửi các tác phẩm đầu tay của mình cho Nhà xuất
bản Tân Dân,nhưng ngoài bút hiệu Thế Lữ ông còn ký thêm bút hiệu tưởng tượng là
“Đào Thị Tố” để thu hút sự chú ý của nhà xuất bản. Hai cuốn “Một truyện báo thù
ghê gớm” và “Tiếng hú hồn của mụ Ké” rất được ông Vũ Đình Long chủ nhà xuất bản
Tân Dân khen ngợi và cho in ra. Điều này càng khích lệ Thế Lữ từ bỏ con đường
hội họa để bước hẳn sang địa hạt văn chương. Bút danh “Thế Lữ” của ông ngoài
chuyện nói lái từ hai tiếng “Thứ Lễ” thì theo ông, còn có nghĩa là “người lữ
khách lang thang trong trần thế”, rất phù hợp với quan niệm sống của ông.
Hoạt động văn học và Tự Lực văn đoàn
Sống tại Hà Nội, Thế Lữ làm người sửa bản in (correcteur, thường gọi là
“thầy cò”) cho báo Volonté Indochinoise (tức báo “Ý Nguyện Của Đông Dương”) và
thường đi làm qua Vườn bách thú Hà Nội, do đó ông làm bài thơ “Nhớ Rừng” nổi
tiếng, nói lên tâm sự của mình:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm…
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự….” ..vv..
Sau khi nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam mua lại tờ Phong hóa của Vũ
Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, và ra bộ mới vào tháng 9 năm 1932, Thế Lữ
có gửi bài. Bài thơ đầu tiên của Thế Lữ đăng trên bao Phong hóa bộ mới là “Con
người vơ vẩn”, số Tết năm 1933. Sau đó, khi đến tòa soạn báo Phong hóa lần đầu
tiên để lãnh nhuận bút, ông đọc những bài thơ mình đã sáng tác cho mọi người
nghe và được nhà văn Khái Hưng khen ngợi là “Lamartine của Việt Nam”. Bên cạnh
đó, nhà văn Nhất Linh cũng đặc biệt chú ý đến những truyện dài “Một đêm trăng”,
“Vàng và máu” và cho rằng Thế Lữ là một cây bút mới có nhiều triển vọng, “Phải
mời bằng được vào cộng tác với báo Phong Hoá, chắc chắn điều đó cũngkhông khó”.
Chẳng bao lâu sau, Thế Lữ được mời làm việc cho báo Phong hóa, đồng thời Nhất
Linh cũng có bài viết đề cao Thế Lữ cũng như thơ văn của ông. Đoạn trên đây cho
chúng ta thấy Nhất Linh và Khái Hưng là những người tôn trọng tài năng như thế
nào.
Tháng 3 năm 1934, Tự Lực Văn Đoàn chính thức ra đời với 6 thành viên:
Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ. Tự Lực Văn Đoàn chủ
trương lên án tư tưởng phong kiến, đả kích các thói hư tật xấu và các tệ nạn xã
hội bằng cách châm biếm, hài hước, đồng thời đổi mới quan niệm sáng tác, xây
dựng một nền văn chương và ngôn ngữ mới hoàn toàn Việt Nam. Thế Lữ rất tán đồng
quan điểm này. Trong suốt 10 năm hoạt động văn học, ông gắn bó chặt chẽ với Tự
Lực Văn Đoàn và nói: “Anh em đối xử với nhau như bát nước đầy. Nếu không có Tự
Lực Văn Đoàn thì đã không có Thế Lữ”.
Tháng 9 năm 1936, báo Phong hóa bị đóng cửa do động chạm tới Kinh lược xứ
Bắc kỳ Hoàng Cao Khải và Tổng đốc Hà Nội Lê Hoan. Nhất Linh bèn ra tờ Ngày Nay,
tôn chỉ cũng giống như tờ Phong hoá.. Thế Lữ với bút hiệu Lê Ta giữ các tiết
mục: “Điểm báo”, “Điểm sách”, “Tin thơ”, “Tin văn vắn”, “Tin tức…mình” … Ngoài
ra, ông cũng viết các bài bình luận ký tên Thế Lữ, phân tích về các vấn đề văn
học nghệ thuật và làm giám khảo cho tất cả 3 cuộc thi của Tự Lực Văn Đoàn trong
các năm 1935, 1937, 1939,góp phần khẳng định tài năng của các tác giả trúng
giải. Ông là một “kiện tướng” hết sức xông xáo của Tự Lực Văn Đoàn.
Tài năng đa dạng: Thơ, Nhạc, và Kịch
Ngoài sự nghiệp văn chương, nhà thơ Thế Lữ còn là một nhân vật lừng lẫy
danh tiếng trong đời sống kịch nghệ. Không chỉ góp phần hình thành Thơ mới, ông
còn đặt nền móng cho nền sân khấu Việt Nam hiện đại. (Thời trước, kịch là kịch
thơ, kể từ Thế Lữ trở đi mới có thoại kịch, tức bây giờ gọi là kịch nói, như
các ban kịch nói Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng, Vũ Đức Duy..vv.. thời Việt Nam Cộng
Hòa chẳng hạn),và ông cũng là tác giả phần lời tiếng Việt của ca khúc “Xuân và
tuổi trẻ” được hát suốt từ đó đến nay.
Năm 1935, tập “Mấy vần thơ” của ông xuất bản, góp phần cổ võ mạnh mẽ cho
phong trào Thơ mới. Trong bài thơ “Cây đàn muôn điệu”, ông tâm sự:
“Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn màu muôn vẻ
Mượn cây bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca”…
Trong bài thơ “Giây phút chạnh lòng” cảm đề truyện Đoạn Tuyệt của Nhất
Linh, ông viết thay lời nhân vật Loan nói với người mình yêu tên Dũng nhưng hai
người không lấy được nhau vì nhà Loan quá nghèo mà gia dình Dũng quá giàu, bà
Phán mẹ Dũng lại quá khắc nghiệt, khinh bỉ người nghèo. Khi Dũng bỏ nhà ra đi
hiến mình cho lý tưởng, Loan nói cứng nhưng trong lòng khắc khoải khôn nguôi:
“Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi
Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ”…
Về nhạc, năm 1944, khi cùng đoàn kịch Tinh Hoa của mình đi lưu diễn tại
Hội An tỉnh Quảng Nam mà ông vừa là chủ gánh, vừa là người viết kịch bản, vừa
là đạo diễn kiêm diễn viên nòng cốt trong đoàn, Thế Lữ tình cờ được nghe một
bản nhạc có âm điệu rất hay của nhạc sĩ La Hối (1920- 1945, người Việt gốc Hoa)
với phần lời bằng tiếng Hoa của tác giả Diệp Truyền Hoa. Lập tức ông tìm gặp
nhạc sĩ La Hối (lúc ấy mới 24 tuổi), đề nghị chính mình sẽ viết thêm một bản
lời Việt. Nhạc sĩ La Hối đã biết tiếng Thế Lữ nên rất lấy làm hân hạnh, và sau
đó, chỉ một đêm, bản “Xuân Và Tuổi Trẻ” tiếng Việt ra đời:
“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.”
Năm sau (1945), người nhạc sĩ trẻ tuổi gốc Hoa, do lòng yêu nước, cùng
các bạn thân ở Hội An tổ chức một hội đoàn chống Nhật, dần dần lan rộng khắp
Quảng Nam nên bị hiến binh Nhật vây bắt, xử bắn cùng 9 người bạn, nay 10 nấm mộ
vẫn còn ở Hội An, nhưng bản nhạc “Xuân
Và Tuổi Trẻ” do Thế Lữ đặt tên và viết lời Việt vẫn
được mọi người hát cho đến bây giờ, nhất là trong các dịp xuân về.
Thế Lữ chơi đàn guitare, thổi sáo và hát rất hay. Ông đã từng tổ chức một
đêm ca nhạc kịch tại Nhà Hát Lớn Hà Hội, gồm toàn các nhà văn, nhà thơ và các
cộng tác viên của Tự Lực Văn Đoàn biểu diễn, do chính ông đạo diễn và xếp đặt
chương trình. Đêm ca nhạc kịch thành công mỹ mãn, đối với độc giả của báo Ngày
Nay càng thêm thân thiết.
II. Người vợ đáng nể của Thế Lữ
Như phần trên đã nói, người vợ đầu tiên của nhà thơ Thế Lữ là cô gái ở
Nam Định, nhưng buôn bán hàng vải ở Hải Phòng, tên là Nguyễn Thị Khương, lớn
hơn Thế Lữ 2 tuổi, do mẹ cưới cho chứ chưa từng quen biết Thế Lữ. Bà Khương
sinh cho Thế Lữ cả thảy 4 người con, 3 trai 1 gái. Bà chấp nhận ở Hải Phòng
buôn bán, thay chồng chăm sóc mẹ già và nuôi dạy các con để Thế Lữ được thỏa
sức bình sinh phô diễn tài nghệ ở Hà Nội. Tuy “chỉ là một khách tình si” nhưng
Thế Lữ cũng nhận thức được những vất vả mà vợ mình phải chịu đựng khi sống với
bà mẹ chồng quá khó tính. Ông giải thích cho vợ hiểu rằng do mẹ đã gặp nhiều
khó khăn khi làm dâu bà nội ở Lạng Sơn với những uất ức không nói ra được, nên
bây giờ bà cũng khó lại với con dâu như cái “nợ đồng lần” vậy thôi.
Để cải thiện mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, Thế Lữ viết một
truyện ngắn, mổ xẻ những vướng mắc trong cái “nợ đồng lần” đó và ký tên khác
hoàn toàn xa lạ, coi như của độc giả rồi đọc cho mẹ nghe. Không ngờ chỉ mới
nghe qua một đoạn, bà mẹ đã cầm cái ống nhổ đựng quết trầu dằn mạnh xuống mặt
bàn: “À, thế ra anh muốn dạy tôi đấy, phải không? Ai nuôi anh ăn học từ năm 10
tuổi? Ai chăm sóc anh suốt một năm trời bệnh nặng tưởng chết, để rồi bây giờ
anh dạy lại tôi! …”. Thế Lữ sợ mẹ giận, chống chế rằng đấy là truyện do độc giả
viết. “Muốn do ai viết cũng là nói tôi. Anh đọc cho tôi nghe tức là muốn khuyên
tôi đừng khó khăn với vợ anh nữa chứ gì! Tôi thừa hiểu cái thâm ý của anh…”. Thế
Lữ bèn xin lỗi mẹ rồi hôm sau trở về Hà Nội, bao nhiêu tai ương vợ lại tiếp tục
gánh chịu.
Thế Lữ có người yêu
Những ngày mê mải với việc dựng kịch, Thế Lữ đã gặp một người con gái Hà
Nội đam mê sân khấu tên là Phạm Thị Nghĩa. Cô sinh năm 1913, kém Thế Lữ 6 tuổi,
con gái quan tuần phủ Phạm Đình Mẫn ở Hà Đông, cô ruột của các ca sĩ Thái
Thanh, Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Phạm Thị Nghĩa học trường Pháp,
năm 20 tuổi là giáo viên trường tư thục Victor Hugo nhưng lại mê hát chèo và
diễn kịch. Gia đình không chấp nhận”xướng ca vô loài”, nên “cô giáo” Phạm Thị
Nghĩa chỉ tập kịch và tập hát cheo do bạn bè dạy. Cô rất có năng khiếu về hai
bộ môn này và rất hâm mộ tài năng của Thế Lữ, nên thường đi xem các vở thoại
kịch rất gần với kiểu thoại kịch của Pháp, do Thế Lữ đóng hoặc dàn dựng, rồi tự
ý làm quen với Thế Lữ.
Nhận ra Phạm Thị Nghĩa tuy là giáo viên trường Pháp, chuyên nói tiếng
Pháp nhưng lại có tài diễn xuất và hát chèo tiếng Việt, vì vậy khi đưa vở kịch
“Gái không chồng” của Đoàn Phú Tứ lên sân khấu tại Hải Phòng, thiếu vai chính
phù hợp, Thế Lữ bí mật cho người về Hà Nội mời Phạm Thị Nghĩa vào vai cô Mão.
Dù diễn ở Hải Phòng nhưng cô Nghĩa cũng sợ gia đình phát hiện nên lấy biệt danh
là “Song Kim”, coi như cả mình lẫn Thế Lữ đều là… hai cục vàng rất có giá trị.
Vở kịch thành công mỹ mãn, trình diễn nhiều đêm liền, Song Kim bỏ nhà, bỏ cả
nghề dạy học đi theo tiếng gọi của tình yêu và dần trở thành một diễn viên gạo
cội trong đoàn kịch Tinh Hoa của Thế Lữ. Họ kết duyên với nhau. Đó là cặp nghệ sĩ
rất nổi tiếng và đẹp đôi mặc dầu “chàng” hơn nàng 6 tuổi và đã có vợ con.
Ở Hải Phòng, bà Khương biết chuyện, buồn lắm nhưng cố chịu đựng, không tỏ
thái độ ghen tuông. Bà không coi Song Kim là “vợ hai” của chồng, vì theo giáo
lý Công giáo, đàn ông chỉ có một vợ, bà tin rằng Thế Lữ là người Công giáo,
được bà nội huấn luyện từ nhỏ cho mãi tới năm 10 tuổi, rồi mẹ ruột lại dạy
tiếp, sẽ có một ngày ông trở lại với mình. Di cư vào Nam, nuôi 2 con trai học
tới tiến sĩ và người con gái trở thành một nhà doanh nghiệp.
Năm 1954, Thế Lữ đã đưa người con trai cả là Nguyễn Đình Nghi đi theo
mình cùng Song Kim lên Việt Bắc từ năm 1945 và sau này Nguyễn Đình Nghi cũng
trở thành một đạo diễn sân khấu nổi tiếng. Hiệp định Genève diễn ra. Mặc dầu
Thế Lữ và Song Kim ở lại Hà Nội nhưng bà Khương quyết định dẫn mẹ chồng và 3
người con di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, bà vẫn sống bằng cách mở một tiệm bán vải
để nuôi các con ăn học. Khi mẹ chồng mất, bà làm đám tang “hoành tráng” không
khác gì có mặt Thế Lữ ở nhà.
Thời gian qua đi, biến cố 1975 xảy ra, miền Nam sụp đổ. Ở ngoài Bắc, Nghệ
sĩ Nhân dân Song Kim không có con, bà đối xử với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi như
con ruột và coi các con của vợ chồng Nguyễn Đình Nghi như cháu nội. Trong khi
đó, ở trong Nam, hai người con trai của bà Khương là Nguyễn Đình Học và Nguyễn
Đình Tùng đã lần lượt thi đậu Tiến Sĩ và trở thành giảng viên đại học, còn
người con gái tên Nguyễn Quỳnh Tâm đã có gia đình. Năm 1977, mặc dầu là con
người phiêu lãng và đã luống tuổi nhưng Thế Lữ vẫn dành sự quan tâm tới vợ con.
Ông thương thảo với Song Kim để dọn vào Sài Gòn còn bà thì vẫn ở lại Hà Nội.
Hai vợ chồng già gặp nhau, vẫn vui vẻ sau bao nhiêu năm xa cách. Ông sống
chung với bà từ cuối năm 1977 tại căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình
Phùng cũ) quận 3 SàiGòn và qua đời vào ngày 3/6/1989, thọ 82 tuổi. Như vậy ông
bà “tái hồi Kim Trọng” gần 12 năm đúng như bà suy nghĩ: dù phiêu bạt đến mấy,
cuối cùng là ông sẽ trở lại với bà. Sau khi ông mất, hai người con trai của bà
là Nguyễn Đình Học và Nguyễn Đình Tùng đem vợ con vượt biên sang Mỹ năm 1990,
hiện nay đang ở bên Mỹ. Còn người con gái là Nguyễn Quỳnh Tâm thì không vượt
biên, sau thời kỳ mở cửa, sẵn có gia tài, tiền bạc của mẹ để cho, vợ chồng tiếp
tục làm ăn, buôn bán, trở thành một nhà doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu
vải vóc có tiếng tại Sài Gòn.
Bà Song Kim sinh năm 1913, mất năm 2008 tại Hà Nội, thọ 95 tuổi. Cả bà và
Thế Lữ đều được phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân, được Giải thưởng Hồ Chí
Minh, nhưng đều không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì bà là
con gái quan tuần phủ thời Pháp, còn Thế Lữ là người Công giáo, không chịu bỏ
đạo mặc dầu ông rất bận, ít khi đi lễ nhà thờ.
Đoàn Dự ghi
chép
*****
Tài liệu hiếm quý. Tôi xin phép bổ sung vài chi tiết nhỏ.
- Khoảng 1940, ông Thế Lữ và bà
Song Kim về ở đường Láng. Lúc đó, đường Láng chỉ có hai gia đình: Cụ Tú Mỡ và
Ông Thế Lữ. Cụ Tú Mỡ là người rủ Ông Thế Lữ về đó ở..
- Người con thứ, Nguyễn Đình Học
(tôi lại nhớ là Nguyễn Thế Học) là tiến sĩ Toán, anh học tiến sĩ ở Bỉ. Xong
tiến sĩ, anh có đi Phi Châu, hình như xứ Congo, dạy học vài năm rồi trở về Bỉ,
ở thủ đô Bruxelles. Thời đó, khoảng 1975, tôi thỉnh thoảng có sang Bỉ thăm bè
bạn, và hay đến nhà anh chị Học chơi, đánh mạt chược. Chị Học, vốn là cô giáo
Toán ở trường Gia Long, nhưng theo chồng sang Bỉ, hình như thôi dạy. Bạn bè tôi
bên Bỉ kháo nhau là chị Học vốn còn giỏi Toán hơn chồng, nhưng phận nữ nhi,
chịu nâng khăn sửa túi cho chồng, âu cũng là phong tục An Nam ta.
TB. Tôi nghe nói, anh Học đã mất
lâu rồi, chị Học dọn nhà sang Mỹ. Mấy năm gần đây, chị cùng một số bạn hữu sưu
tập toàn bộ Phong Hoá - Ngày Nay và mang về Việt Nam tặng cho một trường Đại học
ở Sài Gòn, để phổ biến trong giới sinh viên làm tài liệu nghiên cứu. Tôi nghe
nói, cho đến nay tài liệu đồ sộ đó vẫn chưa được phổ biến rộng rãi...
Lương Lê Huy
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
chăm sóc sức khỏe0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Nguyễn Khôi giới thiệu
Tác giả: Đoàn Dự - nguồn: luonglehuy
Ảnh minh họa sưu
tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét