MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

Tổng thống Biden thăm Việt Nam: 'CÒN DUYÊN MAY LẠI CÒN NGƯỜI….' - Tác giả: Đinh Hoàng Thắng ; Trần Chí Cường giới thiệu

 


Tổng thống Biden thăm Việt Nam:

“CÒN DUYÊN MAY LẠI CÒN NGƯỜI….”

 

Sau tám năm gặp lại nhau, nên chăng ông Trọng tặng cụ Biden câu Kiều này “Được rày tái thế tương phùng/ Khát khao đã thỏa tấm lòng bấy lâu…” Bởi lẽ, chuyến thăm của Tổng thống Biden không chỉ nâng cấp bang giao mà còn mở ra không gian đa chiều về địa-chính trị tại khu vực Ấn Thái Dương.

 

Vênh nhau về văn hóa truyền thông

Lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ thăm Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Phải chăng, vì thế mà đã có đến vài lần Tổng thống Mỹ đề cập với cử tri trong nước về chuyến đi lịch sử của ông? Biden công khai trước bàn dân thiên hạ về một nghị trình quan trọng: Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ với Mỹ "lên thành một đối tác chủ chốt, cùng với Nga và Trung Quốc." Chuyện động trời là nội dung điện đàm giữa ông với Tổng bí thư cũng được tiết lộ. Về phía Việt Nam, ngoài dòng tin ngắn ngủi trích thông cáo Nhà Trắng, cho đến nay truyền thông chưa có tin, bài chính thức về chuyến thăm của Biden. Như một ngoài lẽ thường, tờ “Tuổi trẻ” hôm 31/8 rón rén “giới thiệu nhận định của ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên đại sứ Việt Nam ở Mỹ, về ý nghĩa của chuyến thăm chưa có tiền lệ”. Nhưng ông Cường cũng không khẳng định điều gì. Ông chỉ bày tỏ “hy vọng trong chuyến thăm của Biden, lãnh đạo hai nước sẽ có những biện pháp mới để tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt – Mỹ trong nhiều năm tới” (1).

Trong khi đó, truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin về chuyến thăm làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cửa khẩu Lạng Sơn giáp Trung Quốc. Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Trọng quan tâm đến cửa khẩu này, vì đây là cửa ngõ "phên giậu" của tổ quốc, vùng đất có nhiều địa danh ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc (chống phong kiến phương Bắc). Lạng Sơn là "phên giậu quốc gia" về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là "phên giậu về kinh tế", bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế. Bài tường thuật trích phát biểu của Tổng bí thư: “Lạng Sơn cần xác định, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là góp phần phát triển kinh tế của cả nước…” Dịp này, Tổng bí thư đã trồng cây lưu niệm tại cửa khẩu quốc tế, có đại sứ Trung Quốc Hùng Ba từ Hà Nội lên cùng tham gia. Ông Trọng nói với ông Hùng Ba: “Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu việc xây dựng, phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc” (2).

Động thái nói trên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới phân tích cho là vừa nội trị, vừa ngoại giao. Nhưng có lẽ ngoại giao là chính? Chưa rõ, từ nay đến khi chuyên cơ ông Biden đáp xuống Nội Bài, có đoàn cấp cao nào của Trung Quốc sang Hà Nội hay không? Nhớ lại tháng 8/2021, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Harris, đại sứ Hùng Ba đã “chặn” xe ông Chính và Thủ tướng buộc phải tiếp Hùng Ba, thề thốt việc Hà Nội không để nước nào chia rẽ tình hữu nghị “vĩ đại và cảm động Trung – Việt” (3). Rút kinh nghiệm “chuyện lạ mà quen” ấy, với động thái bố trí để đại sứ Hùng Ba lên tận xứ Lạng “trồng cây lưu niệm” cùng Tổng bí thư Trọng, lần này chắc Bắc kinh không còn lý do để chỉ thị đại sứ xin hội kiến Tổng bí thư. Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt trong chuyến thăm Tổng thống Biden, đại sứ Cường cho rằng, ông Biden không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.

 

Nhưng điều gì đã san bằng khác biệt?

Tổng thống thứ 46 của Hoa kỳ Joe Biden đã hóa giải những khác biệt trong văn hóa chính trị giữa hai quốc gia bằng nhiều cách. Một trong biện pháp hàng đầu là kiên trì đề xuất các sáng kiến hợp tác kinh tế với Hà Nội. Thỏa thuận với Hà Nội tới đây do chính quyền Biden đề xuất trong thời gian qua xuất phát từ chiến lược của Hoa Kỳ nhằm xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và an ninh trong không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở. FOIP đóng vai trò như bức tường thành chống lại sự ép buộc kinh tế và quân sự của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực. Lần này, một phần do Trung Quốc quá đà với “ngoại giao chiến lang” nên Hà Nội cuối cùng đã chấp nhận đề xuất của Mỹ. Hoạt động kinh tế ngày càng tăng cường giữa hai nước hỗ trợ quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và đáp ứng mong muốn của Việt Nam phát triển các công nghệ tiên tiến. Các công ty bán dẫn của Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ mong đợi này của Hà Nội. Hoa Kỳ hiện là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, quốc gia đã có sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua (4).

Phương pháp tiếp theo là nâng cấp mạng lưới quốc phòng và an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Các quan chức cho biết Hà Nội và Washington dự kiến sẽ tăng cường các chuyến thăm của các tàu sân bay Mỹ, có thể sẽ kèm theo các cuộc tập trận hỗn hợp cùng với các thương vụ vũ khí. Trong số những khách hàng mua vũ khí từ Nga, Việt Nam đã công khai bày tỏ mong muốn đa dạng hóa kho vũ khí quân sự của mình. Năm ngoái, Việt Nam đã tổ chức hội chợ quốc phòng quốc tế đầu tiên và các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ Raytheon và Lockheed Martin đã tài trợ cho hai gian hàng lớn nhất. Tuy không phải là đồng minh hiệp ước, nhưng từ nay, Việt Nam có thể sẽ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm đầu bảng, tức là Washington sẽ được hưởng quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Quy chế này trong những điều kiện thông thường, phải mất nhiều năm quốc gia có quan hệ với Hà Nội mới được nâng lên một tầm vóc mới, với hàng loạt các nhân tố chiến lược. Theo giới quan sát, trong quá trình thúc đẩy các quan hệ này với Mỹ, Hà Nội đã phải cùng lúc tiến hành nhiều bảo đảm với Bắc kinh, những thỏa thuận này không phải là bước đệm cho một liên minh quốc phòng chính thức (5).

Bảo đảm dư địa hành động cho Hà Nội cũng quan trọng không kém. Vấn đề không phải là Việt Nam bị động đến với Mỹ. Vấn đề là “cây tre Việt Nam” cần giữ được thăng bằng giữa hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ để có thể duy trì quyền tự chủ của riêng mình. Có chung đường biên giới với Trung Quốc, từ lâu Hà Nội đã phản đối các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Cảnh sát biển Trung Quốc liên tục quấy rối các hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam và thường xuyên tấn công các tàu cá của ngư dân Việt. Chỗ riêng tư, Việt Nam đã bày tỏ với Hoa Kỳ về sự quan tâm đến việc tăng cường hợp tác về công nghệ và giám sát hàng hải. Với mối quan hệ sẽ được nâng cấp lên tầm chiến lược, tất cả những điều này sẽ được đặt lên bàn đàm phán với một trường hấp dẫn đặc biệt. Theo giới phân tích, Hà Nội vẫn thận trọng không muốn làm mất lòng Bắc Kinh, nước đang không ngừng hiện đại hóa quân đội. Nhưng mặt khác, Hà Nội hiểu được sự nguy hiểm của dàn vũ khí Nga trong kho hiện nay đã trở nên kém hiệu quả sau các chiến dịch của Putin ở Ukraine (6).

*

Còn duyên nay (may?) lại còn người/ Còn vầng trăng cũ (bạc?) còn lời nguyền xưa”. Mượn tứ thơ này từ “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu đứt ruột) hơn 200 năm tuổi để kết thúc khúc nguyện cầu cho bang giao đầy duyên nợ Việt – Mỹ. Những ngày tới đây, sau phút trùng phùng là chương trình nghị sự bận rộn. Sự hợp tác song phương trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giao vẫn còn đó... Nhắc lại lời tâm giao của Phó Tổng thống Biden trong buổi tiễn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi rời Washington cách đây tám năm. “Trời còn để có hôm nay” cho Việt Nam, cho khu vực và cho cả thế giới vừa thoát khỏi một đại dịch kinh hoàng mà tại đó hơn 43 ngàn vong linh người Việt đã giã từ cuộc đời tuy chưa phong lưu nhưng vẫn đáng sống. Gánh nặng của mối bang giang đang vẫy gọi những thế hệ có trách nhiệm ở mỗi nước hãy làm nhiều hơn nữa, hãy hành động khẩn trương hơn nữa, cho tương lai của người dân Hoa Kỳ và tương lai người dân Việt Nam. Lịch sử không bao giờ quên và sẽ vinh danh các thế hệ đi trước đã miệt mài vất vả, làm những phiến đá lót đường cho mối bang giao mới, từ hôm nay và ngay bây giờ!

----------

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng từng là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và Bỉ; nguyên Trợ lý Ngoại trưởng, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc tế.

(1) https://tuoitre.vn/tong-thong-my-joe-biden-den-viet-nam...

(2) https://banqlktck.langson.gov.vn/.../tong-bi-thu-nguyen...

(3) https://www.rfa.org/.../old-story-on-the-occasion-of...

(4) https://www.voatiengviet.com/.../su-chu-dong.../7222284.html

(5) https://www.rfi.fr/.../20230406-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-h...

(6) https://www.washingtonpost.com/.../vietnam-biden.../?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Đinh Hoàng Thắng - nguồn: VOA Tiếng Việt

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét