MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

VỀ BẢN DỊCH BÀI THƠ 'NAM QUỐC SƠN HÀ 'TRONG SÁCH GIÁO KHOA LỚP 7 - Tác giả: Trương Phan Việt Thắng ; Trần Chí Cường giới thiệu

 


VỀ BẢN DỊCH BÀI THƠ

NAM QUỐC SƠN HÀ

TRONG SÁCH GIÁO KHOA LỚP 7

 

Lê Thước và Nam Trân, tác giả bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà mới được đưa vào sách giáo khoa lớp 7, đều là những dịch giả tiếng tăm một thời. Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh còn có con đường mang tên Lê Thước, bởi bên cạnh những cuốn sách mà ông dành nhiều tâm huyết, như Hán văn tân giáo khoa thư (Sách giáo khoa mới về Hán văn), "Truyện cụ Nguyễn Du" và "Sự nghiệp thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ", ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành văn hóa, giáo dục của chính quyền cách mạng Việt Nam. Cùng thời với ông, Nam Trân cũng sớm tham gia cách mạng. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông cũng là một trong những giảng viên lớp đại học Hán Nôm đầu tiên ở miền Bắc. Ông chính là người chủ trì dịch tập Ngục trung nhật ký. Nói về các ông là nói về những cây đa cây đề trong làng chữ nghĩa Hán Nôm.

Tuy nhiên, bản dịch Nam quốc sơn hà của hai ông chắc chắn không phải là một thành công như những tác phẩm khác, nếu không muốn nói đó là một bản dịch hoàn toàn thất bại. 

Thứ nhất, ngay câu đầu tiên các ông đã tùy tiện dịch hai từ "Nam quốc" thành "Nam Việt": Núi sông Nam Việt vua Nam ở. Trong một bài báo (đăng trên báo Giáo dục) phân trần về lý do chọn bản dịch này để đưa vào sách giáo khoa lớp 7, chính ông tổng chủ biên cũng nói rằng phải thay câu này bằng câu của bản dịch cũ, vì nước ta chưa bao giờ mang quốc hiệu Nam Việt(!) 

Thứ hai, câu "Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" được các ông dịch là "Vằng vặc sách trời chia xứ sở". Sự tùy tiện được đẩy cao hơn một mức nữa bằng việc sử dụng từ láy tượng hình "vằng vặc". Đây là từ dùng để mô tả ánh sáng và không gian ban đêm. Người ta nói "trăng sáng vằng vặc", "trời sao vằng vặc", "vằng vặc trăng soi"... Với việc đặt từ "vằng vặc" bên cạnh "sách trời" vô hình chung các dịch giả đã ví sách trời như mặt trăng, biến cái siêu phàm thành cái hữu hình, biến thứ thiêng liêng thành ra trần thế. Hơn nữa, trong văn hóa phương đông trăng và đêm đều thuộc âm, chỉ sự yếu mềm, không thể đem làm tuyên ngôn độc lập. Việc mang cụm từ "sách trời" ra khỏi vị trí trọng tâm ở cuối câu cũng làm mất đi tính tuyên ngôn mạnh mẽ của nguyên tác. 

Sự tùy tiện lên tới đỉnh điểm khi hai dịch giả tự ý thêm vào từ "xứ sở". Không còn là nước, mà là xứ sở. Đó chính là thứ mà nhà nước phong kiến Trung Hoa vẫn "phong" cho các vương triều chư hầu. Trên thế giới, "xứ" cũng được dùng để chỉ các vùng lãnh thổ phụ thuộc, không có nền độc lập, ví dụ như Xứ Wale. Không có lý gì mà khi tuyên bố nền độc lập ta lại đi xưng là là "xứ sở". 

Hai câu tiếp theo càng làm mất đi cái khẩu khí của một bản tuyên ngôn độc lập. 

"Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ

"Nghịch lỗ" mà dịch là "giặc dữ" thì chẳng bằng đưa thêm vũ khí cho giặc, bởi "dữ" bao hàm sức mạnh. Dữ đi liền với ác, nhưng dữ cũng là dữ dội. 

Câu cuối "bản tuyên ngôn" bị hai dịch giả biến thành văn nói hoàn toàn khi dùng đại từ nhân xưng "chúng mày". Về ngữ pháp, việc dùng cụm từ "nhất định phải" khiến cho câu này mang ý nghĩa thể hiện ý chí chủ quan, chứ không mạnh mẽ khẳng định một kết cục khách quan tất yếu cho lũ giặc như trong bản dịch cũ: "Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!". 

Tóm lại, bản dịch của hai ông làm hỏng tinh thần của nguyên tác về mọi mặt và khiến cho nó trở thành một bài thơ lủng củng, nửa văn nói nửa văn viết. Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tùy tiện thay câu đầu, đổi câu sau, khiến cho nó càng lủng củng hơn. Việc ông Tổng chủ biên Nguyễn Khắc Phi nói rằng: "Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa ở nước ta cũng như nước ngoài, cho phép người biên soạn có quyền sửa chữa cho phù hợp nội dung", và rằng: "Việc này đã được thông qua bởi cả một hội đồng", chỉ là bao biện. Nếu không, chỉ có thể đoán rằng bản dịch cũ bị thay thế chính là bởi người dịch là Trần Trọng Kim. Nhưng người ta quên rằng cho dù ông là một trí thức không thuộc phe cách mạng, là Thủ tướng "Chính phủ bù nhìn", thì bản dịch của ông vẫn đi vào lòng dân tộc, giống như nguyên tác vậy. 

Nguyên tác chữ Hán: 

 

 

Nguyên tác (phiên âm): 

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

 

Dịch nghĩa (theo Thơ văn Lý - Trần): 

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Giới phận đó đã được định rõ ràng ở sách trời

Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm

Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong.

 

Bản dịch của Trần Trọng Kim: 

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

 

Bản dịch thơ (Phạm Trần Anh): 

Sông núi trời Nam của nước Nam

Sách trời định rõ tự muôn ngàn

Cuồng ngông giặc dữ vào xâm lấn

Chuốc lấy bại vong lấy nhục tàn.

 

Bản dịch Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1, trang 62 (Lê Thước và Nam Trân dịch): 

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe AudioBook Chọn Lọc đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Trương Phan Việt Thắng - nguồn: chungta.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét