THẦY TUỆ SỸ TRONG VẬN MỆNH
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Đặng Xuân Xuyến giới thiệu
Tác giả: Nguyễn Tuấn Khanh
THẦY TUỆ SỸ TRONG VẬN MỆNH
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023, tin lan nhanh trong giới Phật
giáo Việt Nam, cũng như những người quan tâm, thầy Thích Tuệ Sỹ đã ra đi lúc 16
giờ, ở chùa Phật Ân, Đồng Nai, với những người thân thiết và các thầy của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chung quanh.
Thầy đã rời bệnh viện ngày 23 và về đến chùa Phật Ân, chấp nhận
giờ lâm chung theo lẽ tự nhiên, hóa thân về với hư không, như thầy viết trong
di chúc “hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng”. Thầy Tuệ Sỹ ra đi để lại những
bài học khôn cùng về trí tuệ, về chọn lựa và cả tận hiến cho Phật giáo, cho quê
hương, dân tộc.
Phật giáo Việt Nam trong nửa thế kỷ này có thể nói đã trải qua
hai lần chuyển biến, chân đứng như chạm mép vực sâu của thời thế, và của cả
những điều khó nói. Trong hai lần chuyển biến đó, tôi học được sự điềm nhiên và
những bước đi có chọn lựa đầy trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ, qua nhiều cảnh ngộ khác
nhau.
Những năm tháng sau khi Việt Nam thống nhất địa lý, nhưng đó
cũng là lúc Phật giáo bị tan tác, chia rẽ và hình thành giáo hội mới với sự bảo
trợ của nhà nước. Đó được coi là lần chuyển biến thứ nhất. Những bậc thầy của
Phật giáo Việt độc lập truyền thống rơi vào những hoàn cảnh xót xa. Những minh
sư hiền giả lại bị đẩy vào cái chết bất thường, tù đày, cô lập… trong giai đoạn
rối ren, hỗn loạn. Thế hệ tiếp nối của tinh thần Phật giáo lúc đó như Thầy Tuệ
Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích Phước An… mỗi người một nơi.
Nhưng riêng với Thầy Tuệ Sỹ, sự có mặt, đối thoại và hành xử
theo luật pháp Việt Nam vào giai đoạn sau năm 1975 đã đặt các nhà làm chính
sách ở Việt Nam vào thế muốn xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một
tổ chức bất hợp pháp là một điều không dễ. Sự biến Lương Sơn là một biến cố mà
sự có mặt của Thầy đã mở ra một chứng minh quan trọng: cộng đồng tôn giáo, dù
lớn hay nhỏ, là một thực thể lịch sử và truyền thống vượt lên hạn chế của tên
gọi, thời gian và địa lý, bất luận có được thế quyền nhìn nhận hay không.
Chính vì vậy, việc có thêm một giáo hội, chỉ có ý nghĩa làm đa
dạng sinh hoạt tôn giáo chứ không thể vì vậy mà loại trừ một hoạt động tôn giáo
khác. Cấm chỉ, thành lập hay loại bỏ bằng quyền lực chỉ là hoạt động vô nghĩa
ngoài da.
Buộc lòng phải lên tiếng vì lẽ phải, và sự tồn tại của một tập
hợp tôn giáo có tính lịch sử của người Việt Nam, Thầy Tuệ Sỹ đột nhiên trở
thành một hình ảnh mang tính chính trị. Ngay cả án tử hình (1988) hay những lần
bị tù, quản thúc, Thầy được chúng Phật tử kính trọng với câu trả lời trở thành
kinh điển trước các quan chức hay tòa án, nhưng Thầy lại không coi đó là danh
tiếng hay điều đáng lưu tâm trong cuộc đời theo chân Phật.
Thầy Hạnh Viên, người kề cận nhiều với thầy Tuệ Sỹ, có kể rằng
Thầy Tuệ Sỹ thấy ngại khi người ta nói nhiều về những năm tháng khó khăn của
Thầy, ngại khi nghe nói về những phát biểu có tính như một nhà đấu tranh chính
trị.
“Ôn (ngài) nói là một người đi tu, điều đáng nói là sự giác
ngộ và giá trị tu tập của mình, còn những chuyện khác đó là sự đối phó với đời
thường, không có gì đáng nói. Nếu cứ nói miết về tính chính trị, hóa ra đời
mình đã xao lãng kinh kệ rồi sao?”
Quả thật, vận mệnh của Phật giáo Việt Nam nổi chìm theo vận
nước. Thầy Tuệ Sỹ nói, và xác định sự tự tại, minh định giá trị đời mình trong
vận mệnh của Phật giáo, là điều buộc phải làm chứ không là điều Thầy chọn làm.
Đó là lý do những đoạn thăng trầm, bất hòa và mất kết nối trong
nội bộ dẫn đến chuyện năm 2005, sau khi bị thay thế bởi một thành viên khác
trong Ban chỉ đạo Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thầy
vẫn tập trung làm công việc dịch kinh, chú giải và Phật sự như lẽ sống quan
trọng nhất: Một người đến với Phật, điều quan trọng nhất vẫn là tìm về ngồi
dưới chân Phật.
Tấm lòng và trí tuệ của Thầy vẫn tỏa sáng. Tháng 5 năm 2019, Đệ
ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ ra Quyết định số 14 trao quyền điều hành Giáo hội
cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nên đến tháng 4 năm 2020, nhân lễ chung thất của
Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tuyên bố phụng thừa
Quyết định Ủy thác Quyền điều hành Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất.
Có thể nói, lúc này là lần chuyển biến thứ hai của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất. Việc xuất hiện và được giao phó, khiến nhiều vị chức
sắc và những nhánh hoạt động thiên về Phật giáo Thống nhất đàm luận, chất vấn
và thậm chí tỏ ra nghi ngờ. Bởi lẽ, Thầy ẩn dật và dành nhiều thời gian cho các
công trình Phật học – được cho là có lẽ đã “quy thuận” chính quyền và không còn
muốn tranh đấu.
Đó có thể là lý do, dù được Đức Đệ ngũ Tăng thống giao toàn
quyền, Thầy chỉ xin được nắm vị trí là một “Bỉnh pháp Tỳ-kheo,” chờ khi thuận
tiện sẽ tổ chức đại hội để dựng lại Hội đồng Lưỡng viện và bầu ra người lãnh
đạo mới: Đức Đệ lục Tăng thống. Cho đến ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2022, Thầy
mới vận động được Chư tôn đức để dựng lại Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và Hội
đồng này đã thỉnh cử Thầy làm Chánh thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng
thống.
Hơn ai hết, Thầy hiểu vấn nạn của nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất lúc này: Có người muốn đấu tranh quyết liệt đối đầu, có người
muốn tập hợp lực lượng chính danh, có người muốn giữ yên tình thế để phát triển
nhân lực và vật lực… nhưng quan trọng sự bất đồng là điểm chính, trong sự theo
dõi chặt chẽ của nhà cầm quyền.
Chính vì sự nóng lòng muốn có người lãnh đạo, để đấu tranh, để
phục hoạt, mà đã từng có một đại hội tự tổ chức ở miền Trung không lâu sau khi
Đệ ngũ Tăng thống viên tịch, để bầu lên Đệ lục Tăng thống. Tuy nhiên, kết quả
và chức vị từ đại hội đó dần im tiếng vì không chính danh.
Những năm tháng này là sự đau yếu kéo dài của Thầy Tuệ Sỹ. Nhưng
Thầy vẫn nhận vị trí cố vấn Hội đồng Hoằng pháp, và thành lập Hội đồng Phiên
dịch Tam tạng Lâm thời. Công trình mới nhất là phiên dịch 29 cuốn kinh, luật và
luận thuộc Thanh văn tạng của Đại tạng kinh Việt Nam, được coi là vô cùng quan
trọng trong tàng thư Phật giáo cho người Việt Nam.
Có lúc, vang lên lời chất vấn về chuyện tự do tôn giáo đang khốn
khó, tại sao Thầy Tuệ Sỹ lại không chọn tranh đấu, mà lại thực hiện việc dịch
kinh sách? Thật, trong bối cảnh lửa tàn tro lạnh của sinh hoạt tôn giáo độc lập
nói chung, lời chất vấn này không phải là không có ý nghĩa. Câu hỏi đặt ra,
nhằm trực diện đến vận mệnh Phật giáo Việt Nam tự do hôm nay, cũng đã có lúc
gieo cho tôi sự hoài nghi, khiến tôi phải loay hoay đi tìm sự giải đáp giữa thế
giới đầy biến động này.
Năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải đi tỵ nạn sang Ấn
Độ để tránh âm mưu sát hại của cộng sản Trung Quốc, trên đường đi, những nghĩa
quân kháng chiến Tây Tạng đón ngài và đề nghị ngài làm lãnh đạo tinh thần của
cuộc kháng chiến đòi độc lập. Nhưng là một người đi tu, ngài chỉ có thể đấu
tranh bằng lời kinh truyền thống và mở rộng tinh thần tôn giáo tự do bên ngoài
quê hương bị cộng sản thao túng, đàn áp.
Khi đến Ấn Độ, nghe thấy có người kháng chiến thất vọng về ngài
đã tự sát, lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã khóc và nói rằng ngài không thể
đứng ở vị trí chỉ huy những cuộc tấn công hủy diệt con người và cầu xin những
người kháng chiến hãy bình tâm.
Cũng chính vì vậy, năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma xin rút vai trò
chính trị trong Quốc hội lưu vong để dành trọn thời gian vận động tinh thần cho
một nước Tây Tạng độc lập. Đấu tranh trực diện là giai đoạn, nhưng gìn giữ giá
trị truyền thống cho mai sau mới là điều phải tận lực.
Tôi như chợt nhìn ra cuộc vận động lặng lẽ và là rường cột mà
Thầy Tuệ Sỹ chủ xướng. Chủ ý của Thầy là dành sức cho vận mệnh Phật giáo Việt
Nam độc lập và tinh khiết – một ngày mai phải đến. Sau năm 1975, việc tách nhập
Phật giáo, tạo thành nhánh mới vào năm 1981, mọi thứ hoàn toàn là chỏng chơ,
với toàn bộ trí tuệ kinh điển, đều là của những bậc đại sư của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất tạo dựng, chuyển soạn, phiên dịch… Ngoài đền đài,
những tượng Phật to lớn và ngôn từ thao túng trục lợi dân chúng của giáo hội
mới, xương sống của Phật giáo Việt Nam độc lập là kinh điển hình thành mọi lý
thuyết, vẫn sừng sững không thể xâm phạm và xóa bỏ. Nếu cam tâm hủy diệt, tức
có nghĩa hủy diệt luôn cả bộ mặt sơn son thếp vàng vô hồn của Giáo hội Phật
giáo mà nhà nước dựng lên.
Đời người thì hữu hạn, và cả một chế độ cũng hữu hạn. Tiếp tục
duy trì trí tuệ thật, của Phật giáo thật, là chuyện của trăm năm sau, của những
thế hệ tìm thấy chỗ dựa để dựng lại xã hội Việt Nam, với Phật giáo đang suy đồi
vì danh lợi và chính trị. Và hơn hết, dành sức cho tri thức Phật giáo, cũng
đồng nghĩa làm thất bại những lời vu cáo về “lợi dụng tôn giáo, hoạt động chính
trị”.
Cũng như nhiều năm trước, đột nhiên Thầy Tuệ Sỹ phải bước ra,
cất tiếng trong vận mệnh của Phật giáo Việt Nam trong bi thương. Hôm nay, ngài
chấp nhận im lặng trước những câu hỏi không thể trả lời một lần, mà đang dồn
sức lực cuối cùng hành động cho tương lai của Việt Nam, tương lai của vận mệnh
Phật giáo Việt Nam ngàn đời.
“Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm,
tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo
rỗng đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi
trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính
đời mình,” lời của Thầy nói với tuổi trẻ Việt Nam từ nhiều năm trước đến
nay vẫn y nguyên vậy.
Sự kiên quyết và hành hoạt không lùi bước của Thầy có thể được
xem như một thái độ chính trị cho đạo Phật trước buổi hỗn mang, nhưng chung
quyết vẫn là ý chí và tâm nguyện của một người kiên tâm thừa tự chánh pháp,
nguyện soi đường cho thế hệ Việt mai sau.
Tác giả: Dương Trung Dũng
NỤ CƯỜI AN NHIÊN
Bức hình không phải chụp trong xe tù như nhiều người nói mà là
trên xe lửa tại nhà ga Nha Trang vào năm 1998. Chúng tôi đã thắc mắc hỏi và
được Hòa Thượng Phước An giải thích như sau:.
“Bức ảnh được chụp vào tháng 9 năm 1998, năm thầy Tuệ Sỹ được
trả tự do từ nhà tù ở Nghệ An. Trên đường về Sài Gòn thầy ghé lại Hải Đức, Nha
Trang ở chơi hơn 10 ngày. thầy Phước Viên ở Huế vào thăm rồi cùng đưa thầy Tuệ
Sỹ về lại Sài Gòn bằng xe lửa. Đó là lúc tàu sắp chuyển bánh, cả ba người cùng
đứng nhìn xuống sân ga Nha Trang để chào từ giã tăng ni và Phật tử đến tiễn rất
đông. từ trái qua là thầy Thích Phước An, thầy Thích Tuệ Sỹ và thầy Thích Phước
Viên.”
Nụ cười an nhiên vẫn thường trên gương mặt của ngài, một người
trãi qua miệt mài những năm tù, thậm chí kề cận với án tử hình ấy, có thể làm
bạn phải nghĩ suy về nhiều điều. Phải có trái tim mang đầy niềm tin chính
nghĩa, vô úy, vô ngã… mới có thể khiến con người nhẹ bước qua những điều khó
tin trong một thế giới với pháp luật, chính trị tăm tối như trong bức hình ấy.
Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ bị công an ập vào chùa Già Lam, Sài
Gòn, bắt mang đi cải tạo – với lý do như hàng trăm ngàn trí thức, công chức,
cựu binh… của miền Nam, mà đường về nhà thì tùy theo vui buồn của các nhà lãnh
đạo cộng sản, gọi là khoan hồng. Những tháng năm giam hãm “cải tạo” không tên
gọi chính thức đó, kéo dài đến năm 1981.
Năm 1984, ngài bị bắt cùng 17 người nữa, trong đó có giáo sư Trí
Siêu Lê Mạnh Thát. Lý do bắt giữ, mà công an khép tội, nghe cũng rất quen thuộc
là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng thực chất, cuộc bắt giữ nhằm
chặn đứng phong trào phục hưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi
nhà cầm quyền đã tìm cách phế bỏ tổ chức này, bằng cách lập ra một giáo hội
Phật giáo của Nhà nước kiểm soát vào năm 1981, và tổ chức này vẫn hoạt động với
sự yểm trợ chính trị của nhà nước Việt Nam cho đến nay.
Lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn
nhất của hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của
Việt Nam, là việc soạn cuốn Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển.
Vào những ngày tháng không có mạng xã hội, không có thư tín tự
do và cũng không cơ quan truyền thông quốc tế nào được đi lại, dự khán tòa án,
án tử hình đã được áp cho ngài Tuệ Sỹ trong tháng 9/1988. Với các phiên xử đấu
tố theo kiểu miền Bắc trước năm 1975, có lẽ không có gì là quá bất thường trong
xã hội Việt Nam khép kín bấy giờ, nhưng tin tức về bậc trí giả Phật giáo Việt
Nam bị án tử hình đã làm cả thế giới chấn động. Nhiều quốc gia lên tiếng phản
đối, các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc đã liên tục chất vấn và làm
áp lực với Hà Nội khiến hai tháng sau, án tử hình được chuyển thành án tù chung
thân.
Khi ấy, tòa án không có luật sư, và ngài Tuệ Sỹ cũng không làm
đơn xin kháng án hay phúc thẩm. Án chung thân đưa ngài đi xa cả ngàn cây số
khỏi miền Nam, và giam ở trại Ba Sao, Hà Nam, nhằm cắt đứt mọi liên lạc với
giới tăng ni và tín đồ đang đau đớn dõi theo.
Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nối kết với thế giới, đặc biệt là khi
Hoa Kỳ bỏ cấm vận vào năm 1994, . Một phái đoàn đặc biệt được cử đến trại giam
gặp ngài, và đề nghị ngài viết đơn xin ân xá, để được nhà nước khoan hồng. Thậm
chí đơn được đánh máy sẳn, đề sẳn tên người gửi là chủ tịch Trần Đức Lương. Đơn
chỉ cần ngài ký tên là xong.
Nhưng ngài Tuệ Sỹ đã từ chối lá đơn xin ân xá đó, và trả lời
rằng: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Việc ép buộc
diễn ra với những kiểu khác nhau, và để chống lại, ngài đã tuyệt thực để phản
đối.
NHỮNG NĂM ANH ĐI
(trích trường ca Trường Sơn cuả Tuệ Sĩ).
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng,
Nhìn Quê hương qua chứng tích điêu tàn.
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng:
Truyện Tình người và nhịp thở của Trường Sơn.
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị,
Yêu rừng sâu nên khoé mắt rưng rưng.
Tay anh với Trời cao chim chiều rủ rỉ,
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường.
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối,
Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang:
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi,
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu,
Trên vai gầy từ thuở dựng Quê hương;
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu,
Bản tình ca vô tận của Đông phương.
Và ngày ấy anh trở về phố cũ,
Giữa con đường còn rợp khói tang thương;
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ.
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.
Tác giả: Nhóm phóng viên báo Giác Ngộ
HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SĨ VỪA VIÊN TỊCH
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị giáo phẩm uyên bác, dịch giả của
nhiều bộ kinh, luật, luận quan trọng; tác giả của các công trình nghiên cứu
Phật học giá trị, sau thời gian bệnh duyên đã viên tịch tại chùa Phật Ân (tỉnh
Đồng Nai) vào 16 giờ chiều nay, ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão).
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, pháp húy Nguyên Chứng, sinh năm 1943
tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích
Trí Thủ (1909-1984), Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt
Nam.
Năm 12 tuổi, Hòa thượng từ Paksé về Sài Gòn, sau đó trở lại Huế,
tu học tại chùa Từ Đàm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001),
rồi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang), Quảng Hương Già
Lam (Sài Gòn).
Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964) do
Hòa thượng Thích Nhất Hạnh (1926-2022) sáng lập; sau đó, tốt nghiệp phân khoa
Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh khi chỉ mới 22 tuổi
Năm 1970, với những công trình nghiên cứu, khảo luận có giá trị
về Thiền học và Triết học Phật giáo, trong đó có tác phẩm đầu tay Đại cương về
thiền quán và nổi bật hơn hết là Triết học về tánh Không, Hòa thượng được đặc
cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão Hòa thượng
Thích Minh Châu (1918-2012) làm Viện trưởng; là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.
Năm 1971, ngài được Hòa thượng Thích Minh Châu bổ nhiệm làm Tổng
Thư ký tạp chí Tư Tưởng - cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh. Bên
cạnh đó, ngài cũng làm Thư ký tòa soạn, chủ bút, tham gia cộng tác với nhiều tờ
báo, tạp chí nghiên cứu đương thời như: Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Khởi Hành, Thời
Tập,…
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác,
thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn,
tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn
thời gian và tâm huyết của mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc
biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản
chính thức, đến với độc giả trong và ngoài nước.
Gần 30 tác phẩm, công trình của Hòa thượng Tuệ Sỹ được xuất bản,
tái bản nhiều lần trong nước
Trong đó, có thể kể: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm - Nhà xuất bản Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Câu Xá (5 tập) - Nhà
xuất bản Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận - Nhà xuất bản Hồng Đức;
A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận - Nhà xuất bản Hồng Đức; Duy-ma-cật sở thuyết -
Nhà xuất bản Hồng Đức; Luận thành duy thức - Nhà xuất bản Hồng Đức; Tinh hoa
triết học Phật giáo của Junjiro Takakusu - Nhà xuất bản Hồng Đức, Thiền luận
của Daisetsu T.Suzuki (đồng dịch giả với Trúc Thiên, 3 tập) - Nhà xuất bản Tổng
hợp thành phố Hồ Chí Minh (1992), Nhà xuất bản Tri Thức tái bản; Thiền &
Bát-nhã - Nhà xuất bản Hồng Đức…
Bên cạnh đó, Hòa thượng còn trước tác, biên soạn và giới thiệu
nhiều tác phẩm luận giải kinh điển, lịch sử và triết học Phật giáo,… được in
thành sách và xuất bản, tái bản trong nước gần đây, như:
Triết học về tánh Không - Nhà xuất bản Hồng Đức; Tổng quan về
nghiệp - Nhà xuất bản Đà Nẵng; Thiền định Phật giáo - Nhà xuất bản Đà Nẵng;
Huyền thoại Duy-ma-cật - Nhà xuất bản Hồng Đức; Thắng Man giảng luận - Nhà xuất
bản Hồng Đức; Du-già Bồ-tát giới - Nhà xuất bản Hồng Đức; Tô Đông Pha, Những
phương trời viễn mộng - Nhà xuất bản Hồng Đức; Pháp diệt tránh - Nhà xuất bản
Phương Đông; Giấc mơ Trường Sơn (thơ) - Nhà xuất bản Đà Nẵng; Thiên lý độc hành
(thơ) - Nhà xuất bản Đà Nẵng; Hoàng cầm tình khúc (thơ) - Nhà xuất bản Hồng
Đức…
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một tác gia lớn đóng góp nhiều công
trình quan trọng cho nền Phật học Việt Nam hiện đại
Hòa thượng còn hiệu chính, chú thích bản Việt dịch Luật Tứ phần
của Hòa thượng Thích Đỗng Minh, bản dịch Tăng-nhất A-hàm của Hòa thượng Thích
Đức Thắng và chủ trì bản dịch của Phật điển phổ thông - Dẫn vào tuệ giác
Phật... cũng đã được xuất bản trong nước.
Ngài còn đích thân giảng dạy các lớp học về Luật Tứ phần và các
bộ kinh, luận Đại thừa cho chư Tăng và Phật tử tại Quảng Hương Già Lam cũng như
một số nơi và qua phương thức trực tuyến.
Được biết, Hòa thượng đã được đưa từ bệnh viện về chùa Phật Ân
vào sáng hôm qua, 23-11-2023. Báo Giác Ngộ sẽ cập nhật thông tin đến Tăng Ni,
Phật tử và quý thiện hữu tri thức.
2) TUỆ SỸ, BUÔNG TAY NƠI VÁCH NÚI
Không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân
dung một người nhỏ thó về ngoại hình nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ.
Thầy không chỉ là một nhà tu. Thầy là một nhân vật văn hóa vĩ đại với dấu ấn vĩ
đại trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy là nhà thơ, Thầy là nhà văn, Thầy là
nhà nghiên cứu Phật học, Thầy là triết gia, Thầy là thiền sư, Thầy là giảng sư
của nhiều thế hệ…
Thầy là một người rất Việt Nam, một con người phi thường, một
nhân vật ngoại hạng. Tất cả những gì được tích lũy trong con người bình dị này
đều do tự học. Thầy tự học tiếng Phạn, tự học chữ Hán, tự học dương cầm… Chỉ có
một trí tuệ siêu việt khác thường mới có thể lãnh hội ít nhất 12 ngôn ngữ với
trình độ thông thạo tuyệt luân…
Đạo Phật được truyền dạy qua Thầy là một môn Phật học cao thâm
vượt quá khuôn khổ một tôn giáo với tín ngưỡng thờ phụng dân gian để trở thành
một triết lý huyền diệu mà không bao giờ có thể thẩm thấu đến tận cùng nếu chỉ
“tu” mà không có “học”.
Thầy Tuệ Sỹ đã cứu tôi, dù tôi không phải là đệ tử của Thầy.
Những năm tháng nghèo khổ và hoàn toàn lạc lõng vô định những năm 1990, tôi đã
đi tìm những cái phao triết học, đặc biệt Phật học, để dò dẫm bước tới. Và chỉ
khi “gặp” được Thầy Tuệ Sỹ, cùng với những trí tuệ trác tuyệt ở thời của Thầy,
trong đó có Phạm Công Thiện, Thích Minh Châu, Trí Hải…, tôi mới tự “trị liệu”
được cho mình. Tôi vĩnh viễn biết ơn những vị thầy này, đặc biệt Thầy Tuệ Sỹ.
Một số nhân vật xuất hiện trên đời dường như để cho thấy họ vượt
ra khỏi và hoàn toàn không bị bất kỳ quy luật thông thường nào có thể khiến họ
khuất phục. Cuộc đời của Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là tấm gương đồng bóng loáng
sáng rực cho trí tuệ minh mẫn và sức làm việc cổ kim hiếm có mà còn là hình ảnh
sừng sững đứng vững trước những trận phong ba kinh hồn, từ bản án tử hình đến
những năm tháng tù tội.
Từ khi là giảng sư Phật học tại Đại học Vạn Hạnh khi chỉ hơn 20
tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã là một cây cổ thụ. Suốt hơn nửa thế kỷ, cây cổ thụ Tuệ Sỹ
không ngừng tỏa bóng mát cho thế gian. Giờ đây cây cổ thụ đã trút hết lá. Thầy
phẩy tay áo cà sa, thanh thản, mỉm cười. Nếu những năm tháng sống ở đời không
khác gì việc níu vào vách núi để làm những gì phải làm cho chúng sinh, bây giờ
Thầy nhẹ nhàng buông tay. Thầy, đứng dậy, đi về với Phật.
Tác giả: Phạm Lưu Vũ
CÁC BẬC LONG TƯỢNG
Cách đây hơn chục năm, bên kia vòng trái đất, Ngài Phạm Công
Thiện đã nói về thầy Tuệ Sỹ, là người có đôi mắt sáng rực, sáng rực ở bên ngoài
vì bên trong đã sáng rực, sáng rực bên trong, vì đã sáng rực không ở bên trong,
cũng chẳng ở bên ngoài…
Ngài nói nhiều người gọi thầy Tuệ Sỹ là học giả, và nhiều danh
hiệu khác như Đại đạo sư, Thi sĩ, Triết gia… Nhưng Ngài muốn dùng từ Long tượng
để chỉ thầy Tuệ Sỹ.
Nghe Ngài Phạm Công Thiện giảng mới biết, thì ra trong tiếng
Phạn, chữ “Naga” có nghĩa là con rắn. Tên của Tổ Nagarjuna, dịch sang Hán văn
nhẽ ra phải là Xà Thọ Bồ tát, nhưng chư tổ Trung Hoa đã dịch là Long Thọ Bồ
tát. Ở Phạn văn Ngài là con rắn, chuyển sang Hán văn Ngài là con rồng.
Phật học Việt Nam có những bậc Long tượng Bồ Tát như thế, làm
rạng danh Nam Quốc sơn hà, có thể kể tên các Ngài: Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ
Sỹ, Thích Trí Siêu, Phạm Công Thiện… Còn nữa, nhưng thương thay, hầu hết các
Ngài đều bị chính quê hương ruồng bỏ.
Đó là nghiệp riêng mà các Ngài phải gánh chịu, và cũng là cộng
nghiệp đau đớn của cả dân tộc này.
Nhưng Nhân Dân không ruồng bỏ các Ngài, dân tộc không ruồng bỏ
các Ngài. Trong sự ảm đạm chiều tà của Phật học VN hiện nay, các Ngài mãi mãi
là những vì sao sáng rực.
Những con lừa, con la… không chịu nổi cú đá của Long tượng. Ngài
Phạm Công Thiện đã nói như thế về thầy Tuệ Sỹ. Các Ngài là những Tuệ giác vĩ
đại, là Đại thiện trí thức, là Y báo giác ngộ tuyệt đỉnh của nhiều thế hệ đã,
đang và sẽ sinh ra trên mảnh đất dày đặc âm binh và ngũ trược này.
Các Ngài là những hậu thân sống của Huyền thoại Duy Ma Cật. Chỉ
khác Ngài Duy Ma Cật ở chỗ các Ngài không phải Đại Trưởng giả. Nhưng kinh cũng
không nói chuyện Ngài Duy Ma Cật làm giàu như thế nào, bởi vì Ngài không phải
trưởng giả về tài sản, tiền bạc… mà là Đại Trưởng giả về trí tuệ, quyền năng...
Ngài gọi cả Trời xuống để nghe pháp, lấy cơm Trời cho mọi người ăn, mang hương
Trời cho mọi người thưởng thức, và rắc hoa Trời cho mọi người xem… Bậc Đại
Trưởng giả về trí tuệ có quyền năng như thế đấy.
Và ngày nay, những trước tác, dịch thuật… của các Ngài Thích
Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Phạm Công Thiện… để lại cho hậu thế,
cũng tương tự như Trưởng giả Duy Ma Cật, đối với người biết xem thì đó là hoa
Trời, đối với người biết nghe thì đó là nhạc Trời, và đối với người biết nghĩ
thì đó là cơm Trời…
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Hôn quân Lưu Tử
Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl
- Vài cảm nhận khi
xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl
- Giải phẫu thẩm mỹ
và kỳ vọng cải sốl
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời tham khảo video Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, lãnh đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét