VÀI SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC:
MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI CỦA NGUYÊN VŨ
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt
gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn
Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác
phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm
rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn,
tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ.
Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một
vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được,
và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ
nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện, hay
lời tự sự, tính cách nhân vật. Bởi vậy, những trang viết mang đậm nét ký sự
hừng hực khói lửa nơi chiến trường, được lồng vào tình yêu nơi hậu phương, khi
trần trụi, lúc tiểu thuyết lãng mạn, như thể giảm đi cái ngột ngạt của chiến
tranh, dung hòa cảm xúc người đọc vậy. Cho nên, đọc Mây Trên Đỉnh Núi, thật khó
xác định tác phẩm này thuộc tiểu thuyết, hay thể ký sự, tùy bút. Và đây cũng là
thủ pháp nghệ thuật điển hình của tác phẩm này.
Cùng với nhà văn: Phan Nhật Nam, Thảo Trường, Lữ Quỳnh, Nguyễn
Xuân Vinh… sự pha trộn các thể loại văn học dẫn đến cái mới lạ ở Mây Trên Đỉnh
Núi của Nguyên Vũ góp một luồng sinh khí cho Văn học miền Nam. Nhất là vào
những năm 1965-1966 chiến tranh lan rộng, và tàn khốc, đưa đến sự bế tắc chung
của mọi loại hình nghệ thuật. Có thể nói, Mây Trên Đỉnh Núi là một trong những
tác phẩm toàn bích của Văn học Việt về hình ảnh người lính nơi chiến trường, và
thân phận con người nơi hậu phương trong bối cảnh chiến tranh, xã hội đại loạn.
Nguyên Vũ tên thật Vũ Ngự Chiêu, sinh năm 1942 tại Hải Dương.
Ông nguyên là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhiều năm lăn lộn trên chiến
trường. Ở đó đã cho Nguyên Vũ nguồn cảm hứng, vốn sống để viết, và xuất bản
liền tù tì 36 tác phẩm (tính đến 1975).
Sau 1975 ra hải ngoại, Nguyên Vũ vẫn tiếp tục viết và nghiên
cứu. Với bút danh Chính Đạo, ông còn đi sâu vào lãnh vực lịch sử. Hiện nay,
Nguyên Vũ đang sống và viết tại Hoa Kỳ.
* Tình yêu - khát vọng
thời chiến loạn.
Ngay từ khi cầm súng, cầm bút Nguyên Vũ đã bộc lộ, gửi gắm tư
tưởng vào nhân vật của mình. Và nỗi đau của người lính gắn liền với nỗi nhục
của dân tộc. Do vậy, kẻ mua bán chiến tranh dù ở góc độ, hay chủ thuyết ngoại
lai nào đi chăng nữa, thực sự đó mới là những tên đồ tể giấu mặt trên chiến
trường, và đưa khổ đau, cốt nhục tương tàn đến cho cả dân tộc này: “chiến tranh vốn tàn bạo và dơ bẩn, nhưng
người khởi xướng chiến tranh còn dơ bẩn và tàn bạo gấp trăm lần chính cái thực
thể chiến tranh nữa“. (Chương 14). Vì vậy, hệ quả những đứa con lai bị chối
bỏ, đã vạch trần bản chất chiến tranh, và những kẻ nhân danh chủ thuyết này, mỹ
từ nọ (khai hóa văn minh như: Pháp, Mỹ, Nga, Tàu) cùng hè nhau hiếp dâm cả dân
tộc này. Cái tư tưởng ấy xuyên suốt tác phẩm: Mưa trên đỉnh núi của Nguyên Vũ.
Thật vậy, đọc nó (Mưa trên đỉnh núi), chợt làm tôi liên tưởng đến: Người đàn bà
mang thai trên kinh Đồng Tháp của Thảo Trường. Tuy khung cảnh và thời gian khác
nhau, song cả hai thiên truyện cùng khắc sâu những phận đời trớ trêu ở một đất
nước (dân tộc) nhược tiểu. Nỗi tủi nhục và đớn đau về cả thể xác lẫn tâm hồn ấy,
đến nay càng khắc sâu thêm:
“Vị mệnh phụ phu nhân này
đã bị chồng ép buộc leo lên giường viên công sứ, không một mảnh vải che thân.
Đến lần thứ ba thì Hélène bắt đầu được quyết định mở mắt chào đời để làm một
thứ nhân chứng hiện thực nhất cho sự khai hóa của dân tộc Pháp và nền văn minh
Tây phương trên mảnh đất khô gầy được mệnh danh là man dã này. Vừa cất tiếng
khóc oe oe, Hélène được gửi ngay cho một vú nuôi. Rồi lớn lên, lớn lên nữa.
Chưa bao giờ Hélène dám gọi người đàn bà đài các, đẹp não nùng là mẹ.“ (Chương
1)
Có lẽ, không phải là tất cả, nhưng hình ảnh người lính bị đẩy
xuống phi cơ, nói lên một phần nào đấy nỗi buồn đau của người lính trận. Với
giọng văn châm biếm, Nguyên Vũ như xoa dịu nỗi đau của con người như phép so
sánh tinh thần AQ, hòng che đậy nỗi nhục, tinh thần hèn kém chăng? Đọc nó, bất
chợt bật ra tiếng cười, song cứ nghẹn đắng ở trong lòng vậy. Và với tôi, những
hình ảnh, lời văn tự sự chân thực này, không chỉ có giá trị văn học, mà còn đem
lại giá trị lịch sử chiến tranh lâu dài:
“Bạn bè chàng nhiều người
cũng được hân hạnh tống cổ xuống phi cơ, uổng công năn nỉ bằng mớ Mỹ ngữ “nhảy
dù“. Nhưng biết sao hơn. Air Viet Nam mua được cái vé khứ hồi mất hàng tháng.
Và lính tráng thì nghèo kiết xác. Air …xe đò thì ớn mấy chú du kích chặn đường
hỏi thăm. Đành chịu nhục một tí nhưng khỏe người, tiết kiệm được những giờ phút
nghỉ phép vàng ngọc. Cũng như dân tộc này đã từng nuốt nước mắt tủi nhục hơn
một thế kỷ“. (Chương 1)
Trong bối cảnh chiến tranh, đại loạn như vậy, đọc Mưa Trên Đỉnh
Núi, ta vẫn thấy tình yêu, và khát vọng của tầng lớp bị vùi dập xuống tận cùng
của xã hội. Thật vậy, với ngòi bút nhân bản, Nguyên Vũ đã xây dựng thành công
nhân vật Hélène, một cô gái giang hồ, cùng sự phân tích, miêu tả sâu sắc diễn
biến tâm lý. Ngay từ những thập niên sáu mươi, Nguyên Vũ đề cao trinh tiết của
tâm hồn thay cho nhục dục thể xác là những tình tiết rất mới, rất lạ trong Văn
chương Việt lúc đó. Tôi nghĩ, với tình tiết này, Nguyên Vũ sẽ nhận được sự đồng
cảm của người đọc, nhất là tầng lớp bình dân. Và đoạn văn với những hình ảnh ẩn
dụ, so sánh dưới đây chứng minh cho ta thấy tài năng, cùng những tư tưởng, tình
tiết thật thi vị ấy của Nguyên Vũ:
“Thân thể người đàn ộng
này là Tuấn – Tuấn – Tuấn: Người đàn ông rọi xuống hang động sâu thẳm, tối tăm
của đời nàng những vạt nắng thơm tho. Người đàn ông cho nàng những buồn vui
tinh khiết nhất giữa thể khối nhầy nhụa, đặc quánh tủi hổ. Người đã dạy nàng
biết thế nào là nhớ nhung, là trống vắng của ngày tháng xa cách, đã tạo dựng
nên một hình hài thứ hai bên lớp xác mang tên Hélène, con điếm thượng lưu này.
Mỗi lúc tưởng nhớ đến Tuấn, nằm bên Tuấn, Hélène có cảm tưởng nàng vừa lột xác.
Sự lột xác đầy hãnh diện – cao lớn niềm vui – mơn mởn hạnh phúc.“ (Chương
6)
Chiến tranh tàn khốc, sự hỗn loạn xã hội tác động trực tiếp tâm
lý của người lính. Sự ám ảnh ấy, làm cho thần kinh luôn trong trạng thái bị
kích động, dẫn đến suy nghĩ, hành động bất nhất của người lính: khi cao thượng,
lúc phũ phàng, tàn nhẫn. Với họ, tình yêu có lúc lãng mạn chân thực, và đôi khi
chỉ là thứ tình trần trụi nhục dục, giải tỏa bế tắc nơi chiến trường: “Với
Tuấn, tình yêu và đàn bà chỉ còn là một thứ đồ trang sức rẻ tiền, bày bán khắp
hang cùng ngõ hẻm“. (Mây trên đỉnh núi). Do đó, dù yêu Hélène, song Tuấn
(người lính trận) làm cho cô thất vọng, và tủi hổ. Việc Tuấn hẹn Hélène để cho
người bạn tên Minh qua đêm, thực sự là hành động bỉ ổi, đê tiện. Có thể nói,
ngòi bút của Nguyên Vũ đi vào khai thác khía cạnh nhạy cảm, dễ va chạm, trong
bối cảnh thực của người lính. Do vậy, ta có thể thấy người lính trong: Mây Trên
Đỉnh Núi, hiện lên một cách trần trụi, trái ngược hẳn với những người lính hào
hoa, đa tình trong các tác phẩm của những nhà văn khác cùng thời. Thật vậy, lời
tự sự đớn đau, và chua xót dưới đây của Hélène chứng minh cho ta thấy rõ điều
đó:
“Mắt Hélène rực lên, nhìn
theo bờ lưng rộng và phẳng của Minh. Nhưng nàng không đủ năng lực, can đảm để
giận dữ nữa. Hélène chỉ thầm chua xót, tủi hổ. Tuấn đã hẹn nàng để giới thiệu
cho Minh. Có phải anh vẫn chỉ coi em như một con điếm, một con điếm lai Tây,
một của lạ cho khách làng chơi. Vâng, em chỉ là một con điếm. Nhưng sao anh quá
vô tình như thế, anh Tuấn. Trận địa nọ đã biến đổi anh rồi ư? Anh không là Tuấn
của ngày nào. Anh đã thay đổi. Anh đã có những cái bần tiện của một kẻ tưởng
mình lọc lõi phải không?“ (Mây trên đỉnh núi)
Khi đưa ra tình tiết, miêu tả hình ảnh Diễm, một nữ sinh danh
giá, và Hélène một cô gái giang hồ, thất học - Phải chăng Nguyên Vũ muốn so
sánh, hoặc đưa tình yêu của họ lên bàn cân? Hành động Diễm rời bỏ Tuấn người
lính trận để lấy chồng dạy học (yên vị) ở thành phố, khác hẳn Hélène dám đi đến
tận cùng yêu, tận cùng sống với Tuấn (kể cả tự sát). Có thể nói, viết Mây trên
đỉnh núi, Nguyên Vũ như muốn đánh giá lại giá trị tình yêu, giá trị đạo đức,
giá trị con người mà từ bấy lâu rao giảng vậy.
* Chiến trường khốc
liệt, với sự can đảm, nỗi uất hận của người lính.
Cũng như Thảo Trường, hay Phan Nhật Nam, nhà văn Nguyên Vũ có
cái nhìn, quan sát rất tỉ mỉ, và ông bê nguyên si cái hiện thực ấy vào trang
viết của mình. Do đó, những dòng miêu tả, trần thuật của Nguyên Vũ không chỉ
sinh động, mà còn nóng bỏng tính thời sự. Tôi đã đọc khá nhiều về sự tàn khốc,
bi thương ở nơi chiến trường của các nhà văn ở cả hai chiến tuyến. Nhưng dường
như cái kiểu chém giết rùng rợn thời trung cổ chỉ có ở trang viết của Nguyên
Vũ. Đọc nó, cũng như tôi chắc nhiều người sẽ bị ám ảnh:
“Rồi, những bộ đồ bông ướt
sũng trườn lên khỏi bờ lạch, khởi diễn một trận đánh man dã, tàn bạo. Từng thây
người gục ngã ruột gan đổ lòng thòng, thân thể bị nát bấy vì đạn, vì mã tấu.
Những con mắt khờ dại trợn trừng nhìn lên bầu trời thật trong và xanh lơ…“ (Chương
14)
Và những người lính đi vào cái chết vẫn còn ngơ ngác. Niềm tin,
sự trong trẻo dường như còn có sự u uất trong mắt họ. Bởi, người lính trẻ ấy,
thực sự chưa hiểu hết về chiến tranh với thủ đoạn của những kẻ đầu cơ chính trị
và bán mua nó. Do vậy, họ hoàn toàn không chuẩn bị tâm lý cho mình để bước vào
nơi mộ địa. Đọc Nguyên Vũ, ta không chỉ thấy tính chân thực, mà còn thấy được
tài năng phân tích, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật:
“Tuấn ngước lên nhìn mặt
Sanh. Mắt Sanh đã mất hết sinh khí, trợn trừng nhìn nóc nhà đầy mạng nhện và
lấm tấm những điểm nắng. Có lẽ Sanh chết mà vẫn chưa tin mình đã chết. Cũng như
nhiều người trẻ tuổi đang tham dự chiến cuộc này thường ngơ ngác trước cái chết
đột ngột của mình, thường chưa kịp chuẩn bị cho mình một thái độ thích nghi để
bước vào nằm trong mộ địa. Tuấn lau nhanh những giọt nước mắt vừa âm thầm nhỏ
xuống, vuốt mắt cho Sanh…“ (Chương 14)
Trước sự sống, và cái chết trong cuộc chiến tàn khốc thần kinh
người lính bị kích động, dẫn đến suy nghĩ, hành động không thể kiểm soát. Do
vậy, hình ảnh người sĩ quan trung đội trưởng dưới ngòi bút của Nguyên Vũ hiện
lên đầy hận thù. Dường như, đây là lần đầu tôi được đọc về hành động có thể nói
dã man dù bột phát của một sĩ quan, dưới ngòi bút của chính đồng đội mình?
Ngoài tính chân thực, tôi nghĩ đến bút lực và lòng can đảm, trách nhiệm của nhà
văn Nguyên Vũ. Thật vậy, ngòi bút của Nguyên Vũ đã đi sâu vào từng ngõ ngách
nhọc nhằn, buồn vui, thù hận (hỉ nộ ái ố) của người lính:
“Hùng đứng dừng lại, quạt
nguyên một băng đạn. Tên địch ngã sấp xuống. Tấm lưng trần của hắn chi chít
những lỗ máu đỏ sâu hoắm. Hùng nghiến răng lắp một băng đạn khác, lên cơ bấm
thật mạnh. Rồi, chậm rãi bước tới bên kẻ hấp hối, mũi bốt-đờ-sô nhê nhếch sình
lầy lật ngửa hắn lên. Khẩu M.2 trên tay Hùng dí sát xuống khuôn mặt đẹp trai,
sáng sủa của tên thương binh. Hùng chợt cười nức nở nghiến răng siết cò. Cái
đầu tên thương binh nát bấy. Máu và óc bắn tung toé dính cả vào đầu tóc quần áo
Hùng.
Viên Thiếu tá Tiểu Đoàn
Trưởng chợt cau hàng lông mày hơi rậm, hỏi Tuấn: Bộ thằng đó khùng sao? Tuấn
lột chiếc nón sắt trao cho Vĩnh cố giấu một tiếng thở dài: Thằng Sanh, bạn nối
khố của nó mới chết, Thiếu tá“ (Chương 14)
Thế Hệ Chiến Tranh của Trần Hoài Thư, Những Ngày Gãy Vụn của
Phan Nhật Nam, và Mây Trên Đỉnh Núi của Nguyên Vũ là ba tác phẩm được viết cùng
một thời điểm, ở ba chiến trường khác nhau. Song ngoài bi hài, nó còn tiêu biểu
cho sự quân kỷ của người lính giữa sống và chết, dù lòng tràn đầy mâu thuẫn, và
uất hận. Về ngôn ngữ, lời thoại đều mang đậm chất điện ảnh. Do vậy, nó tạo nên
những trang văn thật sinh động. Ta có thể thấy, không chỉ ở mặt trận Đồng Xoài,
với Những Ngày Gãy Vụn (Phan Nhật Nam) người trung đội trưởng gọi pháo binh chi
viện, bị bác bỏ:
“- Báo cáo không thể
tiến thêm được nữa, địch quá đông, xin pháo binh. Tôi gọi về đại đội nói như
hét.
- Không bắn pháo binh
được, khu đồn điền có dân và có nhà thờ.
- Dân con mẹ gì! Tôi la
muốn vỡ phổi để phản đối: Không phải dân đâu, toàn là Việt cộng thôi...
- Bộ chỉ huy hành
quân quyết định không cho bắn, anh về đó mà kiện“
Mà ở mặt trận Tây Nam: Mây Trên Đỉnh Núi của Nguyên Vũ cũng y
chang vậy. Pilot từ chối, khi người đại đội trưởng cầu cứu. Có thể nói, đây là
nỗi đau bất lực của người lính. Và chính sự trói buột trớ trêu này góp phần
không nhỏ cho những thất bại trên chiến trường:
“– Đ.m… tại sao UTT không
chịu yểm trợ cho tụi tôi tiến quân.
– Tôi bảo tụi cố vấn của mình xin rồi. Nhưng bọn Pilot bảo đó là một ngôi chùa.
– Trung úy bảo nó cứ bắn nát chỗ đó đi, tội vạ đâu tôi chịu. Nhà máy chứ chùa
chiền, con C… gì. Mà chùa chiền đi nữa, nếu cần dùng cũng làm cỏ luôn. Sống
chết trong đường tơ kẽ tóc mà còn nhân đạo gì nữa.” (Chương 14)
Hình ảnh cháu bé bảy tuổi chết bởi bom mìn giữa nơi chiến
trường, Nguyên Vũ đã đẩy chiến tranh đến mức tận cùng khốc liệt. Sự bất lực của
người lính trước bi thương, mất mát đó, lại là mảnh đất màu mỡ để nhà văn đi
sâu khai thác. Và hình ảnh, tâm trạng của của họ hiện lên trang viết Nguyên Vũ
rất sâu sắc, nhân bản và chân thật. Và dường như, dưới ngòi bút của Nguyên Vũ,
người lính hay cấp chỉ huy nào đi chăng nữa đều mang tính cách dân dã, nặng
tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và con người. Do vậy, ngoài hành động
trên chiến trường, tâm hồn đa cảm của người lính in đậm trên trang viết của
Nguyên Vũ. Chúng ta hãy đọc lại đoạn văn tự sự dưới đây, để thấy rõ sự dằn vặt,
tâm trạng bi quan và chán chường của người lính, cũng như một lần nữa chứng
minh thêm tài năng miêu tả, phân tích nội tâm nhân vật của Nguyên Vũ:
“Đứa bé đã chết rồi. Một
cái chết mà chỉ chiến tranh mới tạo nên được. Chết không toàn thây. Tội cho
cháu…Một ngày, một giờ trên đất nước tôi bao nhiêu đứa trẻ chết oan uổng…Ai
bảo, ai xui cháu sinh ra trên đất nước này. Đất nước hơi thở nồng mùi diêm
sinh, mặt trời mọc đủ hai mươi bốn giờ, người già chưa cạn nước mắt. Con gái
biến thành góa phụ từ tuổi vị thành niên. Anh em, bố con…phải bắn giết nhau.
Chú làm được gì cho cháu vì chú chỉ là một người lính, kẻ cầm súng…Xóm làng nào
cũng là quê hương chú và cũng có thể là tử địa của chú. Chú nằm trong vòng tay
quê hương mà thực ra vẫn chẳng có quê hương. Thế hệ này là thế hệ yêu quỷ cháu
ạ.“ (Chương 17)
Cái bi thương ấy được nhân lên gấp bội, bởi Nguyên Vũ đã lồng
giây phút hấp hối, lời trăng trối, hay tự sự cuối cùng của người lính với mẹ
vào khung cảnh tàn khốc nơi chiến trường. Ở đó, ta không chỉ thấy tình yêu, mà
còn thấy sự can trường của người lính. Nó đã làm cho nước mắt tôi rơi ngay trên
bàn phím, khi ngồi viết những dòng chữ này, và có lẽ nhiều người đọc cũng vậy.
Và tiếng khóc ấy, không hẳn vì cái chết của người lính, mà bởi sợi dây liên
tưởng đến mẹ, đến kỷ niệm, với những hình ảnh đã xa vời vợi. Vâng, ngòi bút
Nguyên Vũ đã chạm đến tận cùng cảm xúc của người đọc:
“Tuấn lờ đờ mở mắt nhìn,
chỉ thấy một lớp sương mù. Y tá đâu. Chết rồi. Em cõng Đại úy chạy nghe. Tuấn
lắc đầu nặng nhọc... Không nằm im đây. Tao chưa biết chạy là gì. Tôi chưa biết
lùi bước là gì… Còn mấy người. Sáu người, Đại úy là bảy. Bị thương nhiều lắm.
Tôi sắp hôn mê rồi. Mẹ… Con sắp cướp công mẹ rồi. Nhớ ngày nào mẹ còn gánh con
đi tản cư. Nhớ ngày nào con còn nằm dài trên phản để mẹ vừa khóc vừa đánh con
bằng ngọn roi thâm tím bờ mông. Con chết được không mẹ…Hình như có một tiếng nổ
nào thật gần, Thật lớn. Hình như nhiều mảnh kim khí đục trên xương sọ, trên
thân thể tôi. Tất cả tối sầm lại. Tôi không biết gì nữa“. (Chương 18)
*Việt Nam một bức tranh
tối màu - thay cho lời kết.
Có thể nói, giai đoạn thập niên sáu mươi, Văn học về chiến tranh
ở miền Nam phát triển rất mạnh mẽ và đa dạng. Phần đông tác giả văn xuôi như:
Trần Hoài Thư, Thảo Trường, Phan Nhật Nam, Lữ Quỳnh, hay Nguyên Vũ… vừa cầm
súng, vừa cầm bút. Do vậy, những trang viết của họ còn sặc mùi khói súng. Sự
sinh động và chân thực ấy đưa đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Mỗi tác giả đều
có bút pháp, đặc trưng riêng. Do vậy, khi đọc Mây Trên Đỉnh Núi của Nguyên Vũ
làm cho ta chợt liên tưởng đến một bức tranh. Vâng, đó là một bức tranh tối màu
cho toàn đất Việt dưới cái nhìn chân thực của nhà văn. Cái chết của những đứa
trẻ, hay những nhân vật như Tuấn, Hélène… càng tô đậm cho bức tranh sặc mùi tử
khí đó. Và tôi xin mượn trích đoạn trong: Mây Trên Đỉnh Núi, tuy buồn, nhưng có
lời văn, hình ảnh ẩn dụ rất đẹp và sâu sắc về nỗi bất hạnh của cả một dân tộc
để kết thúc bài viết này:
“Một tràng trung liên vang
lên chát chúa cùng với tiếng hét thất thanh của Hélène. Chết tôi rồi. Tiếp theo
là tiếng đổ nặng nề của một vật cứng nào đó trên mặt đất. Để rồi là im lặng.
Chỉ còn tiếng gió núi từ xa vọng lại, những âm thanh se sắt buồn phiền, hờn
tủi. Và chỉ có những vạt sương muối mỗi lúc một đặc quánh lại, quấn quít lấy
thân thể người con gái bất hạnh như một tấm khăn liệm khổng lồ.“ (Chương
20)
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết
của (về) tác giả Đỗ Trường0
- Các bài viết
của (về) tác giả Nguyễn Văn Thọ0
-
Các bài viết
của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
-
Bạn đọc cảm
nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe ca
của Hoài An, qua tiếng hát Đan Nguyên và Hoàng Thục Linh:
*.
Leipzig ngày 17-1-2024
ĐỖ TRƯỜNG
Địa chỉ: Thành phố Leipzig, tỉnh Leipzig,
Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.
Email: dotruong07@yahoo.de
.............................................................................................................
- Cập nhật theo email:
nguyenhung967812@gmail.com ngày 27.01.2024
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn:
internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét