MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

VUA TRIỀU NGUYỄN CHỐNG TÀ THUẬT DỊ ĐOAN NHƯ THẾ NÀO? - Tác giả: N.T.Dũng ; Vũ Quế Lâm giới thiệu

 


VUA TRIỀU NGUYỄN CHỐNG

TÀ THUẬT DỊ ĐOAN NHƯ THẾ NÀO?

 

Đã hơn 200 năm trôi qua nhưng cuộc chiến chống tà đạo, trừ dẹp nạn mê tín trong dân gian của hoàng đế Gia Long và sau đó là người kế nghiệp, hoàng đế Minh Mạng, vẫn còn đẫm tính thời sự!

Trong những năm đầu trị quốc của hoàng đế Gia Long, cùng với nạn giặc giã, thú dữ hoành hành, vấn nạn mê tín dị đoan cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhà vua. Trước tình trạng dân chúng bị nhiều đạo sĩ dùng tà thuật mê hoặc, đắm chìm trong cơn đại hồng thủy cầu đảo, quật mồ làm bùa chú, trù yểm hại người…, vị vua lập nên triều Nguyễn đã quyết liệt vào cuộc.

Chúa Nguyễn Ánh bình định được nhà Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long  năm 1802. Thời bấy giờ, nạn mê tín dị đoan trong dân chúng gần như là quốc nạn, các đạo sĩ với những tà thuật ghê rợn tung hoành. Tin theo các đạo sĩ, thầy địa lý, nhiều phàm dân có tục “rửa  gân”, “nghiệm gân” bằng cách đào lấy hài cốt cha mẹ, bậc tôn trưởng để chiêm nghiệm việc tốt xấu. Không những thế, vì mê tín dị đoan mà người ta còn quật mồ để hủy hoại vất bỏ xác chết, gọt đầu, làm thương tổn đến tử thi, trộm quần áo của xác chết…

Luật hình – nhân mạng (quyển 196) trong Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ đề cập rất rõ tệ mê tín dị đoan trong dân chúng thời bấy giờ. Không chỉ quật mồ người  thân  chiêu hồn xem điềm tốt xấu, còn có tình trạng những kẻ ngu muội, u mê giết người lấy nội tạng luyện bùa thuốc. Hình luật dành cho tội phạm dạng này, có đoạn: “Phàm những người lấy tai mắt, tạng phủ của người sống đem mổ xẻ ra làm bùa thuốc, nếu có người thân thuộc tố giác ra, hoặc bắt giải nộp quan, thì nếu đã hành động rồi, kẻ thủ phạm vẫn không được tha tội”.

Luật hình – nhân mạng thời bấy giờ còn có tội danh khá lạ kỳ: làm ra hay nuôi chứa loài sâu có độc để giết người.

Loài sâu độc mà ai đó nuôi để giết người là sâu gì, cách nuôi ra sao, Luật hình-nhân mạng cũng như các thư tịch cổ triều Nguyễn còn để lại không nói rõ. Nạn trấn yểm, dùng bùa chú để hại chết người cũng nằm trong phạm vi cấm đoán của triều đình Gia Long: “Nếu kẻ nào khắc vẽ hình người để yểm phản, làm phù chú nguyền rủa, muốn làm chết người khác (kể cả người thường, con cháu,  nô tỳ, người ở đợ, bậc tôn trưởng, hạng dưới, ít tuổi) đều khép vào tội mưu giết người (đã hành động nhưng chưa làm cho bị thương) mà trị tội. Vì thế mà đến nỗi chết người, đều chiếu luật “mưu giết người”, mà trị tội. Nếu chỉ muốn làm cho người ta bị tật bệnh khốn khổ thì được giảm kém tội mưu giết người đã hành động rồi, nhưng chưa làm cho bị thương 2 bậc”.

Hoàng đế Gia Long đã nhìn ra nguồn gốc của sự ngu muội trong dân chúng với các hình thái quật mồ chiêu hồn, nuôi sâu độc giết người, yểm phản làm phù chú, rồi nạn cầu đảo, giải hạn, trừ tà… xuất phát từ những kẻ làm nghề phù thủy, đồng cốt, thầy cúng, phường đồng cốt.

Hoàng đế Gia Long khẳng định trước triều thần rằng, những kẻ thầy bà đã lợi dụng sự ngu muội trong dân chúng làm trò ma mị, đục khoét, gây thanh thế nên cần phải nghiêm trị: “Những thuật cầu đảo, sám hối, giải ách đều là vô ích cả. Đời xưa kẻ đồng cốt, bói toán khinh nhờn thần thánh, họ Cao Tân (họ của vua Đế Cốc ngày xưa) chỉ cúng tế vị thần chính đáng, bọn tà đạo làm mê hoặc dân chúng, chế độ của vương giả giết đi, đều là trừ khử sự mê hoặc, bỏ thuyết gian tà, để cho tục dân hết thảy theo về chính đạo. Như Tây Môn Báo ném người đàn bà làm đồng cốt xuống sông, Địch Nhân Kiệt phá bỏ đền dâm thần, đều có định kiến cả”..

Tây Môn Báo mà hoàng đế Gia Long nhắc đến, là người nước Ngụy, làm quan ở quận Nghiệp thời Chiến quốc (Trung Quốc). Cổ sử ghi dân chúng thời bấy giờ vì bị phường đồng cốt làm cho u mê hằng năm góp tiền làm lễ chọn một người con gái tế sống, quăng xuống sông gọi là cưới vợ cho Hà Bá để tránh bị quấy nhiễu. Bọn cường hào ác bá nhân đó lợi dụng làm tiền, khiến nhân dân khốn khổ. Tây Môn Báo biết chuyệt đã cho bắt hết phường đồng cốt quăng xuống sông, trừ được mối tệ cho dân.

Còn Địch Nhân Kiệt làm quan thời Đường (Trung Quốc). Lúc còn làm tuần phủ Hoa Nam và thứ sử Dự Châu, thấy dân trong hạt thờ những Dâm thần vốn dĩ là những “thần bậy bạ không đáng thờ”, ông đã cho phá hết những đền thờ dâm thần trong hạt!

Trong bản Dụ vào năm 1804 (năm Gia Long thứ 3), hoàng đế Gia Long nhìn nhận thực trạng “dân chúng tin theo quỷ thần, mê muội đã quá, hơi một tí cũng đi mời thầy vẽ bùa, đọc chú, ninh hầu kẻ đồng cốt”.

Vị vua lập nên triều Nguyễn, khẳng định: “Kẻ có tà thuật đều giả trá, lừa dối cho người nghe sinh biến đổi rối loạn trong lòng, vẽ bùa, viết khoán, nhờ pháp thuật để sinh nhai; chuộc mạng, chiêu hồn, lấy con bệnh làm của báu. Thậm chí có kẻ phù đồng ấp bóng, bịa ra lời nói của thần, kiêng ăn, cấm thuốc, kẻ đau ốm không thể cứu lại được. Lại có những thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá vào nhà, đốt cháy nhà cửa, cùng những bùa thuốc làm mê hoặc, đã lấy pháp thuật để quấy nhiễu người lại đến tận nhà để xin chữa, lừa dối trăm cách, thực là mối hại lớn của nhân dân”.

Xác định phường thầy bà đồng cốt là mối hại lớn của nhân dân, để an dân, triều đình Gia Long cấm ngặt những kẻ hành nghề phù thủy, làm đồng cốt. Không những thế, theo lệnh vua, bộ Hình định rõ tội danh và trừng trị thẳng tay những kẻ can phạm. Nhẹ thì đánh đòn, bắt làm phu dịch, bắt đi giã gạo, lưu đày xa xứ, nặng thì phạt tội trảm (chém), giảo (thắt cổ)…

Điều luật Cấm chỉ các bọn thầy cúng, đồng cốt và tà thuật  (Luật lễ – nói về tế tự, quyển 186) đề cập chi tiết các hình phạt dành cho phường đồng cốt, thầy cúng, tăng đạo cả gan vi phạm cấm lệnh bài trừ tệ nạn mê tín trong nhân dân.

Phạt xuy nghĩa là lý trưởng sẽ bị nọc ra đánh đòn, vừa bị đánh vừa bị răn cho biết nhục. Roi phạt xuy lý trưởng là sợi mây nhỏ, riêng tội phạt trượng thì dùng sợi mây to vừa. Và “lưu 3.000 dặm” nghĩa là can phạm sẽ bị đưa đi an trí nơi phương xa đến 3.000 dặm, suốt đời không được trở về bản quán. Với đàn bà phạm tội làm đồng cốt, hình phạt sẵn dành là “phạt xuy 100 roi, bắt đi giã gạo 6 tháng”.Theo đó hình phạt giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ) sẽ được áp dụng với những thầy cúng, đồng cốt giả làm tờ thần giáng xuống, vẽ bùa đọc chú vào bát nước hầu giá lên đồng tự xưng là Đoan Công, Thái Bảo, sư bà…, cùng xưng càn là Phật Di lặc, các hội Bạch Liên xã, Minh Tôn Giáo, Bạch Vân Tôn. Theo điều luật này, kẻ tòng phạm sẽ bị phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm. Nếu là quân, dân đóng giả thần tượng, gõ thanh la, đánh trống, đón thần mở hội, phạt 100 trượng (chỉ bắt tội kẻ đứng đầu). Lý trưởng biết không tố cáo,  phạt xuy 40 roi.

Luật hình định danh tội “Đào mả người khác” với hình phạt dành cho kẻ đào mồ chưa đến quan quách “phạt 100 trượng, đày 3 năm”, đào đến quan quách “phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm”, nếu đã mở quan quách thấy xác người sẽ bị “tội giảo giam hậu” (giam chờ ngày treo cổ). Luật cũng ghi rõ hình phạt lăng trì (xẻo thịt cho đến chết) với những kẻ lấy tai mắt, tạng phủ của người sống làm thuốc. Vợ con kẻ can phạm cùng người nhà tuy không biết chuyện cũng bị xử vạ lây, bị xử lưu 2.000 dặm  (cho đi ở cách nơi ở cũ 2.000 dặm).

Nhận định của thiên tử về tội ác này: “Tội lấy tai mắt tạng phủ của người sống đem mổ xẻ ra, tội này cũng giống như tội mổ xẻ thân thể người. Nhưng tội mổ xẻ thân thể người, chỉ muốn giết chết người ấy thôi, còn tội này thì giết chết người ấy làm bùa thuốc để mê hoặc người khác, cho nên tội lại nặng hơn”. Với góc nhìn ấy, hình phạt dành cho thủ phạm nếu hành động nhưng chưa làm bị thương nạn nhân  cũng là “xử trảm”, vợ con bị “xử lưu 2.000 dặm”, kẻ tòng phạm (có giúp sức) thì xử phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm!

Với những kẻ “làm ra hay nuôi chứa loài sâu có chất độc để giết người”, nếu bị phát giác, can phạm sẽ bị xử trảm (chém đầu), vợ con và người ở chung nhà tuy không biết chuyện cũng bị xử lưu 2.000 dặm. Trong trường hợp kẻ phạm tội lấy chất độc của loài sâu  độc đánh thuốc độc người ở chung nhà mà người thân không hay biết, thì được miễn tội xử lưu. Luật ghi: “nếu có biết chuyện, tuy là người của bên bị đánh thuốc độc vẫn phải tội lây”.

Kẻ khắc vẽ hình người để yểm phản, làm phú chú nguyền rủa muốn làm chết người khác, sẽ bị khép vào tội mưu giết người, tội này theo luật hình thời bấy giờ là trảm!

Những hình thức xử phạt kể trên cho thấy hoàng đế Gia Long rất nghiêm khắc và quyết tâm trong việc trừ dẹp tệ mê tín dị đoan trong nhân dân. Năm 1820, sau 18 năm trị vì thiên hạ, hoàng đế Gia Long băng hà, kế tục sự nghiệp của vua cha, hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) cũng dốc lòng dốc sức tuyên chiến với tệ mê tín dị đoan nói chung, nạn thầy bà giở những thuật quái gở nói riêng. Thời trị vì của hoàng đế Minh Mạng, đã có không ít “thầy bà” hay những kẻ ngu muội bị đánh đòn và xử tử.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Trần Đăng Luật ở  xã Phan Xá (huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh) đến triều đường kêu dâng các giấy tờ biên chép lời sấm của người cha quá cố là Trần Đăng Triều gọi là “Thái Bình sách”. Việc đến tai vua Minh Mạng, theo luật Trần Đăng Luật sẽ bị xử tử, nhưng xét thấy Luật là “dân mọn, ngu tối không biết gì, tưởng lầm vật quý của nhà đem mê hoặc dân chúng” nên vị vua thứ 2 của triều Nguyễn ban đặc ân, cho khoan giảm tội, phạt 100 trượng, rồi giao về cho địa phương quản thúc nghiêm ngặt!

Không được may mắn như Trần Đăng Luật, 10 năm sau (1837- năm Minh Mạng thứ 18), có 3 can phạm đã phải trả giá bằng mạng sống khi vi phạm tội danh được định khung của bộ Hình thời bấy giờ là “Làm ra sách và lời nói quái đản”: “Tên Dao là người thổ ở Trấn Tây, nói dối có phép thuật quái gở, làm cờ ngụy, bọn tên Nguyên, tên Ban cùng nhau tuyên truyền,  mê hoặc người đem sang đất giặc, 3 tên ấy đều xử tội trảm  đem thi hành ngay”…

Hoàng đế Minh Mạng cũng có chính sách phạt nặng với quan chức địa phương mà cụ thể là lý trưởng, nếu “biết mà không cáo giác ra thì xử phạt 100 trượng”. Và để khuyến khích dân chúng góp sức cùng triều đình chống tệ nạn trên, những người cáo giác bắt được kẻ vi phạm các cấm lệnh sẽ được hậu thưởng đến 20 lạng bạc. Tiền thưởng ấy được trích từ tài sản của kẻ phạm tội. Trường hợp quan binh phát hiện vụ việc và thực thi việc bắt giữ, cũng được thưởng số tiền là 10 lạng bạc trích từ tài sản của can phạm!

Ngày nay, nạn mê tín dị đoan vẫn phổ biến với đủ hình thức ngu muội, buôn thần bán thánh… tồn tại như một thứ dịch bệnh khó loại trừ. Xem ra, kinh nghiệm xử phạt thật nặng, và trọng thưởng cho người tố giác trích từ tài sản của kẻ phạm tội, mà hoàng đế triều Nguyễn áp dụng, chính là chìa khóa vàng để triệt dẹp thói tệ này!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

 

Mời nghe nhạc phẩm KHÚC XUÂN của Võ Thiện Thanh

qua tiếng hát Thanh Thảo và Dương Triệu Vũ:

Vũ Quế Lâm giới thiệu

Tác giả: N.T.Dũng - nguồn: nghiencuuquocte

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét