MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

KHÓ HIỂU KHÓ THUỘC MỚI LÀ THƠ? - Tác giả: Vũ Duy Thông ; Đinh Như Quang giới thiệu

 


KHÓ HIỂU KHÓ THUỘC MỚI LÀ THƠ?

 

Đúng là có một thời gian dài, theo quan điểm văn nghệ phục vụ công nông binh ngoại lai một cách giáo điều, người ta nhấn mạnh thơ và văn học nghệ thuật nói chung phải dễ hiểu, dễ thuộc. Có thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, thơ dễ hiểu, dễ thuộc thâm nhập nhanh vào người đọc, sức lan tỏa rộng hơn, có sức trụ lại khá lâu bền, nhất là với số người trình độ văn hóa không cao lắm. Nhưng nhược điểm của nó cũng không nhỏ. Thơ loại này dễ nôm na, nặng về minh họa dễ dãi, đánh đồng người có tài và không có tài...

Thơ được coi là "quần chúng hóa" hạn chế khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, vê tròn mọi phong cách, làm mất đi khá nhiều thiên năng mà văn chương vốn có. Dĩ nhiên, với những nghệ sĩ đích thực, vượt qua những hạn chế đó, đi theo hướng trong sáng, giản dị, tác phẩm của họ đạt một tầm mức mới, vừa sâu sắc vừa dễ hiểu, dễ thuộc. Những phẩm chất cao nhất đó của nghệ thuật đó, khi kết hợp được với nhau sẽ tạo nên những đỉnh cao trong sáng tạo. Ta có thể gặp trường hợp này trong khá nhiều tác phẩm đỉnh cao của Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu và nhiều người khác.

Trong văn học cách mạng, nhiều bài thơ của Tố Hữu, Hồ Chí Minh, Hồng Nguyên, Ca Lê Hiến, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… được lan rộng, nhớ lâu cũng là vì thế. Nhưng giờ đây, trong xu trào muốn lộn trái, muốn ngược lại với cái đã trở nên quen thuộc, nhiều ý kiến lại nhấn mạnh một cách cực đoan những ưu điểm của lối thơ khó hiểu, khó thuộc. Họ phủ định hoàn toàn lối thơ dễ hiểu, dễ thuộc, coi đó không là thơ và cho rằng không khó hiểu khó thuộc không phải là thơ hiện đại. Tất nhiên, một quan niệm không thể làm thay đổi được thực tế thơ, Quan niệm có thể một lúc nào đó nảy nở, lan rộng và chết đi nhưng thơ ca thì còn lại mãi, không hoàn toàn phụ thuộc vào những quan niệm nhất thời. Nhưng tiện đây, ta cũng nên bàn xem sao.

Gần đây, trong bài viết của mình đăng trên tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật số 2, tháng 8/2012, tác giả Nguyễn Huy Thông đã dẫn ra khá nhiều ý kiến, phần nhiều của các cây bút trẻ như: "Dễ hiểu, dễ thuộc không bao giờ là thuộc tính của thơ" hoặc "Thơ ngày nay viết để đọc chứ không phải để thuộc. Thơ viết khó hiểu mới hay, mới sang trọng". Có người hình như còn muốn phủ định cả sự hiểu, sự thuộc, từ đó phủ định luôn cả công chúng khi tuyên bố: "Tôi chỉ làm thơ cho tôi, để cho tôi đọc". Không chỉ những ý kiến này, rải rác trong các cuộc hội thảo, trên các báo văn nghệ, ta còn nghe nhiều ý kiến cực đoan hơn, chẳng hạn: "Với đường lối văn nghệ phục vụ quần chúng đông đảo, thơ phải dễ hiểu, dễ thuộc, mấy chục năm qua, chúng ta đã kéo lùi sự phát triển của thơ ca nước nhà, ít nhất là trong hình thức biểu hiện, một đoạn dài" hoặc: "Lấy dễ hiểu, dễ thuộc là phẩm chất của một dòng thơ ca thấp cấp bao trùm lên số phận của toàn bộ nền thi ca là sự tự sát về mặt nghệ thuật"…vv… Những người có ý kiến ấy hoặc không ít người ủng hộ những ý kiến ấy muốn công chúng, nhất là công chúng trẻ sẽ dần hạ thấp những thành tựu của văn nghệ cách mạng hơn nửa thế kỷ qua và của nền văn nghệ truyền thống nước nhà, xây dựng một nền văn nghệ tách dần sự "dễ hiểu, dễ thuộc", cách tân, hiện đại theo những chuẩn mực xa lạ.

Thực ra dễ hiểu, dễ thuộc hay ngược lại khó hiểu, khó thuộc có phải là những phẩm chất hàng đầu để quyết định sự hay hoặc không hay của thơ không? Không. Thơ hay hoặc không hay trước hết ở nó có nhân văn không, nó có làm cho con người yêu hơn con người, yêu hơn cuộc sống, gắn bó với nó, cải tạo để nó ngày càng tốt đẹp hơn không. Còn những thuộc tính hình thức của thơ, phần nhiều do mối quan hệ giữa người đọc với văn bản thơ quy định. Nếu một bài thơ nói được điều người đọc nghĩ, đáp ứng được khát khao thẩm mỹ của họ; nếu đề tài, cấu tứ, hình ảnh thơ gần gụi… người ta sẽ dễ hiểu, dễ nhớ; nếu nó còn có vần, điệu, nhạc nữa, càng dễ thuộc. Nếu một bài thơ phải vận dụng nhiều lý trí để giải thích, chiêm nghiệm, lại không có vần hoặc vần điệu trúc trắc, bố cục khó nắm bắt, cách trình bày không gần với thơ, người đọc sẽ khó hiểu, khó thuộc.

Cùng một nội dung nhưng có nhiều cách biểu đạt. Có thể dễ hiểu, dễ thuộc như hàng chục vạn câu dân ca, ca dao trong dân gian; trong truyện nôm khuyết danh, trong sáng tác của những trí thức nhân dân, sống gần dân, như Nguyễn Đình Chiểu, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Tản Đà cùng rất nhiều nhà thơ trong phong trào thơ Mới, thơ cách mạng sau này hoặc có thể khó hiểu, khó thuộc với đa số người như thơ viết bằng chữ Hán, ngay cả với nhiều bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, nhóm Xuân Thu Nhã tập. Có thể dễ hiểu, dễ thuộc như "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, có thể khó hiểu như bài thơ "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ được Hoài Thanh chọn vào "Thi nhân Việt Nam", nhưng dù có khác nhau bao nhiêu, các tác phẩm thơ đó vẫn có những điều chung, đó là những điều như vừa trình bày ở trên. Chính vì thế, đã là thơ hay thì dù có khó hiểu hay dễ hiểu vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng, vẫn vượt qua thử thách của thời gian, trở thành tài sản văn hóa chung của con người. Không chỉ ở nước ta, thơ ca trên thế giới cũng vậy. Lấy thơ ca Pháp làm thí dụ, trong khi người đọc vẫn hiểu thơ, thuộc thơ của Virgil, La Fontaine, Musset thì người ta vẫn thấu hiểu ApollinaireAragon và rất nhiều nhà thơ tượng trưng, siêu thực khác. Nhân loại vẫn xếp NerudaAragon, Lorca bên cạnh Hikmet, Nezval trong 10 nhà thơ lớn của thế kỷ XX

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, dể hiểu, dễ thuộc không đồng nghĩa với sự cẩu thả. Chúng ta có rất nhiều câu ca dao, dân ca rất hay, thực chất là những câu thơ theo thể thơ lục bát vừa dễ hiểu, dễ thuộc vừa sâu sắc, nhưng đó là phần còn lại sau cuộc sàng lọc lâu dài và vô cùng khốc liệt, loại bỏ hàng triệu câu ca dao, dân ca vào quên lãng. Gần 70 năm qua, đã có hàng vạn bài thơ được sáng tác và xuất bản trên báo chí và sách chủ yếu theo đường lối dễ hiểu, dễ thuộc nhưng đọng lại may ra còn mấy chục bài trong các tuyển tập và cùng với thời gian, số bài này còn ít hơn trong các tuyển tập sau. Sự dễ hiểu, dễ thuộc, nếu đấy là dễ hiểu, dễ thuộc đúng nghĩa cũng là một cuộc giằng xé, vật lộn vô cùng gian nan để vươn tới sự tinh lọc, bản chất của nghệ thuật muôn đời.

Vậy tại sao gần đây, hình thức biểu hiện lại trở thành "vấn đề" của thơ, thậm chí coi hình thức biểu hiện là cốt lõi, là lý do tồn tại của thơ? Có nhiều cách giải thích điều này. Có thể do ngây thơ, thiếu bản lĩnh, một số cây bút trẻ bị hoang mang trước những quan niệm xa lạ, kể cả những sáng tác mang dấu ấn bế tắc từ bên ngoài. Có thể vì thơ đang trong cuộc sốt vỡ da mà những suy nghĩ có phần thái quá như thơ cần khó hiểu, khó thuộc là biểu hiện có phần cực đoan của quá trình chuyển đổi này. Có thể do thiếu vốn sống, thiếu những chiêm nghiệm sâu sắc, người ta phải lấy sự  tìm tòi nặng phần hình thức để khỏa lấp những thiếu hụt. Có thể đây chẳng qua là sự hô hào trống rỗng, hét to lên cho đỡ sợ của những người bế tắc, đi mãi vào ngõ cụt ? Nhưng dù thế nào thì vẫn là một thực tế đáng buồn, sau 40 năm với rất nhiều tuyên ngôn, rất nhiều dự cảm lạc quan, nền thơ của chúng ta vẫn không nhích hơn được bao nhiêu, vẫn không có nhiều những tác phẩm "trường tồn" nếu ai đó định làm tuyển tập, vẫn thiếu những tác giả định hình vững vàng trong công chúng, hướng đi của thơ vẫn còn lờ mờ, người làm thơ và thơ ngày càng nhiều nhưng người đọc thơ ngày càng ít, thơ đang bị loại dần ra khỏi thói quen đọc sách của xã hội.

Không nên phủ nhận những gì thơ đã đạt được trong thời gian qua nhưng cũng đừng quá lạc quan về những gì đã đạt được. Gần 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như vũ bão, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, những gì đã có thật quá èo uột so với điều ta mong muốn. Thế hệ thơ gần nhất với các cây bút trẻ hiện nay là thế hệ các nhà thơ lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thế hệ đó, người trẻ nhất hiện nay cũng đã quá 60 tuổi, người già nhất đã vào tuổi 80. Họ sẽ "bàn giao thế hệ" cho ai? Nếu không muốn dùng cụm từ "bàn giao thế hệ" thì họ sẽ trao cho ai việc kế tục nền thơ nước Việt hiện nay, một nền thơ có quá khứ rạng rỡ và một tiềm lực dồi dào, chẳng lẽ cho những người vẫn đang đắm mình trong quan niệm "Thơ có khó hiểu mới hay, mới sang trọng" ư?

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Vũ Duy Thông - nguồn: vannghecongan

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét