MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

THƠ PHẢI NHƯ NHỮNG LỜI CẢNH TỈNH - Tác giả: Trọng Khang ; Trần Nhuận Minh giới thiệu

 


THƠ PHẢI NHƯ

NHỮNG LỜI CẢNH TỈNH

 

(Nhân đọc sách “Trần Nhuận Minh - và để những câu thơ hóa thạch thời gian”, Nhà xuất bản Văn học, 2019)

 

Đánh giá về người sáng tạo văn chương, từ ngàn xưa đã đúc kết “Văn (thơ) là Người”

Ngày từ tuổi thiếu thời, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã có kiểu cách của một chàng Đông Ky - sốt. Ông làm một bài thơ về người anh hùng xứ Man - tra này (trích) “Những đứa trẻ… cười chế diễu anh, bởi anh săn tìm khát vọng ngàn đời cho chúng/…. Anh đã làm xong phần việc đời mình với trái tim tình nguyện/… Nhưng nàng Đun- xi- nê của anh ơi, nếu còn một ai bị đói khổ đoạ đày, ở bất cứ nơi nào lên tiếng gọi/ Anh sẽ lại trở về trên lưng ngựa Rốt-xi-năng/ Giương thẳng ngọn giáo dài, lừng lững đi trong tái nhợt những đêm trăng…”.

Và cuộc đời thực của Trần Nhuận Minh ở tầm tuổi 20 cũng “sấp ngửa”, hệt phong độ chàng Đông Ki-sốt, như đã tả. Ông bạn nhà văn Ngô Xuân Hội viết sách kể lại, một lần nghe chuyện có cô gái 18 tuổi chửa hoang sẽ bị đuổi khỏi trường sư phạm, nếu không có người đàn ông nào đứng ra nhận trách nhiệm mình là chủ nhân của cái bào thai. Lòng thương người bất chợt nổi lên, anh viết thư riêng trước cho cô cùng “thống nhất”, rồi đạp xe 75 km đến nhà cô ở Vĩnh Bảo, thưa với “nhạc phụ” rằng, mình là chú rể tương lai đến nhận vợ và con. Bị ông bố quăng điếu hút thuốc lào suýt trúng đầu, rồi bảo chui vào bếp mà gặp vợ. Nhìn mặt nàng, anh “chán hẳn” vì dày đặc nhưng nốt tàn nhang trên gò má vêu vao. Nhưng do lòng thương không nén nổi, Trần Nhuận Minh vẫn quyết tâm nhận cô là người vợ tương lai của mình, nếu được cô đồng tình. Anh tặng cô 45 đồng, tiền lương một tháng vừa lĩnh và 2 mét lụa trắng, lo tã lót…

Có thể là may cho Trần Nhuận Minh chăng? Khi đã thoát án kỷ luật, cô viết thư cám ơn “lạy anh một lạy” rồi cấm không cho anh đến nhà, cô sẽ không bao giờ tiếp. Chuyện khác… Năm 1971, một người bạn thơ là Đào Ngọc Vĩnh nộp một xếp bản thảo dày cho Trần Nhuận Minh. Thời gian sau, bạn đến nhà, đường xa nên ngủ lại. Thấy thơ mình vẫn chưa được duyệt in, Vĩnh xin lại để sửa chữa, rồi nhân lúc không ai để ý, đã đút cả tập bản thảo vào bếp lò mùn cưa đang cháy. Chính mẹ nhà thơ Trần Nhuận Minh (Bà từ Hải Dương ra thăm cháu nội đầu lòng mới sinh và ở lại vài ngày) đã dập lửa và giấu phần chưa bị cháy hết đi. Sau này Trần Nhuận Minh đã khôi phục lại thơ cho bạn, dồn các đoạn cháy dở thành bài mới và đưa duyệt in, để Vĩnh có 14 bài thơ đầu tay ra đời, có tên là Ngõ thợ. Khi nhận sách, Đào Ngọc Vĩnh cảm động, nước mắt trào ra, hai ta run lấy bẩy… Một lần mất xe đạp, đoán kẻ gian lấy cắp sẽ mang đi Hải Phòng bán, anh cùng ông bạn Khuất Duy Chưng, giám đốc Công ti chạy tàu thức suốt đêm săn, đến khi tàu bắt đầu nhổ neo, thì kẻ gian lao xe thẳng xuống. Trần Nhuận Minh chạy đuổi theo, được một đoạn thì nhận ra thằng con của bạn mình. Anh cảm ơn chủ tàu và bảo thôi thôi, không phải điện cho bảo vệ tàu ở bến Hải Phong giữ xe lại nữa … Nói điều này, có thể có người sẽ khó tin, nhưng ông Khuất Duy Chưng vẫn còn đấy (1), và Trần Nhuận Minh, tôi vẫn biết là như thế. Anh vốn là một nhà giáo, vẫn còn một chút gì mà ta quen gọi là “tiết tháo”, phẩm cách thường có của con cháu các nhà nho xưa. Chính nhà văn Ngô Xuân Hội, một người rất hiểu ông, đã phát hiện ra điều này và viết về điều đó rất hay, trong cả hai bài viết đều đã đăng báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, và có in trong tập sách, mà một trong hai bài đó, được đặt tên cho cả tập sách. Trần Nhuận Minh thường “phản biện” một số vấn đề về văn hóa và lịch sử thời Trần - Lê ở Quảng Ninh, cũng là do đặc điểm có tính “cố hữu” này. Trần Nhuận Minh kể trong Đối thoại văn chương, khoảng một tháng sau, gặp thằng bé, anh hỏi: Mày bán xe chú ở Hải Phòng được bao nhiêu tiền? Nó nói ngay: tròn 150 ngàn. Anh kêu lên: Chú mua 680 ngàn đấy, mới được có 3 ngày. Sao mày cần tiền không bảo chú, chú sẽ cho. Nó nói rất thản nhiên: Chú chỉ được cái nói phét. Cháu có xin 5 ngàn chú cũng chẳng cho. Anh nghĩ là thằng bé nói thật lòng, nên bảo: Cháu có xin chú cũng không cho thật, vì có lúc, chú cũng không có đến 5 ngàn trong túi mà cháu… Tuy nhiên thế, lần sau đừng làm cái việc ấy cháu nhé, không hay đâu. Thằng cháu im lặng rồi bỏ đi…

Trong thơ, Trần Nhuận Minh cũng vậy. Ông rất hiểu người, rất thương người. Hình như không có tình yêu thương đầy trách nhiệm, thì nhà thơ dễ sa vào kiểu ra thơ “hàng mã” giả tạo, rất dễ bị độc giả “nhận chân”. Lòng thương người sâu sắc là một lợi thế để Trần Nhuận Minh viết nên những câu thơ day dứt, xúc động nhiều người. Có một nhạc sĩ nổi tiếng ở Đài Loan luận về thơ Trần Nhuận Minh, đã bật khóc to giữa hội trường, khi Hội Nhà văn Đài Loan tổ chức hội thảo về thơ ông, nhân tuyển thơ của ông được xuất bản ở Đài Bắc, mà ông được mời sang dự, ông phải đến tận nơi nắm chặt tay ông nhạc sĩ…

Từ hiện thực, Trần Nhuận Minh đã tìm cho riêng mình, một mạch nguồn sáng tác mới, phát triển thể thơ tự sự, với niềm thương cảm khôn nguôi về thân phận con người, về nỗi bất hạnh của con người. Phật nói: “Con người là bể khổ”. Các Mác nói: “Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại”. Andrê Muýtxê nói: “Chỉ có nỗi đau mới làm lên thơ hay”. Nguyễn Du viết “Dột lòng mình mới nao nao lòng người”, Dột nghĩa là đau. Lòng mình có thật đau mới làm xúc động được người khác. Nguyễn Đình Thi viết: “Cái còn lại thường ở trong nước mắt”… Trần Nhuận Minh đã đi theo con đường ấy, con đường hiện thực và nhân văn ngời sáng của thiên tài Nguyễn Du “Thương thay cũng một kiếp người”... Có lẽ vì thế chăng, mà thơ Trần Nhuận Minh có nhiều bạn đọc, ông nói hạnh phúc lớn nhất của đời ông, là thơ ông có được sự đồng cảm của nhiều người. Một số tập thơ của ông, đã được tái bản đến 5 lần, như 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, Miền dân gian mây trắng; tái bản đến 13 lần, như Bản Xônat hoang dã; tái bản đến 22 lần, nhận kỷ lục quốc gia như Nhà thơ và hoa cỏ; tái bản đến 30 lần như Trường ca Đá cháy… Cũng có lẽ vì thế mà nhà văn, Giáo sư, Tiến sĩ Tưởng Vi Văn, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học của Đài Loan nói nằng: Thơ Trần Nhuận Minh là thơ của tất cả mọi người, ở bất cứ nước nào dịch thơ Trần Nhuận Minh cũng dễ được chấp nhận. Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới”. Nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng, giới thiệu Trần Nhuận Minh với bạn đọc Hoa Kỳ và Pháp, có câu “Ngày nào trên thế gian này, vẫn còn có những người bất hạnh, thì ngày ấy, người ta vẫn còn tìm đến Trần Nhuận Minh mà đọc thơ anh”… Vì thế, anh tin là mình đã đi đúng con đường mà các nhà thơ lớn xưa nay đã đi, như Xuân Diệu từng nói “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Theo nhà thơ Ngô Xuân Hội, đó chính là cái cơ sở đã làm cho nhiều câu thơ của Trần Nhuận Minh “hóa thạch thời gian”.

Có một điều rất cần được lưu ý, là thơ Trần Nhuận Minh có tính cảnh báo rất cao. Một bộ phận người vươn lên mức sống giàu có thì quay ra tha hóa, hưởng thụ cho bõ những ngày từng phải sống khổ đau “hèn hạ”. Ma đạo, gái gú, trộm cướp, hút sách, “thổ phỉ”… góp phần tạo ra một xã hội hỗn mang, nhằng nhịt màu sắc… nên bằng bút pháp phê phán hiện thực, Trần Nhuận Minh nhìn vào đâu, nhìn vào con người cụ thể nào, cũng có thể “điêu khắc” thành thi phẩm. Giá trị nhân văn mà Trần Nhuận Minh đặt ra, là thơ ca phải như những lời cảnh tỉnh, hướng đến mục đích ngăn chặn cái ác, cứu đời cứu người. Những câu thơ của Trần Nhuận Minh bắt độc giả phải soi vào, phải đối diện với nó, để tự vấn “gặp trường hợp này, mình hành xử thế nào để không trái với lương tâm đạo đức”? Và chính đạo đức là cứu cánh cho thơ, cho mọi nền thơ. Chả thế mà Trần Nhuận Minh tuyên bố, trong 3 mục đích cao cả mà “nàng thơ” hướng tới là Chân, Thiện, Mỹ, thì Thiện có ý nghĩa quán triệt hơn cả. Ông hằng tin: “Sẽ đến ngày cái Thiện lên ngôi / Bạo lực và cường quyền/ Tất cả thành vô nghĩa”. Đó cũng là thông điệp sống của Trần Nhuận Minh và thơ Trần Nhuận Minh.

Tập tiểu luận phê bình thứ 3 (2) này, dày trên 410 trang, tập hợp 25 bài viết, trong đó có khá nhiều học giả, nhà phê bình hàng đầu, ở trong và ngoài nước, cùng với tập này, và tập sau nữa, thành bộ sách 4 tập biên khảo về nhà thơ Trần Nhuận Minh, do Trần Minh Hà (Trần Thị Minh Hà) và Trần Nhuận Vinh sưu tầm, biên soạn cùng thống nhất đánh giá về nhân cách và thơ của Trần Nhuận Minh. Để có thơ hay, phải sống đẹp. Thơ phải chứa đựng tư tưởng, hướng đến mục đích tối thượng là làm cho con người sống tốt hơn, con người thương con người hơn. Thơ phải mang tính khái quát, đi từ một dân tộc mà đến với toàn nhân loại. Nhục mạ con người vì bất cứ lý do gì cũng là vô đạo đức, cần phải nghiêm khắc lên án. Nỗi đau đời và tình thương cao cả, trong thơ Trần Nhuận Minh, đã đạt đến giá trị lớn, làm xóa nhòa các ranh giới dân tộc và quốc gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trọng Bình giới thiệu thơ Trần Nhuận Minh với nhân dân Trung Hoa, đã viết (những điều đã nói trên, đều có in trong tập sách này): “Thơ Trần Nhuận Minh vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian, tạo ra một bước chuyển mình lớn, từ nhà thơ của công nhân thành nhà thơ của nhân loại” (3)

-------------

(1) Theo chúng tôi được biết, ông Khuất Duy Chưng, cùng họ, cùng quê, cùng trạc tuổi và có quen biết nhà văn Khuất Quang Thụy, nhiều năm làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

(2) Hai tập trước là Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ (Nhà xuất bản Văn học, 2009), Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015)

(3) Phùng Trọng Bình, Giáo sư, Tiến sĩ Đại học Trung Hoa, Trần Nhuận Minh - Thi ca tinh tuyển tập, Bắc Kinh, 2014.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Nhuận Minh0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đăng Khoa0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quang Đạo0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mỹ Giống0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đức Phổ0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Tiến0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Hạ Vi0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mai Ngân0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Công Thủy0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Thị Bảo Thư0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ XA QUÊ:

 Trần Nhuận Minh  giới thiệu

Tác giả: Trọng Khang - nguồn: Trần Nhuận Minh

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét