(Các nhạc sĩ: Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương ; năm 1940 ; Nguồn ảnh: internet) |
NHẠC TRỮ TÌNH Ở VÙNG ĐÔ THỊ
GIAI ĐOẠN
1946 - 1954
(Tác giả Lê Thiên Minh Khoa) |
Trong hoàn cảnh chiến tranh, ở vùng đô thị do
thực dân Pháp chiếm đóng, tâm lý người dân là chán ghét thực tại, tránh né thời
cuộc, hướng về những gì cao đẹp, người nhạc sĩ cũng là người nói hộ tâm tình
đó. Nhạc sỹ, phó Giáo sư, Tiến sĩ Thế Bảo trong cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam (Nhà xuất
bản Thanh Niên - 2017) cho rằng: “dòng
chảy cơ bản của âm nhạc vùng tạm chiếm là trốn thực tại đau khổ vào tình yêu
lứa đôi, vào giấc mơ, vào lịch sử xa xưa, hình thành dòng nhạc trữ tình lãng mạn”. Ca khúc của họ là sự nối
tiếp dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến và sau nầy được xếp chung vào dòng nhạc
tiền chiến.
Giới sáng tác ca khúc ở vùng tạm chiếm lúc
nầy gồm 2 nguồn: những nhạc sĩ ở lại thành, không vào chiến khu ngay từ đầu,
như: Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…, hoặc đang tuổi thiếu niên như
Cung Tiến, Lam Phương…, và những nhạc sĩ
tham gia kháng chiến, rồi do thời cuộc, do hoàn cảnh riêng, do bị Pháp bắt hoặc
không chịu được gian khổ kháng chiến đã bỏ về “tề” từ đầu thập niên năm 1950,
như: Phạm Duy, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Giác, Võ Đức
Thu,…
Lực lượng sáng tác tuy đông, nhưng số lượng
tác phẩm không nhiều. Một số nhạc sĩ chựng lại, không viết nữa, một số đổi lại
tựa đề ca khúc cũ hoặc sửa chữa lại lời cho hợp vời hoàn cảnh mới ở vùng tạm
chiếm rồi mới phổ biến. Như Phạm Duy trong 4 năm chỉ viết được một ca khúc Đàn
tôi lúc mới rời bỏ kháng chiến. Hoàng Giác viết Ngày về (1946 - sau nầy làm ông và gia đình chịu nhiều hệ
lụy vì trở thành nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa)
khi tham gia kháng chiến, sau “về thành” Hà Nội đã viết Lỗi cung đàn, Quê
hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua… Một số khác viết
nhiều hơn, như Hùng Lân viết một loạt ca khúc: Một Mùa Xuân Huyền Ảo, Vườn
Xuân, Hận Trương Chi, Hè Về, Cô Gái Việt, Mùa
Hợp Tấu, Ca Xuân Hẹn Ước, Luống Cầy Mạch Sống, Nhớ
Rừng, Sầu Lữ Thứ, Tơ Vương, Xóm Nghèo…
Đặc biệt, Đoàn Chuần trở thành một hiện tượng
âm nhạc thời đó khi từ chiến khu về Hà Nội tung ra nhiều tình ca được viết
trước đó và được công chúng thị thành nồng nhiệt đón nhận: Ánh trăng mùa thu (1947-
ca khúc đầu tay), Tình nghệ sĩ (1947), Đường về Việt Bắc (1948), Lá
thư (1949). Sau đó, ông viết tiếp: Thu quyến rũ (1950), Chuyển
bến (1952), Gửi gió cho mây ngàn bay (1952), Cánh hoa duyên
kiếp (hay "Dạ lan hương" (1953), Lá đổ muôn chiều (1954).
Cũng cần phải kể thêm những tình ca cùng một phong cách ấy, giai điệu ấy, có
nét buồn, day dứt mà thanh cao, trang nhã, ông viết trong năm 1955: Tà áo xanh (hay Dang dở),
Chiếc
lá cuối cùng, Để có những chiều tắt nắng, Một
gói nho khô, một cánh pensée, Vàng
phai mấy lá (hay Vĩnh biệt), Gửi người em gái miền Nam… Những
tình khúc nầy được ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh như một “thương hiệu” uy tín và có ảnh hưởng sâu
rộng đến dòng tình khúc miền Nam sau 1954.
Ở lại thành từ đầu, Thẩm Oánh tiếp tục viết
những ca khúc theo 2 dòng nhạc cũ: tình ca và nhạc hùng như: “Việt
Nam cùng tiến" đã được dùng làm nhạc hiệu cho đài Pháp - Á ở Hà
Nội và Sài Gòn, "Nhà Việt Nam", "Trưng
nữ vương",
"Chu Văn An hành khúc, "Xuân về", “Cô lái đò"…
Cũng vậy, từ những năm cuối thập niên 1940,
đầu thập niên 1950, Dương Thiệu Tước viết nhiều ca khúc lãng mạn: Đêm
Tàn Bến Ngự (1946), Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều, Nhạc
Ngày Xanh, Dưới Nắng Hồng, Xuân Mới, Thiếu Niên Xuân
Khúc Ca, Thuyền Mơ...
Cung Tiến được xem như nhạc sĩ trẻ nhất có
hai sáng tác đầu tay viết theo dòng nhạc tiền chiến được phổ biến rộng: Hoài cảm (1952) viết lúc mới 14 tuổi, Thu vàng (1953) lúc 15
tuổi, nhưng được coi là hai tình khúc bất hủ của tân nhạc Việt Nạm.
Còn Lê Thương, ngoài tình ca ra, nhạc sĩ tài
hoa đa hệ nầy, “chuyển hệ” viết các bản nhạc hài hước, trào phúng Hòa
bình 48, Liên hiệp quốc, Làng báo Sài Gòn, Đốt
hay không đốt… Ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn
như Nhớ Lào (nhạc Lào), Bông
hoa dại tức Ô Đuồng Chăm Pá (nhạc Lào), Lòng
trẻ trai (nhạc Hoa Kỳ), Hoa
anh đào (tức Sakura - nhạc cổ Nhật), Màn
Brúc đánh giặc (dân ca Pháp)... Lê Thương được
xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những
bản: Tuổi thơ, Cô bán bánh, Con
mèo trèo cây cau, Thằng bé tí non, Ông
Nhang bà Nhang, Truyền kỳ Việt sử, Học
sinh hành khúc... Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội thường
được trẻ em hát trong mỗi dịp tết Trung Thu,
được nhiều người xem như đồng dao mà quên hẳn tên tác giả: Bóng trăng trắng ngà/Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ…
Thời kỳ nầy, ông có soạn một ca khúc rất nổi tiếng Lòng mẹ Việt Nam (Bà
Tư bán hàng) nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến. Và bài
hát đó là một trong những lý do Lê Thương bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng
Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951.
Đáng lưu ý là năm 1949, Văn Phụng và Văn Khôi
viết Trăng
sơn cước, tác phẩm điệu Rumba đầu tiên và năm 1952, Lam Phương viết Chiều
thu ấy lúc mới 15 tuổi, Lưu Trọng Nguyễn viết Nắng chiều, hai nhạc phẩm
điệu bolero đầu tiên ra đời cùng năm. Giai điệu cả ba đều đơn giản, nhẹ nhàng được
coi như là ba ca khúc khai mở cho dòng nhạc
vàng sau nầy.
Việc quảng bá, trình diễn ca khúc trữ tình
được chính quyền thực dân khuyến khích, tạo điều kiện. Ở các thành phố lớn như
Hà Nội, Huế, Sài Gòn…, chính quyền lập nhiều ban nhạc: mỗi nơi đó đều có các
ban nhạc của đài phát thanh khu vực, đoàn quân nhạc của Bảo chính đoàn, của
Tiểu đoàn danh dự. Riêng ở Sài Gòn có thêm ban nhạc của đài phát thanh Pháp Á
với một dàn nhạc “hoành tráng” và một lực lượng biên tập, nhạc sĩ, nhạc công,
ca sĩ hùng hậu. Các phòng trà, quán bar có nhóm nhạc nhẹ, nhạc khiêu vũ vô cùng
nhộn nhịp với nam thanh nữ tú dập dìu trong những bản tình ca lãng mạn, lãng
quên thời cuộc. Lúc nầy ở các thành phố lớn có những ca sĩ chuyên nghiệp nổi
tiếng: ở Sài Gòn, có Thu Hồ, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Tôn Thất Sở...,
ở Hà Nội cũng nhiều nhưng được mến mộ nhất là tài tử Ngọc Bảo.
Ở giai đoạn nầy, Pháp cũng đẻ ra một loại
nhạc tâm lý chiến chống Việt Minh, nhưng rất gầy guộc và èo uột, do chính nghĩa
sáng ngời tỏa ra từ cuộc đấu tranh giải phóng, nhân dân ở thành lòng hướng về
phía chính nghĩa, còn các nhạc sĩ tài năng hoặc đã đi theo chính nghĩa hoặc
“trùm chăn” viết tình ca, né tránh chuyện chính trị, thế thời.
-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN
NHẠC VIỆT NAM ”
- nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên Minh Khoa, xuất bản, 2018).
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÊM TÀN BẾN NGỰ
của Dương Thiệu Tước, qua tiếng hát Ngọc Hạ:
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu.
Email:
lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét