CẦN XÂY DỰNG MỘT THẾ HỆ TRÍ THỨC MỚI - Tác giả: Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CẦN XÂY DỰNG MỘT THẾ HỆ
TRÍ THỨC MỚI
*
- Phiên bản thu gọn đã đăng trong Tạp chí văn hóa Nghệ An, Số 307: Cần bắt đầu xây dựng một thế hệ trí thức mới -

(Tác giả Dương Quốc Việt)
Trên con đường đổi mới đất nước, nhằm theo kịp sự phát triển của thời đại, chúng ta đang gặp phải những khó khăn lớn, mà một trong số đó là những mặt hạn chế của văn hóa dân tộc, và tầm vóc của đội ngũ trí thức hiện nay. Để khắc phục những khó khăn này, trước hết chúng ta cần bắt đầu để xây dựng một lớp người mới, văn minh và minh triết, đủ giác ngộ về bổn phận cá nhân đối với dân tộc.

Những mặt hạn chế của văn hóa dân tộc
Chúng ta đã có một bề dày lịch sử những chiến tích trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Sự quật cường của dân tộc này luôn được trỗi dậy sau những đêm trường nô lệ. Lịch sử đã chứng minh rằng, chúng ta đã từng mất nước, nhưng chúng ta gần như chưa hề bị mất làng. Chúng ta đã luôn giành lại  được độc lập, luôn giữ nguyên được bản sắc. Nhưng tại sao dân tộc này phải gánh chịu nhiều cuộc xâm lăng đến như vậy?
Phải chăng qua nhiều thời đại, chúng ta chưa có được nền văn minh của một nước hùng cường, đủ sức dập tắt mọi ý chí xâm lược của ngoại bang. Phải chăng cái văn hóa “phép vua thua lệ làng” đã khiến chúng ta luôn giữ được bản sắc, cho dù bị đô hộ trong những  thời  gian dài, thì nó cũng là nơi ẩn nấp cho  những khuyết tật nghìn đời, làm tổn hại đến sự tiến bộ. Phải chăng văn minh “làng xã” cùng với tư tưởng ”thua thầy một vạn chứ không chịu kém bạn một li”, đã làm cho cái “thiên hạ”  trong mắt mỗi cá nhân trở nên vô cùng nhỏ bé. Rồi những giấc mơ thần “Phù Đổng” không thể không khiến nảy nở tư tưởng “sáng cấy chiều gặt”,  đã tạo nguồn cho đức tính thiếu kiên nhẫn, và đặc biệt còn có phần hoang tưởng nữa. Những truyền kỳ về  “cá chép vượt vũ môn”  đã khiến sĩ tử của bao đời nay, mơ ước đổi đời bằng những cuộc thi. Tất nhiên “kẻ đỗ đạt thời nào chẳng có”, nhưng trong  mọi thời đại chúng ta đều rất thiếu những tác phẩm lớn, những công trình lớn, những nhà quản lí lớn, và cả những nhân cách lớn…, giúp canh tân đất nước.
Rút cục mấy nghìn năm văn hiến vẫn “con  trâu đi trước cái cày đi sau”. Tính cục bộ, sự đố kỵ…, luôn diễn ra trong mọi ngóc  ngách của đời sống xã hội. Nó phổ biến đến nỗi khiến đại thi hào Nguyễn Du trong Truỵên Kiều bất hủ đã phải chua chát buông lời:
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Hỏi còn đâu miền đất hứa  cho những nhân tài, cho những lao động sáng tạo, cho những chí hướng khác thường, tạo những đột phá…, có chăng cũng là quá ít. Thứ văn hóa kể trên đã và sẽ là một lực cản rất lớn trong quá trình kiến quốc, nó còn là một trong những mầm mống gây nên sự chia rẽ, cắt cứ, suy yếu, thậm chí  dẫn đến làm mất nước.

Tầm vóc của đội ngũ trí thức và những bài học
Kể từ khi chấp chính, Đảng Cộng Sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã sớm đặt vấn đề: xây dựng nền văn hóa mới và con  người mới. Kết quả là chúng ta đã có một lớp người, một xã hội, đáp ứng xuất sắc sứ mệnh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Nhưng trong bối cảnh “tất cả cho tiền tuyến”, cũng là lúc mà cái văn hóa “phép vua thua lệ làng” đựơc dịp hoành hành, một lớp “cường hào mới” xuất hiện ở không ít cơ quan, phường, xã, thôn, bản. Trên thực tế họ chỉ là một lớp người ăn theo, mà không đủ giác ngộ về đảng, giác ngộ về bổn phận của cá nhân đối với đất nước. Chính tầng lớp này, đã gây cản trở không nhỏ tới nhiều chủ trương chính sách lớn quốc gia, đặc biệt là đường lối xây dựng đội ngũ trí thức. Cảnh đời “con xanh đầu thì bỏ, con đỏ đầu thì nuôi” đâu đó diễn ra đầy ai oán. Mà hệ luận của nó, là tạo nên một lớp công chức, trí thức, đảng viên kém phẩm chất, bên cạnh đó là làm nhụt đi ý chí của không ít các nhân tố tích cực, rất cần cho sự nghiệp cách mạng của một đảng chân chính.
Vì vậy, mặc dù chúng ta đã có một thế hệ trí thức đông đảo, nhưng hình như một số đông trong lớp người này, chưa phải là những đại diện xứng đáng nhất cho mỗi ngành nghề mà họ được tuyển chọn. Một phần nguyên nhân  là bởi chiến tranh, khiến nhiều thanh niên ưu tú phải xa rời trường học để ra mặt trận. Bởi chính sách ưu tiên thái quá của một thời người ta dành cho những cá nhân, vốn còn là những người bất cập và thiếu tự giác trong tu dưỡng và học tập, thiếu nhận thức về bổn phận của cá nhân đối với gia đình và đất nước. Bởi “chủ nghĩa thành phần”, khiến cho không ít thanh niên xuất sắc bị ngừng học, hoặc phải xa rời những vị trí và những nơi đào tạo rất cần có họ. Bởi không ít nơi đã cố tình vận dụng sai chính sách của Đảng, để tạo nên sự phân biệt đối xử. Khiến cho kẻ được ưu đãi thì có xấu cũng được cất nhắc, ngược lại con em những thành phần được coi là không “cơ bản” thì dù có tốt mấy cũng chỉ đủ để che thân. Trong một thời gian dài như vậy, hỏi “nguyên khí” của dân tộc liệu có suy kiệt hay không?
Hình như văn hóa, tình cảm và đạo đức của họ chưa đủ để đón nhận những triết lý huyền diệu của cuộc sống, và những lý thuyết khoa học thâm sâu của nhân loại. Họ nhận thức các quy luật khoa học một cách nông nổi và duy lý, tức là chưa hề “giác ngộ”. Ngoài một ít kiến thức mà họ tiếp nhận được bằng truyền trao, thậm chí nhiều khi chỉ cốt thi cho đỗ. Họ rất thiếu  bản lĩnh, tính cách, ý chí của một công dân văn minh, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Chưa kể đa số đã bị “văn minh làng xã” chinh phục trở lại, hay thậm chí đâu đó, họ còn làm mất đi tính chất phác của văn minh này!
Sự tác động phản khoa học vào quy trình đào tạo và sử dụng đội ngũ trí thức, khiến chúng ta mới chỉ tạo ra một lớp người có nhiều bằng cấp, mà không ít trong số đó là những con người “được trông mất cậy”. Hình như chúng ta đã phải nuôi  những  chú “mèo” không có khả năng “săn chuột”, hoặc không muốn làm cái bổn phận “săn chuột”. Sự nâng đỡ thái quá cho một lớp người, đã để lại những mặt trái của nó. Một mặt làm họ ngộ nhận về khả năng, mặt khác họ sẽ không biết trân trọng và đánh giá những thành quả lao động, những khả năng chuyên môn. Đặc biệt là họ nhìn nhận cái danh, sự cống hiến và thành đạt một cách sai lệch. Họ không giống “kẻ sĩ” của bất cứ thời đại nào, mà trái lại họ là một lớp người quen sinh hoạt công cộng, ưa các hoạt động bề nổi, sính phô trương vật chất, và không ý thức được cái bổn phận chính mà họ cần phải gánh vác… Rồi không ít kẻ đã lấy tấm gương của bọn “tham quan” làm mục tiêu phấn đấu của đời mình. Còn những cá nhân mang tâm hồn “kẻ sĩ” biết say mê với học thuật và nghề nghiệp thì sớm bị cô lập, thậm chí còn trở thành các đối tượng cá biệt và bị chụp mũ là “chuyên môn thuần túy”.  Trong bối cảnh như vậy, liệu có sản sinh ra những  trí thức lớn  hay không?
Sự giác ngộ về bổn phận của mỗi cá nhân đối với đất nước là tiền đề quan trọng làm nên sức mạnh của một dân tộc. Lãnh tụ Hồ Chí Minh do sớm giác ngộ sâu sắc được bổn phận đối với đất nước nên đã đón nhận trí  tuệ và tinh hoa văn hóa của nhân loại, kể cả con đường cứu nước như một nhu cầu tự thân. Chính vì vậy Người đã thấm nhuần nó, và nó được hòa quyện trong Người, bằng cả tình cảm, tư tưởng và hành động… Đặc biệt là Người đã cảm hóa được một đội ngũ trí thức có nhân cách lớn đi theo cách mạng. Đội ngũ này đã dám từ bỏ những vị trí cao sang, nơi xuất thân danh gia vọng tộc để theo cách mạng làm cái sứ mệnh giải phóng dân tộc. Kết quả là, trong thời kỳ giành độc lập và kháng chiến cứu quốc, chúng ta đã có một đội ngũ trí thức, tuy không đông, nhưng đã có những đóng góp rất to lớn cho đất nước. Họ đã từng phải làm cả cái  sứ mệnh biến “những kẻ quê mùa trở thành trí thức”.
Tương phản với họ, chính là tầng lớp “cường hào mới” như chúng ta đã đề cập ở trên. Tầng lớp này hầu như đã không hiểu, hoặc hiểu sai các nguyên lý khoa học. Họ hăm hở bước lên vũ đài với vũ khí trong tay là ngọn giáo “đấu tranh giai cấp”, đánh vào “lịch sử nhân loại”. Và đội ngũ trí thức, chính những người đã từng phải xóa mù cho họ, và tất cả các tầng lớp được coi là “phi vô sản”, luôn là mục tiêu tấn công của họ. Những công trình văn hóa, những tinh hoa dân tộc, phải tích lũy hàng nghìn năm mới có, nay đều bị họ phá hủy!
Thế hệ trí thức cũ qua đi, còn lại đội ngũ  trí thức mới, mà được gọi là “vừa hồng vừa chuyên”, những đứa con được đẻ ra từ chính sách ưu tiên và thời chiến, như đã đề cập ở trên. Số đông trong đội ngũ này, một phần còn hạn chế về trình độ, một phần còn chưa được sử dụng một cách có hiệu quả. Một bộ phận khác tuy có chuyên môn cao, nhưng họ luôn lo ngại vì sợ bị “chụp mũ”. Còn tầng lớp được ưu ái đặc biệt, thì bên trong họ tận hưởng những thành quả cách mạng của cha anh, bên ngoài thì có các thầy trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa cứu cánh. Những người này sớm tìm con đường xa chuyên môn để nhanh được tiến thân, hoặc chờ đợi những chuyến đi để nâng cao bằng cấp. Hình như quá trình giáo dục và đào tạo vẫn chưa đủ để  số đông  trong đội  ngũ  trí thức mới “lột xác”, điều mà tổ quốc cần ở họ.
Vì thế một bộ phận không nhỏ đã sống a dua theo đám đông và cấp trên, mang bên mình cái lý thuyết “hạt cát trong sa mạc”. Một số khác đã rất sành sỏi trong việc tung ra những vũ khí xảo biện, những ngón đòn của bọn “đạo chích” để hòng làm nhụt  các khí phách cá nhân quanh họ. Rồi những cảnh bi hài của trò “khỉ vặt lông khỉ” đã diễn ra thường xuyên và khá phổ biến, càng làm cho họ thêm mông muội tối tăm. Trong thời chiến, họ mơ tưởng một ngày kia khi chiến thắng tới, đất nước này sẽ trở thành trung tâm của thế giới, và “một ngày bằng hai mươi năm” sẽ đến. Thế rồi cái gì đến sẽ đến. “Vận nước gặp cơn dâu bể”, những năm tháng kéo dài trong sự lãn công, sự thiếu thốn cùng cực của một thời bao cấp, những cuộc thi cử theo kiểu “treo tiền cột mỡ”, mong được đổi đời bằng một chuyến du học Đông Âu…, một lần  nữa lại nghiền nát tất cả những sinh khí cần có của tầng lớp trí thức.
Rồi như một tất yếu, sự đổi mới phải tới, và đó là cơ hội phát triển cho hầu hết các thành phần kinh tế trong xã hội. Nhưng đáng buồn thay, hầu như đóng góp  của tầng lớp trí thức trong sự phát triển các thành phần kinh tế này là không đáng kể. Ngược lại để đua ganh với các thành phần kinh tế khác, người ta mang tinh thần “chợ trời” vào trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu…, cốt sao kiếm tiền hiệu quả. Kết quả là biết bao nhức nhối xảy ra trong xã hội đương đại. Mấy chục năm cải cách giáo dục và thi cử, làm suy kiệt giống nòi, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Những cảnh nhan nhản trường lớp và những người đi học, nhưng lại không nhiều người thực học. Người mang danh nhà khoa học thì đông, nhưng lại không nhiều người làm khoa học. Đất nước còn nghèo, nhưng đã phải tiêu phí rất nhiều tiền cho những dự án vô bổ, nằm trong tay những kẻ giả danh nhà khoa học.
Thế rồi đâu đâu cũng tự coi mình là mũi nhọn, tranh nhau cả những vị trí, những cái danh hão huyền nhất. Kẻ nhanh chân chiếm được “ngôi cao” thì phát huy lợi thế uy hiếp kẻ khác. Hình như họ đang cố truy lĩnh tất cả vật chất, danh vọng, địa vị, và sự sa đọa mà cha ông họ chưa từng được biết đến thì phải (!?) Những tiếng nói tâm huyết đâu đó đã trở thành xa lạ và lạc lõng. Sự tôn nghiêm của nơi học thuật, tưởng như vĩnh hằng đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc, và mọi thời đại, nay đã bị suy giảm rất nặng. Lạm phát bằng cấp và học hàm, học vị, cùng các trường đại học, diễn ra đến chóng mặt. Nền hành chính của chúng ta vốn quan liêu bao cấp, nay lại thêm bệnh “bằng cấp” và “chứng chỉ” nữa. Thiên hạ có thứ gì người ta cũng cố nặn ra thứ đó, chỉ khác là nó được chế tác bởi những người làm “hàng mã” (!?) Phải chăng đó cũng là cái giá cho nền độc lập và thống nhất, mà dân tộc này phải trả!? Con người quyết định tất cả, không một quốc gia nào, dòng họ nào, gia đình nào muốn thay đổi số phận, lại xuất phát từ một lớp người tham lam, vị kỷ, cố tận hưởng tất cả những gì mà có thể giành giật được.
Tình trạng “cắt đau để buồn” của một số không nhỏ công chức hôm nay đã để lại một bài học lớn rằng, không nên lạm dụng quyền lực áp chế vào giáo dục và đào tạo. Rằng lĩnh vực này cần được duy trì một cơ chế tương đối độc lập, để đảm bảo sự tôn nghiêm theo truyền thống của nó. Rằng không được thỏa hiệp về chất lượng đối với bất cứ đối tượng nào, và giai đoạn lịch sử nào. “Bài toán dùng người” luôn phải được ôn lại ở mọi thời đại và mọi thế hệ. Rằng ta dùng được “nhân tài” thì có lợi cho ta, quyết không phải ta dùng họ vì muốn “ban ơn” cho họ, và nên nhớ  “ba quân dễ kiếm một tướng khó cầu”, hay “một người hay lo bằng một kho người hay làm”. Những luân lý cơ bản phải được dạy hết sức cụ thể về bổn phận làm con, làm công dân…, bổn phận của cá nhân với cộng đồng, với dân tộc, với nhân loại… Rằng dù ở đảng phái nào, giai cấp nào thì quyền lợi của dân tộc bao giờ cũng được đặt lên trên hết…

Hãy bắt đầu để xây dựng một lớp người mới
Vào cuối những thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, để hiện đại hóa đất nước Trung Hoa, người ta đã đặt vấn đề “xây dựng lại đội ngũ trí thức”, thiết nghĩ rằng chúng ta cần  lưu tâm đến điều này.
Hơn bao giờ hết để thay đổi đất nước chúng ta đang rất cần có một đội ngũ trí thức chân chính, văn minh và minh triết. Đó là một lớp người phải có văn hóa cao, có bản lĩnh vững vàng, có chí tiến thủ, có đức hy sinh, cần mẫn và nhẫn nại, xứng đáng là tinh hoa của dân tộc. Một lớp người trung thực, có nhân cách lớn, giác ngộ được bổn phận của cá nhân đối với gia đình và đất nước, là lực lượng xung kích trong mọi lĩnh vực, có tư duy phản biện cao, và dũng cảm chỉ ra những sai lầm của những chủ trương, đường lối thiếu sáng suốt. Một lớp người có giác ngộ tri thức, tức là thấm nhuần tri thức bằng cả tình cảm, tư tưởng và hành động, học phải đi đôi với hành, biết vận dụng tri thức một cách sáng tạo. Một lớp người có hoài bão lớn lao đưa đất nước đi lên, mẫu mực và đi đầu trong lao động sáng tạo, có tình nhân ái bao la với cộng đồng và nhân loại, có lòng tự trọng cao và say mê với nghề nghiệp. Một lớp người vững vàng  về chuyên môn, có hiểu biết rộng, có tư duy phân tích gắn liền với tư duy tổng thể, năng động và hội nhập, có khả năng liên kết cao trong lao động tập thể, thích ứng nhanh trong quá trình  đổi mới. Một lớp người có tầm nhìn xa và giàu ý tưởng, hiểu sâu sắc các bài học từ lịch sử trong quá khứ, biết đặt vấn đề cho hiện tại và hướng tới tương lai. Một lớp người luôn biết học hỏi không ngừng, biết khơi nguồn thức dậy cho năng lực bản thân và đồng nghiệp, có xúc cảm cao về trí tuệ, đạo đức và nhân cách, biết đau những nỗi đau của dân tộc, của đất nước và của nhân loại, biết công phẫn và nhức nhối trước những thói hư tật xấu, biết yêu lẽ phải và dũng cảm trong đấu tranh và bảo vệ công lý. Họ cần biết khiêm tốn và biết tự đánh giá đúng bản thân, trân trọng thành quả của đồng nghiệp và biết học hỏi, lắng nghe, và chia sẻ với những người xung quanh, có đạo đức nghề nghiệp cao, không đố kỵ, có khả năng cạnh tranh lành mạnh. Họ phải là lớp người biết phát huy những mặt tốt  văn hóa dân tộc, gương mẫu trong việc xóa bỏ tàn dư  của những thứ văn hóa xấu, biết tiếp thu và chuyển tải những văn hóa tinh hoa của nhân loại để làm giàu thêm văn hóa dân tộc… Cuối cùng họ phải là những người có thể chất tốt, biết rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, biết sống tích cực và lành mạnh, thân thiện với môi trường.
Văn hóa của chúng ta, tầm vóc của chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta, làm nên tất cả những hiện thực như ngày hôm nay, tốt cũng có và xấu cũng có, là một tất yếu, không nên đổ lỗi cho ai. Tầm vóc của đội ngũ trí thức hôm nay, còn rất xa với yêu cầu của đội ngũ trí thức mà chúng ta cần có để xây dựng đất nước. Không dễ gì có thể kiểm soát được, khi mà “đồ mã” lại xét duyệt “hàng mã”. Biện pháp khắc phục ư? thật khó có thể chữa khỏi được! Mà hãy tìm cách loại bỏ hoặc kiềm chế chúng bằng một hệ thống pháp luật, cùng chế tài nghiêm khắc và chặt chẽ.  Ngăn chặn  sự lây lan của nó bằng  giáo dục và dư luận xã hội. Hãy lấy sản phẩm cuối cùng làm thước đo theo tiêu chí dân gian “tiền trao cháo múc”, để ngăn chặn sự giả dối của nó. Cần đánh giá đầy đủ các nguồn lực về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Cần bình tĩnh, nghiêm túc xem xét các đề án và dự án về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kẻo sự phá sản của nó, kéo theo mất niềm tin, và mất tỉnh táo, rồi dẫn đến những quyết sách nông nổi tiếp theo…, mà hậu quả có thể sẽ còn nặng hơn cả số tiền đã mất. Không nên so sánh hay đặt vấn đề đuổi kịp hay vượt một quốc gia nào, ở một lĩnh vực nào. Hãy nghiêm khắc nhìn lại tất cả các sai lầm của chúng ta. Đặc biệt những sai lầm về đào tạo và sử dụng con người.
Cần nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân sinh ra nhiều bất ổn hôm nay, là số đông trong chúng ta đã mang những khuyết tật rất cơ bản về “đạo làm người”, khuyết tật của “văn hóa lúa nước”, những di chứng của “thời chiến” của chế độ bao cấp…, và  cuối cùng là những bài học về sự tương phản giữa “thân phận nhỏ nhoi” trong mỗi cá nhân trước mỗi đám đông. Sẽ ra sao? nếu có một lớp người cho rằng “ta chẳng là gì”, ta phá hay ta xây cũng chẳng tác động được đến ai (!?)
Những “chiếc chổi cùn” thật khó quét được các sân chơi hiện đại! Vì vậy để đưa đất nước đi lên, dân tộc này đòi hỏi phải sản sinh ra một lớp người mới tương xứng. Mà hành động tích cực của chúng ta bây giờ là hãy dũng cảm nhận ra những sai lầm và yếu kém, kiềm chế những khuyết tật và sự tham lam, tham quyền cố vị, hãy rộng mở để đón nhận những nhân tố mới, sẵn sàng và chủ động làm cái bổn phận “dọn ổ”, để  trong một tương lai gần có một lớp người mới văn minh và minh triết ra đời. Một lớp người giác ngộ đầy đủ về bổn phận cá nhân đối với dân tộc, xứng đáng làm chủ nhân thực sự của đất nước này. Vì chỉ có lớp người như vậy mới mong có sự phát triển rộng  khắp ở tất cả các lĩnh vực. Cản trở của mong muốn này chính  là những khuyết tật của chúng ta, như đã đề  cập ở  trên.
Còn làm thế nào để có một lớp người mới văn minh và minh triết? Đây là cả một vấn đề chiến lược về con người, một bài toán hóc búa nhất trong thời đại của chúng ta! Riêng ở nước ta thì khó khăn này còn tăng lên gấp bội. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có những cải biến sâu sắc trong  tất cả các lĩnh vực của đời sống, văn hóa, cùng với giáo dục… Cần phải có sự nỗ lực ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng trước hết hẳn cần phải có một nền hành chính lành mạnh. Tinh giản tối đa bộ máy hành chính, quản lý nhà nước ở tất cả các cấp. Cũng quan trọng không kém là một nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhưng phải văn minh, mở và đa chiều, tình nhân ái của mỗi cá nhân với cộng đồng, với môi trường, thói quen chấp hành pháp luật, và đặc biệt là tránh chủ nghĩa bình quân, dung nạp được những bản sắc cá nhân, hạn chế cảnh:
“Cây cao hơn rừng gió quật ngã
Bơi ra xa bờ sóng nhấn chìm”.
Phải chua xót mà nói rằng, mục tiêu mà chúng ta hướng tới, được bắt đầu như thế này đây. Đại đa số công dân của chúng ta đã và đang phải gồng mình gánh chịu sự hành hạ của nền hành chính, cảnh nhức nhối trên đường phố, bệnh viện, trường học… Kẻ có quyền thì tìm cách gây sức ép để trục lợi, kẻ ít quyền hơn thì bỏ bê công việc, người nông dân thì mang những thực phẩm nhiễm độc đi bán… Một cảnh hỗn mang diễn ra ít có trong lịch sử. Mỗi người trốn  tránh trách nhiệm với  tất cả,  và tất cả vô trách nhiệm với  mỗi người. Hỏi còn đâu niềm tin, tình nhân ái, và sức lực làm việc?! Đáng sợ hơn, hình như người ta đã quen, đã chai sạn, đã vô cảm, tựa hồ như không gì xảy ra, đối với những tiêu cực diễn ra quanh họ. Nền văn hóa của chúng ta đang bị nhiễm độc trầm trọng! Nếu chúng ta không sớm cải tổ, thì thế hệ sau cũng sẽ bị nhuộm đen!
Để có một lớp người mới văn minh và minh triết, đi liền với cải tổ nền hành chính và văn  hóa,  cần quyết liệt cải  cách  và trấn hưng giáo dục. Phải cải tổ sâu sắc nền khoa học xã  hội  và nhân văn. Hãy kiên nhẫn, tránh những mục tiêu giả dối, kiểu “đại nhảy vọt” trong giáo dục và đào tạo, trong khoa học và công nghệ. Phải đặc biệt chú ý giáo dục chất lượng toàn diện, và giáo dục chất lượng cao. Bên cạnh đó là phải tinh giản chương trình và loại bỏ những môn học không còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới đương đại. Đầu tư thích đáng vào những cơ sở đào tạo trọng điểm, và nhanh chóng xóa bỏ những cơ sở đào tạo chất lượng kém. Thị trường hóa giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ ở mức cao nhất có thể, kèm  với hệ thống thanh tra hiệu quả! Nhớ rằng, chúng ta xây dựng một “xã hội hoc tập”, quyết không phải là một “xã hội trường lớp”, bằng cấp như hiện nay. Dùng người theo khả năng, không theo bằng cấp. Cần trân trọng và sử dụng tốt những năng lực hiện có, không nhất thiết quá thiên về hướng ngoại. Làm sao để thế hệ trẻ hôm nay có một hình ảnh tốt về các công chức đàn anh, những người thầy dạy, những nhà khoa học trung thực và giàu đức hy sinh. Làm sao để mỗi vị trí quan trọng trong mọi ngành nghề luôn có người đủ tâm đủ tài tương xứng, mà không bị chiếm chỗ bởi những kẻ non yếu - ngồi nhầm chỗ, vân vân và vân vân. Chắc chắn đó là những điều chúng ta tự gây ra, và chúng ta phải tự thay đổi.
Tóm lại thế hệ trẻ hôm nay, và lớp người mới văn minh và minh triết mà chúng ta cần có trong tương lai, cần phải được hưởng một sự đầu tư thích đáng ở những phương diện cần thiết tối thiếu, đủ để làm nên diện mạo một con người hẳn hoi. Điều đó không phải chỉ có tiền, điều đó không phải chỉ có việc cho đi đào tạo, mà là cần hạn chế tất cả các mặt xấu, phát huy các mặt tốt, và là tất cả những gì quanh ta tác động đến họ, những thứ hình thành và nuôi dưỡng được những cá nhân trong mỗi con người chân chính của họ. Điều đó đòi hỏi ở sự kìm nén những thói quen xấu, sự lạc quan, niềm tin vào tương lai, và trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi tổ chức xã hội đối với đất nước. Và còn gì hơn như Kinh Thi đã dạy:
Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về.

             
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
nhạc: Đức Trí, lời: Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
           
         
Mời xem clip: CẢNH GIÁC VỚI ĐIỆN THOẠI TRUNG QUỐC
             
*
Hà Nội, tháng 06.2009
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.




....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 09.09.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét