ĐỌC ‘ĐÈO BA DỘI’ CỦA BÀ HỒ XUÂN HƯƠNG - Tác Giả: Huệ Thu (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

 

ĐỌC ‘ĐÈO BA DỘI’

CỦA BÀ HỒ XUÂN HƯƠNG

*

Viết về một người đàn bà kiệt xuất trong văn chương Việt Nam là một điều khó ….. Cái khó nhất là văn chương của người ấy thiên về tính dục là một điều vốn kỵ đối với đàn bà Việt Nam. Nhưng Hồ Xuân Hương vẫn được xưng tụng là bà chúa thơ Nôm và ở Việt Nam không ai là không biết đến bà. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đặc biệt lạ lùng, Bà xuất thân từ cửa Khổng nhưng những điều bà viết đều vô tình đi ngược lại với giáo huấn của Khổng Phu Tử. Nhưng thời bấy giờ, ngay những đệ tử chân truyền của Khổng môn vẫn phục Bà, yêu Bà. Nguyễn Du là một thí dụ. (Lưu Hương Ký)

Ngay ở nước Mỹ này, ngay thời gian này, có một nhà văn viết về một người đàn bà Việt, nghe theo lời chỉ dẫn của Bác sĩ tò mò quan hệ tình dục với một người mỹ bị dư luận phê  phán là ẩn ức sinh lý, nếu không muốn nói là dâm đãng. Nữa là thời đại của Bà Hồ Xuân Hương. Nhưng bà Hồ Xuân Hương vẫn bất chấp dư luận, vẫn sừng sững nổi lên giữa văn đàn Việt Nam. Không những thế, người ta còn dạy thơ bà trong các trường trung học. Không biết bao nhiêu giấy mực đã viết về bà…  

(Tác giả Huệ Thu)

Hôm nay tôi muốn đề cập đến một bài thơ của người đàn bà phi thường ấy. Tiếc thay chúng tôi cũng là đàn bà. Nhưng tôi tin ở lòng thành của mình, tin ở nét tinh quái và lòng trong trắng của cổ nhân nên cố công lần mò vào một lãnh vực mà văn chương bây giờ gọi là tính dục (libido).

Cái hay của Hồ Xuân Hương là vẽ mây cho nổi mặt trăng, không nói về mặt trăng, nhưng trăng vẫn có đấy. Mỗi chữ, mỗi câu của bà có ít ra là hai hoặc ba nghĩa ngoài cái nghĩa thông thường mà ai cũng hiểu. Nhưng cái nghĩa tiềm ẩn trong thơ mới là đáng nói.

Một đèo, một đèo, lại một đèo!

khen ai khéo tạc cảnh cheo leo

Bà đếm từng cái đèo một, thay vì nói Đèo Ba Dội. Bà nói:

 Một đèo, một đèo, lại một đèo!

Chúng ta thấy cái lắt léo của văn chương Hồ Xuân Hương. Một chữ đèo cứ lập đi lập lại có phải bà cố ý cho ta cái ý nghĩ  lệch lạc về danh từ. Danh từ đèo tự nó không tục, nhưng nhắc đi, nhắc lại nó đồng âm với một danh từ khác thì lại rất tục …

Bài này bà viết phá luật. Luật chẳng qua là giúp người ta làm thơ cho chải chuốt. Quá câu nệ về luật tức là không hiểu luật! Tận tín thư, bất như vô thư. Quá tin vào sách, chẳng thà đừng có sách. Ngày trước cụ Phan Khôi phê bình bạn, một  người làm thơ chỉ nghĩ đến niêm luật mà không nghĩ đến thơ đó là nhà nho Hương Nguyện. Những bài thơ hay của Quang Dũng, của Hàn Mặc Tử của Thâm Tâm… là những bài thơ thất luật, thử đọc:

Sao anh không về chơi Thôn Vỹ

Thất luật đấy. Hàn Mặc Tử không phải là một tay mơ nhưng ông vẫn không chữa lại. Cây bút bậc thầy đã hiểu rằng thơ là chính luật là phụ!

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Chữ đưa là khổ độc nhưng bài Tống Biệt Hành vẫn là bài thơ rất có giá trị của thi ca Việt Nam.

Vần của Bà Hồ Xuân Hương cũng là thứ vần bí hiểm, thứ vần về âm thanh – đèo – cheo leo –  trèo…

Rồi:

Cửa son đỏ loét tùm lum nóc

Người ta qua đèo Ba Dội chỉ thấy cái hùng vĩ của núi non, bà Hồ lại nhìn ra một “cái gì đó” của người nữ! Cho nên mới đỏ loét, tùm lum nóc. Nhưng không bắt bẻ vào đâu được. Trên ngọn đèo Ba Dội  cỏ cây cũng mọc tùm lum bừa bãi. Bước chân đến đèo thì thấy màu đất đỏ, hang động cũng màu đỏ, đến câu:

Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Cảnh tả thật tài tình mà cách đối cũng tài tình. Trong muôn ngàn chất liệu, nghệ sỹ chỉ giữ lại chất liệu thích hợp với mình. Chất liệu ấy là gì? Là những thứ gợi lên cái “bướm” của em. Nói đến những thứ này ta lại cho là tục, nhưng Ấn Giáo lại đặc biệt thờ những dương vật và âm hộ, coi như những thứ đã sản sinh ra cuộc sống. Ấn giáo đã có cả một pho kinh tình yêu còn được truyền tụng đến bây giờ. Tục hay không là tùy ở con mắt của chính mình và tấm lòng của mình nữa.

Rêu mọc xanh rì, nhưng rêu chỉ lún phún thôi!

Rồi :

Lắt lẻo cành thông cơn gió thổi

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Rõ ràng là cảnh đèo, nhưng ngoài cảnh ấy ra còn một cảnh ngầm nữa mà nữ sĩ muốn gửi tới cho ta là cảnh lắt lẻo (sao lại lắt lẻo mà không xào xạc?) vì chữ lắt lẻo mới đắc vị. Tại sao lại “Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo”?. Rõ ràng là cảnh xảy ra sau cuộc giao hoan, lá liễu chứ không phải là lá thông, vì liễu chỉ người đàn bà. Lúc bà Hồ Xuân  Hương qua đèo Ba Dội lúc mấy giờ?  Chắc là lúc sáng sớm. Nhưng dù sáng hay chiều thì vẫn có giọt sương gieo mới thú vị, mới là cách mà Xuân Hương muốn tả. 

Đến hai câu kết thì quá rõ rệt :

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo

Tôi nghĩ đến Nguyễn Công Trứ:

Đừng có trách chữ dâm là bậy

Nếu không dâm sao nảy ra hiền

Nguyễn Công Trứ là một bậc đại nho. Ông là nhà thơ lớn của Việt Nam. Chắc thời ông chưa ai biết đến thuyết hiện sinh

Viết thêm về bài Thơ Đèo Ba Dội:

Câu đầu  bà Hồ Xuân Hương viết có thất luật. Muốn viết đúng luật thì rất dễ : thí dụ “Một đèo lên dốc, tiếp theo đèo”. Nhưng như thế chỉ là thơ của người tập sự. Họ chưa đáng là bậc đại gia. Vì thơ của họ là học trong sách , không có sáng tạo. Câu đầu có ba khổ, cứ hai chữ là một khổ. “Một đèo, một đèo, lại một đèo” đó là cách đếm. Nó theo nhau một cách dồn dập. Rõ ràng là đèo Ba Dội. Thời Sơ Đường có ba vị danh sĩ đem thơ khoe nhau. Ai cũng cho là thơ mình hay (Văn mình, vợ người mà lại; tự kỷ văn chương tha nhân thê) mấy ông vào một quán thơ (hồi đó gội là kỹ viện). Đưa thơ cho kỹ nữ ngâm. Kỹ nữ chỉ chọn bài thơ thất luật mà ngâm. Các danh sĩ giận lắm cho là các kỹ nữ ở đây xoàng xĩnh. Phải tìm đến những kỹ viện cao cấp hơn. nhưng ở đó họ cũng chọn ngâm những bài thơ thất luật. Ba ông về mới nghiên cứu lại mới vỡ lẽ ra rằng còn một thứ luật  quan trọng hơn chi phối thơ, đó là nhạc luật! Ba ông đã soạn chung một cuốn Nhạc Luật. Theo các thi nhân tiền bối, thì thế nào là nhạc luật thất khó nói cho rõ ràng. “Dĩ ý hội bất khả dĩ ngôn truyền” – lấy ý mà hiểu không thể dùng lời mà truyền đạt  được. Học mãi rồi nó thấm vào người , mình vỡ ra lúc nào không biết, như bài “Độc Tiểu Thanh Ký” của Nguyễn Du. Mở đầu bằng Tây Hồ hoa thảo tấn thành hư“ câu đầu lấy luật bằng: hồ thì câu thứ tám phải luật bằng, nhưng cụ Nguyễn Du đã viết:

Bách tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như

Nó trở thành luật trắc. Cụ Nguyễn chắc chắn là có thừa khả năng để viết cho đúng luật, đúng niêm. Nhưng cụ vẫn viết sai niêm. Nhiều người mới học làm thơ cho là cụ Nguyễn Du, Lý bạch viết sai thì được, nhưng mình lại không? Hóa ra chỉ vì họ có tiếng tăm nên thất niêm thành đúng hay sao?

Không phải vậy, vì có viết thế tác giả mới tả được một ý mới đột ngột đến với mình . 

Bài Khúc Giang của Đỗ Phủ cũng thất luật:

Triều hồi nhật nhật điển xuân y 

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy 

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện

Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi

Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển

Tạm thời tương tống mạc tương vi

Chữ thứ 6 câu bảy thất luật và ông Đỗ Phủ vẫn để vậy. Và ông vẫn là nhà thơ lớn nhất cỏ cổ kim. Luật chỉ giúp thi nhân làm thơ dễ dàng. Luật không phải là thơ. Thi nhân, tấm lòng của thi nhân mới là điều đáng kể.

Tôi có đọc mười bài thập thủ liên ngâm của Tương Đàm Nữ Sĩ viết cho cụ Hà Thượng Nhân có một câu: 

Anh hẹn đi anh! Anh! Anh! Anh!

Kỷ niệm ùa về gọi thất thanh.

Bốn chữ anh đi với nhau, mà phần đông anh chị em chúng ta đọc không thấy có gì là sai trái cả. vì nó cực tả được sự vội vàng cuống quýt  của thi sĩ. Vì thế câu thơ mới đắt địa.

Gần đây trên Net các bạn trẻ làm thơ Đường. Người thơ tránh dùng chữ này, phải dùng chữ khác vì nó không đối, vì nó không chỉnh. Nhưng ngoài cái nghĩa thông thường lại còn phải nghĩ đến cái ý nghĩ mà thi nhân muốn gửi vào nó.

Một người làm thơ, cũng như một họa sĩ, khi vẽ tranh trước tiên vẽ trái cam phải ra trái cam, con chó phải ra con chó… rồi sau đó mới vào lập thể hay trừu tượng được.

Thơ cũng vậy phải biết luật thơ rồi sau đó mới biến cách hay phá luật, trước khi chạy phải biết đi là vậy.

Khi viết về bà Hồ Xuân Hương tôi cũng có hứng họa và làm mấy bài theo kiểu Bà Hồ:

Đèo Ba Dội

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa con đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai là chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫ muốn trèo. 

Hồ Xuân Hương

bài họa:

Một lần vượt đủ cả ba đèo

Chẳng muốn mà đành cũng cứ leo

Ðỏ loét cửa son lăn lóc nóc

Xanh rì bậc đá xác xơ rêu

Cành thông lắc lẻo cơn nồm thốc

Lá liễu đầm đìa giọt mốc gieo

Những kẻ mày râu ham của lạ

Chồn chân mỏi gối gắng công trèo

Huệ Thu

Huề

Học bà cụ tổ Xuân Hương

Vào đêm thứ sáu thường thường nghỉ ngơi

Rủ chàng đấu trí mà chơi,

Những ai ngoại thủy thì mời đừng nghe.

Dù chàng có ra xe đấm tốt,
Dù pháo đầu đóng chốt đã sao?
Giữ nhà ghểnh tượng xem nào!
Vén thêm con sĩ lọt vào cung chơi
Mặc cho pháo châm ngòi chiếu bí
Thì mình đây cũng “thí cô hồn!”
Khi vui nước nước non non *
Trên đường lưu lạc cò con chơi cờ
Chơi cho chán cho mờ nhật nguyệt
Cho ra người lịch duyệt hào hoa
Chiến tranh rốt cục cũng hòa
Dẫu đen hay trắng cũng ta với mình!

*  thơ Hồ Xuân Hương

Và có bài họa theo kiểu Hồ Xuân Hương:

Cướp Trại Nửa Khuya

Nguyên soái hành quân lúc tối đèn.
Lột phăng giáp trụ quẳng cương yên.
Điều quân bám chặt đôi đồi trắng,
Khiển tướng xung phong chiếc trại đen.
Trướng hổ xé toang toan bắt cọp,
Long sào đảo lộn tính du tiên.
Đâu dè trúng phải không thành kế;
Đạn dược hư hao súng ngửa nghiêng!!

Đỗ Quý Bái
Bài Họa I:

Cái thú điều binh dẫu tắt đèn
Âm dương trời đất chẳng nằm yên
Tưởng mềm đụng tới thành ra cứng
Dẫu trắng nhìn vào cũng hóa đen
Chọc thủng mũi dùi ghê tựa quỷ
Rúc vào hang cọp hóa lên tiên!
Sao ông họ Ðỗ ham lâm trận
Chẳng ngửa thì rồi cũng phải nghiêng!

Bài Họa II:

Bà Hồ ngày trước thích chong đèn
Ðánh ván cờ đôi chẳng chịu yên
Ðã bảo rằng là quân thiếp trắng
Vì chưng đích thực của chàng đen*
Ghểnh lên tốt đỏ mò hang quỷ
Ấn xuống xe lồng rúc động tiên
Tàn cuộc hai bên đều thấm mệt
Xe thì nằm ngửa, tốt nằm nghiêng!

 * ý thơ Hồ Xuân Hương

Khóc Hồ  Xuân Hương
Đọc người cũ cảm thương thân phận
Ai tài hoa, lận đận là ai?
“Ví đây đổi phận làm trai” *
Thơ hay là tiếng thở dài nghìn xưa?
Lưu Hương Ký vẫn chưa ráo mực
Món nợ tình là thực hay hư?
Trăm năm mình khóc Tố Như
Khó ai nước mắt lại dư khóc mình
Tài như thế mà tình như thế
Ngoài Xuân Hương chắc lẽ còn nhiều
Làm sao xóa được chữ yêu?
Làm sao nắng sớm mưa chiều dửng dưng?
Làm sao để trời đừng ngang trái
Hoa đừng tàn, cứ mãi là xuân
Nhắc gì mấy chữ phù vân
Sống như cây cỏ, chẳng cần văn chương
Lại có kẻ phi thường ngang ngược
Người như bà, sống được là may
Thôi dù trăm đắng, ngàn cay
Còn lưu lại chút hương này làm duyên
Nghĩ cho kỹ, hão huyền tất cả
Suốt cổ kim vất vả vì thơ
Phải đâu là chuyện tình cờ
Đoạn trường ta chiếm vài tờ cũng vui!
Trăm năm ấy chôn vùi thể xác
Dù phong lưu, đài các nghênh ngang
Còn ai nhắc tới nửa hàng
Nhưng người, con vẫn còn đang khóc người

* – “Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?”

thơ Hồ Xuân Hương

*.

HUỆ THU

Địa chỉ: Silicon valley, California, Hoa Kỳ.

Email: saimonchunhan@gmail.com

 

 

 

 

............................................................................................................

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 10.03.2018.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét