MỘT CUỘC TÌNH
Chuông điện reo đến hồi thứ ba thì Mộng Tẹo mới đủng đỉnh ra ngó cửa xem
người bấm chuông là ai. Tẹo hỏi bằng một giọng khô quẹt trên môi: Ai hả? Người
đàn bà lạ mặt lễ phép:
- Dạ thưa chị, xin hỏi chị đây có phải là nhà anh Quốc Xuân không ạ?
- Đúng rồi, nhưng ông ta không có nhà.
- Dạ thưa chị, anh ấy hiện giờ ở đâu ạ?
- Vào bệnh viên Phủ Doãn mà tìm.
Nói rồi Tẹo quay ngoắt vào căn lầu, ngả tênh hênh cả cây thịt xuống giường,
vừa nằm vừa soi gương, bôi phấn, cục son Mỹ thả sức cọ quậy trên đôi môi tô
phều thâm xịt. Vì giờ này cô đang chuẩn bị đón một vị khách hàng, nghe đâu ông
ta “xịn" lắm, từ một tỉnh phía đông bắc về để bàn mối làm ăn, nên cô xịt
tất cả nước hoa vào những chỗ cần thiết của cơ thể.
Người bấm chuông lúc nẫy là chị Thanh Thanh, người bạn học của
Quốc Xuân,
đã hai mươi sáu năm cùng ngồi một bàn học ở giảng đường đại học Bách Khoa. Mỗi
sáng đầu tuần, trước giờ vào lớp Quốc Xuân đều tặng Thanh Thanh một bông lan
trắng. Cái thời bấy giờ đâu có nước hoa hoá chất, mà chỉ có hoa thật tặng nhau.
Quốc Xuân biết Thanh Thanh là cô gái dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, hiền lành đến
mức bạn gái ai cũng bắt nạt được. Năm năm trong học đường, thì bốn năm hai
người ăn cơm chung bữa trưa ở bếp tập thể. Chiều tan trường, hai người lại cuốc
bộ qua công viên Thống Nhất về nhà. Chỉ một quãng vườn hoa mà bao lời yêu mọc
cánh. Cái chất tiểu tư sản trong sinh viên thủa ấy, sao chán thế, chỉ mới chạm
vào người nhau là má đã đỏ đến ngất đi được. Có hôm hai người đi đến mấy vòng
công viên, nhiều ghế đá vắng tanh mà đâu họ có ngồi, đi bên nhau toàn chuyện
vẩn vơ, trăng mọc rồi, họ cũng không biết là trăng mọc.
(Tác giả: Nguyễn Đỗ Lưu) |
Giá như ngày ấy chẳng có chiến tranh, thì làm gì phải có buổi đưa tiễn mấy
anh bạn học phổ thông cùng phố ra mặt trận, để rồi lỡ cả hẹn hò, vỡ tan tình
mộng. Cả hai người đâu có nghĩ lại có một đêm đông buồn tẻ, ngu ngốc dẫn đến
hai đứa tự chia tay nhau. Quốc Xuân vô cùng đau khổ, Thanh Thanh cũng chẳng
sung sướng gì hơn. Buổi lễ lĩnh bằng tốt nghiệp khoa Cơ khí điện, cả hai người
đều đỗ loại ưu, nhưng ai biết được trái tim của họ bao phiền đau tan nát. Thanh
Thanh lên nhận công việc ở một tỉnh miền núi, cái nơi người ta bảo là "khỉ
ho, cò gáy" mong quên đi cái mà chẳng dễ gì quên. Thanh Thanh lao vào
thiết kế những trạm thuỷ điện nhỏ, tạo ra chút ấm áp sáng sủa cho bà con dân
tộc ít người. Còn Quốc Xuân được về một cơ quan điện lực ở thành phố Hà Nội,
chỉ một năm sau anh đã là một kỹ sư thiết kế những công trình có hạng của nội
ngoại thành nối liền đường dây các tỉnh. Ngày ấy anh đã gặp một cô công nhân
công trường nền đất có tên là Mộng Tẹo, một cô gái làng, quê ở Hưng Yên, ngày
ngày đào hố móng chôn cột điện cho một cung đoạn nối đường dây liên tỉnh. Tẹo
có đôi môi dầy, cái mũi tẹt và lõm sâu như nhường tất cho hai gò má nhô lên.
Khiến hình khuôn mặt gập gẫy theo hình tao nón, chỉ có đôi mắt luôn lúng liếng
làm cho Quốc Xuân mê mệt. Anh nghĩ thôi thì gái quê chắc là họ chất phác, ví
như quả nhãn lồng vỏ nó xấu xí, nhưng ruột thơm ngon là được. Thế rồi chỉ sau
vài lần Quốc Xuân đem Mộng Tẹo về Hà Nội giới thiệu với bố, mẹ và họ hàng, anh
nói Tẹo chân thật, xốc vác khoẻ mạnh v.v...
Ông bố Quốc Xuân vốn là nhà nho, ông hay nhìn người bằng tướng mạo, song
chỉ lắc đầu. Ông nói chệch sang ý khác: “Nếu như con lấy vợ ngoại tỉnh thì việc
đăng ký hộ khẩu về nhà ta khó lắm". Quốc Xuân bất cần, anh đưa Mộng Tẹo về
Hà Nội và cứ tổ chức cưới, rồi xin cho Tẹo vào làm ở một xí nghiệp cơ điện gần
nhà. Vì nể kỹ sư Quốc Xuân, Tẹo được làm ở tổ kho vận chuyển thuộc Phòng Vật
tư, công việc lao động đơn giản lại có cả tem phiếu bồi dưỡng độc hại, nên ăn
uống lúc bấy giờ cũng thêm phần khá giả, chẳng mấy chốc Tẹo cũng được phây phô
phốp pháp hẳn lên. Anh kỹ sư Quốc Xuân thấy vợ mình có vẻ đẹp ra. Cũng là một
niềm an ủi cho một giả thiết, ví như Thanh Thanh mười phần, thì Tẹo cũng được
năm sáu đấy chứ? Sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng cũng phần nào làm mờ đi
hình ảnh của Thanh Thanh.
Mộng Tẹo thấy mình được sống bên Quốc Xuân, một người chồng có đầy năng
lực, thỉnh thoảng lại được Sở, Bộ khen. Mộng Tẹo tự hào nói với chồng: “Em yêu anh
vô cùng, yêu đến chết cũng chẳng hết yêu anh!". Đứa con thứ nhất ra đời vợ
chồng anh đặt tên là Hải để giữ một kỷ niệm đẹp vợ chồng yêu nhau. Rồi vài năm
sau đứa thứ hai anh đặt là Hưng, đứa thứ ba là con gái anh đặt là Hà. Quốc Xuân
nghĩ “Hải Hưng, Hà Nội thì thật tuyệt vời, tình yêu phải như thế chứ!".
Vợ tạp dịch, chồng lương kỹ sư ba, mức sống thời bao cấp so với người như
thế là đầy đủ. Vợ chồng Quốc Xuân lại được mua cung cấp mỗi người một chiếc xe
đạp Thống Nhất với giá rẻ mạt, kể cũng đã sướng, khi mà Hà Nội nhiều người còn
phải đi bộ đến nơi làm việc. Quốc Xuân còn bớt cả một phần lương gửi về Hưng
Yên biếu mẹ vợ. Anh có được cái đức ấy là thừa hưởng sự giáo dục của bố mẹ đẻ.
Mộng Tẹo mỗi ngày thấm thêm gió bụi kinh thành, cô đỏng đảnh đòi hỏi ở Quốc
Xuân phải may áo, quần theo các mốt của Âu, Á. Ban đầu anh tặc lưỡi thôi ...
nhưng càng ngày cái đồng lương kỹ sư ba cũng trở thành đồng lương quèn của cơ
chế mới. Mộng Tẹo cảm ơn ông kỹ sư tốt bụng đã đưa cô từ một công trường nền
đất về thành phố bằng cách đi theo mấy ông xế chạy đường dài, nay vào Nam, mai
biên giới phía Bắc, số tiền bán cái ấy ... và buôn hàng mỗi ngày thêm khấm khá.
Cái việc chi tiêu trăm nghìn đồng một phút chẳng là gì với Mộng Tẹo. Ba đứa con
có chỗ tựa, nay đặc sản Tạ Hiện mai nhà nổi Hồ Tây, chẳng có gì là mới mẻ với
chúng nó.
Quốc Xuân sau công trình thiết kế xong hai cột điện cao thế lớn ở hai phía
cầu Thăng Long, anh chẳng còn công trình nào xuất hiện, vả lại những đứa con
nẩy tính coi thường bố. Hàng tháng lĩnh lương theo tỷ lệ anh vẫn đưa cho Tẹo là
400.000đ, Tẹo vẫn cầm, nhưng cô khẩy mũi: “Chẳng đủ cho một đứa ăn quà
sáng". Câu nói của vợ như mũi dùi cắm vào tim, anh ôm đầu gục xuống bàn
làm việc, đầy những sách vở ngoại ngữ, Việt ngữ, chẳng thể an ủi anh vợi nỗi đau
này. Ngày ngày đi làm về anh lại chứng kiến cảnh Mộng Tẹo má phấn, môi son bự
bệch ngồi sau Dream của mấy ông bồ xế và vài ba ông đầu nậu vào quán bia rượu,
ôm nhau cười rúc rích. Còn ba đứa con từ đấy nó chẳng thèm chào bố lấy một câu,
vì nó được bà mẹ mua cho mỗi đứa một chiếc xe máy "xịn", cần tiền
tiêu là có ngay. Có hôm nó thấy chiếc xe đạp của bố để vướng đường dắt xe máy,
nó đã quẳng ra cạnh nhà xí. Cảnh trêu ngươi độc ác cứ thường ngày giầy vò Quốc
Xuân tưởng đến vỡ đầu. Còn các bạn của anh đến chơi, thì đều được vợ và các con
chúng nó nói “xin các vị quên ông ấy đi".
Kết cục vào một chiều mùa hạ Quốc Xuân đã đâm đầu từ gác hai xuống đường
phố, bà con đi đường kêu toáng lên có người ngã. Ngay lúc ấy được bà con hàng
phố gọi xích lô đưa anh đến bệnh viện, cấp cứu và hồi tỉnh, nhưng vết thương
não khá nặng.
Sau hai ngày Mộng Tẹo mới đến viện theo sau là ba đứa con, cô bù lu, bù loa
khóc lóc hẳn tận ngoài cổng nhà thương, nghe thảm khốc quá, khiến ai ai cả bác
sỹ đến y tá viên cũng phải bùi ngùi. Quốc Xuân lúc này anh vẫn trong tình trạng
nửa tỉnh nửa mê.
Thanh Thanh về Hà Nội họp ở Bộ Năng lượng, bỗng chị nghe tin Quốc Xuân đã
ngã từ tầng cao xuống và hình như không thể qua khỏi. Chị hỏi thăm đến nhà thì
được người đàn bà nói vậy. Chị lao thẳng đến nhà thương thăm anh.
Lúc này chỉ có Thanh Thanh ngồi bên giường Quốc Xuân. Thanh nắm chặt bàn
tay Xuân chừng như đã lạnh vì mất máu quá nhiều. Chị cố tỏ ra rắn rỏi, sao nước
mắt nó cứ tự giàn dụa. Là một Giám đốc của cả một Công ty điện ở một tỉnh, chị
đã từng nói trước bao nhiêu người, thì giờ phút này, chị mềm yếu bấy nhiêu. Còn
Quốc Xuân như bình thường thì anh đã kêu lên với Thanh Thanh, còn giờ đây anh
chỉ có thể nói bằng hơi thở: “Ôi sao chúng mình lại phải xa nhau? Thanh đến lúc
này vẫn kịp, Xuân chẳng còn gì phải hối hận nữa".
Thanh nức lên: “Em đã đến bên anh, anh mạnh khoẻ anh nhé!" Xuân khẽ
gật đầu, rồi từ từ nhắm mắt, bàn tay lạnh dần trên bàn tay Thanh.
*.
NGUYỄN ĐỖ LƯU
Địa chỉ: Phòng 86 tổ 9, phố Vĩnh Hưng,
quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email
thanhlam.tho@gmail.com ngày 05.08.2015
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét