(Nguồn ảnh: Internet) |
Chuyện về sếp
VẮT CỔ CHÀY RA NƯỚC
Tôi
chưa từng gặp một vị Sếp nào lại chặt chẽ quá mức như Sếp của Hiền cô bạn thân
nhất của tôi. Là con nhà khá giả, tính tình lại rộng rãi, phóng khoáng nên khi
làm việc ở công ty này, cô ấy cũng không đòi hỏi mức lương quá cao hay xét nét
gì những việc làm thêm ở công ty. Nhưng quả thực, sau khi nghe Hiền kể chuyện,
tôi phải thừa nhận rằng Sếp của cô ấy đúng là “vắt cổ chày ra nước” thật.
Hồi
mới vào, nghe các chị cùng phòng gọi lén Sếp là Văn “chày” (trong khi tên thật
Sếp là Văn Chung), Hiền chẳng hiểu gì cả. Cô chỉ nghĩ đơn thuần: các chị ấy gọi
chệch tên “cúng cơm” của Giám đốc đi cho vui ấy mà. Nhưng chỉ sau nửa năm làm
việc, tự cô cũng buột miệng gọi Sếp là “chày” lúc nào không biết.
Sếp
không bao giờ có “khái niệm”: đi đám cưới nhân viên (dù đã được mời tha thiết),
tặng hoa trong ngày sinh nhật, mua quà thăm hỏi khi ốm đau, thai sản, tai nạn…
Tóm lại, sự quan tâm của Sếp chỉ dừng lại ở lời nói mà thôi. Mới đầu, Hiền bao
biện: chắc vì Sếp quá bận rộn đấy thôi, có lời nói còn hơn không. Mọi người xét
nét quá.
Bộ bàn
ghế phòng Hiền cái thì gãy chân, cái thì “vừa ngồi vừa đưa võng”, kiến nghị thì
Sếp bảo: “cứ cố dùng cho hỏng hẳn rồi hãy mua”. Hiền nghĩ bộ bàn ghế mua cũng
khá tiền, không thể nói là có ngay được nên chờ một thời gian nữa cũng chả sao.
Nhưng ngay như bộ chén để tiếp khách, có thể nói là “bộ mặt của công ty”đã bị
sứt miệng mất hai cái mà Sếp cũng không chịu “rỉ” tiền ra mua. Hiền nghĩ: “Sếp
tuềnh toàng quá! Tiền mua ấm chén có đáng gì? Khách vào, họ nhìn thấy, họ cười
chết”.
Có
lần, Hiền thấy nhân viên phòng giao dịch đề nghị Sếp tăng tiền công tác phí từ
50.000đ/ngày lên 60.000đ/ngày vì “ít quá không đủ” nhưng liền bị Sếp gạt phắt
đi, bảo: “Bao nhiêu thứ phải lo, các cậu cũng phải biết tiết kiệm cho công ty
chứ” anh này lúc trở ra than thở: “Tiền xăng xe, điện thoại không có đã đành
nhưng còn ăn uống, ngủ nghỉ nữa… Sếp cấp cho bèo quá”.
Có
đợt, Sếp tuyên bố: “Công ty có thêm đơn đạt hàng cần làm gấp.
Mọi người làm
thêm giờ sẽ được tính vào lương”. Vậy là như được tiếp thêm sức lực, nhân viên làm
không mệt mỏi nên khách đã được nhận hàng đúng thời gian quy định. Cuối tháng,
ai cũng háo hức chờ ngày lĩnh lương. Hóa ra…lương vẫn thế! Thắc mắc với kế toán
thì nhận được câu trả lời: “Sếp bảo giờ chưa có, phải đợi thanh toán xong lô
hàng đã” Nhưng rồi 2- 3 tháng trôi qua mà tiền thưởng vẫn “bóng chim, tăm cá”
có lẽ Sếp đã “quên” thật.
(Tác giả Nguyễn Thị Hồng) |
Ngay
như chuyện tháng này tiền điện, nước, mua văn phòng phẩm, điện thoại… mà nhiều
hơn tháng trước một chút là ý như rằng nhân viên văn phòng bị Sếp gọi lên thắc
mắc ngay. Cứ đến cuối tháng là mọi hóa đơn điện, nước phải được đặt trên bàn
làm việc cho Sếp tính toán và kiểm tra kỹ lưỡng.
Càng
ngày Hiền và mọi người trong công ty càng ngán ngẩm về thói “đong lọ nước mắm,
đếm củ dưa hành” của Sếp. Dần dần, tinh thần làm việc của nhân viên ngày một sa
sút, bởi: “có được khuyến khích, thêm thắt gì đâu mà phải cố gắng cho mệt
thân”. Mọi người đã rỉ tai nhau câu ấy và đồng loạt “biểu tình” trước Sếp
Hiền
bảo tôi: “Có lẽ tháng tới tớ xin nghỉ làm thôi. Gặp ông Sếp như thế thì nhân
viên chỉ có nghèo vẫn hoàn nghèo”, lấy đâu ra khoản mà chi tiêu trong thời buổi
này”.
Thế
đấy bạn ạ! Và tôi, tôi cũng đồng ý với ý kiến của cô ấy.
- Lời bàn
Không
chỉ Hiền mà tất cả mọi người, khi làm việc ở một công ty đều mong sao Sếp mình
là một người có tầm nhìn, phóng khoáng một chút và biết giữ lời hứa. Đã hứa với
nhân viên là làm thêm giờ sẽ được thưởng nhưng khi lô hàng hoàn tất, tiền đã
vào túi thì Sếp lại lờ đi và coi như chưa hứa gì cả. Điều ấy đã làm giảm sút
nghiêm trọng uy tín của một vị lãnh đạo trong mắt cấp dưới. Sau này, khi có một
đợt “làm gấp” nữa thì liệu còn ai muốn làm và tin những lời hứa suông của ông?
Hơn
nữa, vị Giám đốc này, ngoài công việc và công việc ra, dường như chẳng hề quan
tâm tới việc gì khác nữa: điều kiện làm việc chưa được đáp ứng, tiện nghi cơ
quan sơ sài, đời sống nhân viên không quan tâm… Tất cả những điều đó chỉ làm
cho nhân viên muốn “vượt rào” để tìm đến một môi trường làm việc mới tốt hơn,
ông chủ quan tâm hơn và mức lương cao hơn. Người xưa vẫn có câu: “Đất lành chim
đậu” là vì thế.
- Lời gợi ý:
+ Đối với cấp dưới
Còn gì
đáng thất vọng hơn việc ông chủ của bạn là một người “vắt cổ chày ra nước”, chỉ
biết thu mà không muốn chi, chỉ thích hưởng lợi mà không muốn mất gì. Làm việc
với họ, bạn đừng mong tăng lương hoặc được hưởng hậu hĩnh vì những đóng góp của
mình cho công ty. Bạn có thể làm việc đến kiệt sức - tùy bạn thôi. Sếp sẽ chỉ
đứng từ xa mà khen ngợi. Sếp sẽ chẳng quan tâm hoặc cố tình lờ đi những sự kiện
trọng đại của cuộc đời bạn (đám cưới, sinh nhật, có em bé…) cho dù bạn có là
nhân viên lâu năm đến mấy.
Bạn
cũng nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra một đề nghị sửa chữa hay mua mới một
vật dụng của công ty và lường trước tất cả các câu hỏi mà Sếp có thể đặt ra. Và
hãy nhớ: đừng có hy vọng nhiều.
Sếp sẽ
xét nét tất cả mọi thứ có liên quan đến việc chi tiền như: hóa đơn tiền mời đối
tác ăn trưa, hóa đơn điện thoại, điện nước, văn phòng phẩm… Nhất là khi bạn là
kế toán thì càng phải cẩn trọng hơn nữa. Chỉ cần một chút sai sót thôi là bạn
có thể bị Sếp cho nghe “ca nhạc” bất cứ lúc nào.
Vậy
nên, ông chủ là người keo kiệt, bủn xỉn thì sẽ rất khổ cho nhân viên. Bạn sẽ
luôn cảm thấy ngột ngạt, tù túng trong sự giám sát chặt chẽ về tiền bạc của
Sếp. Nếu vô ý để đèn sáng gay quạt chạy khi không có trong phòng, bạn sẽ bị Sếp
quy kết là “lãng phí và thiếu ý thức bảo về của công” cho dù bạn ra ngoài chỉ
để nghe điện thoại một lát.
Không
ai muốn Sếp mình có tính bủn xỉn quá mức cả. Bởi vậy nếu một lúc nào đó, thấy
giới hạn của sức chịu đựng đã hết thì bạn nên cương quyết lựa chọn biện pháp
“ra đi”. Bởi đó là cách tốt nhất để giải thoát bản thân và tìm tới một ông chủ
mới đủ hào phóng, rộng lượng với nhân viên của mình. Ở đó, bạn sẽ có một môi
trường làm việc tốt. điều kiện đầy đủ và cơ hội thăng tiến cao hơn.
+ Đối với cấp trên
Bạn
đọc và giật mình tự hỏi: liệu mình có phải là một ông Sếp “vắt cổ chày ra nước”
không nhỉ? Vậy thì, hãy cùng chúng tôi làm một bài trắc nghiệm nhỏ để kiểm tra
xem sao nhé. Nếu đa số câu trả lời của bạn là không thì bạn đúng là nhà lãnh
đạo khiến cho nhân viên “nể” vì tính keo kiệt của mình rồi đấy.
- Bạn
có tăng lương cho nhân viên 2 năm một lần không?
- Nhân
viên của bạn có thỏa mãn với mức lương hiện nay không?
- Bạn
có thưởng tiền cho nhân viên dịp lễ, Tết hay vượt mức kế hoạch không?
- Bạn
có thường xuyên kiểm tra và thay mới đồ đạc cũ, hỏng trong công ty không?
- Bạn
có chắc là mình chưa bao giờ hứa thưởng cho nhân viên rồi lại lờ đi chứ?
- Vào
ngày thành lập công ty hàng năm, bạn tổ chức một bữa liên hoan nhỏ toàn công ty
chứ?
- Bạn
đưa ra mức công tác phí luôn đủ cho nhân viên chi tiêu chứ?
- Bạn
không cho phép nhân viên được lãng phí một chút nào bất cứ thứ gì của công ty?
- Bạn
có chắc mình không phải là người chỉ thích thu về mà không muốn chi ra chứ?
- Bạn
có thích những nhân viên làm việc lâu năm đòi tăng lương không?
- Khi
mời công ty đối tác ăn cơm, bạn có muốn nhân viên lựa chọn những nhà hàng sang
trọng và giá cả hơi cao nhưng khiến đối tác hài lòng không?
- Bạn
thường xuyên khen ngợi và đưa ra mức thưởng đối với các nhân viên làm việc tốt
chứ?
Nếu
câu trả lời “không” nhiều hơn “có” thì bạn nên xem xét lại bản thân đi thôi.
Đúng là bạn có ít nhiều “phẩm chất” của một ông chủ keo kiệt rồi đấy. Một ông
chủ như vậy sớm muộn sẽ bị nhân viên xa lánh, sẽ không tìm được người thực sự
tin cậy bên mình hay có được nhiều nhân viên giỏi, trung thành và tận tụy với
công ty lâu dài.
Người
ta vẫn thường nói “Nhát gan thì không làm tướng được”. Trong nghệ thuật lãnh
đạo cũng vậy, thói keo kiệt với nhân viên không phải là phong cách của một ông
chủ chuyên nghiệp. Quản lý quá chặt chẽ về tiền nong sẽ khiến nhân viên coi
thường bạn, xem nhẹ tư cách lãnh đạo của bạn và rồi sớm muộn họ cũng rời bỏ bạn
mà đi. Như vậy, chi phí tiết kiệm được chẳng đáng là bao mà các khoản phải chi
cho tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, cộng với tiếng xấu về bạn còn lớn hơn
nhiều.
Cứ thử
đặt địa vị mình vào nhân viên, bạn mong làm việc thu về nhiều lợi nhuận thì họ
cũng vậy. Bạn mong được người khác tặng một món quà nho nhỏ trong dịp sinh
nhật, họ thì sao? Nhất là chẳng ai muốn mình đã phải đi công tác xa mà lại còn
bỏ thêm tiền túi vì “thiếu công tác phí” cả. Ai cũng làm việc vì mục đích lợi
nhuận, thu nhập càng đảm bảo cuộc sống thì người ta mới có thể yên tâm dồn sức
cho công việc trôi chảy.
Cách
làm việc và quản lý theo kiểu “cò con”, “chum vỡ còn dùng” dễ khiến người khác,
mà ngay cả nhân viên cấp dưới nghi ngờ khả năng tài chính của công ty. Mà tài
chính không ổn định thì làm sao mà công ty nuôi nổi nhân viên? và tương lai sẽ
ra sao? Vì thế, bạn nên tạo điều kiện tốt nhất để nhân viên yên tâm công tác.
Có vị Giám đóc muốn vay tiền ngân hàng để đầu tư cho sản xuất vì công ty đang
đứng trên bờ vực phá sản. Tuy vậy, bề ngoài ông vẫn không để lộ cho nhân viên
biết để họ yên tâm làm việc. Ông vẫn trả lương đều đặn và duy trì quỹ khen
thưởng cho nhân viên trong các dịp cần thiết dù có khi túng quá phải vay mượn
bạn bè. Trước khi vay tiền ngân hàng, ông cho thay mới một số bàn ghế, vận dụng
cũ trong công ty, làm mới “bộ mặt” công ty và tổ chức một bữa ăn trưa vui vẻ
với các nhân viên của mình. Vì thế, ông đã giữ kín được bí mật về những khó
khăn của công ty và vay được tiền ngân hàng đầu tư cho lô hàng mới thu về rất
nhiều lợi nhuận. Sau đó, vị Giám đốc cũng đã hào phóng thưởng cho nhân viên
theo đúng với công sức mà họ bỏ ra. Bởi vậy cấp dưới của ông luôn nể phục và
yêu mến giám đốc của mình.
Bạn
nên học tập cách thức quản lý và phong cách làm việc của vị giám đốc này. Biết
cách khen thưởng đúng lúc không phải có nghĩa là bạn lãng phí hay quá phóng khoáng
với nhân viên mà điều đó chỉ cho thấy bạn là một nhà quản lý giỏi và biết cách
sống mà thôi. cả hai tính cách: chặt chẽ quá hay rộng rãi quá đều không có lợi
cho bạn. hãy biết dung hòa cả hai điều này thì bạn mới thành công được.
Còn
một điều nữa, trong trường hợp nhân viên đòi tăng lương, bạn chớ vội tỏ ra khó
chịu hay lấn át họ. Hãy bình tĩnh xem xét mức lương cũ đã xứng đáng với công
sức họ bỏ ra chưa? Mức lương mới họ đưa ra có hợp lý không? Sau đó mới phân
tích đúng sai và đưa ra quyết định cuối cùng của mình cho họ biết. Trong trường
hợp mức lương họ đưa ra quá cao so với năng lực thực sự hay khả năng tài chính
của công ty không cho phép thì bạn nên kiên quyết từ chối. Điều này không có
nghĩa là bạn keo kiệt với nhân viên mà bạn biết cách nói “không” với những đòi
hỏi thái quá, không phù hợp với thực tế. Chúng tôi chỉ hy vọng bạn sẽ là một vị
Sếp tuyệt vời với nhân viên, biết phân biệt rõ đâu là rộng rãi thái quá, đâu là
hợp lý và đâu là “vắt cổ chày ra nước” để còn tránh.
*.
NGUYỄN THỊ HỒNG
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét