MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

NỮ SỸ, NHÀ GIÁO NGUYỄN THỊ DUỆ - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
thờ ở Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)
Nữ sỹ, nhà giáo
NGUYỄN THỊ DUỆ
*
Bà giáo Nguyễn Thị Duệ quê ở làng Kiệt Đặc (nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Người xưa kể rằng bà có chí ham học từ nhỏ nên xin bố mẹ cho phép được cải trang thành nam tử để đi học. Khi quân nhà Mạc thua trận phải kéo lên Cao Bằng thì bà cũng theo lên đó để học tập và thi cử. Bà thi đậu Tiến sĩ. Khi vào triệu kiến, vua Mạc Kính Cung phát hiện ra bà là gái giả trai. Nhà vua hỏi nguyên do rồi thử tài đối đáp thì thấy bà ăn nói trôi chảy nên tuyển vào cung để dạy dỗ các phi tần. Khi quân Mạc bị tan rã, bà rời khỏi Cao Bằng rồi đi tu ở một ngôi chùa nhỏ. Lính nhà Trịnh dò được tin tức liền đến bắt bà đưa về Thăng Long. Cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều trọng dụng bà, giao cho bà quản lý, coi sóc việc dạy dỗ trong cung và phong bà làm Lễ Phi.
Bà giáo Nguyễn Thị Duệ nổi tiếng là người có kiến thức uyên bác, bà được coi là người thầy của giới nho sinh thời đó. Trong các kỳ thi quan trọng, bà được giao việc xem xét lại các bài văn của những người đỗ đạt. Trong nhiều trường hợp bà đã cứu vớt được một số sỹ tử có tài. Ví dụ như trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Minh Triết (khoa thi 1631)... Nguyễn Thị Duệ cũng có công giúp đỡ các lớp sỹ tử quê ở Chí Linh. Bà tìm cách đỡ đầu cho các trường học để có thể bồi dưỡng nhân tài, bà cũng trực tiếp giảng giải cho những người có triển vọng, có năng lực... Nói chung, công lao của bà đối với nền giáo dục lúc bấy giờ không phải là nhỏ. Sau khi bà mất, triều đình cho dựng tháp Tinh Phi để thờ bà. Trên văn bia cổ tháp, người ta đã khắc dòng chữ bằng tiếng Hán: "Lễ sư sinh thông tuệ, nhất kính chiêu tam vương". Khi dịch câu này ra chữ Nôm thì lại có nhiều cách giảng giải. Có người cho rằng nghĩa của câu đó là: "Bà Lễ phi là tấm gương soi cho cả ba triều vua đời Lê: Thần Tông, Châu Tông, Huyền Tông", nhưng cũng có người giải thích: "Bà Lễ Phi là gương sáng cho ba vương triều: Lê, Mạc, Trịnh"... Nhưng cho dù là cách giải thích nào đi nữa thì đều đánh giá rất cao vai trò của bà. Rõ ràng chưa có một nữ trí thức nào trong lịch sử giáo dục phong kiến có được một vị trí danh dự như thế.
* Bài văn xuất sắc và tài năng của một bà giáo
Khoa thi năm 1631, sau khi chọn được các sỹ tử văn hay chữ tốt, các quan giám khảo trình kết quả lên vua. Vua Lê, Chúa Trịnh đọc các bài văn và cảm thấy không hài lòng vì văn bài không có gì xuất sắc. Nhà vua thắc mắc hỏi:
- Hàng ngàn sỹ tử dự thi mà chỉ có bài như thế này thôi sao? Liệu các ngươi có bỏ sót nhân tài hay không?
Quan giám khảo bước lên nói:
- Tâu bệ hạ, hiện còn lại một bài xem ra có phần súc tích nhưng tiếc rằng chỉ làm được bốn trong 12 đề mục. E rằng không trúng cách.
Nhà vua xua tay:
- Người xưa chỉ cần một câu thơ, một vế đối cũng đủ nổi tiếng thiên hạ. Nếu bốn mục xuất sắc thì còn hơn là 12 mục bình thường.
Viên quan giám khảo ngập ngừng nói:
- Muôn tâu bệ hạ, thú thực là chúng thần chưa hiểu rõ bài văn này. Đọc bài văn chúng thần đều công nhận tài năng của thí sinh là xuất sắc, song văn viết rất thâm trầm, uyên bác, sâu sắc nên chưa thể đánh giá được.
Nhà vua sai đưa bài văn ấy đến để xem, các quan cũng được đọc nhưng rồi họ cũng đồng thanh nói:
- Chúng thần xin thú thực rằng có nhiều điều lạ trong bài văn này mà chúng thần chưa được am tường. Cần phải có một bậc danh nho thì mới có thể giảng được bài này.
Nhà vua còn đang phân vân chưa biết tìm ai thì một viên thị vệ bỗng quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ, xin cho mời Lễ phi ra để khảo duyệt.
Cả triều đình lúc đó như sực tỉnh. Đúng, may ra chỉ có Lễ Phi mới có thể giảng giải được bài này. Lễ Phi chính là bà giáo Nguyễn Thị Duệ. Từ ngày vào cung, bà được giao việc dạy dỗ các phi tần và các vương tử trong phủ. Trong quá trình giảng dạy, bà đã chứng tỏ được tài năng xuất chúng và đạo đức cao thượng. Bà đã dạy cho mọi người gìn giữ lễ nghi, hướng dẫn họ đọc sách làm văn. Mỗi khi có vấn đề gì thắc mắc các quan đều hỏi bà và được bà tận tình giảng giải. Bà còn lựa lời khuyên bảo vua chúa làm theo những điều hay lẽ tốt. Ở trong cung, bà kết bạn với bà hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (là con của Trịnh Tráng, vợ của Lê Thần Tông). Ngọc Trúc là người phụ nữ hiền thục và rất chăm đọc sách. Bà thu thập nhiều tài liệu sách vở để nghiên cứu và biên soạn. Nguyễn Thị Duệ và bà Ngọc Trúc rất hợp nhau và kết thành đôi bạn văn chương tri kỷ. Nhà vua rất vui mừng khi trong cung có hai người phụ nữ giỏi giang văn chương lễ nghĩa nên cho phép hai bà đọc các bài thi rồi hỏi ý kiến khen chê. Những lời giảng giải của hai bà luôn thuyết phục được những vị giám khảo khó tính nhất...
Nghe nhắc đến Nguyễn Thị Duệ, nhà vua sai người mời bà đến rồi đưa quyển văn cho bà. Bà chăm chú đọc rồi trình bày, giảng giải cho mọi người nghe. Những điều mà quần thần chưa hiểu đều được bà trình bày cặn kẽ. Mọi người có mặt đều hài lòng trước lời giải thích của bà và thống nhất rằng dù làm không đầy đủ nhưng bài văn đúng là rất xuất sắc và đáng được đậu thủ khoa. Khi nhà vua cho phép ghép phách thì đó là bài của sỹ tử Nguyễn Minh Triết người ở làng Kiết Đặc (thuộc tỉnh Hải Dương), ông này vốn là em họ của bà Nguyễn Thị Duệ. Bà giáo rất phấn khởi trước tài năng của người em họ và cũng rất an tâm vì mình đã phán xét công minh... Như vậy, nhờ vào tài năng xuất chúng của bà mà nước ta lại có thêm được một người Trạng nguyên tài giỏi...
Tài năng của bà không chỉ lưu truyền ở trong cung mà còn lan ra cả bên ngoài. Các nho sinh quanh thành Thăng Long đều muốn được thọ giáo bà, họ xin phép bà mở trường để họ đến học. Tuy nhiên phép tắc trong cung rất nghiêm ngặt nên ý định của họ bất thành. Bà Nguyễn Thị Duệ cũng rất lấy làm buồn lòng trước điều đó. Bà tâm niệm rằng việc bỏ công dạy dỗ những kẻ sống trong lầu son gác tía, chỉ là nhiệm vụ của một kẻ bầy tôi trả ơn mưa móc cho nhà vua. Bà thấy rằng việc phát hiện nhân tài trong đám vương tôn công tử quả là rất khó, bởi vì những kẻ sống trong xa hoa đó ít người chú tâm đến việc học hành. Vì vậy tuy không được phép mở trường dạy học nhưng bà cũng tìm cách để truyền thụ những kiến thức ra bên ngoài. Bà thường cùng với hoàng hậu Ngọc Trúc đi vãn cảnh chùa rồi nhân đó gặp gỡ các sỹ phu trong vùng. Việc làm đó dù rất ít ỏi nhưng cũng thể hiện được tấm lòng của bà đối với sự phát triển nền giáo dục nước nhà.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 28.12.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét