“DÊ CỎN BUỒN SỪNG…”
Có một bài thơ cổ nổi
tiếng, bài “Cảnh thu”. Người cho là của Bà Huyện Thanh Quan gồm có: Ngô Tất Tố trong
“Thi văn bình chú”, Dương Quảng Hàm trong “Quốc văn trích diễm”. Nguyễn Văn Ngọc
trong “Nam thi hợp tuyển”, Hoa Bằng trong “Hồ Xuân Hương nhà thơ cách mạng” và Hợp
tuyển thơ văn Việt Nam tập III của Nhà xuất bản Văn hoá. Người cho là của Hồ Xuân
Hương, có Nguyễn Văn Cổ trong “Thi văn Việt Nam”, Xuân Diệu trong “Các nhà thơ cổ
điển Việt Nam”, nhưng vẫn chưa ngã ngũ, vẫn còn khuyết danh. Xuân Diệu là người
bình chú gần ta nhất. Trước khi vào bình. Ông viết: “Bài “Cảnh thu” được nói đến rất nhiều, dạy trong sách giáo khoa và có nhiều
người chú giảng. Nhưng theo ý tôi, cho đến hôm nay, việc bình giảng về bài này vẫn
cứ chệch choạc như “dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”, đã có cái sức thuyết phục đâu…”.
Sau khi đưa ra những viện dẫn, những chú giải, phân tích, so sánh ngữ nghĩa, cách
cảm, nguyên tắc đối xứng của những cặp câu thơ cổ… để ông dẫn đến thay chữ lưng trong câu “Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ” bằng chữ lèn thành câu thơ “Túi lèn
phong nguyệt nặng vì thơ” và ông kết luận “chữ lèn lô gích hơn tất cả các chữ, sinh động, tề chỉnh hơn tất cả các chữ
khác (ý thi sĩ Xuân Diệu muốn nói cách phân tích
của ông là hợp lý nhất). Đến 1996 tôi đọc được bài viết của Trần Văn Lý trên báo
Người Hà Nội, anh cho chữ lưng trong “Túi
lưng phong nguyệt nặng vì thơ” đồng nghĩa
với chữ lưng trong “đề huề lưng túi gió trăng”… nghĩa là chỉ cái túi đeo ở trên
lưng, đựng trăng gió đến “nặng vì thơ”. Đến đây, người viết bài này xin “nối điêu”
đôi lời về cách hiểu hình tượng trong câu thơ trên, có lẽ thi sĩ Xuân Diệu quá mê
cách dùng đối xứng ở cặp câu thơ này, nên để đối với “Bầu giốc” thì phải dùng “Túi lèn”
mới đối chữ, đối ý thoả đáng. Thật ra, thiếu gì câu thơ cổ phá bỏ luật đối từng
chữ, để đạt đến kết quả cao hơn ở ý, tứ, đối chọi cả câu. Trường hợp này nên hiểu,
người say cảnh giang sơn không cần có rượu, vẫn say, lúc ngao du chỉ mang theo cái
túi thơ trên lưng mà “nặng”. Mà trong
thơ xưa, bao giờ cũng chứa gió trăng là chính. Vậy thì cái túi kia phải đầy trăng gió rồi, cần gì phải “lèn” mới đầy như ý Xuân Diệu đã viết.
(Nhà thơ Chử Văn Long) |
Có lẽ hiểu như vậy câu
thơ không bị gò gẫm, khoáng đạt lên nhiều. Đó là vài lời góp ý vui. Còn điều chính
người viết bài này muốn nói, lại nhằm ở ngả khác của bài thơ. Là, hình như từ trước
tới nay khi đọc bài thơ này, ta dễ bị thôi miên bởi hình ảnh, chữ nghĩa đối đáp,
gây ấn tượng mạnh của từng cặp câu thơ hay mà không thấy tứ thơ “Cảnh thu” không
chặt chẽ, không xuyên suốt thống nhất, cái yêu cầu nhất thiết mỗi bài thơ phải có.
Ta hãy chú ý, cảnh,
tình hai câu thơ mở đầu:
Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cánh tiêu sơ…
Đó là cảnh tình vào
tiết cuối thu, khi những giọt mưa lai rai, lắc rắc kéo dài tưởng không bao giờ rứt,
gõ nhịp trên những tàu tiêu (tàu chuối) ngoài vườn, hay, nơi giọt gianh trước hiên
nhà. Đã có một ca khúc rất hay về cảnh này, với những lời như “… ngoài hiên giọt
mưa thu thánh thót rơi…”, lời và nhạc rất gợi cảm về nỗi buồn xa vắng!
Nhưng hai câu tả tiếp
theo:
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ…
Nếu chỉ đọc theo cách
thưởng thức thơ cổ, ta dễ bị hút vào hình ảnh chữ nghĩa đối chọi gợi cảm và chỉ
thấy đây là cặp câu thơ tuyệt hay. Nếu đọc liền mạch, bình tĩnh, liên hệ với hai
câu thơ mở đầu bài, ta sẽ thấy mảng màu “xanh om” của tán cây cổ thụ, như “nét đẹp
gắt gỏng” bỗng phá mất sự hài hoà của bức tranh bàng bạc, tiêu sơ vừa gợi ở trên…
Chưa nói đến hình ảnh thật của tán một loại cây nào đấy, có thể không bị ảnh hưởng
của thời tiết thu về, lá rụng, hay đổi màu vàng úa, thì khi đứng trong màn mưa tạo
nên cảnh “Trắng xoá tràng giang…” cũng nhạt đi, chứ làm sao có thể “xanh om”.
Đọc cả bài thơ CẢNH
THU:
Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cánh
tiêu sơ
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ
Ai thấy ai mà chẳng ngẩn ngơ
Càng thấy rõ bốn câu
thơ trên, ý tứ như lìa hẳn ra, không khớp gì với bốn câu thơ dưới. Bốn câu trên
tả cảnh tiêu sơ buồn lặng, dù có cả mảng “xanh om” nhảy vào, cũng không đủ để ai
đấy trước cảnh này lại “vụt bốc lên” được thứ cảm hứng:
Bầu dốc giang sơn say
chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Đây là những nguyên
lý cảm xúc thông thường mà bất cứ nhà thơ nào khi cầm bút, dù trong cơn mê đắm đến
đâu vẫn phải đủ tỉnh để điều khiển được dòng cảm xúc nhất quán.
Chắc sẽ có người nói:
“Vậy vì sao bài thơ đã vẫn nổi tiếng đến vậy. Đã qua bao nhiêu bàn tay những học
giả lừng danh lại còn để lại những khuyết tật như vậy?” Thiển nghĩ của tôi cho là,
lại chính vì những nét hay, vẻ đẹp của những cặp câu thơ tuyệt diệu kia đã làm khuất
lấp đi những khuyết tật mà đáng ra bài thơ không nên có. Xin đọc lại những cặp câu
thơ:
“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Ta như đang đứng ngây
trước những nét vẽ trên chiếc bình gốm cổ, nghìn năm không phai những sương, những
khói của ngọn bút tài hoa. Nó bỗng gợi cho ta liên tưởng đến cặp câu thơ:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Và đã làm ta mê theo
mà ngỡ đây là thơ Bà Huyện Thanh Quan.
Còn cặp câu:
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Lại làm ta liên tưởng
tới:
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo”
của Hồ Xuân Hương, say ngất ngưởng, ngông hết mình, dí dỏm, ngoắt ngoéo, nhằm
diễn tả hồn thơ phá phách và cũng tài hoa kiệt xuất… và quên đi cái kẽ hở của tứ
thơ rời từng đoạn, không thể là bút pháp tài danh của cả hai bà.
Bài thơ như một cô gái
đẹp, từng nét riêng: tóc đẹp, mắt đẹp, dáng đẹp… nhưng khi nhìn tổng thể lại thấy
từng nét đẹp kia không hoà đối hết được vào nhau.
Không biết nhờ đâu,
sau bao nhiêu năm tôi cũng bị thuyết phục bởi cách phân tích của những người đi
trước. Mùa thu này, khi giở đọc lại “Cảnh thu” tôi lại đường đột nhận ra những ý
nghĩ như trên. Có lẽ ở thế giới bên kia, thi sĩ Xuân Diệu lại mỉm cười vì ông đã
một lần cảnh báo mà tôi lại đi làm cái công việc của chú “Dê cỏn buồn sừng húc giậu
thưa”.
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Làng Vạn
Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét