MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

THẾ NÀO LÀ THƠ HAY - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

THẾ NÀO LÀ THƠ HAY

*

(Tác giả Chử Văn Long)

Nhân đây tôi nhớ lại câu hỏi của nhà thơ Trinh Đường năm ông đã ở tuổi tám mươi, để làm tập tuyển “Thơ với lời bình” (Thế kỷ XX), ông đã gửi tới các nhà thơ, phỏng vấn: “Làm thế nào để có thơ hay?”. Không biết các nhà thơ khác nghĩ sao, còn tôi đã trả lời: “Nếu biết làm cách nào để có thơ hay, người ta đã viết ngay được thơ hay và lập tức sẽ nổi tiếng, sẽ được ngợi ca, sẽ chiếm lĩnh thi đàn, làm gì phải trắng tóc trước trang giấy trắng nữa!”. Với tôi, chỉ có điều này: Mỗi khi cảm xúc bồi hồi cầm bút, tôi có cảm nghĩ bài thơ sẽ được bạn bè chú ý, sẽ gây được đồng cảm cho bạn đọc thơ mình. Nhưng rồi bài thơ hay vẫn là bài thơ chưa viết! Chính vì món nợ chưa trả, bài thơ chưa viết mà tôi khôn nguôi thao thức, kiếm tìm, mà suốt đời không rời nổi cây bút, dù vẫn biết tài năng thi bá ở đời như Nguyễn Du khi kết thúc một kiệt tác như Kiều, ông đã cảm hoài: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Mua vui một khắc cho thiên hạ cười khóc, mà bỏ cả cuộc đời mình vào đấy!

Từ câu phỏng vấn trên, một câu hỏi khác tự nhiên được đặt ra, muốn biết làm thế nào để có thơ hay, trước tiên phải biết “thế nào là thơ hay”. Chưa ai trả lời được câu hỏi ấy. Đã tự bao đời người khen bài thơ này, câu thơ nọ, nhưng chỉ đưa ra được những cảm nhận, quan niệm không ai định nghĩa được “thế nào là thơ hay” để cho người sau có thể dựa vào, so sánh, mỗi khi bàn một bài thơ hay, một câu thơ hay.

Một thời nhiều người tâm đắc với câu thơ Tế Hanh “Có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ” coi đây là quan niệm về thơ. Liệu có thể quan niệm rằng thơ hay là thơ được nhiều người nhớ chăng? Chắc không hẳn vậy. Mỗi người làm thơ, yêu thơ có thể đọc ngay được vài câu thơ làng nhàng, thậm chí cả những câu thơ dở. Nhớ thơ, thuộc thơ, phụ thuộc vào trình độ cảm xúc, thẩm mỹ và khát vọng sống của mỗi người trong những bối cảnh xã hội khác nhau. Thơ cũng như đời có sâu, nông, cao, thấp. Có thứ thơ dễ nhớ dễ thuộc. Có thứ thơ có thể thấm đến tận cùng xương tuỷ qua những cơn đau. Chưa kể cảm xúc trong ta thay đổi bởi ấm lạnh đời sống. Có bài thơ, câu thơ người này tấm tắc khen, người khác thì không. Có câu thơ, bài thơ đọc lướt qua chẳng thấy có gì, bỗng ánh lên vẻ đẹp bất ngờ vào lúc nào đấy khi ta gặp cảnh đồng tình đồng điệu. Thơ hay đâu chỉ vì nhớ và thuộc. Nhớ thuộc thơ mới chỉ là lời, là chữ. Những sợi dây vô hình đằng sau mỗi chữ, mỗi lời mới giằng buộc xoắn quyện hồn ta cùng với buồn vui mơ hồ xa xăm không dứt.

Đọc thơ, thưởng thức thơ có khi như ngồi trước con xúc xắc, người chỉ thấy nhất, nhị, tam… kẻ nghe được cả vòng quay số phận.

Cái đẹp, cái hay rất phụ thuộc vào mỗi người thưởng thức, như bông hoa tuyệt vời trên đỉnh núi cao muốn ngắm nhìn, bình giá, trước hết anh phải lên được ngang tầm, phải vươn tới được cái đẹp. Muốn tìm thấy ngọc trai dưới bể không thể nào không thấu lòng bể nông sâu. Câu thơ trong khiết chỉ có thể lọt vào khoé mắt thật trong. Không quặn thắt, đớn đau làm sao thấu hiểu những ý thơ thăm thẳm.

Không ai định nghĩa “thế nào là thơ hay” có lẽ vì thơ chứa đựng khát khao muôn đời cuộc sống. Không ai biết đích cuộc sống ở đâu, thơ cũng vậy. Ai mà đi định nghĩa “khát vọng cuộc sống là gì?” nên cũng không ai định nghĩa thơ hay. Mỗi người ở đời thường hiểu cuộc sống theo những vui buồn rộng hẹp riêng mình. Thơ cũng vậy, nên thường xảy ra cảm nhận hay dở rất khác nhau. Có vậy Xuân Diệu mới phải mượn “thời gian vặt lông vịt” cho thơ để định giá thơ hay thơ dở.

Nhìn vào thơ hiện nay như có hàng trăm quan niệm, cách hiểu, cách diễn đạt đề tài mục đích khác nhau. Có người đòi phá bỏ hết mọi vần luật giàng buộc để thơ bay cao, bay xa tới được thiên tài. Người lại tin rằng đốt cháy hết buồn vui đời mình cùng cuộc sống sẽ tìm được hướng thơ đi…

Quan niệm thơ khác nhau như vậy đang xảy ra ở khắp nơi, mỗi khi có dịp gặp gỡ bàn bạc nhận định về thơ. Vừa qua trong cuộc họp chung thảo thi thơ báo Người Hà Nội tôi càng ngỡ ngàng về sự khác biệt ấy: Ban chung khảo gồm Bằng Việt, Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa và tôi. Với quy chế xét giải, thơ được dọc phách trước, mỗi thành viên chung khảo tự giới thiệu những bài thơ vào xét giải, sau đó phân tích, biểu quyết. Khi đến lượt, tôi đã giới thiệu bài thơ:

CHIẾC KHĂN QUÀNG

 

Tiễn người thân vào cõi vĩnh hằng

Tôi trở về với nỗi buồn rười rượi

Rồi lòng lại tự mình an ủi

Cái chết chẳng thiên vị ai

Giản đơn như giấc ngủ dài…

 

Cuộc sống trần gian

Ngỡ chiếc khăn quàng cổ

Mà con người chẳng thể nào tháo gỡ!...

 

Khi biết sống trên đời thật đẹp

Là lúc cái chết nghiệt ngã chẳng buông tha

Nhưng cái chết cũng là bàn tay nhân từ

tháo bỏ chiếc khăn quàng cổ!

Vừa đọc xong, tôi chưa kịp phân tích gì, nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu: “Có lẽ bác Chử Văn Long quá nhạy cảm với đau khổ nên thấy bài thơ này hay chứ bài thơ này không có gì”, rồi Khoa đọc mấy câu thơ của Hikmet, Khoa cho là hay… Nhà thơ Vũ Quần Phương tiếp theo, ý hài hước rằng: “Nếu tạo hoá đã cho ta chiếc khăn quàng cổ thì để quàng cho ấm, chứ việc gì phải cởi ra…”. Tôi thật sự ngỡ ngàng về cách bàn thơ của các nhà thơ lâu nay mình vẫn trân trọng. Đặc biệt là cách nhận định của Khoa. Người cầm bút làm thơ nào cũng hiểu đời buồn có thơ buồn, đời vui có thơ vui, nhậy cảm với nỗi đau khổ nếu không là tiêu chuẩn hàng đầu, tiêu chuẩn số một để viết được thơ hay, để nhìn ra được thơ hay, có lẽ nào vì nhạy cảm đau khổ mà tôi nhìn thơ dở ra thơ hay được. Tôi đã phát biểu như vậy… và bài thơ “Chiếc khăn quàng” được bỏ ra khỏi xét giải như một chuyện bình thường, bạn đọc và thời gian sẽ bình xét, chỉ có lời phát biểu của Khoa cứ theo đuổi tôi mãi. Vì sao Trần Đăng Khoa người nhận được vinh quang thơ ngay từ tuổi nhỏ, lại được học hành đầy đủ nhất về nghề văn, so với nhiều người khác lại phát biểu về thơ như vậy? Bình tĩnh nghĩ suy tôi thấy điều này, thì ra cái chưa hiểu Khoa lại là chính tôi. Bước đường vào nghề văn không ai thuận lợi như Khoa. Hiện tại Khoa còn trẻ, chỉ hơn nửa tuổi đời mình. Mình chẳng đã thấm sự sâu sắc ở đời là cả sự từng trải, vấp váp, sống chết, sống chết không chỉ bó gọn theo nghĩa đen của hai chữ ấy. Mà còn cái sống quặn thắt, sống nẫu lòng, nẫu ruột như chết mà lại không thể chết được. Còn cái chết thì đã như tê liệt hết mọi cảm xúc về sự sống nhưng tim lại chưa ngừng, những buồn vui còn le lói trong đầu chưa chịu tắt… Khoa nói không sai, sau mọi nếm trải co dãn đến vạch khắc cuối cùng cốc nước vui buồn đời tôi đã tràn khi người vợ thân yêu của tôi qua đời, tôi luôn thắc thỏm giật thột, có lúc đang giữa ban ngày bỗng hoảng hốt giật mình, nhìn điều gì, vật gì xung quanh cũng cảm thấy lung lay trước quy luật mất còn, biến đổi. Tôi thường chẩy nước mắt những chuyện không đâu, chuyện chẳng liên quan gì đến mình, mà không hiểu vì sao… Khoa đã nhìn đúng con người tôi là vậy. Chỉ có điều lệch nhau ở chỗ khi đem liên hệ vào bài thơ trên, một người thường trực với nỗi buồn đau, một người đang bình tĩnh tự tin với tài năng tuổi trẻ, thì sự cảm thụ khác nhau có gì là khó hiểu!

Nghĩ như vậy tự nhiên tôi thấy nhẹ lòng… nhưng còn các anh chị khác, các nhà thơ tuổi tác cùng trang lứa với tôi trong ban chung khảo cùng họp hôm ấy, sao không ai bàn lại ý kiến của Khoa. Phải chăng mỗi người bươn trải trên dòng đời riêng biệt, rộng, hẹp, nông, sâu cũng khác, nên khi bàn về thơ tìm được những quan điểm chung nhau mới khó. Còn buồn, vui, sướng, khổ là chuyện của trời đất cho ai thế nào người ấy hưởng vậy. Tôi lại thấy mình được an ủi bằng nhiều áng văn chương kim cổ còn sống được đến nay thường được lọc ra từ những trái tim đau… Tôi nhớ đến câu của Gớt, người gần như được hưởng mọi niềm Vinh quang cuộc sống mà cũng từng thốt lên: “Niềm đau vĩ đại nâng ta diệu kỳ”. Vậy là nỗi đau khổ (chẳng ai muốn cả) lại có khi là niềm hạnh phúc!

Ghi lại đôi điều trên tôi nhằm đem đến bạn đọc, bạn viết sự phong phú của thơ hiện tại, ở một thời đại con tim luôn đập bởi những âu lo phấp phỏng không ngừng, đến trái đất, chiếc nôi nuôi giấu, chở che con người cũng bị thương, cũng cần băng dịt vết thương trước sự phẫn nộ của thiên nhiên bão tố, nên không có gì lạ lùng khi nghe những dư luận khen chê ở chỗ này, chỗ khác, và sự định giải ở các cuộc thi thơ gần đây thường không gây được ấn tượng chung, không lưu lại được dư âm trong công chúng và cả dư âm trong công chúng dù rộng lớn đến đâu cũng không quyết định được giá trị của thơ. Bỏ qua cả những đồn đại đã có về giải thơ này, giải thơ khác mua bằng đồng tiền.

Nhưng cũng lại từ nhận thức thơ rất phong phú đa dạng, mỗi nhà thơ ngoài nhân cách, phẩm giá cần cho thơ lại phải là người bán hàng rong, một thứ ngọc cao giá, nếu không tinh, sẽ trao vào tay người khác của giả. Giả nhiều khi không chê trách được người làm ra nó vì đặc thù của thơ nhiều người dồn cả tâm sức, cả đời mình để làm của thật, mà vẫn thành của giả. Hay như người xuống tóc đi tu đến hết đời vẫn không ngộ được Phật ở ta, từ ta… mà đi tìm kiếm đâu đâu.

Kết thúc bài viết tôi xin kể lại buổi trao giải cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1981. Hầu hết các anh chị được giải đều có mặt, trừ nhà thơ Hoàng Hữu tác giả bài thơ “Hai nửa vầng trăng” (Giải B), anh vừa mới mất, chị đem theo cháu nhỏ về nhận thay. Gian phòng báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản vừa đủ ấm cúng, long trọng cho cuộc vui trao giải, nếu không có nỗi buồn vĩnh biệt Hoàng Hữu với những dải khăn sô trắng chị ấy và cháu nhỏ mang về.

Sau những thủ tục, diễn văn tổng kết của báo, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Xuân Diệu (cũng là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam bấy giờ) lúc lắc mái tóc gợn sóng đứng dậy, anh không lên bục diễn giả mà đứng tại chỗ, nhận xét tóm tắt rất ngắn những ý kiến của hội đồng chấm thi: “Sau một thời gian tích cực làm việc của hội đồng chung khảo, và hôm nay, tôi như ông mối buộc chỉ hồng cho cuộc xe duyên giữa báo Văn nghệ và những tân khoa, trạng nguyên, bảng nhãn, nhưng…”. Anh bất ngờ hạ giọng: “Tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về việc sau đây đôi lứa có sống với nhau “mãn chiều xế bóng” hay không!”, cả phòng họp oà lên cười vui.

Hai chục năm đã trôi qua, Xuân Diệu đã vắng bóng, ngẫm lại lời ông nói hôm ấy vừa dí dỏm vừa sắc sảo có lẽ vì ông có cách nhìn đánh giá thơ riêng so với Hội đồng chung khảo thơ bấy giờ, bây giờ người còn nhớ về cuộc thi thơ ấy, thường chỉ nhắc đến hai bài thơ giải B là “Hai nửa vầng trăng” và “Người gánh rơm vào thành phố”.

*

CHỬ VĂN LONG

Địa chỉ: Làng Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.

Điện thoại: 01658818263

Email: haicv08@gmail.com

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét