(Nguồn ảnh: Internet) |
CẢM NHẬN
“THỀM XƯA, EM ĐỢI NGƯỜI VỀ”
THƠ HÀ NHỮ UYÊN
.............................................................................
THỀM XƯA, EM ĐỢI
NGƯỜI VỀ
- Viết
thay một người từng ngồi ở cà phê Thềm Xưa -
Em đợi người bên
Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt
nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn
nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc
mười ngón tay đan.
Em khắc khoải đợi
một dòng tin nhắn
thèm giật mình khi
nghe tiếng chuông reo
chiếc điện thoại
cũng tảng lờ im ắng
ném niềm vui như
chiếc lá bay vèo.
Mắt ngân ngấn-
“Người ơi” - em khẽ gọi
đợi tiếng người
trầm ấm phía bên kia
mà : “…rất tiếc,
số này không kết nối”
ngỡ trời tình ai
thổi tắt trăng khuya.
Buồn vây ráp đêm
dài thêm sợi tóc
tựa vào đâu ấm áp
một bờ vai?
em cố dặn: thôi
đừng mau mắt khóc
dẫu muộn phiền có
thể chẳng nguôi khuây.
Người gieo lại nửa
hồn nghe ngơ ngẩn
nửa trên tay em
bồng nắng về rừng
như thạch thảo bên
tường mưa ướt cánh
nghe con chim góa
bụa hót rưng rưng.
Em khờ khạo xới
lên miền cổ tích
như mối đùn trăm
nỗi nhớ về nhau
khi yêu dấu môi
hôn chưa nhàm nhạt
ai cam tâm hờ hững
tự khi nào?
___________________________________________
LỜI BÌNH CỦA CHÂU
THẠCH:
Tôi có cái bịnh văn chương thật là nặng nề, đó là khi một bài thơ của ai đó
đã nhập tâm mình thì tôi phải viết cảm nghĩ về nó, nếu chưa viết được thì tôi
như nóng sốt trong người, ngày và đêm cứ băn khoăn như mắc nợ mà chưa trả được.
Bởi vậy dầu đọc thơ Hà Nhữ Uyên lần đầu tiên và chỉ đọc được hai bài thì tôi
phải viết cả hai bài. Bài thứ nhất là “Giấc mơ tôi là sợi khói” và bài thứ hai
là bài nầy: Thềm xưa, em đợi người về.
Thú thật, bốn câu thơ ở vế đầu đã làm tôi sướng nâng và đọc những vế thơ kế
tiếp tôi có cảm nhận mình đã thèm, đã thèm như chất kích thích đầy hương vị của
“Ly phin đá nhân nha từng giọt đắng” ngấm vào trong thớ thịt:
Em đợi người bên
Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt
nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn
nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc
mười ngón tay đan.
Câu thơ tôi yêu mến đầu tiên là câu “nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn”:
Bài thơ nầy tác giả dùng chữ “em” nghĩa là viết thay cho một người con gái, và
câu thơ nầy cho thấy được hết cả cái tâm hồn uỷ mị của cô
em, cũng cho ta thấy hết được cái khung cảnh cô liêu nơi cô ngồi, cả sự lảng
mạn trong suy tư của em. Nhặt hạt nắng là hành động của một kẻ tâm thần, nhưng
tất nhiên cô gái không là kẻ bị bệnh tâm thần, vậy nhặt hạt nắng là một cử chỉ
siêu lảng mạn của con người đa cảm, một hành động vô tâm nhưng bày tỏ một tính
cách rất nên thơ có trong một tâm hồn rất đẹp.
Câu thơ thứ hai tôi thích là “nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan”. Ở câu
thơ trên ta thấy cô gái”nhặt bâng quơ hạt nắng”, ở câu thơ dưới ta thấy cô gái
“nhặt hoài mong” Vậy thì trong vế thơ
nầy sự hoài mong của cô gái được thể hiện trên hạt nắng. Cô gái nhặt hạt nắng như
nhặt sự hoài mong của mình, và tất nhiên hạt nắng thì trôi tuột qua “mười ngón
tay đan” nên sự hoài mong cũng trôi theo hạt nắng. Câu thơ liên kết sự mong đợi
với hạt nắng ngủ trên bàn thật là lý thú. Cái vô hình
trong tâm được thể
hiện bằng cái hửu hình trên bàn, và cả hai được lồng trong bức tranh tỉnh vật
chứa đựng sự sâu kín trong hồn hoà điệu cùng phong cảnh.
Vế thư hai của bài thơ là những tứ thơ mới lạ vô cùng. Tác giả dùng chiếc
điện thoại để nói về sự mong đợi của cô gái kia:
Em khắc khoải đợi
một dòng tin nhắn
thèm giật mình khi
nghe tiếng chuông reo
chiếc điện thoại
cũng tảng lờ im ắng
ném niềm vui như
chiếc lá bay vèo.
Trong câu thơ thứ nhì tác giả dùng chữ “ thèm giật mình” hay quá, bày tỏ sự
khát khao nghe tiếng điện thoại, biến một từ ngữ “thèm” bình thường trở thành
độc đáo, khiến người đọc dễ dàng nghiệm cái “ thèm” thường ngày của mình để
hiểu cái nỗi chờ mong của người con gái.
Câu thơ thứ tư “ném miềm vui như chiếc lá bay vèo” cũng là một hình ảnh gợi
hình vừa buồn vừa đẹp, làm tăng khung cảnh nơi cô gái ngồi man mát hơi thu.
Qua vế thơ thứ ba tâm hồn cô gái chùng xuống trong đợi chờ, cô bắt đầu rơm
rớm khóc:
Mắt ngân ngấn-
“Người ơi” - em khẽ gọi
đợi tiếng người
trầm ấm phía bên kia
mà: “…rất tiếc, số
này không kết nối”
ngỡ trời tình ai
thổi tắt trăng khuya
Vế thơ nầy cho ta thấy cô gái đợi người tình đã quá lâu. Cô đã đợi từ chiều
khi trời còn nắng đến bây giờ đêm đã xuống.
Cô gái biết trời không trăng khuya nghĩa là đêm tới đã lâu rồi. Câu thơ “ngỡ
trời tình ai thổi tắt trăng khuya” biến ánh trăng thành le lói như ngọn nến,
cũng thể hiện niềm hy vọng mong manh trong lòng cô. Trăng khuya thì ai mà thổi
tắt được? Tác giả dùng hình ảnh nầy để gởi cái
hồn nhỏ nhoi của
cô gái vào trăng. Cái hồn tuy nhỏ nhoi nhưng khi được gởi vào trăng thì nó bao
la biết bao, nó chính là cái tình yêu vô bờ bến mà cô gái đang mang trong lòng.
Vậy thì trong câu thơ nầy cái trong sáng cao rộng của trăng được thu vào cả
trong tâm hồn cô gái, và ngược lại tâm hồn cô gái được nhà thơ làm cho toả ra
bao trùm bầu trời. Cái nghệ thuật làm thơ như thế nầy Châu Thạch gọi là
“thiền”, vì thiền là định để thấy tâm mình và lấy cái tâm mình mà quán được vạn
vật. ( Đây chỉ là cách diễn ý của Châu Thạch mà thôi chớ
không phải là thiền thật).
Bài thơ qua vế thứ tư:
Buồn vây ráp đêm
dài thêm sợi tóc
tựa vào đâu ấm áp
một bờ vai?
em cố dặn: thôi
đừng mau mắt khóc
dẫu muộn phiền có
thể chẳng nguôi khuây.
Vế thơ nầy thì Châu Thạch tâm đắc nhất câu “Buồn vây ráp đêm dài thêm sợi
tóc” là một sự so sánh ý nhị đầy chất thơ
trong đó. Ở đây mái tóc đen của cô gái được đồng hoá vào trong bóng đêm, và
thời gian tâm lý thấy đêm dài thêm được gởi vào trong hiện
tượng sinh lý “dài thêm sợi tóc”. Người
xưa thường nói “suy nghĩ một đêm làm cho tóc bạc trắng” thì ở đây chờ đợi một
đêm làm sợi tóc thêm dài. Chữ “dài” ở đây vừa của đêm mà cũng vừa của tóc, thể
hiện sự triền miên nôn nao bức rức trong lòng.
Qua vế thơ thứ năm cô gái không còn âm thầm chịu đựng sự dằn xé trong lòng
mà phải cất tiếng than van:
Người gieo lại nửa hồn nghe ngơ ngẩn
nửa trên tay em
bồng nắng về rừng
như thạch thảo bên
tường mưa ướt cánh
nghe con chim góa
bụa hót rưng rưng.
Một nửa linh hồn cô gái đã bị gieo vào hạt giống đau thương. Nửa linh hồn
còn lại cô trân trọng như giữ trên tay mình đem dấu vào nơi cô tịch. “Bồng nắng
về rừng” là đưa nắng về vùng rợp bóng, ở đó nắng cũng bị tắt đi vì cây che
khuất. Rồi thì cả hai nửa linh hồn hay cả hai nửa tình yêu đều bị phủ phàng như
đoá hoa ướt cánh, khóc than như “con chim hoá bụa hót rưng rưng”.
Thế rồi ở vế thơ chót cô gái trách mình, trách người trong vô vọng:
Em khờ khạo xới
lên miền cổ tích
như mối đùn trăm
nỗi nhớ về nhau
khi yêu dấu môi
hôn chưa nhàm nhạt
ai cam tâm hờ hững
tự khi nào?
Ở vế nầy hai câu thơ “ Em khờ khạo xới lên miền cổ tích/ như mối đùn trăm
nỗi nhớ về nhau” vẽ lên một bức tranh hiu hắt, rêu phong làm hình ảnh cuộc tình
trở nên hoang sơ như một vùng thánh địa hoang tàn. Hình ảnh “mối đùn” cho ta
thấy nổi nhớ ồ ạt đến, chiếm lỉnh cái tâm hồn u vắng, hình dung trong trí ta
trăm ụ mối đùn lên trên vùng phế tích xa xưa.
Bài thơ “Thềm xưa, em đợi người về” Hà Nhữ Uyên đã bố cục bài thơ theo vòng
xoắn trôn ốc, đưa nối buồn mong đợi cao lên, toả ra theo từng giờ. Nhà thơ đã
sáng tạo những tứ thơ chưa ai từng dùng, khiến cho người đọc thích thú với
những hình ảnh rất mới lạ trong thơ để thể hiện sự việc.
Tôi còn muốn viết nhiều về bài thơ nầy nhưng trong khuôn khổ một bài đăng
trên trang web không cho phép viết dài, nhưng chắc chắn sự rung động trong lòng
bạn đọc sẽ có hơn những gì tôi viết ra đây rất nhiều./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn
Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên
bản của tác giả gửi qua email ngày 10.03.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét