MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

THƠ CHỬ VĂN LONG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TƯ DUY NGHỆ THUẬT - Tác giả: Lê Thị Hiền Thu (Nam Định)

(Nhà thơ Chử Văn Long)
THƠ CHỬ VĂN LONG
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TƯ DUY NGHỆ THUẬT
*
Chử văn Long là nhà thơ có số lượng sáng tác lớn, ông có 8 tập thơ đã xuất bản từ năm 1976 đến nay, trong đó có không ít những bài thơ hay, những câu thơ đẹp. Tuy nhiên, Chử văn Long và sự nghiệp của ông chưa được giới nghiên cứu quan tâm giới thiệu và nghiên cứu đầy đủ mà chỉ có một số bài phê bình nhỏ lẻ chưa làm nên tiếng vang trên thi đàn Việt Nam.
Trong cuốn “Cảm nhận thi ca” (NXB Văn học, 1999), tác giả Trần văn Lý xếp Chử văn Long vào một trong năm ngôi sao thi ca thế kỷ XX (Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chử Văn Long) và cho rằng tập thơ “Ru những trăm năm” của Chử văn Long là tập thơ hay nhất từ năm 1975 đến 2000. Tác giả đánh giá ông là người đầu tiên bắc được chiếc cầu giữa thơ phương Đông uyển chuyển sương khói và thơ phương Tây dồn nén, ấn tượng đã gây tranh cãi một thời… Không rõ từ cơ sở nào dẫn tác giả Trần văn Lý tới cách sắp xếp trên, có thể Trần văn Lý là một người hâm mộ thơ của Chử văn Long… Nhưng chúng tôi tin rằng tiếng thơ của Chử văn Long vẫn có sức hấp dẫn đối với độc giả nếu họ có dịp tiếp xúc với thơ ông.
Không ít người yêu thơ Chử văn Long bởi những vần thơ mộc mạc, dung dị, chân chất như chính cuộc sống đời thường đang diễn ra. Nhà phê bình Nguyễn Thiết là một trong số người tìm được sự đồng cảm ấy, tác giả có bài viết “Chênh vênh giữa mộng và đời” in trên báo Văn nghệ số 4 ngày 23/01/2010. Có nhận xét: “Nhìn lại đời thơ Chử văn Long thấy như anh sinh ra để hát về những buồn vui thắc thỏm đời thường, những nổi chìm phận số, để vươn lên khát vọng làm người”.
Quá trình sáng tác của Chử văn Long. Làm thơ chủ yếu trong thời bình, những tác phẩm trữ tình của ông không bị ảnh hưởng trực tiếp tư duy chính trị của thời kỳ bom đạn ác liệt mà mang đậm tính đời tư thế sự… Những tập thơ nối tiếp nhau ra đời trong hơn ba mươi năm trải nghiệm, trăn trở với cuộc đời là hành trình đến với tha nhân đầy mất mát, thương đau của tác giả Chử văn Long...
Tác giả đã khẳng định một quan niệm thơ riêng của mình:
Anh yêu và đến với em không thể theo lối cũ mòn
Người đã hái hết hương hoa trên nẻo ấy
Anh sẽ tìm cho mình lối khác để đi…
(Với thơ)
Và đây là con đường thơ mà Chử văn Long đã chọn:
Anh sẽ hát tặng những ai anh gặp trên đường
Lời ca về em say đắm
Mong họ vui hơn sau vất vả mỗi ngày
Và trong lòng mọi người sẽ nảy sinh những bài ca khác
Họ mang tặng người mình yêu với tất cả đắm say! 
 (Với thơ)
Chử văn Long  coi trọng cảm xúc, vì chỉ có những cảm xúc chân thật khi sáng tác mới tạo nên sức sống bền lâu cho thi ca. Ông từng viết: “Thơ cũng như đời có sâu, nông, cao, thấp. Có thứ thứ thơ dễ nhớ, dễ thuộc. Có thử thơ có thể thấm đến tận cùng xương tủy, qua những cơn đau… Thơ hay đâu chỉ vì nhớ và thuộc. Nhớ thuộc thơ mới chỉ là lời, là chữ. Những sợi dây vô hình đằng sau mỗi chữ, mỗi lời mới giằng buộc xoắn quyện hồn ta cùng với buồn vui mơ hồ xa xăm không dứt”… Điều đặc biệt làm nên hồn thơ Chử văn Long là cái hồn quê dân dã, tình quê và người quê chân chất thật thà:
Anh sẽ chọn sắc màu dân dã
Anh sẽ thổi bài ca bằng cây sáo trúc quê nhà
Nỗi khổ đau của anh, niềm vui cũng của anh không gì vay mượn
(Với Thơ)
…Để trả lời những câu hỏi về thời đại mà mình đang sống, để nhận thức một cách sâu sắc về tâm nguyện của con người đương đại đang diễn ra trên nhiều trang viết. Cái tôi trữ tình trong thơ giai đoạn này nói chung và trong thơ Chử văn Long nói riêng mang tiếng nói tinh thần hiện đại, tách biệt với cái tôi cá nhân trong giai đoạn thơ chống Mỹ. Bước vào bức tranh đa sắc trong thơ Chử văn Long, ta thấy cái tôi thế sự rát bỏng ước vọng, niềm tin nhưng nhiều nỗi băn khoăn muốn đi tìm lời đáp… ngòi bút Chử văn Long đã xoáy sâu vào ngõ ngách cuộc sống, lột tả những mặt trái của nó… với những xót xa, day dứt về nhân cách làm người trước cuộc đời dâu bể. Nhà thơ từ một “Chú bé con cổ quàng khăn đỏ / Hồn đầy ắp thần tiên cùng với phép màu” (Ngây thơ),  chú bé ấy đi qua những thăng trầm của cuộc đời dâu bể đã vỡ lẽ một bi kịch không chỉ riêng mình:
Hơn ba mươi năm những điều tưởng tượng
Đã hiện ra sau lớp sương hồng
Lý tưởng, ước mơ, bạc tiền, danh vọng
Người chất ngất giầu sang, bao kẻ lại bần cùng
(Ngây thơ)
Trước thềm thế kỷ mới cái tôi trữ tình Chử văn Long phân bua với người đời về tương lai nhân loại, về thế hệ trẻ trước lối sống đua đòi và bệnh dịch tràn lan trong cộng đồng, một vấn đề thời sự nổi cộm của xã hội hiện đại đang đẩy loài người đứng trước vực thẳm của thần chết:
Nhân loại ơi
Chào đón ta sang thế kỷ này
Sao lại bắt đầu
Bằng chiếc băng rôn ngang đường chống AID
(Nhờ cậy)
… Sự suy đồi văn hóa diễn ra khắp nơi. Chử văn Long góp phần bóc mẽ các hình thức kinh doanh trá hình đang hoành hành trong đời sống con người:
Anh bước dạo qua quán hàng tấp nập
Ô cửa kính trọng, ô cửa kính mờ
Lòng lại nghĩ môi son má phấn
Ở nơi này không phải để cho thơ
(Biển Đồ Sơn)
Phỏng theo lối sống lố lăng… dưới con mắt của nhà thơ, yếu tố văn hóa trong thơ ca tựa như chiếc xe đang tuột dốc:
Bao cuộc chơi thơ nháo nhào bậm trợn
Thơ mang giấc mơ hình chiếc thớt với dao phay
Thơ thèm chồng, cả thơ giao hợp…
Mai mốt còn thêm thơ gì mới nữa đây?                                     
(Thơ và mộng và thơ)
Quá trình chiêm nghiệm, nhận thức, khai thác triệt để hiện thực cuộc sống từ nhiều cách nhìn đa diện đã đưa thơ Chử văn Long không chỉ phơi bày thực trạng xã hội với những vấn đề bức xúc mà còn nhằm vào những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh. Đó là thơ cất lên tiếng nói đồng cảm sâu sắc với những kiếp người đau khổ, bất hạnh đang bị cuộc sống miếng cơm, manh áo đè nặng trên vai… Qua những hình ảnh thân phận đó, tác giả hướng về những giá trị nhân văn truyền thống. Đây cũng là chất nhân văn sâu thẳm quán xuyến thơ ông.
Tình trạng tha hương của người quê nghèo khó diễn ra mọi tỉnh thành, vì miếng cơm manh áo chấp nhận rời bỏ làng quê thân thương:
Những người chuyển đến thành phố ở
Bỏ lại quê bao vất vả nhọc nhằn
Chẳng biết họ bên góc lòng có nhớ
Về miền quê rơm rạ của mình chăng ?
(Những người chuyển đến thành phố ở)
Áo vẫn rách, tháng ngày cơm vẫn đói
Vẫn bao người bỏ quê quán tha hương
(Mong muốn bình thường)
Và từ những người dân nghèo ấy cứ thế lao vào guồng quay của dòng đời mưu sinh:
Từ phía nông dân
Trên những cánh đồng quanh năm nghèo đói
Không sống được
Lao ra thành phố
Nhập vào các cuộc đuổi săn…
Ôi cuộc đời
Cuộc đời muôn năm
Làm cuộc săn lùng vĩ đại!                                          
(Hàng ngày)
Thân phận con ong cái kiến “bới ăn trong rác” đã trở thành tình hình đáng lo ngại trên toàn thế giới:
Và ngoài kia thế giới
Đang lửa bỏng dầu sôi
Kẻ bới ăn trong rác
Người mua được cả trời   
(Trong phòng họp)
Hằn lên sự nhọc nhằn gian khó của những anh xe thồ trên mỗi nẻo đường quê, đằng sau họ là cả một gia đình cậy mong:
Nghênh ngang mấy chú xe thồ
Chở bao nhiêu nỗi giày vò đi theo  
(Vu vơ)
Hoàn cảnh đói nghèo được phản ảnh trong nhận thức cay đắng về sự tồn tại cơ cực của con người trong cõi nhân gian, mỗi cá nhân luôn luôn phải dành dật đấu tranh để tồn tại. 
Tầm nhìn thời đại của Chử văn Long đa chiều kích ở mọi bình diện đời sống, tầm nhìn ấy không bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ mà là cái nhìn bao quát trên tầm nhân loại trước những thử thách lớn lao… Hiện lên qua những trang thơ của tác giả là một tư duy nhân loại về thời đại ở giai đoạn chuyển mình sang thế kỷ XXI. Nếu không chiêm nghiệm và suy tư nhà thơ sẽ không có được những câu thơ thấm đẫm cảm xúc một bầu không khí chính trị nóng hổi trong thơ ông được bộc lộ qua cái tôi thế sự rát bỏng tinh thần thời đại:
Thế giới như thể bàn cờ
Bày ra, dập, xóa
Những bàn tay đeo găng trắng muốt chơi cờ trên số phận nhân dân  
(Thế giới)
Có lúc cái tôi trữ tình thế sự  rơi vào trạng thái hoài nghi, mất niềm tin:
Lịch sử sao mà nghiệt ngã
Luôn chứa ở trong mình dối trát
Đã ở đâu có được công bằng
Ai nói rằng lịch sử của nhân dân
Nhân dân đã bao giờ được tự tay cầm lấy
(Pasternak)
Nhà thơ tâm sự rằng: Ông viết những dòng này đúng lúc nước Mỹ đang bầu cử tổng thống thứ bốn mươi ba, hai ông AlGore và Geoge Bush đang tranh giành nhau lá phiếu nhầm lẫn ở bang Florida, còn nhân dân nước Mỹ thì xuống đường biểu tình. Một đất nước luôn rao giảng tự do, bác ái, bình đẳng, nhưng những gì đang diễn ra thì bác ái ở đâu, văn minh công bằng ở đâu? Thấy được điều này đã khó, nhưng khó hơn là nhà thơ dám cầm bút viết lên được những dòng thơ giúp người đời nhìn ra chân lý. Chân lý thường thuộc về kẻ có quyền có tiền có thể xáo trộn, đổi trắng thay đen cả xã hội. Những câu thơ làm bừng tỉnh lương tri của con người trước thời đại không chỉ riêng xã hội nào, đất nước nào. Ở thơ Chử văn Long cho người đọc thấy một thái độ quyết liệt về ý thức vai trò người cầm bút và đạo đức nghệ sĩ của ông… Nhưng trước cơn lốc thị trường, con người nhiều khi chỉ còn là những cá nhân đơn lẻ, những số phận cô đơn không được sẻ chia. Thơ ca sau 1975 nói chung và trong thơ Chử văn Long nói riêng xuất hiện rõ trạng thái bất lực của con người:
Ở nơi ấy anh nhìn đời rất rõ
Đời khao khát thương yêu, mong chống lại lọc lừa
Nhưng bắt đầu từ đâu, cuộn chỉ đời rối rắm?
Trong lòng tay tạo hóa cứ bông đùa
(Mơ giấc mùa xuân)
Và trong bất lực tưởng không gì thay đổi được, tác giả vẫn tin tưởng vào vẻ đẹp diệu kỳ ở bản chất con người:
Ước gì mỗi con người, mỗi phần nhỏ nhất của con người
Nghiền không nát, cứ lành nguyên bản chất
Như giọt thủy ngân này lấp lánh gương soi!
(Đi tìm thủy ngân)
Với hình ảnh  “cháy sáng” của “hòn than” là lời “hiệu triệu” con người sống tốt đẹp và công hiến hết mình của tác giả:
Mưởi năm sống ở đây hòn than cho tôi nếp nghĩ
Để tỏa sáng phút giây phải triệu năm trong lòng đất âm thầm
Yêu quý biết bao cuộc đời ngắn ngủi
Con người ơi phải sống hết mình 
(Thị xã bên bờ vịnh đẹp)
Cái tôi đằm thắm, chân thành trong tình yêu, tình cảm gia đình:
Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ ca, thơ Chử văn Long tìm đến với tình yêu như một lẽ tất yếu để góp phần giải mã trái tim người và bộc lộ thế giới nội tâm sâu sắc của mình. Ta gặp cái tôi chân thành đến run rẩy, bối rối trong tình yêu lãng mạng, trong trẻo của những rung động đầu đời!
Thuở ấy chúng mình còn rất thơ ngây
Em hỏi anh vì sao trăng khuyết ?
Bối rối nhìn em lòng anh mới biết
Cũng như em đến tuổi trăng tròn…   
(Thuở ấy)
Phút “bối rối”dưới vầng trăng thơ mộng ấy đã xa rồi mà mãi đến hôm nay vẫn nồng nàn sống động:
Thuở ấy xa rồi những phút thương thương
Thêm yêu lắm vầng trăng một thuở
Giờ xa nhau để ánh trăng đầu ngõ
Cứ sáng hoài sáng mãi buổi chia ly  
(Thuở ấy)
Thuở “thơ ngây” vội vã đi qua, những rạo rực tha thiết ngày nào nhường lại cho những ngày tháng lo toan cuộc sống vợ chồng con cái. Có đôi khi, cái tôi trữ tình nhuốm sự xót xa, tiếc nuối khi nhận ra những “chờ đợi si mê” của thời “ngây thơ hạnh phúc” đã không còn nữa:
Con đường quê màu hoa cỏ dại
Bước sớm mai ta vẫn đi về
Nhưng chẳng còn dừng chân để hái
Chẳng còn thầm thì chờ đợi si mê 
(Con chim nhảy nhót)
Từ một cái tôi lãng mạng trong tình yêu “bối rối” ngày nào, chàng trai trẻ giờ đây đã trưởng thành và chững chạc trong gia đình với trách nhiệm làm con, làm chồng, làm cha. Thấm thêm công ơn cha mẹ sinh thành, nhà thơ đã dành những lời thơ ân tình tha thiết để gửi tấm lòng người con biết ơn công lao cha mẹ:
Nhà tranh vách đất mẹ ru con mẹ lớn lên
Năm mưa mười nắng mẹ ru con mẹ lớn lên
…Mẹ ru con dưới tầm bom dội
…Hàng trăm gánh nặng cuộc đời đặt lên vai mẹ
…Lời ru con tháng năm mẹ cắm theo từng gié mạ
…Mẹ ru con dưới đầu đòn gánh, mẹ gánh con chạy giặc tản cư
Mẹ ru con trên nền nhà lửa thiêu cháy rụi
(Lời mẹ ru con)
Con lớn lên từ lời ru của mẹ trong hoàn cảnh gian lao, lòng ôm ấp hoài bão “Tôi khao khát những miền xa lạ”, như con chim nhạn “Cuối trời còn muốn bay”. Để ngày trở về “Cỏ xanh biếc phủ dày trên mộ mẹ” lòng không khỏi xót xa:
Dù đã biết có một ngày như thế
Vẫn bàng hoàng trước mây trắng như bông
Vẫn bàng hoàng trước cuồn cuộn giòng sông… 
(Tôi trở về nơi mình đã ra đi)
Sống ở thời buổi cuộc sống trăm bề thiếu thốn. Để mua được chiếc áo cho con:
Lần này cha dũng cảm như người dũng cảm bước lên bàn mổ
Đã cắt xén đồng lương tối thiểu của mình
Mua được cho con áo mới
như một sự kiện lớn, đem đến niềm vui cho mỗi thành viên trong gia đình:
Cha đem đến cho cả nhà niềm vui
Cha hình dung ánh mắt con sáng lên lấp lánh
Và trong ánh mắt mệt mỏi của mẹ con cha gặp lại nụ cười!
(Chiếc áo mới)
…Người cha suốt đời vì con chẳng quản khó nhọc tháng năm, coi con lúc nào cũng là trung tâm, là lẽ sống “Con là mặt trời/Cha trái đất quay theo” (Đi thăm con)   
          Bước vào cuộc sống gia đình, cùng chung lưng đấu cật với người vợ tảo tần khuya sớm dạy con cái nên người, mới bộc lộ hết dài rộng của tình thương yêu chia ngọt sẻ bùi, vợ chồng nghĩa nặng tình sâu. Hình ảnh người vợ không chỉ là tri kỷ trong cuộc đời nhà thơ mà còn là điểm tựa cho thơ ông. Tác giả ý thức được thứ hạnh phúc nhỏ bé nhưng xiết bao ấm áp khi nghĩ về người vợ bao năm gồng gánh nơi quê nghèo:
Cột thu lôi cao vút lên trời
Nơi dập sét cuối cùng lại là nơi tiếp đất
Cũng như cuộc đời anh, trải quá nhiều đớn đau, thử thách
Có ai ngờ nơi gánh chịu lại là em  
                    (Cột thu lôi)
Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt, đôi khi vì cơm áo lấp vùi mà xao  nhãng… và đây là những câu thơ tự thú rất đỗi chân tình:
Nhiều khi quên cả em bên cạnh
Cơm áo lo toan suốt tối ngày
Anh đã quên đi niềm kiêu hãnh
Em là ngọc quý giữa lòng tay
(Mùa xuân mầu nhiệm)
Có được mấy người chồng để ý đến gương mặt vợ mình:
Những nếp nhăn đuôi mắt kia in đậm
Đến sợi tóc phai màu trước mắt thờ ơ  
(Đã mấy lúc ta ngồi nhìn ngắm)
nhận ra hình dáng tươi đẹp ngày nào của vợ đã đổi thay mà nghẹn ngào:
Nhìn em gầy thương mến tận tâm can
Anh định cất lên đôi lời dịu ngọt
Cánh cửa lời kia bỗng nặng vô vàn   
(Thu không phải mà hè không phải)
người vợ ân tình son sắt lúc nào cũng thức trực trong lòng người chồng được ví với hình ảnh tuyệt đẹp:
Sông mang bóng cầu trôi lặng lẽ
Như lòng anh mang nặng tình em
Trên mặt sóng xôn xao tuổi trẻ
Dưới lòng sâu quặn nỗi đau chìm                                                   (Chiều qua cầu)
Đời người vốn không bằng phẳng, ngược lại có biết bao trái ngang bất hạnh phải vượt qua, con người vẫn sống để yêu thương, tình cảm vợ chồng vẫn ấm áp bởi những ân cần động viên lẫn nhau bất cứ hoàn cảnh éo le nào:
Một ánh mắt trao nhau, một lời nói nhẹ
Một cặp lồng cơm ủ ấm giữ hơi
Chiếc áo cũ giặt đi em vá
Nén những băn khoăn, giữ lấy nụ cười 
            (Hãy chiều nhau thêm nữa em ơi)
Em hãy cười vui lau đi nước mắt
Cho lòng anh bớt trĩu nặng u buồn   
(Vui buồn)
Cảm ơn nhà thơ Chử văn Long đã cho chúng ta cảm nhận hết vẻ đẹp tình yêu. Hạnh phúc không kiếm tìm đâu xa mà gần ngay trước mắt, khi người yêu đang mỉm cười ở bên ta … đủ nâng đỡ con người vượt qua mọi khốn khó, khổ đau… những câu thơ không mượn hình tượng cao sang, không trau truốt ngôn từ mà chạm tới trái tim người đọc những vẻ đẹp bản chất một tình yêu đích thực trong cuộc đời, thiêng liêng, không có chỗ cho sự ích kỷ dối lừa.
“Vợ” là nguồn hạnh phúc, cũng là điểm tựa vững chắc trong đời thực cũng như đời thơ của tác giả. Bấy nhiêu đã đủ để nhà thơ yêu quý biết bao cuộc đời trần thế:
Anh yêu em một tình yêu nhỏ bé
Như bao điều nhỏ bé ở xung quanh
Không mong ước lớn lao, không mơ gì vĩ đại
Ngoài đơn sơ mái ấm nhà tranh                 
(Một tình yêu nhỏ bé)
Cả khi cuộc sống đang trở nên mất định hướng ở tương lai thì “đơn xơ mái ấm nhà tranh” đã nâng đỡ tâm hồn nhà thơ không đi vào ngõ cụt”
Và như thế ta đâu cần gì nữa
Mọi vàng son đâu có nghĩa phút này
Anh lại được ngồi bên em nói những điều không quan trọng
Lại được cầm nhỏ bé một bàn tay     
(Một tình yêu nhỏ bé)
Nhưng cuộc đời ngắn ngủi chẳng tày gang, hạnh phúc vốn mong manh dễ vỡ, chẳng thể nào níu giữ, khi phải chia ly người vợ yêu quý, ông đã viết hơn ba mươi bài thơ khóc vợ, hồi tưởng quãng đời đã sống bên nhau, bao mặn nhạt sẻ chia, in thành tập “Ngôi sao đã khóc” đặt lên bàn thờ hương khói vợ, giờ đọc lại những câu thơ thắt lòng tưởng chừng nhà thơ gục ngã suy sụp không sao gượng lên nổi nữa; nhưng số phận lạ kỳ, nhà thơ đã gặp được người con gái làm thơ, quê mãi tận Nghi Xuân - Hà Tình (nữ sĩ Quỳnh Hoa). Hai con tim đồng điệu, cảm thông đã chắp nối lại giây đàn lỡ dở, hai hồn thơ tựa đỡ vào nhau lần nữa lại hồi sinh:
Hình ảnh chị ngỡ chỉ còn trong mộng
Lại qua em anh gặp lại hình hài
Ánh mắt dịu êm, nụ cười đằm thắm
Lại cùng anh chia ngọt xẻ bùi                                                    
(Khi đất trời dun dủi)
Nhưng con tạo cũng thật éo le, xe duyên buộc chỉ đến nay đã mười lăm năm có lẻ, hai người vẫn không tạo nổi hoàn cảnh sống chung dưới một mái nhà, tháng ngày vẫn luôn thao thức ngóng trông ngoài ba trăm cây số nhớ thương, thương nhớ đi về, để cho đời có thêm những khúc ca tha thiết hai người viết cho nhau với đủ mọi cung bậc vui buồn. Những bài thơ tình yêu của nhà thơ Chử văn Long ở chặng này không còn ào ạt, sôi nổi của tình yêu thời trẻ mà hướng tâm hồn ta thao thức cùng những sâu đằm:
Chiều nay lòng dạ ngổn ngang
Nhớ người mãi bến sông Lam xa vời                                         
(Nhớ)
Thương nhớ quá nhiều khi anh ngơ ngẩn
Ra sông Hồng để thấy nước sông trôi
Như được thấy nước sông Lam đang chảy
Dưới đêm trăng bên đập đá ta ngồi             
            (Anh đã nói thương em)
hay:
Nhớ em ra ngõ trông đường
Xa nghe bánh sắt tàu dồn nhớ nhung              
(Nhớ)
Sau mọi từng trải, người ta sẽ thấy đời người quá ngắn. Yêu quý biết bao những giây phút được thương mến sẻ chia:
Anh quên hết mọi điều ràng buộc
Chỉ nhớ em nơi tít tắp chân trời  
          (Anh quên hết mọi điều ràng buộc)
Những dòng thơ như rất riêng của cuộc đời nhà thơ lại có sức lay động hồn người về ý nghĩa của những tháng ngày đang sống, đâu là hạnh phúc đích thực ta vẫn kiếm tìm:
Tháng ngày còn lại hai ta
Ước chi chung được mái nhà ấm êm
Để khi buồn bã có em
Chia cùng nhau những nỗi niềm đầy vơi
Còn như những chuyện xa vời
Mặc sông mặc núi, mặc người ước mong…
Anh giờ chỉ mỗi ngóng trông
Chỉ thương đăm đắm bên lòng em xa   
             (Đời người ngắn lắm)
Mấy lời kết:
Chử văn Long là nhà thơ tràn đầy nhiệt huyết… là “nhà thơ của cuộc đời, nhà thơ của tình người” hay nói đúng hơn: tình đời, tình người là lẽ sống trong thơ ông, vừa dung dì, mộc mạc mang điệu hồn ca dao dân tộc, vừa chứa đựng hơi thở cuộc sống đời thường. Thơ ông góp phần làm bề thế hơn, phong phú và sâu sắc hơn diện mạo thơ ca Việt Nam trong thời kỳ mới… luôn có sự đồng cảm lay động trái tim và khối óc của nhiều thế hệ bạn đọc.
*
LÊ THỊ HIỀN THU
Địa chỉ: Thôn Liêm Trại, xã Mỹ Thịnh,
huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

           .






........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Nhà thơ Chử Văn Long gửi đăng qua email: kstoan12@gmail.com ngày 11.03.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét