- Nhà thơ Lưu Trọng Lư (1912 - 1991) - |
TRĂNG LÊN
VÀ PHÉP ẨN DỤ
TOÀN BÀI
Cũng
nhờ thói quen để địa chỉ e-mail ở cuối mỗi bài thơ, bài viết nên tôi thường
nhận được thư góp ý, phê bình của bạn đọc. Lời qua tiếng lại trong hai bài viết
Tản Mạn Về Ý Tứ Trong Thơ và Thuyền Ta Bơi Lặng
Trong Dòng Mắt Em
tưởng đã lắng xuống, ai dè hôm nay lại thêm một thư nữa từ một người không quen
mà nội dung của bức thư không thể làm ngơ.
“Chào ông Phạm Đức Nhì, ông nghĩ sao về nhận định của nhà phê bình
văn học Thụy Khuê trong đoạn dưới đây về bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư?”
Qua bốn câu thơ, Lưu Trọng Lư đã dùng một ẩn
dụ xác định (mắt em là một dòng sông), bốn ẩn dụ ví ngầm (vầng trăng, mái tóc
mây, hồn thu tạnh, thuyền ta) và năm động từ (lên, mơ, say, bơi, lặng) để
vẽ nên ít nhất hai khung cảnh lồng ấp lên nhau: hư cảnh dưới ánh trăng thu vừa
nhô lên đỉnh mây, một chiếc thuyền tình lặng lờ bơi theo dòng nước; thực cảnh
hình ảnh cuồng say, mộng ảo của đôi tình nhân nghiêng xuống nhau trong giây
phút ái ân, đắm đuối .... Hư cảnh ôm ấp thực cảnh, hay thực cảnh tan loãng
trong hư cảnh ....
Thi nhân thường so sánh khuôn mặt đàn bà với
vầng trăng. Cái khác lạ ở đây là Lưu Trọng Lư dùng vầng trăng để mường tượng
vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc người yêu: hình
ảnh "vầng trăng lên mái tóc mây" vô cùng quyến rũ. Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên khám phá ra hình ảnh ấy,
ông viết: "Mượn vầng trăng nhô đầu lên đám mây đen mà tả cái phút ái ân
của đôi trai gái trong lúc giáo đầu thì như thế thật là đầy tình, đầy mộng,
thật là thanh cao, thật là tuyệt bút" (Nhà Văn Hiện Đại).
Chữ mây hàm chứa nhiều ý nghĩa: mây
là óng mượt như sợi mây (dùng để đan giỏ). mây còn có thể
là mây mưa, mây gió. Mây cũng là cung mây, tột đỉnh của hạnh lạc. Lưu
Trọng Lư đã đặt hình ảnh: vầng trăng lên mái tóc mây bên cạnh hình
ảnh thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em, để lòng ấp hai linh hồn, hai
hình hài say đắm, mắt trong mắt, trong khung cảnh tuyệt đỉnh thần tiên, thơ
mộng
Trước
hết tôi xin chuyển một vài từ hơi chuyên môn của Thụy Khuê qua cách hiểu đơn
giản của tôi:
1/ Ẩn
dụ xác định: tiếng Anh là simile và được nhiều
sách và web văn học dich là “phép so sánh được nối với nhau bằng giống như, như thể, như là (like, as)”
Thí
dụ:
-
Cô ấy gầy như cây tăm
-
Tình yêu của em dành cho anh sâu thẳm như
lòng đại dương
-
Mắt em là một dòng sông
-
All the world's a stage,
And
all the men and women merely players;
They
have their exits and their entrances; - (William Shakespeare, As You Like It, 2/7)
Tạm
dịch là:
Thế giới là sân khấu,
Và con người chỉ là những diễn viên
Đi ra hoặc đi vào; - (William Shakespeare, As You Like It, 2/7)
2/ Ẩn
dụ ví ngầm (metaphor) hay ẩn dụ: nói cái này mà ngụ ý cái kia; giữa cái này và
cái kia không có giống như, như là (like,
as) như phép so sánh vì chúng được hiểu
ngầm Thường thì ẩn dụ được áp dụng ở đơn vị chữ, nhóm chữ, câu và người đọc thơ
văn thường là có thể tự hiểu, không cần giải thích cặn kẽ.
Thí
dụ:
Môn
Triết này khó nuốt quá
(ví môn Triết như một món ăn)
Gần
mực thì đen, gần đèn thì sáng
(ví người xấu như mực, người tốt như đèn).
(Tục ngữ)
Thuyền
ơi có nhớ bến chăng?
Bến
thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
(ví vợ chồng hay người yêu như bến với thuyền)
(Ca dao)
Đến
đây tôi xin bạn đọc cùng tôi để ý đến phép Ẩn Dụ áp dụng cho cả bài thơ. Tôi
gọi là Ẩn Dụ Toàn Bài.
Thí
dụ:
Một Câu Đố Dân
Gian
Thân em lắm lớp nhiều lông
chưa khôn lớn đã lấy chồng miền xa
ở nhà với cha thì còn nguyên vẹn
đi lấy chồng thì toạc hoác ra
Đây là
một câu “đố tục giảng thanh” áp dụng phép ẩn dụ, nói cái này mà ngụ ý cái kia.
Tứ
(nghĩa văn bản): lời than vãn của cô gái phải lấy chồng quá sớm nên “cánh cửa
trinh nguyên” của cô bị mở toang hoác (tục), rất đáng thương.
Ý
(nghĩa bóng cũng là lời giải của câu đố): búp măng tre.
Phép
ẩn dụ toàn bài được coi là thành công phải bao quát cả bài thơ; chi tiết, tình tiết chính của cái này (Tứ) phải hợp lý,
tương xứng và ăn khớp với chi tiết, tình tiết chính của cái kia (Ý).
Ở
đây búp măng tre cũng lắm lớp nhiều lông, chưa kịp lớn (thành cây) đã bị tách
khỏi bụi và bị con người bóc toạc hoác những lớp vỏ ngoài để ăn phần măng mềm ở
trong. Lời giải của câu đố (ý) tương đối tương xứng với câu đố (tứ) nên phép ẩn
dụ ở đây có thể gọi là thành công.
Cũng
có người đưa ra lời giải câu đố là trái bắp - cũng lắm lớp nhiều lông, cũng lấy chồng miền xa, cũng “toạc
hoác ra. Nhưng có một chi tiết không ăn
khớp; đó là “chưa khôn lớn”. Khác với búp
măng tre, người đời thường thu hoạch bắp khi đã lớn, đã trưởng thành. Chính vì
“phép ẩn dụ còn thiếu sót” mà người
tham dự cuộc chơi đố đã chọn búp măng tre - chứ không phải trái bắp - là lời
giải đúng của câu đố.
Thụy
Khuê trích lại ý của Vũ Ngọc Phan cho rằng Lưu Trọng Lư đã mượn cảnh trăng lên
để tả lúc giáo đầu ái ân của đôi trai gái. Theo tôi, bà muốn nói là Lưu Trọng
Lư, trong Trăng Lên, đã dùng phép ẩn dụ toàn bài: nói cái này mà
ngụ ý cái kia.
Trăng Lên
Vầng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh mơ say hương nồng
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Cái
này (tứ thơ): cảnh trăng lên.
Cái
kia (ý): cảnh ái ân của đôi trai gái.
Tôi
đồng ý với Vũ Ngọc Phan và Thụy Khuê là
"Mượn vầng trăng nhô đầu lên đám mây đen mà
tả cái phút ái ân của đôi trai gái trong lúc giáo đầu thì như thế thật là đầy
tình, đầy mộng, thật là thanh cao, thật là tuyệt bút"
Nhưng
còn 2 câu cuối của bài thơ thì sao?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Nếu
hiểu bài Trăng Lên là cảnh ái ân của đôi trai gái thì lúc ấy
ngoài lửa tình sẽ còn có lửa dục; mà lửa dục thì phải nói là “nóng như hỏa diệm
sơn”. Mắt em không còn “là một dòng sông” trong vắt để có thể in hình “thuyền
ta” (1) ở trong ấy nữa vì đã bị mờ đục bởi hơi nóng ngất trời của lửa tình, lửa
dục. Và “thuyền ta”, nếu may mắn, có một tích tắc nào đó lọt vào mắt em thì
cũng tròng trành, chao đảo, nghiêng ngửa như đang gặp cơn bão xoáy chứ làm sao
có thể “bơi lặng” được. Cách hiểu của Vũ Ngọc Phan và Thụy Khuê sẽ làm 2 câu
hay nhất của bài thơ - tả cô gái đang nhìn chàng trai đắm đuối - trở thành vô
duyên, lạc lõng.
Thụy
Khuê và Vũ Ngọc Phan là hai nhà phê bình văn học tài hoa mà tôi rất kính trọng.
Tác phẩm của hai người là cột mốc quan trọng trong văn học sử, có tầm nhìn bao
quát trong nhiều lãnh vực văn chương, văn học, và với Thụy Khuê, cả văn hóa,
văn nghệ nữa. Nhưng trong chuyện bếp núc thơ ca, đặc biệt là là khi sử dụng ẩn
dụ toàn bài, tôi tin ở sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Theo tôi, Vũ Ngọc
Phan và Thụy Khuê đã đưa trí tưởng tượng đi quá xa. Tứ thơ của Trăng Lên lung
linh huyền ảo vì thủ pháp Show, Not Tell được tác giả sử dụng điêu luyện chứ
bài thơ tuyệt nhiên không
có phếp ẩn dụ toàn bài.
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa
chỉ: League City ,
Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
Chú Thích:
1/ “Thuyền ta” ở đây là “ta”, là
chàng trai trong bài thơ, là tác giả chứ không phải là “một chiếc thuyền
tình lặng lờ bơi theo dòng nước” như Thụy Khuê nghĩ.
........................................................................................
-
© Tác giả giữ bản quyền.
-
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 10.03.2016
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét