MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

CHẠNH LÒNG NGHĨ TỚI THÚY VÂN - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Internet)
CHẠNH LÒNG NGHĨ TỚI
THÚY VÂN
*
Tôi được cha mẹ sinh ra ở đất Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Sáu mươi tuổi có thêm quê ngoại ở đất Nghi Xuân - Hà Tĩnh, lúc bâng quơ tôi thường tự hỏi: “Con người ta có số phận hay không?”.
Lần đầu về Nghi Xuân ăn Tết - cái Tết Giáp Thân năm nay thật đẹp ngay phút giao thừa đã có mưa bay. Sáng ra nhìn mặt sông Lam không còn thấy đâu nước, đâu trời. Những con thuyền sát bờ mà chỉ chập chờn mờ ảo. Mấy ngày mưa làm con đường trước ngõ ướt dượt, thêm gió lạnh se se, ngó ra ngại ngùng… Đúng lúc ấy, anh Đặng Việt Tường - người bạn tôi mới quen ở đây, biết tôi về ăn tết tới thăm. Mấy cây số đường mưa bụi, đã làm áo anh ướt gần hết. Nhà tôi đem áo của tôi để anh thay rồi đi pha ấm trà nóng. Chiếc chiếu hoa được trải giữa nhà, ba chúng tôi ngồi truyện trò về tết, về xuân. Lâu lắm rồi mới gặp một nùa xuân có mưa đúng vào những ngày Tết thế này, bạn tôi kể lại. Tết ngày xưa ở đây xóm làng nghèo lắm. Có năm, có nhà chỉ có bát cơm không độn cho con ăn mồng một Tết, mồng hai đã phải ra đồng bãi, hoặc theo sông nước kiếm ăn… Câu chuyện gợi lòng tôi bâng khuâng: Một vùng đất đai cằn cỗi gian khó là vậy, mà sao lại sinh ra những câu Kiều mơn mởn tươi xanh và sao cả cuốn truyện thơ dài mấy nghìn câu mà Nguyễn Du chỉ chấm phá vài nét nghèo thấp thoáng “Lau treo rèm nát trúc cài phên thưa”, như những nét tranh thuỷ mạc đẹp mà buồn. Còn các nhà thơ hiện đại bây giờ để tả cảnh nghèo, nhiều khi chỉ trong một bài thơ có bao nhiêu từ ngữ để nói về cái nghèo, thường dốc dộc tất cả vào đấy! Phải chăng quan niệm các cụ ta xưa khác với bây giờ, là đi tìm những éo le phận số, để qua đó thấy được vẻ đẹp tâm hồn của con người không kể nghèo giàu… Thế là chuyện ngày xuân bỗng chuyển sang vẻ đẹp của những trang Kiều. Ấm trà được thay. Cạn xong chén nước mới, anh Tường vui vẻ tiếp lời: “Từ xưa đọc Kiều, người ta thường nghĩ Thuý Vân có số sinh ra để hưởng an nhàn hạnh phúc, anh có nghĩ như vậy không?”. Tôi thú thật, mỗi khi đọc lại truyện Kiều, mình thường lướt qua nhân vật Thuý Vân. Bởi những câu thơ gây niềm xúc động thường hút ta theo số phận nàng Kiều. Cuộc đời Thuý Vân hiện ra đó đây thấp thoáng như là có số để hưởng vinh hoa phú quý sang giàu… Cả khi gia đình gặp chuyện đau thương nguy biến nhất, Kiều phải bán mình để chuộc cha, đứt ruột chia lìa người mình yêu dấu, thì Thuý Vân lại được Kiều đem trao KimTrọng, để em thay chị giữ lời nguyền ước…! Cha ông ta khi bàn về tình yêu đã thấy cái giá của hạnh phúc lứa đôi, nếu không “Trèo non vượt biển” thì cũng phải “Mòn đường đứt cỏ”, “Rày xuống mai lên”… Tình yêu đâu phải thứ vật dụng, hay một món quà, chị không dùng có thể cho em… Làm gì có thứ hạnh phúc giản đơn đến vậy mà làm nên nghĩa nặng tình sâu ở đời. Nhìn bề ngoài, Thuý Vân lấy được Kim Trọng làm chồng, sinh con nối dõi tông đường, hưởng vinh hoa phúc lộc khi chàng thi đỗ làm quan…
Nhưng thử tưởng tượng, đời một người con gái sống bên chồng, mà người chồng lại gửi hồn nơi chân trời góc biển thương nhớ người xưa, đến nỗi “Treo ấn từ quan” để lặn lội lên rừng xuống biển “Còn ta ta gặp mặt nàng mới thôi”! Chứ đâu có sống cùng mình? Rồi khi họ tìm được nhau, có cả mặt mình ngồi đó để nghe họ ôn lại những lời vàng thau thề thốt… Chả lẽ lúc ấy Vân không thấy chạnh lòng? Dù người đàn bà kia là Kiều - chị gái mình chăng nữa?
Đã từ muôn đời, con trai con gái đến với nhau làm nên những mối tơ duyên chồng vợ. Người mê nhau vì tiền của, vì chức vị xã hội. Kẻ buộc chặt với nhau nhiều khi chỉ bằng ánh mắt nụ cười! Người có thể đảm bảo cho người mình yêu suốt đời trong nhung lụa. Kẻ chỉ có hai bàn tay trắng với trái tim đa cảm dám vượt qua thử thách gian nan, sống chết vì yêu… Tiếc mình không có địa vị sang trọng hay tiền của vật chất để thẩm định xem cái bàn cân tình yêu sẽ lệch bên nào? Khi phải vĩnh biệt chia ly người mình thương yêu gắn bó tôi đã nhận ra thứ quý giá nhất ở trên đời là tình yêu thuỷ chung son sắt trong hạnh phúc lứa đôi. Vì nó ta có thể vượt qua hết thẩy đau thương gian khó ở đời. Và cũng vì vậy tình yêu trở nên thiêng liêng có thể đưa ta tới cõi sánh vai cùng với thánh thần.
Truyện Kiều còn làm người đời say đắm chính vì cái mối tình đẹp của đôi trai gái yêu nhau khăng khít, thuỷ chung. Trải bao vật đổi sao dời, nổi chìm, đau khổ họ vẫn một lòng “đi tìm lại được lời yêu từ thuở ban đầu”. Trong lẽ sinh tồn, để đến được hạnh phúc, đến được tình yêu đích thực là phải trả giá đời mình để có như Kiều. Lẽ nào lại có thứ hạnh phúc giản đơn như cuộc sống Thuý Vân đã sống. Nhìn qua như hạnh phúc ấm êm, hoá ra lại chứa đựng những bi kịch, bi hài!
Từ buổi có Truyện Kiều, người đọc là con số ngàn, vạn, triệu, rồi nhiều triệu độc giả trong nước, ngoài nước, phương Đông, phương Tây. Đã bao bút giấy luận bàn dầu hao bấc cạn. Dưới ánh sáng những ngọn đèn điện hiện đại ngày nay, tưởng chừng đã soi tỏ được đến tận cùng mỗi con chữ của Nguyễn Du. Vậy mà thêm năm tháng, tuổi tác, thấm thêm sự sống ở đời, đọc lại tác phẩm ta vẫn bất ngờ nhận ra thêm những ý tứ mà Nguyễn Du muốn gửi lại con người. Càng thêm thán phục thi hào, người đã chèo lái con thuyền số phận cập tới được mọi bến bờ sâu, nông, cao, thấp, trong đục… từng làm nhiều người lầm tưởng đấy là sự hạn chế của thế giới quan Nguyễn Du chưa tiếp cận được tầm nhìn khoa học hiện đại. Giờ nghĩ lại hoá ra sự uyên thâm quảng bác của Người chính lại là ở đấy. Cho con người theo đuổi cuộc sống đến mệt nhoài, lúc tưởng chỉ cần nhón gót chân lên là ta có thể bước vào lâu đài hạnh phúc lại hoá ra là ảo ảnh chập chờn… Đuổi theo được mất đến khi hụt hơi đuối sức, hai bàn tay tưởng đã buông xuôi thì Nguyễn Du lại lay ta dậy: Đừng nản lòng, hãy đứng lên tự quyết lấy đời mình! Đấy là sự ôm chứa rộng lớn của tư tưởng sống ở đời. Vừa duy vật lại vừa hướng con người tới cái lẽ thiện tâm, không chủ quan, phải biết sợ rằng ở đời còn cái lẽ huyền vi gắn với sự sống loài người từ những muôn năm, điều thiện, điều ác, điều lành, điều dữ, cái may, cái rủi nào ai lường được hết mọi điều? Cái lẽ huyền vi vô cùng kỳ diệu, vô cùng đẹp đẽ làm vậy, đâu chỉ là chuyện duy vật, duy tâm.
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.     
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com












…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét