MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

VÀI NÉT VỀ KINH DỊCH - Tác giả: Nguyễn Trung Thuần (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: Internet)
VÀI NÉT VỀ KINH DỊCH
*
Các tài liệu tìm hiểu nguồn gốc Bát quái của Trung Quốc nói rằng “Bát quái mới đầu hẳn được bắt nguồn từ Việt ngữ 粤语” , là từ dùng để chỉ một thái độ sống rạch ròi đâu ra đấy, gặp việc gì cũng bói quẻ, cho nên Bát quái có tên gọi đầy đủ trong Việt ngữ là “chư sự Bát quái” . 
Việt ngữ còn được gọi là tiếng Quảng Đông. Theo nghiên cứu của Trung Quốc, “越” và “粤” thời cổ là thông giả tự, có nghĩa là những chữ có thể thay thế cho nhau, chỉ vùng Bách Việt Hoa Nam. Từ thời cận cổ Minh, Thanh đến nay, hàm nghĩa của hai chữ mới đầu có chút khác biệt, “越” được dùng nhiều trong vùng Ngô ngữ Chiết Giang, “粤” được dùng nhiều trong vùng Lưỡng Quảng Lĩnh Nam, suốt một thời kì dài được gọi chung cho cả vùng Lĩnh Nam. 
Trong lịch sử, Lưỡng Quảng có tên gọi khác là Lưỡng Việt , Quảng Đông là Việt Đông, Quảng Tây là Việt Tây. Mãi đến thời kì Dân Quốc, “粤” mới dần thu hẹp nghĩa và được dùng làm tên gọi tắt của tỉnh Quảng Đông. Vì thế, trong các thời kì lịch sử khác nhau, “粤” được phân thành nghĩa rộng (chỉ Lĩnh Nam) và nghĩa hẹp (chỉ chỉ tỉnh Quảng Đông). Phạm vi Việt Đông và Việt Tây trong các thời kì lịch sử khác nhau dĩ nhiên cũng không giống nhau. Niên đại khởi nguồn và phát triển thành thục của Việt ngữ còn vượt xa cái thời phân chia Lưỡng Việt (Lưỡng Quảng). Cho nên, xét về bình diện văn hóa lịch sử, Việt ngữ thực sự chính là tiếng Lĩnh Nam (ngôn ngữ vùng Lĩnh Nam) theo nghĩa rộng, chứ không phải chỉ chỉ riêng tiếng Quảng Đông. Chỉ vì tiếng Anh dịch Việt ngữ thành Cantonese mà đâm ra người ta thường gọi là tiếng Quảng Đông. 
Cũng theo nghiên cứu của Trung Quốc, Lĩnh Nam theo nghĩa rộng chỉ vùng nằm ở phía nam Ngũ Lĩnh, nam Trung Quốc, và vùng Bắc Việt Nam, tương đương với Quảng Đông, Quảng Tây và toàn bộ Hải Nam, cùng một phần khu vực thuộc các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây…, cùng vùng nằm về phía bắc Đồng bằng Sông Hồng Việt Nam. Còn theo nghĩa hẹp là chỉ chỉ mỗi vùng phần phía nam núi Ngũ Lĩnh ở Nam Trung Quốc, do từ sau đời Tống mới bắt đầu chia thành Quảng Nam Đông Lộ và Quảng Nam Tây lộ, nên Việt Nam mới tách ra, kể từ đó không còn bao gồm vùng Miền Bắc Việt Nam nữa . 
Thiển nghĩ, mặc dù còn phải đợi kiểm chứng thêm, đây sẽ là manh mối hết sức quí giá cho chúng ta trong bước đường đi tìm nguồn gốc của bộ Kinh Dịch.

1. Ý nghĩa của tên sách Kinh Dịch
Kinh Dịch xưa nay được gọi là “thiên cổ kì thư”. Kinh Dịch thật lạ lùng, ai cũng ngưỡng mộ nó, đề cao nó, háo hức tìm đến nó, rồi đọc ngấu nghiến. Rơi vào một rừng chữ nghĩa “mông lung, xa lạ”, luôn nêu quyết tâm không chịu bó tay, để tỏ rõ không chịu thua kém mọi người, nhưng rồi vẫn thấy thật là khó nhằn. Không ít bậc “thức giả” là những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ... có đôi chút tiếng tăm đã phải đầu hàng trước nó, và đành phải thú thật, nhiều người đã dám không sợ bị động chạm đến uy danh hiểu biết của mình, mà rằng: Thử đọc rồi mà chẳng hiểu gì cả!
(Các tên gọi Kinh Dịch, Chu Dịch trong bài này đều cùng chỉ sách Kinh Dịch)
Nhiều người tỏ ra rất hào hứng với Kinh Dịch, đã phải bỏ rất nhiều thời gian mà rút cuộc lại chẳng thu được gì. Nguyên nhân là do chưa được cung cấp phương pháp đọc Kinh Dịch cho đúng cách. Kinh Dịch bày ra trước thế giới giống như một kho báu chưa được mở. Hơn 800 năm trước, Chu Tử (Chu Hi) từng đứng trước vấn đề tương tự, cách giải quyết do ông đề xuất là đọc Kinh Dịch theo phương pháp bói toán. Ông ta đã dùng phương pháp này, quả nhiên là có được nhiều thứ từ Kinh Dịch. Theo Chu Tử lí giải, thuật thông giữa trời với người do Kinh Dịch đưa ra chính là bói toán.
Nghe nói Khổng Tử cũng tin vào bói toán, và từng đích thân hành nghề. Trong cuốn Bạch thư khai quật được ở Mã Vương Đôi từ những năm 70 thế kỉ trước, có thiên “Yếu” ghi lại câu chuyện Khổng Tử xem bói.
Bói Kinh Dịch, với tư cách là thuật thông trời người, có mối liên quan chặt chẽ với mệnh đề quan trọng nhất trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc là mối quan hệ trời người ở trình độ rất cao, tương tự với loại bói toán bất hợp pháp gieo quẻ đoán số song không hề giống về thực chất tư tưởng Người Việt mình luôn quen với tên sách là Kinh Dịch, nhưng nhiều khi lại bắt gặp cả tên là Chu Dịch nữa.
Trung Quốc gọi sách Kinh Dịch là Dịch Kinh. Theo phân tích của họ, Dịch Kinh còn gọi là Chu Dịch hoặc Dịch. Dịch thực ra bao gồm Tam Dịch là Liên sơn, Qui tàng và Chu Dịch thời cổ, nhưng Liên sơn và Qui tàng đã thất truyền từ lâu. Chu Dịch vốn đích thực là một bộ sách bói dùng để xem quẻ. Đây chính là nguyên nhân Chu Dịch bị coi là ngụy khoa học. Chu Dịch tin có sự tồn tại của Trời; kết quả suy diễn của Chu Dịch là không xác định (chắc chắn), còn sự suy diễn của khoa học, thì dù có tính toán bao nhiêu lần đi nữa, kết quả là xác định (chắc chắn). Nói sách Chu Dịch bói toán là ngụy khoa học là có lí do, vấn đề nằm ở chỗ trong đó có bao hàm những nội dung tích cực hay không. Theo sách “Chu Lễ” của Trung Quốc ghi lại, cả ba đời Hạ, Thương, Chu đều có sách Dịch, song lưu truyền lại đến ngày nay chỉ có Kinh Dịch của đời Chu, vì thế mà gọi là Chu Dịch, nghĩa là sách Dịch đời nhà Chu. Chu Dịch về sau được Nho gia tôn lên thành kinh điển, nên gọi là Dịch Kinh, nghĩa là sách kinh điển Dịch, đồng thời đội cho nó chiếc vương miện “quần kinh chi thủ”. Nói đến Chu Dịch, nhiều người gọi đó là “quần kinh chi thủ”, là kinh của các kinh, là triết học của các triết học. Thực ra đây chỉ là một lập luận tương đối, có nghĩa là trong số các sách kinh điển, dường như Dịch Kinh bao gồm tất cả, Dịch Kinh chính là sự kết tinh của trí tuệ.
Vậy tại sao người Việt mình không để nguyên tên Dịch Kinh mà lại gọi là Kinh Dịch?
Các học giả Việt Nam đã coi nó là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung Hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư, nên đã gọi luôn là Kinh Dịch. Như vậy, Kinh Dịch theo cách gọi của Việt Nam xem ra lại có khác đôi phần về ý nghĩa so với Dịch Kinh theo cách gọi của Trung Quốc - sách kinh điển Dịch.
Từ đọc hiểu được Kinh Dịch đến nhà Dịch học là cả một khoảng cách xa vời. Nguyễn Hiến Lê nói: Ở Việt Nam chưa có nhà Dịch học.
2. Kinh Dịch là bộ sách thế nào?
Bộ thiên cổ kì thư Kinh Dịch ngưng tụ trí tuệ cổ xưa của các bận tiên hiền từng được hiểu lầm là một cuốn sách bói. Thực ra, bói chỉ là một dụng đồ nhỏ nhất của nó. Vậy rút cuộc, Kinh Dịch là bộ sách thế nào? Kinh Dịch thần bí là bộ sách vừa cổ xưa vừa tân kì, vừa xa lạ, vừa thâm sâu khó đoán, lại vừa dung dị giản đơn, là bộ pháp điển giải mã được bí ẩn của vũ trụ nhân sinh. Từ xưa đến nay, loài người luôn gắng sức khám phá những bí ẩn của vũ trụ nhân sinh, song cho đến tận thời nay, khi khoa học kĩ thuật đã phát triển cao độ, vẫn chưa thể giải mã được vũ trụ, lẽ nào tổ tiên của chúng ta đã làm được điều đó từ mấy ngàn năm trước?
Bấy nay, Kinh Dịch luôn được coi là một bộ kì thư trong lịch sử văn hóa Trung Quốc, đầy màu sắc thần bí. Sự đánh giá của các học giả qua các đời về nó có sự khác biệt rất lớn.
Kinh Dịch được coi là bộ sách nêu ra qui luật biến đổi phát triển của muôn sự muôn vật. Nho gia xếp nó là đứng đầu “Ngũ kinh” (“Dịch”, “Thư”, “Thi”, “Lễ”, “Xuân Thu”), Đạo gia thì coi nó là một trong “Tam huyền” (“Lão Tử”, “Trang Tử”, “Kinh Dịch”).
Bất luận là nghiên cứu thiên văn, địa lí, triết học, chính trị, binh pháp, đạo đức, hay y học, văn học, võ thuật, khí công, người ta đều truy ngược về Kinh Dịch, thậm chí có người còn cho Bát quái trong Kinh Dịch là ông tổ của văn tự. Đương nhiên, cũng có học giả cho Kinh Dịch là sách nói về bói toán mê tín thời phong kiến, là ngụy khoa học.
Tùy từng góc độ đánh giá mà tiêu chuẩn cũng khác nhau, kết luận dĩ nhiên cũng không giống nhau. Những người phê phán hay phê phán về tính chất bói toán của nó, còn những người khẳng định thì lại hay khẳng định nội dung triết học của nó. Dường như tất cả đều có lí, song lại đều mang tính phiến diện và thiên vị ở các mức độ khác nhau.
3. Làm thế nào để đọc hiểu được Kinh Dịch?
3.1. Đọc cuốn “Bát quái thần bí”
Muốn đọc hiểu được Kinh Dịch, trước tiên hãy tìm đến cuốn “Bát quái thần bí” của các học giả Trung Quốc. Có thể coi “Bát quái thần bí” là cuốn sách giải mã Kinh Dịch vô cùng lí thú. Bát quái đại diện cho tư tưởng triết học Trung Quốc thời xa xưa, ngoài chiêm bốc, phong thủy ra, nó còn ảnh hưởng tới cả Đông y, võ thuật, âm nhạc...
Học thuyết Bát quái được bắt nguồn từ Kinh Dịch và cũng là cốt lõi của Kinh Dịch. Giải mã được Học thuyết Bát quái là hiểu được Kinh Dịch. Quách Mạt Nhược từng nói trong “Nghiên cứu về xã hội Trung Quốc cổ đại”: “Chu Dịch là một tòa điện đường thần bí. Vì bản thân nó được xây nên bởi những viên gạch thần bí là Bát quái, lại thêm người đời sau dựng lên mấy pho tượng thần siêu đẳng, thế là, cho mãi đến tận thế kỉ 20 này, tòa điện đường ấy vẫn tỏa ra những tia sáng u uẩn của sự thần bí. Do đo, nếu ta tán thưởng, ngưỡng mộ một cách mù quáng hoặc tránh né nó, thì sẽ làm cho vấn đề đã thần bí lại càng thêm thần bí hơn. Thần bí rất sợ mặt trời, thần bí sợ nhất sự đụng độ nhau để phân tỏ ngọn ngành”.
Bát quái (8 quẻ) là hệ thống âm dương biểu thị sự biến đổi tự thân của sự vật. Dùng “一” đại diện cho dương, dùng “- -” đại diện cho âm, dùng 3 phù hiệu như vậy tổ hợp song song theo sự biến đổi âm dương của tự nhiên, tạo thành 8 loại hình thức khác nhau, gọi là 8 quẻ (Bát quái). Mỗi một hình quẻ đại diện cho một sự vật nhất định. Càn đại diện Trời, Khôn đại diện cho Đất, Chấn đại diện cho Sấm, Tốn đại diện cho Gió, Khảm đại diện cho Nước, Li đại diện cho Lửa, Cấn đại diện cho Núi, Đoài đại diện cho Đầm. Tám quẻ giống như chiếc túi miệng rộng vô hình vô hạn, đựng muôn sự muôn vật trong vũ trụ vào đó, 8 quẻ chồng tiếp lên nhau biến thành 6 quẻ, dùng để tượng trưng cho các hiện tượng tự nhiên và hiện tượng nhân sự.
Đọc “Bát quái thần bí”, ta được làm quen với các kiến thức cơ bản về hào và quẻ, sự kì lạ và quái lạ về tên quẻ và tượng quẻ, về mối quan hệ qua lại của Bát quái với khoa học kĩ thuật, về sự đan xen giữa toán học nguyên thủy với toán học đương đại, về trò bịp Bát quái “dự đoán trăm năm”. Các quan điểm tư tưởng nằm trong cuốn này cũng được phân tích rất hấp dẫn dễ hiểu, như đối lập âm dương và phép lưỡng phân, quan điểm hệ thống trong Bát quái, sự thể hiện nhân cách trong Bát quái, đạo đức của con người, định hướng giá trị của cát hung họa phúc... Phần sau hết cũng thực là thú vị, đọc phần này ta sẽ hiểu rõ hơn những đóng góp của Học thuyết Bát quái. Có thể nói, Học thuyết Bát quái chính là nguồn cảm hứng cho các bậc học giả tìm hiểu về văn hóa cổ xưa nói chung. Về văn hóa Trung Hoa cổ xưa, có Lưỡng nghi tương phùng với sự khởi nguồn các quan niệm văn học Trung Quốc, tìm về cội nguồn tư tưởng mĩ học cổ đại Trung Quốc, quẻ Khôn với thuật xem đất thời xưa, thuật khí công trong Kinh Dịch, ý đồ thiết kế trong kiến trúc cổ đại Trung Quốc... Những gợi mở về văn hóa nhân loại nói chung, có Bát quái với quan niệm tôn giáo nguyên thủy, văn hóa phồn thực trong Bát quái, lí luận dưỡng sinh trong Bát quái, lai lịch của quan niệm sùng bái trinh nữ, nguồn gốc quan niệm hình thần trong lĩnh vực thi họa....
Các phù hiệu cơ bản của Bát quái dùng các kí hiệu đối lập âm dương để biểu thị phép lưỡng phân. Dùng phép lưỡng phân này để nêu bật được bản chất của sự vật, đi sâu vào đạo trời, đạo đất, đạo người. Đây chính là sự thể hiện tư tưởng của phép biện chứng thô sơ cổ xưa. Sự đối lập âm dương chính là phép lưỡng phân cơ bản nhất, sự đối lập của tất cả mọi sự vật đều bắt nguồn từ đối lập âm dương mà ra. “Dịch hữu Thái cực, thị sinh lưỡng nghi” (Dịch có Thái cực, là sinh Lưỡng nghi), “Hữu thiên địa, nhiên hậu vạn vật sinh yên” (Có trời đất rồi thì sau đó muôn vật được sinh ra). “Hữu thiên địa, nhiên hậu hữu vạn vật; hữu vạn vật, nhiên hậu hữu nam nữ; hữu nam nữ, nhiên hậu hữu phu thê” (Có trời đất, sau đó có muôn vật; có muôn vật, sau đó có nam nữ; có nam nữ, sau đó có vợ chồng). Cứ thế mà suy diễn ra tiếp những đối lập khác, nhiều không đếm xuể. Cái tài tình, cái trí tuệ không thể xem thường được của Bát quái là ở chỗ: Nó không chỉ dừng lại ở sự phân chia các mặt đối lập của mọi sự vật, mà đã biến phép lưỡng phân này trở thành một qui luật phổ biến, nhằm làm toát lên được một cách sâu sắc mối quan hệ tổ hợp giữa các sự vật đối lập: Hai phía đối lập bao giờ cũng thống nhất. Càn là trời, Khôn là đất, đất được trời chở che, trời và đất phối hợp chặt chẽ mật thiết với nhau, dựa vào nhau, không dễ phân chia. Cái mà âm cần là dương, cái mà dương cần là âm. Trong dương có âm, trong âm có dương, âm dương giao cảm nhau làm thành một chỉnh thể. Tất cả các cặp đối lập họa phúc, lành dữ, nam nữ, chồng vợ, cương nhu, trên dưới... đều là như vậy, dựa vào nhau, không thể chia cắt. Đối lập mà thống nhất, thống nhất mà đối lập.
Biểu tượng âm dương nói lên bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương.
Hai phía mâu thuẫn lại là hai phía đối lập. Âm dương đối lập nhau, Càn Khôn đối lập nhau, các sự vật khác được sinh ra từ đó cũng đều thể hiện những sự đối lập và xung đột của mâu thuẫn trong vũ trụ. Càn là trời, Khôn là đất, trời thì cao đất thì thấp. Từ đó mà suy ra dương cao âm thấp, vua cao tôi thấp, chồng cao vợ thấp, nam cao nữ thấp, quân tử cao tiểu nhân thấp, hình thành nên một loạt những mối quan hệ đối lập với nhau. Có thể thấy, trong Bát quái, đâu đâu cũng thể hiện sự mâu thuẫn.
Hai phía đối lập sẽ chuyển hóa lẫn nhau, từ đó mà sinh ra sự vận động biến đổi. Bát quái nhấn mạnh hết sức đến sự biến đổi, cho rằng căn cứ của sự biến đổi là từ sự chuyển hóa của hai phía mâu thuẫn. Nhìn chung, một khi sự vật phát triển đến cực điểm của nó thì sẽ chuyển sang một mặt đối lập. Chẳng hạn, quẻ Càn phát triển đến cực điểm sẽ chuyển hóa thành quẻ Khôn. Cương biến hóa sẽ chuyển thành nhu, tiến hết mức thì tất sẽ lùi. Vật cực tắc phản, bĩ cực thái lai. Đó chính là sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập.
Bạn có nhận ra sự tương đồng giữa “lập luận” này của Bát quái với phép duy vật biện chứng hay không: Tất cả mọi sự vật trong giới tự nhiên và trong xã hội đều có những mối liên hệ tương hỗ với nhau, tất cả mọi sự vật đều tồn tại những sự đối lập mâu thuẫn, đồng thời mọi sự vật đều phát triển, vận động, biến đổi chính trong sự thống nhất đối lập đó.
Từ hai khái niệm âm dương cơ bản này, Bát quái dùng nó để tạo nên 4 hình thái đối lập mâu thuẫn, đối ứng từng cặp một, đó chính là 8 quẻ cơ bản; rồi từ 8 quẻ cơ bản lại làm thành từng cặp đối ứng lũy tiến, tạo nên hình thái đối lập của 32 cặp, tức 64 quẻ. Từ 64 quẻ này mà mở ra một đồ thức đối lập mâu thuẫn của thế giới.
Kinh Dịch cung cấp một thứ triết lí mang tính hệ thống, nên muốn hiểu được, cần phải đọc nó với tư duy hệ thống, cấu trúc.
Bát quái không chỉ nói tách rời đặc trưng của từng quẻ, mà gộp chúng lại thành một chỉnh thể, cung cấp một hình ảnh toàn diện về vạn vật trong thế giới này. Bát quái chứa đựng một quan niệm về hệ thống hết sức chặt chẽ, muốn hiểu thấu được từng điều Kinh Dịch muốn nói, phải đặt nó trong cả hệ thống mà lí giải.
Về mặt vĩ mô, Bát quái đi sâu xem xét một cách toàn diện đạo trời, đạo đất và đạo người. Mục đích chính của nó là lấy đạo trời để nói về đạo người. Mở đầu cho 64 quẻ là hai quẻ Càn và quẻ Khôn tượng trưng cho “trời” và “đất”, “có trời đất rồi sau muôn vật mới sinh ra”. Đồng thời, hai quẻ Càn Khôn tuy tượng trưng cho trời đất nhưng không phải chỉ lấy mỗi trời đất để bàn về trời đất, mà kết hợp với cả việc người để nói về trời đất: “Lâp đạo trời là âm và dương, lập đạo đất là cương và nhu, lập đạo người là nhân và nghĩa”.
Mỗi quẻ có 6 hào với có tên đặt theo một ý chính, lời quẻ lời hào được diễn giải bám sát ý chính ấy. Từng quẻ đều thuộc về một thể thống nhất hữu cơ. Xét về chiều ngang, mỗi quẻ đều có một trung tâm xuyên suốt liên kết cả 6 hào lại để làm nên một tiểu chỉnh thể. Xét theo chiều dọc, mỗi quẻ lại là một tiểu hệ thống, 6 hào của quẻ tương đương với 6 cấp độ trong tiểu hệ thống đó. Như 6 hào của quẻ Càn thể hiện từ dưới lên trên thể hiện cả quá trình tiếp liền gắn kết với nhau: Từ chỗ rồng còn ẩn náu cho đến khi xuất hiện, rồi đến lúc vẫy vùng, bay lượn, để rồi cuối cùng là bay vọt lên quá cao.
Trong 64 quẻ, cứ từng cặp 2 quẻ liền nhau thì thường cấu thành một thể thống nhất liên hệ hữu cơ với nhau. Xét về tượng quẻ, trong số 64 quẻ, có 8 quẻ Càn, Khôn, Di, Đại Quá, Khảm, Li, Trung Phu, Tiểu Quá, ta dùng phương pháp “biến”, tức đem 4 nhóm quẻ có hào âm hào dương hỗ biến với nhau rồi xếp lại cùng. Với 56 quẻ còn lại thì dùng phương pháp “biến”, cứ một ngược một xuôi từng cặp đối nhau rồi xếp lại cùng, đến 2 quẻ Kí Tế và Vị Tế thì kết thúc, làm thành một vòng tròn.
Bát quái lấy quan hệ và kết cấu làm nền tảng, rồi từ trong những mối quan hệ và kết cấu phức tạp ấy, nó thiết lập nên một loại quan hệ kết cấu cơ bản nhất, đó là mối quan hệ đối lập thống nhất âm dương.
Ngoài việc lấy sự thống nhất đối lập âm dương là kết cấu khởi đầu cơ bản ra, trong Bát quái còn có hai kết cấu cơ bản nữa là kết cấu 6 hào cấu thành các biệt quẻ và kết cấu 8 quẻ cấu thành Bát quái.
Từ kết cấu 6 hào và kết cấu 8 quẻ, ta có thể thấy quan niệm hệ thống trong Bát quái rất chặt chẽ. Hầu như mọi sự vật được thuyết minh hay khi bói cát hung đều phải tuân theo nguyên tắc là thông qua các mối quan hệ kết cấu. Chẳng hạn, khi muốn xét một hào và bói một quẻ nào đó, thì không phải chỉ giải thích về thuộc tính của chính hào hay quẻ đó, mà phải xét từ vị trí của nó trong cả chỉnh thể 8 quẻ và trong kết cấu 6 hào. Tức phải đi từ mối quan hệ giữa nó với các nguyên tố khác mà phân tích, rồi tiếp đó phải kết hợp thuộc tính ấy với lời hào của nó, có như vậy mới giải thích được sự tiesn triển của sự vật một cách chính xác. Nguyên tắc này của Bát quái cũng chính là yêu cầu cơ bản của hệ thống hiện đại.
3.2. Đọc cuốn “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử”
Một cuốn sách cần thiết để giải mã được Kinh Dịch nữa là “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử” của Nguyễn Hiến Lê. Không phải ngẫu nhiên mà ông đã phân tích khá kĩ về hình ảnh người quân tử, hiện thân của cái thiện, xuyên suốt Kinh Dịch trong công trình nghiên cứu của mình. Theo ông, Kinh Dịch là tác phẩm xét về cách ứng xử, cách đối nhân xử thế của người quân tử trong đời sống hàng ngày và xét rất đủ, “từ việc ăn uống tu thân, tới việc kiện cáo, xuất quân, trang sức, tề gia, về nhà chồng, lập đảng, diệt kẻ tiểu nhân, can ngăn cha mẹ, cách xử sự trong mọi hoàn cảnh: Lúc giàu thịnh, lúc gian truân, lúc chờ thời, cả lúc phải bỏ nhà, bỏ nước mà lưu lạc quê người, ăn nhờ ở đậu...Sáu mươi bốn quẻ là sáu mươi bốn thời, và ba trăm tám mươi bốn hào là ba trăm tám mươi bốn hoàn cảnh.”
Kinh Dịch cho ta bài học về tự cường bất tức, kiên nhẫn, luôn lo việc tu thân, luyện tài đức, mỗi ngày tiến một chút để gặp thời thì giúp nước, không bao giờ từ bỏ trách nhiệm, không cầu danh lợi.
Biết được qui luật xoay vần là có dương thì có âm, có thịnh thì có suy, việc đời thành rồi bại, bại rồi thành, không bao giờ hết, lúc chấm dứt lại là lúc bắt đầu..., nhưng người quân tử không bao giờ chán nản, thấy việc phải thì cứ theo đạo trung chính mà làm, đồng thời không bao giờ nguôi lòng lạc quan.
Đáng nể nhất là cách ứng xử của người quân tử trong thế đấu sức đấu trí giữa quân tử với tiểu nhân, mà thực chất là cuộc chiến giữa cái thiện với cái ác, hai mặt trái ngược luôn cùng song hành trong xã hội loài người.
Nguyễn Hiến Lê phân tích: Dịch không ghét tiểu nhân, vì có tiểu nhân mới có quân tử, có âm mới có dương, có thiện thì có ác, cuộc chiến với ác, với tiểu nhân không bao giờ chấm dứt. Người quân tử bình thời cần khoan dung với tiểu nhân, nhưng khi tiểu nhân mạnh, đắc thời thì phải biết cách ứng phó một cách thận trọng: Lúc đầu tình thế chưa khó khăn thì hành động, khi đã nguy rồi thì nên chờ thời mà vãn giữ đức trung chính; tới lúc tiểu nhân bắt đầu suy thì đoàn kết lại mà tấn công.
Kể cả khi đã thắng, người quân tử cũng chớ có chủ quan, ngủ yên trên chiến thắng. Bởi thế mà 64 quẻ kết thúc ở quẻ Vị Tế (chưa qua), là biểu thị rõ ý “vật bất khả cùng”, sự hoàn mĩ, thành công chỉ là tương đối, còn sự khiếm khuyết, chưa thành lại luôn cùng tồn tại với chúng.
Ai có dịp đọc cuốn “Chu Dịch – dịch chú” sẽ thấy nghệ thuật sống của người quân tử được phân tích hết sức kĩ lưỡng trong 64 lời Tổng luận của các tác giả, nằm phía dưới phần dịch mỗi quẻ trong cả 64 quẻ. Mỗi phần Tổng luận của mỗi quẻ đều chứa đựng một khía cạnh triết lí, một lời khuyên răn ứng với ý nghĩa của từng quẻ hết sức thấm thía, nằm trong triết lí ứng nhân xử thế của người quân tử của cả tổng thể 64 quẻ - 64 cảnh huống triết lí khác nhau.
4. Bát quái và Khoa học hiện đại
Ngoài ra, trong Bát quái còn tiềm ẩn manh nha một số vấn đề của toán học hiện đại như phép nhị phân và phép tương đối.
Trong số mọi phương pháp ghi bằng con số mà nhân loại sử dụng, phép nhị phân là một phép thấp nhất. Phép này sử dụng hai kí hiệu 1 và 0, dùng 1 và 0 để biểu thị tất cả các số tự nhiên. Do kí hiệu đơn giản, nên phần lớn các máy tính điện tử đều dùng hệ thống các con số của phép nhị phân để tiện cho việc tính toán. Phép nhị phân là phát minh của nhà toán học Đức Leibniz (1646-1716). Song tin nổi không, ông có được phát minh này là nhờ có sự gợi ý từ Bát quái. Ông từng viết thư cho vua Khang Hi nhà Thanh, Trung Quốc, cho rằng sự sắp xếp 64 quẻ chính là cách viết 64 con số theo phép nhị phân. Theo “Trung Quốc số học sử giản biên” của Lí Địch, Leibniz đánh giá rất cao về Bát quái. Ông nói: “Dịch đồ là vật kỉ niệm cổ xưa nhất còn được lưu truyền trong khoa học về vũ trụ”.
Thậm chí có những người còn cho rằng, học thuyết Bát quái mang những đặc tính chủ yếu của máy tính hiện đại. Từ công năng tính toán của Dịch số, công năng logic của Dịch lí, cho đến công năng tàng trữ lưu giữu của Dịch tượng đều có những điểm tương tự như công năng của máy tính.
Một vài học giả còn cho rằng Bát quái có sự ngẫu hợp với Thuyết tương đối. Thuyết tương đối do nhà vật lí học Đức Anhxtanh đề xuất, nó là lí thuyết về mối quan hệ giữa sự vận động của vật chất với thời gian và không gian. Một nhân sĩ người Vô Tích là Tiết Học Tiềm đã liên hệ Bát quái với Thuyết tương đối để nghiên cứu trong cuốn “Dịch với sóng vật chất lượng tử” của mình, ông đã phát hiện được những vấn đề chưa ai tìm thấy. Sau đó, ông lại cho ra mắt cuốn “Bàn về khoa học Kinh Dịch - siêu thuyết tương đối” với các tiêu đề: “Cơ học thống kê trong Hà đồ”, “Ma trận Dịch sắp xếp theo mặt cầu”, “Phương trình điện tử ma trận Dịch, “Ma trận Dịch gợi tới các phương trình vectơ”, “Chữ vạn 卍 là cốt lõi của ma trận Dịch”, “Đường cong Thái cực gợi tới các hạt điện tích âm dương và hạt trung hòa”... Ông đã nhào luyện Dịch quẻ với ngành khoa học mũi nhọn vào làm một. Thật tiếc, bởi rất ít người vừa am tường về Dịch học lại vừa am hiểu về khoa học tự nhiên, nên không mấy ai hiểu nổi những sách này.
Thẩm Nghi Giáp là một vị Hoa kiều sống ở hải ngoại từ lâu đã biên soạn cuốn “Chu Dịch-khoa học vô huyền”. Khi còn ít tuổi, ông chẳng thích thú gì Kinh Dịch, vì cho đó là chuyện tầm phào. Sau Đại chiến thế giới II, cả thế giới nổi lên phong trào nghiên cứu kinh Dịch, ông cũng thử đi vào lĩnh vực này rồi thấy tín phục vô cùng trước sự huyền diệu của nó. Ông đã đánh giá Kinh Dịch cao hết mức: “Toán học trong Kinh Dịch là đỉnh cao nhất về toán học đại số, ngay đến toán học hiện đại cũng không thể so sánh nổi. Điều không thể tưởng tượng được là từ một khóa đề đơn nhất, để tính được các hào chẵn, lẻ, âm, mà có đến hàng trăm định luật, chu kì luật, bao gồm các phép thập phân, nhị phân, sắp xếp tổ hợp cực đại, cực tiểu, xác suất... Có thể nói, Kinh Dịch là tập đại thành của toán học con số, được hình thành từ 3000 năm trước đây, là sự thể hiện cao nhất của trí tuệ loài người.
Không chỉ các nhà khoa học xã hội nghiên cứu Kinh Dịch, mà cả các nhà khoa học tự nhiên cũng nghiên cứu Kinh Dịch; không chỉ các học giả Trung Quốc nghiên cứu Kinh Dịch, mà cả học giả nhiều nước cũng nghiên cứu Kinh Dịch. Nhà triết học, nhà toán học Leibniz (1646-1716) của Đức đã phát hiện thấy 64 quẻ được cấu thành từ 2 phù hiệu hào âm, hào dương đã sử dụng hệ nhị phân trong toán học. Trong hệ nhị phân, chỉ có hai phù hiệu 0 (hào âm) và 1 (hào dương), dùng 2 phù hiệu này có thể viết ra được tất cả các số. Thiết kế phần mềm máy tính hiện nay là sử dụng hệ nhị phân. Khởi đầu từ nhà toán học Đức M. Schönberger, rất nhiều học giả đều đang nghiên cứu mối quan hệ đối ứng giữa mã di truyền sinh học với 64 quẻ, thậm chí còn cho là “Thái cực là ngọn hải đăng của khoa học”, “giữa sự biến đổi theo chu kì của các nguyên tố hóa học với sự sắp xếp 8 quẻ (Bát quái) cổ đại tồn tại tính qui luật chung. Vì thế, có thể ứng dụng nguyên lí của Bát quái để tìm hiểu bí mật của nguyên tử”. Còn có các nhà khoa học nghiên cứu cả lí thuyết hỗn loạn, cấu trúc tiêu tán trong Kinh Dịch, vận dụng lí luận Kinh Dịch để nghiên cứu sự cấu thành các hành tinh. Nghe nói cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng rất coi trọng Kinh Dịch, cho rằng trong đó có ẩn chứa tư duy chiến lược hạt nhân, ...
5. Về nguồn gốc Kinh Dịch
Bấy nay, người Việt Nam cứ hay nói người Trung Quốc luôn bảo Kinh Dịch là của họ, đã có hơn mấy ngàn đầu sách luôn luôn khẳng định điều này khiến nó đã thành một sự thật hiển nhiên khó ai cãi lại được. Những người theo quan điểm cho Kinh Dịch là của Việt Nam đã ra sức tìm các chứng cứ để cho thấy nguồn gốc của Kinh Dịch không thể tìm thấy ở Trung Hoa, mà Việt Nam mới chính là nơi khai sinh Kinh Dịch.
Thế nhưng trong một bài viết mới đây, chính các học giả Trung Quốc hiện giờ cũng chưa dám khẳng định Kinh Dịch là của đất nước họ.
“Rút cục Bát quái là do ai sáng tạo? Khi còn chưa tìm ra được lời giải đáp tốt hơn, thì vẫn đành phải dựa theo lời trong sách xưa mà qui công về cho họ Phục Hi theo truyền thuyết thôi”.
Mà về Phục Hi thì: “Trước hết họ cho Phục Hi nhìn những hình đồ trên con long mã vẽ nên bát quái. Đây là chuyện hoang đường chỉ hợp với những người mê tín, ưa sự huyền hoặc, thế mà cũng được vô số người tin như thật. Nhưng Phục Hi dù là nhân vật huyền thoại vẫn không phải là thủy tổ chính thống của người Hoa Hạ. Phục Hi là tổ của một tộc trong đại chủng Bách Việt phía Nam Trung Quốc, người Hoa mượn làm tổ của mình. Tư Mã Thiên không đồng ý nên đặt Hoàng Đế ở đầu Sử kí. Vậy nếu Phục Hi có làm ra Bát quái cũng không thể nói là của Trung nguyên. Thừa nhận Phục Hi chế ra Kinh Dịch là người Hoa đã nhận Kinh Dịch là của dân Bách Việt, vậy sao cứ nói mãi Kinh Dịch của Trung Hoa và gọi đó là niềm tin chính thống.
Như vậy, đối với vấn nạn nguồn gốc Kinh Dịch, các học giả Trung Quốc đành chịu “bó tay” không truy vấn được”.
Vậy thì người Việt Nam hà cớ gì cứ đi theo họ để xác nhận một điều họ đã phủ nhận, cứ trân trọng mãi cái họ đã ném đi”.
Thêm một phát hiện quí nữa đáng để tham khảo: Các tài liệu tìm hiểu nguồn gốc Bát quái của Trung Quốc nói rằng “Bát quái mới đầu hẳn được bắt nguồn từ Việt ngữ”, là từ dùng để chỉ một thái độ sống rạch ròi đâu ra đấy, gặp việc gì cũng bói quẻ, cho nên Bát quái có tên gọi đầy đủ trong Việt ngữ là “chư sự Bát quái”. Việt ngữ còn được gọi là tiếng Quảng Đông. Theo nghiên cứu của Trung Quốc, “越” và “粤” thời cổ là thông giả tự, có nghĩa là những chữ có thể thay thế cho nhau, chỉ vùng Bách Việt Hoa Nam. Từ thời cận cổ Minh, Thanh đến nay, hàm nghĩa của hai chữ mới đầu có chút khác biệt, “越” được dùng nhiều trong vùng Ngô ngữ Chiết Giang, “粤” được dùng nhiều trong vùng Lưỡng Quảng Lĩnh Nam, suốt một thời kì dài được gọi chung cho cả vùng Lĩnh Nam. Trong lịch sử, Lưỡng Quảng có tên gọi khác là Lưỡng Việt, Quảng Đông là Việt Đông, Quảng Tây là Việt Tây. Mãi đến thời kì Dân Quốc, “粤” mới dần thu hẹp nghĩa và được dùng làm tên gọi tắt của tỉnh Quảng Đông. Vì thế, trong các thời kì lịch sử khác nhau, “粤” được phân thành nghĩa rộng (chỉ Lĩnh Nam) và nghĩa hẹp (chỉ chỉ tỉnh Quảng Đông). Phạm vi Việt Đông và Việt Tây trong các thời kì lịch sử khác nhau dĩ nhiên cũng không giống nhau. Niên đại khởi nguồn và phát triển thành thục của Việt ngữ còn vượt xa cái thời phân chia Lưỡng Việt (Lưỡng Quảng). Cho nên, xét về bình diện văn hóa lịch sử, Việt ngữ thực sự chính là tiếng Lĩnh Nam (ngôn ngữ vùng Lĩnh Nam) theo nghĩa rộng, chứ không phải chỉ chỉ riêng tiếng Quảng Đông. Chỉ vì tiếng Anh dịch Việt ngữ thành Cantonese mà đâm ra người ta thường gọi là tiếng Quảng Đông.
Cũng theo nghiên cứu của Trung Quốc, Lĩnh Nam theo nghĩa rộng chỉ vùng nằm ở phía nam Ngũ Lĩnh, nam Trung Quốc, và vùng Bắc Việt Nam, tương đương với Quảng Đông, Quảng Tây và toàn bộ Hải Nam, cùng một phần khu vực thuộc các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây..., cùng vùng nằm về phía bắc Đồng bằng Sông Hồng Việt Nam. Còn theo nghĩa hẹp là chỉ chỉ mỗi vùng phần phía nam núi Ngũ Lĩnh ở Nam Trung Quốc, do từ sau đời Tống mới bắt đầu chia thành Quảng Nam Đông Lộ và Quảng Nam Tây lộ, nên Việt Nam mới tách ra, kể từ đó không còn bao gồm vùng Miền Bắc Việt Nam nữa.
Thiển nghĩ, mặc dù còn phải đợi kiểm chứng thêm, đây sẽ là manh mối hết sức quí giá cho chúng ta trong bước đường đi tìm nguồn gốc của bộ Kinh Dịch.
*.
Hà Nội, tháng 10.2013
NGUYỄN TRUNG THUẦN













Chú thích
1. 朱子怎样读《周易》(Chu Tử đọc “Chu Dịch” như thế nào); http://blog.sina.com.cn/s/blog_4a0b2c1d010005i7.html).
2. Tên Kinh Dịch xuất hiện ở các tác phẩm sau: “Hán Việt từ điển”, Đào Duy Anh, năm 1932(?), mục Dịch kinh 易经 Kinh Dịch, là bộ sách triết học lối cổ của Trung Quốc = Chu DịchKinh dịch (chú giải, 1953), Ngô Tất Tố; Kinh Dịch, đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê, năm 1990); “Chu Dịch”, Sào Nam Phan Bội Châu, cuối những năm 30)
3. Các tên gọi Kinh Dịch, Chu Dịch trong bài này đều cùng chỉ sách Kinh Dịch. “神秘 的八卦” (“Bát quái thần bí”)Vương Ngọc Đức, Thiệu Vĩ Quân, Tằng Lũy Quang, Nhà xuất bản nhân dân Quảng Tây, 2.1990).
4. Theo “神秘 的八卦” (“Bát quái thần bí”). sđd.
5. “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử”, Nguyễn Hiến Lê, Nhà xuất bản Văn học, 2007.
6. “Chu Dịch – dịch chú”, Tác giả: Hoàng Thọ Kì, Trương Thiện Văn, Người dịch: Nguyễn Trung Thuần, Vương Mộng Bưu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1999.7. Theo “神秘 的八卦” (“Bát quái thần bí”). sđd.
8. “Thế giới những điều chưa biết - Bí ẩn về lịch sử, khảo cổ”, Tác giả: Chu Trọng Ngọc, Dịch giả: Nguyễn Trung Thuần, Nhà xuất bản Phụ nữ, 4.2011.
9. “Chuyện nguồn gốc Kinh Dịch, phải chăng đây là sáng tạo của người Việt?”, Nguyễn Thiếu Dũng, Tạp chí Xưa & Nay, Số 332 tháng 5/2009
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: dovietphuong118@yahoo.com.vn ngày 02.04.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét