MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM BÊN ‘TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN’ - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

(Nguồn ảnh: internet)
30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM
BÊN "TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN"
*
Y hẹn, chiều 23 tháng Chạp, tôi sang nhà ông hàng xóm để cùng ông đem thả cá chép cúng ông Táo.  
Vốn đã rất thân quen, tôi không bấm chuông mà nhẹ đẩy cánh cổng bước vào mảnh sân trước phòng khách nhà ông và thật ngạc nhiên khi thấy ông vẫn đang cắm cúi vào màn hình cái máy tính bàn như không biết có tôi đã sang.
- Xem gì mà mê say thế hả ông bạn? - Tôi cất tiếng hỏi khi đã đặt chân vào cửa phòng khách, bấy giờ ông hàng xóm mới giương cặp kính lão lên nhìn tôi:
- Xin lỗi ông nhé! - Ông nói và kéo ghế mời  tôi ngồi bên - Tôi đang ngắm các gương mặt trong bức ảnh Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(Tác giả Nguyễn Bàng)

gặp gỡ các cây viết đình đám trong văn chương Việt Nam đương đại xem mình biết được mấy cái tên trong các vị đình đám ấy.
Tôi lướt nhìn tấm ảnh trên màn hình máy tính và nhận ra trang mạng ông đang xem: TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN.
- Ông cũng thích vào trang này?
- Vâng, mỗi tuần mở đọc một đôi lần.
 (Từ đây, để cho dễ đọc, tôi xin ghi rõ lời của tôi (NGUYỄN BÀNG) và lời của ông hàng xóm (ÔNG HÀNG XÓM)
NGUYỄN BÀNG: Thế là nhiều đấy. Tôi là người thi thoảng cũng được chủ trang ưu ái đưa lên bài viết nhưng mắt tôi chóng mỏi nên có khi cả tuần mới ghé thăm được một lần. Vậy ông thấy trang này thế nào?
ÔNG HÀNG XÓM: Rất đáng đọc, ông ạ! Một trang web khá phong phú bài vở mà xem ra chủ trang cũng là một người rất hào hoa. Tôi nói hào hoa không hoàn toàn như nghĩa của câu Kiều "Vào trong thanh nhã, ra ngoài hào hoa" mà chỉ có ý là rộng rãi và lịch sự trong cách cư xử, giao thiệp. Ông thấy đấy, Trang Đặng Xuân Xuyến đã mời gọi được cả trăm tác giả gửi bài viết về, từ những tác giả đã thành danh đến những tác giả mới viết, từ những nhà văn nhà thơ lão thành đến những cây bút còn trẻ măng ở khắp vùng miền đất nước: Hưng Yên, quê nhà của chủ trang, có; Thủ đô Hà Nội và thành phố lớn nhất cả nước Sài Gòn, có; Các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…, có; các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên…, có; các tỉnh miền Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre…cũng đều có cả. Không những thế, còn có cả bài của các tác giả từ Hải ngoại gửi về như từ Hoa kỳ, Pháp, Đức…Mới chỉ từ tháng 08/2015 đến nay, cây viết chính là chủ nhân đã có tới gần 300 bài, một số tác giả khác như nhà thơ Nguyễn Khôi có hơn một trăm, nhà thơ kiêm nhà ứng dụng kinh dịch Nguyễn Thanh Lâm thì non một trăm, những người khác đều dăm bẩy hoặc dăm ba chục, người ít nhất cũng 3 bài và số người đọc đã có tới trên 1,2 triệu lượt; một con số thật đáng nể.
NGUYỄN BÀNG: Về nội dung, ông thấy trang này ra sao?
ÔNG HÀNG XÓM: Nhìn vào Menu ta thấy khá đầy đủ các món ăn tinh thần, từ Thơ, Văn, Lý luận, Biên khảo rồi Suy ngẫm lại thêm cả Tín ngưỡng, Tướng thuật, Tử vi, Phong thủy và không quên cả món Thư giãn. Xem ra chủ nhân là người khá tinh thông nghề làm báo mạng.
NGUYỄN BÀNG: Ông thích nhất món nào trong cái menu ấy?
ÔNG HÀNG XÓM: Đã gọi là món ăn tinh thần thì món nào cũng nên nếm náp cho biết đủ mùi vị nhưng thích nhất vẫn là món Văn Thơ.
NGUYỄN BÀNG: Tôi thấy món Tín ngưỡng, Tướng thuật, Tử vi, Phong thủy rất nhiều bát đĩa, ông nếm náp thấy sao?
ÔNG HÀNG XÓM: Tôi có đụng đũa vào một vài bát xem các thầy dọn cỗ ra sao nhưng gắp phải các thuật ngữ về khoa này tôi thấy khó nhai quá nên dừng ngay đũa. Vả lại, tôi nghĩ không ai quyết định được cuộc đời của mình ngoại trừ bản thân mình. Tận nhân lực mới tri thiên mệnh, mà ông!
NGUYỄN BÀNG: Vâng, tôi cũng nghĩ  thế. Giờ ông cho tôi hỏi cảm nhận của ông về hình thức Trang Đặng Xuân Xuyến?
ÔNG HÀNG XÓM: Một trang web đẹp! Trang bìa rất trang nhã: Một cái cổng làng bên cái ao với gốc si cổ thụ thấp thoáng mấy người qua lại hoặc đang đứng ngắm cảnh. Đó là cổng làng Đá, còn gọi là là Đỗ Hạ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, quê hương của chủ trang. Nhưng tôi không nghĩ khi chọn hình ảnh này cho trang bìa blog, Đặng Xuân Xuyến chỉ để gửi gắm tình yêu quê nhà của mình mà còn  hàm ý rằng, Trang Đặng Xuân Xuyến là một cái LÀNG VĂN chung của những ai đồng cảm với chủ trang. Mà quả thật, chủ trang đã không chỉ khéo mời gọi các tác giả gửi bài về mà còn xin được cả ảnh của họ để giới thiệu cùng bạn đọc khiến người đọc được thấy những gương mặt trên cái chiếu của Làng Văn này và giảm bớt đi cái ý niệm “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình ”, chỉ nghe tên mà chưa gặp mặt.
NGUYỄN BÀNG: Ông nói làm tôi nhớ tới bộ NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI đồ sộ của cụ Vũ Ngọc Phan. Cụ Vũ cũng có đầy đủ chân dung các tác giả mà cụ biên khảo, tóm tắt phẩm bình, trích dẫn các tác phẩm của họ, từ các nhà văn tiên phong đến lớp nhà văn lớp sau khiến độc giả rất hứng thú thấy được cả văn cả người của họ. Đọc NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI đã hơn 60 năm mà đến nay trong trí óc tôi vẫn còn in rõ hình ảnh một số các nhà văn trong đó đậm nét nhất với tôi là chân dung Thế Lữ, người khai sáng phong trào Thơ Mới mà ẩn sau bức chân dung ấy, tôi thấy hiện lên hình ảnh lãng mạn của cả một lớp người Việt Nam hiển hách đang rơi vào cảnh xiềng xích bi đát:
        Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
        Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa…
ÔNG HÀNG XÓM: Vậy thì, Đặng Xuân Xuyến đã làm được một phần việc như cụ Vũ Ngọc Phan rồi. Thật đáng khích lệ!
Nhưng trong cái được ấy cũng lại có cái mất. Đó là chủ trang đã hơi dễ tính khi thay vì chỉ cần đưa lên chân dung tác giả thì lại đưa lên tấm ảnh chụp chung tác giả với bà vợ hoặc ngược lại tác giả với ông chồng và giới thiệu dưới những bức ảnh đó là Tác giả và phu nhân hoặc Tác giả và phu quân. Nhìn họ trong ảnh rất đẹp đôi, thì tất nhiên có đẹp  người ta mới chọn ra gửi về trang web. Nhưng người gửi đã nhầm địa chỉ và chủ trang cũng đã treo nhầm vị trí. Bởi lẽ chỗ đặt đúng của những bức ảnh ấy là ở một không gian riêng trong gia đình của các ông, bà tác giả ấy chứ đâu phải chỗ trên Trang Đặng Xuân Xuyến đã có cả trên triệu lượt người đọc.
NGUYỄN BÀNG: Ông nói thật chí lý và lại làm tôi nhớ tới nhạc sĩ thiên tài và đa tài Văn Cao. Hn ông cũng biết, sau vụ Nhân văn Giai phẩm, cụ Văn Cao đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ minh họa các báo, làm bìa sách, vẽ nhãn diêm... Do túng thiếu, cụ đã phải bán rẻ mấy bức tranh quý cho các nhà sưu tập, buôn tranh. Duy bức vẽ chân dung người vợ (bà Nghiêm Thúy Băng) áo dài tím hồng, ai mua cụ cũng không bán. Đến nhà cụ, ai cũng bị thu hút bởi bức tranh ấy treo trên tường phòng khách trong căn nhà tồi tàn mà cụ Văn Cao kể, đi cầu ngồi lâu nóng quá…Tuy thế, tôi nghĩ, nếu cụ Văn Cao bán bức tranh ấy đi và ai đó mua được về treo trên tường phòng khách sang trọng của họ thì, không những không làm bức chân dung đẹp hơn lên mà còn làm mất đi vẻ đẹp chân chất của nó khi nó được đặt trong căn nhà tồi tàn kia của gia đình cụ Văn Cao.
ÔNG HÀNG XÓM: Ông nói đúng quá nhưng nghe ra cũng đắng cay quá! Những phòng khách sang trọng trong những ngôi nhà tráng lệ đâu đã  phải là nơi cho âm nhạc của thần tiên bay bổng (1)!.
Mà thôi, giờ tôi nói thêm một công sức nữa của Trang Đặng Xuân Xuyến. Ấy là việc tìm chọn những tranh ảnh để minh họa cho các bài viết, một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra không dễ mà còn tốn kém rất nhiều thì giờ. Bởi lẽ, muốn có tranh ảnh minh họa cho một bài đăng thì phải đọc bài ấy rồi phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm mà tìm tòi xem tranh ảnh nào biểu cảm nhất cho nội dung ấy mới đưa lên thành minh họa. Vậy mà cả nghìn bài đã đăng trên trang Đặng xuân Xuyến, không bài nào không có tranh ảnh minh họa đem thêm rất nhiều cảm xúc cho người đọc.
NGUYỄN BÀNG: Thời còn trẻ, tôi rất mê tranh minh họa báo chí. Thời ấy, cả nước gần như chỉ có ba tờ báo dùng đến tranh minh họa thường xuyên: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Thiếu niên tiền phong nhưng tờ Văn nghệ là tờ báo sang trọng nhất. Tôi mê báo Văn nghệ đến mức tiêu gì thì tiêu nhưng phải cố để riêng ra mấy  đồng bạc còm để mỗi tuần có được một số. Và mỗi khi cầm tờ báo trên tay, tôi thường xem các tranh minh họa trước rồi mới đọc thơ truyện sau. 
ÔNG HÀNG XÓM: Tôi cũng vậy. Thế ông thích nét vẽ minh họa của các họa sĩ nào trên báo Văn nghệ hồi đó?
NGUYỄN BÀNG: Hồi ấy, tờ Văn nghệ luôn có được những tranh minh họa với những tên tuổi lẫy lừng của hội họa Việt Nam là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc. Phải nói đó là diễm phúc của tờ báo và có được diễm phúc ấy là nhờ bấy giờ là thời bao cấp, tranh không bán được, nghèo khổ khiến các cây đại thụ của giới mỹ thuật ấy phải vẽ minh họa trên các báo để có chút nhuận bút nhỏ nhoi chi cho tiền chè thuốc. Mặt khác do hệ lụy của vụ án Nhân văn giai phẩm, một số trong các tài năng trên như Văn Cao, Sỹ Ngọc là nạn nhân bị đàn áp, họ chỉ có thể được làm những công việc ấy thôi. Tôi nhớ, cụ Sỹ Ngọc vẽ trên báo Văn nghệ nhiều nhất và tôi thích tranh minh họa của  cả 4 cụ trên. Giờ nhắc nhớ tới các cụ bỗng thấy đau lòng quá. May là ngày cuối năm chứ vào ngày vui Tết chắc còn đau lòng hơn nữa. Mà hình như chúng ta đang đi lạc đề rồi, đang nói về Trang Đặng Xuân Xuyến cơ mà?
ÔNG HÀNG XÓM: Đúng là lạc đề nhưng lạc đề cũng có cái hay của lạc đề ông ạ. Tôi đang nói, những tranh ảnh minh họa cho các bài đăng trên Trang Đặng Xuân Xuyến hầu hết đều biểu cảm rất tốt cho nội dung chính của bài viết. Lấy ví dụ mấy bài tôi vừa đọc gần đây:
Để minh họa cho bài TÀI NHÂN THƯỢNG QUAN UYỂN NHI, Đặng Xuân Xuyến đã tìm tòi trên tờ Baike hàng loạt tranh ảnh và rút ra rất trúng bức tranh Thượng quan Uyển Nhi, một cô gái tài sắc đã làm tới chức nữ Tể tướng nhà Đường, một trong số ít người đàn bà quyền lực làm nên một đoạn lịch sử truyền kỳ của cung đình Trung Hoa.
Khi đăng bài QUÊ NGHÈO, NGHÈO ĐẾN XÓT XA CÕI LÒNG của ông, Đặng Xuân Xuyến đã minh họa bằng bức ảnh đen trắng một ngôi nhà lá xác xơ ở một vùng quê tiêu điều, đứng trước nhà là một bé trai chỉ vận mỗi chiếc quần cộc đen, tay phải duỗi thẳng, tay trái đặt lên rốn trên một cái bụng của một thân hình gầy còm. Tấm hình minh họa đắt giá này đã góp phần nhân thêm nỗi xót xa trong cõi lòng người đọc.
Hay minh họa cho bài thơ VỚI CÚC HỌA MI của ông Nguyễn Khôi, chủ trang đã chọn lọc trong cả trăm bức ảnh cúc họa mi trên Google để rồi đưa lên một tấm ảnh tuyệt đẹp: Một thiếu nữ thanh tân trong một vạt rừng hoa cúc họa mi cánh trắng ngần, nhụy vàng tươi làm bật lên hồn cốt của câu thơ hay nhất trong bài thơ:
        Cúc một rừng. Em một em
NGUYỄN BÀNG: Tôi có đọc bài thơ và xem bức tranh minh họa ấy. Đúng là thơ đã hay lại thêm minh họa đẹp khiến tôi nhớ tới một bộ phim tình cảm hay và rất lãng mạn của Trung Quốc. Trong phim có kể, một cô ca sĩ trẻ được một chàng trai quen biết ở ngoài đường nhưng chưa biết tên đem lòng yêu mến. Chàng trai đã tìm cách gặp cô gái và tặng cô một chậu nhỏ cúc họa mi xinh đẹp. Cô ca sĩ đem chậu hoa ấy về phòng trang phục của nhà hát, đặt lên bàn trang điểm rồi ngồi vừa ngắm vừa ngửi hương thơm của hoa cúc. Thấy thế, một cô bạn thân bảo: “Thông thường đàn ông chọn hoa hồng tặng cho người phụ nữ mà người ta ưa thích. Anh ấy lại tặng hoa cúc chẳng có chút lãng mạn nào”.
Cô ca sĩ trẻ nhớ lại lời chàng trai đã nói với cô lúc tặng hoa liền đem lời nói đó để trả lời cô bạn: “Thật ra loại cúc này là hiện thân của vị thần La Mã gì đó thời cổ đại đấy” rồi nói thêm: “Hoa hồng mà cô nói quá bình thường. Người ta đâu phải tầm thường. Đây là hoa mà anh ấy thích nhất cũng là hoa mà tôi thich đấy
ÔNG HÀNG XÓM: Cô gái nói hay quá! Vậy, bài thơ của ông Nguyễn Khôi cùng bức ảnh Đặng Xuân Xuyến chọn minh họa đã rất tương xứng nhau khiến cho trí tưởng tượng của bạn đọc là ông được thăng hoa, được mở rộng nên ông mới nhớ ra cả cái đoạn phim hay đó. Vì thế tôi nói, công sức chọn tranh ảnh minh họa của Đặng Xuân Xuyến cho các bài đăng trên trang nhà mình thật đáng trân trọng.
Nhưng công đôi khi cũng đi với tội. Đặng Xuân Xuyến không phải là không có khiếm khuyết khi chọn đưa tranh ảnh minh họa. Có những sai sót rất sơ đẳng như:
Bài thơ ĐÊM THĂNG LONG của Phạm Ngọc Thái, chính Đặng Xuân Xuyến khi biên tập đã tách ra mấy câu đặt riêng lên đầu trang như một cách nhấn mạnh những câu thơ đó:
        Đêm Thăng Long đây đó ánh đèn
        Đôi trai gái bên hồ khe khẽ ngủ…
Ấy vậy mà  lại minh họa cho nó bằng hình ảnh Hồ Gươm với tháp Rùa thấp thoáng sau chùm hoa phượng đỏ la đà trên mặt  nước giữa thanh thiên bạch nhật (!).
Nhưng nặng nề nhất là, bị cuốn hút bởi công nghệ hiện đại về tranh ảnh trong thời đại kỹ thuật số, Đặng Xuân Xuyến nhiều lúc đã rất say mê với những tấm ảnh phương Tây, đặc biệt là những hình ảnh động nên đã không ngần ngại chọn một số hình ảnh rất Tây ấy minh họa cho các bài viết đặc Việt Nam hay Á Đông khiến minh họa chệch khỏi nội dung bài viết, chả khác gì hồn Trương Ba da hàng thịt. Chẳng hạn:
Bài thơ RƯỢU ƠI của Nguyễn Thanh Lâm, có câu Đặng Xuân Xuyến đã tách ra để nhấn giọng:
        Uống một mình nhắm cô đơn
Nhưng hình ảnh minh họa được đưa lên lại là tấm ảnh động hai ông Tây, mỗi ông một chai rượu đầy đưa ra đưa vào chạm nhau coong coong thay vì cụng ly canh cách.
Bài thơ ÁO MƯỜNG của Hoàng Xuân Họa cũng với hai câu nhấn giọng:
        Váy chàm quét mướt triền đê
        Cỏ vô phong (*) bỏ bùa mê tôi rồi
Thì được minh họa bằng tấm ảnh một đôi trai gái không rõ Ta hay Tây đang vờn yêu nhau lấy từ nguồn beyondthegobliny. Chàng trai áo sơ mi hai túi nắp ngực, cô gái áo sơ mi cộc tay với chiếc quần cũng cộc và không thể cộc hơn để hở ra đôi chân trần sát lên tới bẹn.
Nhiều bài văn xuôi cũng thế, như bài Kiến thức tử vi: MẪU NGƯỜI CỰ CƠ MÃO DẬU của tác giả Lưu Xuân Thanh thì được minh họa bằng hình ảnh động cắt từ Youtube mô tả hai nhân vật hoạt hình mũi lõ mắt xanh đang liến láu lừa nhau những nước cờ vua.
Thật đúng là râu ông nọ cắm cầm bà kia, vừa buồn cười vừa nhức mắt. Và thật đáng tiếc, càng những bài gần đây càng thấy nhiều tranh ảnh minh họa kiểu Tây Ta cựa quậy như vậy.
Ông hàng xóm của tôi vừa chăm chú rê chuột trên cái màn hình máy tính vừa nói một hơi dài tựa  như ông đang nói chuyện với chủ Trang Đặng Xuân Xuyến chứ không phải với bạn hàng xóm là tôi. Và tôi đang tưởng ông đã dứt lời thì ông lại tiếp:
- Nói ra những sai sót về tranh ảnh minh họa này, tôi không có ý chê trách gì Đặng Xuân Xuyến mà chỉ thực lòng mong ông ấy cẩn trọng hơn để cái Làng Văn nhỏ bé do ông ấy có công dựng cổng sẽ  đẹp từ cổng làng đẹp vào khắp đường thôn lối xóm.
Rồi như bất chợt nhớ ra, ông tắt vội máy tính. Và bây giờ thì ông mới nhìn tôi mà nói:
- Ta đi phóng sinh cá chép thôi kẻo ông Công ông Táo hai nhà chúng ta trễ giờ lên Trời mất.
----------------------------------------------
(1): Trịnh Công Sơn
*
Mời nghe nhạc phẩm HÀ NỘI VÀ TÔI của
Lê Vinh qua tiếng hát Ngọc Tân:

*
Tối 23 tháng Chạp năm Bính Thân.
(Ngày 20 tháng 01 năm 2017)
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn     
Email: bnguyen37@gmail.com
.


                                             






…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.01.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét