MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

CÓ NÊN GỘP TẾT TA VÀO TẾT TÂY - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

(Nguồn ảnh: internet)
CÓ NÊN GỘP
TẾT TA VÀO TẾT TÂY
*
Năm 2005 Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất ý tưởng nên chuyển tập quán ăn Tết âm lịch sang Tết dương lịch, để giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê, gây lãng phí và kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Ý tưởng của Ông gặp khá nhiều ý kiến trái chiều, tạo ra “trận chiến” giữa gộp hay không gộp Tết ta vào Tết tây mỗi khi năm hết Tết đến.
Nguyễn Xuân tôi tổng hợp lại 2 luồng dư luận ủng hộ và không ủng hộ với ý tưởng của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân để bạn đọc Trang Đặng Xuân Xuyến cùng tham khảo.
Đại diện cho quan điểm
NÊN GỘP TẾT TA VÀO TẾT TÂY
Các ý kiến ủng hộ thường trích dẫn đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân, được lập luận rằng Tết cổ truyền, có mấy bất lợi sau:
(Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân)
1- Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành.
4- Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng.
5- Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
- “Thực tế, sau kỳ Noel tết Tây, gần như tháng 1 Tây nhiều người không làm việc được bao nhiêu bởi các nơi tổng kết sơ kết rồi chuẩn bị cho Tết ta. Sau Tết ta, lại phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là lâu hơn, tức là qua Rằm tháng Giêng thì nhiều nơi mới thực sự quay lại guồng làm việc. Như vậy, một nước còn nghèo, năng suất lao động còn rất thấp như Việt Nam mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:
- “Muốn để nền kinh tế thật sự thât sự hội nhập, chúng ta nên bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết theo Dương lịch. Nhưng đây không phải chuyện nhỏ, không thể làm một sớm một chiều mà cần giáo dục quần chúng, động viên, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích kinh tế. Điều này chắc chắn không được thực hiện trong khoảng 10 năm tới”.
Nhà văn Tuệ Nghi:
-  "Trên lý thuyết, Tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng Tết cổ truyền là hồn của dân tộc, Tết còn thì dân tộc Việt mới còn (?!) Tôi không nghĩ vậy, cá nhân tôi cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh Tết để bày mâm cao cỗ đầy?
"Và cái hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng 'nhạt' mà cứ phải khăng khăng 'giữ hồn'?"
Đại diện cho quan điểm
KHÔNG NÊN GỘP TẾT TA VÀO TẾT TÂY
Còn những ý kiến phản đối ý tưởng gộp Tết ta vào Tết tây cho rằng Tết ta là hồn cốt của dân tộc nên không thể bỏ hoặc gộp chung với Tết tây. Còn việc lãng phí thời gian, tốn kém tiền của, phát sinh tệ nạn... là do ý thức của con người, không thể đổ tội cho Tết được.
Giáo Sư Sử học Lê Văn Lan:
- "Tôi đã từng có lúc nghĩ tới chuyện trong hai cái Tết là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch nên chỉ ăn một Tết. Nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần thì thấy rằng Tết Dương lịch chẳng qua cũng chỉ như một “món ăn” thêm chứ cái Tết cổ truyền đã ăn sâu vào máu thịt mình rồi.
Bây giờ nếu chúng ta chuyển sang ăn Tết Dương lịch thì không thể nào tiễn ông Táo về trời, không thể nào có chuyện ngồi quây quần bên nồi bánh chưng đón Giao thừa.
Tất cả những hình ảnh đó đã gắn liền tiềm thức, trở thành một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc rồi. Bây giờ nếu phải bỏ tất cả những điều đó đi thì tôi tiếc lắm.".
Giáo sư Hoàng Chương:
- "Tết cổ truyền là văn hóa truyền thống có từ hàng mấy ngàn năm. Tết cổ truyền là nét đặc trưng gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Nói gì thì nói, người ta đi làm cả năm chỉ có những ngày Tết để trở về sum vầy bên gia đình, cớ sao nói bỏ. Chúng ta có Tết của chúng ta, người phương Tây có Tết của họ sao lại đi bỏ văn hóa của ta để theo văn hóa của họ… Tôi cho là bất hợp lý"
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
- "Chúng ta vẫn nên giữ nguyên Tết Âm lịch như hiện nay nhưng nên bố trí sao cho ngày nghỉ hợp lý, thuận lợi nhất đối với người dân, điều chỉnh các tập quán xã hội như hạn chế tình trạng tràn lan lễ hội... sao cho khai thác được các giá trị tích cực và hạn chế được giá trị tiêu cực.".
 Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện:
- “Chúng ta không thể nào gộp hai cái tết vào làm một được, mà vẫn phải tôn trọng vừa có tết Dương lịch để phù hợp với trào lưu xã hội mới. Nhưng đồng thời phải giữ cáo Tết cổ truyền, vì nó là một cái tết mang bản sắc nó đã nằm trong lòng của xã hội và trong văn hóa của Việt Nam. Song phải có cách vận hành nào đó để cho nó êm ả và tốt đẹp như trước đây. Chứ còn các vấn nạn, áp lực về giao thông, thực phẩm hay an toàn xã hội… thì nó do con người tạo ra, chứ cái Tết nó có tội tình gì đâu?”
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn:
- “Không thể bỏ được cái Tết Âm lịch, vì nó còn gắn với địa văn hóa, ngày Tết không chỉ là một sự quy ước mang tính lý trí mà nó còn gắn với thời tiết, hoa đào, nắng xuân… Cho nên nếu tổ chức theo Dương lịch thì nó đang là mùa Đông, nó sẽ không có cái cảm hứng đó, khung cảnh đó. Hai nữa là Tết không chỉ mang tính biểu tượng, mà nó thực sự gắn liền với tâm sinh lý, đến cả mùa màng, sự phát triển của cây cối trong những ngày đó.”
Nhạc sĩ Đức Huy:
- “Với tôi, Tết âm lịch là cái rất đặc trưng, rất Việt Nam mà tôi không muốn con cháu tôi quên.”
Nghệ sĩ Vũ Thành Vinh:
- “Tết không chỉ là thời khắc sum vầy, đoàn viên mà còn là động lực để mọi người phấn đấu cho những mục tiêu trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng sở dĩ có nhiều ý kiến đề xuất việc gộp Tết Ta vào Tết Tây là vì những biến tướng của các lễ hội trong dịp Tết và việc vui chơi thiếu kiểm soát... Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập nên cần phải gạn đục khơi trong, thay đổi những gì không còn phù hợp, nhưng Tết cổ truyền là Tết của quê hương cần phải gìn giữ. Chúng ta muốn hòa nhập, chúng ta phải cần có bản sắc, mà bản sắc lại là những gì của dân tộc. Nếu mất bản sắc đó chúng ta sẽ mất chính mình.”
Nghệ sĩ Hồng Vân:
- “Tôi rất muốn giữ gìn cái Tết dân tộc bởi trong cái Tết đó không chỉ là những ngày nghỉ, để mà đi lễ hội hay xả stress mà với tôi nó còn là dịp để con cái cập nhật những hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ, để con cái nhớ về nơi chúng sinh ra có những bản sắc văn hóa như thế nào... Là bà mẹ có 2 con đang theo học tại Mỹ, tôi cũng muốn ngày Tết được sum vầy với con cái nhưng tôi ủng hộ giữ Tết cổ truyền. Trong cái Tết truyền thống, con tôi học được rất nhiều lễ nghĩa của ông bà cha mẹ.”
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:
- “Tết tây là Tết tây mà Tết ta là Tết ta, làm sao gộp hai cái Tết hoàn toàn khác nhau vào một được. Ai nghĩ đến việc gộp 2 cái Tết lại với nhau là không đúng. Nếu muốn gộp 2 cái Tết đó vào với nhau thì tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết vào làm một luôn
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng:
- “Tết Tây là một dấu mốc thời gian chung trên toàn thế giới, không thể so sánh rồi gộp với Tết cổ truyền của dân tộc ta được.
Tết cổ truyền là Tết đã có từ ngàn đời của Việt Nam. Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là ngày nghỉ mà còn là Tết của toàn dân tộc, là dịp sum họp gia đình, ngày để người đi xa có dịp về gần. Giữa vấn đề phong tục tập quán và dấu mốc thời gian của đời sống xã hội loài người là hoàn toàn khác nhau, không thể gộp vào nhau được.
Chúng ta đừng nghĩ đơn giản rằng, cứ gộp 2 cái Tết vào là được. Tại sao không gộp tất cả những ngày lễ, tết trong năm và trên thế giới vào làm một, là bởi mỗi ngày lễ, tết như thế đều mang bản sắc riêng. Như Tết Nguyên đán còn mang hồn cốt, đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam, là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán làm sao bỏ được.”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
- “Tôi hoàn toàn không đồng ý với chuyện gộp Tết tây và Tết ta, Tết cổ truyền là tinh hoa dân tộc không phải muốn bỏ là bỏ được. Tết ta có từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Đây còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội.”.
*
Tôi có hỏi con trai, con gái, con dâu, con rể về ý tưởng của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, các cháu đều cho rằng: Tết tây là tết của nước ngoài, Tết ta mới là tết của người Việt Nam mình. Nếu bỏ Tết ta (hay gộp vào với Tết tây) thì khác gì vất bỏ hồn cốt của dân tộc! Còn việc lãng phí thời gian? Có là gì so với việc kẹt xe do tắc đường? hay thói quen trà đá, cà phê trong giờ làm việc? Tết là quãng thời gian người dân mua sắm, chi phí nhiều nhất, gián tiếp thúc đẩy sức sản xuất của xã hội sao kết tội Tết làm cho nền kinh tế đi thụt lùi? Tốt hay xấu, đều do ý thức của con người, đâu phải do Tết?!
Và đấy cũng là quan điểm của Nguyễn Xuân tôi về ý tưởng nên gộp Tết ta vào Tết tây của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân.  
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn

.

                                             


…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.01.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét:

  1. NÓI THÊM VỀ TẾT
    *
    Dự định không nói gì về tết nữa, nhưng thấy có một số người vẫn còn cho là việc tổ chức ăn tết cổ truyền (tết Nguyên Đán) vào đầu năm âm lịch có thời gian nghỉ dài, mất thời gian lao động sản xuất, tệ nạn xã hội có điều kiện phát sinh, tai nạn xe cộ làm chết người nhiều . . . Rồi ăn tết vào đầu năm dương lịch cho phù hợp với thế giới Tây phương trong thời buổi hội nhập. . .
    Xin được nói lại rằng: Mỗi dân tộc, quốc gia đều có nền văn hóa riêng, cái nét văn hóa ấy được chọn lọc, hình thành trong lòng dân tộc, được toàn dân gìn giữ và phát huy những nét tốt đẹp lưu truyền từ đời này sang đời khác, trong đó, tết nguyên đán là một nét văn hóa hết sức đẹp và có ý nghĩa đối với người Việt Nam ta và do người Việt ta sáng tạo chứ không phải ta bắt chước Tàu đâu, bởi người Trung Hoa chỉ đón năm mới theo lịch âm và họ chỉ sử dụng từ “tân niên” để chúc tụng nhau; người Tây phương cũng gọi là năm mới “new year”, còn ta là “ăn tết”.
    Về ý nghĩa của tết nguyên đán thì không cần phải nói vì ai cũng biết. Còn việc ăn tết hay đón năm mới vào thời gian nào thì tùy phong tục, tập quán của từng dân tộc mà lịch chỉ là phương tiện mà thôi. Thí dụ như người Khmer đón năm mới “chôl chmam thmay” vào tháng tư dương lịch chẳng hạn.
    Có người nói rằng Việt Nam ta “ăn” hai cái tết dương lịch và âm lịch, điều đó hoàn toàn không đúng, bởi ông cha ta sử dụng từ “tết Tây” hàm ý ngày đầu năm dương lịch mà thôi chớ đâu có “ăn” hồi nào. Ngay thời buổi hiện nay cũng vậy, trên toàn quốc ta có ai ăn tết tây bao giờ, bất quá là công chức, công nhân được nghỉ một ngày, đâu có ai tổ chức tiệc tùng, cúng kiếng gì đâu.
    Còn nói ta nghỉ tết dài ngày quá thì xin thưa rằng nhà nước ta cho công chức nghỉ từ ngày 30 đến hết ngày mùng 4 mà thôi, sở dĩ có chuyện nghỉ dài là do bù ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc là kéo thêm ngày thứ bảy, chủ nhật. Còn các doanh nghiệp thì đâu phải thế. Nông dân, thương nhân, người lao động tự do có ai nghỉ tết dài đâu, cũng không ai nghỉ thứ bảy, chủ nhật khi công việc cần. Nhà nước đâu có cấm ai làm việc, lao động, buôn bán vào những ngày tết. Còn các nước theo đạo Thiên Chúa, họ nghỉ lễ phục sinh, lễ tạ ơn cũng đâu ít ngày. Trung Hoa nghỉ tết kéo dài đến hết rằm tháng giêng thì sao? Đất nước họ vẫn phát triển chớ đâu có thụt lùi. Còn nói rằng hoạt động kinh tế của cả thế giới (phương Tây) đang diễn ra mà ta lại nghỉ thì cũng nên xem lại. Bởi tết là tết, còn hoạt động thì vẫn hoạt động, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán đâu có nghỉ, bất quá là cho người lao động nghỉ hoặc trả thêm tiền làm ngoài giờ thôi, mà như thế thì người lao động có thêm thu nhập nếu làm thêm vào những ngày nghỉ tết. Hãy đặt mình ở vị trí người lao động mà suy nghĩ chớ đừng đứng bên ngoài hay bên trên mà phán.
    Người dân lao động vất vả cả năm chỉ mong đến tết để có dịp nghỉ ngơi, thăm viếng người thân, thầy cô, bè bạn, bởi thế mới có câu “Mùng một tết mẹ tết cha, mùng hai tết bạn, mùng ba tết thầy”. Bận rộn quanh năm suốt tháng thì cũng phải có ngày thực hiện một ít lễ nghi dành cho gia đình dòng họ chứ. Các vị trí thức lớn luôn có gia đình xung quanh bởi họ làm việc ở các thành phố, gần nhà, có khi nào họ nghĩ đến những mảnh đời cơ cực, tha phương cầu thực không? Có khi nào nghĩ đến việc cha mẹ già nghèo khổ ở quê nhà trông con cháu về khi tết đến hay không? Ở trong tháp ngà làm sao biết được suy nghĩ và nỗi gian truân của người khốn khó.
    Còn việc tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội không phải đến tết mới diễn ra. Thử ra đường vào những ngày tết ở thành phố xem, đường rất vắng xe. Tai nạn giao thông là do một bộ phận giới trẻ thiếu ý thức như việc đổ ra đường hò hét mừng bóng đá, bất chấp luật lệ giao thông, hay tài xế xe tải bất cẩn chứ đâu phải tại tết. Các tệ nạn khác cũng thế, không phải đến tết mới diễn ra đâu. Đừng đỗ thừa cho tết.
    Tóm lại, xin khuyên các vị “trí thức” bỏ qua ý nghĩ chuyển việc ăn tết của dân tộc ta qua đầu năm dương lịch. Mong thay.

    Trương Thanh Hùng

    Trả lờiXóa