MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

SỰ SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KHẮC THUẦN - Tác giả: Thái Quốc Mưu (Hoa Kỳ)

(Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần - Nguồn ảnh: Internet)
SỰ SAI LẦM CỦA HỌC GIẢ
NGUYỄN KHẮC THUẦN
*
Nguyễn Khắc Thuần là Nhà Sử Học, là một giảng viên đại học ở Việt Nam (hiện là Trưởng khoa Việt Nam Học Đại Học Bình Dương) và là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa. Ông có hai bộ sách được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.
Trước khi tham gia vào lãnh vực sử học, ông từng ở trong quân đội, làm việc tại báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh cùng với Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy. Sau năm 1975, ông làm giảng viên dạy về lịch sử, văn hóa trong ngành sư phạm. Ông từng là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông hiện nay là Trưởng khoa Việt Nam Học của trường Đại Học Bình Dương.
Các tác phẩm chính:
- Việt sử giai thoại, 8 tập - Nhà xuất bản Giáo dục.
- Danh tướng Việt Nam, 5 tập - Nhà xuất bản Giáo dục.
- Việt sử giai thoại, 8 tập - Nhà xuất bản Giáo dục.
- Danh tướng Việt Nam, 5 tập - Nhà xuất bản Giáo dục.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam.
- Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam.
- Các đời đế vương Trung Hoa - Nhà xuất bản Giáo dục.
- Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập).
- Trông lại ngàn xưa (3 tập).
- Giai thoại dã sử Việt Nam.
- Các tác phẩm dịch và hiệu đính.
- Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn.
- Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn.
- Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn.
- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn.
- Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả - Vũ Thế Dinh.
- Ô Châu cận lục, Dương Văn An.
- Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái.
- Kỷ lục Việt Nam.
(Tác giả Thái Quốc Mưu)
Đầu tháng 11/2011, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã đạt kỷ lục Việt Nam cho hai nội dung sau:
* Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện (Bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập - 8 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
* Công trình lớn nhất về lịch sử văn hoá Việt Nam do một người biên soạn (Bộ sách Đại Việt sử lược - 5 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Câu nói nổi tiếng của ông:
 “ Không gì bằng những hành động mà người dân nào cũng mong đợi: “Xử lý nghiêm, công minh và minh bạch các vụ án tham nhũng, bảo vệ triệt để những người đứng ra tố cáo tham nhũng. Người dân phải nghe, thấy, sờ được những hành động này của Chính phủ.”
Qua những tác phẩm “đồ sộ” của Nguyễn Khắc Thuần và đoạn văn, “Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện (Bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập - 8 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), cho ta thấy Nhà sử học, Giảng viên đại học Nguyễn Khắc Thuần, thật là vĩ đại, gồ ghề ghê gớm lắm!
Cá nhân kẻ viết bài nầy xin bái phục, chào thua!
Đọc xong các câu tô đậm, có gạch dưới, trong phần tiểu sử của Nguyễn Khắc Thuần, người viết ê chề ngao ngán về kiến thức cách viết sách của ông Học giả Nguyễn Khắc Thuần.
Tôi đọc được đâu đó, Học giả Nguyễn Khắc Thuần viết, “phải đọc khá nhiều sách thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ”.
Lời trên của ông Nguyễn Khắc Thuần chỉ huênh hoang để tự “quảng cáo” cho cái “công trình” thiếu chính xác, thiếu trung thực của ông,... Thực tế, ông ta chẳng đọc được bao nhiêu sách.
Xin chứng minh:
Chỉ 3 chữ Thần Đạo Bi (Bia thần đạo) ông ta cũng chú giải SAI!
Trong khi, với 3 chữ “Thần Đạo Bi”, û Học giả, Minh Di  Giảng sư Khoa Hán Văn các đại học Sàigòn, đã trích dẫn hàng chục bộ sách để chứng minh chỗ sai của ông “Học giả” Nguyễn Khắc Thuần.
Sau đây, người viết xin trích một đoạn dài trong bộ “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ”, do Giảng sư, Học giả Minh Di biên soạn.
Trích: “NÓI CHUYỆN HỌC THUẬT BÊN KIA BỜ”
          của Học giả, Giáo sư, Giảng sư MINH DI.
Trong bộ tác phẩm “Kiến Văn Tiểu Lục”, của Lê Quý Đôn do Nguyễn Khắc Thuần dịch và hiệu đính có rất nhiều sai lầm.
Về 3 chữ “Bia Thần Đạo”, Nguyễn Khắc Thuần giải thích:
- “Con ông tên là, (Trịnh) Đán làm Binh Bộ Thượng Thư, hiện nay vẫn còn có Bia Thần Đạo ở xã An Hoành”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 28). 
Chú giải của Nguyễn Khắc Thuần:
“Bia Thần Đạo là bia ghi việc được ban sắc phong làm thần.”
Học giả, Giảng sư Minh Di phê bình:
- “Đọc chú thích của Nguyễn Khắc Thuần giải nghĩa tiếng “Bia thần đạo” (Thần đạo bi) mà tôi không thể nào ngờ 3 chữ bình thường như vậy mà ông cũng dịch sai được!
Thần Đạo Bi là tấm bia dựng trên đường đi trước mộ phần, trên bia khắc một bài văn tự thuật tiểu sử (cuộc đời, sự nghiệp) của người quá vãng. Tuyệt đối đây không phải là tấm “bia ghi việc được ban sắc phong làm thần” như Nguyễn Khắc Thuần nói!
1- Từ điển Từ Nguyên:
- “Thần Đạo Bi”. Lập tại mộ đạo thượng đích BI, thượng ký tử giả sinh bình”.
2- Hán Dương Chấn Bi, thủ đề tác:
- “Cố Thái úy Dương Công Thần Đạo Bi minh”.
3- Tham duyệt:
- Tống, Ngô Tăng “Năng Cải Trai Mạn Lục, Nhị. Mộ Lộ xưng Thần Đạo”.
Dịch nghĩa: 1 - “Thần Đạo Bi”
- TẤM BIA dựng trên đường đi trước mộ phần, trên BIA khắc Bài văn tự thuật cuộc đời của người quá vãng”.
2 - Tấm bia của Dương Chấn thời Hán ở trên đầu Bia khắc. - “Bài minh ghi lại tiểu sử của ông Thái úy quá cố họ Dương”.
3 - Đọc thêm:
-“Năng Cải Trai Mạn Lục”, Quyển II, “Đường trước Mộ gọi là Thần Đạo”, của Ngô Tăng đời Tống.
Minh Di án:
- Từ điển Từ Nguyên nói rằng: “Đường đi trước Mộ gọi là Thần Đạo” trong tập bút ký “Năng Cải Trai Mạn Lục” của Ngô Tăng nằm ở Quyển II.
Mở tập bút ký nói trên thì thấy Từ Nguyên đã lầm! Đoạn văn ngắn dẫn trên, chính xác thuộc Quyển I của tập bút ký.
(Tham khảo Năng Cải Trai Mạn Lục. Qu. I. Sự thủy. 73. Mộ lộ xưng Thần Đạo). 
- Từ điển Từ Hải, Thần Đạo Bi: “Mộ đạo tiền lập Bi dĩ ký tử giả chi sinh bình vị chi Thần Đạo Bi”.
- “Thần Đạo Bi”: Tấm Bia lập trước mộ để ghi lại cuộc đời của người chết được gọi là “Thần Đạo Bi”.
Cứ như định nghĩa trên đây, Thần Đạo Bi là Tấm bia ghi Hành trạng (Tiểu sử, Truyện) của một người quá vãng.
- Tục lập “Thần Đạo Bi”, theo “Năng Cải Trai Mạn Lục” bắt đầu có từ thời Tây Hán. (Tham khảo Sđd. Quyển thứ và điều mục đã dẫn ở trang trước).
Nhưng, cũng cần nói rõ ở đây là, những người được lập bia, khắc lại tiểu sử trên bia đều là những người có thanh vọng hoặc trong giới quyền quí, hoặc trong giới trí thức.
Văn hào Hàn Dũ (768 - 824) trong suốt một đời chỉ viết có 6 bài “Thần Đạo Bi” cho 6 nhân vật có tiếng tăm đương thời. 
- Thần Đạo là lối đi, đường đi trước mộ phần.
Cũng Từ điển Từ Nguyên dẫn trên:
- “Thần Đạo... Mộ đạo. Ý vi Thần hành đích đạo lộ...
- Hậu Hán Thư. Tứ nhị, Trung Sơn Giản vương Yên truyện: “Đại vi tu trủng doanh, khai Thần Đạo”.
Chú:
‘Mộ tiền khai đạo, kiến thạch trụ dĩ vi tiêu, vị chi Thần Đạo”.
Dịch nghĩa:
“Thần Đạo... Lối đi (phía trước) của mộ phần. Ý nói là đường của Thần đi...
- Hậu Hán Thư. Quyển XLII, “Trung Sơn Giản vương Yên truyện” (chép):
“Cho sửa sang làm lại Mộ phần to lớn (hơn), mở đường đi trước mộ”
Chú thích:
“Trước mộ làm đường đi, dựng trụ đá làm mốc, gọi là Thần Đạo”.
Minh Di án:
“Chú thích Từ Nguyên dẫn trên là của Lý Hiền (655 - 684) đời Đường.”
Trong cuốn “Hậu Hán Thư Tập Giải” Vương Tiên Khiêm (1842 - 1917) cuối đời Thanh viện dẫn lời học giả Huệ Đống (1697 -1758) viết:
- “Thần đạo chi xưng thủy vu Tây Hán”.
Nghĩa: “Danh xưng Thần đạo khởi từ thời Tây Hán”).
- Sử gia Ban Cố (32 - 92) chép:
“Vũ kí tự vi Bác Lục Hầu, thái phu nhân Hiển cải Quang thời sở tự tạo doanh chế nhi xỉ đại chi; khởi tam xuất khuyết trúc thần đạo, bắc lâm Chiêu Linh, nam xuất Thừa Ân”.
- Hán Thư. Qu. LXVIII. Hoắc Quang truyện:
- “Sau khi (Hoắc) Vũ kế thừa (cha), giữ tước Bác Lục Hầu thì thái phu nhân (tên) Hiển cho sửa lại phần mộ mà (Hoắc) Quang xây lúc còn sống, xây cất lớn hơn, xa xỉ hơn, ở 3 bên mộ phần, mỗi bên dựng 2 cây cột (đá), cho làm đường đi trước mộ phần, về phía Bắc (đường) chạy tới Chiêu Linh Quán, về phía Nam trải tới Thừa Ân Quán”.
Về 2 tên gọi Chiêu Linh và Thừa Ân trong đoạn dẫn trên,
Nhan Sư Cổ (581 - 645) viết:
“Phục Kiền viết:
- “Chiêu Linh, Thừa Ân, giai quán danh dã”.
- Lý Kì viết:
- “Chiêu Linh, Cao tổ mẫu trủng viên dã”.
- Văn Dĩnh viết:
- Thừa Ân, Nghi Bình Hầu trủng viên dã.
- Sư Cổ viết:
- “Phục thuyết thị dã, Văn, Lý tịnh thất chi”.
Dịch nghĩa:
- “Phục Kiền nói: Chiêu Linh, Thừa Ân đều là tên Quán.
- Lý Kì nói: Chiêu Linh là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của mẹ (Hán) Cao tổ.
- Văn Dĩnh nói: Thừa Ân là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của Nghi Bình Hầu.
- Sư Cổ nói:
- “Thuyết của Phục Kiền đúng, Văn Dĩnh, Lý Kỳ đều sai”.
Chưa rõ Chiêu Linh Quán và Thừa Ân Quán là “Quán” gì? là Quán xá? là Thư quán? hay Quán thự? Chú thích trên đây của Nhan Sư Cổ (581-645) cũng đã không làm cho chúng ta hết thắc mắc về loại của 2 cái Quán này: là Quán gì?  
Sau hết, cần nói thêm một điều:
- Có những nhân vật mà tiểu sử đã không được Sử sách đương thời ghi lại trong một số trường hợp nhờ những “Thần đạo bi” mà người đời sau có dữ kiện mà ghi vào sách.
- Trong “Tân Đường Thư”, khi ghi lại tiểu sử của Vương Trọng Thư (762 - 823), sử gia Âu Dương Tu (1007 - 1072) đã căn cứ bài Thần Đạo Bi của Hàn Dũ đời Đường viết về nhân vật này. Bài Thần Đạo Bi viết về Vương Trọng Thư này của Hàn Dũ tựa là:
- “Đường cố Giang Nam tây đạo Quan Sát sứ, Trung đại phu, Hồng Châu thích sử kiêm Ngự Sử Trung Thừa, Thượng  Trụ Quốc, Tứ Tử Kim Ngư Đại, tặng Tả Tán Kị Thường thị, Thái Nguyên Vương công THẦN ĐẠO BI minh.
Nguyễn Khắc Thuần viết:
- Thần Đạo Bi:“là bia ghi việc được ban sắc phong làm thần”.
Với những gì tôi (tức Học giả Minh Di) trưng dẫn trên đây về các tiếng “Thần đạo”, “Thần đạo bi” thì tôi đây xin hỏi ông Nguyễn Khắc Thuần, ông đọc ở đâu hay là chỉ thấy 2 chữ Thần đạo, cứ đó mà suy đoán theo cái kiến thức rất hạn hẹp, rất thiếu học vấn của ông. Vậy, ông cho biết Thần nào ở đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần? Ngoài ra, đối chiếu với nguyên tác Hán văn thì thấy trong câu dịch trích dẫn phần đầu bài trên đây Nguyễn Khắc Thuần đã dịch thiếu mất 1 chữ:
Nguyên tác viết:
- “Trịnh Khả...
Tử Công Đán, Binh bộ Thượng thư, hữu Thần Đạo Bi...
Dịch nghĩa:
- “Trịnh Khả...…
- Con là (Trịnh) Công Đán, là Binh bộ Thượng thư, có Bia ghi tiểu sử...”
Nguyễn Khắc Thuần, như đã dẫn, dịch thiếu chữ “Công”, chỉ dịch là “(Trịnh) Đán”. Thiếu sót trên đây quá hiển nhiên, bất cứ độc giả nào ghé mắt vào nguyên tác cũng sẽ đi đến kết luận là Nguyễn Khắc Thuần đã không đọc bản Hán văn, không thể tìm được một kết luận nào khác hơn! 
Nếu dịch thiếu ý còn có thể, nhưng dịch thiếu chữ trong tên người, tên sự vật, sự việc... đây là việc rất hiếm!”(ngưng trích)
Về nước Chiêm Thành, Nguyễn Khắc Thuần viết:
- “Chiêm Thành tuy là một nước nhỏ nhưng nhân tài cũng không ít”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 29).
Học giả Minh Di viết thẳng tay (trích): “Ông có đọc nguyên tác Hán văn không đây ông Nguyễn Khắc Thuần?”
Nguyên tác ghi rành rành như sau: “Chiêm Thành nhất quốc nhân tài dịch phi thiểu dã!”. Dịch nghĩa: “Nhân tài của cả nước Chiêm Thành cũng không phải là ít!”.
Đối chiếu thì độc giả thấy ngay ông Nguyễn Khắc Thuần đã dịch không chính xác, dịch không đúng với nguyên tác!
Làm gì có cái ý “tuy là một nước nhỏ” ở đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?
Nếu ông dịch sai thì do trình độ, tài học ông còn kém, kém nhưng dầu sao ông cũng có ghé mắt vào nguyên tác! Trong khi ở đây nguyên tác không ghi, không chép, vậy mà không biết ông lấy từ đâu ra để mà dịch câu “tuy là một nước nhỏ”? Không có ông làm cho thành có, thực là đáng ngờ hết sức!
Nguyễn Khắc Thuần có đọc bản Hán văn không đây, hay là ông chỉ biết nhắm mắt mà cóp từ một bản dịch bá láp nào đó, và cứ thế bê vào bản dịch của ông mà không cần đối chiếu với nguyên tác (mà tôi đây (tức Học giả Minh Di) cũng chẳng rõ là ông kia có rành rẽ Hán văn hay không để có thể đối chiếu hay không nữa?)
Viết về nhà của Lê Niệm, Nguyễn Khắc Thuần viết: “Nhà ở của (Lê) Niệm có tên là Thoát Hiên, ngụ ý hâm mộ ý chí khí Đào Chu 1......”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 32).
Nguyễn Khắc Thuần Chú thích như sau: “Đào Chu nói ở đây là Phạm Lãi, người Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn hạ được Ngô Phù Sai, nhưng sau đó thì bỏ đi chu du khắp Ngũ Hồ chứ không chịu ra làm quan cho Việt Vương Câu Tiễn”.
Đáng lẽ Nguyễn Khắc Thuần phải chú thích tại sao Phạm Lãi được gọi là Đào Chu. Còn danh xưng Đào Chu của Phạm Lãi liên quan nghề Gốm của Trung Quốc.
Nói tới Bình Trà đất nung trong “Trà nghệ Trung Quốc” thì không thể không đề cập loại bình trà gọi là “Tử sa Trà hồ” sản xuất tại huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô.
Đất Nghi Hưng vào các thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn), Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn) có tên là Kinh Khê, vì gần Kinh Nam Sơn, lại nữa ngọn Thương Sơn trong địa hạt có một cái khe nước tên Thanh Khê, do đó được mệnh danh là Kinh Khê.
Sau đó, trải các triều Tần (221 - 206 tr. Cn), rồi Hán (206 tr. Cn - 220 Cn) đất Kinh Khê được đổi tên thành Dương Diễn. Cuối thời Tây Tấn (265 - 317), Chu Khởi (258 - 313) tại đất nầy, đã trước, sau 3 lần hưng nghĩa quân tham gia việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Thạch Băng (? - 304) và sau đó là Trần Mẫn (? - 307), Tiền Khoái (? - ?), vì thế mà sau đó đất này lại được đổi tên thành Nghĩa Hưng.
Sau đó, tới thời Triệu Tống (960 - 1279), vì Tống Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997) tên Triệu Quang Nghĩa cho nên đất Nghĩa Hưng đã phải đổi tên lại thành Nghi Hưng vào đầu Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 - 984).
Nghề Gốm, nghề Sứ tại Nghi Hưng có một Lịch sử rất lâu đời. Theo truyền thuyết đã khởi đầu từ quan đại phu Phạm Lãi (? - ?) nước Việt vào cuối thời Xuân Thu. Gia đình Phạm Lãi ở đất Kinh Khê làm nghề gốm mà trở nên giàu có và Phạm Lãi được gọi qua biệt hiệu “Đào Chu Công”, chữ “Đào” có nghĩa là “Đồ Gốm”. Cũng vì thế mà giới hành nghề Gốm ở Nghi Hưng thời trước đã tôn Phạm Lãi là “Đào Tổ”, (Tổ nghề Gốm).  
+ Nguyễn Khắc Thuần:
- “Lê Thánh Tông khi còn ở Phiên Để 4 ...…”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 33).
Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần: “4. Phiên Để là nơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương”.
Minh Di: “Nguyễn Khắc Thuần chú thích thật hàm hồ! Nơi ở trước khi lên ngôi nó ra làm sao đây thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?”
Từ điển Từ Nguyên:
- “Phiên để”: Chư hầu vương đích phủ đệ”. Dịch: “Phủ đệ của các bậc vương của chư hầu”. Nghĩa của tiếng “Phiên để” giản dị chỉ là một danh xưng chỉ dinh thự của bậc vương nói chung, chứ không chuyên chỉ “nơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương” như Nguyễn Khắc Thuần đã giải thích ba láp!
Bậc vương nào cũng có phủ đệ riêng, và như vậy, không lẽ bậc vương nào có phủ đệ rồi cũng được lên ngôi vua? Thiệt là ba láp!
Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581) viết:
Hữu mỹ lệnh đức (Có đức tốt đẹp.)
Mậu thân phiên để. (Người thân đầy phủ.)
(Dũ Tử Sơn Tập. Qu. XV. Chí minh).
(Chu Đại Tướng Quân Nghĩa Hưng Công Tiêu công mộ chí minh).                           
Trên đây là bài minh Dũ Tín tự thuật công nghiệp, đức độ của Tiêu Thế Di (? - 568), là đại thần triều Bắc Chu. Tiêu Thế Di có phải là hoàng đế đâu Nguyễn Khắc Thuần?
Tiêu Thế Di có Truyện trong bộ “Chu Thư (Qu. XLII”).
+ Nguyễn Khắc Thuần, viết: “Mưu việc nước mỗi lần đều như Lý Bí 1 thời Đường”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 36).
Chú thích của Nguyễn Khác Thuần: “1 Nguyên bản viết là Lý Bật nên chúng tôi phải phiên âm là Lý Bí chứ có lẽ đây là nhân vật Lý Bí, một văn thần xuất sắc của Trung Quốc thời nhà Đường. Ông người Kinh Triệu, làm quan dưới các thời Đường Túc Tông (756 - 762), Đường Đại Tông (762 - 799), Đường Đức Tông (779 - 805)”.
Minh Di, viết:
Nguyễn Khắc Thuần lại viết tầm bậy! Đúng ông lại viết cho thành sai, lại chú thích cho lòi cái khả năng kém cỏi của ông ra!
Lê Quí Đôn đã viết đúng, nhân vật này đúng là Lý Bí (722 - 789), đại thần đời Đường.
Lúc Đường Túc Tông (711 - 762; tại vị: 756 - 761) tức vị thì triệu Lý Bí ra làm tham mưu Quân sự. Chưa được bao lâu thì bị Lý Phụ Quốc (704 - 762) - hoạn quan sủng ái của Túc tông vu cáo hãm hại nên Lý Bí về ẩn ở Hành Sơn.
Đường Đại Tông (726 - 779; tại vị: 762 - 779) tức vị, lại triệu ông về triều, giao cho chức Hàn Lâm Học Sĩ, và sau đó xuất nhiệm Thích Sử Sở Châu.
Thời Đức Tông (742 - 805; tại vị: 779 - 805), năm 787 ông đang tại chức Quan Sát sứ ở đất Tây Quách,Thiểm Châu, thì triều đình triệu về giao chức Trung Thư Thị Lang - và Đồng Bình Chương Sự (chức quan do Đường triều lập, tức như Tể tướng).
Trong thời gian nắm giữ Chính sự Lý Bí khuyên Đức Tông không nên nghi kỵ công thần đồng thời kiến nghị về mặt đối ngoại ở phương Bắc hòa hoãn với Hồi Hột, ở phía Nam liên minh với Nam Chiếu, và ở mặt Tây thân với nước Đại Thực để cô lập Thổ Phồn. (Phụ chú: Hồi Hột là hậu duệ của Hung Nô. Đại Thực tức Á Rập).
Các đề nghị trên đây đều được Đường Đức tông nghe theo.
Mình Di, viết:
“Lý Bí chứ Lý Bật nào ở đây, Nguyễn Khắc Thuần? Duyệt Lịch sử, và Văn học sử, Đường triều thì không thấy có “văn thần xuất sắc” nào tên là Lý Bật, như Nguyễn Khắc Thuần nói cả! Không rõ Nguyễn Khắc Thuần tìm kiếm được nhân vật này ở đâu?
Ngoài ra, Nguyễn Khắc Thuần còn sai một điểm nữa là Đường Túc Tông chỉ làm vua đến năm 761, chứ không phải năm 762 như Nguyễn Khắc Thuần ghi ở phần chú thích.  
Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Sự nghiệp mãi còn”. (Qu. 5. Tài phẩm. 58).
Nguyễn Khắc Thuần chú thích:
“Sự nghiệp mãi còn”: Nguyên bản viết là (Diêm mai vĩnh tế). Trong đó, diêm là muối, mai là quả mơ chua - hai gia vị không thể thiếu khi nấu ăn. Hai gia vị này mãi còn thì phúc nhà cũng sẽ mãi còn. Vĩnh Tế là mãi đầy, không bao giờ vơi”.
Minh Di, viết:
- Nguyễn Khắc Thuần lại giải thích bậy!
Nguyễn Khắc Thuần không biết rằng 2 chữ “diêm mai” là chữ xuất từ “Thượng Thư”: “Nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai”. (Thượng Thư. Thượng Thư. Duyệt mệnh. Hạ.
- “Nếu nói nấu canh thì ông như muối và trái mơ”. (Phụ chú: Trên đây là lời Ân Cao Tông nói với Phó Duyệt). 
- Thái Trầm chú giải câu trên, viết: “Phạm thị, viết: “... Canh phi diêm mai bất hòa, nhân quân duy hữu mỹ chất tất đắc hiền thần phụ đạo nãi năng thành đức… Canh giả diêm quá tắc hàm, mai quá tắc toan, diêm mai đắc trúng nhiên hậu thành canh. Thần chi ư quân, đương dĩ nhu tế cương khả tế”.
 “Họ Phạm, nói: “... Canh mà không có muối và trái mơ thì không vừa miệng, bậc quân chủ có tư cách tốt thì chắc chắn sẽ gặp bậc hiền thần phụ giúp, lúc đó mới có thể thành cái đức của một người cai trị tốt... Canh mà bỏ muối nhiều quáthì mặn, trái mơ nhiều quá thì chua, muối và vị mơ đúng lượng thì canh mới thành. Bề tôi đối với vua nên mềm mỏng để trợ giúp vua thì chính sự mới hoàn thành (tốt đẹp) được”.
Ở đây mượn việc nêm canh để chỉ việc chỉnh lý quốc sự.
Nguyễn Khắc Thuần giải thích 2 tiếng “Vĩnh Tế” là “mãi đầy, không bao giờ vơi” thì thực là không biết gì cả! “Tế” có nghĩa là “đã qua bên kia bờ”, là “thành công”, bởi vậy ở đây 2 tiếng “Vĩnh Tế” có ý nói mọi việc hoàn thành tốt đẹp dài lâu.
Sau này, trong thi văn 2 chữ “diêm mai” thường được dùng để chỉ Tể Tướng, hay chức quyền tương đương Tể Tướng.
- Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581), viết:
          Nhược thiệp đại xuyên (Như vượt sông lớn).
          Ngôn bằng chu tập.     (Phải nhờ mái chèo).
          Như hòa đỉnh thực,      (Như nêm thức ăn).
          Hữu ký ư diêm mai.     (Nêm muối nêm mơ),
          Quân thần nhất thể,     (Vua tôi một lòng).
          Khả dĩ tĩnh phần ai.     (Mới lắng được trần ai).
          Đắc nhân tắc trị, (Được người thì yên).
          Hà thế vô kỳ tài?         (Thời nào không kỳ tài?).
 (Dũ Tử Sơn Tập. Qu. VI. Giao Miếu ca từ. Thương điệu khúc).                       
- Minh Di,  viết: “Từ điển Từ Nguyên nói Bài thơ dẫn trên ở Quyển VII của “Dũ Tử Sơn Tập”, điểm này không chính xác. Như đã dẫn ở trên, bài này thuộc Quyển VI.)
Tham khảo Từ Nguyên: Mục giải nghĩa tiếng Diêm mai.
(ngưng trích).
Nhận xét của Thái Quốc Mưu:
Trong bộ sách dịch thuật và lý giải tác phẩm của Lê Quý Đôn, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, mở đầu: “Chúng ta đều biết Lê Quí Đôn là một học giả uyên bác, do đó chú thích tác phẩm của ông là một việc làm tương đối khó khăn! Khó khăn là vì phải đọc khá nhiều sách thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ, để cho người đọc có một cái nhìn tổng quát về học, vấn của Lê Quí Đôn.”
Học giả Nguyễn Khắc Thuần cho chúng ta biết, ông phải đọc khá nhiều sách thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ, thực tế ông Thuần chỉ huênh hoang để tự “quảng cáo”, chứ chẳng đọc được bao nhiêu sách. Chứng minh, chỉ 3 chữ Thần Đạo Bi (Bia thần đạo) ông ta cũng giải thích SAI! Trong khi, với 3 chữ đó, Học giả, Giảng sư Khoa Hán Văn, Cổ ngữ, Học gia, Giảng sư Minh Di đã trích dẫn hàng chục bộ sách để chứng minh chỗ sai của “Học giả” Nguyễn Khắc Thuần.
Đoạn bài trên đây chúng tôi chỉ trích một đoạn dài trong bài viết của Học giả Minh Di phê bình bộ sách “Viết về Lê Quý Đôn” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần. Nó chỉ là một phần rất nhỏ để chứng minh sự sai lầm trong vô vàn những sai lầm khác.
Hậu quả trong việc viết biên khảo mà sai, viết bừa bãi sẽ để lại hậu thế một tai hại không thể lường được! Do đó, đòi hỏi người viết phải tra cứu tài liệu thật chính xác. Đáng tiếc Học giả Nguyển Khắc Thuần không nghĩ ra điều đó, là uổng phí khá nhiều công lao của ông.
Một lần học giả Minh Di chia sẻ với tôi (TQMưu): “Mình làm văn học, biết điều sai mà không nói là có tội với tiền nhân và có lỗi với các thế hệ mai sau. Khi phê bình, mình phải đặt tình cảm riêng tư ra ngoài, lấy công tâm mà nói. Không nên thiên vị kẻ nào. Mình cứ khen đúng chỗ, chê đúng chỗ chẳng ai dám phê phán mình cả.” Lời chia sẻ của ông rất hợp “ý” tôi!
Để kết thúc, người viết xin kể một chuyện bên lề. Anh em chúng tôi luôn tự hào về thư phòng của phụ thân mình. Có lần tôi định khoe với Học giả Minh Di về lượng sách trong thư phòng ấy. Nhưng lại thôi!
Sau đó, tôi đọc được bài viết của Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng - tác giả bài Vàng Rơi Không Tiếc - đã du lịch Úc Châu, do ái mộ Học Giả Minh Di, tìm đến thăm ông tại tư gia, thì được biết Thư Phòng của Minh Di có trên 6.000 (sáu ngàn) đầu sách quý bằng Hán văn và Cổ ngữ toàn làm những tác phẩm có giá trị, được sắp xếp rất khoa học trên các ngăn ở những kệ sách dài ngoằng. Nhìn lượng sách ấy Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng đã phải kêu lên, “Đây chính là một thư viện!”
Đọc xong bài viết ấy, tôi liền gọi hỏi Học giả Minh Di và kể câu chuyện đó, ông cười rồi đáp, “Ông ấy nói chính xác đó anh!” Tôi nói, “như vậy, nếu tính ra số lượng cuốn thì vào khoảng 5, 6 chục ngàn cuốn phải không anh?”
Cũng từ dạo đó, trong tình bằng hữu chúng tôi thân nhau hơn! Nhưng trong thâm tâm anh em chúng tôi vẫn tôn trọng Học giả Minh Di là Bậc Đàn Anh, là Bậc Thầy, mỗi khi chúng tôi có điều gì không thể giải thích nổi, đều nhờ ông giúp. Khi giải thích thì Học giả Minh Di chỉ dẫn rất cặn kẽ, đâu ra đó, dẫn chứng đầy đủ để chứng minh. Và, cũng từ đó, mỗi khi Học giả Minh Di viết xong một bộ sách ông liền email bản thảo, đến anh em chúng tôi (Thái Quốc Mưu & Kha Tiệm Ly) đọc trước, để mở mang thêm kiến thức.
Tham khảo có trích đoạn:
- “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ” của Học giả, Giáo sư, Giảng sư Minh Di.
Xin lưu ý:
Những đoạn trích dẫn trong bài nầy, chúng tôi đã được Học giả Minh Di cho phép sử dụng riêng. Để tôn trọng quyền tác giả - ngoại trừ sử dụng bài viết nầy - Quý vị nào cần trích dẫn để sử dụng riêng cho bài viết khác - Xin liên lạc trước với chúng tôi qua Email: danviet1995@aol.com.
Chúng tôi sẽ thỉnh ý Học Giả Minh Di trước. Sau khi được sự đồng ý của Học giả Minh Di, chúng tôi sẽ thông báo đến quý vị ngay.
Tuyệt đối cấm không ai được trích dẫn phần chúng tôi trích dẫn trong cuốn sách nầy.
Bất cứ ai cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ giành quyền truy tố trước pháp luật, đúng theo Hiệp Ước Quốc Tế về vi phạm bản quyền.
*
Atlanta, Sep. 01-2016
THÁI QUỐC MƯU
Địa chỉ: 6395 GlenBrook Dr.
             Tucker, GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
 Email: danviet1995@aol.com
                        .












…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.02.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét