(Nguồn ảnh: internet) |
HÌNH ẢNH PHẬT DI LẶC
VÀ 6 ĐỨA BÉ CÓ Ý NGHĨA GÌ
Là người Phật tử, ai cũng từng thấy hình
tượng đức Phật Di Lặc ở các ngôi chùa. Ngài luôn vui cười không phiền, không
chướng ngại gì hết.
Tại sao như vậy?
(Thượng tọa Thích Nhật Từ) |
Như vậy cội gốc sinh tử cũng là sáu căn của
chúng ta: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; cội gốc Bồ đề Niết bàn cũng là sáu căn
của chúng ta. Như vậy con đường trở về Giác ngộ hay con đường sinh tử luân hồi
là một hay hai?
Đức Phật Di Lặc và sáu đứa bé, tức là sáu đứa
cướp phá phách.
Sinh tử luân hồi cũng đi con đường đó mà Bồ
đề Niết bàn cũng đi con đường đó, có khác nhau. Người thì đi theo chiều thuận
gọi là thuận lưu, người đi theo chiều nghịch, gọi là nghịch lưu. Đi theo chiều
thuận là sinh tử luân hồi, đi theo chiều nghịch là giải thoát sinh tử.
Cũng như vậy, nếu sáu căn của chúng ta nếu ta
thuận chiều với nó, đó là chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Chúng ta đi ngược
chiều với nó là chúng ta trở về Niết bàn, Bồ đề, giải thoát. Nếu sáu căn đi
theo sáu trần gọi là thuận lưu, đi theo chiều luân hồi. Nếu sáu căn không chạy
theo sáu trần, không nhiễm, không dính, không mắc, đó là người trở về Bồ-đề
Niết-bàn không đâu xa lạ. Như vậy để thấy rõ con đường tu tuy có rất nhiều,
nhưng sự tu căn bản chỉ đừng cho sáu căn chạy theo sáu trần bên ngoài.
Đức Phật Di-lặc là một vị Phật sẽ thành ở
ngày mai do Ngài tu hạnh gì? Chính hình ảnh đó là câu trả lời cụ thể nhất. Mỗi
đứa bé soi lỗ tai móc lỗ mũi của Ngài mà Ngài vẫn cười không tỏ vẻ bực dọc,
không tỏ vẻ chướng ngại buồn bã. Vì vậy Ngài sẽ thành Phật chắc chắn.
Còn chúng ta thì sao?
Nếu ai móc lỗ tai mình thì không đánh cũng
đá, không đập cũng la; móc lỗ mũi mình cũng thế...Như vậy đối sáu căn, có ai
động tới thì chúng ta không chịu nổi. Chỗ không chịu nổi đó làm chướng ngại
chúng ta.
Sáu đứa bé gọi là lục tặc, tức là sáu đứa
cướp phá phách. Nhưng thật tình chúng có phá mình hay không? Nếu bị móc lỗ tai
mà mình không cảm thấy khó chịu lại thấy đã ngứa thêm thì không bị chướng ngại.
Hiện tại hầu hết chúng ta đều bị chướng ngại bởi những lời nói bên ngoài.
Nếu những lời chửi mắng gièm pha, nguyền rủa
tới lỗ tai mà mình coi như gió thổi lá dương cành liễu cho nó nương theo gió đi
đâu thì đi, đừng vướng mắc tự nhiên mình an lành tự tại.
Nếu thấy đó là lời nói thù hằn, mỉa mai sâu
độc mà mình bực bội tức tối, ghi nhận nó vào với những tâm niệm hận thù, đen
tối thì nó sẽ thành giặc cướp làm tan hoang của báu nhà mình.
Tai nghe những tiếng khen chê hoặc là chửi
bới đề cao, mình cũng xem thường, vì tiếng nói không thật. Chính bản thân mình còn
không thật, huống là tiếng nói bên ngoài. Tâm không động đó là mình đã thắng
đứa bé móc lỗ tai rồi.
Khi con mắt thấy tất cả hình ảnh phía trước,
có đẹp có xấu. Dù hình ảnh nào mình cũng dửng dưng không lay động không dính
mắc, có như vậy bao nhiêu hình ảnh dàn trải tràn trề trước mắt, mình cũng vẫn
an lành tự tại.
Ngược lại khi thấy một hình ảnh, mình liền
cho là đẹp là xấu, đẹp thì sợ mất, xấu thì sanh tâm bực tức, thế là hình ảnh
nào cũng gây phiền não hết, không có hình ảnh nào là an vui tự tại.
Phiền não là tự ai?
Gốc tại mình. Nếu thấy nó mà không luyến ái,
không ghét bỏ, thì nó vẫn là nó. Lỗi lầm là chính lòng luyến ái, lòng sân hận
của mình chớ không phải hình ảnh có lỗi lầm. Khi chứa chấp sân hận, chứa chấp
luyến ái, thì của báu nhà mình bị cướp mất.
Nhớ đến đức Phật Di Lặc, nhớ đến sáu đứa bé
móc tai, móc mũi của Ngài. Chúng ta nên hằng giờ hằng phút kiểm điểm lại mình,
thử xem giặc có cướp của mình hay không.
Con mắt đem những hình ảnh vào để cướp mất
của báu nhà mình, đó là cái chướng biểu trưng qua hình ảnh đứa bé móc mắt. Còn
nếu ngược lại mình không mắc kẹt, hình ảnh là hình ảnh, mình vẫn an nhiên, thì
đứa bé ấy có làm gì thì làm, mình vẫn an ổn.
Lỗ mũi cũng thế, ngửi mùi hôi mùi thơm đừng
mắc kẹt, coi như khói như gió vừa qua mũi rồi mất, không có gì thật, thì có gì
làm cho mình nhiễm, tự nhiên trong lòng được tự tại. Ngược lại, tại chúng ta si
mê, cho nên mùi thơm đến thì thích, mùi hôi đến thì bực. Do đó tự mình đem giặc
vào cướp của báu nhà mình, tự làm chướng ngại.
Đức Phật Di Lặc được gọi là con người hạnh
phúc, bởi con người hạnh phúc thường mập mạp vui tươi. Cái mập mạp vui tươi đó
là nhờ trong lòng không có những đám mây phiền não che lấp mặt trời trí tuệ, mà
dù sáu đứa giặc có móc tai, móc mũi…
Ngài vẫn thấy như không. Còn chúng ta thấy
chướng nên trán nhăn, mày cau, mắt đỏ, gương mặt đau khổ. Cái khổ đó chính vì
mình không chịu nổi sáu đứa giặc phá phách nên tự nhiên sanh ra bực dọc, khó
chịu.
Nếu nó phá phách mà mình không thấy chướng,
thì cái phá đó trở thành đùa vui với nhau. Chúng ta không ai chẳng có sáu đứa
giặc, sáu đứa cướp đó nhưng nó thành giặc hay bạn là chính tại mình.
Thế nên biết tu nơi sáu căn rồi tự nhiên được
an lành tự tại. Dù chưa thành Phật, hiện đời ta cũng hạnh phúc tràn trề. Ngày
nào tháng nào cũng đều là ngày tháng vui tươi, năm nào cũng là năm đẹp đẽ.
*
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Địa chỉ: Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh,
phường 3, quận 10, thành phố Sài Gòn.
Email: thichnhattu@yahoo.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 01.01.2017.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét