MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

TẢN MẠN VỀ 'CÁI TÔI' TRONG PHÊ BÌNH - Tùy bút Phạm Quang Trung (Ninh Bình)

(Nguồn ảnh: internet)
TẢN MẠN VỀ "CÁI TÔI"
TRONG PHÊ BÌNH
*
Cho đến những ngày gần đây, nhiều người vẫn còn đặt câu hỏi: “Phê bình văn chương là khoa học hay là nghệ thuật?” Tôi nghiêng về ý kiến xem phê bình là nghệ thuật, và cứ nghĩ, nếu một ai đó có coi nó là khoa học thì chắc cũng phải thấy, đấy là một chi ngành khoa học đặc biệt, không cách xa nghệ thuật là mấy, hơn thế lắm khi ranh giới giữa chúng gần như bị xóa nhòa. Bằng cớ ư? Chẳng phải ta vẫn gọi nhà phê bình văn chương là nhà văn, và chẳng phải lịch sử văn chương khi nào cũng bao hàm diễn biến của một bộ phận quan trọng là các hoạt động và các sản phẩm phê bình đó sao!
(Tác giả Phạm Quang Trung)
Và một khi còn xem phê bình là nghệ thuật hoặc gần gũi với nghệ thuật thì sự tồn tại của “cái tôi” trong phê bình vẫn là sự thật hiển nhiên, chả phải bàn cãi làm gì. Thực tế, tôi chưa hề thấy một bài phê bình giá trị nào lại không được viết ra bởi sự thúc bách mãnh liệt từ bên trong. Nhà phê bình để lại dấu ấn riêng của mình trên trang sách như nhà sáng tạo lưu lại hình bóng riêng của mình trên trang viết. Sâu đậm nhất là quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ. Cùng thổ lộ tâm sự và thể hiện cái nhìn của mình về đời sống, nhưng nhà văn thì qua chất liệu của chính đời sống, còn nhà phê bình thì lại bằng chất liệu của bản thân văn chương.
Trong cuộc tranh luận sôi động xung quanh “Chân dung và Đối thoại” vào đầu năm 1999, tôi  để ý tới nhận xét sau: Không, Trần Đăng Khoa không vẽ “chân dung” của ai đâu mà vẽ “chân dung" của chính mình, không “đối thoại” với ai khác mà “đối thoại” với chính mình vậy. Phải nói là khá tinh tường! Nhưng từ đó, nhiều người đi tới quy kết một cách cực đoan rằng, “cái tôi” của người nghệ sĩ viết phê bình là thế, rất dễ bộc lộ và rất khó chế ngự.
Không hẳn vậy đâu! Bất cứ ai cầm bút viết phê bình đều có thể rơi vào tình thế giằng co giữa lý và tình, giữa tỉnh và say. Lại thêm một bằng cớ giúp cho việc phân tách phê bình ra khỏi nghiên cứu. Theo tôi, nhà nghiên cứu văn chương là một nhà khoa học thuần túy. (Cố nhiên, đây là nhà khoa học xã hội, nhà khoa học nhân văn; phẩm chất và hoạt động của họ mang nhiều nét đặc thù so với các nhà khoa học tự nhiên và khoa học trừu tượng). Ơ đây, càng hạn chế bộc lộ “cái tôi” thì càng có điều kiện tiếp cận chân lý khoa học khách quan.
Nói thế, không phải ta phủ nhận hoặc xem nhẹ tính khách quan của phê bình đâu. Người ta yêu cầu sự cảm thông của nhà phê bình đối với nhà văn. Người ta đồng thời đề cao tính định hướng, tính chuẩn mực của phê bình. Không thể đánh giá thấp mặt nào, đặc biệt là mặt sau. Theo ý nghĩa đó, phê bình là phần tỉnh thức của ý thức văn chương - sự tỉnh thức này đặc biệt cần thiết vào giao điểm của các thời kỳ, khi có sự xáo trộn nhất định giữa các thang bậc giá trị ,khi cái mới và cái cũ tranh chấp ảnh hưởng, không ai chịu nhường ai. Nhưng dẫu thế nào, bảo đảm sự hài hòa giữa hai mặt đó luôn là thách thức đối với bản lĩnh của một nhà phê bình. Làm sao phải thật sự sống với tác phẩm mà lại không rời xa tiêu chí thẩm định, phải luôn đứng gần tác giả mà vẫn giữ được khoảng cách cần phải có - điều đó luôn nằm trong mong ước nghề nghiệp của một nhà phê bình chân chính.
 “Cái tôi” của nhà phê bình văn chương có liên quan tới một điểm khu biệt khác giữa phê bình và nghiên cứu: Phê bình quan tâm nhiều hơn tới các hiện tượng văn chương đương đại, trong khi nghiên cứu lại chủ yếu hướng về những hiện tượng văn chương đã tương đối định hình trong quá khứ. Văn chương đương đại đang diễn ra, giá trị chưa ổn định, rất cần nhà phê bình bày tỏ chủ kiến của mình một cách kịp thời và trực tiếp. Và chính ở đây, “cái tôi” của nhà phê bình có cơ bộc lộ. Chăm chú lắng nghe những ý kiến tản mát hồn nhiên của người đọc, trên tầm cao của quan điểm thẩm mỹ tiên tiến mà thời đại cho phép, nhà phê bình cần biết trình bày thuyết phục cách xem xét, sự đánh giá của bản thân, nhằm đáp ứng nỗi trông đợi của nhiều người. Sự trông đợi tiếng nói phê bình đặc biệt khẩn thiết khi các cuộc tranh luận văn chương nổ ra. Lý do không phải vì đây là tiếng nói quyết định cuối cùng của “ngự sử văn chương” – đã và sẽ không bao giờ có tiếng nói quyết định kiểu ấy. Lý do đơn giản chỉ vì đây là tiếng nói có trách nhiệm của những người trong nghề; sự tin cậy nhờ vậy mà tăng lên.
Xin nói ngay, người viết phê bình thì nhiều, còn người tạo nên được sự tin cậy chắc chắn trong đông đảo bạn đọc lại chẳng được bao nhiêu. Tất cả tùy thuộc vào lương tâm và năng lực nghề nghiệp, và nói chung không ra ngoài cái gọi là tài năng của nhà phê bình. Tựa như trong sáng tác, phong cách là thước đo chính xác  đánh giá độ chín của tài năng phê bình. Phong cách là sự ổn định ; phong cách còn là sự phát triển, biến đổi trong sự ổn định ấy. Việc trau dồi và bồi dưỡng phong cách thường xuyên được đặt ra là vì thế.
Phong cách phê bình là sự kết tinh hài hòa giữa nhiều yếu tố, cơ bản và không cơ bản, trong đó thị hiếu, quan điểm, lý tưởng thẩm mỹ của nhà phê bình bao giờ cũng là những nhân tố mang ý nghĩa nền tảng. Sự lành mạnh của thị hiếu, sự đúng đắn của quan điểm, sự tiến bộ của lý tưởng đi liền với tính hiện đại của phong cách khi nào cũng nằm trong ý nguyện da diết của nhà phê bình chân chính, đồng thời là mong mỏi thường xuyên của nền văn chương ở độ trưởng thành. Điều này thì dễ thống nhất và dễ nhìn thấy. Riêng “chất văn” của một phong cách phê bình thì dường như khó nhận biết và khó nhất trí hơn.
Có nhà phê bình thành thực nghĩ, trong sử dụng ngôn từ, cứ làm theo phương châm của Đức Khổng Tử “Từ đạt nhi dĩ hỹ” (nếu từ đã diễn đạt được đầy đủ thì không đòi hỏi gì thêm nữa) là được. Họ quên rằng, chính bậc Thánh nhân còn dạy: “Ngôn chi vô văn, hành nhi bất viễn” (lời không có văn vẻ, không truyền đi xa được). Theo ý tôi, không thể có phong cách phê bình khi chưa đạt tới chất văn. Như chất văn của một công trình sáng tạo đích thực, bàì phê bình cần giàu có trong ngôn từ, uyển chuyển trong cách nói, biến báo trong giọng điệu, hoàn chỉnh trong cấu trúc… nhằm tạo ra dấu ấn sâu đậm của phê bình ở sức thuyết phục cao mà tự nhiên, ý tứ sâu mà thanh đạm, thiên hướng rõ mà trầm thấm…, nghĩa là vươn tới được “cái đạo” của một thứ phê bình nghệ thuật trong dạng thức lý tưởng.
Thế nhưng trên hết, trước hết và sau cùng cần phải tôn trọng chân lý văn chương. Vậy nên, “cái tôi” dung hợp với “ cái ta” vẫn còn là khâu chính cần  tiếp tục tháo gỡ để góp phần nâng cao chất lượng phê bình văn chương hiện nay.
*
PHẠM QUANG TRUNG
Địa chỉ: 8/40 Võ Trường Toản, phường 8,
thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại: 091.843.82.00 - 063.382.30.16
Email: pqtrungvn@gmail.com
.
.








  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 12.03.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết này chợt nhớ tới nhận xét của nhà văn Dương Thu Hương về các nhà phê bình văn học:
    "Tất cả bọn phê bình đều là dòi bọ. Riêng Phan Cự Đệ là con chó ngao."
    thấy thương các "nhà nhiều chữ" thích làm thầy thiên hạ quá.

    Trả lờiXóa