MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

LỤC BÁT DÂN GIAN - Tác giả: Đỗ Đình Tuân (Hải Dương)

(Chùa Nôm, Hưng Yên - Nguồn ảnh: internet)
LỤC BÁT DÂN GIAN
*
Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Cũng có thể xem ca dao dân ca chính là nơi "nằm nôi" của thể thơ Lục bát và ở cái tuổi "nằm nôi" này Lục bát có những đặc điểm rất riêng của nó. Có lẽ vì ra đời trong môi trường truyền miệng và lại đồng hành cùng với nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác nên Lục bát dân gian có khá nhiều dạng thức biến thể. Đó là dấu tích của sự chưa định hình hay là sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa thơ và các hình thức diễn xướng khác ?
(Tác giả Đỗ Đình Tuân)
Tuy đại bộ phân ca dao đã là trên 6 dưới 8 nhưng khả năng mở rộng dung lượng câu của lục bát dân gian còn khá lớn. Có những câu vẫn tồn tại ở cả hai dạng: nguyên dạng chúng là một cặp lục bát trên 6 dưới 8: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua"; nhưng ở dạng biến thể, chúng lại thành một cặp lục bát trên 7 dưới 11 hoặc 13...:"Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo / Ngũ lục sông cũng lội thất bát (cửu thập lục)... đèo cũng qua". Trong ca dao ta có thể tìm được khá nhiều những câu tương tự:
- Anh tưởng nước giếng sâu anh nối sợi gầu dài 
Nào ngờ nước giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây
- Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu 
Lược thưa biếng chải, gương Tàu biếng soi
- Con gái ông Bang, con gái ông Phủ qua cũng không màng 
Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng, thủy chung...
Về cách gieo vần Lục bát dân gian cũng có 2 dạng biến thể. Dạng biến thể vần bằng thì thay đổi vị trí chữ mang vần của câu tám từ chữ thứ 6 lên chữ thứ 4. Ở vị trí này, chữ mang vần nhất thiết phải mang thanh huyền (trầm bình thanh) và để tương thích với nó các chữ thứ 8 bắt buộc phải mang thanh không dấu (phù bình thanh). Dạng biến thể này khá phổ biến trong Lục bát dân gian:
- Con cò mà đi ăn đêm 
Đỗ phải cành mềm lộn cổ xuống ao 
Ông ơi ông vớt tôi nao 
Tôi có lòng nào ông sẽ sáo măng.
- Cái cò lặn lội bờ sông 
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
- Đôi ta gặp gỡ nhau đây 
Như đàn bò gầy gặp bãi cỏ hoang
Dạng biến thể vần trắc ít gặp hơn, nhất là ở hình thức nguyên dạng thì lại càng hiếm hoi:
- Tò vò mà nuôi con nhện 
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi 
Tò vò ngồi khóc tỉ ti 
Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào.
Ở lối biến thể này, chữ mang vần của câu sáu (chữ thứ 6)và chữ mang vần của Câu tám (chữ thứ 6) không thay đổi vị trí nhưng lại thay đổi thanh điệu từ vần bằng sang vần trắc. Nhưng chỉ biến đổi được ở cặp đầu, ở những cặp tiếp theo (nếu có) bắt buộc lại phải quay về vần bằng như thường. Trong ca dao, dạng vừa biến thể vần trắc lại vừa mở rộng dung lượng câu phổ biến hơn:
- Sóng sậm sịch lưng chừng ngoài biển bắc 
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên 
Anh muốn làm ngơ đi mà ngủ cũng chẳng yên 
Sợ mưa già nước ngập biệt tựa con thuyền vào đâu.
- Cây cúc vàng nở ra hoa cúc tím 
Em đi lấy chồng cởi yếm trả anh ! 
Cây cúc vàng nở ra hoa cúc xanh 
Yếm của tôi mặc yếm gì anh anh đòi ?
- Có yêu thì yêu cho chắc 
Bằng mà trục trặc thì trục trặc cho luôn 
Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu chuông 
Khi vui giỡn sóng khi buồn giỡn trăng.
- Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa ló 
Nè em Hai ôi, lại đây cho anh tỏ một đôi lời 
Nước bèo gặp gỡ vậy thôi 
Mai anh ra cửa biển, em sống đời biệt ly...
Tôi ngờ rằng đây chính là dạng trung gian chuyển từ Lục bát sang Song thất lục bát chăng? Vì số lượng chữ trong câu, vị trí chữ mang vần, và thậm chí đến cả thanh điệu của vần đều có thể thay đổi, nên về cơ bản lục bát dân gian chưa có luật bằng trắc. Nói cách khác luật bằng trắc của lục bát dân gian cũng chưa ổn định.Chỉ có hai chữ mang vần của câu tám thì luôn phải đối xứng nhau về thanh điệu: nếu một chữ là thanh huyền thì chữ kia phải là thanh không dấu và ngược lại. Thông thường thì hai chữ mang vần là chữ thứ 6 và chữ thứ 8. Còn ở những câu thơ mở rộng dung lượng câu thì cũng khó xác định vị trí của nó. Nhưng thường thấy là các chữ thêm vào để mở rộng câu thơ vẫn nằm cả phía trước hai chữ mang vần. Vì thế mà hai chữ mang vần vẫn luôn luôn cách nhau một chữ: Một chữ cuối cùng của câu thơ và chữ kia cách nó một chữ và lui vào phía trong.
Lý do chính khiến cho lục bát dân gian chưa ổn định và nhiều biến thể có lẽ chỉ là vì nó được sáng tác và lưu truyền trong không gian truyền miệng. Người sáng tác cũng thường là ứng tác rồi xuất khẩu thành chương. Có khi lại là xuất khẩu thành chương trong một lần hát đúm, hát ví, hát phường vải, hát trống quân...Nếu là những câu hay, có giá trị thì nó sẽ được nhập tâm vào những người nghe nó. Có dịp thì những người nghe và thuộc nó lại đọc lại hoặc diễn lại ở một nơi khác cho nhiều người khác cùng nghe...Cứ thế mà những câu lục bát dân gian được lưu truyền trong xã hôi và luôn luôn sống ở trong lòng người đọc. Cho nên lục bát dân gian còn tự do và linh hoạt lắm. Nó có họ hàng với hầu hết các thể thơ ca dân gian khác. Nó chẳng khác nào một vị trưởng tộc trong họ hàng nhà thơ ca dân gian vậy.
*.
ĐỖ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: nhà số 9, ngõ 4, phố Tôn Đức Thắng,
KDC Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ,
thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương







…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 01.05.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét