MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

THI PHÁP KHÔNG GIAN TRONG THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG - Tác giả: Mai Văn Phấn (Hải Phòng)

(Nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Nguồn ảnh: internet)
THI PHÁP KHÔNG GIAN TRONG
THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
*
Tin vào đêm
Không tin bóng tối
N.B.P
Nguyễn Bình Phương là một trong những gương mặt nổi trội của văn
(Tác giả Mai Văn Phấn)
học Việt Nam đương đại sau năm 1975. Trên cả hai “sân chơi” văn xuôi và thơ, ông đều được đánh giá là một trong những “tiền đạo” xuất sắc có lối chơi độc đáo với những đường “pan và zoom” hiếm, khó tìm.
Trước khi khảo sát sâu thơ Nguyễn Bình Phương, tôi tìm đọc lại những tiểu thuyết quan trọng đã xuất bản của ông. Những tác phẩm này thực sự cắm từng cột mốc chắc chắn cho hành trình văn xuôi Việt Nam đương đại: “Vào Cõi”, “Những đứa trẻ chết già”, “Người đi vắng”, “Trí nhớ suy tàn”, “Thoạt Kỳ Thủy”, “Ngồi” , “Mình và họ” … Các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Bình Phương cho thấy sự kết hợp linh hoạt và hài hòa giữa kỹ thuật “dòng ý thức” (một xu hướng sáng tác có từ đầu thế kỷ hai mươi, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, xúc cảm và liên tưởng) với thủ pháp “hiện thực huyền ảo” (một trào lưu nghệ thuật nổi lên ở các quốc gia Mỹ Latin sau chiến tranh thế giới thứ hai, quan niệm thực tại còn có cả đời sống tâm linh, nhân đức tin, huyền thoại, truyền thuyết và sự màu nhiệm…), làm nên một hiện tượng độc đáo của văn xuôi Việt Nam đương đại. Văn xuôi Nguyễn Bình Phương giúp tôi hiểu hơn về quá trình đổi mới, cách tân thơ trong hành trình sáng tạo của ông. Văn xuôi chính là đất đai, nguồn mạch cho thơ ông đơm hoa kết trái, sinh sôi...
Năm 2015, nhà thơ Nguyễn Bình Phương xuất bản tập thơ “Xa xăm gõ cửa” (Nxb Văn học và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam). Đây là tập thơ tuyển từ các tập thơ đã in, “Lam chướng” (Nxb Văn học, 1992), "Xa thân" (Nxb Hà Nội, 1997), “Từ chết sang trời biếc” (Nxb Hội nhà văn, 2001), “Buổi câu hờ hững” (Nxb Văn học, 2011) cùng những sáng tác mới nhất của ông.
Tôi thường xuyên đọc thơ Nguyễn Bình Phương nhưng luôn có cảm giác nửa như quen nửa như lạ. Quen quen rồi lạ lạ. Đọc kỹ càng thấy lạ. Trong thế giới nghệ thuật của mình, nhà thơ thường sử dụng tư liệu, hình ảnh quen thuộc của thơ “truyền thống” làm nền để sáng tạo những không gian mới mẻ và khác thường. Ông ít khi thay đổi không gian từ khởi đầu bài thơ, mà thường làm biến ảo hình ảnh trong từng mạch thơ, câu thơ. Những hình ảnh này là “chìa khóa” để mở vào những không gian mới, hoàn toàn khác lạ, so với chính không gian mà bạn đọc đã nhìn thấy ban đầu. Có thể nói, những hình ảnh được nhà thơ chọn để làm “mũi đột phá”, sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” đã tạo ra những khoảng không mới, nhiều lạ lẫm. Thơ của Nguyễn Bình Phương có thể dung chứa nhiều không gian đan xen hoặc gối lên nhau. Những hiện thực trong không gian đó ẩn hiện, có lúc được tác giả chủ ý làm “méo” những hình ảnh, giống như hình họa bức tranh được vẽ trên thành một chiếc thạp cổ, một mái vòm. Hay giống như bóng một ngọn đồi in trên mặt hồ đang xao động nhẹ…
Có thể tham khảo cách thiết lập không gian thơ của một số tác giả cách tân cùng thế hệ sau 1975 để hiểu thêm những đặc điểm nổi bật của thơ Nguyễn Bình Phương. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, ta thấy những “khối lập phương” được dựng lên. Những “khối lập phương” này khi nhìn chính diện là những hình vuông hay hình chữ nhật, được hiện diện bằng những hình ảnh cụ thể, sáng rõ. Và, để bạn đọc hình dung được khoảng không phía sau, nhà thơ đặt vào trong đó những hình ảnh đứt nối, mờ nhòe... Những hình ảnh này tựa những vết chấm rải mờ khi ta vẽ những hình lập phương trong toán học. Thơ hai tác giả này thường khắc họa hiện thực đời sống với cảm giác phóng dật, ngổn ngang, sắc nhọn… Còn trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, những mặt cắt “lập thể” biến hóa hai chiều gây ấn tượng về sự rũ bỏ, tái sinh... Thơ Giáng Vân thấm đẫm tính thiền và gần với Siêu thực, cho ta sự quán tưởng về một thế giới trong suốt và tĩnh lặng. Hoặc thơ Nguyễn Đức Tùng gần đây dung chứa nhiều không gian tiếp nối, đóng-mở bất ngờ, làm hiển lộ những vẻ đẹp như thoảng hoặc, như miên viễn…
Thơ Nguyễn Bình Phương có lối cấu trúc không gian khác biệt so với thơ các tác giả tôi vừa dẫn. Ông vận dụng lối kiến trúc hài hòa và tinh tế của phương Đông, kết hợp với cách tạo hình trong không gian ba chiều của chạm lộng – một nghệ thuật chạm khắc dân gian của người Việt. Tôi hình dung bề mặt không gian thơ Nguyễn Bình Phương ít gai góc sắc nhọn và thường được làm cho phân tán, lu mờ đi. Chúng giống như một vòm cây có gió, một mái đình trong sương sớm, hay một đám mây hơn là dãy núi trùng điệp, những đỉnh tháp… Những thi ảnh khi được nhà thơ “điều khiển”, biến hóa đã làm bề mặt không gian thơ thay đổi. Tôi cảm nhận những hình ảnh ấy thường bị “uốn cong” thay vì bị bẻ gập, đứt đoạn như thơ của một số tác giả khác. Tôi gọi đây là không gian thơ độc đáo được tạo nên bởi thi pháp Nguyễn Bình Phương.
Qua năm tập thơ đã được công bố, chúng ta có thể hệ thống được cách tạo dựng và bài trí không gian thơ của Nguyễn Bình Phương. Vị trí của những hình ảnh, tư liệu trong đó được ông sử dụng thường ít dịch chuyển, hoán đổi, hoặc đảo lộn như thơ của một số tác giả cách tân cùng thế hệ. Nhìn từ góc độ chủ thể sáng tạo cũng như người tiếp cận văn bản, theo tôi, “biến động” của một bài thơ là diễn trình tư tưởng kết hợp với sự lan tỏa của cảm xúc. Kết thúc “diễn trình” ấy, trật tự hình ảnh trong thơ Nguyễn Bình Phương thường ít thay đổi. Xin dẫn các câu thơ sau đây: Kia bông hoa nức nở trong yên tĩnh/ Trăng hoang vu lượn sóng triền đồi/ Kia chiếc lá chót cành/ Hơi thở cuối/ Run lên trời không mây (Biền biệt). Trong trường hợp này, “bông hoa”, “trăng”, “triền đồi”, “chiếc lá”, “hơi thở”, “mây” đã làm xong bổn phận trong thế giới thơ Nguyễn Bình Phương. Chúng ít khi tái hiện trong những khổ thơ tiếp theo bằng những dáng vẻ, thân phận khác. Mặc dù những hình ảnh ấy vẫn ở vị trí cũ như lúc mới xuất hiện, nhưng “ánh sáng” của chúng đã mở ra những không gian khác, với những hướng chuyển động khác.
Tôi xin dẫn thơ của nhà thơ Trần Tiến Dũng để so sánh. Trong khổ thơ sau, hình ảnh con chim được nhà thơ cho xuất hiện trong những khoảng không giao nhau và đặt trong liên tiếp câu nghi vấn rời rạc, do đó, liên tục biến hóa, thay đổi: Được gì khi là chim?/ Bóng rớt xuống đất là phân/ Được gì khi có cái nhìn chim?/ Ánh sáng là thực phẩm/ Được gì khi ý thức tự do chim?/ Đưa ngực ra gió (Đưa ngực đón gió). Hoặc hình ảnh chiếc giò quẩy và tách cà phê cứ "nhào trộn" cùng tâm trạng của nhà thơ trong khổ thơ sau: Trong tách cà phê cặn của gã làm thơ/ Chập chờn bóng miệng, mắt, bàn tay/ Thơ của ai và khi nào/ Nửa khúc giò quẩy rủ mềm mép tách/ Nửa khúc đi vào thế giới ngon miệng trong áo khoác thẫm đen (Giò quẩy và tách cà phê).
Trong thơ của Nguyễn Bình Phương, thoạt đầu, những hình ảnh xuất hiện thường gợi cảm giác hết sức quen thuộc, gần gũi. Đôi lúc, dường như nhà thơ còn có ý “trêu đùa” bạn đọc. Có thể hình dung như ta đang bước vào một ngôi nhà quen thuộc với cách sắp đặt nhàm chán của chủ nhà. Đó cũng là cách Nguyễn Bình Phương dắt người đọc vào thơ mình trong nhiều câu thơ mở đầu. Những câu mở đầu này thường tối giản và dung dị. Như giọng “mời khách” nhỏ nhẹ, khiêm nhường: Mưa đằng đông (Mùa), Tháng Tám phơi áo bờ rào (Bài hát vu vơ), Tôi nhón gót về (Làng Phan), Cô gái đến với anh (Hình ảnh cuối cùng), Tít phía chiều (Không tên), Này cô em dáng hiền hiền xinh xinh (Hỏi), Vậy nhé (Khoảng giữa), Và đêm nay (Đồng ca), Bầy ngựa phi (Canh Ngọ), Chạm vào cỏ trắng (Khuya nào), Nai kêu (Ở Định Hóa), Một cái chức nhỏ nhẹ (Gửi những khổ sở), Rồi ai cũng biết (Miêu tả những ngày mưa) v.v.
Cảm giác quen thuộc vẫn tiếp tục đến với bạn đọc khi đã bước hẳn vào bên trong ngôi nhà thơ của Nguyễn Bình Phương. Trong đó là những hình ảnh đặc trưng không gian văn hóa Việt: Qua bức tường đổ hàng xóm chửi nhau/ Mồ ông cha cày xới/ Con Thà Khèo ngồi bậu cửa phì phèo hút thuốc (B – Sang thị xã, trường ca Khách của trần gian); Bức tường hoa sứ đổ/ Còn lại bóng chỗ ngồi (Bài thơ 5 khổ). Thậm chí, còn bắt gặp những hình ảnh cổ xưa hiện về trong không gian hiện đại, đa điểm nhìn của Nguyễn Bình Phương: Gió tắt một ngọn đèn dầu/ Em mặc áo the em ra nơi hẹn (Áo đêm); Rót một chén rượu/ Mùa đông đỡ hoang tàn (Rượu một mình), Hỡi ai mà bỏ đi trăng lác đác (Cái bóng)… Lại có khi là sự pha trộn nhuần nhuyễn và có phần ma quái giữa không gian thuần Việt với cách nhìn hài hước, diễu nhại hiện đại: Không em/ Ngày rũ mình bước lên bản chữ Nôm cũ kỹ/ Và ai đó không phải là gà/ Cất tiếng gáy (Không em).
Tương tự, trong bài thơ “Bâng quơ”, Nguyễn Bình Phương như đã trải một “tấm chiếu cạp điều” mời khách vào ngôi nhà thơ của ông: Dưới gầm trời ẩm ướt/ Người cuối cùng đang nghĩ về em. Theo thói quen, khi bước đến ngõ một ngôi nhà đã biết từ trước, người ta thường đi lướt qua mà ít chú ý tới những hình ảnh quá quen thuộc, như giàn trầu không, con mèo tam thể, cây cau, vại nước… Nhưng với thơ Nguyễn Bình Phương lại khác. Quen đấy mà chỉ dạo vài bước thôi, chúng ta sẽ được chứng kiến một trong những hình ảnh thân thuộc kia bỗng nhiên biến hóa khác thường, không thể dự đoán. Chính thế, nên tôi tự hỏi, những hình ảnh tiếp theo này trong bài thơ “Bâng quơ” đang di động trong thế giới nào, cõi âm hay chốn dương gian: Người cuối cùng lắng nghe tiếng chuông/ Ngân nga lên tóc em lên làn da xa thẳm…/ Khung cửa hẹp bỗng làm anh hồi hộp/ Có một người trở về sau ánh chớp/ Lặng lẽ mang đi hư ảnh cuối cùng. Hình ảnh "một người trở về sau ánh chớp" có thể ví như viên sỏi đang vỡ ra trong miệng gây cảm giác như nó phát nổ, mà lúc đầu ta ngỡ đó là món ăn quen thuộc. Cách “chế biến” này của Nguyễn Bình Phương làm cho những “thực khách” vốn khư khư giữ lấy những món ăn khoái khẩu sẽ cảm thấy dị ứng, khó chịu. Nhưng sau “vụ nổ” của “viên sỏi” kia, người đọc bắt đầu biết hoài nghi với những quan niệm cũ, biết thay đổi sở thích, và quan trọng hơn, có được nhận thức khác về vẻ đẹp của những giá trị mới.
Những “vụ nổ” như vậy thường diễn ra trong từng phân mảnh thơ Nguyễn Bình Phương. Những phân mảnh ấy là những hình ảnh, tâm trạng, những manh nha của tâm cảm, linh cảm... Có lúc chúng đứng yên để phát sáng, hoặc chuyển động để làm biến đổi các chiều kích của không gian và thời gian trong thơ. Và khi phát sáng, chúng lập tức làm đảo lộn mọi trật tự, đào sâu thêm nền tảng vốn ổn cố như bạn đọc vẫn tưởng. Hoặc nó tạo ra một ngôi nhà khác với nền móng hoàn toàn khác biệt. Nguyễn Bình Phương đã làm thay đổi tuyến tính, các chiều kích, biên độ tưởng tượng trong một bài thơ. Thủ pháp này chính là “bí quyết” để tạo ra những khoảng không riêng biệt trong các tập thơ của ông.
Tôi xin dẫn một số câu thơ tiêu biểu, cho thấy phần nào thủ pháp tạo lập không gian độc đáo của Nguyễn Bình Phương. Đây là cách ông lấy một hình ảnh trong câu thơ vừa xuất hiện để mở cánh cửa vào một bầu trời khác: Một người be bé mơ thấy sóng/ Sóng trở mình xoá trắng mộng bể Đông (Ẩn dụ); Mây đêm bay về phía chân trời/ Chân trời run rẩy sáng... (Thật xa xôi). Có lúc nhà thơ biến những khát vọng, những câu trả lời thành hình ảnh cụ thể, gợi cảm: Có một đêm vô hình cao chất ngất/ Sáng nào tới được (Xa thân); kìa cô em lúm đồng tiền xinh xinh/ Là bác sỹ hay là gì ấy nhỉ?/ Hun hút hành lang hẹp… (Hỏi); Chúng ta nhìn thay người thương binh ấy, vào ban mai, vào trưa, vào sẩm tối. Đêm thì anh nhìn giúp chúng ta (Về một người thương binh hỏng mắt). Hoặc, nhà thơ dùng một hình ảnh khác để làm xuất hiện thần thái những hình ảnh vừa được dựng lên trong câu thơ vừa viết: Bạn bè đi làm kiếp vợ chồng/ Đom đóm yêu nhau lập lòe chốn cũ (Nhập chiều); Ngoài chuồng trâu vọng tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ Rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù (Ngày đông), Xa xa/ Dưới lòng đất ẩm/ Bộ xương cá rùng mình lặng lẽ ấm dần lên (Hồi lại)… Những câu thơ tôi đánh dấu (gạch chân) chính là “cái huyệt” trong những bài thơ của Nguyễn Bình Phương. Chúng xuất hiện, làm đảo lộn khoảng không, vây lấy những hình ảnh tưởng như bất động trước đó. Những hình ảnh ấy như được ai vẽ lên một mặt giấy, một bức tường…. Rồi bất chợt trở nên sống động trong một thế giới khác. Phía sau những hình ảnh kia chính là một cánh cửa, một khoảng không khác thường hay một đường hầm nối vào sâu hút. Những câu thơ làm “huyệt”, làm “mắt bão” ấy của Nguyễn Bình Phương tựa chiếc cầu bập bênh bỗng nhiên thả bỗng hoặc bật tung người bạn chơi ở đầu bên kia lên.
Thơ Nguyễn Bình Phương đã kết hợp tổng hòa các khuynh hướng hiện đại (Tượng trưng, Siêu thực, Dã thú, Biểu hiện, Trừu tượng…). Đồng thời, ông tiếp biến lối viết “dòng ý thức” kết hợp với “hiện thực huyền ảo” của tiểu thuyết để làm nên một thế giới thơ xô lệch độc đáo, đa điểm nhìn. Đồng thời, hiện thực thơ Nguyễn Bình Phương thường được hiển lộ và chuyển động trong không gian huyền ảo, mộng mị, tâm linh… Đó là thế giới của linh hồn, của quá khứ, của tâm tưởng, có khả năng hiển lộ cùng đời sống dương gian.
Khá nhiều bài thơ của Nguyễn Bình Phương xuất hiện những nhân vật, có tích truyện. Có thể gọi những bài thơ này là truyện cực ngắn được viết bằng ngôn ngữ thơ ca. Những nhân vật trong bài thơ thường được ẩn hiện trong một thế giới huyễn ảo, siêu thực, dìu bạn đọc vào những cảm giác mê sảng, đặc biệt ấn tượng. Bài thơ “Cắt tóc” có “cốt truyện” khá độc đáo, thú vị. Nhân vật “Tôi” ngồi cắt tóc “kín đáo nhếch môi cười” để mặc cho khuôn mặt cùng những sự thật sau bức tường kia già đi theo thời gian. Bài thơ/ truyện cực ngắn này có cái kết mở gây bất ngờ: Một người cực lạ/ Rũ khăn choàng váng vất bước ra.
Đọc thơ Nguyễn Bình Phương, tôi thường “cảnh giác” với những hình ảnh tưởng như thân quen đấy, bỗng chốc chúng có thể biến thành những vị thần, linh hồn/ ma quái, sinh khí/ thán khí... Những hình ảnh dưới đây tựa những linh vật trong Bái-Vật-Giáo, một tín ngưỡng tiền tôn giáo, thờ cúng các vật như đỉnh núi, gốc cây, con sông, bến nước…: Đom đóm lập loè bay qua thành phố/ Để lại nụ cười mơ hồ xanh (Áo đêm); Cuối cùng/ chiếc gương cũng trào ra những bóng hình ứ đọng (Ở nơi không có cánh); Chết không thở cùng hoa/ Thở cùng người đàn bà xa lạ (Nhẹ)...
Tạo ra hiện thực không gian “uốn vặn” đặc thù là một thủ pháp nghệ thuật, cũng là một đặc trưng thi pháp nổi bật trong suốt hành trình sáng tạo của Nguyễn Bình Phương. Tôi có cảm nhận không gian ấy được ông tạo dựng, giáp nối bằng những “mặt cong” có sắc thái khác nhau. Ở tập thơ “Lam chướng”, những “mặt phẳng” không gian được kiến tạo (uốn/ bẻ/ gò/ hàn/ đan/ ghép/ xô lệch…) có phần đơn giản hơn những bài thơ viết sau này. Hiện thực không gian trong giai đoạn đầu này được Nguyễn Bình Phương dựng lên bảng lảng, sương khói, mơ màng như bức tranh lụa. Những sự kiện đồng hiện thường dung dị, ít chồng lấn và sáng rõ hơn những bài thơ trong tập thơ “Buổi câu hờ hững” và cả sau này. Tuy vậy, không gian thơ trong “Lam chướng” vẫn là những hiện thực không gian “cong” như tôi đã viện dẫn. Hình ảnh trong “Lam chướng” có thể ví như những hình họa trên bề mặt những chiếc bình gốm với những đường men rạn tự nhiên, đầy hấp dẫn. Nhưng ở những tập thơ tiếp sau này, không gian thơ Nguyễn Bình Phương thường được đan xen, mấp mô, chồng lấn nhiều hơn.
Trong bài thơ “Không đề” (rút từ tập thơ “Lam chướng”), những hình ảnh xuất hiện trong khổ đầu bài thơ tựa những con số trên bảng máy tính. Chúng được liệt kê một cách dung dị và hiền lành: Có người lính chống cằm nhìn vỏ đạn/ Có đàn ri bay qua nóc nhà thờ/ Có dòng suối chảy qua những tầng rễ/ Có góa phụ chít khăn bằng sương. Ở những câu thơ mở đầu này, từng “con số” kia vẫn nằm im. Chúng chỉ thực sự hoạt động (cộng, trừ, nhân, chia…) khi bàn tay của nhà thơ đánh thức chúng bằng câu thơ sau: Đêm nay nước mắt giáng trần/ Con đom đóm nhỏ xiu đêm nay lạc mẹ/ Ngủ nhờ giấc ngủ trẻ con. “Con đom đóm” được nhà thơ đặt vào “giấc ngủ trẻ con”, theo tôi, là một hành động khác thường mà chỉ Nguyễn Bình Phương mới làm được. Hành động ấy kết nối tất cả những hình ảnh rời rạc tưởng như nằm yên trong khổ thơ đầu. Cách tạo những “mặt cong” trong trường hợp này khá giản dị, tuy vậy, tác động của nó lại gây nhiều bất ngờ cho bạn đọc.
Thơ Nguyễn Bình Phương giai đoạn kế tiếp trở nên đa diện hơn trong cách hiển lộ hình ảnh và sắp đặt không gian. Những tư liệu, hình ảnh mang theo nhiều tâm trạng được nhà thơ sử dụng trong bài thơ thường sắc lạnh và rời rạc hơn trước khi nó được “uốn cong”. Như hình ảnh những người bán hàng mã trong bài thơ “Hàng mã rong” hiện lên vật vờ, phiêu diêu và “Đi êm ru sang phía tờ mờ”: Họ không tới ngày mai những ngày mai chết lặng/ Lồng ngực thời tiết trái tim chẳng rộn ràng/ Trái tim đập lầm lụi dưới gót chân/ Sau mỗi bước cửa thời gian rùng mình lại mở. Trong bài thơ “Miêu tả những ngày nắng”, người đọc còn có thể nghe rõ tiếng va đập hỗn độn của đời sống công nghiệp. Cách sắp đặt hình ảnh tạo nên những khoảng không gian hẹp đan gối: Một bầu trời phẳng lì/ Không mây không gì cả/ Tường chói tiếng nói chói/ Chói tấm biển chỉ đường ra ga/ Gương chiếu hậu quắc lên quái gở.
Bài thơ “NBP” sau đây mang đặc trưng cách thiết lập không gian của Nguyễn Bình Phương giai đoạn tiếp sau “Lam Chướng”, và, được ông sử dụng tới tận bây giờ.
                               NBP

Những bóng tối lảng vảng trên tóc
Trên mặt sông rút dải làn sương bạc
Trong giấc ngủ thâm u bầy người điên ngơ ngác
Đã trở về
Khuôn mặt nước giếng khơi rạng rỡ

Tôi châm thuốc ra ngoài gặp cỏ
Nghĩ đến mình nghĩ đến mình thật nhiều
Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện
Một vườn mía ngọt lúc trăng lên

Tin vào đêm
Không tin bóng tối
Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi.
Bài thơ có ba khổ, nhưng không mang tinh thần “tam đoạn luận” như thường gặp trong một số bài thơ truyền thống. Mỗi khổ thơ trong bài dung chứa từng không gian riêng với đa dạng tình cảm và tâm trạng. Ở khổ thơ đầu có hai điểm nhói sáng, tôi gọi đó là hai vị trí tác giả đã chọn để “uốn cong”: “Trong giấc ngủ thâm u bầy người điên ngơ ngác” và “Khuôn mặt nước giếng khơi rạng rỡ”. Còn trong hai khổ thơ sau, vị trí để “uốn cong” đều nằm ở câu thơ cuối cùng của khổ: “Một vườn mía ngọt lúc trăng lên” và “Những ngôi đền rụt rè sáng cùng tôi”. Nối bốn điểm sáng trong bài thơ “NBP” lại, bạn đọc sẽ hình dung một không gian rộng lớn, với những hình ảnh nổi, sống động tựa như xem một đoạn phim 3D, 4D... Những “mặt cong” này cho ta hình dung rõ nhất về chân dung Nguyễn Bình Phương, một thi sỹ với đầy những âu lo hoài niệm, nhưng luôn tin vào những điều tốt đẹp sẽ tới.
Sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những thủ pháp tạo không gian của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Ông thường chọn lối diễn đạt gây ám ảnh dai dẳng, mơ hồ hơn là những cách nói bộc trực, đập mạnh vào cảm giác trực tiếp. Cách sử dụng từ ngữ gây nhiều ảo giác mộng mị, gợi sự tan loãng, phân rã… càng tạo cho thế giới thơ Nguyễn Bình Phương thêm đa chiều những hướng mở. Những hình ảnh như được “tăng diện tiếp xúc” với thế giới bên ngoài. Và chúng thường hiển hiện như những ngôi sao ở xa, nhấp nháy, đa bội…
Cách nhà thơ dùng điệp từ, hoặc nhắc lại hình ảnh trong một câu thơ nhằm cố ý hãm những chuyển động của chúng chậm lại cũng rất đáng chú ý. Có con chim nâu trong bông hoa nâu (Khuya nào). Nhuốm gót theo ôi đầm sương là sương (Cái bóng). Người ngồi cạnh sông người nói với sông (Đêm ngà ngà). Tơ hồng vàng giăng trước ngôi nhà vàng (Lời hứa muộn). Chầm chậm chầm chậm bò giữa nắng (Hành trình). Mơ theo mưa mưa dắt anh đi (Chớp mắt Huế). Không phân biệt trời xanh mái nhựa xanh(Không phân biệt). Ngày hoa bán đầy phố/ Đêm phố đầy bán hoa (Khoảng giữa). Tường chói tiếng nói chói (Miêu tả những ngày nắng)…
Cách đặt tên những bài thơ của Nguyễn Bình Phương cũng nằm trong chủ ý thiết lập không gian riêng của ông. Tôi chậm rãi xướng tên những bài thơ sau và tưởng tượng đó là những âm vọng của tiếng động, giọng nói, hay tiếng cầu nguyện của những tín đồ được hắt xuống từ một mái vòm nhà thờ: Nhập chiều, Biền biệt, Khuya nào, Nhẹ, Thầm, Hồi lại, Mở lời, Đêm ngà ngà, Vọng từ giá sách, Chớp được, Thế giới mười hai dòng, Thời soi sáng, Người chèo đò lạnh, Ở nơi không có cánh, Những rơi, rơi và rơi
Nhà thơ thường chọn những từ có hàm nghĩa khó xác định vị trí, số lượng cụ thể làm điểm dừng, đầu nối cho những hình ảnh chuyển động: sương, mưa, mây, gió, cỏ, sao trời, khoảng trống…: Họ hân hoan chờ anh ở nơi mây sẽ dừng (Kẻ ngoài cuộc); Một cái gì tròn vo như lạc thú/ Lim dim chờ cú sút/ Bay thẳng vào khung thành mờ sương (Chơi với con); Không ngồi thì đứng vững cùng mưa (Gửi những khổ sở); Ta nhìn ta mai mái một làn sương (Nhà thơ); Tôi áp tên tôi vào cơn gió (Một mùa hè mọi thứ áp vào nhau); Những cuộc đời quanh co vô tận/ Lơ mơ cỏ và sao/ Chẳng ai biết kết thúc ở nơi nào (Hành trình); Kìa ai cặm cụi khắc vào khoảng trống những nét u trầm ( Khắc vào khoảng trống)… 
Hiện thực những “mặt cong” là không gian được dựng lên trong suốt hành trình thơ Nguyễn Bình Phương. Độ “cong” nhiều hay ít của những “mặt phẳng” hiện thực ấy tuy có khác nhau qua mỗi giai đoạn sáng tác, nhưng luôn là những quan niệm nhất quán làm nên thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương. Thi pháp ấy được thể hiện trong cách thiết kế không gian, định vị từng hình ảnh, cách lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt…
 “Xa xăm gõ cửa” là tập thơ tuyển đánh dấu chặng đường hơn hai mươi năm sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Bình Phương khi ông mới qua tuổi năm mươi. Song hành với văn xuôi, thơ Nguyễn Bình Phương đã mang đến cho đời sống văn học chúng ta một không gian mới, sinh khí mới, đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới, làm phong phú và đa dạng nền văn học Việt Nam đương đại. Theo tôi, Nguyễn Bình Phương là một trong số những tác giả có thể đem ra “đặt cược” cho giá trị tinh thần trong quá trình hội nhập.
*
Hải Phòng, tháng 02/2016
MAI VĂN PHẤN
Địa chỉ: Số nhà 12/56 phố Cát Cụt,
Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.
Email: maivanphan@gmail.com
.







…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 02.05.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét