MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

NHÓM LỬA THIÊU THÂN (ÁC QUỶ MEDUDA) - Truyện ngắn Nguyễn Thị Anh Thư (Hà Nội)

(Ác quỷ Medusa trong thần thoại hy lạp ; Nguồn ảnh: internet)
NHÓM LỬA THIÊU THÂN
(ÁC QUỶ MEDUDA)
*
Nghĩ một lát, rồi lấy điện thoại di động bấm số máy, Ngư Anh réo rắt một tràng:
- A lô! Anh Chinh à? Em đây! Anh đã làm xong cái bản tử vi đó cho em chưa ạ?
- Cái gì cơ? Ai thế nhỉ? - Đầu dây đằng kia một giọng đàn ông ồm ồm, ấm áp.
-  Kìa! Không nhận ra em à? - Ngư Anh vui vẻ cười khanh khách.
- Nhận ra làm sao được. Giọng già quá!
- Giọng già á? - Ngư Anh sững sờ. Ơ! Cái lão này...!
Khởi đầu chỉ tại Tú Oanh, nàng bạn con chấy cắn đội từ thuở Hoa học
(Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư)
trò, hiện đang làm ăn, sinh sống ở Hải Phòng gọi điện thoại cho nàng năn nỉ:
- Ngư Anh phone hộ tớ một cú kiểm tra xem tại sao lão Long không nhấc máy. Không biết lão có bị ốm đau, tai nạn gì không? Hay là lão ấy vẫn đang giận tớ nên thấy số máy tớ gọi lão không thèm nghe. Đây! Số di động của lão ấy đây: 0900170809.
- Nhưng mình biết nói gì với lão Long? - Ngư Anh ngần ngại.
- Ngư Anh không phải nói gì cả... À chỉ giả vờ là nhầm số, xin lỗi rồi thôi luôn.
Các cụ ngày xưa vẫn nói: Cả nể thì to bụng! Nhưng cái trò này có cả nể cũng chẳng thể to bụng được. Sợ gì chứ! Dù gì thì cũng chỉ là giao tiếp trên điện thoại, ông ta chẳng thể biết Ngư Anh là ai, và  nàng cũng đâu có gặp ông ta mà sợ sẽ gặp rắc rối? Kiểu gì thì  nàng cũng vẫn là 1 người vô hình.
Còn với Tú Oanh, ông Long là một trong những ứng cử nhân để nàng ấy có thể tuyển chồng lần nữa. Chồng Tú Oanh mất vì bệnh trọng từ rất sớm. Tú Oanh trở thành thiếu phụ đơn chiếc vì nàng chưa kịp có con với chồng. Song nàng ấy chẳng hề buồn. Nhan sắc, hóm hỉnh và giàu có, lúc nào vây ve xung quanh Tú Oanh cũng có tới chục tay anh hào cả già lẫn trẻ. Nhưng Tú Oanh tâm sự rằng nàng hợp chuyện với ông Long này nhất, mặc dù ông ấy chằng tuyệt vời gì so với nhiều người đang thích và muốn tiến tới hôn nhân nghiêm túc với Tú Oanh. Ông Long năm nay đã 57 tuổi, chỉ là một tay kỹ sư quèn sửa chữa điện dân dụng, chẳng giàu có gì. Thậm chí ông còn mới ly thân vợ chứ chưa ly dị hẳn. Vậy mà Tú Oanh lại không thể kìm nén được con tim khao khát yêu đương của mình. Nàng lại yêu ông như thể mới yêu lần đầu: nồng nhiệt đến ngây dại.
Vậy là Ngư Anh tuy thở dài ngần ngại, nhưng rồi cũng bốc máy giúp cô bạn thân. Ngư Anh đã vẽ ra hẳn một nhân vật để mà nhầm là một thầy tử vi, nghe rất gợi chuyện, rất có lý! Tốn sức thế, để giờ đây nàng đang được khen sỏ là có giọng già! Thế có ai oán không cơ chứ!
Từ trước tới nay, chưa một ai nghe giọng nàng trên điện thoại lại nghĩ Ngư Anh đã cứng tuổi. Mười người như một, đều chỉ đoán nàng khoảng trên dưới hai mươi tuổi. Vậy mà người đàn ông này, vừa nghe giọng, đã dám bảo nàng có giọng già quá... Hừm, hôm nay, Ngư Anh có bị viêm họng mà khản cổ đâu nhỉ?... Hay dạo này giọng  nàng  đã già đi thật?...
Suốt buổi sáng, trong lúc làm việc, đầu óc Ngư Anh cứ lăn tăn mãi câu nói đó của người đàn ông nàng chưa từng biết mặt, trong lòng nàng càng lúc càng dấy lên một nỗi tò mò. Buổi trưa sau khi ăn xong, Ngư Anh chạy ra ngoài, gọi điện thoại di động: 
- A lô! Xin chào! Có nhận ra ai không?
- Nhận ra rồi! Chào giọng già!
- Hừm! Già là già thế nào nhỉ? - Không cho người bên kia kịp có phản ứng, Ngư Anh tuôn một tràng: - Từ xưa đến nay, ai nghe điện thoại cũng bảo giọng đây rất trẻ! Vậy mà đấy lại dám bảo giọng đây già quá. Thế này thì bức xúc lắm không chịu được. Phải chấn chỉnh bạn nghe điện thoại mới được. Biết người ta bao nhiêu tuổi mà dám bảo giọng già quá! Lần sau không được bất lịch sự như thế nhé!
Nói rồi Ngư Anh cúp máy luôn, lòng rất hỉ hả. Nàng đem tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện chấn chỉnh bạn nghe điện thoại ra kể cho Tú Oanh nghe. Cả hai cười hi hi, ha ha qua điện thoại. Tú Oanh bảo:
- Cha này đanh đá lắm! Đấu hót với lão ấy cũng vui.
Một lát sau máy di động của Ngư Anh tít tít hiện tin nhắn:
“Chắc đằng ấy 25, 26 chứ gì. Nhưng nghe giọng cứ như là đã ba nhăm, bốn mươi rồi ấy. Già thật!”
Ngư Anh vừa tức vừa buồn cười. Nàng nhắn lại nhấm nhẳn. “Nhầm rồi! Đây mới 20 tuổi thôi! Già là già thế nào!”
“Thì chẳng già là gì? Đây mới có 18 tuổi thôi! - Ông Long nhắn tiếp - Mà nói đùa cho vui thế, chứ giọng Người này mà hát Karaoke với chồng thì gớm đây. A mà có chuyện gì về tình duyên hay sao mà phải gọi đến anh thày Chinh thế?”
  
Xem ra cái ông Long này có vẻ thích buôn chuyện kiểu nhắn tin đây. Nhưng cứ từ từ, phải nghĩ xem nên trả lời thế nào cho thỏa đáng, thì mới nhắn lại. Khuya hôm ấy, khi việc nhà đã xong xuôi, Ngư Anh tếu táo nhắn tin trả lời:
“Có đấy! Đây định hỏi thầy bói xem sang năm lấy chồng có lợi hay chăng?”
Tít …tít. Chưa đầy 5 phút sau, màn hình máy di động hiện chữ: “Hết năm rồi. Thôi để sang năm lấy chồng cũng chưa muộn đâu. Đằng nào cũng già rồi”.
Ngư Anh nhắn lại:
“Nhưng sốt ruột lắm rồi. Không chờ được đâu. Già quá, nhỡ sang năm lấy chồng, nhà chồng lại bắt phải mang theo sữa Aleen thì tốn lắm...”
“Thôi đừng sốt ruột chóng già lắm người đẹp ạ. Cứ đi hát Karaôke cho nó trẻ lâu. Mà sữa Aleen là cái gì vậy?”
Nhưng buôn với người xa lạ như thế này đã là quá nhiều, sợ chồng để ý, chuyện không đâu lại cái nảy sảy cái ung thì phiền, Ngư Anh tắt máy di động, đi ngủ. Tối hôm sau, lại lựa lúc rảnh, không có chồng con bên cạnh, Ngư Anh lấy máy nhắn tin trả lời:
“Sữa Aleen là loại sữa vẫn để cho 2 anh chị già nhăn nheo, móm mém chăm sóc nhau trên vô tuyến ấy. À đây không chỉ giỏi hát Karaoke mà còn giỏi hát tiếng Anh ơi nữa cơ. Có muốn học không?”
Ông Long nhắn lại:
 “Nếu đằng ấy dạy thì đây xin làm học trò.
 Vậy từ nay đấy là đệ tử  Quá Nhi*, còn đây là Cô Cô sư phụ!*
“Bao giờ đằng ấy dạy thì đây mới gọi đằng ấy là Sư phụ nhé. Mà bao giờ thì dạy học đấy?”
Hay thật! Tin nhắn đối đáp dẻo, mềm, lướt nhanh và thú vị như những đường ban bóng của đôi đối thủ xứng tầm và ăn ý. Nhưng thôi! Nàng mỉm cười: SÌTOP! Ngư Anh gọi điện kể lại hết câu chuyện đối đáp tếu táo giữa mình và ông Long cho Tú Oanh nghe, nàng còn chuyển tất các tin nhắn bắn đi bắn lại giữa hai người cho cô bạn, kèm lời khuyến cáo:
- Lão này hóm phết, và thích buôn chuyện với phụ nữ lạ. Tú Oanh cẩn thận đấy! Thôi, thế đủ rồi. Tớ Sì tốp đây.
- Không được - Tú Oanh có vẻ hơi cáu: - Bao nhiêu chuyện như vậy mà lão ấy không hề kể gì cho tớ hết. Ngư Anh phải cò cưa tiếp xem lòng dạ lão ấy thế nào mới được.
Nể bạn,tối khuya hôm sau Ngư Anh lại tiếp tục nhắn tin:
“Trò này có vẻ sốt sắng, ham học! Vậy trò gặp may rồi! Sư phụ ngày xưa đã từng được các bậc tiền bối cho đi tu luyện ở Hoa Hồng Thực nghiệm quán những 5 năm kia đấy”.
“Mừng quá! Gặp thày giỏi rồi!”
“Chí lý! Thực hành luôn đi. Bài 1: Luyện âm: Nhắm mắt! Gào to vào: Cô ơi  cô! Chúng cháu yêu  cô  lắm. Cô dạy chúng cháu giữ  vệ sinh… Thôi! Khuya rồi! Mai Cô Cô dạy tiếp.Bye!”
Sáng sớm hôm sau Ngư Anh đã thấy điện thoại di động nhấp nháy:
“Bài gì mà kinh thế? Nhắm mắt gào to. Đằng này nghe mà thấy hồn bay phách lạc”.
“Luyện âm!”
“Dạy hát hay sao mà phải Luyện âm?”
“Thì đấy chẳng bảo đây nếu hát thì hay là gì? Nếu mà hát tiếng Anh ơi thì còn hay tuyệt nữa là đằng khác”.
“Thế thì dạy đi!”
Thế thì dạy đi! - Nghe có vẻ a li mơi mơi quá! Ngư Anh không đò đưa tiếp nữa mà chuyển lại hết những tin nhắn đong đưa của cả đôi bên ấy cho nàng bạn. Tú Oanh gọi điện thoại lại ngay:
- Tớ điên lắm! Lão đấu đá với Ngư Anh nhiệt tình quá nên lơ là cả với tớ rồi. Cả mấy ngày nay chẳng thấy tăm hơi lão đâu. Lúc nãy tớ nhắn tin chất vấn thì lão bảo mấy hôm nay bận quá. Đã thế Ngư Anh cứ đấu hót nhắn tin tiếp xem sao.
Nhưng Ngư Anh cảm thấy ngần ngại… cứ như thể nàng đang lén lút cùng người kia gầy lửa. Mà nàng lại quá nhạy cảm để biết trong tâm hồn mình đâu đó cũng có những nỗi niềm như thể những viên than khô khát, tưởng đã chết đâu đó trong lòng, thực lại vẫn đang đỏ hồng âm ỉ. Ai mà biết được gặp gió thế nào thì hỏa hoạn? Nguy hiểm rồi sẽ đến đâu? Vì đời sống riêng của vợ chồng Ngư Anh vài năm trở lại đây cũng đã trở nên khá nhạt nhẽo. Ba năm trước, bỗng nhiên chồng nàng  nằng nặc đòi ngủ riêng. Lý do là bây giờ nhiều tuổi rồi, ngủ chung hay động chạm vào nhau, nhiều khi tình cờ mà mất ngủ. Cứ như thể chồng nàng cũng đang kết tội nàng già rồi, vì nàng chỉ ít hơn ông có ba tuổi. Ở lứa tuổi ngoài bốn mươi, đàn bà kém hơn đàn ông ba tuổi đã là quá già so với chồng. Có lẽ ông ấy cũng đã có một địa chỉ để truyền tin nhắn đêm đêm. Nên, nhiều đêm, nàng cũng buồn tình. Vả lại cái trò này cũng khá vui, nó làm cho những ngày dài làm việc ăn lương hành chính của  nàng đỡ tẻ nhạt, nên mấy hôm sau nàng lại nhắn một tin lửng lơ:
“Không biết có phải 18 không?” 
“Ờ 18 đây! Mà sao đằng ấy cũng im hơi lặng tiếng ghê thế. Hẳn mấy ngày, làm đây mong đấy”.
“Sorry nhé. Sư phụ bận dạy dỗ lũ sư tử ở nhà nên bây giờ mới buôn tiếp được”.
“Dạy được Sư tử rồi cơ à? Đằng ấy có mấy con sư tử?”
“Đây có nhiều thú dữ để dạy lắm. Đây hành nghề nàng nuôi dạy hổ mà. Sợ không?”
“Khổng long còn chẳng sợ nữa là sư tử”.
“Sư phụ lại tưởng Trò sợ lũ tiểu sư tử của Sư phụ nên thôi Vô học nữa. Hi hi!”
“Chưa dạy thì chưa được phép tự phong đâu nhé.
“Đã có người xin học mấy lần rồi đấy!”
“Chưa biết nàng giáo thế nào thì làm sao mà dám học. Học phí tốn lắm mà đây lại là học sinh nghèo”.
“Ôi! Đành cam phận mình đây là bít tết. Lão rụng răng nên bĩu mỏ chê bai. Trò muốn luyện Chưởng mà lại sợ ra gió à?”
“Không sợ mới lạ chứ. Đằng ấy không sợ ra gió khi ốm à?”
“Đằng ấy bảo mới 18, nhưng đây thấy đằng ấy rụng răng rồi. Ra gió sợ buốt cho lợi!”
“Đằng ấy nói sai rồi. Đây mới 18 không có kinh nghiệm nên sợ ra gió lắm”.
Ngư Anh cương quyết không nhắn tiếp nữa. Nàng cảm thấy sợ hãi nếu mình cứ dấn thân tiếp. Bẵng đi mấy ngày, chẳng thấy ông Long nhắn tin. Nàng tự nhủ, thôi, thế cũng nhẹ người. Tuy toàn những câu nhăng cuội, nhưng Ngư Anh cứ có cảm giác nếu kể hết ra nó sẽ làm tổn thương Tú Oanh. Từ ngày chát bằng điện thoại di động với Ngư Anh, ông Long đã có vẻ xao nhãng chát với Tú Oanh. Còn với Ngư Anh, mỗi ngày chỉ hai ba dòng tin nhắn, nhưng càng ngày, nó có vẻ càng mang lại  sự giải tỏa “xì trét” cho nàng. Nhưng không thể phủ nhận: mấy ngày qua, nàng cũng đã có vẻ ngóng tin nhắn của ông Long. Những tin nhắn làm nàng phải tha cả điện thoại theo vào toalet vì sợ chồng đọc được. Những tin nhắn làm nàng vui cả ngày làm việc buồn tẻ. Rồi, một sáng đầu tuần, lại thấy số máy của ông hiện lên:
“Sư phụ dậy chưa? Vào lớp thôi! Trò đến rồi!”
“Trò hư quá. Trốn học chẳng xin phép gì cả. Sư phụ giận rồi. Không dạy tiếp nữa đâu”.
“Tại Trò bận đi công tác gấp quá!”
“Bây giờ đến nông dân cũng không đun rơm rạ gì nên Sư phụ bất cần lý do, lý trấu. Cẩn tắc bất thừa. Để Sư phụ cho Trò một bài nữa: Cứ ra roi tới tấp trước. Không trúng dọc cũng trúng ngang”.
“Trời ơi! Thầy gì mà gấu thế?”
“Người ta có câu không đầu gấu bất thành Sư phụ. Trò không biết à? Lại phải trả học phí rồi”.
“Nhắn tin cho đằng ấy vui thật. Không biết đằng ấy có vui không?”
“Ôi very vui! Thank ấy rất nhiều”.
“Vui mà sao mãi chẳng thấy trả lời. Hay là bận dạy mấy con sư tử? Mà đằng ấy làm gì mà cứ chat được suốt thế nhỉ?”
“Làm thơ. Thế đằng ấy? Thấy có vẻ cũng tự do nhỉ?”
“Đây đang thất nghiệp. Vậy làm thế nào để có thể gặp được đằng ấy đây?”
“Đằng ấy không biết truyện huyền ảo hay và lãng mạn hơn phóng sự à?”
“Vậy là đằng ấy thích lãng mạn huyền ảo. Chỉ sợ mãi cũng chán”.
“Những tin nhắn của 18 đối với Sư phụ là lãng mạn huyền ảo. Trong thời buổi ghê sợ này nó là báu vật không mua được bằng tiền. Đã bảo Sư phụ thích Yêu tinh hơn Yêu thô mà”.
“Đây không thích yêu tinh cũng không thích yêu thô. Chỉ thích làm bạn”.
“Làm bạn? Liệu có vội quá không? 18 ơi! Lỡ năm nay Sư phụ 81 thì sao?”
“Không sao đâu. Gặp rồi có khi đằng ấy lại phải gọi đây là bác hoặc là Lão Sư phụ. Lúc đó lại kinh hãi ấy chứ!”
“Sư Phụ 81 kia mà, sắp thành ma rồi, nên thích xem phim Kinh dị lắm”.
“Vậy thì còn chờ gì nữa! Chúng mình cùng xem phim kinh dị thôi”.
...
Thế rồi họ lao đến với nhau với bao chuyện kinh dị thật. Cùng đi cà phê, cùng đi nhà nghỉ. Cùng trốn gia đình, cùng trốn bạn Tú Oanh. Nhiều cái cùng, nhưng riêng có một điều không cùng, ấy là ông Long không cùng biết Ngư Anh chính là bạn của Tú Oanh, và Ngư Anh đã cướp trắng ông Long trong tay bạn mình.
Hôm nay, như thường lệ vào sáng sớm, tiếng tit tít báo hiệu tin nhắn đến của chiếc điện thoại di động đặt sát cái gối trên đầu giường  lại lôi Ngư Anh dậy:
“Sư phụ dậy chưa? Trời rất rét đấy!” Ông Long lại nhắn tin.
Ngư Anh co người tròn trong chăn nhắn lại:
“Dậy rồi! Nhưng rét thế thì Sư phụ lại chui vào chăn vậy”.
“Không được! Dậy tập thể dục đi. Lười thế còn đòi làm Sư phụ!”
Ngư Anh vùng dậy, ra ngồi trước gương ở bàn phấn. Cô vừa xòe hai bàn tay kéo mái tóc xù quăn mềm mại, óng ả được nhuộm mầu nâu ánh đỏ rất thời trang của mình ngược lên trên đỉnh đầu, vừa mỉm cười đắc ý, liếc mắt ngắm nghía khuôn mặt bầu bĩnh có nước da trắng hồng, cặp mắt phượng đắm đuối hơi lẳng và đôi môi căng nũng nịu của chính mình trong gương. Rồi một tay vuốt vuốt, xoắn xoắn, thả thả đùa nghịch từng lọn tóc, một tay bấm máy nhắn tin tanh tách đối đáp:
“Không Lão Bà Bà ngủ rồi say lắm. Không dậy đâu. Đợi 100 năm nữa hoàng tử đến đánh thức mới dậy để làm nàng công chúa cơ”.
“Có bùa phép của Lão Phù Thủy đây rồi. Dậy đi!”
“Đừng đánh thức Lão Bà Bà dậy kẻo tiến trình tiến hóa dở dang sẽ biến bà lão thành Quỷ Nữ vương đấy”.
“Quỷ Nữ Vương là con gì mà ghê thế?”
“À nó có ba đầu, sáu mắt, tóc toàn bằng rắn rết - Ác quỷ Meduda trong Thần thoại Hy Lạp”.
Bỗng, Ngư Anh giật mình thoảng thốt: Sao khuôn mặt phụ nữ trong gương bỗng méo mó đàng điếm nhàu nhĩ đi. Đôi mắt đang xếch lên lẳng lơ, đanh ác và dữ tợn. Cái nắm tóc đang óng ả trong tay nàng bỗng khô teo lại, quấn vào nhau như thể vừa bị quến hồ. Rồi Ngư Anh nhìn thấy ở trong gương: những ngọn tóc trên đỉnh đầu nàng thi nhau như những con rắn đang ngoằn ngoèo co quắn vào nhau, dựng lên như một cái mũ đang chụp xuống đầu nàng. 
Quá hốt hoảng, Ngư Anh chộp cả hai bàn tay lên đầu: “Tóc kết!(**) Tóc... tự kết rồi”. Những câu chuyện từ thời xa xưa nghe rất mê tín, dị đoan mà mẹ Ngư Anh kể bỗng chạy như những thước phim trong đầu nàng: Những người bị Tóc kết như keo như đá trên đầu là những đàn bà nặng căn, cao số vì nghiệp chướng hoặc tội lỗi đang phạm phải ở kiếp này quá nặng. Không có thuốc thang nào cứu chữa khỏi, chỉ có đi cúng cầu mới đỡ ốm đau. Rồi đây báo chí sẽ um xùm bêu tên nàng: Nguyễn Ngư Anh - Người  đàn bà bị Tóc kết ở Hà Nội!
Tất cả những sợi tóc trên đầu Ngư Anh dính bết cuộn nhằng nhịt vào nhau, rồi rắn đanh lại thành một khối vững chắc. Ngư Anh cố gỡ, cố dứt vài sợi ra, nhưng không thể được: Có phải nàng cũng đang phạm tội quá lớn! Cái khuôn mặt đẹp đẽ lúc nãy trong gương đã biến mất. Thế vào đó là một bộ mặt giống ác quỷ Meduda với những ngọn tóc giống những con rắn đang ngóc đầu lên thật. Ôi, nàng chết mất!
Mà đâu phải chỉ là giống mà thôi! Chẳng phải Ngư Anh cũng đang sẵn có vài ba bộ mặt? Bộ mặt chung thủy trăm phần với chồng - giả vờ như  không có gì xảy ra. Và kia, bộ mặt đàn bà vừa nãy đầy vẻ đong đưa, hoa nguyệt, với những tin nhắn đã bắt đầu chứa lửa với ông Long. Những tia lửa khiến Ngư Anh phải tha điện thoại di động vào toa lét vì sợ chồng bất thần kiểm tra. Những tia lửa khiến Ngư Anh  phải lược bớt không dám cả gan thuật lại hoàn toàn với Tú Oanh vì sợ bạn mình bị tổn thương. Và đâu? - Cái bộ mặt tri kỷ mà Tú Oanh trăm phần tin tưởng! Những mẩu than khô trong lòng Ngư Anh hôm nào hẳn đã rừng rực biến thành lò luyện ngục đang bắt đầu thiêu đốt nàng rồi sao! Có lẽ nào câu chuyện  mê tín dị đoan - Người đàn bà Tóc kết  phương Đông với ác quỷ Meduda - thần thoại phương Tây cũng có những duyên cớ từ những thực tại như nàng?
*
NGUYỄN THỊ ANH THƯ
Địa chỉ: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
65 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Email: anhthunxbhnv@gmail.com
.






  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 08.07.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét